Buổi 2: Hiểu Cách Đảnh Lễ Phật Pháp Tăng, Cách Sám Hối Cho Được Trong Sạch & Xin Quy Y, Thọ Trì Giới

Tại sao lại gọi là phận sự hàng ngày?

Sư dạy, Sư không gọi là kinh tụng, mà gọi là phận sự hàng ngày của người con Phật. Tại sao vậy? Bởi khi mình là con cái, người cha, người mẹ hay người lãnh đạo, bất cứ là gì mình đều 1 có phận sự. Bây giờ, ngoài con của bố mẹ ra, mình là 1 người con Phật, nên mình có phận sự phải làm. Vì thật ra, muốn thừa hưởng những giá trị của Pháp bảo do Đức Phật đưa lại thì chúng ta phải làm phận sự, thì sự thừa hưởng đó mới hợp pháp, chân chánh. Còn chúng ta thừa hưởng mà phận sự không làm thì đó là điều không tốt đẹp. Cho nên tại sao mình làm nhiều mà mình không hưởng được, bởi vì mình thiếu phận sự.

Đặc biệt là đối với những người đang hành thiền mà gặp những trường hợp này kia làm cho mình chững lại, hoặc không thể hành thiền. Nên Sư cũng đem bài kinh này ra dạy trước tiên, chứ Sư không có dạy theo tuần tự.

Về mặt hình thức bên ngoài, tụng kinh là như nhau. Nhưng nội dung, cốt lõi bên trong khác nhau lắm. Người học kinh Phật giáo Theravada, khi đọc kinh không phải hướng đến Đức Phật, cũng chả hướng đến cõi trời, không phải hướng đến 1 sự thần thông nào, mà quay trở lại trong thân tâm này. Nên người đọc kinh của Đức Phật có sự khác biệt như vậy. Nên nếu chỉ nhìn bên ngoài đánh giá thì không đúng, phải nhìn mặt bên trong nữa. Nên trong Phật giáo, chánh kiến, chánh tư duy là thứ dẫn đầu.

Muốn giải thoát chỉ có 1 con đường duy nhất thôi Majjhimapaṭipadā, mà 2 cái đầu tiên là sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappa. Đây cũng vậy, mình học cái này để tăng trưởng sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappa chứ không gì cả. Nên mình gọi là phận sự hàng ngày của người con Phật.

Trong phận sự đó có rất nhiều. Như Sư nhớ có bài kinh nói Ngài Sariputta – Ngài là bậc Alahan trí tuệ bậc nhất, hàng ngày Ngài quét rác, quét liêu cốc xong rồi Ngài mới vào hành thiền. Một hôm Ngài quên quét mà vào ngồi liền, nên pháp không có ra. Xong Ngài quán lại hôm nay Ngài làm gì mà ngồi không được, xong mới nhớ ra mình chưa quét rác.

Mình quên chưa lễ Phật, niệm ân đức Phật, quên niệm rải tâm từ, quên niệm sự chết mà mình ngồi thiền được mới giỏi.

Cho nên ở đây Sư không nói là kinh tụng, Sư gọi là Phận sự hàng ngày của người con Phật, có những phận sự gì Sư sẽ giảng rộng ở bên kia, còn bên này đa số là người hành thiền Vipassanā, ai đọc rồi thì kiên nhẫn đọc lại, ai chưa đọc thì cố gắng học để biết. Tiêu đề là Phận sự hàng ngày của người con Phật.

Trong này Sư cũng dạy theo thứ lớp, chứ không phải cứ dạy tự do. Thứ lớp là gì? Đầu tiên bỏ qua phần giới thiệu, ở phần giới thiệu nói tại sao Sư không dạy theo truyền thống, mà Sư dạy theo cách riêng, đó là tụng đọc chữ nào ra chữ đó, chứ không phải tụng đọc theo truyền thống. Bởi vì nó có nguyên nhân từ trong tam tạng kinh điển. Vì người nghe cần bao nhiêu tiêu chí, người đọc cần bao nhiêu tiêu chí thì mọi người đọc biết rồi.

Lật trang thứ 5, ngay sau khi đảnh lễ Ân Đức Phật “Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhasa” thì có tiêu đề là “Phận sự hàng ngày của người con Phật”.

Phận sự hàng ngày tức là phận sự luôn luôn làm hàng ngày, phận sự vừa mang tính tự nguyện, vừa mang tính bắt buộc.

Trước khi đó mình thường lễ Phật 3 lạy, lễ Phật 3 lạy thì mình làm cái gì? Thì Sư có soạn dưới đây:

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Buddhaṃ pūjemi. (Lạy)
Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Đức Phật.
Dhammaṃ pūjemi. (Lạy)
Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Đức Pháp.
Saṃghaṃ pūjemi. (Lạy)
Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Đức Tăng.

