Trưởng Lão Tissa

Trưởng lão Tissa là anh em cô cậu với đức Phật. Mẹ của ông, bà Amitādevī là chị ruột của đức Vua Suddhodhana, phụ Vương của đức Phật. Mặc dù là anh em cô cậu với đức Phật, nhưng Trưởng lão Tissa đã không hiểu Ngài, và cũng không cố gắng để hiểu.

Ông ta không hiểu đức Phật là một vị Phật, mà chỉ hiểu Ngài là người anh Siddhattha, Thái tử dòng Sakya. Thật ra, trước đây đúng là Thái tử Siddhattha, nhưng bây giờ đã là đức Phật. Tuy cùng là một người thôi, nhưng thời gian và địa vị đã thay đỗi. Chiếu theo định luật nhân quả thì trước đây và bây giờ không giống nhau nữa. Điều này Trưởng lão Tissa đã không thể hiểu được.

 

Ông ta chỉ hiểu rằng, đức Phật rất nhiều lợi lộc, nhận rất nhiều sự tôn kính cúng dường, được Vua chúa, Chư thiên, Phạm thiên cung kính đảnh lễ. Vì vậy, ông ta nghĩ: “Nếu ta xuất gia trong giáo pháp của đức Phật, thân quyến của ta, nương vào uy đức của Phật, ta cũng sẽ có được nhiều lợi lộc, có được sự tôn kính cúng dường.” Cho nên, ông ta là một người xuất gia khi tuổi đã già.

Sau khi xuất gia xong, mọi việc diễn ra đúng như toan tính của ông, đó là ông ta được sống trong ngôi nhà khách to lớn, ở giữa ngôi chùa Jetavana. Được dùng vật thực ngon lành, được mặc những bộ y tốt đẹp, nên da dẻ hồng hào, béo tốt, bệ vệ, ra dáng vẻ một vị Đại Trưởng Lão. Tục ngữ có câu: “Con Quạ khi đậu vào cây bằng vàng, cũng thành Quạ vàng”. Tuy nhiên, chỉ khi Quạ vàng biết thích nghi theo nơi chốn mình đang trú ngụ thì mới bền lâu được. Còn như nếu nghịch lại, thì không thể dài lâu được, sẽ đổ vỡ. Trưởng lão Tissa đã không nghĩ đến quy luật này.

Chư Tỳ khưu từ các làng mạc, thị thành thường trở về chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, để yết kiến chiêm bái đức Phật. Theo truyền thống, đến dịp ra hạ (sau rằm tháng 9 Âm lịch) của chư Tăng, hàng xuất gia tu sĩ thường trở về chiêm bái. Nhưng có khi trong những thời gian khác, tùy theo nhân duyên mà các vị Tỳ khưu cũng đến chiêm bái. Mỗi khi các vị Tỳ khưu Tăng khách đến, trước tiên họ thường đến ngôi nhà khách rộng lớn ở giữa chùa. Trong ngôi nhà khách ấy, khi nhìn thấy Trưởng lão Tissa, họ nghĩ đây là vị cao Tăng lớn hạ, nên họ đã lo làm những phận sự lớn nhỏ đối với vị cao hạ, đấm bóp tay chân,…. Mặc dù vậy, Trưởng lão Tissa vẫn im lặng, thích thú, không ngăn cản.

Trong lúc ấy, một vị Tỳ khưu nhỏ bất chợt hỏi Trưởng lão Tissa: 

  • Thưa Trưởng lão! Ngài được bao nhiêu hạ (tuổi của người xuất gia kể từ khi bắt đầu trở thành vị Tỳ khưu) rồi?
  • Ta tuổi cao mới xuất gia, chưa được một hạ nào cả. Trưởng lão Tissa trả lời.

Khi ấy vị Tỳ khưu trẻ liền nói với Trưởng lão Tissa:

  • Này ông Tỳ khưu già! Ông là người không biết kính trọng luật nghi của người xuất gia, không biết phép tắc, không biết địa vị của mình. Nhìn thấy các vị Đại trưởng lão cao hạ đến, ngay cả cử chỉ cung kính đón rước ông cũng không làm; khi các vị khác phục vụ những bổn phận cho mình, thì lại không trình bạch mình chưa được hạ nào, lại còn im lặng, thích thú thụ hưởng. Trong giáo pháp của đức Phật lại có hạng người giống như ông, thì quả thật là phi thường! Đáng kinh ngạc!

Những lời nói của vị Tỳ khưu trẻ, như đánh thức bản tính tự cao tự đại thuộc giai cấp vua chúa của Trưởng lão Tissa. Cho nên ông ta đã đùng đùng nổi giận. Với sự cố chấp trong giai cấp, ông ta đã quát mắng:

  • Ngươi chỉ là một người thuộc hạng như giai cấp thấp hèn, sao lại có thể ăn nói như thế với ta, người thuộc giai cấp cao quý được.

