Cūḷakāla và Mahākāla

(Trích Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới Dịch Việt)

 

Trong thành Setabya có vợ chồng phú hộ kia khi mất đi để lại 3 người con trai. Người con trai lớn có tên là Mahākāla, người con trai giữa tên là Majjhimakāla và người con trai út tên Cūḷakāla. Tuy cả 3 người con trai đều đã lập gia đình nhưng không chia riêng việc kinh doanh. Họ cùng nhau chung sức đồng lòng tiếp nối công việc kinh doanh buôn bán của cha mẹ.

Mahākāla và Cūḷakāla cùng đi tìm kiếm những hàng hóa để mua bán, trao đổi rồi gửi về thành Setabya. Trong khi Majjhimakāla lại ở trong thành Setabya ấy mở một sạp hàng lớn (đại lý) để buôn bán những hàng hóa đó. Ba anh em mỗi người mỗi phận sự như vậy, theo cách thức của những phú hộ thời ấy, họ kinh doanh làm ăn buôn bán trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế gia đình. Thời đại ấy là “thời đại xe bò kéo”, nên họ thực hiện việc vận chuyển hàng hóa bằng các cỗ xe bò. Một ngày kia, Mahākāla và Cūḷakāla đã vận chuyển hàng hóa trên 500 cỗ xe bò đến kinh thành Sāvatthi. Khi đi tìm một nơi tốt để cắm trại nghỉ chân, họ đã chọn một nơi tốt nằm khoảng giữa kinh thành và ngôi chùa Jetavana. Vì vậy, 2 anh em Mahākāla và Cūḷakāla đã cho cắm trại ở đó, và tháo dỡ hàng hóa nghỉ ngơi.

Khi chiều muộn, những người dân trong kinh thành Sāvatthi, tay cầm hương hoa để đến chùa Jetavana cúng dường đức Phật và nghe pháp. Mahākāla khi nghe và biết được tin đức Phật thuyết pháp, từ những người dân ấy, đã gọi người em Cūḷakāla lại căn dặn: “Hiền đệ yêu quý! Hãy cố gắng để ý bảo vệ hàng hóa này. Huynh sẽ đến nghe pháp của đức Phật”.

Khi đến chùa Jetavana, Mahākāla đã đứng phía ngoài cùng của thính chúng để nghe pháp. Tuy nhiên đức Phật đã biết được pāramī (thiện phước hướng đến giải thoát từ nhiều kiếp trước) của Mahākāla. Do đó, bài pháp được thuyết hôm đó là bài pháp thuyết ra nhắm đến những mong muốn tiềm tàng trong tâm của Mahākāla. Trong bài pháp ấy, đức Phật thuyết dạy về những lỗi lầm trong sự thọ hưởng 5 đối tượng tham muốn (màu, tiếng, mùi, vị và sự xúc chạm), sự thấp hèn của chúng, sự ô nhiễm của chúng, và cũng giảng dạy về những quả báu lợi ích khi thoát ly 5 đối tượng tham muốn ấy. Ngay lúc ấy, “ánh sáng mới” đã phát sinh lên đối với Mahākāla.

Mahākāla với “ánh sáng mới” ấy đã nhìn lại thế giới mà mình đã từng trải qua. Khi ấy, Mahākāla hiểu biết rõ, giờ đây ta đã nhìn nhận thế giới bằng một cách thấy khác, và trước đây với ánh sáng cũ đã nhìn nhận thế giới bằng một cách thấy khác. Ánh sáng cũ là do “mặt trời” đem lại thuộc ánh sáng sắc pháp. Còn bây giờ ánh sáng mới là do đức Phật đem lại thuộc ánh sáng trí tuệ (danh pháp).

Khi còn nhìn với ánh sáng của mặt trời, cứ theo cách thức của người phú hộ thì rất đỗi tự hào, rất đỗi hạnh phúc khi có nhiều của cải tài sản, bà con thân quyến đông đủ, có địa vị quyền uy hơn người. Đối với Mahākāla, thế giới quả đúng thật thanh bình tự tại quá! Vì quá tham đắm trong thế gian nên mặc dù mệt mỏi cũng không nhận biết ra điều đó, lại còn cho sự mệt mỏi đó là điều hạnh phúc, vui sướng. Mặc dù vất vả cũng không nhận ra điều đó, lại còn lấy đó làm hạnh phúc, vui sướng. Chính tham ái đã tạo ra, xây đắp lên một “đại lộ nguy nga tráng lệ” để Mahākāla vui say bước đi thong dong trên đó. Đây chính là cách thấy thế giới trước đây của Mahākāla do ánh sáng sắc pháp đem lại.