Pūjemi = cúng dường. Người Việt cứ nghĩ cúng dường là phải có gì bỏ vào dĩa, mâm dâng lên mới là cúng dường. Nhưng Đức Phật dạy rằng, chỉ cần chắp tay cúi đầu, đảnh lễ, nhường đường đã là pūjemi – sự cúng dường cao thượng rồi. Mình kính trọng người lớn, cũng gọi là pūjemi – sự cúng dường, nhưng người Việt Nam mình không quen, cúng dường là phải có cái gì, nên Sư mới dịch đầy đủ là “Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Đức Phật” chứ không dịch là “Con xin thành kính cúng dường Đức Phật”, nghĩa pūjemi là cúng dường, nhưng cúng dường như thế nào? Cúng dường bằng cách thành kính đảnh lễ. Đây là cái lạy thứ nhất.

Cái lạy thứ 2 là Dhammaṃ pūjemi.

Đức Pháp đây là Ân Đức Pháp Bảo, Sư bỏ chữ Ân đi cho gọn thôi, câu trên đúng ra đầy đủ là “Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Ân Đức Phật”. Người nào học Phật rồi thì ngay chữ Ân Đức Phật là trong tâm họ có Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno…  Ân Đức Pháp cái là trong tâm họ có Svākkhāto Bhagavatā dhammo…

Cái lạy thứ 3 là Saṃghaṃ pūjemi

Đức Tăng ở đây không phải là ông Sư, hay là các Ngài, mà là người nào có Ân Đức, những bậc Thánh Nhập Lưu cũng có những Ân Đức này thì gọi là Ân Đức Tăng, mình cũng đảnh lễ họ, gọi là Ân Đức Tăng. Còn Chư Tăng do chế định từ 4 vị trở lên, thì cái đó khác nữa. Còn đây Ân Đức Tăng là Suppaṭipanno, Ujuppaṭipanno…

Thì khi mình đảnh lễ như vậy, người nào có học, có hiểu biết như vậy, thì ngay khi đảnh lễ trong tâm họ những cái này hiện rất là rõ, không phải suy nghĩ gì cả. Ví dụ như một người ở Hà Nội, nghe thấy chữ Hà Nội 1 cái là họ biết rõ hết, không cần suy nghĩ. Còn 1 người ở Sài Gòn, nghe chữ Hà Nội trong tâm họ có gì không? Không có gì cả, chỉ có từ Hà Nội thôi. Nên mình phải học Ân Đức Phật, khi lạy mình mới lạy sâu sắc, có Ân Đức Phật ở trong tâm mình thì nó mới bảo vệ cho chính mình được. Đó là điều Sư muốn nói ở đây.

Trước khi mình làm việc gì, hay ngồi thiền, mình cũng lễ Phật 3 lạy (lạy ở đây không cần phải lạy tượng Phật, mình chỉ cần chắp tay lạy Con xin thành kính đảnh lễ cúng dường Đức Phật… Đức Pháp… Đức Tăng). Khi lạy như vậy trong tâm mình đã có đủ, Ân Đức Phật, Ân Đức Pháp, Ân Đức Tăng rồi. Giống như mình ở xa mình gọi điện hỏi “mẹ ơi nhà thế nào” thì trong tâm mình biết trong nhà có cái gì rồi, không cần suy nghĩ nữa, còn người khác nói nhà của mình thì họ đâu biết, mình phải mô tả này nọ. Nên khi học, là người con Phật mình mới lạy sâu sắc, và nó thấm lắm. Như vậy ngay đó tâm mình đã hiện ra rồi.

Sư soạn cái này với người hành thiền, vì hàng ngày mọi người lo công việc, lo gia đình, vợ con… mà tự dưng nhảy qua ngồi thiền liền, cái tâm đổi đối tượng đột ngột chưa kịp thích nghi, giữa 2 cái đó mình có 1 con đường trung đạo để chuyển, là lễ Phật, niệm Ân Đức Phật để cái tâm mình nghe theo, rồi mới thiền, vừa chuyển tâm vừa chuyển đối tượng, lúc đó thiền sẽ tốt hơn, thuần thục hơn, lúc đó sẽ hành ít mà được nhiều.

