DEVADATTA (Phần 2)
(Tiếp theo phần 1 và hết)
Khi quan sát một cái cây ta thấy có phần rễ, phần thân và phần cành nhánh gồm cả 3 phần như thế nào, trong cuộc đời con người cũng vậy, có phần giới hạnh và đạo đức; phần hiểu biết và nghề nghiệp; phần của cải và địa vị quyền uy; gồm cả 3 phần như vậy. Trong cái cây nếu phần rễ bị hư hỏng thì những phần còn lại như phần thân và phần cành nhánh chẳng dùng được gì nữa, chúng chỉ giống như cây củi khô mà thôi. Giống như cách ấy, trong cuộc đời con người cũng vậy, nếu khi phần giới hạnh và đạo đức bị hư hoại, thối nát thì những phần còn lại như phần hiểu biết và nghề nghiệp, phần của cải tài sản và địa vị quyền uy quả thật là đáng kinh sợ như chất độc của thế gian. Giống như sự kinh sợ từ tai họa kiếp nạn lửa thiêu đốt hủy diệt trái đất này gọi là ‘vaḷavāmukha’ vậy.
Thật vậy, Devadatta là một người trí thức không có giới hạnh đạo đức, nên là một kẻ có dã tâm, xấu ác mang chủ nghĩa độc tôn (attavādī). Đối với những hạng phàm nhân không có gieo trồng hạt giống pāramī, thì họ chỉ yêu quý, vui thích nơi cành nhánh của cây hơn. Sau đó họ mới yêu quý, vui thích nơi thân cây. Trong khi phần rễ cây họ cũng chẳng thèm để ý quan tâm đến có hay không. Đây là tính chất, trạng thái của sự nhìn nhận đối với những người không hiểu biết về pāramī vậy. Chính do cách nhìn này, cho nên trong thế gian phần đông con người thường kính trọng những người có nhiều của cải tài sản hay địa vị quyền uy dù người đó có đạo đức, giới hạnh tốt hay xấu. Sau đó họ mới kính trọng đến người có hiểu biết học vị và người có nghề nghiệp. Trong khi người thật sự có giới hạnh đạo đức cao quý, biết quý trọng pāramī, coi trọng lợi ích của người khác hơn cả lợi ích của chính mình, những hạng người như thế này, trong thế gian phần đông người ta lại không để ý, thậm chí quay mặt đi không muốn nói chuyện với họ.
Devadatta là người có sự hiểu biết cố chấp thuộc dạng người như vậy. Cho nên, ông ta đã rất ngưỡng mộ đức Phật về mặt được nhiều sự cúng dường, tôn kính, nhiều tùy chúng đông đảo như Vua Chúa, Quan lại, Bà-la-môn, Phú hộ, Thiện tín nam nữ,… nên ông ta muốn chính mình được như đức Phật. Khi được Đông cung Thái tử Ajātasattu đặt trọn niềm tin, tôn kính, ông ta liền suy nghĩ: ‘Với hội chúng này của ta thì tự ta có thể làm một vị Phật riêng biệt được rồi’. Khi có sự suy nghĩ sai trái và lệch lạc đó phát sinh lên thì cũng là lúc ông ta bị mất đi thiền và thần thông. Tuy nhiên những suy nghĩ ấy chính ông ta cũng chưa dám thực hiện một cách lộ liễu. Ông ta đã quyết định dùng phương pháp mềm mỏng để xin đức Phật được lãnh đạo Tăng chúng đệ tử của Ngài. Nếu được đức Phật đồng ý thì tham vọng của ông ta thành tựu một cách dễ dàng. Như vậy thì ông ta sẽ trở thành một vị Phật, và ông ta sẽ có được tất cả những gì mà ông ta thường ao ước.
Năm đức Phật đã được 20 hạ (20 mùa mưa (năm) sau khi thành Phật), khi ấy Ngài cùng Thánh chúng đệ tử đang cư ngụ tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha. Một hôm, Đức Phật đang ngồi trên pháp tòa cao quý để thuyết pháp đến hội chúng gồm có Vua Chúa, Quan lại, Phú hộ và rất đông thiện tín tại trong ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha ấy, thì Trưởng lão Devadatta, mặc y cà-sa chỉnh tề trang nghiêm, cung kính đảnh lễ rồi chắp tay bạch đức Phật:
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Bây giờ Đức Thế Tôn đã có tuổi, đã già rồi. Những gì liên quan đến Tăng chúng xin Ngài yên tâm nghỉ dưỡng. Xin Ngài sống một đời an lạc bằng cách nhập vào Thánh Quả Định để hưởng sự an lạc tịch tịnh. Hãy để con lãnh đạo tất cả Tăng chúng, xin Ngài hãy trao quyền lãnh đạo tất cả Tăng chúng lại cho con. Kính bạch Ngài.
Khi nghe như vậy, đức Phật đã khiển trách và từ chối hoàn toàn lời thỉnh cầu của Devadatta. Đó cũng là nguyên nhân đầu tiên mà Devadatta có tâm thù oán với đức Phật.
Trưởng lão Devadatta khi biết được phương pháp mềm mỏng không thành công được, lại cố gắng suy nghĩ ra phương pháp, mưu kế khác để sử dụng đến cách thức phi pháp, cứng rắn. “Ta phải giết Phật cho bằng được, chỉ có đức Phật chết đi ta mới được làm Phật. Muốn giết được Phật thì cần phải có sự giúp sức của nhà Vua. Vì vậy, trước tiên phải suy nghĩ làm sao để đưa Đông cung Thái tử Ajātasattu lên làm Vua. Ta phải xúi dục làm sao để Thái tử giết phụ Vương của mình để giành lấy ngai vàng và giang sơn. Và một khi Thái tử Ajātasattu lên ngôi thì ta sẽ giết Phật nhờ có được sự hỗ trợ đắc lực từ nhà Vua”.