Theo quan niệm của giai cấp vua chúa “sự cao thượng” không nằm trong phẩm hạnh (giới), nó chỉ nằm trong dòng tộc. “Đức Phật cũng thuộc dòng tộc Sakya, ta cũng thuộc dòng tộc Sakya. Có thể công nhận đức Phật là bậc cao thượng được, thì tại sao lại không công nhận ta là bậc cao thượng? Tại sao ta lại không được nhận sự phục vụ, cung kính, thoa bóp tay chân của các vị Tăng khách được? Thật ra, chỉ vì vị Tỳ khưu trẻ này không biết ta cũng giống như đức Phật, đều là các Hoàng tử dòng tộc Sakya, nên mới cả gan ăn nói như vậy. Ta sẽ cho ngươi biết thế nào về ta”. Trưởng lão Tissa nghĩ. Sau đó, ông ta liền hỏi các vị Tăng khách:

  • Các ông đến đây để gặp ai?
  • Chúng tôi đến đây để yết kiến đức Phật.
  • Vậy, các ông nghĩ tôi là nhân vật như thế nào? Tôi sẽ nhỗ tận gốc các ông. 

Trưởng lão Tissa đã buông lời hăm dọa, rồi đi đến tấu trình lên đức Phật. Tính tự cao tự đại về dòng tộc của ông ta đã đạt đến tột đỉnh. Cơn nóng giận ấm ức đến trào cả nước mắt, ông ta rất đỗi khổ thân khổ tâm.

Các vị Tăng khách cũng vậy, biết rằng Trưởng lão Tissa này sẽ đến trình bạch lên đức Phật chuyện của họ, nên để trả lời cho những câu hỏi của Ngài, họ đã đi cùng ông ta đến yết kiến đức Phật. Sau khi đảnh lễ Ngài xong, tất cả đều ngồi một nơi thích hợp. Khi ấy đức Phật liền hỏi Trưởng lão Tissa:

  • Này Tissa! Có chuyện gì muốn trình bạch phải không?
  • Dạ vâng! Các vị Tăng khách này đã trách mắng con, bạch Ngài.
  • Con ở chỗ nào?
  • Dạ vâng! Con ở trong ngôi nhà khách lớn ngay giữa chùa Jetavana này, bạch Ngài.
  • Con có nhìn thấy các vị Tăng khách này đến không?
  • Dạ có thấy, bạch Ngài.
  • Có ra tiếp đón không?
  • Dạ không thưa Ngài.
  • Có phụ giúp xách mang vật dụng cho Tăng khách không?
  • Dạ không phụ giúp thưa Ngài.
  • Con có làm những phận sự và trách nhiệm lớn nhỏ đến những vị Tăng khách cao hạ như: dâng nước, sắp đặt chỗ ở,… hay không?
  • Dạ không làm thưa Ngài.

Đức Phật dạy:

  • Này Tissa, con là người có lỗi. Đã là một Tăng khách thì dù lớn hay nhỏ, khi họ đến, con phải có những bổn phận liên quan cần phải hành trì. Nếu không muốn hành trì, thì không nên sống nơi chư Tăng khách thường hay ra vào, là ngôi nhà khách to lớn giữa chùa. Vì nếu đã ở nơi nhà khách, thì phải có những bổn phận và trách nhiệm nên thực hành đối với Tăng khách theo như trong giới luật đã chế định. Bổn phận đối với khách đó là trách nhiệm của người chủ nhà. Vì vậy, để các vị Tăng khách hài lòng hoan hỷ, con nên xin lỗi họ.

 Khi nghe đức Phật phán quyết như vậy, Trưởng lão Tissa rất đỗi ngạc nhiên. Theo niềm tin thuộc truyền thống của Hoàng tộc Sakya, thì dù lớn hay nhỏ các vị Hoàng tử dòng tộc Sakya đều xứng đáng được những người khác kính trọng. “Ta chính là Hoàng tử dòng tộc Sakya, những vị Tỳ khưu này thuộc các dòng tộc khác xuất gia. Vì vậy, ta xứng đáng thọ nhận sự kính trọng của các vị Tỳ khưu ấy. Ngoài ra, ta với đức Phật là anh em cô cậu ruột. Theo phong tục tập quán của thế gian thì nên ưu tiên cho người thân, nghiêng về phía người thân. Cho nên, theo ta những gì liên quan đến việc thọ nhận sự kính trọng của các vị Tỳ khưu, nên thiên vị cho ta để phán quyết các vị Tỳ khưu ấy có lỗi, không nên buộc lỗi cho ta. Vì vậy, đối với vấn đề này chỉ có ta là đúng, các vị Tăng khách không đúng”. Trưởng lão Tissa suy nghĩ. Ông ta cũng tin rằng mình không cần phải thực hiện phán quyết của đức Phật khi Ngài cho bên không đúng thắng. Và ông ta cũng quả quyết điều của mình nghĩ là sự thật đúng đắn.

Theo niềm tin truyền thống của Hoàng tộc Sakya, hoặc theo phong tục tập quán ưu tiên cho người thân của thế gian, thì quả đúng là sự thật như Trưởng lão Tissa nhìn nhận. Tuy vậy, sự thật này chỉ là sự thật chế định (sammutisacca: sự thật do số đông quy định) mà thôi. Đã là sự thật chế định đương nhiên có giới hạn. Và vì vậy, nó chỉ đúng, chỉ là sự thật, khi ở trong lằn ranh của giới hạn ấy. Sammutisacca gọi là “sự thật chế định”, và một sự thật chế định chỉ đúng và được gọi là “sự thật”, khi nó ở trong một cộng đồng có cùng chí hướng, cùng tính cách, cùng sở thích, cùng nhận thức mà thôi. Nếu nó vượt ra ngoài giới hạn và ngoài lằn ranh ấy, thì ngay tức khắc nó không còn đúng nữa, nên cũng không thể gọi là “sự thật” được.

Mặc dù vậy, Trưởng lão Tissa đã quá tâm đắc với niềm tin của mình, nên không hiểu rằng đó chỉ là sự thật tạm thời, mà lại cố chấp vững chắc vào đó là sự thật bất diệt, từ chối buông bỏ. “Người cố chấp một cách vững chắc” trong ngôn ngữ Pāḷi gọi là Ādhānaggāhī. “Người từ chối buông bỏ” trong ngôn ngữ Pāḷi gọi là duppaṭinissaggī. Đây là hai trạng thái, tính chất của những người cứng đầu.

Khi đức Phật dạy bảo Trưởng lão Tissa nói lời xin lỗi để cho các vị Tăng khách hài lòng hoan hỷ. Ông ta đã trình bạch lại với đức Phật, mình là người không có lỗi. Chính các vị Tăng khách mới là người có lỗi khi dám buông lời chỉ trích mình. Do đó, theo ông không cần phải xin lỗi. Đức Phật cũng đã nhiều lần khuyên bảo Trưởng lão Tissa xin lỗi, nhưng ông ta vẫn một mực từ chối.

Khi ấy, các vị Tăng khách liền bạch Phật:

  • Kính bạch Đức Thế Tôn, Đấng Ân Đức cao thượng! Tỳ khưu Tissa thật cứng đầu, thật khó dạy bảo.

Đức Phật dạy:

  • Này các Tỳ khưu! Không phải chỉ có hiện tại Tissa mới là người cứng đầu, khó dạy, mà trong quá khứ, khi là kiếp đạo sĩ Devila, cũng đã từng là người cứng đầu, khó dạy giống như bây giờ.

Tiếp theo Ngài thuyết dạy về cuộc đời của đạo sĩ Devila, tiền thân của Trưởng lão Tissa.

Trong thời quá khứ, khi đức Vua Brahmadatta trị vì kinh thành Bāraṇasī, đạo sĩ Devila cư ngụ 8 tháng trong dãy núi Himavanta, 4 tháng còn lại ông hạ sơn đến kinh thành Bāraṇasī và trú ngụ trong nhà xưởng của người thợ gốm. Một hôm, có vị đạo sĩ Nārada cũng từ dãy núi Himavanta đến kinh thành Bāraṇasī và cũng vào trú ngụ trong nhà xưởng mà chính đạo sĩ Devila trú ngụ. Đạo sĩ Devila đã cho phép đạo sĩ Nārada ở cùng với mình.

Đạo sĩ Devila chọn cho mình một chỗ ngủ nghỉ phía bên ngoài, còn đạo sĩ Nārada chọn cho mình một chỗ ngủ nghỉ phía bên trong. Hai vị đạo sĩ cùng nhau đàm đạo về những điều ghi nhớ trong suốt cuộc đời rồi ngủ nghỉ. Trước khi ngủ đạo sĩ Nārada đã để ý, ghi nhớ rõ chỗ nằm của đạo sĩ Devila và cửa ra vào. Nhưng không biết đạo sĩ Devila đã suy nghĩ gì mà không nằm ngủ tại chỗ của mình chọn, lại nằm ngang giữa cửa ra vào mà ngủ. Riêng đạo sĩ Nārada ngủ đúng chỗ của mình đã chọn.

Đến giữa đêm khuya, đạo sĩ Nārada muốn đi xuống dưới để rửa tay chân. Muốn đi xuống phải bước qua cửa nơi đạo sĩ Devila đang nằm chắn ngang, nhưng đạo sĩ Nārada không hề hay biết, vì cứ nghĩ rằng ông ấy đang nằm ngủ trên chỗ của mình. Vì vậy, khi bước thẳng ra cửa để đi xuống, đạo sĩ Nārada đã đạp trúng búi tóc trên đầu của đạo sĩ Devila.

  • Ai dẫm đạp lên búi tóc của ta vậy? Đạo sĩ Devila hỏi
  • Xin ông thông cảm, vì tôi không biết nên dẫm đạp lên. Thành thật xin lỗi ông! Đạo sĩ Nārada khẩn khoản.

Đạo sĩ Devila suy nghĩ: “Sợ khi ông ấy đi lên sẽ dẫm đạp trên đầu ta lần nữa”, vì vậy đã xoay ngược người lại rồi nằm ngủ tiếp. Đạo sĩ Nārada sau khi xong việc quay trở lại cũng nghĩ: “Khi bước xuống ta đã dẫm đạp phía trên đầu ông ấy, nay ta phải bước vào ở phía dưới chân mới được”. Do đó, khi bước chân qua cửa để vào bên trong, ông ta lại dẫm đạp trúng vào cổ của đạo sĩ Devila, vì ông ấy đã xoay ngược người nằm ngủ.

  • Ai dẫm đạp lên cổ của ta vậy? Đạo sĩ Devila quát lên.
  • Xin ông tha thứ, vì tôi không biết nên dẫm đạp lên. Thành thật xin lỗi ông! Đạo sĩ Nārada lại khẩn khoản.

