Các Tỳ khưu ở vương quốc Kosambī
Trong ngôi chùa Ghositārāma tại vương quốc Kosambī có 2 hội chúng Tỳ khưu cùng chung sống với nhau, một hội chúng 500 vị do một Tỳ khưu Trưởng lão chuyên giới luật (vinayadhara) lãnh đạo và một hội chúng khác cũng gồm 500 vị do một Tỳ khưu Trưởng lão chuyên giảng dạy giáo pháp (dhammakathika: giảng sư) lãnh đạo. Họ chung sống với nhau rất hòa hợp, rất đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Do đó, hai hội chúng Tỳ khưu ấy rất đáng kính trọng và hoan hỷ. Đó còn là ruộng vườn đất đai màu mỡ để dân chúng trong vương quốc Kosambī gieo trồng phước thiện. Ruộng vườn đất đai màu mỡ để gieo trồng phước thiện gọi là “puññakkhettaṃ: ruộng phước”.
Dân chúng vương quốc Kosambī mỗi một người đều đem hết khả năng của mình bố thí cúng dường 4 món vật dụng (y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh), để hộ độ (chăm lo) đến 1.000 vị Tỳ khưu ấy. Sự bố thí cúng dường ấy chính là gieo trồng phước thiện vậy. Bởi vì, phải có gieo trồng phước thiện thì tương lai mới có hoa trái để mà gặt hái. Trong việc gieo trồng phước thiện cũng cần phải có hạt giống tốt, và ruộng vườn đất đai cũng cần phải màu mỡ. Hạt giống của dân chúng vương quốc Kosambī có, là do đức tin hoàn toàn trong sạch và hoan hỷ nên đó là một loại hạt giống tốt. 1.000 vị Tỳ khưu sống trong chùa Ghositārāma là những vị có giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh, đó chính là ruộng vườn đất đai màu mỡ. Do đó, một khi hạt giống tốt được gieo trồng trên ruộng vườn đất đai màu mỡ, thì làm sao mà không sinh trưởng để cho ra hoa trái sum suê được. Ngôi chùa Ghositārāma và vương quốc Kosambī quả là những nơi danh thơm tiếng tốt, đáng quy kính hoan hỷ đối với giáo pháp của đức Phật Gotama vậy!
Tuy nhiên, trong một ngày nọ, vị Trưởng lão giảng sư đi vào nhà vệ sinh để vệ sinh tay chân thân thể, khi đi ra đã để nước thừa lại trong ca múc nước mà quên đổ đi. Và khi vị Trưởng lão chuyên giới luật vào đã nhìn thấy nước thừa trong ca ấy, nên sau đó khi gặp vị Trưởng lão giảng sư liền hỏi:
- Có phải Trưởng lão đã để nước thừa lại trong ca mà quên không đổ đi phải không?
- Vâng, đúng vậy, tôi quên đổ đi, thưa Trưởng lão.
- Nếu để nước thừa lại như vậy là phạm āpatti Trưởng lão không biết hay sao? (āpatti: là thuật ngữ dùng để chỉ sự phạm giới luật của một vị Tỳ khưu trong Phật giáo).
- Vâng! Thật sự tôi không biết thưa Trưởng lão. Vị giảng sư trả lời.
- Nếu thật vậy thì Trưởng lão không phạm āpatti. Vị chuyên luật nói.
- Nếu phạm āpatti thì tôi sẽ xin sám hối sửa chữa theo luật thưa Trưởng lão. Vị giảng sư cũng thành tâm thành ý nhận lỗi.
Sự đối đáp giữa 2 vị Trưởng lão chuyên luật và giảng sư nếu chấm dứt ngang đây thì tốt biết dường nào! Tuy nhiên, nó không chấm dứt ngang đây, mà vị Trưởng lão chuyên luật đã nói tiếp với vị giảng sư: “Thưa Trưởng lão, hoặc do không có tác ý cố tình làm, hoặc do sơ suất mà vô tình làm thì không phạm āpatti.” Chính do lời nói này mà trong lịch sử Phật giáo đã phát sinh một sự kiện làm cho 1.000 vị Tỳ khưu ở chùa Ghositārāma và dân chúng vương quốc Kosambī sống trong tâm trạng bất hòa, nghi kỵ lẫn nhau. Đó thật sự là một điều đáng kinh hãi vậy!
Vị Trưởng lão giảng sư đã rất tôn trọng khắc sâu lời nói sau cùng của vị Trưởng lão chuyên luật, nên nghĩ mình không phạm āpatti, do vậy không cần phải sám hối, sửa chữa. Ngay trong ngày ấy, vị Trưởng lão chuyên luật nói với đệ tử mình “Vị Trưởng lão giảng sư đến chính mình phạm āpatti mà cũng không biết.” Nghe như vậy nên các đệ tử của vị chuyên luật đã chế nhạo các đệ tử của vị giảng sư: “Thầy của các ông, đến chính mình phạm āpatti mà không hề hay biết.”
