KHỔ HẠNH LÀ MỘT HÌNH THỨC TỰ HÀNH XÁC

Tuần lễ thứ năm ngài ngồi dưới bóng cây đa (Ajjapāla) của người chăn dê, trong khi ở đó ngài suy xét đến sự từ bỏ những pháp hành khổ hạnh của ngài: “Ta đã thoát khỏi những pháp hành khổ hạnh làm đau đớn thân xác và lao khổ tâm trí. Thoát được cái pháp hành khổ hạnh không lợi ích ấy thật là một điều may mắn. Thật hoan hỷ biết bao khi được giải thoát và Giác Ngộ.”

Ma-Vương (Māra), người theo sát từng ý nghĩ và hành động của Đức Phật luôn cảnh giác để buộc tội Đức Phật khi thấy bất kỳ sai sót nào, liền nói với Đức Phật: “Ngoài những pháp hành khổ hạnh, không còn con đường nào khác để thanh tịnh các chúng sanh; Sa-môn Cồ Đàm đã rời xa con đường thanh tịnh. Trong khi vẫn còn ô nhiễm, ông lầm tưởng rằng mình đã được thanh tịnh sao.”

Đức Phật trả lời: “Tất cả những pháp hành khổ hạnh được sử dụng với quan niệm thành tựu trạng thái Bất Tử đều vô ích, không đem lại lợi ích gì nhiều, nó chỉ giống như những chiếc xe chạy ì à, ì ạch trên đất, và vô ích như đẩy sào trên bờ cát. Do hoàn toàn tin rằng chúng không đem lại lợi ích, nên ta đã từ bỏ mọi hình thức tự hành xác ấy.”

Chú giải cũng đề cập rằng những pháp hành khổ hạnh như ăn không đủ, mặc không đủ này là sự tự hành hạ mình. Khổ hạnh cực đoan là một hình thức tự hành xác cần phải được lưu ý cẩn thận ở đây để khi chúng ta bàn về nó trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta) chúng ta sẽ hiểu tốt hơn.

SUY XÉT ĐẾN VIỆC THUYẾT BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Sau khi đã trải qua bảy ngày ở bảy nơi khác nhau, Đức Phật quay trở lại chỗ cây đa của người chăn dê vào ngày thứ năm mươi. Ngồi dưới gốc cây ấy ngài suy xét “Ta nên giảng dạy pháp đến ai trước? Ai sẽ nhanh chóng hiểu được Pháp này?” Rồi điều này khởi lên nơi ngài: “Có Āḷāra Kāḷāma là bậc đa văn, thiện xảo và thông minh. Từ lâu ông ta đã là người có ít bụi phiền não trong con mắt trí tuệ. Nếu ta dạy Pháp đến Āḷāra Kāḷāma trước thì sao? Chắc chắn ông ta sẽ nhanh chóng hiểu được pháp.”

Việc Đức Phật cố gắng để tìm xem ai là người đầu tiên sẽ hiểu được lời dạy của ngài một cách nhanh chóng rất quan trọng. Mở những trung tâm thiền mới mà có được những người mộ đạo với đầy đủ đức tin, đầy đủ lòng nhiệt thành, sự cần cù, chánh niệm và thông minh là điều tối quan trọng. Chỉ những người mộ đạo có những đức tính này mới có thể thành tựu trí tuệ thể nhập một cách nhanh chóng và trở thành những tấm gương sáng cho người khác theo. Những thiền sinh thiếu đức tin, thiếu lòng nhiệt thành, cần cù, chánh niệm và thông minh hay những người mà thân và tâm yếu đuối do tuổi già khó có thể là nguồn cảm hứng cho người khác được.

Lần đầu tiên khi chúng tôi bắt đầu dạy Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, chúng tôi may mắn được khởi sự với ba người (thực ra đó là những người bà con của tôi), được phú cho các căn (tinh thần) khác thường. Họ đắc được trí biết sự sanh và diệt (Udayabbaya Ñāṇa-Sanh Diệt Trí) chỉ trong vòng ba ngày thực hành và vô cùng vui mừng với việc thấy ánh sáng cũng như những tướng có thọ hỷ và lạc đi kèm. Chính việc đạt được những kết quả nhanh chóng này là nguyên nhân cho sự chấp nhận và phổ biến rộng rãi kỹ thuật Thiền Minh Sát theo Mahāsī.

Đức Phật nghĩ đến việc dạy bài pháp đầu tiên của ngài cho ai nhanh chóng tiếp thu được nó là như vậy, nhưng khi ngài suy xét đến Āḷāra Kāḷāma, một vị chư thiên đã nói với ngài, “Bạch Thế Tôn, Āḷāra Kāḷāma đã qua đời bảy ngày trước.” Lúc đó trí khởi lên cho Đức Phật, (và ngài) thấy rằng Āḷāra Kāḷāma đã qua đời bảy ngày trước và nhờ chứng thiền ông đã sanh về cõi Phạm Thiên Vô Sở Hữu Xứ (Akincaññāyatana Brahma…Cõi Phạm Thiên Vô Sắc).

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app