Bây giờ Mahākāla đã có được ánh sáng trí tuệ từ đức Phật soi sáng; đã biết nhìn, biết thấy thế gian bằng ánh sáng trí tuệ ấy. “Một khi nhân duyên hội đủ thì chắc chắn quả của nghiệp sẽ phát sinh lên. Chính điều này gọi là “bhava: cuộc đời, kiếp sống”. Phận sự của bhava: cuộc đời chính là sinh, già và chết, mà theo ngôn ngữ Pāḷi gọi là jāti, jarā, maraṇa. Hình ảnh của cuộc đời thể hiện qua hoàn cảnh sự khóc thành tiếng hoặc khóc không thành tiếng, và giữa hai cái đó là một sự sống sôi nỗi, vội vàng, thăng trầm mà thôi. Tuy vậy, chính sự sống sôi nỗi, thăng trầm ấy lại nghĩ là an lạc, hạnh phúc. Thật ra nếu vươn ra khỏi cuộc đời ấy thì sẽ có sự an lạc, hạnh phúc thật sự không gì so sánh được, và cũng có con đường dẫn đến sự an lạc, hạnh phúc ấy. Con đường ấy không cần phải xa lánh hành trình trong cuộc đời cũng có thể bước đi trên đó được, vì nó được tạo ra từ thực hành giới-định-tuệ của chính mình (bát chánh đạo). Sự khóc thành tiếng gọi là soka-parideva: lo lắng-khóc than. Sự khóc không thành tiếng gọi là dukkha-domanassa-upāyāsa: khổ thân, khổ tâm, thống khổ cùng cực. Mahākāla với ánh sáng trí tuệ đã thấy thế giới như vậy. Đối với Mahākāla thế giới chính là cuộc đời; cuộc đời chính là danh pháp-sắc pháp (nāma-rūpa); danh pháp-sắc pháp chính là khổ (dukkha). Tuy nhiên, cái thấy này không phải là cái thấy của tự chính Mahākāla, mà là cái thấy bởi trí tuệ do nghe pháp từ đức Phật.

Mahākāla đã tỉnh dậy từ trong giấc ngủ mơ. Theo giáo pháp mà ông ta được nghe thì cuộc đời của con người chính là một giấc mơ dài vô tận. Đã vui say với cảnh không đáng vui say; đã khóc than với cảnh không đáng khóc than; đã cười với cảnh không đáng cười;…. Trong giấc mơ trường kỳ ấy thì không có gì là không thể; đã từng độn thổ, bay trên không, đi trên nước,…. Những điều đó khi đang còn trong giấc mơ chưa tỉnh dậy thì quả đúng là những sự thật mà được trải qua, được cảm nhận như những điều đã xảy ra thật trong cuộc đời vậy. Đó cũng là những sự thật hiển nhiên mà không thể chối cãi được. Bây giờ từ trong giấc mơ đó đã thức tỉnh rồi. Thức tỉnh từ giấc mơ cũng là lúc những điều từng trải và những cảm nhận ấy không còn thật nữa. Mặc dù vậy, trong thế gian này, không hoàn toàn chỉ có sự thật trong giấc mơ, mà vẫn còn có sự thật chân lý, có thể tìm kiếm được, cũng như có thể thấy biết chứng đạt được.

Mahākāla đã quyết định đi tìm sự thật chân lý ấy. Ông ta đã kiên quyết tìm kiếm nó theo lời chỉ dạy của đức Phật, để thấy được bởi trí tuệ của chính mình bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ. Vì vậy, ông ta đã xin phép đức Phật được xuất gia trong giáo pháp của Ngài, và đức Phật đã hướng dẫn, chỉ bảo ông ấy hãy về thông báo lại với những người thân có trách nhiệm biết rồi hãy đến xuất gia. Mahākāla đã về nói lại hết mọi nguyên nhân và lý do ấy cho người em út Cūḷakāla. Người em út Cūḷakāla đã không đồng ý, tìm nhiều cách để ngăn cản việc ấy. Tuy nhiên, không thể ngăn cản được. Sau cùng đành nói lời đồng ý rằng: “Vậy hiền Huynh hãy làm theo mong muốn ấy của mình đi.” Hai anh em họ đã có cái thấy không giống nhau. Cái thấy của Cūḷakāla là cái thấy thuộc trong thế giới ngủ mơ. Với cách thấy ấy thì luôn nhìn nhận thế giới hiện tại là “sự thật đúng đắn nhất”. Và với sự nhìn nhận ấy nên mới tìm mọi cách ngăn cản anh của mình đừng đi vào con đường sai lạc. Cái thấy của Mahākāla là cái thấy thuộc về thế giới thức tỉnh. Với cách thấy ấy thì luôn nhìn nhận thế giới hiện tại là thế giới trong giấc mơ hoặc “sự thật sai lệch” do tri thức ảo thuật lừa dối (māyā) của kiến trúc sư tham ái biến hóa tô vẽ nên mà thôi. Do cách nhìn nhận đó mà đã quyết định từ bỏ thế gian này.

Hai anh em giờ đã ở 2 thế giới hoàn toàn khác nhau rồi. Người em út đã ở lại nơi thế giới trong giấc mơ, còn người anh cả đã đi vào trong thế giới tỉnh thức. Mahākāla đã đến xuất gia với đức Phật, đã nhận lấy đề mục có thể đạt đến Á-rá-hán Thánh Quả, đó là đối tượng thiền quán bất tịnh (asubhakamaṭṭhāna), phát nguyện thọ dhutaṅga (hạnh tinh tấn làm phiền não rơi rụng) ở nơi nghĩa địa rồi tiến hành pháp hành thiền tuệ (vipassanā). Sau đó không lâu, người em út Cūḷakāla cũng xuất gia theo, nhưng chỉ với một mục đích là để dẫn dụ lôi kéo người anh cả của mình hoàn tục, rồi trở về thành Setabya, cả 3 anh em cùng sống hạnh phúc vui vẻ với nhau; chứ không phải xuất gia để tu tập theo giáo pháp.

