DANH TỪ HỢP THỂ (SAMĀSA)

(30)Khi hai hay nhiều danh từ phối hợp để lập thành một đơn vị văn phạm thì nó được gọi là hợp thể (samāsa).

Một số hợp thể danh từ có thành phần đầu là một bất biến từ. Một số khác lại được thành lập hoàn toàn bằng những bất biến từ. Có sáu loại hợp thể danh từ :

a Kammadhāraya : hợp thể tĩnh từ (khi một tĩnh từ phối hợp với một danh từ. Ví dụ : Setahatthī (voi trắng).

b Digu : Hợp thể định số (khi một số lượng phối hợp với một danh từ). Ví dụ : Pañcasīlaṃ (ngũ giới).

c Tappurisa : Hợp thể tương thuộc (khi một danh từ phối hợp với một danh từ).

d Dvanda : Hợp thể hội tụ (hai hay nhiều danh từ phối hợp với nhau)

e Avyayībhāva : Hợp thể trạng từ (khi một bất biến từ trong đó gồm cả trạng từ phối hợp với một danh từ)

f Bahubbīhi : Hợp thể liên từ, trong đó một đại danh liên kết được hiểu ngầm. Ví dụ : Jitāni + indriyāni : jitindriyo (người đã) hàng phục các căn. Hợp thể này có nghĩa khác hẳn với những danh từ lập nên nó.

(31)Biến cách của phần tử đầu hay những phần tử đầu trong một hợp thể phần nhiều bị hủy bỏ; chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ.

HỢP THỂ TĨNH TỪ (KAMMADHĀRAYA)

(32)Hai phần tử của một hợp thể tĩnh từ phải thuộc cùng một biến cách trước khi hợp nhất. Ví dụ : 

nīlaṃ + uppalaṃ : nīluppalaṃ (hoa súng xanh).

rattaṃ + vatthaṃ : rattavatthaṃ (mảnh vải đỏ).

seto + hatthī : setahatthī (voi trắng).

nīco + puriso : nīcapuriso (người lùn, người tầm thường).

puṇṇā + nadī : puṇṇanadī (con sông tràn nước).

dīgho + maggo : dīghamaggo (con đường dài).

(33)Thông thường, phần tử định tính trong một hợp thể được đặt ở trước, nhưng trong một số trường hợp, nó đứng sau cùng :

Buddhaghoso + ācariyo : Buddhaghosācariyo (Luận sư hay bậc thầy Buddhaghosa)

Sāriputto + thero : Sāriputtatthero (Trưởng lão Sāriputta).

Sumedho + paṇḍito : Sumedhapaṇḍito (Sumedha hiền triết).   

Bimbisāro + rājā : Bimbisārarājā (vua Bình Sa)

Bốn ví dụ kể trên có thể được gọi là “danh từ đồng cách” theo các nhà văn phạm Anh.

(34)Nếu danh từ định tính trong một hợp thể ở vào cách thể tỷ giảo (so sánh), thì nó đứng sau cuối hợp thể :

ādicco viya buddho : Buddhādicco (Đức Phật như mặt trời).

cando viya mukho: mukhacando (mặt như mặt trăng).

sīho viyo muni : munisīho (bậc Mâu Ni như sư tử).

nāgo viya Buddho : Buddhanāgo (Đức Phật như tượng vương).

Những chữ nāga, sīha… được dùng để chỉ sự vĩ đại trác tuyệt.

(35)Trong hợp thể tĩnh từ, tĩnh từ mahanta trở thành mahā, nếu chữ mahā được tiếp theo bằng một phụ âm đôi khi trở thành maha:

mahanto + muni : mahāmuni (đại thánh).

mahantī +  paṭhavī : mahāpaṭhavī (quả đất lớn).

mahantaṃ + bhayaṃ : mahabbhayaṃ (nỗi sợ hãi lớn).

(36)Khi hai thành phần của một hợp thể tĩnh từ thuộc nữ tánh, thì thành phần trước có hình thức nam tánh, nếu danh từ ấy được lập từ một ngữ căn nam tánh :  

khattiyā + kumārī : khattiyakumārī (thiếu nữ dòng Sát Đế Lợi).

Brāhmaṇī + kaññā : Brāhmaṇakaññā (con gái Bà la môn).

Nāgī + māṇavikā : Nāgamāṇavikā (thiếu nữ thuộc dòng dõi Nāga, long nữ).

dutiyā + panti : dutiyapanti (hàng thứ hai, cấp hai).

Chú ý : khi thành phần nữ tánh đứng trước là một danh từ riêng, thì nó không mang hình thức nam tánh, ví dụ :

Nandāpokkharaṇī (ao Nandā).

Nandādevī (Hoàng hậu Nandā).

(37)Khi phân từ na (không), được phối hợp với một danh từ khác, nó được thay bằng a khi đứng trước một phụ âm, và bằng an khi đứng trước một nguyên âm. (Tuy nhiên trường hợp này không thuộc vào loại hợp thể thứ năm mặc dù nó cũng có một thành phần là bất biến từ).

na + manusso : amanusso (không phải người, phi nhân).

na + samaṇo : assamaṇo (không phải một tu sĩ).

na + ariyo : anariyo (hèn hạ; thấp; phi thánh).

na + iṭṭho : aniṭṭho (không dễ chịu).

na + kusalaṃ : akusalaṃ (tội lỗi, bất thiện).

HỢP THỂ ĐỊNH SỐ

(38)Khi một con số và một danh từ được phối hợp thì gọi là hợp thể định số (digu). Con số phải là thành phần đứng trước.

Những con số vì là một loại hình dung từ (tĩnh từ), hợp thể này có thể kể vào loại hợp thể tĩnh từ (kammadhāraya). Nhưng ở đây nó được tách riêng và gọi một tên khác để tiện cho người học.

Có hai loại định số hợp thể :

a Samāhāra : cộng đồng hợp thể (chỉ một toàn thể, có hình thức trung tánh số ít).

b Asamāhāra : cá biệt thợp thể (không chỉ cả toàn thể, nhưng có hình thức số nhiều). Ở đây, những sự vật mà thành phần cuối của hợp thể chỉ định, được kể như từng cá thể.

1 – Cộng đồng hợp thể Samāhāra

dve + aṅguliyo : dvaṇgulaṃ (hai ngón tay)

tayo + lokā : tilokaṃ (ba cõi, tam giới)

catasso + disā : catuddisaṃ (bốn phương)

pañca +sīlāni : pañcasīlaṃ (năm giới)

satta + ahāni : sattāhaṃ (một tuần)

sataṃ + yojanāni : satayojanaṃ (một trăm dặm, một trăm do tuần)

2 – Cá biệt hợp thể Asamāhāra

tayo + bhavā : tibhavā (ba cõi hữu).

pañca + indriyāni : pañcindriyāni (5 giác quan, 5 quyền, ngũ căn).

BÀI TẬP 7

DỊCH RA TIẾNG VIỆT
GIẢI THÍCH NHỮNG THỂ DANH TỪ
1/ Buddhādicce anudite candasuriyasatāni pi mokkhamaggaṃ pakāsetuṃ na sakkonti.

2/ Mahāpurise mahābodhiṃ upasaṅkamante mahāpaṭhavī mahāravaṃ rāvamānā kampi.

3/ Dhammāsokamahārājā anekasahasse assamaṇe nīharitvā Buddhasāsanaṃ nimmalaṃ akāsi.

4/ Buddhanāgo Anāthapiṇḍikamahāseṭṭhinā kārite Jetavanamahāvihāre ekūnavīsativassāni vasi.

5/ Sāriputtatthero samāpattisukhena Pipphaliguhāyaṃ sattāhaṃ vītināmesi.

6/ Buddhaghosācariyo Jambudīpato sīhaḷadīpaṃ āgantvā Anurādhapure Mahāvihāre vasanto tipiṭakapāḷiyā aṭṭhakathāyo Māgadhabhāsāya likhi.

7/ Vaṭṭagāmaṇīabhayamahārañño kāle bahavo mahātherā Mātulajanapade ālokaguhāyaṃ sannipatitvā Buddhavacanaṃ tālapaṇṇesu likhiṃsu.

8/ Titthiyā rattacandanehi maṇḍapaṃ kārāpetvā taṃ nīluppalehi chādāpetvā mahājanassa pāṭihāriyaṃ dassessāmā ti tattha aṭṭhaṃsu.

9/ Mahāmoggallānatthero attano iddhibalena sakkassa devarañño Vejayantapāsādaṃ kampesi.

10/ Devadattatthero Rājagahanagare Ajātasattukumāraṃ pasādetvā mahālābhaṃ uppādesi.