Vị Trưởng lão giảng sư nghe vậy cũng nói với đệ tử mình: “Vị Trưởng lão chuyên luật trước đây nói không phạm āpatti, nay lại nói là phạm āpatti. Vị ấy nói lời trước với lời sau không giống nhau, lúc nói thế này lúc lại bảo thế kia. Vị ấy là người giỏi nói dối.” Nhóm để tử của vị giảng sư nghe vậy nên khi gặp các đệ tử của vị chuyên luật chế nhạo mình, họ cũng đối đáp lại: “Thầy của các ông là người nói dối.”
Vị Trưởng lão chuyên luật, lấy lý do vị Trưởng lão giảng sư “không chịu sám hối āpatti”, để đuổi Trưởng lão ấy ra khỏi chùa Ghositārāma, nhưng vị ấy không chịu đi. Nhóm Tỳ khưu của vị chuyên luật cho rằng Tăng sự (quyết định của Tăng đoàn) của họ là “hợp pháp” nên quyết tâm đuổi đi cho bằng được. Trong khi đó nhóm Tỳ khưu của vị giảng sư lại cho rằng Tăng sự của nhóm vị chuyên luật là “không hợp pháp”, nên không chịu ra khỏi ngôi chùa Ghositārāma.
Và cứ theo như vậy nên chư Tăng ở trong ngôi chùa Ghositārāma có sự chia rẽ sâu sắc thành 2 nhóm. Một khi chư Tăng chia rẽ thành 2 nhóm như vậy, thì những Tỳ khưu ni nhận sự giáo giới và các Phật tử thân cận cũng bị chia rẽ theo. Tiếp theo sau là sự chia rẽ thành 2 nhóm từ những chư thiên hộ trì có liên quan cho đến Chư thiên và đến cả Phạm thiên còn phàm phu.
Khi nghe được tin này, tuy đức Phật đã 2 lần sai bảo sứ giả đến để khuyên can giảng hòa nhưng vẫn không được, nên lần thứ 3 đích thân Ngài đến chỉ dạy những điều đáng chỉ dạy khiến cho 2 nhóm hòa hợp đoàn kết. Nhưng không lâu sau Ngài lại được tin họ vẫn tiếp tục tranh cãi chỉ trích lẫn nhau, nên lần thứ 2 cũng chính Ngài thân hành ngự đến và dạy:
- Này các Tỳ khưu, những người con yêu quý của ta! Sự chia rẻ do đối nghịch, do bất đồng nhau chỉ đem lại điều bất lợi, là việc làm vô ích mà thôi. “Xưa kia cũng do nguyên nhân đối nghịch mà chim Cút Đất mẹ đã khiến cho con Voi chúa đầu đàn chết thảm.”
Rồi Đức Phật thuyết pháp dẫn chứng về câu chuyện tiền thân chim Cút Đất (Laṭutikajātaka). Ngài còn dạy tiếp “Hoặc do bất đồng tranh cãi mà cả đàn chim Cút (thường) đều bị chết hết”, Ngài lại thuyết pháp dẫn chứng về câu chuyện tiền thân chim Cút (Vaṭṭakajātaka). Tuy đức Phật đã thuyết về tác hại của sự đối nghịch, bất đồng tranh cãi như vậy, nhưng họ không nghe theo lời giáo huấn của Ngài, các vị Tỳ khưu trong ngôi chùa Ghositārāma vẫn đối nghịch tranh cãi và chia rẽ thành 2 nhóm như cũ. Sau cùng đức Phật lại thuyết về quả báu lợi ích do không đối nghịch, bất đồng tranh cãi đem lại. Ngài thuyết pháp dẫn chứng về Thái tử Dīghāvu con trai của đại vương Dīghīti Kosala, do không thù nghịch nên thừa hưởng được ngai vàng và mọi uy quyền của bậc Đế Vương. Tuy nhiên vẫn không dập tắt được sự đối nghịch bất đồng ấy.
Nhóm Tỳ khưu do vị Trưởng lão chuyên luật cũng như nhóm Tỳ khưu do vị Trưởng lão giảng sư đều là những bậc có giới hạnh trong sạch, là những bậc tu tập hành trì với mục đích hướng đến giải thoát khổ sinh tử luân hồi, lại là những bậc có đức tin trong sạch tròn đủ nơi giáo pháp của đức Phật. Họ còn biết là do nương vào oai lực của đức Phật mới có được 4 thứ vật dụng đầy đủ. Họ cũng là những bậc thừa nhận đức Phật là bậc Thầy của chư Thiên và nhân loại. Tuy nhiên, tận trong tâm thức của họ còn ẩn chứa, tiềm tàng sân hận và ngã mạn, nên một khi chúng trỗi dậy thì những hiểu biết, những đức tin trước đây đã bị tan biến, những gì chung quanh cũng đều bị che đậy làm cho tối tăm tất cả. Không thấy Phật, không thấy pháp, không còn biết hổ thẹn, không còn biết ghê sợ điều gì. Họ giờ đây chỉ là những hình nộm của vô minh mà thôi.