Giống như Ngài Ananda, giữa ngồi và nằm không thôi là đạt quả vị Alahán, trong khi hơn 40 năm theo Đức Phật chả có gì, trong khi Ngài vẫn hành. Vì Ngài Ananda theo hầu Đức Phật, bao nhiêu phận sự, bao nhiêu công việc, có hành đi nữa cũng không ra, nhưng khi mà công việc Ngài đã hết rồi, Đức Phật đã Niết bàn, thì Ngài thực hành chỉ cần trong 1 oai nghi không rõ ràng, giữa ngồi và nằm thôi thì Ngài đã chứng đắc.

Cho nên Paritta rất là quan trọng. Cái này không phải bây giờ các Ngài thầy tổ mới làm, mà từ thời Đức Phật, Ngài đã thấy là 1 vấn đề rất là quan trọng để hộ trì cho những người đang đi trên con đường giải thoát khổ. Đó là điều rất là quan trọng. Chính trong những bài kinh, các ngài Chư Thiên xuống thưa với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, với hạng phi nhân không phải ai cũng cung kính, không phải ai làm thiện họ cũng ủng hộ hay thích thú đâu, có những hạng chúng sinh thấy mình làm thiện, tu hành thì đến phá, quấy rối; và những người bị phá, bị quấy rối nếu không có sự hộ trì thì không thể tu tập được, nên để những người này yên ổn tu tập thì xin Đức Thế Tôn dạy họ những bài kinh này, bài kinh kia để khi những người tu hành này đọc lên thì Chư Thiên chúng con nhớ lại và đến hộ trì họ”. Và Đức Phật dùng trí tuệ của mình quán xét lại, thì thấy như vậy, nên rải rác trong kinh điển sẽ có những bài kinh này. Và các Ngài kết tập sau này họ tuyển lại những bài quan trọng nhất cho mình dễ theo dõi, còn 11 bài thôi, và bài tối quan trọng là bài Mettasutta.

Sau khi đảnh lễ Phật rồi, đối với người hàng ngày làm việc thì mình đầu tiên sẽ xám hối, rồi thọ tam quy và ngũ giới, rồi mới lễ Phật rồi mới tụng kinh, sau đó mới niệm Ân Đức Phật và rải tâm từ, cuối cùng là phát nguyện và hồi hướng.

LỜI SÁM HỐI

Okāsa Okāsa Okāsa!

Kāyakamma vācīkamma manokamma sabbadosa, vì mong muốn tránh khỏi, tất cả những lỗi lầm, do thân nghiệp hành động, do khẩu nghiệp nói năng, do ý nghiệp suy nghĩ, đã phạm đến Tam Bảo: Đức Phật Bảo cao thượng, Đức Pháp Bảo cao thượng, Đức Tăng Bảo cao thượng; đến cha mẹ, thầy tổ…. Buddharatana, Dhammaratana, Saṃgharatana, con thành kính đảnh lễ, ngôi Tam Bảo cao thượng, cùng cha mẹ thầy tổ, lần thứ nhì – thứ ba. Xin năm bậc ân đức, cao thượng không gì bằng, nhận biết sự sám hối, những lỗi lầm của con.

Do thành tâm sám hối, với đức tin trong sạch, thiện tâm hợp trí tuệ, cầu mong con tránh khỏi: Sinh trong 4 cõi khổ, tránh khỏi 3 nạn tai, 8 trường hợp bất lợi, 5 kẻ thù phá hoại, 4 cảnh không hợp thời, 5 bất hạnh kiếp người, trong tất cả mọi thời, mọi kiếp sống luân hồi, khi đã tránh khỏi rồi, mong con sớm chứng ngộ: chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả – Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tham ái, giải thoát khổ tử sinh, luân hồi trong tam giới.

 

Nếu như Tam Bảo được ví như đồ trang sức, thì ngũ giới được ví như là trang phục, và xám hối chính là tắm rửa. Nên mọi người cứ thấy ngày nào cũng xám hối, thì nó cũng như mình tắm rửa hàng ngày cho sạch tâm dơ bẩn này, vì tâm này vừa mới nhìn người bên này tốt thấy vui, nhìn người xấu thấy ghét, tâm dơ bẩn biết chừng nào. Bên ngoại đạo họ rửa tâm bằng cách ngâm nước sông Hằng, ăn cái này cái kia, nhưng sao mà rửa tâm được. Tâm muốn sạch thì phải dùng 1 cái tâm khác. Giống như mình lội xuống bùn dơ, thì do nước nên dơ, nên mình dùng nước rửa, thì pháp tự nhiên cũng vậy, cái tự nhiên của tâm này sẽ làm trong sạch tâm kia. Lời xám hối là Sư soạn dựa theo bên Myanmar, mọi người có thể tự soạn lại hợp theo mình. Lời xám hối cũng như xà phòng hay chất tắm hợp với mình thôi, nên mọi người cứ sửa cho phù hợp với mình, miễn sao tâm mình dựa vào những lời này nó trong sạch đi, khi mình nói lên những lời này tâm mình có đối tượng để nó hướng vào để cho cái tâm sạch.

Điều thứ nhất: nếu mình đọc mỗi chữ như vậy, mình có tác ý thiện tâm, giống như 1 người từ bỏ sự ngã mạn, tà kiến, thấy sai chấp lầm để nhận lỗi của mình, thì đó là thiện tâm trong sạch làm tâm mình trong sạch lên. Đây là 1 phần của xám hối. Nếu mọi người có lỗi lầm gì, muốn nói ra cho tâm mát mẻ thì cứ nói ra. Tâm mình vốn trong sạch, bình thường trong cuộc sống hàng ngày do chấp vào cái tôi cái ta, việc này việc kia mà tâm bị ô nhiễm, dơ bẩn, giờ mình nhận lỗi, thấy đó là cái sai thì tâm mình được gột rửa.

Điều thứ 2: xin những bậc Tam Bảo nhận những lỗi lầm đó cho mình.

Điều thứ 3: sau khi tâm trong sạch, mình phát lời nguyện. Đây là lời nguyện chung, ai thích gì thì tự nguyện riêng theo ý mình.

4 cõi khổ (4 cõi ác): địa ngục – ngạ quỷ (thường sống ở kênh rạch hôi hám, cũng có loài ngạ quỷ làm phước nên có lâu đài trên cội cây, nhưng chịu khổ chịu đói là nhiều) – asura (asura thường sống trên mặt biển, nó cao cấp hơn ngạ quỷ 1 chút) – súc sinh.

3 nạn tai: chiến tranh – đói khát – bệnh tật. Thời đại sân hận nhiều thì chiến tranh, tham dục nhiều thì đói khát, si mê (không biết thiện, không biết ác, sống không giữ gìn) nhiều thì bệnh tật

8 trường hợp bất lợi: bất lợi ở đây là bất lợi cho việc tu tập Niết bàn, không hành các pháp giới định tuệ của Đức Phật được: 4 cõi khổ phía trên – cõi vô sắc (không có tai, không có mắt nên không nghe pháp của Đức Phật được) – cõi sắc giới vô tưởng thiên (không có tâm nên không nghe, hiểu pháp được) – biên địa xa xôi, Phật giáo không đến được – ở gần Phật mà không có đức tin 

5 kẻ thù phá hoại: nước phá hoại – lửa phá hoại – người cai trị ác độc – xã hội trộm cướp nhiều – sinh ra những đứa con nghịch tử

4 cảnh không hợp thời (cảnh không cho thiện pháp phát triển): sinh vào thời gian không thích hợp (chiến tranh, bệnh tật…), nơi chốn không hợp thời (sinh vào thợ săn, dân chài biển, nghề giết mổ…), hình tướng quá lùn/đui/mè/upādi.

5 bất hạnh kiếp người: bệnh tật từ nhỏ, bệnh hiểm nghèo – gia quyến ly tán, mất mát – của cải tài sản tiêu tan – bất hành về giới (làm ác nghiệp lớn quá, giết cha giết mẹ…) – tri kiến sai lệch

XIN THỌ PHÉP QUY Y TAM BẢO VÀ NGŨ GIỚI

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi,

anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ

dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ

yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

(Yamahaṃ vadāmi, taṃ vadehi).

(Āma Bhante).

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần)

Ahaṃ: con, tôi

Bhante: kính Bạch Ngài

Tisaranaṇena: ti = 3; sarana: nương vào, nương vào để giải thoát chứ không phải chỉ nương tựa thôi

Saha: cùng với

Pañcasīlaṃ: 5 giới hạnh

Dhammaṃ: pháp

Yācāmi: xin

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ: Con xin thọ trì tam quy và ngũ giới

Anuggahaṃ: tâm bi (nếu người này không có giới sẽ bị khổ, nên với tâm bi mẫn vị Sư hướng dẫn họ thoát khổ)

Katvā: rồi, sau khi rồi

Sīlaṃ detha: cho giới đến

Me: con

Bhante: Ngài

Anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante: Kính xin ngài với tâm bi mẫn rồi hướng dẫn con thọ phép quy y và ngũ giới

Dutiyampi: lần thứ nhì

Tatiyampi: lần thứ 3

Trong Phật giáo xin lần đầu có thể rút lui được, lần thứ 2 cũng có thể rút lui được, nhưng xin lần thứ 3 là chắc chắn rồi mới cho.

….

Bài Pháp được Sư Hộ Giới thuyết trong lớp Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật, bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký và tóm lược.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app