Đối với giáo pháp của đức Phật, nhất là đề mục hành thiền, Mahākāla là người có đức tin vững chắc; là người có sự cố gắng không thoái chuyển; là người luôn luôn có sự chú ý tỉnh thức, không dể duôi quên mình; là người có năng lực trí tuệ thâm sâu. Năm điều này trong Phật giáo gọi là năm pháp chủ (indriya). Khi năm pháp chủ này có năng lực tròn đầy thì chắc chắn sẽ thấy biết rõ sự thật chân lý của bậc Thánh bởi trí tuệ của chính mình. Mahākāla là người đang thực hành để năm pháp chủ ấy có năng lực tròn đầy, nên đến đêm tối khi không còn tiếng chân người, một mình đi vào nghĩa địa để thực hành đối tượng thiền quán, và sáng sớm tinh mơ khi mọi người còn chưa thức giấc đã quay trở về chùa, rồi tiếp tục hành thiền như vậy. Sự tu tập như vậy, theo trong giới luật của Phật giáo thì quả đúng là sự thực hành của bậc cao thượng đáng tôn kính vậy. Những bậc tu hành cao quý thường hay cố gắng hết mức để che dấu không cho người khác biết về pháp hành tu tập dhutaṅga,… của mình, không bao giờ có tính cách bộc lộ khoe khoang ra bên ngoài.

Trong nghĩa địa ấy, có người canh gác tên là Kāḷī, khi nhìn thấy những dấu vết đi, đứng, ngồi của một người nhưng lại không biết đó là người nào nên phát sinh nghi ngờ. Vì vậy, vào một ngày, đã bí mật để ý theo dõi, đến nữa đêm khi không còn nghe tiếng chân người, đã nhìn thấy Trưởng lão Mahākāla một mình đi vào nghĩa địa. Khi ấy, người canh gác nghĩa địa Kāḷī đã trình bạch lên Trưởng lão Mahākāla, về những phận sự, những cách thức cần làm của một Tỳ khưu thọ hạnh dhutaṇga ở nơi nghĩa địa rằng:

  • Kính thưa Trưởng lão! Đối với những vị Tỳ khưu thọ hạnh dhutaṇga ở nơi nghĩa địa, trước hết phải thông báo với những người có trách nhiệm như: người canh gác nghĩa địa, người trưởng làng và vị Tỳ khưu trụ trì biết mình đang thực hành thọ trì hạnh dhutaṅga ở nơi nghĩa địa. Bởi vì, thỉnh thoảng những kẻ trộm cắp khi bị chủ nhà truy đuổi thường hay vất những tài sản lấy trộm được, hoặc cất dấu chúng tại nghĩa địa để chạy thoát thân. Khi ấy, những người chủ sẽ nghĩ Trưởng lão là kẻ trộm nên có thể gây nguy hiểm hoặc làm hại đến Trưởng lão. Vì vậy, nếu Trưởng lão đã thông báo trước với người canh gác nghĩa địa, người trưởng làng và vị trụ trì, thì khi ấy chúng tôi mới có trách nhiệm làm chứng và bảo vệ được Trưởng lão thoát khỏi những nguy hiểm ấy.

Khi nghe trình bạch như vậy, Trưởng lão Mahākāla nói:

  • Ta sẽ làm theo những lời trình bạch của ngươi, ngoài ra còn nên làm những gì khác nữa không, hãy nói cho ta biết. 
  • Kính thưa Trưởng lão! Đối với những vị Tỳ khưu thọ hạnh dhutaṇga ở nơi nghĩa địa thì không nên thọ dụng (ăn) các loại thức ăn như sau: cá, thịt, vừng (mè), cải, dầu, đường. Người canh gác nghĩa địa Kāḷī, khi được hỏi đã trình bạch lại như vậy.

Trưởng lão Mahākāla đã nói lời chấp nhận rồi dặn dò người canh gác nghĩa địa Kāḷī:

  • Này Kāḷī, ta sẽ làm theo những gì ngươi nói. Nếu khi có một tử thi nào thích hợp để quán tưởng đề mục bất tịnh thì hãy báo tin cho ta biết.

Theo lời dặn dò đó của vị Trưởng lão, hôm nọ có một gia đình và thân quyến đưa đến nghĩa địa tử thi của một cô gái còn trẻ vừa mới chết, có làn da trắng hồng mịn màng, họ đưa tiền công cho người canh khác nghĩa địa Kāḷī để nhờ thiêu xác cô gái ấy, còn họ ra về. Kāḷī đã báo tin ấy cho Trưởng lão Mahākāla biết. Sau khi Trưởng lão Mahākāla đến nhìn tử thi cô gái đang nằm trên đống củi từ đầu đến chân để quán tưởng, trước khi rời đi Trưởng lão dặn dò Kāḷī, người canh gác nghĩa địa:

  • Khi ngọn lửa thiêu tử thi cháy lên hãy thông báo cho ta một lần nữa.

Người canh gác nghĩa địa Kāḷī, sau đó đã châm lửa để thiêu tử thi ấy, khi ngọn lửa cháy bén đến tử thi, Kāḷī đã báo tin đến Trưởng lão thêm một lần nữa. Khi trở lại quán tưởng, vị Trưởng lão thấy rõ mới đây vừa nhìn thấy da dẻ hồng hào mịn màng, nay lại thấy cháy lốm đốm như da con bò sữa, rồi tay chân cháy đen, co quắp, khắp người da thịt cháy hết chỉ còn những khúc xương rời rạc. “Ồ! Thân thể cô gái mới đây thôi còn da dẽ mịn màng hồng hào, trong phút chốc da thịt ấy đã biến dạng nhanh chóng, hoại diệt, tiêu biến thật mau lẹ. Sắc pháp-danh pháp là những pháp do nhân duyên sinh khởi, cấu tạo hợp thành nên không có thường hằng được, chỉ có sự khổ mà thôi, không có cốt lõi bền vững gì cả.” Khi với trí tuệ thiền tuệ quán xét thấy biết rõ như vậy, Trưởng lão Mahākāla đã chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cùng 4 tuệ phân tích (paṭisambhidā).

Kể từ lúc này Trưởng lão Mahākāla mới có thể thấy sự thật thế giới này với chính trí tuệ của mình. Thế giới cũng chính là danh-sắc (tâm-sắc). Danh-sắc ấy cũng có thể nói là nhân và cũng có thể nói là quả (duyên). Danh-sắc nếu một khi mang tính chất của nhân thì sẽ trở thành nhân; và khi mang tính chất của quả sẽ trở thành quả. Nhân cũng chính là danh-sắc, quả cũng chính là danh-sắc. Danh-sắc ấy nó luôn mang tính chất riêng của nó, vì vậy, nó sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, có bản chất luôn luôn tạo tác thay đổi, nên gọi là “saṅkhāra: sự tạo tác, thay đổi thôi thúc tạo thành”.

Danh pháp-sắc pháp do tạo tác thay đổi tạo thành, nên chúng không phải một chủ thể nào, một linh hồn nào, cũng không thuộc một vật sở hữu nào. Chúng chỉ mang tính chất là một quá trình sinh diệt thay đổi tiếp diễn liên tục mà thôi. Sự diễn tiến thay đổi liên tục đó đã được chính kiến trúc sư tham ái với sở học ảo thuật (māyā: che đậy lừa dối) tài ba đã xây dựng nên ngôi nhà sắc thân này. Khi ngôi nhà sắc thân này vừa xây dựng xong, thì cũng là lúc phải biến hóa ra người ở trong ngôi nhà ấy; người sẽ ở trong ngôi nhà ấy chính là “ta”. “Ta” hay còn gọi là “atta”. “Atta” thật ra không có sinh mạng, vì không có sinh mạng nên không phải là loài hữu tình. Do đó cho nên, tham ái, ngã mạn và tà kiến đã thổi hồn (sinh mạng) vào cho nó, rồi biến hóa ra cái “ta” để làm chủ ngôi nhà sắc thân ấy. Và khi ấy, cuộc đời, thế giới, luân hồi sẽ sinh khởi liên tục tiếp nối nhau không khi nào gián đoạn. Ta không thể nào biết được cuộc đời, thế giới và luân hồi bắt đầu từ khi nào, thời gian nào. Cho đến khi nào chưa thấy biết rõ 4 sự thật của bậc Thánh nhân thì không thể nào chấm dứt được cuộc đời, thế giới và luân hồi, chúng sẽ luôn sinh diệt tiếp diễn không cùng tận. Chính sự luôn sinh diệt tiếp diễn không cùng tận này gọi là khổ (dukkha). Sự khổ này Trưởng lão Mahākāla đã vượt thoát được rồi. Chỉ có sự giải thoát ấy mới thật sự gọi là “thức giấc”. Từ cuộc đời, thế giới và luân hồi bị bao phủ của bóng tối vô minh gọi là đêm, đã đạt đến Niết Bàn gọi là ngày.

Người em út Cūḷakāla vẫn còn đang ngủ, vẫn đang trong cơn mơ của giấc ngủ mơ ấy. Vì ông ta xuất gia với mục đích để dụ dỗ lôi kéo người anh cả của mình hoàn tục trở về cuộc sống thế gian, nên làm sao từ trong bóng tối vô minh che phủ để có thể thức dậy thấy ánh sáng được!

Tuy đúng là Trưởng lão Mahākāla đã từ bỏ tất cả tài sản sở hữu của mình cho những người em hoàn toàn thừa kế. Nhưng theo cái thấy của người em Cūḷakāla thì anh trai cả của mình không phải là loại vật chất vô tình, mà là con người có tình nghĩa; lại còn là một người anh cả, một người đứng ở địa vị người cha, và cũng là một người hướng dẫn chỉ bảo trong làm ăn buôn bán. Vì vậy, ông ta đã rất kính trọng, yêu quý, muốn chung sống với nhau không khi nào chia cắt. Nếu không có người anh cả cùng chung sống thì của cải tài sản này nào còn có ích lợi gì nữa! Do đó, Cūḷakāla mới xuất gia theo với kế hoạch lân la tiếp cận để dùng lời lẽ dụ dỗ lôi kéo anh trai cả của mình. Thật ra, vì Cūḷakāla chỉ là một nhân vật, một chúng sinh do tham ái, ngã mạn và tà kiến thổi hồn (mạng sống) vào, nên yêu thương anh trai Mahākāla theo ý muốn của tham ái; nương vào người anh ấy để thể hiện quyền uy theo ý muốn của ngã mạn; và theo ý muốn của tà kiến nên tôn sùng, dựa dẫm vào người anh cả Mahākāla. Cho nên, Cūḷakāla đã rất cố gắng và chịu khó chịu khổ ngày đêm tìm đủ mọi cách để dụ dỗ lôi kéo anh trai cả Mahākāla của mình.