Theo như bản chất của vô minh, thì họ chỉ biết ta đúng, người kia sai. Họ chỉ thấy ta hợp với chánh pháp, người kia không hợp. v.v…. Từ cái biết, cái thấy đó cho rằng bên trong của những người khác không có Phật, không có pháp, không có pháp hành giới-định-tuệ, chẳng có một cái gì khác cả. Bản chất của vô minh (si mê) là “atasmiṃ tabbuddhi: nghĩa là trong điều không phải thì lại biết điều ấy”. Do đó, dù là lời giáo huấn của đức Phật Toàn Giác cũng không thấy ra được là những lời dạy bảo đáng phải nghe theo. Khi ấy, đến đức Phật cũng đành phải buông tay từ bỏ.
Do bên trong của hạng phàm nhân thiện hoặc bất thiện mỗi khi có cơ hội thích hợp là chúng phát sinh, cho nên khi tâm bất thiện phát sinh con người cũng giống như loài vật, tâm tính như loài vật, hung dữ như loài vật, luôn luôn sân hận, không kham nhẫn, không biết tha thứ. Vì vậy, giả thuyết cho rằng con người là từ Vượn tiến hóa thành, điều này nếu đứng về khía cạnh nhân cách phẩm giá mà đánh giá, nhìn nhận thì quả là không sai. Còn nếu khi tâm thiện phát sinh thì con người lại giống như Phạm thiên, tâm tính như Phạm thiên, hiền hòa như Phạm thiên, luôn luôn có tâm thương yêu, thực hành các pháp từ-bi-hỷ-xả của Phạm thiên, biết kham nhẫn, biết tha thứ. Vì vậy, luận thuyết cho rằng con người là từ Phạm thiên tái sinh xuống, điều này nếu đứng về khía cạnh nhân cách phẩm giá mà đánh giá, nhìn nhận thì cũng quả thật không sai.
Do đó, hạng phàm nhân vì một nửa là súc sinh, một nửa là Phạm thiên, nên cũng có thể hung dữ như súc sinh, nhưng không phải lúc nào cũng hung dữ. Và cũng có thể hiền hòa như Phạm thiên, nhưng không phải lúc nào cũng hiền hòa. Sự hung dữ và hiền hòa chính là những bản tính nguyên sơ tiềm tàng của hạng phàm nhân. Vì vậy, không nên thả nổi, bỏ mặc bản tính nguyên sơ tiềm tàng ấy tự nhiên được. Nếu thả nổi để mặc nó tự nhiên thì tâm tính hung dữ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ lấn áp tất cả. Tại sao như vậy? Bởi vì trong cuộc đời khi vừa tái sinh làm người thì tâm tham, tâm bất thiện, một trong những nguyên nhân phát sinh sự hung dữ, sinh khởi lên đầu tiên vậy. Cho nên, bên trong của hạng phàm nhân bình thường, nếu không có sự để ý quán xét bởi chánh niệm và trí tuệ thì những tâm hung dữ sẽ luôn sinh khởi nhiều hơn.
Trong những tâm tính hung dữ và hiền hòa, hoặc bất thiện và thiện, mặc dù hung dữ hoặc bất thiện thường đánh bại hay chiến thắng sự hiền hòa hoặc thiện, nhưng đó cũng không phải là sự chiến thắng mang tính lâu dài hay vĩnh viễn, nó chỉ mang tính tạm thời, tức khắc mà thôi. Theo giáo pháp của đức Phật chỉ có tâm thiện mới là tâm có thể chiến thắng lâu dài và vĩnh viễn được mà thôi. Và khi tâm thiện trừ diệt được tâm bất thiện dành chiến thắng vĩnh viễn như vậy gọi là trở thành bậc Thánh nhân (Ariya). Vì vậy, trong 2 điều chánh pháp (dhamma) và phi pháp (adhamma), một khi nhân duyên chưa thích hợp thì chánh pháp dù có thất bại đi chăng nữa, nhưng đến cuối cùng chánh pháp vẫn luôn trừ diệt được hoàn toàn phi pháp và dành chiến thắng vĩnh viễn, chân lý này không thể nào sai chạy được.
Đức Phật vì thấy biết rõ tính chất này nên đã từ bỏ 1.000 vị Tỳ khưu ở trong ngôi chùa Ghositārāma, thuộc vương quốc Kosambī, một mình đi vào trú ngụ an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại khu rừng Pālileyyaka. Trong khu rừng ấy, có Voi chúa Pālileyyaka và con Khỉ Makkaṭa đã hầu hạ, phục vụ, phụng sự Ngài. Đức Phật đã chấp nhận sự hầu hạ, phục vụ và phụng sự ấy của chúng sống một mình an lạc thanh bình suốt trong 3 tháng mùa mưa ấy.
Voi chúa Pālileyyaka đã hái trái cây lớn nhỏ cúng dường lên đức Phật, dùng chậu đem nước về đặt để vào những nơi nhất định để đức Phật dùng rửa mặt và uống. Nó dùng 2 thanh củi khô để đánh thành lửa đốt cháy một đống củi, sau đó tìm những hòn đá vừa phải để vào trong đóng lửa ấy, rồi dùng thanh củi để lật qua lật lại cho chúng nóng lên, tiếp theo di chuyển những viên đá nóng ấy vào vũng nước nhỏ cho nóng lên và dâng nước nóng ấy để đức Phật tắm. Khi đức Phật đi vào xóm làng khất thực Voi chúa ấy cũng đưa Ngài đến tận ranh giới của xóm làng, rồi đợi ở đó để đón Ngài trở về. Về phần con Khỉ Makkaṭa cũng vậy, nó đi tìm những tổ ong không còn con ong nào sinh sống trong đó nữa, để đem về hằng ngày dâng cúng dường mật ong ấy lên đức Phật. Ngài đã sống an lạc thanh bình một mình như vậy trong khu rừng Pālileyyaka ấy.
