Cận sự nam Mahādhammika

Vào thời kỳ đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi; và chư Tỳ khưu Tăng cũng vậy, thọ nhận sự giáo huấn chỉ dạy của đức Phật rồi cùng nhau chung sống thực hành giới-định-tuệ tại trong ngôi chùa Jetavana ấy.

 

Ngôi chùa Jetavana tính theo diện tích, rộng lớn hơn 4,561 acre: mẫu Anh (~1,800 ha); thí chủ cúng dường ngôi chùa là phú hộ Anāthapiṇḍika. Ông ta khi xây dựng ngôi chùa vào thời kỳ đó hết 54 tỷ đồng tiền vàng (có thể tương đương 54 tỷ Mỹ kim bây giờ), trong đó tiền mua đất hết 18 tỷ, tiền xây dựng hết 18 tỷ và tiền làm lễ khánh thành cũng hết 18 tỷ. Chư Tỳ khưu Tăng có đức Phật làm Bậc thượng thủ đã sống rất hoan hỷ, an lạc tại ngôi chùa này.

Ngôi chùa Jetavana quả thật đúng là vùng đất phong thủy địa linh. Bởi nơi đây, trong quá khứ cũng đã từng được đức Phật Kakusandha, đức Phật Koṇāgamana, đức Phật Kassapa và nay là đức Phật Gotama chọn làm nơi xây dựng ngôi chùa để cư ngụ lâu dài và phát triển giáo pháp của các Ngài. Vì vậy, vùng đất thời ấy của ngôi chùa Jetavana có thể nói rằng là vùng đất phong thủy địa linh của Phật giáo vậy.

Để hộ độ cúng dường tứ vật dụng hằng ngày đến đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng thường xuyên cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, tại kinh thành Sāvatthi đã thành lập một hội, gọi là hội “cận sự nam Dhammika”. Trong hội chúng ấy, có 500 hội trưởng của các chi hội thành viên. Theo như sự thành lập kết hội, mỗi chi hội trưởng lại có 500 hội viên thông thường, như vậy tổng cộng hội cận sự nam Dhammika có tất cả là 250 ngàn hội viên (250.000). Người đứng đầu, Hội trưởng của hội ấy là ông Mahādhammika Upāsaka (cận sự nam Mahādhammika).

Công việc của hội ấy như sau:

  1. Cúng dường cháo theo thẻ bài (tem phiếu).
  2. Cúng dường cơm nước theo thẻ bài (tem phiếu).
  3. Cúng dường cơm theo tuần trăng lên và tuần trăng xuống (mỗi nửa tháng).
  4. Thỉnh mời cúng dường cơm nước vật thực trai Tăng.
  5. Cúng dường cơm nước vật thực vào các ngày giới Uposatha (ngày 8-15-23-30 (29) Âm lịch hàng tháng).
  6. Cúng dường cơm nước vật thực đến các vị Tỳ khưu khách.
  7. Cúng dường cơm nước vật thực đến các vị Tỳ khưu thường trú.
  8. Cúng dường y tắm mưa, y trước khi chư Tỳ khưu an cư nhập hạ.

Hội cận sự nam Dhammika đã rất nỗ lực cố gắng trong 8 phận sự cao quý ấy của mình để hộ độ, cúng dường đến đức Phật và chư Tỳ khưu Tăng sống được an lạc hoan hỷ. Trong việc gánh vác những phận sự ấy, tất cả các hội viên ai ai cũng với năng lực có thể, ngoài việc vừa tự chính mình cúng dường; lại vừa khuyến khích, động viên những thiện tín khác cũng cúng dường theo khả năng của họ. Với cách thức như vậy, hội cận sự nam Dhammika đã làm tròn phận sự gánh vác trách nhiệm cần phải làm của hàng tại gia cư sĩ, đó là hộ độ 4 thứ vật dụng (paccayānuggaha) thiết yếu đến đức Phật và chư Tỳ khưu Tăng, vì sự lợi ích giữ gìn, duy trì và phát triển giáo pháp của đức Phật lâu dài trên thế gian này.

Trong thời đại ngày nay, đối với những ngôi chùa lớn tại đất nước Myanmar cũng có những thiện tín, tùy theo ngôi chùa mình gần gũi thân cận mà lập những hội, nhóm để hộ độ cúng dường đến chư Tăng đang tu học tại ngôi chùa ấy; điều này có thể nói rằng đó là họ đã học theo từ tấm gương hộ độ cúng dường của hội cận sự nam Dhammika có từ thời đức Phật đang còn tại thế vậy. Tuy nhiên, tại sao phải đem hết năng lực của cải, sức khỏe và cả trí tuệ ra để hộ độ cúng dường như vậy? Đây là một câu hỏi cần thiết phải hỏi vậy.

Con người sau khi được sinh ra đời, kể từ khi bắt đầu có hiểu biết đã tìm kiếm hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh, vắng lặng đúng đắn chân thật. Và họ đã tìm chúng từ trong của cải tài sản; cũng như đã tìm chúng từ trong địa vị chức tước; lại cũng như đã tìm chúng từ trong thơ văn sách vở; và cũng tìm chúng từ trong sự nổi tiếng lẫn uy quyền; đã tìm trong tất cả những nơi có thể tưởng như sẽ đạt được, với tâm lý sắp gặp, sắp nắm bắt được nơi có sự hiện hữu của chúng vậy.