Devadatta đã quyết định làm theo những mưu kế hiểm độc của ông ta để làm sao cho thành công những tham vọng xấu xa ấy mới thôi. Trước hết, ông ta đã xui khiến Thái tử Ajātasattu giết phụ Vương của mình rồi đăng quang lên ngôi Vua. Sau đó, dùng mệnh lệnh của nhà Vua để sai các cung thủ bậc nhất đi ám sát đức Phật. Khi các cung thủ không thành công, ông ta lại dùng cách khác, đó là đã tự mình leo lên núi Gijjhakūṭa, dùng đòn bẩy để lăn đá nhằm giết chết đức Phật. Và khi cách này cũng không thành công, một lần nữa ông ta lại cho voi trận Nāḷāgīri uống rượu thật say, rồi thả ra trên con đường mà đức Phật cùng Tăng chúng đi khất thực trong kinh thành Rājagaha để nhằm khiến nó giết chết đức Phật. Thật ra, đã là một đức Phật Toàn Giác thì không thể nhập Niết-bàn (chết) do bất cứ sự cố gắng làm hại của một chúng sinh nào, tính chất này Devadatta làm sao biết được. Ông ta là người có cái tôi rất lớn đó là “ta đã làm thì bất cứ gì cũng thành công”, bây giờ thì ông ta đã tự chứng kiến thất bại của mình. Trong thế gian này còn có rất nhiều điều không thể thành công như tham vọng mong muốn của mình là có thật!
Khi Devadatta thỉnh cầu đức Phật trao quyền lãnh đạo Tăng chúng, dù đức Phật đã hai lần từ chối và dạy bảo rằng “không phù hợp”. Đến lần thứ ba khi nghe đức Phật giáo huấn: “Devadatta! Đến ngay cả Sāriputta và Moggallāna mà Như Lai cũng sẽ không bao giờ trao quyền lãnh đạo Tăng chúng. Ngươi là người có tâm thấp hèn khi thọ hưởng tứ vật dụng giống như nước bọt, thì Như Lai làm sao có thể trao quyền cho ngươi được”, Devadatta đã vô cùng xấu hổ. Ông ta nghĩ “Đức Phật đã khen ngợi tán dương Sāriputta và Moggallāna, trong khi lại chê bai ta, đã làm ta mất mặt, xấu hổ trước Vua chúa và hội chúng”, càng nghĩ ông ta càng cảm thấy đau lòng. Tuy nhiên, ông ta vẫn cung kính đảnh lễ đức Phật rồi mới bỏ đi.
Đức Phật cũng vậy, Ngài sai bảo các vị Tỳ khưu vào trong kinh thành Rājagaha làm việc thông báo đến cho dân chúng biết về những gì liên quan đến Devadatta gọi là “pakāsaniyakamma”. Và chư Tăng cũng ra quyết định (sammutikamma) cử Trưởng lão Sāriputta làm người đại diện Tăng chúng để thuyết giảng giải thích làm rõ thêm về việc đó. Pakāsaniyakamma nghĩa là thông báo cho tất cả mọi người biết trước đây Devadatta có liên quan đến Phật giáo; nay Devadatta không còn liên quan gì đến Phật giáo nữa. Thời đại hiện tại nó có tính chất như ra thông báo về chấm dứt quyền thừa kế hay đoạn tuyệt với con cái vậy (khai trừ, trục xuất vậy).
“Bây giờ đức Phật đã đoạn tuyệt với ta rồi”, với suy nghĩ mang tính chất “ta cũng sẽ trả thù đức Phật”, nên Devadatta đã cố gắng tìm đủ mọi cách để giết hại đức Phật, ông ta đã làm cho bàn chân của đức Phật bị bầm máu. Lần đầu tiên những việc làm độc ác xấu xa của Devadatta chưa có một ai biết, như khi sai khiến các cung thủ đi ám sát đức Phật, thì ngoài Ngài ra không một ai biết là do âm mưa của Devadatta. Đến khi lên núi Gijjhakūṭa lăn đá để giết Phật cũng vậy, ngoài đức Phật và Tăng chúng ra, cũng không một ai khác biết được là chính ông ta làm. Chỉ đến khi cho voi chiến Nāḷāgiri uống 16 chum rượu, rồi thả ra trong kinh thành Rājagaha để cố giết hại đức Phật cho bằng được, thì khi ấy tất cả mọi người mới biết là do âm mưu độc ác xấu xa của Devadatta. Khi ấy, dân chúng trong kinh thành Rājagaha bắt đầu bàn tán xôn xao về sự việc của Devadatta âm mưu sát hại đức Phật, lại được nhà Vua Ajātasattu ủng hộ, nên họ lại bắt đầu căm ghét, oán hận luôn cả nhà Vua. Và cũng kể từ đó nhà Vua Ajātasattu cũng từ bỏ Devadatta, do vậy ông ta không còn được thọ nhận sự cúng dường, tôn kính từ nhà Vua nữa. Tuy vậy, trước đây khi nhà Vua Ajātasattu còn tôn kính đã xây cúng đến Devadatta một ngôi chùa lớn tại Gayāsīsa. Chính ngôi chùa này là chốn dung thân nương náu cuối cùng của Devadatta. Ngoài ra, đối với Devadatta không còn nơi nương tựa, hay chốn dung thân nào nữa. Ông ta không thể tiếp tục sống tại kinh thành Rājagaha cũng như cư trú tại vương quốc Kosambī, trở về sống tại kinh thành Sāvatthi thì càng xa vời hơn, vì ở nơi ấy các bậc Thánh đệ tử tại gia như phú hộ Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā,… đều có chánh tín vững chắc nơi đức Phật, cũng như nơi nhị vị Tối Thượng Thanh Văn, 80 bậc Thánh Đại Thanh Văn và Tăng chúng. Nhưng Devadatta là người thâm hiểm, có nhiều mưu kế; là người luôn suy tính nhiều phương pháp; vì vậy, cuối cùng ông ta cũng nghĩ ra được một mưu kế hoàn hảo. Đó là mưu kế mà nhiều người thích nhất trong thế gian này.