1.000 vị Tỳ khưu sống trong ngôi chùa Ghositārāma thuộc vương quốc Kosambī họ đang còn trong hạng phàm nhân. Và với bản chất tự nhiên của phàm nhân ấy, nên bản tính có khi hiền hòa và có lúc lại hung dữ. Do đó, ngay từ lúc bắt đầu xuất gia họ là những người đặt trọn niềm tin trong giáo pháp của đức Phật, theo đó mà cố gắng để thực hành tu tập nên làm cho tâm tính hiền hậu, hòa nhã. Trong họ các thiện pháp cũng phát triển và tăng trưởng lên; sự thực hành giới luật phẩm hạnh hoàn toàn trong sạch thanh tịnh; nên đó như là những ruộng vườn đất đai màu mở để gieo trồng thiện phước. Tuy nhiên, một khi bị sân hận và ngã mạn bao trùm che phủ, luôn cho rằng ‘ta đúng’, ‘ngươi sai’ thì lại là lúc những sự hung dữ phát khởi lên, các bất thiện pháp cũng phát triển lên theo. Thật ra, chỉ khi nào luôn có sự chú ý quán xét từ chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác, thì mới trở thành người tốt, bậc Thiện trí thức và đứng vững lâu dài trong cuộc đời này được. Người tốt và người xấu hoặc người thiện và người ác không nằm trên địa vị chức tước hay của cải tài sản, nó cũng không nằm trong nghề nghiệp hay học vị, nó chỉ nằm ở trong giới luật, phẩm hạnh, đạo đức mà thôi.
Thời gian trước đây, được dân chúng trong vương quốc Kosambī nhìn nhận là những ruộng vườn đất đai màu mỡ, nên họ đã gieo trồng hạt giống phước thiện nơi 1.000 vị Tỳ khưu ấy. Còn lúc này họ lại nhìn nhận cho là đất đồi sỏi đá khô cằn, nên không còn gieo trồng hạt giống phước thiện nữa. Họ đã không những không gieo trồng hạt giống phước thiện, mà còn không thỉnh mời, không chào đón, không chắp tay, không đảnh lễ.
Khi đức Phật còn đang sống ở trong ngôi chùa Ghositārāma thì nhóm Tỳ khưu của Trưởng lão chuyên luật và nhóm Tỳ khưu của Trưởng lão giảng sư, họ có đầy đủ 4 thứ vật dụng (y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc men) từ những thiện tín thân cận. Được các thiện tín thỉnh mời chào đón, cung kính, chắp tay, đảnh lễ. Khi đó họ cứ nghĩ là do phước đức của họ nên có được những điều đó. Tuy nhiên, từ khi các thiện tín hay tin: ‘vì hai nhóm Tỳ khưu ấy không nghe theo lời giáo huấn của đức Phật, nên Ngài đã từ bỏ họ đi vào khu rừng Pālileyyaka, và đã sống một mình ở trong khu rừng ấy’. Vậy là kể từ đó các thiện tín ấy không còn cúng dường hộ độ 4 món vật dụng đến họ nữa, cũng không còn thỉnh mời hay chào đón, không còn chắp tay hay đảnh lễ, thậm chí không tỏ ra cả cử chỉ cung kính. Và cũng kể từ lúc này 1.000 Tỳ khưu trong ngôi chùa Ghositārāma mới hiểu ra công ơn phước đức lớn lao của đức Phật. Họ cũng hiểu được phước đức của mình không do chính mình làm chủ, đó chỉ là những phước đức do vay mượn tạm thời từ đức Phật nên mới có được mà thôi. Chính do những phước đức vay mượn ấy mà họ mới được các thiện tín cúng dường hộ độ 4 món vật dụng cũng như sự thỉnh mời chào đón, cung kính, chắp tay, đảnh lễ. Một khi tự đứng trên đôi chân của chính mình thì cũng là lúc họ chẳng là gì cả, chẳng có chút phước đức nào. Do đó họ mới hiểu biết ra là cần phải hòa hợp, đoàn kết lẫn nhau rồi cùng đi đến sám hối đức Phật mới phải. Vì vậy, nhóm của Trưởng lão chuyên luật và nhóm của Trưởng lão giảng sư đã hòa hợp trở lại, rồi cùng nhau thực hành tu tập pháp của bậc Tỳ khưu. Và kể từ đó trở đi 1.000 vị Tỳ khưu ấy lại là những bậc phạm hạnh có giới hạnh trở nên hoàn toàn trong sạch. Trở lại là những ruộng vườn tốt xứng đáng là nơi để giao trồng những hạt giống phước thiện như xưa.
Sau đó, 1.000 vị Tỳ khưu trong ngôi chùa Ghositārāma đã báo tin cho dân chúng vương quốc Kosambī biết họ đã nhận lỗi rồi sám hối lẫn nhau, đã hòa hợp đoàn kết lại với nhau, vì vậy mong rằng tất cả mọi người đối xử quý kính lại với họ như trước đây. Nhưng các thiện tín đã thưa lại:
- Thưa chư vị Trưởng lão! Chỉ sau khi chư vị Trưởng lão đã sám hối với đức Phật xong, chúng tôi mới quý kính đối xử lại với chư vị y như trước đây.
Các vị Tỳ khưu ấy, vì đang an cư nhập hạ trong 3 tháng mùa mưa (từ 16/6 đến 15/9 Âm Lịch), nên không dám đến sám hối với đức Phật. Vì vậy, 1.000 vị Tỳ khưu ở trong ngôi chùa Ghositārāma đã phải sống sinh hoạt và ăn uống rất vất vả khổ sở suốt 3 tháng mùa mưa ấy. Hối hận quả đúng là nằm trong nhóm bất thiện vậy.
Những hậu quả bất thiện tiếp diễn của các Tỳ khưu do sân hận, ngã mạn rồi cương quyết không nghe theo lời giáo huấn của đức Phật không phải chỉ có chừng đó thôi đâu, mà còn luôn cảm thấy xấu hổ không dám ngẩng đầu lên nhìn một ai giữa hội chúng đông người. Mặc dù vậy, khi thấy biết ra cái sai của chính mình đúng thật là sai trái, rồi cúi mình đảnh lễ dưới chân đức Phật để sám hối lỗi lầm đó, thì oai lực của thiện nghiệp ấy có thể khiến cho những lỗi lầm mà họ đã phạm phải bị lu mờ, và chính thiện nghiệp ấy với năng lực “nương tựa đặc biệt” sẽ hỗ trợ chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo.
Nếu khi sai biết là sai thì đó là điều thiện, nên đó là bậc Thiện Trí ở đời. Tự thấy ra cái sai của mình, rồi nói ra để sám hối xin được tha thứ, đó là cách để cắt đứt sợi dây trói buộc do oán hận gây nên, như vậy là còn hơn cả một bậc Thiện trí nữa. Những bất thiện nào chưa phát sinh thì cố gắng để không cho nó phát sinh. Những bất thiện nào đã phát sinh thì cố gắng làm cho nó tiêu tan. Những pháp thiện nào chưa phát sinh thì cố gắng làm cho phát sinh. Những pháp thiện nào đã phát sinh thì cố gắng làm cho nó phát triển, tăng trưởng. Sự cố gắng như vậy tương xứng với sammāvāyāma: sự cố gắng chơn chánh trong 8 nhân Thánh Đạo, đó là những nhân tố có năng lực to lớn hỗ trợ chứng ngộ 4 chân lý của bậc Thánh nhân (Ariyasacca).
1.000 vị Tỳ khưu sống ở ngôi chùa Ghositārāma trong vương quốc Kosambī, do năng lực hỗ trợ to lớn của cố gắng chơn chánh thuộc trong 8 nhân chánh đạo ấy, nên sau này khi đến nghe pháp trực tiếp từ đức Phật sẽ chứng đắc thành những bậc Thánh Nhập Lưu. Đối với những người có sự chú ý hiểu biết do có chánh niệm và trí tuệ tỉnh giác thì “hư hỏng là thường tình, sửa chữa luôn tức thời”. Họ luôn cố gắng từ cuộc đời hung dữ, thô thiển chuyển qua cuộc đời hiền hòa, tinh tế cho bằng được. Sự thay đổi này, theo quy luật ta hay gọi là chánh pháp luôn chiến thắng phi pháp vậy (chánh luôn thắng tà).
Rồi cũng đến ngày ra hạ (sau Rằm tháng 9 Âm Lịch). Có 500 vị Tỳ khưu từ khắp mọi nơi tề tựu về ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, với mục đích vì mong muốn được diện kiến đảnh lễ đức Phật. Phú hộ Anāthapiṇḍika và cận sự nữ Visākhā cũng vậy, họ rất mong muốn được diện kiến đảnh lễ đức Phật. Vì vậy, tất cả họ thỉnh cầu Trưởng lão Ānanda đến cung thỉnh đức Phật đang trú ngụ trong khu rừng Pālileyyaka, ngự trở về chùa Jetavana. 500 vị Tỳ khưu khách cũng xin phép Trưởng lão Ānanda được cùng đi đến khu rừng ấy để cung thỉnh đức Phật ngự trở về.
Do đó, Trưởng lão Ānanda cùng 500 Tỳ khưu xuất phát từ chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, để lên đường đến khu rừng Pālileyyaka cung thỉnh đức Phật. Khi đến gần khu rừng, Trưởng lão Ānanda để 500 vị Tỳ khưu ở lại bên ngoài, chỉ một mình đi vào diện kiến đức Phật. Khi thấy Trưởng lão Ānanda một mình đi vào như vậy, Voi chúa Pālileyyaka đã ngăn lại. Chỉ đến khi đức Phật bảo đừng ngăn cản thì Voi chúa mới để cho Trưởng lão Ānanda vào, và đưa vòi ra định cầm y bát cho Trưởng lão. Tuy nhiên Trưởng lão Ānanda lại không đưa cho, mà tự mình mang theo.
Khi ấy Voi chúa Pālileyyaka vẫn đứng nhìn theo nhất cử nhất động của Trưởng lão để xem Trưởng lão có ý tứ hay không. Trưởng lão Ānanda đã không để y bát của mình lên trên tảng đá đức Phật thường ngự mà để chúng dưới mặt đất. Theo văn hóa Phật giáo Theravāda thì những người đệ tử hoặc con cái không khi nào đặt để đồ đạc dụng cụ của mình lên trên những chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ nghỉ ngơi của các bậc đáng kính như cha mẹ, thầy tổ.
Trưởng lão Ānanda sau khi đảnh lễ đức Phật xong ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Phật liền hỏi.
- Này Ānanda! Con đến một mình thôi phải không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Còn có 500 Tỳ khưu cùng đến nữa. Họ đang ở phía ngoài khu rừng. Trưởng lão Ānanda cung kính bạch Phật.
- Vậy con hãy ra gọi mọi người vào đây. Đức Phật dạy.
500 vị Tỳ khưu sau khi vào diện kiến đảnh lễ đức Phật xong cũng ngồi vào nơi hợp lẽ rồi cung kính tác bạch:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Quả thật Ngài là Bậc an nhiên tự tại của một đấng Toàn Giác, và cũng như an nhiên tự tại của một bậc Quân Vương. Khi không có một người nào ở bên để hầu hạ hộ độ phục vụ những phận sự lớn nhỏ, suốt trong 3 tháng mùa mưa Ngài chỉ sống ở trong khu rừng Pālileyyaka này một mình thì thật khó khăn vất vả quá.
Đức Phật dạy:
- Này các Tỳ khưu, những người con yêu quý của Như Lai! Voi chúa Pālileyyaka này đã làm những phận sự lớn nhỏ hầu hạ hộ độ phục vụ Như Lai. Được sống cùng với người bạn tốt này thật là cao quý. Nếu không có được người bạn tốt, thì thà sống một mình cao quý hơn, chứ không nên sống cùng người bạn xấu. Tiếp theo Ngài thuyết 3 bài kệ sau:
“Nếu có được người bạn đồng Phạm hạnh có trí tuệ thâm sâu, có thiền định vững chắc, cùng nhau tu tập, thực hành chân lý, thì hãy hoan hỷ, an vui luôn có chánh niệm sống với người bạn ấy, cùng hành trì tu tập để chiến thắng, vượt qua mọi nguy hiểm”.
“Còn nếu không có được người bạn đồng Phạm hạnh có trí tuệ thâm sâu, có thiền định vững chắc, cùng nhau tu tập, thực hành chân lý, thì hãy thực hành sống một mình, giống như một vị Vua từ bỏ đất nước, một mình đi vào núi rừng tu tập; hoặc giống như Voi chúa từ bỏ đàn Voi của mình vào rừng sâu sống một mình vậy”.
“Sự thực hành, tu tập một mình rất cao quý. Làm bạn với kẻ xấu chẳng ích lợi gì. Hãy thực hành sống tu tập một mình, giống như Voi chúa Pālileyyaka sống một mình trong rừng sâu, không lo lắng bận rộn chuyện gì. Không nên làm các việc bất thiện”.
Sau khi đức Phật thuyết 3 bài kệ này xong 500 vị Tỳ khưu đi cùng Trưởng lão Ānanda đều chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng, riêng Trưởng lão Ānanda không chứng đạt thêm được gì. Sau đó, Trưởng lão Ānanda bạch lên đức Phật:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Những bậc Thanh Văn đệ tử mà đại diện là phú hộ Anāthapiṇḍika, bà Visākhā thông qua con, họ nhắn gửi lời tác bạch mong muốn cung thỉnh Đức Thế Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi.
- Nếu vậy, này Ānanda, con hãy lấy y bát rồi lên đường. Đức Phật dạy, sau đó Ngài cùng chúng Tỳ khưu lên đường.
Khi ấy, Voi chúa Pālileyyaka đứng chắn ngang giữa đường. Các vị Tỳ khưu liền bạch:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Voi chúa lại đứng chắn ngang đường như vậy? Bạch Ngài.
- Này các Tỳ khưu! Voi chúa này mong muốn được dâng vật thực cúng dường đến các con. Voi chúa này đã hộ độ phục vụ Như Lai suốt 3 tháng mùa mưa. Như Lai và các con không nên làm tổn thương đến niềm tin của Voi chúa ấy. Vì vậy, các con cùng Như Lai hãy quay trở lại. Đức Phật dạy vậy xong, Ngài cùng chư Tỳ khưu quay lại khu rừng Pālileyyaka ấy.
Voi chúa Pālileyyaka đã đi vào trong rừng sâu để hái đủ các loại trái cây lớn nhỏ thơm ngon mang về. Rạng đông sáng hôm sau nó đã dâng vật thực trái cây ấy đến chư Thánh Tăng có đức Phật làm thượng thủ chứng minh. Đức Phật và chư Thánh Tăng sau khi dùng vật thực trái cây của Voi chúa Pālileyyaka dâng cúng xong đã rời đi khỏi khu rừng. Voi chúa Pālileyyaka lại đứng chắn ngang đường trước đức Phật như muốn bạch xin Ngài ngự trở lại. Đức Phật dạy:
- Pālileyyaka! Sự rời đi lần này của Như Lai là sự ra đi vĩnh viễn, không một lần nào quay trở lại khu rừng này nữa. Với cuộc đời của loài Voi thì không thể có được nhân duyên chứng đắc thiền hay Thánh Đạo, Thánh Quả. Trong tâm con đã tạo được phước thiện dục giới vừa đủ. Vì vậy, đừng ngăn cản Như Lai nữa hãy ở lại sống một mình nơi chốn này.
Khi nghe đức Phật dạy vậy, Voi chúa Pālileyyaka đã cho vòi vào miệng rống lên tiếng rống (khóc) thảm thiết rồi lưu luyến bám sát theo sau đức Phật. Khi đến ngang ranh giới giữa rừng và xóm làng đức Phật dạy bảo: “Pālileyyaka! Từ chỗ này trở ra rất nhiều hiểm nguy đối với con. Con hãy dừng lại nơi đây thôi.” Nghe vậy, Voi chúa Pālileyyaka đứng lại hướng đôi mắt đẫm lệ nhìn theo bóng dáng xa dần của đức Phật và Thánh chúng. Khi những bóng dáng cuối cùng trong đoàn người mất dạng, không còn nhìn thấy nữa, sự nhớ thương đã làm vỡ lòng ngực (tim) và Voi chúa đã chết ngay tại đó.
Khi đức Phật còn trú ngụ tại khu rừng Pālileyyaka, gồm có con Khỉ Makkaṭa thường cúng dường mật ong, và Voi chúa Pālileyyaka hằng ngày hái trái cây lớn nhỏ dâng cúng, cũng như luôn hộ độ phục vụ những phận sự lớn nhỏ đến đức Phật, nên sau khi chết chúng được tái sinh làm những Thiên nam ở tầng trời Tvāvatiṃsa (Tam Thập Tam, Đao Lợi). Con Khỉ Makkaṭa khi nhìn thấy đức Phật đang thọ dụng mật ong mà chính mình dâng cúng, vì quá vui sướng (hoan hỷ) đã nhảy từ cây này sang cây kia, vô tình nắm phải cành cây mục nên bị rơi xuống đất mà chết. Còn Voi chúa Pālileyyaka vì phải chia xa đức Phật và Thánh chúng nên vỡ tim mà chết. Sự chết của Khỉ và Voi là những sự chết hữu ích và cao quý.
Dù là người hay súc sinh hễ có đức tin trong sạch mãnh liệt nơi Tam Bảo, rồi thân cận cúng dường hộ độ phục vụ, thì dù là thiện pháp không có trí tuệ đi nữa, nhưng chắc chắn sẽ gặt hái được quả tốt, không sai chạy được. Còn nếu làm được thiện pháp có trí tuệ thì đâu cần phải nói đến nữa!
Khi các Tỳ khưu ở vương quốc Kosambī hay tin đức Phật đã ngự về đến chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, họ liền lên đường đến kinh thành ấy để đảnh lễ sám hối lỗi lầm của mình với đức Phật. Biết được tin ấy, nhà Vua Pasenadīkosala đã đến trình bạch đức Phật, ông không muốn cho các vị Tỳ khưu đã từng không nghe lời theo giáo huấn mặc dù chính đức Phật tự thân ngự đến dạy bảo, lại còn làm phát sinh sự đối nghịch, tranh cãi gây bất hòa chia rẽ lẫn nhau, đi vào trong đất nước của ông. Đại thí chủ cúng dường chùa, ông Anāthapiṇḍika cũng trình bạch đức Phật, ông cũng không muốn cho các vị Tỳ khưu ấy vào bên trong chùa Jetavana. Nhưng đức Phật đã dạy bảo cho 2 người ấy:
- Các Tỳ khưu ấy thật ra toàn là những Tỳ khưu có giới hạnh trong sạch. Vì bất hòa tranh cãi lẫn nhau nên đã không nghe theo lời giáo huấn của Như Lai. Bây giờ họ đến để đảnh lễ sám hối thì không nên ngăn cấm, hãy để cho họ đến.
Do lời chỉ dạy đó mà nhóm Tỳ khưu ấy mới được phép vào trong vương quốc Kosala, để đến chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi.
Khi nhóm Tỳ khưu ấy đến nơi, đức Phật đã dạy bảo lo sắp xếp chăn màn chiếu gối, cốc liêu, chỗ ở cho họ. Những vị Tỳ khưu khác và những thiện tín đến chùa Jetavana, khi nhìn thấy nhóm Tỳ khưu Kosambī ấy đã chỉ trỏ và bàn tán xôn xao rằng: “Đó chính là những vị Tỳ khưu bất đồng tranh cãi lẫn nhau. Mặc dù được chính đức Phật đích thân đến giáo huấn, nhưng họ đã không nghe theo lời dạy bảo của Ngài.” Thấy nghe những cử chỉ lời nói ấy, nhóm Tỳ khưu Kosambī kia cảm thấy quá xấu hổ đến nỗi không dám ngẩng đầu lên nhìn một ai. Lỗi lầm của mình là do chính mình gây ra, nên cũng chẳng thể thanh minh hay giải thích lại được câu nào. Họ đã đến đảnh lễ và cúi đầu dưới đôi bàn chân của đức Phật cầu xin sám hối những lỗi lầm của mình. Đức Phật dạy:
– Trong thế gian này, những người thiểu trí không thấy biết tính chất vô thường nên luôn phát sinh sự bất đồng tranh cãi lẫn nhau. Chính vì phát sinh sự bất đồng tranh cãi nhau, nên không có sự yên tịnh an lạc được, mà sự bất hòa chia rẽ càng tăng trưởng thêm mà thôi. Đối với những bậc Thiện trí thức thấy biết về tính chất vô thường thì sẽ luôn yên tịnh an lạc do không có sự bất đồng tranh cãi ấy. Sau khi dạy bảo xong Ngài thuyết những bài kệ sau:
(Nghĩa của bài kệ)
“Trong thế gian này, đối với những người thiểu trí họ không biết rằng: “Trong một ngày nào, chúng ta chắc chắn rồi cũng sẽ chết”, vì vậy họ luôn bất đồng, tranh cãi, đấu đá lẫn nhau, không thể nào dập tắt được. Còn đối với bậc Thiện trí thức biết được điều đó và do biết rõ như vậy, nên dập tắt được sự bất đồng, tranh cãi, đấu đá lẫn nhau ấy.”
Cuộc đời của hạng phàm nhân chúng ta đó là nơi gặp gỡ tổng hợp của các sự hơn thua công khai hoặc không công khai, nó chính là māna: ngã mạn, tự cao, cái tôi. Māna: cái tôi hơn thua với cả những người hơn mình, cũng như hơn thua với người bằng mình, hoặc thậm chí hơn thua với những người thua mình. Từ sự hơn thua đó phát sinh tâm không chấp nhận, nó chính là dosa: sân hận. Do ngã mạn và sân hận, cho nên một khi cái tâm không chấp nhận phát sinh mãnh liệt, thì dù biết rõ là sai vẫn cố tiếp tục; vẫn biết là điều không nên làm vẫn cố chấp làm cho bằng được. Không còn thấy biết gì, chỉ còn thấy biết làm sao để hơn phía đối nghịch, làm sao để phía đối nghịch phải chịu khổ. Khi ấy thì đức Phật cũng không thể làm gì được; Pháp bảo cũng không thể làm gì được; Tăng bảo cũng không thể làm gì được; cha mẹ và thầy cô… thì quả thật là quá xa vời để có thể làm được.
Theo như câu ngạn ngữ: “Paññāya na bhave ṭhānaṃ: Trong cuộc đời của hạng thiểu trí phàm nhân không có chuyện lấy trí tuệ làm căn cứ”. Do đó, đối với người phàm thì sẽ ưu tiên căn cứ vào cảm xúc hơn căn cứ vào trí tuệ suy xét. Vì vậy, các vị Tỳ khưu ở chùa Ghositārāma thuộc vương quốc Kosambī tuy là những bậc có giới hạnh trong sạch, nhưng là phàm nhân, nên không thể nghe theo lời giáo huấn của đức Phật là vậy. Giới đức, phẩm hạnh của hạng phàm nhân không phải vững chắc như cột trụ đá, mà nó như cột trụ đất dễ xiêu vẹo, đổ vỡ. Chính vì vậy mới nói người phàm một phần là súc sinh, một phần là Phạm thiên.
Đối với những hạng người luôn xem trọng căn cứ nơi trí tuệ quán xét, vì luôn biết rằng theo sự vô thường của kiếp người thì trong một ngày nào đó sẽ chết. Cho nên, một khi chết đi đã nằm trong tay ‘thần chết’ rồi thì không còn ai hơn ai thua, ai phải ai trái, vì cuối cùng rồi cũng thành đống xương tàn hay tro cốt mà thôi. Do đó khi thực hành phương pháp thiền maraṇānussati: quán niệm về sự chết, thì sẽ diệt được những tâm không chấp nhận, tâm sân hận, ngã mạn; và cũng diệt được sự đối nghịch, chia rẽ tranh cãi. Vì vậy cho nên các vị Tỳ khưu ở ngôi chùa Ghositārāma đã gây dựng định tâm trên đối tượng niệm tưởng sự chết ấy, rồi từ đó dùng trí tuệ thiền tuệ quán các pháp do sự kết hợp cấu tạo thành (saṅkhāra) nên chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Đây là ý nghĩa chính yếu của bài kệ ấy.
Chúng ta cũng vậy, một khi những tâm không chấp nhận, tâm sân hận, ngã mạn sinh khởi lên, hãy nghĩ đến những sự kiện của các vị Tỳ khưu ở ngôi chùa Ghositārāma, để cố gắng trừ diệt được những tâm sân hận và ngã mạn ấy.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung