ĐỨC BỒ TÁT KHI CÒN Ở CUNG ĐIỆN – NGÀY THUYẾT KINH

Phần giới thiệu này thiếu mất ngày thuyết kinh xác định. Trong các bài Kinh khác, ngày (thuyết) chỉ được đề cập đơn giản như “Một Lần Nọ” hay “Một Thời” mà thôi. Một dữ liệu chính xác theo thứ tự thời gian như năm, tháng, và ngày mà mỗi bài Kinh được thuyết chắc chắn sẽ rất hữu ích. Nhưng những chi tiết theo thứ tự thời gian xem ra sẽ là một sự phiền toái cho việc ghi nhớ và tụng đọc Kinh Điển. Vì vậy đặt một ngày chính xác cho mỗi bài Kinh không phải là dễ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tính toán được ngày thuyết chính xác bài Kinh Chuyển Pháp Luân này bởi vì nó là bài Pháp Đầu Tiên của Đức Thế Tôn và cũng bởi vì việc tham khảo có thể được thực hiện trên những chứng cứ nội tại do các bài Kinh khác và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) cung cấp… Đức Phật đạt đến sự giác ngộ tối thượng vào đêm Rằm tháng Tư. Kế tiếp Ngài giảng Kinh Chuyển Pháp Luân này vào chiều tối ngày Rằm tháng Sáu sau đó. Đức Phật nhập Niết-Bàn tính đến nay là 2555 năm. Cộng với 45 năm hoằng pháp trước khi Niết Bàn, tổng cộng sẽ là 2600 năm. Như vậy chính vào Canh Đầu của đêm Rằm tháng Sáu, 2600 năm trước bài Pháp Đầu Tiên này đã được Đức Thế Tôn thuyết (phần này người dịch đã sửa lại theo lịch của VN).

Vườn nai, nơi các con nai được người ta cho một nơi ẩn náu, trước đây chắc hẳn phải là một khu rừng với những chú nai lang thang đây đó một cách vô hại. Tuy nhiên, hiện nay vùng này đã cạn hết những cây rừng và trở thành một nơi khoáng đãng với những thửa đất canh tác chung quanh nơi cư trú của con người. Thuở xưa, chư Phật Độc Giác trên Núi Gandhamādana thường du hành qua hư không bằng năng lực thần thông và đáp xuống vùng đất biệt lập này. Chư Phật Chánh Đẳng Giác xưa kia cũng vậy, bay đến đây bằng năng lực thần thông và hạ xuống tại địa điểm này để thuyết giảng bài Pháp Đầu Tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân). Chính vì thế mà nơi đây có tên là nơi ẩn dật hay nơi Lai Vãng của các bậc Thánh (HT Minh Châu dịch là nơi Chư Tiên Đoạ Xứ).

Phần giới thiệu của bài kinh còn nói rằng Đức Thế Tôn đã thuyết bài Pháp Đầu Tiên này cho nhóm năm vị Tỳkheo khi ngài đang trú tại vườn Bảo Tồn Nai trong thị tứ của Benares. Đó là tất cả những thông tin mà chúng ta có thể có được từ lời giới thiệu được xem là nghèo nàn và không đầy đủ. Phần giới thiệu này tất nhiên cần phải soạn thảo tỉ mỉ hơn nữa, vì thế chúng tôi dự định cung cấp một ít thông tin bằng cách rút tỉa những tài liệu từ một số bài kinh khác.

BA LOẠI GIỚI THIỆU

Sự giới thiệu cho một bài kinh thường được giải thích là vì lợi ích của ai hay vì lợi ích gì Đức Phật dạy bài kinh này. Có ba loại giới thiệu:

  1. Cách giới thiệu đưa ra câu chuyện bối cảnh ở quá khứ xa xăm. Cách này cung cấp một sự giải thích về đức Bồ Tát, vị Phật tương lai, đã hoàn thành các ba-la-mật đòi hỏi phải có của một vị phát nguyện thành Phật, bắt đầu từ thời điểmđược Đức Phật Nhiên Đăng (Dipaṅkarā) thọ ký cho đến lúc ngài tái sanh làm thiên tử Setaketu, vua của các vị chư thiên trên cõi trời Đâu-Suất (Tusitā) như thế nào. Ở đây chúng ta không cần và cũng không có thời gian để đề cập nhiều về câu chuyên bối cảnh ở quá khứ xa xăm này. 
  2. Cách giới thiệu đề cập đến câu chuyện bối cảnh ở giai đoạn trung gian. Cách này chủ yếu đề cập đến việc giải thích những gì đã xảy ra từ khi đức Bồ Tát tái sanh trên cung Trời Đâu-Suất đến khi chứng đắc Toàn Giác trên Bồ Đoàn Trí Tuệ. Chúng tôi sẽ chú ý đến cách giới thiệu này ở một mức độ đáng kể nào đó.
  3. Cách giới thiệu nói về quá khứ gần nhất, ngay trước khi dạy bài Kinh Chuyển Pháp Luân này. Đây là những gì chúng ta biết được từ lời tuyên bố “Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn…” đã dẫn ở trên.

Bây giờ chúng tôi sẽ đề cập đến những tài liệu có liên quan rút ra từ loại giới thiệu thứ hai. Những dữ liệu của chúng tôi được rút ra từ Kinh Sukhumāla của Ṭika nipāta, Tăng Chi Bộ Kinh; Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana Sutta) và Đại Kinh Saccaka (Mahāsaccaka Sutta), của Mūlapaṇṇāsa; Kinh Bodhirājakumāra và Kinh Sangārava của Majjhimapaṇṇāsa; Kinh Pabbajjā, Kinh Padhāna của Suttanipāta và nhiều bài Kinh khác.

 ĐỨC BỒ TÁT VÀ NHỮNG LẠC THÚ TRẦN GIAN

Sau khi đức Bồ-tát mạng chung từ Cung Trời Đâu Suất, ngài nhập vào lòng bà Ma-gia (Mahāmāyā Devī), Chánh Cung Hoàng Hậu của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) xứ Ca-tỳla-vệ (Kapilavatthu). Bồ-tát sanh hôm thứ Sáu ngày Rằm tháng Tư, trong khu rừng cây Sa-la khả ái gọi là Vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbinī) và được đặt tên là Sĩ-đạt-đa (Siddhattha). Năm mười sáu tuổi, ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-la (Yasodayā Devī), con gái của Suppabuddha, Vua xứ Devadaha. Sau đó, vây quanh bởi bốn mươi ngàn thị nữ, ngài sống trong sự sa hoa tráng lệ, hưởng thụ những lạc thú của bậc đế vương.

Trong khi đang mê đắm dục lạc giữa những sa hoa và tráng lệ như vậy, thì một ngày kia ngài cùng với đoàn tuỳ tùng có dịp đi ra ngoài hoàng cung đến vườn thượng uyển để dự một bữa yến tiệc và lễ hội. Trên đường đi, cảnh người già yếu, hom hem đã khiến cho tâm ngài chấn động và ngài vội vàng lui gót trở lại hoàng cung. Lần thứ hai, khi ngài có dịp đi ra ngoài, ngài đã thấy một người bệnh và cũng quay trở lại trong tâm trạng hoang mang cực độ. Khi đi dạo lần thứ ba, ngài thực sự bối rối khi thấy một người chết và cũng vội vàng lui gót. Những hoang mang và bối rối tác động trên Đức Bồ-tát này đã được mô tả trong Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana Sutta).

 PHI THÁNH CẦU

Đức Bồ-tát suy xét như vầy: “Trong khi tự mình bị già lại đi tìm cầu, mong mỏi cái bị già là điều không thích hợp. Và cái gì phải chịu già? vợ và con; đầy tớ nam, đầy tớ nữ; dê và cừu; gà và heo; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái; vàng và bạc, tất cả những dục trần và xa hoa, hữu tình và vô tình đều phải chịu già. Trong khi tự mình phải bị già, lại mong mỏi những đối tượng của dục lạc này, để bị bao vây và nhận chìm trong đó thì thật là không thích hợp.”

“Tương tự, thật là một điều không thích hợp, trong khi tự mình phải chịu bệnh và chết, lại đi tìm cầu, mong mỏi những dục trần vốn phải chịu bệnh và chết như vậy. Chạy theo những cái phải chịu già, bệnh và chết (những cái không thích hợp) tạo thành Phi Thánh Cầu (Anariyapariyesana).”

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app