Theo như quy luật thông thường của thế gian, nếu chia loài người trong thế gian này ra làm 3 phần, thì số người nhìn thấy sắc tướng rồi phát sinh sự kính trọng tin tưởng theo hết hai phần (2/3). Nếu chia loài người trong thế gian này ra làm 5 phần, thì số người vì nghe tiếng tăm rồi phát sinh sự kính trọng tin tưởng theo hết bốn phần (4/5). Nếu chia loài người trong thế gian này ra làm 10 phần, thì số người khi nghe hoặc thấy sự thực hành tu tập khổ hạnh rồi phát sinh sự kính trọng tin tưởng theo hết chín phần (9/10). Trong khi sự hành trì đúng theo chánh pháp, hợp với con đường trung đạo, nếu chia loài người trên thế gian này ra 100 nghìn phần, thì lại chỉ có một phần kính trọng tin tưởng theo mà thôi (1/100.000). Đó là sự thấy biết rõ và khẳng định của chư bậc Thiện trí trong đời. Devadatta đã suy nghĩ ra được phương pháp của mình, bằng cách sử dụng những điều mà các bậc Thiện trí thức khẳng định đó. Ông ta nghĩ “Nếu ta sử dụng sự thực hành tu tập khổ hạnh, thì Tăng chúng Tỳ khưu có thể quay trở về bên ta”.
Với trí tuệ hiểu biết này, để thực hiện được những suy nghĩ của chính mình, Devadatta đã tìm đến thân cận đức Phật, xin đức Phật ban hành 5 điều để những người có đức tin trong sạch xuất gia Tỳ khưu trong Phật giáo này phải thực hành theo, nhằm làm cho giáo pháp của đức Phật thêm chói lọi.
5 điều như sau:
- Tất cả Tỳ khưu phải sống suốt đời nơi những ngôi chùa ở trong rừng.
- Tất cả Tỳ khưu phải đi khất thực nuôi mạng, không được dùng vật thực do thỉnh mời trai Tăng cúng dường.
- Tất cả Tỳ khưu chỉ được dùng y phục từ vải lượm về may lại (paṃsakū).
- Chỉ sống dưới những cội cây thay cho cốc liêu, tịnh thất.
- Chỉ được ăn chay, không được dùng vật thực thịt, cá,….
Đức Phật đã không chấp nhận hoàn toàn lời cầu xin của Devadatta, bởi vì Ngài biết đó chỉ là những lời cầu xin nghe thì hay, tốt, nhưng không thật sự đem lại lợi ích cho thế gian trong sự thực hành để gải thoát khổ sinh tử luân hồi. Đức Phật dạy:
- Devadatta! Những gì ngươi cầu xin đều tốt, nhưng Tỳ khưu nào muốn thực hành thì có thể thực hành; còn những Tỳ khưu nào không muốn thực hành, thì Như Lai vẫn cho phép thực hành theo như trong giới luật mà Như Lai đã chế định.
Khi biết đức Phật không đồng ý cho phép những điều đó, nhưng đối với Devadatta, ông ta cũng chẳng buồn. Do những việc tội lỗi mà ông ta đã làm với đức Phật nên ông ta cũng đã quyết định phải tách rời ra khỏi Ngài. Ông ta sẽ thành lập ra một môn phái riêng rồi tự mình làm Phật, sau đó tự mình tuyển chọn Tăng chúng đệ tử của riêng mình. Trong việc chọn đệ tử và nuôi Tăng chúng, ông ta nghĩ rằng với phương pháp thực hành tu khổ hạnh, theo lẽ thường tình của thế gian, thì những người có tâm tốt xuất gia với mong muốn thoát khổ sinh tử luân hồi sẽ theo về với ông ta hết. Vì vậy, ông ta đã đi đến từng nhà trong khắp kinh thành Rājagaha để thông báo phương pháp tu hành khổ hạnh ấy của ông ta.
Theo đó, khi Devadatta gặp Trưởng lão Ānanda vào thành Rājagaha khất thực liền nói rằng:
- Hiền đệ Ānanda! Kể từ hôm nay ta sẽ rời xa đức Phật và rời xa Tăng chúng. Ta sẽ tự mình cùng với Tăng chúng của ta làm Tăng sự (Saṃghakamma: những việc lớn nhỏ liên quan đến Tỳ khưu Tăng đệ tử của đức Phật) và phận sự Uposatha (tụng đọc giới luật vào các ngày Rằm và cuối tháng Âm lịch) riêng biệt.
Trưởng lão Ānanda khi trở về đến ngôi chùa Veḷuvana đã trình bạch lên đức Phật những điều ấy. Đức Phật liền cho gọi Devadatta đến và hỏi:
- Này Devadatta! Nghe nói con đang cố gắng chia rẻ Tăng chúng để thành lập riêng một giáo phái có phải không?
- Dạ đúng vậy! Bạch Ngài. Devadatta đã trả lời lại như vậy.
Đức Phật đã rúng động theo pháp khi biết với ác nghiệp chia rẻ Tăng, làm cho hội chúng của chư Tỳ khưu Tăng phân chia từng nhóm từng nhóm riêng rẻ như thế này của Devadatta, sẽ cho quả báo đọa vào đại địa ngục Avīci (không có cửa).