Đạo sĩ Devila liền nói với đạo sĩ Nārada:

  • Tôi không thể tha thứ cho ông được nữa. Lần đầu tiên ông đã dẫm đạp lên búi tóc của tôi. Bây giờ, lần thứ nhì ông lại đạp lên cổ của tôi. Tôi sẽ thề độc với ông.

Đạo sĩ Nārada khẩn thiết xin lỗi:

  • Đạo trưởng! Đạo trưởng! Vì không biết ông nằm ngủ như vậy nên mới dẫm đạp trúng, không phải do tôi cố ý. Do đó, tôi không có lỗi. Đạo trưởng không nên thề độc làm gì.

Tuy vậy, đạo sĩ Devila vẫn không thể tha thứ, không thể nguôi cơn giận được, nên đã thề độc rằng:

  • Mang hàng ngàn tia nắng, có sức nóng trăm lần, là ông mặt trời vàng, khi sáng mai ló dạng, thì cái đầu của ông, sẽ vỡ thành bảy mảnh.

Đạo sĩ Nārada cũng hết cách nên nói:

  • Đạo trưởng! Tôi đã tha thiết xin lỗi, nhưng ông lại đi thề độc. Thật ra, vì không cố ý nên tôi không có lỗi gì. Bây giờ sự việc đã đi quá xa rồi. Tôi cũng không thể làm gì hơn, ngoài việc chỉ biết thề độc ngược lại mà thôi. Nói xong đạo sĩ Nārada cũng thề độc đối lại:
  • Đến khi mặt trời mọc, chỉ đầu người mắc lỗi, mới vỡ ra bảy mảnh.

Trong hai vị đạo sĩ ấy, ai là người có lỗi? Không phải bất cứ khi nào nói hay làm đều tác thành nghiệp, phải có cetanā: tác ý (cố ý, thôi thúc làm) mới tạo thành nghiệp. Đức Phật cũng đã dạy “Chỉ có cetanā (tác ý) gọi là nghiệp”. Điều căn bản hiển nhiên này đạo sĩ Devila không hiểu. Cái ông ta hiểu là đạo sĩ Nārada đã dẫm đạp lên bối tóc, lên cổ của ông ta mà thôi. Đây là sự phạm tội tạo thành nghiệp của thân. Vì vậy, chính đạo sĩ Nārada mới là người có tội.

Thật ra, tâm biết của hạng phàm nhân quá khó để mà biết rõ đối tượng như thật (yathābhūta: nó sao là vậy) được. Tuy tâm biết tự nguyên gốc của nó là trong sáng, nhưng đằng sau lại bị năng lực của những tâm không biết che lấp. Tâm không biết, đó chính là năng lực của các phiền não bị ô nhiễm bởi sự bám víu hay tham đắm từ trong những điều hiển nhiên chung quanh của cuộc đời, cái thấy của nó, tập tục bản tính của nó, những chủ thuyết, luận điểm của nó. Đó gọi là những upādāna: chấp thủ (nắm giữ). Những điều chấp thủ này non hay già phát triển theo tuần tự là bản tính của sự hướng tâm, hiểu biết, sở thích, chủ thuyết (ngủ ngầm). Những tâm không biết ấy, theo trong 12 nhân duyên “Upādānapaccayā bhavo: 4 chấp thủ làm nhân duyên nên phát sinh 2 sự hiện hữu”, năng lực của nó chèn ép, che phủ nghiệp hiện hữu (kammabhava). Nghiệp hiện hữu (kammabhava) đó là tâm biết thiện và tâm biết bất thiện. Cho nên, những tâm biết dù là thiện hay bất thiện, vì bị sự che phủ của các tâm không biết, nên không thể biết rõ đối tượng một cách như thật (có sao biết vậy), mà biết một cách phiến diện. 

Xin lấy câu tục ngữ “gần gũi ngư phủ thì làm ngư phủ, gần gũi thợ săn thì làm thợ săn” (tục ngữ Việt: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài), để giải thích ý nghĩa nhân duyên dựa theo cách thức phương pháp của dân gian. Một người mà cuộc đời quay cuồng trong cộng đồng ngư phủ, thì khi gặp bất cứ một vấn đề nào thường quyết định theo sự hiển nhiên của ngư phủ, cái thấy của ngư phủ, tập tục bản tính của ngư phủ và luận điểm (chủ thuyết) của ngư phủ. Và những người có cuộc đời quay cuồng trong những cộng đồng khác cũng y như vậy, khi có trách nhiệm giải quyết một vấn đề nào, thông thường cũng quyết định theo sự hiển nhiên, tri kiến, tập tục bản tính và luận điểm mà chính mình đã kinh nghiệm trong cộng đồng ấy đưa lại. Chỉ khi nào chiêm nghiệm (quán xét) ra được sự thật này, phàm nhân mới có thể dùng những sự thực hành giới-định-tuệ của mình để đẩy lùi, tiêu diệt sự che phủ của những phiền não, tâm không biết, thì khi ấy sẽ thấy biết rõ đối tượng như thật (yathābhūta). Và một khi thấy biết rõ đối tượng như thật, thì những quyết định về các vấn đề mới đúng được.