Mặc dù vậy, bây giờ tình hình đã hoàn toàn đổi khác rồi, không thể gắn kết với nhau được nữa. Cūḷakāla là người sống ở trong thế giới ngủ mơ, là người ngủ say trong bóng tối của vô minh. Trong khi Mahākāla là người sống ở trong thế giới tỉnh thức, là người tỉnh thức trong thế giới ánh sáng của trí tuệ. Vì vậy, cái thấy không hề giống nhau. Cái thấy của Cūḷakāla giống như cái thấy của những người khi xem phim mà cứ nghĩ rằng những hình ảnh nhảy múa trên phim theo nghệ thuật của phim ảnh là người thật; nên khi thấy cảnh buồn thì buồn theo, thấy cảnh giận là giận theo, thấy cảnh vui là vui theo. Trong khi Mahākāla không thấy như vậy, mà thấy những hình ảnh diễn ra trên màn hình chỉ là những hình ảnh vật chất vô tình, chúng chỉ là sự lừa dối (māyā) do từ sở học của các nghệ sĩ điện ảnh diễn đạt mà thôi. Chúng chẳng phải là gì cả, cũng không phải đáng để buồn, đáng để giận, đáng để vui. Khi phim đang quay cũng vậy, những diễn viên ấy không phải thật sự là những người đang xảy ra trong hoàn cảnh đó, chỉ là những người đóng vai giả diễn xuất mà thôi. Cho nên, đối với những người xem trực tiếp khi đang diễn xuất để quay phim, không những đáng buồn, đáng giận, đáng vui mà còn rất buồn cười nữa, thật sự đó chỉ là nghệ thuật lừa dối. Lừa dối không những 1 mà đến 2 lần. Những diễn viên khi đóng phim đã diễn xuất như những nhân vật thật trong đời, đó là một lần. Và thêm một lần khi phim được chiếu lên trên màn ảnh thì những hình ảnh không có tâm ấy lại hoạt động như người thật có tâm tư, tình cảm. Tổng cộng như vậy là hai lần lừa dối bởi sự che đậy của nghệ thuật điện ảnh (māyā). Trưởng lão Mahākāla đã thấy biết rõ được sự hư ảo lừa dối ấy. Vì vậy, đối với Trưởng lão Mahākāla không còn phải theo mong muốn của tham ái, cũng không còn theo mong muốn của ngã mạn hay theo mong muốn của tà kiến. Thật vậy, bởi Trưởng lão Mahākāla không còn là một chúng sinh, một nhân vật mang trong mình sinh mạng hay cái tôi do tham ái, ngã mạn, tà kiến dùng ma thuật để biến hóa thành nữa. Trưởng lão đã giải thoát khỏi cuộc đời, khỏi thế giới, khỏi luân hồi, hoặc nói ngắn gọn là đã giải thoát khỏi māyā: sự che đậy, lừa dối.

Cūḷakāla là người thấy những hình ảnh giả tạo diễn ra trên màn hình là thế giới thật; trong khi Mahākāla lại là người thấy thế giới thật giống như những hình ảnh giả tạo trên màn hình. Đến một ngày, đức Phật cùng nhị vị Trưởng lão Mahākāla, Cūḷakāla và Tăng chúng thân hành hoằng pháp du hóa qua nhiều nơi, đã đến thành Setabya. Tuy đến thành Setabya nhưng đức Phật và Tăng chúng không trú ngụ trong thành, mà tất cả trú ngụ trong khu rừng cây Cẩm Liên gần thành ấy.

Dân chúng thành Setabya khi hay biết đã truyền tin cho nhau về việc đức Phật cùng Tăng chúng, trong đó có hai vị Trưởng lão Mahākāla, Cūḷakāla đang trú ngụ trong khu rừng cây Cẩm Liên gần thành. Khi biết tin ấy, gia đình và thân quyến của nhị vị Trưởng lão đã đến thỉnh đức Phật cùng Tăng chúng ngày hôm sau về nhà trai Tăng cúng dường. Trưởng lão Mahākāla đã sai bảo Cūḷakāla về nhà trước để sắp xếp chỗ ngồi. Gia đình và thân quyến của nhị vị Trưởng lão chưa từng thỉnh mời đức Phật và Tăng chúng trai Tăng cúng dường, cho nên không thể biết cách sắp xếp chỗ ngồi thế nào. Vì vậy, Trưởng lão Mahākāla mới sai bảo Cūḷakāla về nhà trước để chỉ bày cách sắp xếp chỗ ngồi cho thích hợp, trang nghiêm.

Cūḷakāla khi vào trong thành Setabya gặp gỡ thân quyến đã rất đỗi vui mừng, cười đùa lẫn nhau và lại nói chuyện hàn huyên tâm đắc say sưa cùng những người bạn thời niên thiếu. Trong khi cái thấy không giống với người anh cả, nên Cūḷakāla ngày càng hiểu ra được không thể dụ dỗ níu kéo người anh cả của mình được nữa. Mặt khác những người vợ trước đây lại quyến rũ, dụ dỗ, níu kéo Cūḷakāla trở lại cuộc sống của người đời để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, chung hưởng hạnh phúc, nắm tay nhau vượt qua những thăng trầm trong thế gian này. Do đó, Cūḷakāla đã xả y hoàn tục trở lại đời sống thế gian bình thường như trước đây. Ông ta cũng tâm niệm, thôi thì để anh trai cả Mahākāla sống theo chí hướng và quyết định của anh ấy. Nếu không buông bỏ người anh thì chỉ làm ông ta mệt thêm mà thôi. Chính ông ta cũng thấy những dự định trước đây của ông không có một chút hy vọng thành công, nên cuối cùng cũng đành buông xuôi từ bỏ tất cả.