11/ Siddhatthakumāro Uruvelājanapade Nerañjarānadītīre Assattharukkhassa mūle nisīditvā Vesākhapuṇṇamiyā pacchimayāme abhisambodhiṃ pāpuṇi.

12/ Kisāgotamīnāma khattiyakaññā nagaraṃ padakkhiṇaṃ karontassa mahāsattassa rūpasiriṃ disvā ekaṃ gāthaṃ āha.

NGỮ VỰNG
  • Aṭṭhakathā : luận giải (nữ) .
  • Anudita : không dậy (q.k.p.t) .
  • Aneka : nhiều (t.từ) .
  • Abhisambodhi : toàn trí (nữ) .
  • Ālokaguhā: tên động  (nữ) .
  • Iddhibala : thần thông (trung) .
  • Upasaṅkamanta : đến gần (htpt).
  • Kampi : lay động (đ.từ) .
  • Chādāpetvā : sau khi cho lợp mái (b.b.t).
  • Jambudīpa : Ấn độ (nam).
  • Tālapaṇṇa : lá ba tiêu (trung) .
  • Tipiṭakapāḷi: 3 tạng Phật điển (nữ).
  • Titthiya : tà sư (nam) .
  • Devarāja : vua trời (nam) .
  • Nimmala : vô cấu (t từ) .
  • Nīharitvā : sau khi đuổi ra, trục xuất (b.b.q.k.p.t).
  • Pakāsetuṃ : biểu hiện bày tỏ (v.b.c).
  • Pacchimayāma: canh cuối (nam).
  • Padakkhiṇā: đi nhiễu quanh (bên phải, 1 dấu hiệu cung kính) (nữ).
  • Parivattesi : chuyển ngữ, dịch (đ.từ) .
  • Pasādetvā : sau khi nhập giáo (được làm cho an, trong sáng) (b.b.q.k.p.t).
  • Pāṭihāriya : phép mầu (trung) .
  • Pipphaliguhā : tên một hang động gần vương xá thành (nữ) .
  • Buddhavacana : Phật ngôn (trung) .
  • Maṇḍapa : rạp, lều cất tạm (nam).
  • Mahājana : công chúng (nam) .
  • Mahāpurisa : con người vĩ đại (nam) .
  • Mahābodhi : cây bồ đề đạo tràng (Buddhagayā) (nam). 
  • Mahāraha : đắt đỏ, quý giá (t.t).
  • Mahālābha : sự thu hoạch lớn lao (nam) .
  • Māgadhabhāsā : tiếng nói, ngôn ngữ (nữ).
  • Mātulajanapada : tỉnh Mātale ở Tích Lan (n).
  • Mokkhamagga : đường đến giải thoát (nam).
  • Ratanamālī : tên ngôi chùa lớn ở Anurādhapura (trung).
  • Rattacandana : gỗ trầm đỏ (trung).
  • Rava : tiếng ồn (nam) .
  • Ravamāna  : làm ồn (h.t.pt.).
  • Rūpasiri : sắc đẹp (nữ).
  • Vesākhapuṇṇamī     : ngày trăng tròn tháng Vesākha, tức ngày Phật đản (tháng 5 dương lịch) (nữ).
  • Samāpattisukha : niềm vui của định, thiền định lạc (trung).
  • Sattāha: một tuần (trung).
DỊCH RA PĀLI
LÀM THÀNH DANH TỪ HỢP THỂ CHỖ NÀO ĐÁNG