Đạo sĩ Devila chỉ là phàm nhân. Vì vậy, ông ta yêu quý chính mình hơn đạo sĩ Nārada. Theo như câu nói: “Trong thế gian này, người có thể cùng yêu thương mình giống y như mình, ngoài chính mình ra không có một ai khác”, đạo sĩ Devila có tâm yêu quý bản thân mình hơn cũng là từ sự chấp chặt vào điều hiển nhiên của chính mình (phàm nhân), cái thấy của mình, tập tục bản tính của mình, và luận điểm chủ thuyết của mình, từ đó phát triển lên thành sự nắm giữ bám víu gọi là upādāna: chấp thủ. Sau đó đưa đến giai đoạn tâm không biết, làm che mờ bao phủ các tâm biết. Thật ra, thân thể tổng hợp 5 nhóm (khandha: tổng hợp, chồng chất, nhóm. Tàu dịch là uẩn) của ta là một cộng đồng gần gũi nhất, vì luôn luôn gặp gỡ liên hệ mật thiết với chính ta.

Vì vậy, những hạng phàm nhân khi có vấn đề gì liên quan đến chính mình, thì khó có thể thấy ra sự thật, do tâm luôn yêu quý, coi trọng chính mình hơn. Và cũng do tâm không biết che phủ tâm biết nên nghiệp bất thiện của mình, lại không thấy nó là nghiệp bất thiện, chỉ thấy đó là nghiệp thiện mà thôi; cái sai của mình thì không thấy là sai, chỉ thấy đó là đúng mà thôi; điều phi pháp của mình thì không thấy là phi pháp, chỉ thấy đó là hợp pháp mà thôi; sự xấu xa của mình thì không thấy là xấu xa, chỉ thấy đó là thiện trí thức mà thôi. Có sự thấy biết nghịch đảo này là do sự che đậy của tâm không biết, nên tâm biết không thấy biết rõ đối tượng như thật của nó, mà lại thấy phiến diện, thấy thiên vị vậy.

 Muốn biết đối tượng đúng như thật của nó, thì chỉ còn cách cố gắng thực hành giới-định-tuệ, để diệt trừ những phiền não tiềm ẩn bên trong những tâm không biết của chính mình. Cho đến khi nào chưa diệt được những phiền não, thì dù là bậc trí thức cũng chỉ sai lại hoàn sai mà thôi, xấu xa lại hoàn xấu xa mà thôi. Theo như giáo pháp của đức Phật, một khi chưa có thể diệt trừ được phiền não, thì dù có được gọi là trí thức, thì cũng không phải là trí (tuệ) thật, đó chỉ là tưởng (saññā) mà thôi. Vì vậy, sự xấu xa của những người gọi là trí thức và sự xấu xa của những người ngu si, cũng chỉ giống như chất độc có đường phủ lên và chất độc không có đường phủ lên mà thôi. Chất độc có đường phủ lên thì khó đoán biết được có chất độc, còn chất độc không có đường phủ lên thì dễ biết được chất độc. Chỉ khác nhau vậy thôi, ngoài ra không có gì khác biệt cả.

Đạo sĩ Devila vì tâm không biết che phủ nên yêu quý mình hơn, coi trọng mình hơn, do đó không thấy được lỗi lầm của mình, chỉ thấy lỗi lầm từ đạo sĩ Nārada mà thôi. Vì vậy, mặc dù trong lúc đạo sĩ Nārada khẩn khoản xin lỗi, ông ta cũng quyết thề độc cho bằng được. Tuy nhiên, đã là lỗi lầm, dù có thấy ra hay không thấy ra nó, thì nó vẫn cứ là lỗi lầm. Đã là những điều (pháp) thuộc về tự nhiên, thì không bao giờ chịu sự chi phối bởi quyền năng của một Đấng Thần Lực nào, nó chỉ đi trên lộ trình của mình theo sự thật vô ngã, và khởi sinh theo định luật (niyāma) của nó mà thôi.

Đạo sĩ Nārada là bậc đại thần thông, có năng lực có thể thấy biết 40 kiếp trước và 40 kiếp sau. Do đó, khi quán xét “Ai là người có lỗi, khi mặt trời mọc đầu của ai sẽ bị vỡ thành 7 mảnh”, đạo sĩ Nārada đã thấy ra đạo sĩ Devila là người có lỗi, và đầu của ông ta sẽ vỡ thành 7 mảnh nếu mặt trời mọc. Khi quán xét biết được như vậy, đạo sĩ Nārada đã có tâm bi mẫn, thương xót đạo sĩ Devila, nên đã dùng thần thông của mình khiến mặt trời không mọc lên được. Đất nước Bāraṇasī không có ánh sáng mặt trời, vì thế nên đất trời tối đen như mực.

Khi thấy hiện tượng như vậy, đức Vua Brahmadatta đã tự suy xét “không biết có phải vì ta không làm đúng theo pháp của một bậc quân vương hay không?”, và thấy rằng mình là người không có lỗi trong hiện tượng ấy. Đức Vua lại suy xét tiếp: “Như vậy, hiện tượng này chỉ có thể liên quan đến thần thông của các vị đạo sĩ.” Suy xét như vậy xong, nhà vua đã cho tìm hiểu xem có vị đạo sĩ nào từ phương xa đến trú ngụ trong đất của nước mình hay không. Và khi biết được có 2 vị đạo sĩ đang trú ngụ trong xưởng gốm, nhà vua liền cho đốt đuốc rồi cùng tùy tùng đến hỏi han vị đạo sĩ Nārada.

Đạo sĩ Nārada đã thuật lại chi tiết mọi việc đã xảy ra, và nói lại nguyên nhân của hiện tượng bất thường ấy. Khi ấy, nhà vua liền hỏi:

  • Thưa Đạo sĩ! Có thể làm gì để tai họa không xảy ra với đạo sĩ Devila?
  • Này Đại vương! Nếu đạo sĩ Devila đến khấu đầu xin lỗi tôi, như vậy mới có thể thoát khỏi tai họa. Đạo sĩ Nārada trả lời.

Nghe vậy, nhà Vua Brahmadatta liền đến bên đạo sĩ Devila khuyên bảo ông ta đến khấu đầu tạ tội với đạo sĩ Nārada. Tuy nhiên đạo sĩ Devila bảo:

  • Ta không có lỗi. Chính ông ấy mới là người có lỗi. Ta không thể khấu đầu tạ tội trước người có lỗi được.

Nhà Vua khuyên bảo nhiều lần, nhưng đạo sĩ Devila cũng đều thoái thác, không chịu làm theo. Cuối cùng, không còn cách nào khác, nhà Vua sai bảo tùy tùng bắt trói ông ta rồi đem đến trước mặt đạo sĩ Nārada, dùng vũ lực bắt ông ta khấu đầu tạ tội. 

  • Này Devila hãy đứng dậy! Ta tha thứ cho ông! Đạo sĩ Nārada nói, rồi quay sang nhà vua bảo: 
  • Đại Vương! Tuy đạo sĩ Devila khấu đầu tạ tội với tôi nhưng lại không có tác ý, không có tâm, do vậy, sẽ khó thoát khỏi tai họa. Nếu muốn đạo sĩ Devila thoát khỏi tai họa thật sự, thì đem ông ta bỏ xuống hồ nước ngập đến cổ, rồi lấy một hòn đất lớn để lên trên đầu ông ta. 

Nhà Vua đã sai đám thị vệ làm đúng theo những gì đạo sĩ Nārada dặn dò. Sau đó, đạo sĩ Nārada nói với đạo sĩ Devila rằng: 

  • Đạo trưởng! Tôi sẽ thả mặt trời ra, khi ánh sáng vừa xuất hiện thì ngay tức khắc ông hãy lặn sâu rồi trốn đi.

Nói xong liền thả mặt trời lên, khi ánh sáng vừa tiếp xúc đến hòn đất trên đầu của đạo sĩ Devila thì nó bị vỡ thành 7 mảnh, ông ta quá khiếp sợ và lặn trốn mất tăm mất dạng.

Tất cả những gì đang phát sinh lên trong thế gian này không phải là do một Đấng Toàn Năng nào, chúng chỉ theo những quy luật nhân-quả mà thôi. Vì có nhân nên mới có quả, rồi lại vì có quả nên mới tạo ra nhân. Chính vì vậy mới gọi là paṭiccasamuppāda: nhân duyên (nương vào cái này nên cái kia sinh), cũng gọi là cakka: bánh xe (mắt xích), hay cách gọi thông dụng hơn đó là vaṭṭa: vòng luân hồi. Nhân-quả giống như bánh xe bởi trạng thái luôn luôn quay tròn chuyển động.

Cho nên, sự cứng đầu, sự khó dạy của Trưởng lão Tissa đều có liên quan đến quy luật nhân-quả từ trong vô lượng kiếp luân hồi sinh tử, cũng đã trải qua nhiều kiếp là hạng cứng đầu, khó dạy rồi. Trong những kiếp ấy, đức Phật đã trích dẫn ra kiếp đạo sĩ Devila để làm ví dụ điển hình, giải thích cho thính chúng hiểu thêm về sự tương duyên trong nhân-quả luân hồi. Trong những vấn đề xảy ra (quả) theo tương duyên nhân-quả ấy, cho đến khi nào mà chưa thể diệt trừ được gốc rễ là nhân, thì vòng quay của luân hồi nhân-quả cứ tiếp diễn mãi. Chỉ cho đến khi nào diệt trừ được gốc rễ, nhân của những vấn đề ấy thì sự vận hành của nhân-quả luân hồi mới dừng lại. Cho nên đức Phật đã thuyết dạy bài kệ:

(Nghĩa bài kệ)

“‘Người này mắng chửi ta, hành hạ ta, hiếp đáp ta, chiếm đoạt tài sản của ta’. Người nào có tâm oán hận như vậy, thì sự oán hận không thể vắng lặng.

‘Người này mắng chửi ta, hành hạ ta, hiếp đáp ta, chiếm đoạt tài sản của ta’. Người nào không có tâm oán hận như vậy, thì sự oán hận sẽ vắng lặng.”

Những sợi dây trói buộc (saṃyojana) trong luân hồi quả thật rất chặt và bền chắc. Sợi dây “gây thù kết oán” cũng thuộc một trong những sợi dây trói buộc bền chắc ấy. Nó được gọi là paṭighasaṃyojana: trói buộc, nhớ nhung do oán hận, thù ghét. Paṭigha với ý nghĩa là sự thù nghịch, do đó nó có trạng thái là sân hận (dosa), và chỉ khi nào cắt bỏ được sợi dây này, thì khi ấy mới dập tắt được sự oán hận.

Trong vấn đề cắt bỏ sợi dây oán hận trói buộc, sự sân hận khởi đầu (nhân) không thể bị diệt trừ bởi một sân hận khác. Sự sân hận của người thứ nhất là một điều sai trái. Và nếu có một người thứ hai phát sinh tâm sân hận do nguyên nhân từ sai trái đó, thì sự sân hận của người thứ hai cũng chính là một điều sai trái. Do đó cho nên, khi kết hợp lại 2 điều sai trái, với tính chất hòa nhau, thì nó sẽ không cho ra một điều đúng, nó vẫn cho ra 2 điều sai như nhau mà thôi. Và theo phương pháp này, những điều sai trái sẽ luôn luôn tiếp tục phát triển, cứ như thế thì không khi nào dập tắt được sự oán hận, thù nghịch.

Khi muốn thật sự cắt đứt sợi dây oán hận trói buộc, thì phải dùng sự không sân hận để diệt trừ sự sân hận mới được. Không sân hận (adosa) đó chính là tâm từ (mettā). Nếu có thể nhìn thế gian này với tâm từ, thì mọi điều sẽ luôn yên bình, an lạc. Còn nếu không dùng tâm không sân hận để dập tắt sự sân hận, thì suốt trong sinh tử luân hồi, sợi dây trói buộc qua mỗi một kiếp sống sẽ càng chồng chất, cột trói bền chặt hơn. Như vậy tâm biết sẽ bị tâm không biết che phủ và điều khiển. Sẽ thấy mọi điều đáng để sân hận, đáng để không vừa lòng, không ưng ý. Như vậy, cuộc đời sẽ không khi nào yên bình, an lạc được. Vì vậy, để cho cuộc sống này được yên bình, an lạc, thì khi bị sợi dây trói buộc là sân hận cột chặt, hãy dùng tâm không sân hận đó là tâm từ để cắt đứt, dập tắt chúng.

“Attasamaṃ pemaṃ natthi: không có yêu gì bằng tự yêu chính mình”. Căn cứ theo lời dạy này thì mọi điều, mọi vật đều có tính chất đẹp và bản chất đáng yêu. Trong lửa cũng có cái đẹp của lửa khi nó là lửa. Trong nước cũng có cái đẹp của nước khi nó là nước. Trong chất độc cũng có cái đẹp của chất độc khi nó là chất độc. Tuy nhiên, những người chung quanh hay kẻ xa lạ nhìn vào thì không thể thấy được tính chất đẹp, đáng yêu ấy. Phải chính tự mình là lửa, tự mình là nước, tự mình là chất độc, rồi nhìn lại chính mình mới thấy được tính chất đẹp, đáng yêu của mình. Vì vậy, đức Phật mới thuyết dạy: “không có yêu gì bằng tự yêu chính mình”. Và trong những tri kiến của Veda (Vệ-đà), cũng có nói: “Trong tất cả mọi sự vật đều có tính chất đáng ngưỡng mộ, đáng yêu, đáng để học hỏi. Những tính chất này, là có thật, luôn hiện hữu trong mọi vật, dù những người xung quanh, những kẻ xa lạ thấy biết hay không thấy biết”.

Trong tất cả mọi vật đều có tính chất đáng yêu. Tuy có tính chất đáng yêu như vậy, nhưng chúng ta không biết cách để nhìn ra tính chất đáng yêu ấy. Trong tất cả mọi vật đều mang vẻ đẹp. Tuy có mang vẻ đẹp như vậy, nhưng chúng ta không biết cách để nhìn ra vẻ đẹp ấy. Do không có khả năng nhìn ra chúng, đó là lỗi của người không biết nhìn, và vô minh của họ. Vì vậy, lỗi ấy và vô minh ấy cần phải được trừ diệt. Khi muốn trừ diệt vô minh (avijjā), phải dùng đến pháp đối nghịch là minh (vijjā: trí tuệ), thì mới có thể trừ diệt được. Một khi hết vô minh sẽ thấy mọi thứ có tính chất đáng yêu (mettā), sẽ thấy mọi thứ có tính chất đáng thương (karuṇā), sẽ thấy mọi thứ có tính chất đáng vui (muditā), sẽ thấy mọi thứ có tính chất đáng tha thứ (upekkhā). “Mọi thứ” ở đây, theo trong Veda (kiến giải của các tư tưởng thuộc thế gian) là kể cả loài hữu tình lẫn vô tình, nhưng theo giáo pháp của đức Phật thì chỉ nói đến loài hữu tình mà thôi. Vì chỉ có loài hữu tình mới liên quan đến luân hồi sinh tử vậy.