Cūḷakāla với hình tướng của người tại gia cư sĩ ấy đã đi đón rước đức Phật cùng Tăng chúng. Đức Phật sau khi dùng vật thực cúng dường xong đã thuyết pháp hoan hỷ rồi cùng Tăng chúng quay trở lại khu rừng cây Cẩm Liên ấy. Chỉ còn một mình Cūḷakāla đã hoàn tục ở lại với vợ con và thân quyến, thật là một điều hạnh phúc của thế gian. Ôi! cuộc đời của con người quả thật như một công viên vui chơi giải trí với những vườn hoa muôn sắc màu. Cūḷakāla với cách nhìn này nên rất vui say hạnh phúc trong cuộc sống ấy. Đối với những người trong thế giới nằm mơ thì họ có thể đang ngồi trên những cỗ xe ngựa 6 con đi đến mặt trăng bạc. Nhưng một khi tỉnh dậy mới thấy rõ mình đang ở dưới ánh trăng và là người nông dân làm thuê ngồi trên cỗ xe bò đang đạp trên những đống lúa thuê cho địa chủ. Khi thấy biết vậy, họ tự nhìn lại cuộc đời của mình rồi sẽ mỉm cười với chính mình. Sự mỉm cười này không phải là sự mỉm cười thật lòng, mà đó chỉ là sự mỉm cười chế nhạo cuộc đời mơ mộng điên đảo này. Cūḷakāla với địa vị phú hộ, ở lại một mình trong cuộc đời mơ mộng điên đảo ấy, tuy nhiên ông ta cũng chẳng cảm thấy buồn lo.

Mặc dù người cưỡi trên cỗ xe ngựa 6 con đi đến mặt trăng bạc luôn phủ nhận mình không phải là người nông dân làm thuê, và người nông dân làm thuê ngồi trên cỗ xe bò đang đạp những đống lúa dưới ánh trăng cũng luôn phủ nhận mình không phải là người cưỡi trên cỗ xe ngựa 6 con đi đến mặt trăng bạc; cả hai người này dù có phủ nhận thế nào đi nữa, nhưng nếu thấy theo cách nhìn của thế giới giấc mơ, thì người đang cưỡi cỗ xe ngựa 6 con đi đến mặt trăng bạc là thật. Còn nếu thấy theo cách nhìn của thế giới luân hồi thì người nông dân làm thuê đang đạp lúa là thật. Cả hai trường hợp này ai cũng tự chính mình trải nghiệm, cảm nhận, cho nên có thể nói chúng đều là thật. Tuy nhiên nếu nhìn theo sự thật chân lý của bậc Thánh thì cả hai người đều sai, vì họ đều đang ở trong thế giới ngủ mơ.

Thân quyến đã giao nhiệm vụ dụ dỗ lôi kéo Trưởng lão Mahākāla hoàn tục trở về với gia đình cho Cūḷakāla thế nhưng đã không thành công. Bây giờ họ lại có được phương pháp mới, đó chính là cách thức đã làm với Cūḷakāla. Vì vậy, họ lại tiếp tục cung thỉnh đức Phật cùng Tăng chúng đến nhà trai Tăng cúng dường thêm lần nữa. Thế nhưng lần này Trưởng lão Mahākāla không đến trước để sắp xếp chỗ ngồi mà là một vị Tỳ khưu khác, do đó những mưu tính ban đầu của họ lại không thành công. Hôm sau, Đức Phật cùng Tăng chúng đã đến thọ dụng vật thực, sau khi thọ dụng xong, các thí chủ thân quyến cúng dường trai Tăng đã trình bạch thỉnh xin đức Phật để một mình Trưởng lão Mahākāla ở lại thuyết pháp hoan hỷ đến bà con thân quyến. Đức Phật đồng ý nhận lời rồi Ngài cùng Tăng chúng ngự trở về khu rừng ngoài thành Setabya, chỉ để một mình Trưởng lão Mahākāla ở lại cùng thân quyến, lần này thì mưu tính của họ đã thành công.

Những người vợ cũ của Trưởng lão Mahākāla ban đầu đã dùng phương pháp mềm mỏng để quyến rũ, dụ dỗ. Khi những phương pháp mềm mỏng không thành công, họ dùng đến phương pháp cứng rắn đó là xúm nhau lại định cố gắng cởi bỏ y phục xuất gia của Trưởng lão. Khi ấy, Trưởng lão Mahākāla đã dùng thần thông chọc thủng mái nhà bay lên hư không trở về trú xứ, để lại phía sau những người vợ và thân quyến của Trưởng lão ngước mặt nhìn theo không nói nên lời vì quá đỗi kinh ngạc.