  1. Mặt những áo đỏ và cầm những hoa súng đỏ trong tay, nhiều cô gái dòng Sát đế lợi và Bà la môn đi đến Jetavana để chiêm bái Bậc Đại Thánh.
  2. Năm trăm bậc Thánh tụ hội trong hành dinh được xây cất bởi vua A Xà Thế thuộc nước Vương Xá, trước mặt động Sattapaṇṇi.
  3. Từ giã (rời bỏ) người hôn phối Da du đà la, người con thơ độc nhất La hầu La, và một tài sản lớn lao, thái tử Tất Đạt Đa ra đi để trở thành một tu sĩ.
  4. Xá lợi răng Phật được mang từ Kalinga đến Tích Lan trong triều đại vua Meghavaṇṇābhaya. Nhà vua cất giữ nó trong một hộp làm bằng gỗ trầm đỏ và tỏ lòng kính ngưỡng lớn lao đối với xá lợi ấy.
  5. Hing-Dun-Ming, vua xứ Miến Điện, phái những sứ thần và nhiều tài sản đến Ấn Độ để trùng tu ngôi chùa cổ ở Buddhagayā, ở đấy Bậc vĩ nhân đã đạt giác ngộ.
  6. Bậc thầy vĩ đại, Buddhaghosa, đã học những luận thư Tích Lan từ nơi vị Trưởng Lão Saṅghapāla ở ngôi chùa lớn tại Anurādhapura, rồi dịch chúng ra tiếng pāli.
  7. Sau khi trở thành chúa tể của Tích Lan, Parakramabāhu đệ nhất đã trục xuất những kẻ mạo xưng ra khỏi đoàn thể tăng già Phật giáo và thống nhất ba tông phái lại.
  8. Mặc y phục trắng và cầm hoa sen trắng, hoa sung trắng và những hoa nhiều màu khác, những tín đồ nam nữ đi đến Anurādhapura để tỏ lòng kính ngưỡng đối với (chiêm bái) cây bồ đề lớn và những ngôi chùa khác ở đấy.
  9. Trưởng lão Mahā-kassapa cùng với 500 tỳ kheo, đi đến rừng Sa la gần Kusinārā để đảnh lễ dưới chân vị Đạo sư của Ngài đã viên tịch.
  10. 10. Những người mallas ở thành kusināra đặt nhục thân của Đức Phật trong một cái quan tài bằng vàng, đổ đầy nó bằng dầu thơm, và để lên một giàn (hoả) làm bằng gỗ trầm.
  11. 11. Họ bao phủ thi hài bằng những vải trắng, đỏ, vàng, và trang hoàng nó bằng những tràng hoa nhiều màu sắc.
  12. 12. Bậc Đại Thánh thuộc dòng họ Thích ca đã du hành trong nhiều nước để thuyết giảng pháp của Ngài cho những người giàu cũng như người nghèo. Những người thuộc những giai cấp khác nhau đã trở thành những đệ tử của Ngài.
NGỮ VỰNG
  • Giống như, cũng như : avisesaṃ (trt)
  • Đạt được :labhi (đt)
  • Đoàn thể tăng già Phật giáo: bhikkhu-saṅgha (nam)
  • Hộp : karaṇḍa (nam)
  • Hòm, quan tài : (mataka ) doṇi (nữ)
  • Sự giác ngộ : Buddhatta (trung)
  • Sứ thần : rājadūta (nam)
  • Bằng vàng : suvaṇṇamaya (tt)
  • Lớn lao, bao la : atimahanta (tt)
  • Giả mạo, mạo xưng : patirūpaka (nam)
  • Con thơ, hài nhi : thanapa (nam)
  • Từ bỏ, từ giã : jahitvā (bbqk)
  • Những người mallā : Kosinārakā Mallā (nam) (số nhiều)
  • Ở Kusināra : Kusināra
  • Bậc thầy: Satthu (nam)
  • Nhiều màu : nāvāvaṇṇa (tt)
  • Rừng Sa la (hay long thọ) : sālavana (trung)
  • Bậc Thánh : arahanta (nam)
  • Ngát hương, thơm : sugandha (tt) vāsita (qkpt)
  • Tích Lan (thuộc về xứ) :Sīhaḷa (tt)
  • Ba tông phái : nikāyattaya (trung)
  • Trùng tu : paṭisaṅkharituṃ (vbc)
  • Chứng tỏ, bày tỏ : dassetuṃ (vbc)
  • Xá lợi răng Phật : dantadhātu (nữ)
  • Dịch, chuyển ngữ : parivatteti; anuvādeti (đt)
  • Du lịch, du hành : sañcarati (đt)
  • Thống nhất, hợp nhất : ekībhāvam upaneti (đt)
  • Khác nhau : vividha (tt)
  • Mặc (y phục) :paridahanta(http),paridahitvā (bbqk)
  • Sen trắng : puṇdarīka (trung)
  • (Súng) huệ trắng : kumuda (trung)
  • Tràng hoa : (mālā) dāma (nam)
* Bài viết trích từ cuốn: "Giáo trình PĀḶI, nguyên tác: THE NEW PALI COURSE, Tác giả Prof. A. P. Buddhadatta, Maha Nayaka Thera, Dịch giả: Ngài Thích Minh Châu.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app