Tuy vậy, không thể gặp được chúng trong bất cứ nơi nào có hiện hữu ở thế giới bên ngoài, mặc dù không gặp được, nhưng vẫn không thoái chí, tâm không buông bỏ, với niềm hy vọng rằng “rồi sẽ gặp”, nên cứ tìm mãi cho đến lúc kết thúc cuộc đời. Chỉ có cuộc đời đến lúc kết thúc chứ sự tìm kiếm chưa thể kết thúc và gặp thì cũng chưa thể gặp chúng được. Đến cuối cùng cũng đã không thể quyết định được chắc chắn điều gì, lại còn phân vân rằng có phải điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật, cả 3 điều này chúng nằm ngoài tầm với, mong ước chỉ là sự mong ước thôi sao?

Đức Phật thuyết giảng dạy rằng con người nếu muốn gặp được, chứng nghiệm được điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật, thì phải tìm chúng ngay trên chính thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” của mình mà thôi.

Theo như lời thuyết giảng chỉ dạy ấy của đức Phật, chư vị Tỳ khưu đã thực hành tìm kiếm và đã gặp được những điều đúng đắn chân thật đó ở tận nơi cuối cùng thuộc thân thể tổng hợp 5 nhóm của chính mình. Khi ấy, chư vị Tỳ khưu Tăng đã nối tiếp truyền thừa lại y theo những gì mà mình đã tìm gặp được cho nhau. Như vậy, cho đến khi nào vẫn còn sự truyền thừa tiếp nối ấy, thì giáo pháp của đức Phật sẽ vẫn còn duy trì trường tồn trên thế gian này. Do đó, để giáo pháp của đức Phật được tồn tại bền vững lâu dài thì chư Tỳ khưu Tăng vẫn là chính yếu và là thành phần quan trọng nhất. Cho nên, những cận sự nam-nữ đã thành lập các hội đoàn như hội chúng cận sự nam Dhammika, đem hết năng lực của cải, công sức và trí tuệ với tâm hoan hỷ phấn khởi, không chán nản để hộ độ cúng dường 4 thứ vật dụng thiết yếu (y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh) đến chư Tỳ khưu Tăng vậy. Đây chính là lời giải đáp tại sao các hội chúng, đoàn thể, các nhóm của các thiện tín có đức tin trong lành trong Phật giáo này, như hội chúng cận sự nam Dhammika, tất cả cùng hộ độ cúng dường 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng vậy.

Hội trưởng hội cận sự nam Dhammika, ông cận sự nam Mahādhammika cùng tất cả hội viên khi chưa được nghe pháp từ đức Phật và từ các bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đức Phật, tuy họ cũng đã tìm kiếm điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật bằng các phương pháp như bao người khác, nhưng đã không biết những điều đó có ở nơi nào. Những điều đúng đắn chân thật ấy có trên chính thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha của mình, nhưng ngay đến cả thân thể ấy cũng đã không thấy biết rõ được nó là tổng hợp 5 nhóm khandha (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Bởi vì thậm chí ngay cả đến chế định (paññatti) và nghĩa cao thượng, chân thật (paramattha) cũng đã không biết phân biệt được; cho nên đã tìm kiếm quanh quẩn chỉ ở trong ranh giới chế định, nơi hoàn toàn không có điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật. Và khi chỉ tìm kiếm ở trong ranh giới của chế định ấy, nơi không có những điều đúng đắn chân thật, nên chỉ có thể gặp được điều hạnh phúc an lạc giả tạm; tri kiến giả tạm, sai lệch và sự an tịnh, vắng lặng giả tạm mà thôi.

Kể từ khi được nghe pháp từ đức Phật và Thánh chúng, họ đã biết được những điều an lạc giả tạm; tri kiến giả tạm, sai lệch và sự an tịnh, vắng lặng giả tạm ấy là nguyên nhân sẽ lừa dối gạt gẫm, sẽ lôi kéo dụ dỗ rồi dẫn dắt, đưa đẩy chính họ đến với sự lo lắng, khổ thân, khổ tâm, khóc than mà thôi. Do có lời giáo huấn chỉ dạy của đức Phật và Thánh chúng, cho nên cận sự nam Mahādhammika, Hội trưởng hội cận sự nam Dhammika và tất cả hội viên giờ đây đã thấy biết phân rõ biệt được thật-giả, đúng-sai; và biết phân biệt rõ được “paññatti: chế định, quy ước” và “paramattha: nghĩa cao thượng, (không biến đổi)”.

Cận sự nam Mahādhammika, Hội trưởng hội cận sự nam Dhammika và tất cả hội viên đã thấy biết rõ được sự thật chơn chánh đúng đắn rằng: “Trong thế gian này chỉ có điều chân thật cao thượng (không biến đổi, không phải không sinh-diệt) mới là điều có thật đúng đắn; theo như quy luật diễn tiến nhân quả tương quan, những gì luôn luôn sinh-diệt tạo tác thay đổi trong từng khoảnh khắc (khaṇa: sát-na), thì chỉ có điều chân thật cao thượng ấy mới có tính chất đó mà thôi; còn chế định, quy ước nghĩa là nó duy chỉ có thể đặt tên để gọi, để nói về điều chân thật cao thượng ấy, chứ không thể có tính chất sinh-diệt. Do đó, đúng thật sự ra không có con người, chúng sinh. Cho nên, nếu với tính chất là con người, chúng sinh (linh hồn thường hằng), rồi tìm kiếm điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật, dù ngay trên chính thân thể tổng hợp 5 nhóm này đi nữa, thì dù bất cứ khi nào cũng không thể thấy, không thể gặp được; tại sao vậy? Tại vì, theo khái niệm con người, chúng sinh thì mang tính chất “atta: cái tôi, cái ta”, và vì ngay bản chất của cái tôi, cái ta ấy nó đã là cái có tính chất “không có thật”, mà cái có tính chất không có thật ấy lại đi tìm một cái tính chất có thật thì không thể nào tìm thấy được vậy; v.v… và v.v….”