Trên đường đức Phật và Tăng chúng trở về, chư Tăng đã bàn tán với nhau rằng: “Hôm qua, Cūḷakāla vì bị sai bảo đến trước để sắp xếp chỗ ngồi mà đưa đến tình cảnh phải hoàn tục. Hôm nay, chỉ để một mình Mahākāla ở lại, thật tiếc biết bao nếu một vị có giới đức trong sạch như thế cũng sẽ lại rơi vào trong tình cảnh phải hoàn tục.” Nghe được Tăng chúng bàn luận chuyện này, đức Phật liền dạy hai bài kệ để nói lên sự khác biệt giữa 2 anh em Mahākāla và Cūḷakāla:

(Nghĩa của bài kệ)

“Này các Tỳ khưu! Đối với một cái cây không kiên cố sẽ bị trận cuồng phong quật ngã dễ dàng như thế nào. Cũng như vậy, đối với một người mà sống chỉ biết suy nghĩ về sự thích thú trong cái đẹp; lại không thu thúc giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (5 indriya: pháp chủ); không biết tri túc đo lường trong sự ăn uống; lười biếng, sự cố gắng không có năng lực, thì người ấy cũng sẽ bị phiền não ma dễ dàng quật ngã, chiến thắng.”

 “Này các Tỳ khưu! Đối với một tảng đá kiên cố vững chắc sẽ không bị trận cuồng phong quật ngã dễ dàng như thế nào. Cũng như vậy, đối với một người mà sống luôn có suy nghĩ về sự không thích thú trong cái đẹp; lại luôn thu thúc giữ gìn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (5 indriya: pháp chủ); biết tri túc đo lường trong sự ăn uống; có đức tin trong lành tròn đủ; sự cố gắng có năng lực, thì người ấy sẽ không bị phiền não ma quật ngã, chiến thắng được.”

Khi nghe 2 bài kệ này xong tất cả chư Tỳ khưu tháp tùng cùng đức Phật đều chứng đạt bậc Thánh Nhập Lưu.

Theo sự thật chế định, quy ước thì cả Mahākāla và Cūḷakāla đều là con người cả mà thôi. Tuy đều là con người, nhưng sự thấy biết, sự chọn lựa, sự thực hành hoàn toàn không giống nhau. Theo như những tập tính của con người thì cả 2 đều biết thương yêu, thân thiết, trân trọng, tha thứ lẫn nhau. Tuy nhiên, Cūḷakāla là hạng người mà mạng sống tâm hồn (jīva-atta) được tạo nên bởi sự che đậy lừa dối của tham ái, ngã mạn và tà kiến. Vì vậy, Cūḷakāla đã thấy thế giới theo hướng tốt đẹp êm ái nên yêu mến, thân thiết. Tuy nhiên, sự yêu mến, thân thiết của ông ta là làm theo mệnh lệnh của tham ái, chỉ yêu mến, thân thiết với những ai có liên quan đến mình mà thôi; chứ không phải yêu mến, thân thiết với tất cả những gì có trong thế gian này. Lại cũng biết thương xót, tuy nhiên sự thương xót của ông ta chỉ làm theo mong muốn của tham ái đó là chỉ thương xót đối với những gì liên quan đến mình, không phải thương xót cho cả thế gian. Sự tôn trọng, sự tha thứ cũng theo một cách như vậy, đó là làm theo những gì tà kiến và ngã mạn sai khiến nên chỉ tôn trọng, tha thứ với những gì liên quan đến mình mà thôi, không phải tôn trọng, tha thứ cho cả thế gian này.

Khi nhìn thế giới cũng vậy, phải tìm cho được những sắc màu tốt đẹp để nhìn; nghe thì phải tìm cho được âm thanh hay để nghe; ngửi thì phải tìm cho được hương thơm để ngửi; ăn thì phải tìm cho được thức ăn thượng vị để ăn; phải tìm cho được những loại mềm mại để thân tiếp xúc. Trong khi ăn uống cũng vậy, không có sự quán xét, thích sao thì ăn uống vậy, không có sự tiết chế điều độ trong ăn uống. Không có niềm tin trong lành với những việc làm lợi ích cho thế gian, cho xã hội. Nếu nghĩ rằng việc làm ấy không đem lại lợi ích cho mình thì trốn tránh, hoặc nếu một khi không thể trốn tránh được thì làm một cách hời hợt, lười biếng, không có tinh thần trách nhiệm, không nhiệt tình, không sốt sắng. Đây chính là bản tính tự nhiên của Cūḷakāla khi bị học thuật của vô minh lừa dối thổi hồn tham ái, ngã mạn, tà kiến vào trong xác thân ấy. Thật ra trong con người của Cūḷakāla cũng có 3 pháp có thể thực hành đó là giới-định-tuệ. Tuy nhiên 3 pháp giới-định-tuệ ấy năng lực lại quá non yếu, ví như cái cây không kiên cố vậy. Trong khi tham ái, ngã mạn, tà kiến có năng lực mạnh mẽ giống như một trận cuồng phong, còn 3 pháp giới-định-tuệ có năng lực yếu ớt của Cūḷakāla ví như cái cây không kiên cố thì làm sao chịu đựng được lực tác động của phiền não ma ấy được. Do đó không tránh khỏi được việc hoàn tục là điều dĩ nhiên.