Trong thế gian này có 3 cách thấy. Cách thấy thứ nhất đó là chỉ có thể thấy được những vật trong tầm mắt của mình. Cách thấy này gọi là paccakkhadiṭṭhi: thấy trước mắt. Với cách chỉ thấy trong tầm mắt này, thì không thể thấy được sự đáng yêu, đáng thương, đáng vui, đáng tha thứ của thế gian. Cũng không thể thấy được cái đẹp của thế gian, cái đáng ngưỡng mộ của thế gian, không hiểu được bài học mà thế gian này dạy cho. Khi ấy tâm sân hận, oán trách dễ phát sinh. Và sẽ chịu sự trói buộc quấn chặt chồng chất bởi sợi dây oán hận. Tuy nhiên, đối với chính mình, cũng giống như Trưởng lão Tissa, chúng ta sẽ luôn thấy mình đứng về phía đúng. Bản tính này cũng chỉ là bản chất của vô minh mà thôi. Cách thấy thứ hai đó là không những chỉ thấy những gì trước mắt, mà còn thấy được những điều liên quan, những diễn tiến xa hơn đằng sau nó. Cách thấy này gọi là anumitadiṭṭhi: thấy theo tư duy, suy luận. Cách thấy này, tuy đúng là hơn cách chỉ thấy trước mắt, nhưng vì cũng chưa thể thấy ra được cái đẹp của thế gian, nên cũng không phải là cái thấy đáng tin tưởng, đáng dựa dẫm, đáng để làm căn cứ.

Cách chỉ thấy trước mắt và cách thấy theo tư duy cũng chỉ là những cách nhìn còn trong đối đãi giữa ta và người, và thấy biết cũng còn trong đối đãi giữa ta và người mà thôi. Không phải cái nhìn mà mình nhìn lại chính mình trong đó, cũng không phải cái thấy biết mà mình thấy biết lại chính mình trong đó. Do đó mà không thể thấy được cái đẹp của thế gian là vậy. Và cũng không thấy được tính chất cái đẹp của trong mọi sự mọi vật là vậy. Thật ra, vì khi và chỉ khi tự mình nhìn lại chính mình mới thấy được cái đẹp của mình, thấy được tính chất đáng yêu của mình, nên cần phải có cách nhìn đó để nhìn lại cuộc đời; cần phải có cách thấy biết đó để thấy biết lại cuộc đời.

Như khi muốn nhìn lửa thì chính mình phải là lửa. Hoặc như khi muốn nhìn nước thì chính mình phải là nước. Hoặc như khi muốn nhìn chất độc thì chính mình phải là chất độc. Chỉ khi ấy mới có thể thấy được cái đẹp của lửa, cái đẹp của nước, cái đẹp của chất độc. Vì chỉ khi không có phân biệt giữa người thấy và đối tượng được thấy, mà cả hai đã thành một, thì khi ấy mới có thể thấy ra cái đẹp của những đối tượng được nhìn, tính chất đáng yêu, đáng thương, đáng hài lòng, đáng ngưỡng mộ, đáng tha thứ của những đối tượng được nhìn. Chỉ có cách thấy như vậy thì bên trong tâm người nhìn mới không có sân hận (adosa), phát triển được phẩm chất của Phạm thiên (từ, bi, hỷ, xả). Có như vậy, sự sân hận, oán hờn mới bị tiêu trừ, cuộc đời sẽ yên bình an lạc. Và sẽ rút ngắn được sự luân hồi (nhân-quả) của sợi dây oán hận trói buộc.

Cái thấy mà có thể thấy được cái đẹp của mọi vật, cái đẹp của thế gian gọi là sacchikatadiṭṭhi: thấy qua sự trải nghiệm, chứng ngộ. Đây chính là cách thấy thứ 3. Chỉ có cách thấy như thế này là cách thấy mà có thể tin tưởng, có thể nương vào để đưa đến một cuộc đời yên bình an lạc. Để có thể thấy được thế gian bằng cách thấy này không phải dễ. Tuy là không phải dễ nhưng cũng không phải là điều không thể, chỉ cần có sự nỗ lực cố gắng là sẽ được.

 Vì vậy, để có thể thấy được thế gian với cách thấy ấy, tự chính mình phải giữ gìn phẩm hạnh, giới luật cho được trong sạch; phải phát triển nhất tâm, định lực cho thật vững chắc; phải thật cố gắng để thấy biết và tư duy luôn trong sáng, thanh tịnh. Đó là lúc 3 sự cố gắng thực hành (sikkhā) giới-định-tuệ được tròn đủ. Một khi giới-định-tuệ đã tròn đủ thì điều cần có là cách thấy qua kinh nghiệm thực chứng (sacchikatadiṭṭhi), chắc chắn sẽ thấy ra cái đẹp của thế gian không thể nào sai chạy được. Sẽ trừ diệt được sân hận, oán trách; sẽ dập tắt được sự thù nghịch và rồi cuộc đời sẽ yên bình an lạc; sẽ diệt được vô minh thấy biết sai bởi do năng lực của minh (trí tuệ) thấy biết đúng. Do vậy, đức Phật đã thuyết 2 bài kệ ấy, để hiểu biết và thực hành đúng theo con đường này, nhằm đem lại sự bình yên an lạc trong cuộc đời. Khi đức Phật vừa thuyết xong bài pháp này, Trưởng lão Tissa không còn là người cứng đầu nữa, mà đã trở thành một người biết vâng lời, dễ dạy bảo.

Chúng ta cũng vậy, mỗi khi gặp môi trường hoặc hoàn cảnh có thể trở nên cứng đầu, khó dạy, thì hãy tâm niệm về tấm gương cuộc đời của Trưởng lão Tissa, để tự sửa đổi chính mình như Trưởng lão Tissa vậy.

 

Trích từ Dhammapada Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app