Giáo trình PĀḶI
Tập 2
Nguyên tác: THE NEW PALI COURSE
Tác giả Prof. A. P. Buddhadatta, Maha Nayaka Thera
Dịch giả: Trưởng lão giáo thọ Thích Minh Châu
PL: 2555 DL:2012
KHẢO SÁT THÊM VỀ NHỮNG MẪU TỰ
Những nguyên âm được chia làm hai loại : đoản âm và trường âm.
Đoản âm có: a, i, u.
Trường âm có: ā, ī, ū, e, o.
Về phương diện âm luật, những đoản âm đứng trước hai phụ âm hoặc trước chữ ṃ (niggahīta) được kể là trường âm. Cần chú ý rằng e và o được phát âm thành đoản âm trước những phụ âm đôi (ví dụ: khettaṃ, bhonto,…)
(2) Các phụ âm được chia làm hai loại :
a/ Loại thuộc bộ môn (Vagga).
b/ Loại không thuộc bộ môn (Avagga)
25 phụ âm từ k đến m được gọi là thuộc bộ môn vì chúng được chia thành 5 bộ môn, mỗi bộ môn gồm năm chữ như sau:
kkh ggh ṅbộ môn ka (kavagga).
cch jjh ñbộ môn ca (cavagga).
ṭṭh ḍḍh ṇbộ môn ṭa (ṭavagga).
tth ddh nbộ môn ta (tavagga).
pph bbh mbộ môn pa (pavagga).
Những bộ môn ấy được gọi tên tùy theo chữ đầu của mỗi bộ môn. Năm chữ cái cuối cùng trong 5 bộ môn trên, tức là ṅ, ñ, ṇ, n, m được gọi là tỉ âm (nasals) hay là vagganta – tức là chữ cuối bộ môn.
7 phụ âm còn lại là y, r, l, v, s, h, ḷ, ṃ được gọi là avagga (không bộ môn) vì chúng không được tập hợp thành bộ môn như trên.
Phụ âm ṃ được gọi là niggahīta. Nó luôn luôn đi sau một đoản nguyên âm.
(3) Lại nữa, tất cả nguyên âm và phụ âm được phân loại tùy theo vị trí và tính chất của sự phát âm.
A – THEO VỊ TRÍ PHÁT ÂM (ṬHĀNA)
1/ k, kh, g, gh, ṅ, h và a, ā được gọi là âm họng (kaṇṭhaja).
2/ c, ch, j, jh, ñ, y và i, ī được gọi là âm nóc họng (tāluja).
3/ ṭ, ṭh, ḍ, ḍh, ṇ, r, ḷ được gọi là âm lưỡi (muddhaja).
4/ t, th, d, dh, n, l, s được gọi là âm răng (dantaja).
5/ p, ph, b, bh, m và u, ū được gọi là âm môi (oṭṭhaja).
6/ e vừa là âm họng và âm nóc họng (kaṇṭhatāluja).
7/ o vừa là âm họng và âm môi (kaṇṭhoṭṭhaja).
8/ v vừa là âm răng và âm môi (dantoṭṭhaja).
9/ ṃ chỉ là một hơi ra ở mũi, chỉ được gặp sau những đoản nguyên âm, ví dụ : rathaṃ, maniṃ, yāguṃ (vāsikaja).
B – THEO TÍNH CHẤT ÂM (KARAṆA):
1. Chữ thứ nhất và thứ ba ở năm bộ môn trên được gọi là vô khí âm (sithila), vì chúng được phát âm không có âm h theo sau và không mạnh.
2. Chữ thứ hai và thứ tư trong mỗi nhóm được gọi là hữu khí âm (dhanita), vì chúng được phát âm với một hơi mạnh hay một âm h kèm theo.