Trưởng lão Mahākāla thì không như vậy. Không phải bị vô minh dùng học thuật lừa dối thổi hồn tham ái, ngã mạn, tà kiến vào trong mạng sống của xác thân này nữa; mà đã trừ diệt hết tham ái, ngã mạn, tà kiến ấy rồi, đã nhổ tận gốc rễ vô minh và cả sự che đậy lừa dối của nó. Đã thấy biết rõ sự tốt đẹp của cuộc đời, sự tốt đẹp của thế gian, sự tốt đẹp của luân hồi chỉ là giả tạo, không phải là điều tốt đẹp thật sự. Chúng chỉ là sự tốt đẹp được biến hóa tạo nên từ sự lừa dối, che đậy của vô minh do tham ái, ngã mạn và tà kiến xúi dục mà thôi. Thật ra đó chỉ là danh-sắc (nāma-rūpa) mang tính chất kết hợp tạo thành (saṅkhāra) mà thôi. Đã là danh-sắc manh tính chất kết hợp tạo thành, nên chúng tồn tại trong trạng thái luôn luôn thay đổi, tạo tác, sinh diệt theo một dòng liên tục không gián đoạn. Nên chúng không phải tốt đẹp, không đáng vui thích, thật sự chúng là bất toại nguyện (khổ). Trưởng lão Mahākāla đã thấy biết rõ sự thật đó với chính trí tuệ của mình. Và cũng đã thấy ra được sự thật tốt đẹp, sự thật an lạc ở tận cùng của sự không tốt đẹp, bất toại nguyện ấy. Đó gọi là nirodhasaccā: sự thật diệt tận khổ đau của bậc Thánh, hoặc Niết-Bàn, hoặc santisukha: sự an lạc vắng lặng. Do đó, Trưởng lão Mahākāla đã thấy biết rõ thế nào là không phải tốt đẹp thật sự và cũng thấy biết rõ thế nào là tốt đẹp an lạc thật sự. Đối với Trưởng lão, nếu những gì liên quan đến thế gian (xã hội), sự thật chân lý như thế nào thì thấy biết rõ đúng như thế ấy, không thấy sai lệch hay đảo ngược. Và vì thế cũng không cần phải lo lắng bất cứ điều gì cho vị Trưởng lão ấy nữa.

Đối với người đã thấy biết rõ và phân biệt được một cách chắc chắn đâu là sự che đậy lừa dối (māyā) và đâu là sự thật chân lý (saccā), thì có gì đáng phải lo sợ nữa. Trưởng lão Mahākāla cũng nhìn, nghe, tiếp xúc với thế gian bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm, cũng thấy biết như thường. Tuy nhiên, thấy chỉ là thấy mà thôi; nghe, biết cũng vậy, cũng chỉ nghe và biết vậy thôi; không đưa đến nắm giữ, bám víu, chấp thủ (upādāna). Vì không bám víu, chấp thủ nên không phát sinh tạo nên “nghiệp” (nhân); và một khi không tạo nên nghiệp thì đối với Trưởng lão không còn kiếp sau (bhava). Những phận sự cần làm cho mình thì Trưởng lão đã làm xong, tiếp theo không còn phận sự gì cần phải làm cho chính mình nữa.

Bắt đầu từ sự ăn uống cho đến mọi việc, những gì mà Trưởng lão Mahākāla làm đều vì sự lợi ích an lạc cho thế gian, cho xã hội bằng niềm tin trong lành thật sự, và làm với tâm yêu mến cả thế gian; làm với tâm thương xót cả thế gian; làm với tâm mong muốn cả thế gian tốt đẹp; làm với tâm bao dung không nhìn lỗi lầm của thế gian. Làm những phận sự với tâm như vậy là do sự thôi thúc của tâm bi và trí tuệ mà thôi.

Thật ra bên trong tâm của Trưởng lão Mahākāla không còn có một chút phiền não ma giống như trận cuồng phong nào, trong khi 3 pháp thực hành giới-định-tuệ của Trưởng lão có năng lực vững chắc giống như tảng đá kiên cố. Với 3 pháp hành giới-định-tuệ kiên cố vững chắc như tảng đá của Trưởng lão, trong khi phiền não ma không có một chút năng lực nào, thì nó làm sao có thể lay động, quật ngã hay làm cho khiếp hãi được. Do đó, đối với Trưởng lão Mahākāla không thể còn có sự nguy hiểm, tai hại đưa đến sự hoàn tục. Chính vì biết được như vậy nên đức Phật đã để Trưởng lão ở lại một mình. Khi đức Phật đang thuyết giảng giải thích cho Tăng chúng như vậy vừa xong, thì cũng là lúc Trưởng lão Mahākāla từ trên hư không về đến trú xứ ấy. Ở giữa hư không, Trưởng lão đã chắp tay tán dương ca tụng oai lực những ân đức vô lượng của đức Phật, rồi hạ xuống đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Ngài.

Chúng ta do nhờ thiện nghiệp nên đã được sinh làm kiếp người khó được trong cõi đời này, vì vậy khi gánh vác những trách nhiệm và phận sự thì nên làm sao cho ngày càng tốt đẹp hơn, để đem lại lợi ích cho thế gian, xã hội là mục tiêu thứ nhất, đem lại lợi ích cho thân quyến cộng đồng là mục tiêu thứ hai và mục tiêu thứ ba là lợi ích cho chính sự giác ngộ của mình như đức Phật đã chỉ dạy. Không nên giống như Cūḷakāla luôn làm tôi tớ của tham ái, ngã mạn, tà kiến; mà hãy như Trưởng lão Mahākāla, tuy có thể chúng ta chưa đoạn diệt hoàn toàn tham ái, ngã mạn, tà kiến như Trưởng lão; nhưng hãy luôn cố gắng chiến đấu, đẩy lùi chúng cho đến ngày hoàn toàn chiến thắng chúng. Đó là điều mà đức Phật muốn nhắc nhở, chỉ dạy cho chúng ta qua câu chuyện và những bài kệ này.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app