Trưởng Lão Cakkhupāla

Đây là câu chuyện xảy ra thời Đức Phật còn hiện tiền, khi Ngài đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi. Trong kinh thành Sāvatthi này, có phú hộ tên Mahāsuvaṇṇa, khi mất đi, để lại hai người con trai, con cả là Mahāpāla và con út tên Cūḷapāla.

 

Mahāpāla và Cūḷapāla tuy là hai anh em ruột thịt, nhưng cách thấy biết về thế gian lại hoàn toàn không giống nhau. Trong khi Mahāpāla thấy biết ngược dòng; Cūḷapāla lại thấy biết xuôi dòng. Ngược dòng đó là xuất thế gian; xuôi dòng đó là buông theo thế gian. Trong khi ngược dòng là việc làm của người cao thượng, thì những người bình thường lại say mê trong xuôi dòng. Và trong khi Mahāpāla thấy hương vị nơi sự chịu khổ, hy sinh; Cūḷapāla lại thấy hương vị nơi sự thụ hưởng. Mặc dù vậy, hai anh em lại rất thương yêu, quý mến lẫn nhau.

Một ngày nọ, Mahāpāla đến chùa Jetavana nghe Đức Phật thuyết pháp. Bài pháp thuyết giảng trong buổi hôm đó, là bài pháp được thuyết thuận theo mong muốn sâu xa của Mahāpāla. Trong bài pháp này, thuyết về bố thí cũng có; thuyết về giữ giới cũng có; thuyết về cõi trời cũng có; thuyết về sự nguy hại, ô nhiễm của thế gian cũng có; và cũng có thuyết về những lợi ích tốt đẹp xuất thế gian.

Mahāpāla không phải là người nghèo, mà là một phú hộ thừa hưởng của cải tài sản ròng từ cha mẹ. Tuy ông ta thừa hưởng của cải tài sản như vậy, nhưng không tham đắm trong ấy. Của cải tài sản thế gian là những thứ có được từ vay mượn. Của cải tài sản nhiều chừng nào, thì nợ nần trói buộc nhiều chừng ấy. Những món nợ ấy gọi là nợ quả (vipāka), nợ nghiệp (kamma), và nợ phiền não (kilesā). Những điều này Mahāpāla hiểu biết được như vậy, là do nghe pháp tại chùa Jetavana. Nhờ có trí tuệ, nên Mahāpāla hiểu biết rõ “cuộc đời là kiếp trả vay mà thôi”.

Nợ cũng phải trả. Cuộc đời cũng phải thoát ly. Mahāpāla đã quyết định như vậy. Mahāpāla sau khi từ chùa Jetavana trở về nhà, đã cho gọi em trai Cūḷapāla đến giao tất cả tài sản của mình, và cũng nói lên quyết định thoát ly cuộc đời. Tận trong sâu lắng tâm tư, Mahāpāla hiểu biết rằng, muốn thoát nợ đời một cách rốt ráo, thì chỉ có xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật Gotama mà thôi.

Cūḷapāla sau khi nghe quyết định của anh trai cả Mahāpāla như vậy, đã rất kinh hãi, run sợ. “Tuy ta sẽ được thừa hưởng tài sản của anh trai, nhưng sự thừa hưởng này không phải là chuyện vui đối với ta, mà đó là sự khởi đầu của cuộc chia ly đầy đau thương mãi về sau. Khi mẫu thân qua đời, ta đã quyến luyến người anh cả như mẹ. Và đến khi phụ thân qua đời cũng vậy, ta đã nương tựa người anh cả như cha. Thật ra, anh cả vừa là người anh, vừa là người mẹ, lại vừa là người cha”. Vì suy nghĩ như vậy, nên Cūḷapāla đã dùng hết khả năng hiểu biết của mình, phân tích nhân quả, lợi hại để khuyên nhủ, bằng mọi cách ngăn cản, không cho người anh cả Mahāpāla xuất gia.

  • Thưa anh cả! Trong nhà có rất nhiều của cải tài sản. Với số của cải tài sản ấy, ở tại gia cũng có thể tạo phước thiện được. Cũng có thể bố thí, làm từ thiện, hộ Tăng được, cũng có thể giữ giới được. Do đó cho nên, cũng không cần phải xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật làm gì. Còn nếu như cảm thấy không thể không xuất gia, thì nên để khi về già rồi hãy xuất gia.

Mahāpāla vừa thương yêu Cūḷapāla như người em, lại vừa quyến luyến như người con. Vì vậy, rất muốn khuyên bảo, và nếu có thể, thì cả hai anh em cùng xuất gia trong Phật giáo, để cùng nhau cố gắng thực hành pháp thoát ly sinh tử. Tuy nhiên, người em út Cūḷapāla không nghĩ như vậy, không thấy cuộc đời là đáng nhàm chán, mà lại chỉ thấy cuộc đời nhiều lạc thú,…. Cuối cùng, Mahāpāla đã giao hết của cải tài sản của mình cho em trai út Cūḷapāla được thừa hưởng, rồi đến chùa Jetavana nơi Đức Phật đang ngự, xin xuất gia. Để mặc cho Cūḷapāla ở lại khóc lóc thảm thiết.

Mahāpāla sau khi xuất gia, đã sống với vị Thầy tế độ, người chỉ dạy mọi điều lớn nhỏ hàng ngày, đủ 5 năm xong, đến Đức Phật bạch hỏi những phận sự của một người xuất gia.

Khi được Đức Phật trả lời chỉ có hai phận sự là học, dạy pháp học Tam Tạng và thực hành pháp hành vipassanā (thiền tuệ). Mahāpāla vì lớn tuổi mới xuất gia nên khó gánh vác nỗi phận sự học, dạy pháp học Tam Tạng, chỉ có thể gánh vác phận sự thực hành pháp hành vipassanā, nên kính thỉnh Đức Phật thuyết giảng đề mục thực hành vipassanā. Đức Phật đã thuyết đề mục thiền tuệ (vipassanā), mà Mahāpāla có thể chứng đắc đến Á-rá-hán Thánh quả, hợp theo căn duyên, đức tính của Mahāpāla.

Mahāpāla đã cùng 60 vị đồng tu phạm hạnh đến một làng quê gần biên giới, cách xa kinh thành Sāvatthi 120 do-tuần (120 yojana: khoảng 2.000 km) để cùng nhau thực hành pháp hành của người xuất gia. Khi thực hành pháp hành của người xuất gia, trong 4 oai nghi, thì đã từ bỏ oai nghi nằm, chỉ sử dụng 3 oai nghi đi, đứng, ngồi để thực hành mà thôi. Mahāpāla không bao giờ nằm ngủ, không có khi nào đặt lưng xuống mặt phẳng.

Vì không bao giờ nằm ngủ nên khi hết tháng 6, đến đầu tháng 7 Âm lịch, Trưởng lão Mahāpāla đã bị bệnh đau mắt. Giống như nước chảy ra từ chiếc chậu bị thủng lỗ, nước mắt luôn chảy ra từ đôi mắt của Trưởng lão. Trưởng lão Mahāpāla đã tinh tấn thực hành pháp hành của người xuất gia suốt 3 canh. Đến khi gần sáng Trưởng lão mới vào trong cốc (thất) để nghỉ ngơi (không nằm).

Các vị bạn đồng tu, khi biết Trưởng lão Mahāpāla bị bệnh đau mắt, đã mong muốn Trưởng lão được điều trị. Và họ cũng biết rằng, có vị lương y chuyên trị bệnh đau mắt, đã thỉnh cầu hợp với giới luật đến các vị, để điều trị mỗi khi có ai bị bệnh. Họ đã thưa Trưởng lão, nếu được phép họ sẽ mời lương y đến khám chữa bệnh cho Trưởng lão, và đã được Trưởng lão đồng ý.

Khi được các vị bạn đồng tu của Trưởng lão Mahāpāla thông báo, vị lương y đã điều chế thuốc và hướng dẫn cách sử dụng chi tiết, rồi gửi thuốc nhỏ mắt dâng đến Trưởng lão. Vị lương y không tự mình trực tiếp đến điều trị. Theo như hướng dẫn của lương y, thì khi nhỏ thuốc phải nằm ngửa người ra và nhỏ thuốc vào mắt. Tuy nhiên, kể từ khi thực hành pháp hành của người xuất gia, Trưởng lão Mahāpāla đã thệ nguyện là không bao giờ nằm, dù là nằm nghiêng hay nằm ngửa…. Vì vậy, Trưởng lão Mahāpāla phải có sự quyết định chọn lựa, giữa sự hướng dẫn cách nhỏ thuốc trị bệnh và thệ nguyện tu tập.

Trưởng lão Mahāpāla đã không từ bỏ thệ nguyện tu tập của mình, nên khi nhỏ thuốc vẫn ngồi và nhỏ vào đôi mắt của mình. Trong vấn đề xuất thế gian thì thệ nguyện tu tập, bao giờ cũng luôn quan trọng hơn cách hướng dẫn nhỏ thuốc của lương y. Bởi vì, không làm theo hướng dẫn của lương y, thì chỉ có thể bệnh đau mắt không khỏi mà thôi. Còn như thệ nguyện tu tập mà không giữ được, thì đạo quả xuất thế gian sẽ trở nên xa vời hơn. Trong khi mục đích chính yếu, quan trọng của Trưởng lão Mahāpāla là vấn đề xuất thế gian.

Khi Trưởng lão Mahāpāla vào làng khất thực, vị lương y đã gặp Trưởng lão nên bạch hỏi:

  • Kính bạch Trưởng lão! Con đã gửi thuốc nhỏ mắt để trị bệnh đau mắt cho Trưởng lão, Trưởng lão có nhỏ thuốc không?
  • Này lương y! Có nhỏ thuốc.
  • Như vậy, bệnh có thuyên giảm không, thưa Trưởng lão?
  • Này lương y, không thuyên giảm chút nào.
  • Vậy khi nhỏ thuốc, Trưởng lão ngồi nhỏ hay nằm xuống rồi mới nhỏ, thưa Trưởng lão?

Khi lương y hỏi câu này, Trưởng lão Mahāpāla đã không trả lời. Nhưng vị lương y vẫn không bỏ qua, hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Trưởng lão Mahāpāla cũng không chịu thua, nhẫn nại không hồi đáp một lời nào.

Cuối cùng, vị lương y biết không thể hỏi được, nên thỉnh Trưởng lão tiếp tục khất thực, còn tự mình đi đến chùa để xem xét. Khi đến tịnh thất (cốc) của Trưởng lão Mahāpāla, ông ta không nhìn thấy chỗ nằm, chỉ có chỗ ngồi và chỗ đi kinh hành mà thôi.

Thật ra, nếu theo đúng hướng dẫn của vị lương y chuyên trị bệnh đau mắt này, thì chỉ cần nhỏ thuốc một lần là có thể khiến cho bệnh đau mắt khỏi hẳn. Tuy nhiên, Trưởng lão Mahāpāla đã không làm đúng theo hướng dẫn. Trưởng lão không thể phá bỏ lời thệ nguyện của mình. Đến cả câu hỏi ngồi nhỏ thuốc hay nằm nhỏ thuốc Trưởng lão cũng không trả lời. Câu hỏi này cũng hợp với giới luật của người xuất gia. Nhưng là một bậc xuất gia Tỳ khưu, thì không nên nói ra những gì liên quan đến pháp hành tu tập của mình, điều đó không tốt.

Vị lương y rất kính trọng Trưởng lão Mahāpāla, cũng mong muốn trị lành bệnh đau mắt cho Trưởng lão, và cũng mong muốn Trưởng lão thực hành tốt pháp hành của người xuất gia. Vì vậy, ông ta đã thưa thỉnh Trưởng lão nhiều lần, là hãy nằm xuống rồi nhỏ thuốc trị đau mắt, thậm chí còn khẩn thiết cầu xin Trưởng lão. Tuy vậy, Trưởng lão vẫn không nghe theo. Những bậc thiện trí cao thượng thì không bao giờ dứt bỏ thệ nguyện pāramī (việc làm cao thượng) của mình vậy.

Để thành tựu một công việc, cần phải có 4 yếu tố căn bản, thiết yếu. 4 yếu tố đó gọi là iddhipāda: thành tựu. Phải có mong muốn mãnh liệt đạt được mục đích; phải có sự cố gắng không ngừng nghỉ; phải có tâm, tinh thần vững vàng không lay chuyển; và phải có đủ năng lực trí tuệ. Nếu với 4 yếu tố căn bản này làm nền tảng rồi thực hiện phận sự, dù là việc thế gian hay xuất thế gian, thì cũng chắc chắn trong một ngày nào đó sẽ thành tựu mục đích cuối cùng. Trong một ngày nào đó ở đây, với ý nghĩa “trong một ngày nào đó” mà 4 yếu tố thành tựu (idhhipāda) kia không bị gián đoạn. Vì nếu 4 yếu tố thành tựu bị gián đoạn, thì lại phải bắt đầu từ “một”. Và khi ấy, “trong một ngày nào đó” vẫn luôn luôn trong trạng thái sẽ không có hồi kết của cái gọi là “trong một ngày nào đó”.

Đối với Trưởng lão Mahāpāla, phận sự thực hành pháp giải thoát với mục đích thoát ly thế gian của mình, Trưởng lão không muốn bắt đầu lại từ đầu (một), chỉ muốn luôn luôn tiến về phía trước mà thôi. Vì vậy, Trưởng lão đã không từ bỏ thệ nguyện tu tập của mình để nằm xuống rồi nhỏ thuốc, chỉ ngồi để nhỏ thuốc thôi vậy. Do đó, bệnh đau mắt không hề thuyên giảm, mà ngày càng nặng thêm.

Vị lương y chuyên trị đau mắt cũng lại sợ mất uy tính, cuối cùng không thể thuyết phục Trưởng lão được, nên trình bạch rằng:

  • Kính bạch Trưởng lão! Trưởng lão không thể nghe theo lời chỉ dẫn dùng thuốc của con, thì bệnh không thể hết được. Kể từ hôm nay trở đi, con cũng không chế thuốc nhỏ mắt để chữa bệnh cho Trưởng lão nữa. Và cũng xin Trưởng lão hãy thôi nhìn nhận con là vị lương y đã điều trị mắt cho Trưởng lão. Trình bạch xong, vị lương y cũng chấm dứt việc chữa trị cho Trưởng lão kể từ đó.

Trưởng lão Mahāpāla đã không những không nản chí, mà còn tinh tấn hơn trong phận sự thực hành pháp hành vipassanā một cách miên mật. Do vậy, ngay trong canh cuối đêm (gần sáng) của ngày hôm ấy, đôi mắt của Trưởng lão bị mù, cùng lúc ấy, mọi phiền não ngủ ngầm cũng tiêu tan, không trước không sau. Khi ấy, cũng là lúc Trưởng lão Mahāpāla chứng đạt trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán, thoát ly thế gian, không còn bị trói buộc trong cuộc đời. Và cũng kể từ đó về sau, Trưởng lão Mahāpāla được gọi với tên (pháp danh) mới, là Trưởng lão Cakkhupāla.

Trưởng lão Cakkhupāla khi bị mù đôi mắt, thì không thể vào làng khất thực như trước đây được nữa. Những bậc phạm hạnh đồng tu khác, gồm 60 vị, đã thay nhau làm những phận sự lớn nhỏ cần phải làm đến Trưởng lão. Họ cũng đi khất thực đem về dâng lên Trưởng lão thọ dụng. Các thiện tín khi hay biết vị Trưởng lão cao quý đã bị mù đôi mắt, nên cũng thay nhau đem vật thực đến chùa dâng lên Trưởng lão. 60 vị đồng phạm hạnh này, đã thân cận và nghe theo lời giáo huấn chỉ dạy tu tập của Trưởng lão Cakkhupāla, nên đến gần ngày Mahāpavāraṇā (ngày rằm tháng 9 âm lịch), tất cả đều chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng.

Sau khi ra hạ, (sau rằm tháng 9 âm lịch) 60 bậc Thánh Á-rá-hán, đã trình bạch với Trưởng lão Cakkhupāla trở về chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi, để diện kiến đảnh lễ đức Phật. Trưởng lão Cakkhupāla thưa:

  • Thưa quý vị bạn hữu đồng phạm hạnh! Nếu tôi đi cùng quý vị thì quý vị không được thuận tiện, tôi cũng không được thuận tiện. Dó đó, quý vị hãy đi trước. Trước tiên, hãy gửi lời đảnh lễ của tôi đến Đức Thế Tôn và 80 bậc Thánh Á-rá-hán Đại Thanh Văn. Sau đó, xin thông báo cho em trai Cūḷapāla của tôi biết tôi đã bị mù, để trở về được chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, rất mong em trai cho một người đến đón về.

60 vị Thánh Á-rá-hán đồng phạm hạnh đã trở về chùa Jetavana, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng 80 bậc Thánh Đại Thanh Văn, và trình bạch lại lời của Trưởng lão Cakkhupāla. Sáng hôm sau, trên đường đi khất thực ngang qua nhà người em trai Cūḷapāla, các Vị đã nói lại lời nhắn của Trưởng lão Cakkhupāla và chỉ bảo thêm cách thức đi đón.

Phú hộ Cūḷapāla y theo lời dạy của 60 bậc Thánh Á-rá-hán, để tránh những hiễm nguy trên đường đi đón, nên sai bảo cho người cháu trai Pālita xuất gia Sa-di, để lên đường đưa người bác trở về. Vị Sa-di khi đến gặp Trưởng lão Cakkhupāla, đã trình bạch rõ ràng mọi việc, rồi cầm một đầu gậy dẫn Trưởng lão đi. Hai bác cháu đã cùng nhau xuất phát để trở về chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, trên hành trình dài 120 do-tuần ấy.

Trên đường hai bác cháu trở về, họ đã đi ngang qua ngôi làng Kaṭṭhanagara. Khi ra khỏi làng, đang băng qua một khu rừng, nghe tiếng hát của cô gái nhặt củi, vị Sa-di đã phát sinh dục tâm, nên trình bạch xin Trưởng lão nghỉ ngơi chốc lát, còn mình tìm đến chỗ cô gái nhặt củi. Vị Sa-di và cô gái ấy đã làm điều sai quấy.

Trưởng lão suy nghĩ: “lúc nãy nghe tiếng hát, nay không còn nghe nữa, ông Sa-di cũng rời đi một lúc lâu, chắc chắn ông Sa-di và cô gái đã làm điều xằng bậy. Vị Sa-di có lẽ đã phá giới.”

Vị Sa-di sau khi xong việc của mình, đã quay trở lại và kính thỉnh Trưởng lão tiếp tục hành trình. Vị Sư Bác liền xét hỏi:

  • Này Sa-di, ngươi đã phá giới, khi cùng cô gái ấy làm điều sai quấy phải không?

Vị Sa-di không trả lời. Vị Sư Bác hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Vị Sa-di vẫn im lặng. Trưởng lão Cakkhupāla đã đuổi vị Sa-di cháu đi, không cho cầm đầu gậy của mình nữa. Vị Sa-di cháu vì rất thương và lo lắng cho người Sư Bác bị mù đôi mắt, lại đang ở giữa rừng, nên đã khóc lóc nhận lỗi rất khẩn thiết. Nếu là Sa-di không được cầm gậy thì con sẽ hoàn tục, làm người tại gia để được cầm gậy dẫn Sư Bác đi, vị Sa-di tiếp tục khẩn khoản van xin. Trưởng lão vẫn quyết không chấp nhận. Khi ấy, vị Sa-di đã vô cùng hối hận, quỳ xuống khóc lóc đảnh lễ người Sư Bác quý kính rồi bỏ đi vào rừng.

Nếu chỉ vì nghĩ đến lợi ích và phát triển của mình, mà bao dung với những người xấu, hoặc kết thân với những hạng người đi ngược hướng với con đường thực hành của mình, thì đó không phải là việc làm của các bậc Thiện trí cao thượng. Đó là điều mà Trưởng lão Cakkhupāla muốn làm gương cho mai hậu.

Trưởng lão Cakkhupāla là người mù cả 2 mắt. Trong lộ trình gian khó này, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Như người cháu đã trình bạch, và chính Trưởng lão cũng biết được điều đó. Tuy vậy, Trưởng lão Cakkhupāla không coi trọng tính mạng, chỉ coi trọng sự lan tỏa chánh pháp trong thế gian. Ví như con người không chấp nhận một chút phân trên mâm cơm thượng vị vậy. Ôi! Âu đó cũng là phương cách sống của bậc Thiện trí tiền nhân vậy!

Trưởng lão Cakkhupāla không có người đồng hành trong lộ trình đầy hiểm nguy, gian khó. Đôi mắt cũng không thấy đường. Tuy nhiên trong thế gian này, các bậc giữ gìn chánh pháp giống nhau, luôn có mặt ở mọi lúc mọi nơi, để hộ trì lẫn nhau. Năng lực oai đức của chánh pháp, thì ai là người có thể ngăn cản được nào! Đến cuối cùng, đức Vua trời Sakka đã hóa thân thành hành khách, rồi đưa Trưởng lão về đến chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Sau khi đưa Trưởng lão đến tịnh thất (cốc) mà phú hộ Cūḷapāla xây dựng sẵn để cúng dường lên Trưởng lão. Vua trời đã báo tin cho em trai Trưởng lão, phú hộ Cūḷapāla, biết rằng Trưởng lão đã về đến chùa. Đúng là bậc Thiện trí thì luôn có chư thiên hộ trì, do oai lực của pháp hành (tu tập). Do vậy, chỉ cần làm sao để trở thành bậc Thiện trí ở trong đời là đủ.

Người em trai, phú hộ Cūḷapāla, khi hay tin đã đến tận nơi thăm viếng anh trai của mình, Trưởng lão Cakkhupāla. Khi nhìn thấy cuộc đời của anh mình như vậy, ông ta đã ngã quỵ dưới chân Trưởng lão khóc lóc thảm thiết. Vừa khóc vừa than trách rằng, trước đây đã can ngăn không nên xuất gia, lại không nghe! Nay vì xuất gia mà cuộc đời chịu đau khổ như vậy! v.v…. Thật ra, bởi vì Cūḷapāla chỉ hiểu biết được sự an lạc do cảm giác (thọ) ‘vedayitasukha’ đưa lại, chứ không thể hiểu biết được sự an lạc do vắng lặng (an tịnh) ‘santisukha’ đưa lại, nên mới than trách như vậy. Chỉ có sự an lạc do vắng lặng, an tịnh đưa đến mới là an lạc thật sự; còn sự an lạc do cảm giác đưa đến, thì chỉ là một hình thức khác, là biến tướng của khổ đau mà thôi.

Người em trai, phú hộ Cūḷapāla đã hết lòng phụng dưỡng anh mình, Trưởng lão Cakkhupāla. Đã miễn kiếp đầy tớ cho 2 người, cho họ xuất gia Sa-di với Trưởng lão, rồi ở bên Trưởng lão để hằng ngày chăm sóc, làm những phận sự lớn nhỏ đến Trưởng lão. Quả thật, phú hộ Cūḷapāla đã làm tròn trách nhiệm và phận sự của một người em đối với anh vậy.

Khi đức Phật còn hiện tiền, có một truyền thống là, dầu chư vị Tỳ khưu đi an cư nhập hạ (16 tháng 6 âm lịch) khắp mọi nơi, nhưng đến khi ra hạ (sau Rằm tháng 9 âm lịch), các vị đều trở về nơi có đức Phật ngự để đảnh lễ chiêm bái. Theo truyền thống đó, nên khi đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana, chư Tỳ khưu đã trở về diện kiến Ngài rất đông. Các vị Tỳ khưu ấy thường thăm viếng đảnh lễ đức Phật cùng 80 bậc Thánh Đại Thanh Văn. Sau đó đi tham quan chung quanh ngôi chùa Jetavana và nhìn ngắm các tịnh thất (cốc) nhỏ của các vị khác đang sống ở đó.

Khi các vị Tăng khách đang đi tham quan quanh chùa, đến ngang tịnh thất của Trưởng lão Cakkhupāla, vì trời đổ mưa lớn nên dừng lại ở đó. Việc tham quan chung quanh chùa hôm ấy phải dừng lại, không thể tiếp tục được nữa. Cơn mưa kéo dài đến nửa đêm mới dứt hẳn và trời trong sáng trở lại.

Trưởng lão Cakkhupāla, vào canh cuối đêm (2h đến 6h sáng), đã đi kinh hành chung quanh tịnh thất. Do mưa ướt, nên các loại côn trùng nhỏ như thiêu thân, mối… dính đầy trên mặt đường. Vì vậy, khi Trưởng lão đi kinh hành vô tình đã dẫm đạp chết chúng. Dọc đường Trưởng lão đi kinh hành toàn là xác côn trùng. Sáng sớm khi các vị Sa-di chưa kịp quét dọn, thì các vị khách Tăng đi tham quan ngang qua, đã nhìn thấy Trưởng lão dẫm chết biết bao nhiêu là côn trùng.

Các vị Tăng khách ấy đã đem sự việc mắt thấy Trưởng lão Cakkhupāla làm chết côn trùng lúc đi kinh hành thưa trình lên đức Phật. Đức Phật dạy: “Bậc Thánh Á-rá-hán thì không có tác ý, không còn tâm muốn sát hại chúng sinh”. Từ đó trở đi mọi người mới biết được Trưởng lão Cakkhupāla là một bậc Thánh Á-rá-hán. Khi biết được như vậy, các vị Tỳ khưu liền bạch hỏi: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Với một bậc có pāramī (cách đọc: pà rá mì) trọn đủ như vậy, bậc Thánh Á-rá-hán, sao lại bị mù đôi mắt?”. Đức Phật dạy: “Đó là do năng lực của nghiệp mà mình đã tạo, nên bị mù đôi mắt”.

“Này các con, một kiếp nọ trong quá khứ, tiền thân của Cakkhupāla là một vị lương y chuyên trị bệnh đau mắt rất tài giỏi. Một hôm đi qua một ngôi làng, trong làng này có một thiếu phụ bị đau mắt đã lâu, chữa trị rất nhiều vị lương y vẫn không lành được. Khi thiếu phụ ấy hay tin có vị lương y giỏi đến làng, liền tìm đến và nói: ‘Thưa lương y! Nếu ông chữa lành đôi mắt của tôi, thì tôi và con gái tôi sẽ làm tôi tớ cho ông suốt đời, ngoài ra của cải tài sản tôi có cũng đều thuộc về ông’. Sau khi khám xong, vị lương y ấy biết rằng, chỉ cần nhỏ thuốc một lần là khỏi hẳn. Vì vậy, ông ta đã chế thuốc điều trị cho thiếu phụ kia. Người phụ nữ sau khi nhỏ thuốc, chỉ một lần thì bệnh đau mắt thật sự lành hẳn. Nhớ đến lời hứa trước đây, người thiếu phụ ấy đã hối hận, vì nghĩ rằng chỉ một lần nhỏ thuốc, ta phải mất hết của cải và 2 mẹ con phải làm đầy tớ cho lương y suốt đời. Nên hôm sau, khi vị lương y đến hỏi thăm bệnh tình, vì không muốn suốt đời làm tôi tớ, bà ta đã nói dối vị lương y là đôi mắt đã đau thêm và mờ đi sau khi nhỏ thuốc. Vị lương y kia, biết thiếu phụ này không muốn thực hiện lời hứa nên nói dối như vậy. Do đó, ông ta đã nỗi tâm sân hận nghĩ: ‘Đã vậy thì ta sẽ làm cho đôi mắt của bà đui mù vĩnh viễn luôn’. Tuy suy nghĩ như vậy nhưng vẫn tươi cười nói: ‘Này thiếu phụ, thuốc hôm qua chỉ trị lành nhất thời. Hôm nay ta sẽ chế thuốc để bà sẽ không bao giờ tái phát bệnh đau mắt nữa’. Người thiếu phụ tin theo, nên sau khi nhỏ thuốc lần hai thì đôi mắt đã bị mù vĩnh viễn.” Sau đó, để cho thấy tầm quan trọng của tác ý khởi tâm, nên đức Phật dạy bài kệ rằng

(nghĩa bài kệ):

  • Trong các pháp thì tâm dẫn đầu. Tâm thống lĩnh. Tâm hoàn thành. Nếu khi nói hoặc làm với tâm bất thiện, thì do nói và làm với tâm bất thiện ấy, nên đau khổ luôn luôn theo mình, ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe vậy.

Dịch nghĩa một cách khác:

  • Trong 4 nhóm danh pháp (nāmakkhandhā) (nhóm thọ, nhóm tưởng, nhóm hành, nhóm thức), thì nhóm thức (viññāṇakkhandhā) là chính, là dẫn đầu. Nhóm thức (tâm) là thống lĩnh. Thành tựu là do nhóm thức. Khi một người nào với tâm bất thiện rồi nói, hoặc với tâm bất thiện rồi làm; thì người nói hoặc làm với tâm bất thiện ấy, sẽ bị quả báo khổ đau đeo bám theo sau, giống như bánh xe luôn theo sau dấu chân con bò kéo xe vậy.

Những gì đang xảy ra với chúng ta hôm nay (kiếp này), là do từ những gì chúng ta đã suy nghĩ, đã thấy biết của ngày hôm qua (kiếp trước) mang lại. Những gì chúng ta đang suy nghĩ, đang thấy biết hôm nay (kiếp này), sẽ xây đắp lên cuộc đời của chúng ta ngày hôm sau (kiếp sau).

Suy nghĩ (saṅkappa=tư duy) và thấy biết (diṭṭhi=tri kiến), nếu suy nghĩ và thấy biết đúng đắn, chơn chánh, thì được gọi là chánh tư duy (sammāsaṅkappa) và chánh kiến (sammādiṭṭhi), thuộc thành phần trong 8 chánh đạo. Còn nếu suy nghĩ và thấy biết sai trái, lệch lạc, thì được gọi là tà tư duy (micchāsaṅkappa) và tà kiến (micchādiṭṭhi) thuộc thành phần trong tà đạo. Vì vậy, tư duy và thấy biết là những yếu tố cấu tạo nên cả 2 con đường ngược và xuôi của cuộc đời. Tuy nhiên, tư duy và thấy biết chỉ là 2 thành phần (2 tâm sở) của tâm. Vì vậy, chúng không thể tự phát sinh lên được, phải có tâm làm cho khởi sinh, do tâm dẫn đầu. Phải có tâm làm thống lĩnh. Và được tác thành là do tâm.

Những gì đang diễn ra với chúng ta đó gọi là bhava: cuộc đời, kiếp sống. Trong bhava: cuộc đời ấy, có 3 thành phần kết hợp nên. Đó là, phần vipāka: quả (quả của nghiệp), phần kamma: nghiệp (nhân) (thiện nghiệp và ác nghiệp), và phần kilesa: phiền não (là những phiền não được dẫn dắt bởi vô minh và tham ái). Do có phiền não (những yếu tố chính khiến tâm tạo tác), nên tạo ra thiện nghiệp, ác nghiệp. Do tạo ra thiện nghiệp, ác nghiệp nên quả của thiện nghiệp, ác nghiệp ấy phát sinh lên. Ở đây, phiền não là nói đến cấp độ phiền não ngủ ngầm, tiềm ẩn (anusaya kilesa). Do đó, nó được gọi là phiền não luân (hồi) (kilesavaṭṭa: những sự thôi thúc tạo tác không ngừng nghỉ). Nghiệp cũng là nói đến cấp độ tạo tác trong từng sát-na (nānakkhaṇika kamma) của thiện nghiệp, ác nghiệp. Do đó, nó được gọi là nghiệp luân (hồi) (kammavaṭṭa: những sự tạo tác không ngừng nghỉ). Quả là nói đến những thành quả chín muồi, kết quả của thiện nghiệp và ác nghiệp đã tạo tác không ngừng nghĩ ấy. Do đó, nó được gọi là quả luân (hồi) (vipākavaṭṭa: những thành quả sinh khởi tiếp diễn không ngừng nghỉ).

Trong chiếc lắc tay vàng, hình dạng của chiếc lắc tay là phần kết quả. Vàng là phần nghiệp (tạo thành). Những thành phần cấu tạo, tứ đại, trong vàng ấy là phần phiền não. Tuy chiếc lắc tay vàng có 3 phần hợp nhất như vậy, nhưng không thể chia tách chúng ra từng mỗi phần riêng biệt được như thế nào. Cũng như thế ấy, những gì xảy ra, phát sinh lên trong cuộc đời (bhava) của chúng ta cũng có 3 phần quả, nghiệp, phiền não, cũng không thể chia tách chúng ra từng phần riêng biệt được. Chính sự không chia tách chúng ra riêng biệt được này, nên mới có ví dụ bánh xe luôn bám theo sau dấu chân con bò kéo xe.

Trưởng lão Cakkhupāla tiền kiếp làm một vị lương y chuyên trị bệnh đau mắt, khi điều trị cho một bệnh nhân, do suy nghĩ sai và thấy biết sai, đã tạo ra con đường rồi đi trên đó, khi cố ý làm cho bệnh nhân bị mù đôi mắt vĩnh viễn. Do ác nghiệp đó, cho nên kiếp (cuộc đời) cuối cùng của Trưởng lão phải chịu quả báo bị mù đôi mắt. Trưởng lão đã trở thành một bậc Thánh Á-rá-hán, tuy có khả năng diệt sạch được phần phiền não thuộc cấp độ ngủ ngầm, nhổ tận gốc rễ tái sinh “jāti”, nhưng không thể làm tiêu tan được ác nghiệp thuộc cấp độ đã tạo tác từng sát-na (nānakkhaṇika), nên Trưởng lão phải chịu quả báo bị mù đôi mắt vậy.

Trong hành trình cuộc đời này, chúng ta phải bước đi trên con đường mà chính những tư duy và thấy biết của chúng ta đã làm, đã gầy dựng ra nó. Chánh đạo hay tà đạo, đường đúng hay đường sai không phải do một ai khác làm ra, mà chính những tu duy và thấy biết của chúng ta tạo ra chúng. Thật ra, lịch sử của đời người, là chúng ta đi lại trên hành trình do những tư duy và thấy biết của chính chúng ta tạo nên. Cho nên, chúng ta chỉ là đang đi lại theo “nhật ký hành trình của cuộc đời” mà thôi.

Đức Phật đã thuyết dạy bài kệ này, là để chúng ta tâm đắc với hành trình cuộc đời đã đi qua, do có suy nghĩ đúng (sammāsaṅkappa), và thấy biết đúng (sammādiṭṭhi) của Trưởng lão Cakkhupāla. Cho nên, trong thế gian này việc chọn lựa xuôi dòng hay ngược dòng, hoặc chọn lựa đi theo con đường sai hay đường đúng, những gì pháp thế gian đưa đến, hãy vững vàng tiếp nhận chúng, hướng đến mục đích đã chọn, cố gắng không ngừng nghỉ, có tâm quyết định chắc chắn, có năng lực trí tuệ vừa đủ, vì sự phát triển “chánh pháp”, không coi trọng mạng sống, quyết chọn con đường đúng mà bước đi trong cuộc đời, như tấm gương của Trưởng lão Cakkhupāla vậy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app