Họ không phải là hạng phàm nhân si mê (andhaputhujjana) nữa, họ đã giải thoát khỏi cuộc đời phàm nhân si mê ấy rồi. Sự giải thoát khỏi từ cuộc đời phàm nhân si mê ấy, chính là điểm khởi đầu đưa họ đến cánh cửa trên con đường đi đến sự thật chân lý của bậc Thánh (ariyasacca), nơi có thể tìm ra được điều hạnh phúc an lạc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật vậy.

Nếu quả thật đi đúng theo con đường ấy cho đến đích cuối cùng của hành trình đối với mỗi người, thì chắc chắn sẽ gặp được điều mà mọi người ai cũng mong muốn đó là những điều đúng đắn chân thật ấy. Đây là điều họ thấy biết được là do nhờ ân đức lớn lao của đức Phật và Tăng chúng đệ tử của đức Phật vậy. Do đó cho nên, các hội viên của hội cận sự nam Dhammika đã quyết định một cách chắn chắn rằng, dù cho không có thể trả hết những ân đức cao thượng ấy, nhưng quyết tâm sẽ tận tâm tận lực hết khả năng có thể suốt cả cuộc đời mình để hộ độ cúng dường đến Tam Bảo.

Ông hội trưởng, cận sự nam Mahādhammika trong hội cận sự nam Dhammika ấy, có 7 người con trai và 7 người con gái. Gia đình ông Hội trưởng cả thảy có 16 người gồm 2 vợ chồng ông ta và 14 người con. Vì gia đình của ông ta ai cũng thực hiện đầy đủ bổn phận và trách nhiệm của mình theo truyên thống tốt đẹp, nên xem ra gia đình họ sống với nhau rất hòa thuận, an lạc, hạnh phúc. Cha mẹ đối với con cái luôn làm tròn 5 bổn phận căn bản là:

  1. Ngăn cản các con làm những việc xấu-ác.
  2. Chỉ dạy các con làm những việc thiện-tốt.
  3. Nhắc nhở con học hành, có nghề nghiệp chơn chánh.
  4. Phân chia của cải tài sản thừa kế đúng lúc, xứng đáng.
  5. Lo việc cưới hỏi khi các con đã trưởng thành.

Những người con của họ đối với cha mẹ mình cũng luôn làm tròn 5 bổn phận căn bản sau:

  1. Luôn luôn cung kính phụng dưỡng cha mẹ.
  2. Biết làm thay những công việc của cha mẹ.
  3. Xứng đáng là những người thừa kế tài sản, truyền thống của cha mẹ.
  4. Duy trì dòng giống, nối dõi tông đường của tổ tiên.
  5. Biết làm phước để hồi hướng khi cha mẹ đã khuất bóng.

Lại nữa, ông cận sự nam Mahādhammika đối với người vợ của mình cũng đã luôn luôn làm tròn bổn phận và trách nhiệm căn bản sau:

  1. Không bao giờ xem thường, khinh rẻ vợ.
  2. Giao phó của cải tài sản cho vợ cất giữ.
  3. Sống chung thủy với vợ.
  4. Mua tặng vợ những trang sức, y phục, v.v….
  5. Luôn luôn yêu quý vợ.

Và ngược lại, người vợ ông cận sự nam Mahādhammika đối với chồng mình cũng luôn làm tròn những bổn phận và trách nhiệm căn bản là:

  1. Chăm lo công việc nội trợ gia đình.
  2. Biết giữ gìn của cải tài sản mà chồng đã giao phó.
  3. Sống luôn chung thủy với chồng.
  4. Biết tiếp đãi, biếu tặng hợp lý cho 2 bên thân quyến nội ngoại.
  5. Không dể duôi lười biếng.

Do vậy cho nên, thời đức Phật còn tại thế, gia đình ông cận sự nam Mahādhammika, Hội trưởng hội cận sự nam Dhammika là một gia đình gương mẫu trong việc thực hiện nếp sống gia đình có truyền thống văn hóa tốt đẹp, một gia đình sống hạnh phúc an lạc đúng nghĩa.

Với vai trò là gia đình của người Hội trưởng, nên họ rất tinh tấn hoan hỷ trong trách nhiệm và phận sự làm 8 công việc cao thượng của hội cận sự nam Dhammika. Lúc này, ông cận sự nam hội trưởng đã không còn thuộc hạng phàm nhân si mê nữa (andhaputhujjana) nữa, mà đã trở thành bậc thiện trí phàm nhân (Kalyāṇaputhujjana) rồi. Cho nên, ông ta đã biết bố thí (dāna), biết giữ giới hạnh (sīla), biết thực hành phát triển thiền định-thiền tuệ (bhāvanā).

Đối với một vị Thiện trí phàm nhân, vì đã hiểu biết được quy luật của nghiệp (kammaniyāma), nên luôn rất cố gắng, nỗ lực để kiểm soát, điều khiển nó. Với tính chất “chỉ có nghiệp là tài sản riêng, nghiệp chính là mẹ (sinh ra ta), nghiệp chính là cha (nương nhờ của ta)”, tuy nhiên họ không muốn đặt để cuộc đời mình vào trong bàn tay của “nghiệp” ấy. Đối với họ, bậc Thiện trí phàm nhân, tuy quả đúng là “chỉ có nghiệp là tài sản riêng”, nhưng với cách thấy biết mới thì “trí tuệ chính là mẹ (sinh ra ta), trí tuệ chính là cha (nơi nương nhờ)” chứ không còn nghiệp chính là mẹ, nghiệp chính là cha” nữa, khi ấy mới có thể khiến cho “nghiệp phải theo mong muốn của mình”, nên đã biết cách đặt để cuộc đời mình vào trong bàn tay của trí tuệ vậy.

Khi chưa được nghe những lời thuyết giảng về pháp bảo từ đức Phật và các bậc Thánh Thanh văn, với thân phận là hạng phàm nhân si mê, nên bố thí, giữ giới, hoặc thực hành thiền cũng không làm được. Do vậy, khi ấy sẽ tự động rơi vào trong bàn tay của nghiệp. Cho nên dù có bố thí, có giữ giới, có hành thiền đi chăng nữa thì cũng đưa cái tôi, cái ta ra trước, lên trên hết và do đó chỉ làm những việc ấy vì sự mong muốn được hưởng hạnh phúc an lạc trong sinh tử luân hồi mà thôi. Cho nên phải chịu sự chi phối, quẳng bỏ của nghiệp ấy, đến nỗi dù chư Phật Toàn Giác ra đời nhiều hơn số cát sông Gaṅga vẫn không có duyên lành trong lưới tế độ của các Ngài. Bởi vì đã không biết được rằng theo quy luật của nghiệp, thì chính mình có thể kiểm soát, điều khiển được nghiệp ấy; nên mới bị nghiệp điều khiển, chi phối ngược lại mình, trong khi chính mình đã không thể kiểm soát, điều khiển được nó.

Và khi ấy, cuộc đời của hạng phàm nhân si mê giống như lá vàng trong mùa thu ở khu rừng cây Lá Phong vậy. Những chiếc lá vàng ấy nếu mỗi khi gió hướng Nam thổi đến thì nó sẽ rơi rụng về phương Bắc; còn nếu gió từ hướng Bắc thổi đến thì nó sẽ rơi rụng về phương Nam. Gió lại bất định, nó muốn thổi từ hướng nào thì thổi, dù thổi từ hướng nào đi nữa thì những chiếc lá vàng cũng phải rơi rụng theo đường đi của cơn gió thổi đến ấy mà thôi. Trong sự rơi rụng ấy, không có sự quy ước nhất định nào, gió thổi đi đâu thì rơi rụng theo vậy thôi. Cho nên, cũng có thể có những chiếc lá vàng rơi rụng trên mặt đất; cũng có thể có những chiếc lá vàng rơi rụng xuống vực sâu; và lại cũng có thể rơi rụng vào nơi sạch sẽ; hoặc cũng có thể rơi rụng vào nơi nhơ bẩn.

Cũng giống như cách thức ấy, những hạng phàm nhân si mê khi làm việc, tạo nghiệp đã không những không hướng đến vì sự đoạn diệt cuộc đời sinh tử với tác ý, hướng tâm đến sự thật chỉ là tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), cũng như sự thật chỉ là sự sinh khởi tuần tự theo nhân-quả của nó, hoặc sự thật chỉ là tính chất luôn luôn sinh-diệt không ngừng nghỉ; mà lại còn chỉ vì hướng đến sự sinh khởi phát triển đời sống sinh tử này, rồi với sự nhớ biết sai lệch (saññāvipallāsa: tưởng biết nghịch đảo), hiểu biết sai lệch (cittavipallāsa: tâm biết nghịch đảo) và tri kiến sai lệch (diṭṭhivipallāsa: thấy biết nghịch đảo), vì vậy mới tạo tác, hành động, với việc đưa “cái tôi, cái ta” (atta) không có thật ra trước, lên trên hết; cho nên nghiệp ấy trở thành như những cơn gió bất định vậy. Do đó, cuộc đời của hạng phàm nhân si mê, hôm nay tuy ở địa vị Đế Vương nhưng ngày mai lại có thể trở thành tù nhân. Ở các cõi chư thiên và cõi Phạm thiên cũng giống y như vậy; hôm nay tuy ở địa vị Thiên Vương và Phạm thiên Vương, nhưng ngày mai có thể rơi vào 4 cõi khổ. Cho nên các bậc Thiện trí tiền nhân đã đúc kết “khi ở cõi Phạm thiên tỏa sáng, lúc bên máng lợn tối tăm” (lên voi xuống chó) là vậy. Vì thế mà có thể nói, đối với cuộc đời không cố định như vậy của hạng phàm nhân mê mờ, nên rất hỗn độn rơi rớt vào chỗ nào thì rơi rớt. Tính chất này trong kinh tạng Pāḷi gọi là sự nguy hiểm “vinipātikā: rơi vào 4 cõi khổ, rơi vào nơi vô định”; và cũng gọi là “aniyatagati: muốn sinh khởi sao thì sinh khởi không nhất định gì cả”. Có sự sinh khởi vô định đó là do vì không biết được quy luật của nghiệp, nên đã không kiểm soát, điều khiển được nghiệp ấy vậy. Thật ra chỉ khi có trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh mới có thể kiểm soát, điều khiển được nghiệp mà thôi vậy.

Ông cận sự nam Mahādhammika biết rõ phương pháp có thể kiểm soát, điều khiển được nghiệp. Vì vậy, dù là trong việc bố thí cúng dường, hay trong việc giữ gìn giới hạnh, hay trong việc thực hành phát triển pháp thiền, đều làm với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh mà thôi. Trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh đó chính là trí tuệ vì sự giải thoát khỏi khổ trong sinh tử luân hồi mà cắt đứt nghiệp vậy. Bởi vì chỉ khi cắt đứt nghiệp thì mới chấm dứt được cuộc đời, kiếp sống; mỗi khi vẫn còn nghiệp thì sẽ cho quả tái sinh tùy theo mỗi kiếp sống, mỗi cuộc đời. Cho đến khi nào chưa chấm dứt được cuộc đời, kiếp sống thì không thể giải thoát khỏi sinh tử luân hồi vậy. Điều quan trọng trong việc cắt đứt nghiệp đó chính là thực hành với chánh kiến thấy biết đúng, để làm cho mỏng dần rồi đưa đến cuối cùng đoạn diệt tận gốc rễ tham ái có tính chất đắm say, bám víu trong cuộc đời, hay còn gọi là sự thật chân lý nhân sinh khổ của bậc Thánh.

Để có thể thực hành những điều đó với tri kiến chơn chánh thì cần phải tự chính mình thấy biết rõ trạng thái vô thường, khổ, vô ngã trong những tâm tính, sắc thân nơi thân thể 5 nhóm tổng hợp xây dựng nên cuộc đời, kiếp sống này. Khi thấy biết rõ về vô thường, sẽ xa lìa được ngã mạn (māna); khi thấy biết rõ về khổ, sẽ xa lìa được tham ái (taṇhā); khi thấy biết rõ về vô ngã, sẽ xa lìa được tri kiến sai lệch (diṭṭhi). Bởi thật ra tham ái, ngã mạn, tri kiến sai lệch chính là những pháp (tính chất) cầm đầu, dẫn dắt các phiền não khác. Vì vậy, khi xa lìa được tham ái, ngã mạn, tà kiến thì lẽ dĩ nhiên sẽ xa lìa được các phiền não còn lại; khi ấy sẽ dập tắt được sự thiêu đốt nóng nảy của các phiền não, và cũng là lúc có được sự an tịnh vắng lặng đúng đắn chân thật vậy. Bởi vì tự chính mình thấy biết rõ vô thường, khổ, vô ngã nên xa lìa được tri kiến sai lệch (vipallāsa: thấy biết nghịch đảo); khi ấy do không còn thấy biết sai lệch nữa, nên có được sự thấy biết tri kiến chơn chánh đúng đắn. Một khi có được sự thấy biết chơn chánh đúng đắn cũng là lúc thấy biết rõ những gì liên quan đến cuộc đời như của cải tài sản,… chỉ là sự an lạc hạnh phúc tạm bợ, giả dối; và chính trong nơi ấy sẽ thấy biết, thực chứng được sự an lạc hạnh phúc chơn chánh đúng đắn. Đây là phương pháp kiểm soát điều khiển nghiệp với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh vậy. Chính ông cận sự nam Mahādhammika đã biết rõ được phương pháp này.

Chỉ khi biết được phương pháp kiểm soát, điều khiển được nghiệp, thì khi ấy mới thoát khỏi sự nguy hiểm “vinipātikā: rơi vào 4 cõi khổ” đối với cuộc đời, kiếp sống của mình giống như chiếc lá vàng trong khu rừng cây Phong bị bay theo chiều gió ấy; rồi mới có thể đạt được từng bậc từng bậc càng lúc càng cao dần lên trong sự hạnh phúc an lạc, thấy biết và an tịnh vắng lặng chơn chánh đúng đắn. Ông cận sự nam Mahādhammika kể từ khi có được trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh để có thể kiểm soát, điều khiển được nghiệp từ đức Phật và chư bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đức Phật, với trí tuệ đó ông ta đã làm việc bố thí cúng dường, giữ gìn giới hạnh, thực hành phát triển thiền. Và khi ấy ông ta không còn giống như chiếc lá vàng trong khu rừng cây Phong nữa, mà càng ngày càng giống với tảng đá cứng cáp chắc chắn hơn.

Trong bài kinh Ratana có dạy rằng: “Cuộc đời của bậc Thánh Nhập Lưu có sự vững chắc, cũng giống như cột trụ bằng đá được chôn sâu xuống lòng đất, dù cho những trận cuồng phong hay lốc xoáy thổi đến cũng không thể nào lay động vậy”. Ông cận sự nam Mahādhammika tuy chưa đạt đến bậc Thánh Nhập Lưu nhưng đã trở thành một bậc Thiện trí phàm nhân trong đời. Vì vậy, ông ta với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh nên đã có thể kiểm soát, điều khiển được nghiệp. Và cho đến khi nào còn kiểm soát, điều khiển được nghiệp, thì cuộc đời của ông ta càng ngày càng giống với cột trụ đá, cho nên nó có được tính chất có thể quyết định rằng “sẽ chỉ có cuộc đời nơi thiện giới” mà thôi. Điều này trong Pāḷi gọi là “niyatagati: cõi giới tái sinh cố định, chắc chắn được nơi đến”. 

Một hôm, ông cận sự nam Mahādhammika lâm bệnh, sức khỏe ông ta không được tốt, nên bệnh tình càng ngày càng trầm trọng thêm. Mặc dù đã được các lương y tài giỏi tận tình chữa trị nhưng tình trạng bệnh đã đến nước không thể chữa khỏi được nữa. Đến khi ấy, mới sai bảo người đến trình bạch đức Phật xin Ngài cho phép được cung thỉnh chư Tỳ khưu đến nhà; đức Phật thể theo lời thỉnh cầu ấy đã dạy bảo các vị Tỳ khưu đi đến thuyết giảng, đọc tụng Pháp bảo (kinh) cho cận sự nam Mahādhammika, đang lâm trọng bệnh được nghe và hoan hỷ. 

Sau khi chư Tỳ khưu đến bên cạnh bên giường của cận sự nam Mahādhammika, ông ta đã cung thỉnh chư Tỳ khưu ấy thuyết giảng, đọc tụng về Kinh tạng. Thể theo lời thỉnh cầu ấy, chư Tỳ khưu đã thuyết giảng, đọc tụng lại bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít, vững chắc). Đối với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh thì bài pháp, bài kinh Satipaṭṭhāna (Chánh niệm khắng khít) là thích hợp nhất vậy.

Ông cận sự nam khi đang nghe pháp, nghe kinh Satipaṭṭhāna thì đồng thời cũng quán xét trạng thái, tính chất sinh-diệt của những điều sinh khởi lên ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm, theo phương pháp hành trì chánh niệm khắng khít ấy. Nếu một khi sắc pháp nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi sắc pháp ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của sắc pháp ấy. Nếu một khi cảm thọ, cảm giác nào sinh khởi lên thì sẽ để ý, chánh niệm nơi cảm thọ, cảm giác ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của cảm thọ ấy. Nếu một khi tâm suy nghĩ sinh khởi lên, bất kể là tâm gì, có thể là tâm thiện hoặc cũng có thể tâm bất thiện, tâm nào thì tâm đều sẽ để ý, chánh niệm tâm ấy rồi quán xét nguyên nhân, trạng thái sinh-diệt của tâm ấy. Những tâm sở, thành phần còn lại của tâm, khi chúng sinh khởi lên cũng đều được quán xét với sự để ý, chánh niệm để thấy biết rõ trạng thái sinh-diệt của chúng. Ngay khi ấy, ông ta tự chính mình thấy biết rõ nguyên nhân và trạng thái sinh-diệt của những sắc (thân), thọ, tâm, pháp đanh sinh khởi ngay chính trên thân thể tổng hợp 5 nhóm (khandha) của mình.

Trong sự sinh-diệt liên tục không ngừng nghỉ ấy, khi thấy biết rõ được sự sinh là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm chết rồi là hết (ucchedadiṭṭhi: đoạn kiến, tri kiến chết rồi là hết); khi thấy biết rõ được sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm kiếp này sao kiếp sau vậy (sassatadiṭṭhi: thường kiến, tri kiến loài gì chết đi sinh lại làm loài đó, không bao giờ thay đổi, người âm, cõi âm); khi thấy biết rõ được cả sự sinh lẫn sự diệt là xa lìa được nhận thức hiểu sai chấp lầm có linh hồn trong thân thể tổng hợp 5 nhóm này (sakkāyadiṭṭhi: ngũ uẩn tà kiến; tri kiến cho rằng trong thân thể tổng hợp 5 nhóm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức này có linh hồn ‘atta: cái tôi, cái ta thường hằng bất biến’). Một khi xa lìa được những nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) thì sẽ thấy biết rõ sự thật không có con người, chúng sinh nào cả, chỉ là tính chất nhân quả sinh khởi liên tục không ngừng nghỉ của các pháp kết hợp tạo tác (saṅkhāra), cho nên cũng xa lìa được sự hoài nghi (vicikicchā). Sự xa lìa được nhận thức tri kiến sai lệch (diṭṭhi: tà kiến) và hoài nghi (vicikicchā) nhân quả sinh khởi liên tục này, tuy chưa phải là sự đoạn diệt tận gốc rễ nên chưa đạt đến quả vị bậc Thánh Nhập Lưu, mặc dù vậy lại đạt đến được địa vị bậc Thiện trí phàm nhân một phần giống như bậc Thánh Nhập Lưu (Cūḷasotāpanna: bậc Tiểu Nhập Lưu).

Vì vậy, ông cận sự nam Mahādhammika là người đã có năng lực làm chủ được cuộc đời của chính mình, khi có thể muốn tái sinh vào cảnh giới tốt nào y theo mong muốn của mình cũng được cả. Chính tính chất này nên đã nói như ở trên rằng “ông ta đã có được nơi tái sinh cố định”, trong các kinh sách Pāḷi gọi là “niyatagatika: người có nơi tái sinh cố định” vậy.

Ông cận sự nam trong khi đang nghe pháp về bài kinh Satipaṭṭhāna đã đến thời gian sắp lâm chung, giây phút cận kề cái chết càng lúc càng gần vậy. Và theo như quy luật của thời gian sắp lâm chung, lúc gần chết sẽ có 1 trong 3 hiện tượng chắc chắn sẽ là đối tượng sinh khởi trong tâm người sắp chết, đó là: nghiệp, những việc làm trước khi chết; tướng trạng của nghiệp, những cảnh tượng, vật dụng trong khi làm, tạo nghiệp; và hình ảnh cảnh giới sẽ tái sinh vào. Lúc này, đối với ông cận sự nam chính là đối tượng hình ảnh liên quan đến cảnh giới sẽ tái sinh vào, hiện rõ trong tâm; đó là có 6 cỗ xe ngựa từ 6 tầng trời làm đối tượng hiện rõ trong tâm đến đón ông ấy.

Các vị thiên nam đã cùng tranh nhau thỉnh cầu ông cận sự nam rằng: “Hãy lên cỗ xe của tôi! Hãy lên cỗ xe của tôi!”. Ông cận sự nam vì đang lúc nghe pháp nên đã buột miệng nói rằng “Xin dừng lại một lúc! Xin dừng lại một lúc!”. Khi ấy, các vị Tỳ khưu đang đọc tụng kinh Satipaṭṭhāna, vì nghĩ rằng ông cận sự nam đang nói với mình, nên đã dừng lại không tiếp tục đọc tụng bài kinh ấy nữa.

Ngay khi ấy, những người con của ông cận sự nam vì nghĩ: “Cha của chúng ta trước đây không bao giờ cảm thấy no đủ trong sự nghe Pháp bảo; bây giờ chính mình là người thỉnh cầu chư Tỳ khưu cao quý thuyết giảng đọc tụng Pháp bảo cho mình nghe, nhưng đến giây phút này lại ngăn cản không nên đọc tụng Pháp bảo nữa, chắc chắn chỉ vì sợ hãi sự chết mới làm vậy mà thôi.” Vì vậy mà họ đã khóc thương vô cùng. Chư Tỳ khưu khi thấy cảnh tượng khóc thương của các người con như vậy nên đã trở về chùa.

Được một lúc khá lâu sau đó, ông cận sự nam Mahādhammika mới dần hồi tỉnh lại, khi nhìn chung quanh thấy các con đang khóc thương, lại không thấy chư Tỳ khưu đâu vì các vị đã trở về chùa, nên đã cất tiếng hỏi các con rằng:

  • Này các con! Tại sao các con lại khóc lóc như vậy? Tại sao lúc này chư Tỳ khưu lại trở về chùa hết vậy?
  • Thưa cha! Khi chư Tỳ khưu đang thuyết giảng đọc tụng, chính cha đã ngăn cản “xin hãy dừng lại một lúc”, cho nên chư Tỳ khưu đã quay trở về chùa hết rồi. Các con của ông ta trả lời.

Khi ấy ông cận sự nam liền bảo:

  • Ta không nói gì, dù chỉ là một lời, đối với chư vị Tỳ khưu cả.
  • Vậy cha nói với ai lời “xin hãy dừng lại một lúc” vậy? Những người con hỏi lại.
  • Này các con! Có 6 cỗ xe từ 6 tầng trời đang đứng ở trên hư không bên ngoài căn nhà của chúng ta. Những vị thiên nam lái những cỗ xe ấy đã mời gọi cha rằng “Hãy lên cỗ xe của tôi! Hãy lên cỗ xe của tôi”, vì đang lúc nghe pháp nên cha mới lỡ buột miệng nói với các vị thiên nam ấy lời “xin hãy dừng lại một lúc” vậy. Ông cận sự nam đã trả lời và giải thích cho các con của ông ta biết rõ như vậy.

Những người con của ông ta rất ngạc nhiên nên hỏi tiếp:

  • Vậy bây giờ có còn những cỗ xe của các tầng trời nữa không?” 

Người cha bảo là vẫn còn đang ở trên hư không bên ngoài căn nhà. Nếu các con có chuẩn bị sẵn vòng hoa, thì các con muốn cỗ xe của tầng trời nào thì hãy phát nguyện “hãy cho vòng hoa này mắc vào cỗ xe của tầng trời ấy”, rồi hãy ném vòng hoa ấy lên hư không, thì vòng hoa sẽ mắc vào cỗ xe của tầng trời ấy. Các người con sau khi nghe lời người cha dạy bảo đã làm theo, đến khi chuẩn bị ném vòng hoa người cha liền hỏi:

  • Các con đã từng nghe nói đến tầng trời nào tốt đẹp nhất trong 6 tầng trời Dục giới vậy?
  • Thưa cha! Chúng con từng nghe nói cõi trời Tusitā là nơi chư Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp cuối cùng thường ngự, song thân của chư Phật cũng thường chọn cõi này tái sinh vì cõi này tốt đẹp thưa cha. Các con của ông ta thưa.

Người cha bảo các con:

  • Vậy các con hãy cầm vòng hoa rồi phát nguyện “xin cho vòng hoa này mắc vào trước cỗ xe của tầng trời Tusitā”, rồi hãy ném nó lên hư không. 

Những người con nghe và làm thời lời dạy bảo ấy của cha mình, nên khi ném vòng hoa lên hư không, nó đã mắc vào cỗ xe của tầng trời Tusitā (tầng trời thứ 4 trong 6 tầng trời thuộc cõi trời Dục giới). Những người ở gần đó đều nhìn thấy vòng hoa treo lơ lững giữa hư không, nhưng ngoài ông cận sự nam ra thì không một ai nhìn thấy được cỗ xe của tầng trời Tusitā cả. Tiếp theo ông cận sự nam đã dạy bảo, an ủi động viên các con mình:

  • Này các con! Các con không nên lo lắng khóc than cho cha nữa, như các con đã thấy đó, cha sẽ tái sinh lên tầng trời Tusitā trên cỗ xe do chư thiên cõi ấy đến đón rước. Nếu các con cũng muốn được tái sinh lên sống trên tầng trời Tusitā thì hãy thực hành theo phương pháp, con đường mà cha đã thiết lập tạo dựng như bố thí, giữ giới, hành thiền mà không có bóng dáng cái tôi, cái ta (atta) trong đó, hãy chỉ làm với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh (saccānulomikañāṇa); nếu một khi các con làm với trí tuệ thuận theo sự thật chân lý của bậc Thánh thì các con sẽ kiểm soát, điều khiển được nghiệp (hành động, nói năng, suy nghĩ) của mình; và như vậy các con sẽ chắc chắn được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp nào y theo như mong muốn của các con vậy. Sau khi dạy bảo dặn dò, khuyến khích các con xong, ông cận sự nam đã ra đi nhẹ nhàng thanh thản.

Sau khi các vị Tỳ khưu đi thuyết pháp tụng kinh cho cận sự nam Mahādhammika trở về đến chùa, đức Phật đã hỏi thăm tình hình, họ liền trình bạch rằng vì ông cận sự nam đã thỉnh cầu “Xin quý vị dừng lại một lúc!” nên chúng con trở về; đức Phật liền bảo rằng không phải ông ấy ngăn cản các con đâu, mà đó là ông ta đã ngăn cản những thiên nam lái các cỗ xe từ 6 tầng trời xuống đón rước mình. Bây giờ ông ta đã tái sinh vào tầng trời Tusitā. Tiếp theo đức Phật đã thuyết giảng bài kệ sau:

(Nghĩa của bài kệ)

Người làm việc thiện-tốt, ngay trong kiếp sống hiện tại này cũng được hoan hỷ an lạc; trong kiếp sau cũng được hoan hỷ an lạc; được hoan hỷ an lạc cả 2 kiếp. 

Khi thấy biết được thiện nghiệp trong sạch của mình nên luôn hoan hỷ an lạc; và khi thấy biết quả báu tốt đẹp từ thiện nghiệp lại càng hoan hỷ an lạc hơn nữa.

Dù là hạng phàm nhân si mê (andhaputhujjana: phàm nhân đui mù, si mê), hay hạng phàm nhân thiện trí (kalyāṇaputhujjana: phàm nhân thiện lành), ai cũng có làm những việc phước thiện cả. Tuy nhiên, hạng phàm nhân si mê với cái thấy biết từ tri kiến sai lệch về cái tôi, cái ta (attadiṭṭhi), chỉ có nghiệp là cha, chỉ có nghiệp là mẹ, cho nên khi làm việc thiện tốt đều hướng đến mục đích hưởng thụ an lạc hạnh phúc trong sinh tử luân hồi mà thôi. Dù họ làm bất cứ việc phước thiện nào cũng đều đưa cái tôi, cái ta vào trong việc làm ấy cả. Họ không biết được rằng sự đưa cái tôi, cái ta vào trong mọi việc chính là nguyên nhân gieo hạt giống 4 cõi khổ vào trong đó vậy. Khi ấy theo như quy luật nhân duyên sinh khởi “vì do có vô minh sinh nên sự kết hợp tạo tác sinh khởi”, cho nên trong các hành động nghiệp của họ sẽ có vô minh làm nền tảng gốc rễ. Do bởi có vô minh (si mê) làm nền tảng nên sự tham đắm dính mắc là tham ái sẽ đến theo. Tiếp theo sự bám víu chấp thủ sinh khởi lên; tiếp nữa nghiệp, hành động theo sự chấp thủ ấy cũng sinh khởi theo; rồi sinh khởi lên cuộc đời, kiếp sống (bhava); và khi đã có cuộc đời thì sự tái sinh, sinh sản (jāti) sẽ đến vậy. Và khi đó cuộc đời của họ sẽ chìm nỗi xuôi theo trong dòng nước dữ của sinh tử luân hồi mà thôi. Do đó, cuộc đời của họ vì không kiểm soát, điều khiển được nghiệp (hành động, nói năng, suy nghĩ), nên phải chịu cảnh quẳng đôi, vứt bỏ của nghiệp vậy. Đối với họ, trong chính cuộc đời của mình cũng không có cơ hội làm chủ được chọn lựa y theo như mong muốn của mình được. Chính điều này mới nói rằng “vinipātikā: sự nguy hại rơi rớt vào 4 cõi khổ”, hoặc kiếp sống trôi nổi bất định, không có phương hướng.

Trong khi hạng phàm nhân thiện trí với cái thấy biết rõ mới từ chánh kiến (sammādiṭṭhi), chỉ có trí tuệ là cha, chỉ có trí tuệ là mẹ, nên khi làm việc phước thiện luôn phát nguyện vì mong muốn chứng đạt sự an lạc tịch tịnh, vắng lặng của Niết-bàn, cao thượng hơn gấp bội lần sự an lạc hạnh phúc của sinh tử luân hồi vậy. Dù họ có làm bất cứ việc phước thiện nào cũng không đưa cái tôi, cái ta vào trong việc làm ấy. Khi ấy chính “nương vào vô minh để làm cho trí tuệ (minh) sinh khởi lên”, cho nên việc làm, sự kết hợp tạo tác (saṅkhāra) ấy là để đoạn diệt vô minh (avijjā) vậy. Một khi đã làm được như vậy, thì ngay khi ấy cuộc đời của họ không còn thuận theo trong dòng nhân duyên sinh khởi nữa, mà đã đi vào trong chiều ngược dòng nhân duyên sinh khởi vậy. Khi vô minh bị đoạn diệt thì tham ái dính mắc sẽ bị đoạn diệt theo; khi tham ái bị đoạn diệt thì sự bám víu chấp thủ cũng sẽ bị đoạn diệt; khi chấp thủ bị đoạn diệt thì sự tạo tác nghiệp cũng bị đoạn diệt; khi nghiệp, tạo tác đã bị đoạn diệt thì kiếp sống, cuộc đời cũng bị đoạn diệt; cuộc đời đã bị đoạn diệt thì sự tái sinh, sự sinh khởi cũng bị đoạn diệt theo vậy. Và chính khi ấy, cuộc đời của họ chỉ có việc là đang đi trên con đường cao thượng của bậc Thánh, hướng thẳng đến nơi giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là Niết-bàn vậy.

Và đối với họ, trong chính cuộc đời của mình có được cơ hội làm chủ, có quyền chọn lựa y theo mong muốn của mình với những gì liên quan đến cõi giới tái sinh vậy. Chính điều này mới gọi là “có nơi tái sinh cố định, tự quyết định”. Một khi đã có nơi tái sinh tự quyết định thì thiện nghiệp của họ đối với kiệp hiện tại cũng đã rất hoan hỷ an lạc; đối với kiếp sau cũng rất hoan hỷ an lạc; không những chỉ có cả 2 kiếp hoan hỷ an lạc không thôi đâu, mà còn có khả thấy biết rõ được sự an lạc hạnh phúc đúng đắn chân thật, tri kiến đúng đắn chân thật và cả sự vắng lặng, tịch tịnh đúng đắn chân thật, do đó ngày càng tiến gần đến cánh cửa sự thật của bậc Thánh vậy. Đó là ý nghĩa của bài kệ được thuyết dạy giảng rộng cho chúng ta hiểu biết rõ vậy.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app