Vào một ngày Uposatha (ngày Rằm hoặc cuối tháng Âm lịch), khi Tăng chúng đang hội họp đông đủ, thì Trưởng lão Devadatta cùng với hội chúng của mình đến ngồi vào nơi thích hợp để cùng tham dự. Sau đó ông ta thông báo ra giữa hội chúng Tỳ khưu Tăng rằng: “Trong Tăng chúng hội họp này nếu ai ưa thích và đồng tình với sự thực hành tu tập khổ hạnh của ta, thì xin hãy rút thẻ (bỏ phiếu) tán thành ủng hộ”. Khi ấy, có 500 vị Tỳ khưu trẻ tuổi, vừa mới xuất gia không lâu, thuộc dòng tộc Vijjī đã rút thẻ tán thành ủng hộ sự thực hành tu tập khổ hạnh của Devadatta.
Thân cận bên đức Phật có các vị đại đệ tử như Trưởng lão Sāriputta, Trưởng lão Moggallāna và Trưởng lão Mahākassapa như thế nào; thì thân cận bên Devadatta cũng có các đại đệ tử như Kokālika, Kaṭamodakatissaka và Samuddadatta như thế ấy. Trưởng lão Devadatta sau khi chia rẻ Tăng chúng đã dẫn các vị đại đệ tử ấy và 500 vị Tỳ khưu trẻ tuổi thuộc dòng tộc Vijjī rời bỏ ngôi chùa Veḷuvana gần kinh thành Rājagaha để đi đến trú ngụ tại ngôi chùa ở Gayāsīsa. Tại ngôi chùa này, Devadatta làm giống như đức Phật đang thuyết pháp, ông ta cũng thuyết pháp đến hội chúng của mình. Vì nghĩ rằng nay mình đã là một vị Phật, nên ông ta làm y theo những gì mà đức Phật thường làm hằng ngày. Ông ta phải cố gắng thực hành đúng theo đường lối thực hành tu tập khổ hạnh của mình đã nêu ra, để làm gương cũng như để cho những vị Tỳ khưu trẻ đệ tử tin tưởng và tán thành ủng hộ ông ta. Chỉ có như vậy, hội chúng của ông ta mới tin tưởng và chấp nhận ông ta là một người lãnh đạo, một vị Phật.
Khi đức Phật hay tin 500 vị Tỳ khưu trẻ tuổi dòng tộc Vijjī bỏ đi theo Devadatta, Ngài đã dạy bảo nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna đến đó để kêu gọi những vị Tỳ khưu trẻ ấy quay trở lại. Theo lời chỉ dạy của đức Phật, nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna đã dẫn theo 1.000 đệ tử cùng nhau đi đến ngôi chùa Gayāsīsa, nơi Devadatta đang cư ngụ. Khi nhị vị Trưởng lão và 1.000 đệ tử đến nhằm lúc Devadatta đang thuyết pháp cho cho hội chúng đệ tử của mình. Do Devadatta nghĩ rằng nhị vị Tối Thượng Đại đệ tử của Phật đến với ông ta vì tin tưởng vào sự thực hành tu tập khổ hạnh của y, nên đã rất vui mừng phấn khởi. Tuy nhiên, đại đệ tử của ông ta là Kokālika đã cảnh báo là không được tiếp đón, kết thân với nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna. Mặc dù vậy, Devadatta không những không tin vào lời nói của Kokālika, lại còn sai khiến nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna thay mặt ông ta thuyết pháp đến hội chúng đệ tử. Nhân cơ hội ấy, nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna đã thuyết pháp đến những vị Tỳ khưu trẻ dòng tộc Vijjī và tất cả họ đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay khi vừa nghe xong bài pháp ấy. Sau đó, họ đã cùng với các vị Thầy của mình là nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna đã dùng thần thông bay về ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha để diện kiến và đảnh lễ đức Phật.
Trong khi đó Devadatta vẫn còn đang ngủ say không hề biết gì. Đại đệ tử của ông ta là Kokālika đã rất tức giận, vì nghĩ rằng “ngay từ đầu ta đã nhắc bảo là không nên tiếp đón, kết thân với hai vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna, nhưng lại không nghe theo lời khuyên ấy của ta, để bây giờ cả 500 vị Tỳ khưu ấy đã đi cùng hai vị Trưởng lão kia; đến nước này rồi thì ta cũng chẳng có thể làm gì khác được nữa”.
Kokālika với tâm giận dữ, đã dùng gót chân đánh mạnh lên ngực của Devadatta đang ngủ say ấy để đánh thức ông ta dậy. Khi ấy, Devadatta mới tỉnh giấc và nhìn thấy bên mình không còn một ai, lại bị vết thương do đại đệ tử đánh ấy, nên ông ta bị nôn ra máu rất nhiều. Ông ta đã phải chịu khổ bệnh tật nôn ra máu như vậy suốt 9 tháng tại ngôi chùa ở Gayāsīsa. Cuối cùng với tâm vô cùng hối hận, ông ta muốn được diện kiến đảnh lễ đức Phật và sám hối lỗi lầm của mình.
Tuy vậy, sự hối hận của ông ta đã quá trể rồi. Bởi vì ông ta đã làm chân Phật bầm máu và chia rẻ Tăng chúng thanh tịnh, đây là những nghiệp ác quá nặng nề, có tội lỗi lớn lao, không phải là nghiệp ác bình thường. Khi phạm phải những nghiệp ác nặng này thì người ấy chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục Avīci (địa ngục không có cửa, không thể thoát ra được nếu địa ngục đó tự nó không tiêu hoại).
Devadatta chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục Avīci mà thôi, vì thế cho nên không thể còn có cơ hội nào để diện kiến đức Phật được nữa. Tuy nhiên, đối với ông ta là lần cuối cùng, nên rất mong muốn được diện kiến đảnh lễ người anh họ của mình là đức Phật. Vì vậy, ông ta đã nhiều lần cầu xin các đệ tử đưa ông ta đến nơi đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi.
Do Devadatta nhiều lần khẩn khoản van xin, nên cuối cùng những người đệ tử của ông ta đã đặt ông ta lên trên chiếc giường, rồi khiêng ông ta đi đến nơi đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi đến bên hồ nước gần chùa Jetavana, các đệ tử đặt tạm chiếc giường xuống đất, rồi họ cùng nhau xuống hồ tắm. Devadatta cũng ngồi dậy, khi chân ông ta từ trên chiếc giường để xuống vừa chạm đất thì đồng thời bị lún sâu vào đất không rút lên được nữa. Devadatta đã rất khiếp sợ đứng dậy định rút lên nhưng không còn kịp nữa. Trong khi ông ta vừa vùng vẫy vừa la hét thì càng lún sâu dần vào đất, từ ngang mắt cá đến đầu gối, đến bắp đùi, đến ngang hông, rồi lún sâu đến ngực. Khi lún đến ngang cổ, ông ta đã đọc lên bài kệ xin quy y nương nhờ đức Phật rằng:
Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,
Devātidevaṃ naradammasārathiṃ.
Samantacakkhuṃ satapuññalakkhaṇaṃ,
Pāṇehi Buddhaṃ saraṇaṃ gatosmi.
Dịch nghĩa:
“Dù chỉ còn đống xương này, hay chỉ còn hơi tàn cuối cùng, con cũng xin quy y nương nhờ nơi đức Phật; Bậc có nhiều tướng tốt do thiện nghiệp pāramī; Đấng có trí tuệ toàn giác thấy biết rõ đúng và khắp tất cả; Bậc giáo huấn Phạm thiên, chư thiên, loài người và tất cả chúng sinh trở nên Thánh thiện; Đấng cao thượng hơn tất cả chư thiên và Phạm thiên”.
Khi vừa chấm dứt lời xin quy y nương nhờ đức Phật vừa xong thì cũng là lúc ông ta bị lún sâu mất hút vào lòng đất và đọa vào địa ngục Avīci.
Khi tin Devadatta bị đất hút chết lan truyền đến dân chúng, người nào nghe xong đều cũng rất vui sướng, liền cắm tràng phan, cắm cờ phướng, chặt chuối cắm trước cửa, chưng các chum nước đầy để mở lễ hội ăn mừng.
Khi chư Tỳ khưu đem sự việc ấy trình thuật lại với đức Phật, Ngài đã thuyết dạy trong quá khứ xa xưa, sự việc như vậy cũng đã từ xảy ra. Tiếp theo Ngài thuyết giảng về tiền thân của Devadatta trong câu chuyện Mahāpiṅgalajātaka, khi ấy Devadatta là một vị Vua tên là Piṅgala trị vì vương quốc Bāraṇasī. Dân chúng trong vương quốc ấy khi hay tin nhà Vua băng hà cũng đã vui sướng mở lễ hội ăn mừng như bây giờ. Sau đó, đức Phật thuyết giảng liên quan đến Devadatta bằng bài kệ sau:
(Nghĩa của bài kệ).
“Những người thường hay làm các việc xấu ác, kiếp hiện tại cũng bị lo âu, nóng nảy; kiếp sau cũng bị lo âu nóng nảy; cả hai kiếp cũng đều bị lo âu, nóng nảy.
Mỗi khi nghĩ lại rằng ‘ta đã làm những việc xấu ác’ nên luôn lo âu, nóng nảy. Kiếp sau sẽ sinh vào 4 cõi khổ nên càng lo âu, nóng nảy hơn.”
Khi đức Phật thuyết bài kệ này xong, trong hội chúng nghe pháp ấy có rất nhiều người chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu, cũng có rất nhiều người phát sinh đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Bài kệ này đã đem lại lợi ích thiết thực, quả báu lớn lao cho rất nhiều người trong hội chúng nghe pháp ấy.
Trong thế gian này, đã là con người thì không một ai có thể sống riêng rẻ tách biệt ra được; mà thường sống chung thành từng nhóm, từng cộng đồng. Chính từ sự sống chung thành từng nhóm, từng cộng đồng này nên đương nhiên giữa mỗi một người sẽ phát sinh các mối liên hệ, sự giao tiếp lẫn nhau. Có rất nhiều mối quan hệ như: giữa người bán và người mua; giữa người chủ và người làm công; giữa thầy cô và học sinh; giữa cha mẹ và con cái; giữa sư phụ và đệ tử; giữa chính quyền và nhân dân;…. Để những mối quan hệ, giao tiếp ấy được thực hành một cách trôi chảy và tốt đẹp nên xã hội đã có nhiều quy định, pháp luật hay phong tục tập quán, văn hóa phù hợp với mỗi sự liên hệ, giao tiếp ấy.
Những quy định đó được cụ thể hóa theo pháp luật của mỗi quốc gia dân tộc, nó trở thành nếp văn hóa, tập tục mà mỗi con người trong quốc gia hay dân tộc đó ai cũng tôn trọng và luôn tuân thủ thực hành theo. Ngoài ra, loài người có mặt trên thế gian này, tùy theo dân tộc, dòng họ, địa vị, tôn giáo mà còn có những điều quy định khác của riêng mình, hoặc như trong các tôn giáo cũng có những giáo điều để tín đồ của mình thực hành theo; tất cả những điều này đều mang tính chất sự thật thuộc về chế định, quy ước (sammutisacca). Sự thật chế định, quy ước này chỉ mang tính chất hình thức tướng trạng bên ngoài; nó không mang sự thật có tính chất cốt lõi chơn chánh. Vì vậy, nếu chỉ thực hành theo sự thật mang tính chất quy ước, chế định này không thôi, thì cũng không thể nào trở thành một bậc Thiện trí, một người tốt thật sự trong cuộc đời này.
Ngay khi nói đến sự thật chế định, quy ước thì rõ ràng là chỉ nói đến cái hình thức bên ngoài mà thôi. Cái hình thức bên ngoài ấy, bên trong nó cũng còn có cái cốt lõi nữa. Cái cốt lõi bên trong ấy đó chính là cách thể hiện tâm tính của mỗi một con người. Và chính theo cách thể hiện tâm tính của mỗi con người ấy mà phân chia con người ra cao quý hay thấp hèn, thiện tốt hay xấu ác. Sự phân chia này là sự phân chia con người một cách đúng đắn thật sự. Trong khi sự phân chia con người theo địa vị và của cải tài sản, là một sự phận chia không thật sự đúng đắn. Nếu nói theo sự thật, khi dùng địa vị, của cải tài sản để phân chia, thì có thể nói rằng đó là sự phân chia theo sự thật chế định, quy ước. Còn khi phân chia theo giới hạnh, đạo đức thể hiện qua tâm tính, thì có thể nói rằng đó là sự phân chia theo sự thật tự nhiên, chân thực (paramatthasacca). Thật ra, sự thật tự nhiên, chân thực chính là gốc rễ của sự thật chế định, quy ước.
Sự thật tự nhiên còn có thể chia ra 3 loại như sau. Có người vì chỉ để cho người khác thấy tốt, khen tốt nên cố tỏ ra bề ngoài thực hành giới-định-tuệ của mình một cách giả dối, theo tính chất “dối gạt” (māyā) ấy, để che đậy sự xấu xa; và theo tính chất “khoe khoang” (sāṭheyya), trong mình thật ra không có gì là tốt đẹp cao thượng, lại khoe khoang, phóng đại làm sao cho những người chưa biết được biết, chưa nghe được nghe, để nhằm mục đích đem lại lợi ích thanh danh cho chính mình. Hạng người như vậy cũng có rất nhiều ở trong đời. Hạng người như thế này khi làm những việc gì cũng được những người có tính cách giống mình, có nhận thức giống mình ngưỡng mộ, khen ngợi và đồng tình cho là đúng, là sự thật; trong ngôn ngữ Pāḷi gọi là “pāribhāsika-saccā: những người chung quanh hay cùng chí hướng công nhận là sự thật”. Bên trong hạng người này quả thật không có được sự thực hành sâu sắc vững chắc về giới-định-tuệ. Tuy nhiên, những việc làm của hạng người này, sự nhận thức của họ, cũng như tri kiến của họ lại được những người cùng tính cách, cùng nhận thức với họ cho là “sự thật” trong giới hạn của họ, nên cũng được gọi tên là “sự thật” trong danh sách của các sự thật có trên thế gian này. Những chủ thuyết, luận điểm, tư tưởng, triết lý của các môn phái, đảng phái, tông phái, giáo phái,… với mục đích làm cho chính mình nỗi trội, chỉ đem lại lợi ích cho chính mình; tất cả những điều đó đều nằm trong sự thật “pāribhāsikasaccā: những người xung quanh hay cùng chí hướng công nhận là sự thật”.
Nếu tạo thiện nghiệp thì sẽ hưởng được quả tốt của nghiệp ấy; còn nếu tạo ác nghiệp thì sẽ chịu quả xấu của ác nghiệp ấy. Đây cũng là một trong những sự thấy biết thuận theo cái thấy biết đúng sự thật vậy. Theo như trong giáo pháp của đức Phật, thì những thiện nghiệp bố thí có lỗi lầm (sāvajja-dāna-kusala-kamma) đã tạo nên, đến khi cho quả thì nó cũng cho quả tốt đẹp trong khi làm việc xấu ác. Theo định luật của nghiệp ấy, hoặc dối trá, hoặc lừa gạt, hoặc nịnh bợ, hoặc làm việc bất hợp pháp, hoặc trộm cướp, thậm chí cả việc xấu xa nhất là giết cha mẹ, nhưng lại có được địa vị danh vọng, của cải tài sản phát triển, trở thành người giàu có, quyền uy trong đời; những hạng người như thế này ai cũng nhìn thấy họ là người có phước đức (quả của thiện nghiệp). Việc làm của những người ấy, nhận thức của họ cũng như tri kiến của họ đều thuộc trong tri kiến của sự thật. Nếu một khi từ bỏ việc làm xấu ác, thì cũng là lúc mất dần sự giàu sang quyền uy địa vị ấy. Pháp bất thiện, điều xấu ác cũng có lúc, tùy thời lại làm nhân duyên hỗ trợ cho pháp thiện, điều tốt đẹp; và ngược lại, pháp thiện, điều tốt đẹp cũng có lúc, tùy thời lại làm nhân duyên hỗ trợ cho pháp bất thiện, điều xấu ác. Do đó mới để chúng vào trong danh sách tên gọi của những “sự thật”. Sự thật này gọi là sự thật tự nhiên, chân thực (sabhāvasacca). Theo như sự thật tự nhiên, chân thực này, thì những hạng người làm việc, tạo tác như trên, hoặc những người thực hành theo sự thật ấy là những hạng người không có giới-định-tuệ đầy đủ trọn vẹn. Thật ra, trong pháp bất thiện, điều xấu ác cũng có niềm vui, cảm giác khoái lạc của nó; và trong pháp thiện, điều tốt đẹp cũng vậy vẫn có niềm vui, cảm giác an lạc của nó. Theo như trong giáo pháp Vi diệu pháp tạng thì những “niềm vui, cảm giác lạc thú” đó, chúng chỉ là trạng thái của “vedanā: cảm thọ, cảm giác” mà thôi.
Đối với thiện nghiệp bố thí không có lỗi lầm (anavajja-dāna-kusala-kamma) đã tạo nên, thì quả báu lợi ích không cần gì phải bàn đến nữa. Bởi nó chắc chắn sẽ đem lại quả báu lợi ích tốt đẹp lâu dài. Do đó, việc làm của những người này, nhận thức của họ, tri kiến của họ luôn là những điều đúng với sự thật. Sự thật này cũng nằm trong sự thật tự nhiên, chân thực. Trong số những người thực hành theo sự thật này, có một số người thực hành đầy đủ giới-định-tuệ trở thành pāramī, và cũng có một số người tuy thực hành đầy đủ giới-định-tuệ nhưng không trở thành pāramī. Tuy vậy, sự thật tự nhiên, chân thực này phát sinh lên không phải do nguyên nhân từ sự thật thuộc thiện nghiệp bố thí có lỗi lầm; mà nó phát sinh lên chính là do nguyên nhân từ sự thật thuộc thiện nghiệp bố thí không có lỗi lầm. Hai sự thật này tuy đều thuộc về sự thật tự nhiên, chân thực nhưng tính chất, trạng thái của chúng lại hoàn toàn không giống nhau; sự thật tự nhiên, chân thực sau (sự thật thuộc thiện nghiệp bố thí không có lỗi lầm) cao thượng hơn.
Sự thật sau cùng đó chính là sự thật của bậc Thánh (Ariyasacca). Nếu thực hành theo sự thật này, thì đối với bất cứ điều gì dù là loài hữu tình hay vật vô tình hiện hữu, hoặc trong thế giới cõi giới (okāsaloka); hoặc trong thế giới chúng sinh (sattaloka); hoặc trong thế giới nhân duyên, tạo tác (saṅkhāraloka); tất cả những thứ ấy, đúng thật sự chúng đều là những thứ không có gì đáng để vui thú, không có gì đáng để ưa thích; chỉ là tổng hợp của những nỗi khổ, bất toại nguyện chồng chất mà thôi. Và sẽ thấy biết rõ ra được chúng chỉ là cả một sự vận hành của nhân quả tương duyên sinh diệt (dhamma) mà thôi, không có một thực thể duy nhất là con người, hay chúng sinh (mạng sống thường hằng), hay linh hồn (atta: cái ta). Như trong kinh tạng Pāḷi, phần Khandhavaggasaṃyutta đã có thuyết dạy: “Người nào tham muốn ở nơi sắc thân, tham muốn nơi cảm giác, tham muốn nơi nhớ tưởng, tham muốn nơi trạng thái thôi thúc tạo tác, tham muốn nơi tri thức; thì người ấy gọi là người tham muốn nơi nỗi khổ, nơi bất toại nguyện.” Và vị Đại quốc Sư cao thượng cũng đã dạy: “Sự tham muốn những địa vị danh vọng và của cải tài sản trong thế gian này, gọi là sự tham muốn khổ đau.”
Thật ra, theo sự thật của bậc Thánh điều an lạc thật sự đúng đắn không nằm ở trong của cải vật chất, hay ở phần sắc pháp; nó chỉ nằm ở trong sự tác ý đúng đắn và hiểu biết đúng đắn; nằm trong sự thật đúng đắn; nằm trong thấy biết đúng đắn mà thôi. Cho nên, chúng ta nếu muốn có được điều an lạc hạnh phúc thật sự đúng đắn, thì điều chính yếu là cần phải cố gắng làm sao cho có được sự hiểu biết đúng đắn, sự thật đúng đắn và tri kiến đúng đắn.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thế giới của loài người, nên đối với loài hữu tình là con người, theo sự thật chế định quy ước thì mỗi một chúng ta không tránh khỏi sự liên hệ, giao tiếp lẫn nhau. Trong sự liên hệ, giao tiếp ấy, tùy theo luật pháp, văn hóa, phong tục tập quán, và tùy theo tôn giáo tín ngưỡng mà chúng ta phải thực hiện những phận sự, trách nhiệm đúng theo những quy định, những chỉ dạy để giao tiếp với nhau cho phù hợp. Vì sự thật chế định, quy ước chỉ mang tính chất hình thức bên ngoài, nên nó còn có cốt lõi từ trong nguyên gốc căn bản của nó nữa, cái đó gọi là tâm tính của mỗi một con người vậy. Cốt lõi bên trong này gọi là “sự thật” chân thực, tự nhiên. Trong sự liên hệ, giao tiếp giữa mỗi con người với nhau, người ta thường nghĩ và tin tưởng rằng hành động của chính mình, nhận thức của chính mình, tri kiến của chính mình là ‘đúng’, là ‘sự thật’. Ở đây không muốn nói đến những người biết rằng đang tự lừa dối chính mình rồi hành động một cách hời hợt, không đâu vào đâu; mà muốn nói đến những người thật sự tin tưởng vào điều của chính mình suy tư phán đoán cho là ‘đúng’ là ‘sự thật’ rồi hành động theo điều đó một cách đầy quyết tâm, đầy nhiệt huyết. Do đó cho nên, để những hạng người này hiểu biết sâu rộng về sự khác biệt sâu rộng của những sự thật có trên thế gian hoặc ngay chính trong thân thể tổng hợp 5 nhóm này, nên đã nêu ra ý nghĩa về các sự thật có trong giáo pháp cả đức Phật Goatama vậy.
Trong câu chuyện này, hành động của Devadatta, nhận thức của ông ta, tri kiến của ông ta, nếu nói theo sự thật thì nó chỉ nằm trong loại sự thật những người cùng nhận thức, cùng chí hướng công nhận và loại sự thật tự nhiên, chân thực thứ nhất mà thôi; chưa thể đạt đến loại sự thật tự nhiên, chân thực thứ hai được, thì đâu cần phải nói đến loại sự thật của bậc Thánh. Chính vì vậy cho nên Devadatta sau khi chứng đắc được thiền và thần thông, do tham đắm trong sự thọ hưởng, sự tôn trọng từ sự “cúng dường lễ bái”, nên đã bị thiêu đốt nóng nực, rất mệt mỏi, rất đau khổ. Ngay trong kiếp sống này, đến cuối cuộc đời, đã bị thiêu đốt nóng nực, đau khổ làm cho máu luôn sôi trào, nôn ra không ngừng. Kiếp sau lại sẽ chịu đau khổ thiêu đốt trải qua một thời gian rất lâu dài trong đại địa ngục Avīci. Nếu nói theo năm tháng của đại địa ngục Avīci thì sẽ chịu đau khổ thiêu đốt suốt một antara kiếp (tạm tính 4×10140).
Devadatta đến cuối cùng cũng hiểu ra được việc làm xấu ác của mình đối với đức Phật, Đấng có tâm từ-bi-hỷ-xả vô lượng đối với người, trời, Phạm thiên và tất cả chúng sinh, nên đã có tâm hối hận rằng “Ta đã làm việc ác quá lớn rồi”, nên tâm hối hận thiêu đốt, đau khổ cho đến lúc chết đi. Sau khi chết lại bị rơi vào đại địa ngục Avīci sẽ chịu khổ đau không ngừng. Đó là con đường chắc chắn phải đi của những người làm điều xấu ác, không thể nào tránh thoát khỏi được.
Vì vậy, chúng ta theo sự thật chế định, quy ước (sammutisacca) giữa mỗi người khi có sự liên hệ, giao tiếp với nhau thì nên thực hiện phù hợp theo pháp luật, văn hóa; theo những phong tục tập quán; theo những phận sự, giáo điều; với tính chất tự giác hướng tâm cao quý, phải tận tâm tận lực. Và theo như đức Phật đã dạy: “được sinh làm kiếp người cao quý là một điều khó”, cho nên khi giao tiếp, liên hệ với những người cao quý khó được như mình, cùng nhau hướng đến sự thật của bậc Thánh, với cái nhìn của sự thật tự nhiên, chân thực thứ hai (sự thật làm việc thiện không có lỗi lầm), chúng ta phải có tâm từ yêu quý thật sự, mong muốn điều lợi ích đến cho nhau; phải có tâm bi thương xót thật sự, mong muốn cho nhau hết khổ đau; phải có tâm hỷ vui mừng thật sự, mong muốn sự thành đạt, hạnh phúc luôn vững bền đến cho nhau; phải có tâm xả trung dung thật sự, mong muốn cùng nhau thực hành mọi điều tốt đẹp. Với 4 tính chất căn bản từ-bi-hỷ-xả đó rồi giao tiếp, liên hệ lẫn nhau thì sự thật tự nhiên, chân thực thứ hai sẽ thành tựu một cách tốt đẹp với chúng ta; hơn thế nữa đó là có thể giúp đỡ hỗ trợ khuyến khích cùng nhau giao tiếp, liên hệ dựa trên 4 tính chất ấy.
Còn nếu hướng đến sự thật của bậc Thánh, thì chúng ta có thể dứt bỏ đẩy lùi được sự bám víu trong những đối tượng tốt đẹp đáng tham muốn; kham nhẫn được những đối tượng xấu ác đáng sợ hãi; hoặc dù cho những đối tượng có tốt đẹp hay xấu ác, thì cái thấy vẫn có thể trung dung, quân bình, thản nhiên, tự tại được. Những tính chất này trong Phật pháp gọi theo tuần tự là dứt bỏ pāramī (nekkhamma), kham nhẫn pāramī (khantī), và tâm xả pāramī (upekkha). Với cách thấy (tri kiến) này, khi nhìn thế giới chúng ta sẽ tự trải nghiệm và thấy biết rõ được rằng, điều an lạc hạnh phúc thật sự không nằm ở danh vọng, địa vị hay của cải vật chất đầy đủ; nó chỉ nằm nơi sự thật đúng đắn, sự thấy biết đúng đắn, sự khéo tác ý hướng tâm đúng đắn mà thôi. Trong giáo pháp cũng có chỉ dạy đề cập đến vấn đề này rằng: “có sự ‘thấy biết đúng đắn’ còn hạnh phúc an lạc hơn cả hạnh phúc an lạc của bậc đế vương hay hạnh phúc an lạc của Vua trời”.
Do đó, tuy rằng đất nước (Myanmar) của chúng ta không có những tòa nhà chọc trời, không có những con tàu to lớn hiện đại, không có những món hàng xa xỉ,…, nhưng với đức tin vững chắc vào giáo pháp của đức Phật, không giả dối mà lại thật tâm, cùng nhau thực hành để từ tâm tính tốt đẹp, tri kiến đúng đắn của mỗi cá nhân đưa đến tâm tính tốt đẹp, tri kiến đúng đắn của một xã hội, một dân tộc; như người có của cải thì dùng của cải; người có công sức thì dùng công sức; người có trí tuệ thì dùng trí tuệ; người có giới hạnh đạo đức thì dùng giới hạnh đạo đức; mỗi một người sử dụng thế mạnh của mình rồi cùng nhau hỗ trợ giúp đỡ để phát triển xã hội, dân tộc, thì mặc dù về mặt của cải vật chất (sắc pháp) tuy không giàu có, nhưng là những người con Phật thật sự chúng ta sẽ có được một đất nước, một dân tộc mà thân, tâm luôn hưởng an lạc hạnh phúc một cách trọn vẹn đầy đủ nhất. Nếu không được như vậy thì sẽ thực hành theo con đường của Devadatta rồi đưa đến cuộc sống bị thiêu đốt nóng nảy khổ đau. Vì vậy, chúng ta không nên chỉ thấy an lạc hạnh phúc nơi của cải vật chất giống như Devadatta, mà phải luôn cố gắng thực hành giới-định-tuệ theo lời dạy của đức Phật, trong cuộc sống giao tiếp, liên hệ với nhau bằng những tâm từ-bi-hỷ-xả thật sự đúng đắn, để đem lại sự lợi ích, tiến hóa, an lạc cho dân tộc, cho thế gian và tất cả chúng sinh.
Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung