DHAMMAPADA

(PHÁP DẪN ĐẾN NIẾT BÀN)

CITTAVAGGA-PHẨM TÂM

Trưởng lão Meghiya

Vào thời kỳ hạ thứ 13 của đức Phật, khi ấy Ngài đang cư ngụ trên ngọn núi Cālikā gần thành Cālikā. Một hôm, Trưởng lão Meghiya đã trình bạch lên đức Phật mong muốn đến ngôi làng Jantu để khất thực, được sự cho phép của Ngài, nên Trưởng lão Meghiya đã một mình đi đến ngôi làng Jantu ấy để đi bát khất thực.

 

Sau khi khất thực dùng cơm trưa trong ngôi làng Jantu ấy xong, Trưởng lão Meghiya đã đi đến con sông Timikālā. Trong lúc đang đi bộ (kinh hành) dọc theo bờ sông Timikālā ấy, Trưởng lão đã nhìn thấy một vườn xoài rất đỗi thanh bình vắng lặng. Khi ấy, bên trong tâm của Trưởng lão Meghiya đã phát sinh mong muốn hành thiền tu tập trong khu vườn xoài ấy. Nhưng vì chưa xin phép đức Phật, nên Trưởng lão đã quay trở về ngọn núi Cālikā để trình bạch mong muốn “hành thiền tu tập trong khu vườn xoài bên bờ sông Timikālā” ấy của mình. Đức Phật vì biết được mối liên hệ giữa Meghiya và vườn xoài ấy, nên đã dạy bảo ngăn cản rằng:

– Này Meghiya, con yêu quý của Như Lai! Con là Tỳ khưu đang theo hầu cận Như Lai, vì vậy nếu con đi thì Như Lai sẽ chỉ còn lại một mình. Cho nên, con hãy đợi cho đến khi có một vị Tỳ khưu khác đến đây thay con đã. 

Mặc dù vậy, Trưởng lão Meghiya vẫn trình bạch xin phép đức Phật lần thứ hai, và đức Phật cũng lại tiếp tục dạy bảo hãy đợi cho đến khi có một vị Tỳ khưu khác đến rồi hãy đi. Nhưng đến lần thứ ba khi Trưởng lão Meghiya không chịu từ bỏ ý định, mà lại tiếp tục khẩn khoản trình bạch xin phép, nên đức Phật đã đồng ý cho phép Trưởng lão ra đi theo nguyện vọng mong muốn ấy.

Được sự chấp nhận cho phép từ đức Phật, Trưởng lão Meghiya đã đi đến vườn xoài để hành thiền, sau khi chọn được nơi ưa thích nhất, đó là một tảng đá dưới một gốc cây xoài, rồi ngồi trên ấy và bắt đầu thực hành đối tượng thiền (kammaṭṭhāna). Tuy nhiên, bên trong tâm của Trưởng lão Meghiya không có một chút bóng dáng của tướng trạng đối tượng thiền nào phát sinh lên cả, mà chỉ có 3 tư duy bất thiện gồm tư duy, suy nghĩ về muốn hưởng thụ 5 dục lạc (kāmavitakka); tư duy, suy nghĩ về muốn làm khổ người khác (vihiṃsāvitakka); và tư duy, suy nghĩ về muốn làm hại người khác (byāpādavitakka).

Bởi thật ra, 500 kiếp trong quá khứ với cuộc đời của một bậc Đế Vương, Trưởng lão Meghiya đã từng thưởng lãm vui chơi trong vườn xoài này. Do đó, những đối tượng gì đã hưởng thụ, cảm nhận diễn ra trong quá khứ ấy, với tính chất nắm giữ chấp thủ (upādāna) ở trong tâm của Meghiya, nên chúng đã tiếp diễn sinh khởi lên. Trong sinh tử luân hồi, cho đến khi nào tính chất nắm giữ chấp thủ này chưa bị đoạn diệt bởi Thánh đạo tuệ, thì chúng vẫn luôn diễn tiến sinh khởi theo nhân duyên không ngừng nghỉ. Tuy vậy, trong sự diễn tiến sinh khởi ấy, nó chỉ xảy đến đối với tâm không biết, không có chánh niệm, không có để ý mà thôi. Do đó cho nên, Trưởng lão Meghiya tuy thực hành pháp hành của bậc Tỳ khưu, nhưng những hình tướng và trạng thái của đối tượng pháp hành Tỳ khưu ấy lại không phát sinh lên; mà chỉ có hình tướng và trạng thái của đối tượng khi thời kỳ còn là một vị Vua, đã từng thụ hưởng các đối tượng dục lạc phát sinh lên thôi vậy. Khi những đối tượng như các vũ nữ, cờ lộng, trang sức Đế Vương,…hiện rõ ở trong tâm. thì tư duy về dục lạc (kāmavitakka) phát sinh lên. Chính tại nơi đây, những tiền kiếp còn làm Vua ấy, khi quan quân dẫn 2 tên cướp đến trình diện trước mặt mình, trong đó đã hạ lệnh đem một tên ra xử tử. Khi có những đối tượng này hiện rõ trong tâm, thì tư duy về muốn làm hại (byāpādavitakka) phát sinh lên. Đối với những pháp nắm giữ chấp thủ có năng lực lớn trong quá khứ, thì khó có thể trừ diệt được, chúng luôn sinh khởi khi có đủ nhân duyên thích hợp. Vì vậy, giữa những tư duy bất thiện ấy, Trưởng lão Meghiya đã bị cuốn hút vào đó, trôi theo chúng không thể nào thoát ra được. Từ trong sự lôi cuốn theo những tư duy bất thiện ấy, mặc dù Trưởng lão Meghiya cố gắng để thoát ra, thế nhưng, dù có cố gắng thế nào đi nữa vẫn không thể thoát ra được.

Vì Trưởng lão Meghiya là bậc sẵn có pāramī, nên Trưởng lão là người xuất gia chân chính trong giáo pháp của đức Phật với đức tin trong lành thật sự. Tuy vậy, đối với Trưởng lão sự chứng đạt Đạo-Quả lại còn quá xa vời; bởi ngay đến cả trí tuệ thiền tuệ cũng không thể phát sinh lên được, thì làm sao có được Đạo-Quả. Thời gian sẽ nói lên tất cả. Bởi thật ra, đối với Trưởng lão Meghiya để chứng đạt Đạo-Quả thì cần phải đợi một thời gian nữa mới được. Vì cần phải còn đợi thêm thời gian, nên các thành phần làm chủ (đức tin, cố gắng, chánh niệm, định tâm và trí tuệ) chưa có thể già dặn, chưa đủ năng lực vậy. Do đó, bên trong tâm của Trưởng lão Meghiya chỉ có tư duy về bất thiện sinh khởi lên mà thôi, còn những trí tuệ thiền tuệ không thể phát sinh lên được.

Đối với Trưởng lão Meghiya là một vị Tỳ khưu hầu cận (thị giả) đức Phật, vì thế Trưởng lão đã nghĩ tưởng rằng “Ta cũng đã nhiều lần từng được nghe các pháp bảo đặc biệt mà đức Phật đã thuyết giảng chỉ dạy; sau khi nghe nhiều pháp bảo đặc biệt trực tiếp từ đức Phật, có thể ta sẽ thấy biết, chứng đạt được sự thật chân lý của bậc Thánh.” Tuy nhiên, trong những bài pháp bảo mà đức Phật đã thuyết giảng ấy, đã không có một bài pháp bảo nào được thuyết giảng đặc biệt nhắm đến cho Trưởng lão Meghiya cả. Bởi thật ra, trong tất cả các bài pháp bảo đều có sự đặc biệt thích hợp, chỉ thuận theo đối với những ai có các đức tính đặc biệt vậy. Đối với những ai có các nhân tố làm chủ (indriya) già dặn, đủ năng lực, một khi được nghe pháp bảo thích hợp thuận theo bản tính của chính mình; thì đối với những người ấy, các bài pháp bảo được nghe đó là đặc biệt; còn đối với những người khác tuy cũng được nghe, nhưng không phải là pháp bảo đặc biệt vậy.

Đức Phật đã thấy biết rõ, Trưởng lão Meghiya cần phải đợi một thời gian nữa để có thể chứng đạt sự thật chân lý của bậc Thánh (ariyasacca); bởi vì, các nhân tố làm chủ chưa đạt đến độ già dặn cần thiết, chưa có đủ năng lực. Vì vậy, mà đức Phật đã chưa thuyết giảng pháp bảo đặc biệt chỉ nhắm đến riêng biệt cho Trưởng lão Meghiya, vị Tỳ khưu hầu cận của mình. Trong khi đó, điều này Trưởng lão Meghiya lại không hề hay biết. Trưởng lão Meghiya là người thật sự có đức tin hoàn toàn trong sạch nơi đức Phật, và với đức tin ấy, nên đã xuất gia rồi trở thành một vị Tỳ khưu hầu cận của Ngài. Tuy nhiên, khi Trưởng lão không có được pháp bảo đặc biệt thích hợp xứng đáng với mình, nên mới phát sinh sự suy nghĩ từ bỏ đức Phật rồi tự chính mình thực hành tu tập pháp hành của Tỳ khưu. Chính ngay khi đang suy nghĩ ấy, lại đúng lúc nhìn thấy vườn xoài bên bờ sông Timikālā, do sự bám víu chấp thủ (upādāna) từ trong quá khứ, khi làm Vua của một nước suốt 500 kiếp (đời) đã từng thụ hưởng dục lạc tại vườn xoài ấy; cho nên, bên trong tâm của Trưởng lão Meghiya đã sinh khởi sự ưa thích chấp chặt trú xứ ấy. Do sự bám víu chấp thủ đó, mà tâm Trưởng lão đã quyết định sẽ thực hành tu tập pháp hành thiền ngay trong vườn xoài ấy vậy.

Trưởng lão Meghiya đã không hiểu biết rằng theo như nhân duyên “upādāna paccayā bhavo: những pháp nắm giữ chấp thủ với năng lực nương nhờ đặc biệt làm nhân duyên phát sinh ra kiếp sống (cuộc đời)”. Vườn xoài này đối với Trưởng lão Meghiya chính là đối tượng vườn xoài trong quá khứ, khi 500 kiếp làm một vị Hoàng Đế trị vì đất nước, đã từng hưởng thụ dục lạc tại đây. Nên với năng lực nắm giữ chấp thủ là nguyên nhân, đánh thức những hình tướng, trạng thái ấy trỗi dậy. Chỉ có như vậy, mới hiểu tại sao bên trong tâm của Trưởng lão Meghiya không sinh khởi trí tuệ thiền tuệ, mà lại phát sinh lên toàn những tư duy bất thiện.

Bây giờ đây, Trưởng lão Meghiya đang cảm thấy hối hận, bởi mặc dù đức Phật đã ngăn cản đi đến vườn xoài ấy, nhưng Trưởng lão Meghiya vẫn kiên quyết đi đến đó cho bằng được. Trưởng lão Meghiya đã suy nghĩ: “với sự diện kiến chiêm bái và sự hầu cận đức Phật, thì đó chỉ làm tăng trưởng những thiện pháp thuộc thế gian mà thôi, chứ không thể thấy biết rõ sự thật chân lý cao thượng của bậc Thánh (ariyasacca), gọi là thiện pháp xuất thế gian được. Bởi thật ra, chỉ khi có được thiện pháp xuất thế gian, thì mới có thể giải thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi. Nói đến để có được thiện pháp xuất thế gian, thì không thể chỉ cần diện kiến chiêm bái đức Phật là có được, hay chỉ cần hầu cận đức Phật là có được; mà phải chính tự mình thực hành tu tập pháp hành thì mới có được thôi vậy”. Do có sự suy nghĩ như vậy, nên Trưởng lão Meghiya mới quyết định từ bỏ đức Phật, một mình đi đến vườn xoài ấy để tự mình thực hành tu tập pháp hành vậy.

Bây giờ đây vườn xoài đã bắt giữ lấy Trưởng lão Meghiya rồi, chính các pháp nắm giữ chấp thủ đã buộc chặt Trưởng lão. Nếu tiếp tục ở lại trong vườn xoài này thì không những không thể phát sinh trí tuệ thiền tuệ, mà còn có thể rơi vào 4 cõi khổ do luôn sinh khởi những tư duy về tham dục, về sân hận và về oán ghét. Lại có thể trở thành kẻ thất bại ngay cả khi đã có được kiếp người rất khó được này. Do đó, Trưởng lão Meghiya đã quyết định phải mau chóng từ bỏ, rời khỏi vườn xoài ấy, trở về diện kiến đảnh lễ và trình bạch đến đức Phật những hiện tượng đã phát sinh bên trong tâm của mình. Theo quyết định ấy, Trưởng lão Meghiya đã trở về ngôi chùa trên ngọn núi Cālika trình bạch lên đức Phật những vấn đề mà mình gặp phải. Khi ấy đức Phật đã dạy bảo đến Trưởng lão Meghiya:

– Này Meghiya! Như Lai đã dạy con “Hãy chờ đợi một thời gian, vì giờ đây Như Lai chỉ có một mình. Hãy chờ đợi cho đến khi có một vị Tỳ khưu khác đến rồi hãy đi.” Thế nhưng con đã không nghe lời, để Như Lai lại một mình, đã tự ý đi đến vườn xoài ấy. Đã là một vị Tỳ khưu, thì con không nên làm theo mong muốn của tâm; mà chỉ nên làm cho tâm phải theo mong muốn của mình.

Tiếp theo đức Phật thuyết giảng 2 bài kệ sau:

(Nghĩa của 2 bài kệ)

“Tâm luôn chạy đến nơi 6 đối tượng; nó không bao giờ ở lâu trên đối tượng mà chỉ thoắt đến thoắt đi. Bởi vì không thể đặt để nó lâu trên một đối tượng thích hợp, nên rất khó giữ gìn nó được; và cũng rất khó trong việc ngăn cấm không cho nó đi đến những đối tượng không thích hợp. Cũng giống như người thợ dùng lửa để làm thẳng lại những mũi tên bị cong; người thực hành thiền cũng vậy, tự chính mình phải luôn làm cho tâm của mình thuận theo mình vậy.”

“Ví như con cá mới vừa bị vớt lên khỏi nước, đặt trên mặt đất thì vùng vẫy, nhảy đành đạch như thế nào; cũng giống như vậy, để đoạn diệt các phiền não trong tâm, khi tâm ấy vừa mới bị kéo lôi ra khỏi các đối tượng tham muốn, đặt nó lên trên đối tượng thiền định-tuệ (kammaṭṭhāna), nó sẽ vùng vẫy, giãy nảy.”

Một cung thủ khi mũi tên của mình bị cong, thì phải làm cho nó thật thẳng mới sử dụng được. Để làm được như vậy, điều kiện cần thiết phải có đó là đống lửa than. Khi đã có đống lửa than rồi, trước hết là phải tìm cho ra đoạn cong, sau đó dùng lửa đốt nóng vào chỗ bị cong ấy; tiếp nữa nắn lại cho thật thẳng; sau đó nữa là ngắm bên này bên kia; tiếp theo sau nữa kiểm tra xem có dùng được hay không. Đây là những việc làm theo tuần tự để cho mũi tên từ cong trở nên thẳng và có thể sử dụng được. Khi đem những công việc làm theo tuần tự này, so sánh áp dụng vào trong 8 nhân Thánh đạo, thì chánh niệm giống như sự tìm kiếm chỗ cong; chánh tinh tấn giống như dùng lửa đốt nóng đoạn cong ấy; chánh định giống như sự nắn lại cho thật thẳng; chánh tư duy giống như sự ngắm bên này bên kia; chánh kiến giống như sự kiểm tra xem xét có dùng được hay không; còn chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng chính là 3 nhân giới Thánh đạo giống như đống lửa than vậy.

Cũng giống như ví dụ về cung thủ này, người thực hành thiền (Yogī) với nhân Thánh đạo chánh niệm luôn quan sát không để cho những đối tượng hiện rõ đến trong các cửa ngõ (dvāra: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của mình trôi mất đi; với nhân Thánh đạo chánh tinh tấn luôn phải cố gắng nắm bắt cho được đối tượng mà chánh niệm đã chỉ dẫn không cho chúng chạy thoát; với nhân Thánh đạo chánh định bắt nhốt giam giữ cho được đối tượng ấy; với nhân Thánh đạo chánh tư duy quan sát, khám xét kỹ lưỡng đối tượng ấy rồi trình lên chánh kiến; với nhân Thánh đạo chánh kiến phải thấy biết phân biệt rõ ràng các đối tượng ấy là vô thường hay thường, khổ hay lạc, vô ngã hay ngã, bất tịnh hay tịnh. Đây là những công việc, phận sự mà 8 nhân Thánh đạo (maggaṅga) thực hành trên những đối tượng liên quan đến những đối tượng thiền định-tuệ (kammaṭṭhāna). Để thực hành những công việc, phận sự ấy đạt được sự nhạy bén cao, thì cần phải làm cho các thành phần làm chủ (indriya: đức tin, tinh tấn, niệm, định và tuệ) trở nên già dặn, có năng lực. Để các thành phần (yếu tố) làm chủ trở nên già dặn, có năng lực lại cần phải có sự góp sức thực hành bởi 8 nhân Thánh đạo. Và như vậy, giữa các pháp làm chủ và những nhân Thánh đạo có sự tương nhân tương duyên hỗ trợ lẫn nhau vậy.

Còn nếu một khi những đối tượng hiện rõ qua các cửa ngõ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của mình mà không được quán xét rõ bởi các nhân Thánh đạo, thì tâm sẽ bị lôi cuốn chạy theo sau mỗi đối tượng hiện hữu vậy. Tuy bị lôi cuốn chạy theo đối tượng như vậy, nhưng không bao giờ tâm lại bám chặt trên một đối tượng duy nhất, mà luôn dao động thay đổi từ đối tượng này sang đối tượng khác. Ngoài ra, tuy đã ngăn cản không cho chạy theo sau các đối tượng không thích hợp, nhưng tâm lại không tuân theo sự ngăn cản ấy, mà lại nhất quyết, bất chấp vượt thoát ra ngoài sự kiểm soát ấy. Và tuy cố gắng để giữ cho nó bám chặt trên những đối tượng thiền thích hợp, nhưng không phải khi nào sự cố gắng thực hành thiền ấy tâm đều thuận theo, nó muốn đi đến đâu thì đi.

Bởi thật ra, tâm với vai trò là “chủ nhà”, tuy nguyên gốc bản chất là trong sạch, nhưng do vì tiếp xúc với những vị khách mang tính chất phiền não ô nhiễm, cho nên mới có sự dao động, khó dạy bảo như vậy. Do đó, phải luôn cố gắng để làm cho tâm thoát khỏi được từ những sự ô nhiễm bởi phiền não “khách” ấy. Cho đến khi nào mà tâm chưa thể thoát khỏi ô nhiễm từ các phiền não, thì nó vẫn luôn chạy theo sau các đối tượng hiện hữu vậy. Còn nếu một khi tâm không còn bị lôi cuốn chạy theo sau các đối tượng nữa, mà chỉ có các đối tượng chạy đến với tâm, thì khi ấy có thể nói tâm một phần nào đó đã thoát ra khỏi được phiền não vậy. Một khi tâm đã có được trạng thái thoát khỏi được phiền não chừng nào, thì đồng thời tâm ấy cũng đã trở nên trong sạch, hiền thiện chừng ấy. Do đó cho nên, phải luôn luôn cố gắng làm cho tâm của mình trở nên trong sạch, hiền thiện.

Một khi tâm được trong sạch, hiền thiện chừng nào, thì nó sẽ mang lại sự an lạc chừng ấy. Trong việc làm cho tâm trở nên trong sạch, hiền thiện, trước hết phải làm sao cho tâm không bị lôi cuốn chạy theo sau đối tượng, mà hãy cố gắng thực hành làm sao để chỉ có đối tượng đi đến hiện rõ trong tâm. Trong sự cố gắng thực hành ấy, cũng giống con cá bị vớt ra khỏi nước đặt lên trên mặt đất vùng vẫy, giãy đành đạch thế nào, tâm cũng dao động, vùng vẫy như thế ấy. Tâm dao động, vùng vẫy có nghĩa là tâm không ở nơi chỗ của mình, sơ hở giây lát, thất niệm một khá-ṇá (khaṇa) là liền chạy theo sau đối tượng. Để cho tâm ở yên nơi chỗ của mình, không chạy theo sau đối tượng, thì cần phải dùng chánh niệm canh gác trông chừng nó. Khi ấy, tâm không còn chạy theo sau các đối tượng nữa, mà chỉ có các đối tượng hướng thẳng trực tiếp về tâm. Như vậy, thì có thể nói rằng tâm đã được giữ gìn, điều khiển bởi chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, gồm 3 nhân Thánh đạo thiền định vậy. Nếu một khi đã có thể giữ gìn được như vậy, thì sẽ quan sát, ghi nhận phân biệt rõ được nāma-rūpa (tâm tính-sắc thân); cũng như sẽ quán chiếu, suy xét phân biệt rõ được nhân-quả trong các đối tượng mỗi khi chúng hướng thẳng trực tiếp đến tâm ấy. Tiếp theo, phải quan sát, ghi nhận các đối tượng ấy để thấy biết rõ sinh-diệt; và cứ tiếp tục quan sát, ghi nhận sự sinh-diệt như vậy cho đến khi nhàm chán, nguội lạnh nơi những đối tượng tâm tính-sắc thân ấy. Sau đó nữa, người thực hành thiền định-tuệ (Yogī) tiếp tục thực hành thiền quán cho đến khi thấy biết rõ Niết-bàn nơi hết sạch sự sinh-sự diệt.

Trong việc để thấy biết rõ được Niết-bàn như vậy, điều trước tiên là cần phải giữ gìn giới hạnh cho thật trong sạch. Sau khi giới hạnh đã trong sạch rồi, để định tâm trở nên có năng lực mạnh mẽ, thì phải sử dụng chánh niệm giữ gìn không cho tâm chạy theo sau các đối tượng. Ban đầu phải dùng sự chủ ý cố gắng chính bản thân người thực hành (puggalabyāpāra) để giữ gìn; về sau chánh niệm tự chính nó với sự chủ ý cố gắng của pháp hành (dhammabyāpāra) tự động phát sinh lên giữ gìn. Khi chánh niệm với năng lực chủ ý của pháp hành có thể tự giữ gìn được, thì tâm không còn bị lôi cuốn chạy theo sau các đối tượng nữa, mà chỉ có các đối tượng đi đến hiện hữu trực tiếp trong tâm thôi vậy. Khi ấy, với 3 nhân Thánh đạo thiền định và 2 nhân Thánh đạo thiền tuệ sẽ luôn quan sát, ghi nhận các đối tượng đến hiện hữu trực tiếp đó. Một khi quan sát, ghi nhận chúng trong một thời gian lâu dài, thì các nhân Thánh đạo sẽ thấy biết rõ ràng sự luôn luôn sinh-diệt không ngừng nghỉ của cả đối tượng được thấy biết lẫn chủ thể quan sát, ghi nhận ấy, giống như nhìn thấy rõ một vật bằng đôi mắt thường vậy; đến cuối cùng, từ 5 nhân Thánh đạo đưa đến hợp đủ 8 nhân Thánh đạo, để chứng đạt được Niết-bàn cao thượng trực tiếp ngay trong kiếp sống này.

Tính chất sự thực hành này được đức Phật thuyết giảng chỉ dạy đến Trưởng lão Meghiya bằng 2 bài kệ trên. Khi đức Phật thuyết giảng như vậy, Trưởng lão Meghiya nghe và thực hành theo nên chứng đạt đến Nhập Lưu Thánh quả, và đã trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Do đó, giống như Trưởng lão Meghiya, các Yogī thực hành thiền tuệ nào thường hay bị các suy nghĩ sai lệch (tà tư duy) hành hạ, làm khổ, thì phải nên cố gắng thực hành phương pháp phát triển chánh niệm khắng khít trên tâm (cittānupassanā), để đưa đến sự chứng đạt 4 sự thật chân lý của bậc Thánh, như Trưởng lão Meghiya đã thực hành vậy.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

 

———————

Bài viết được trích từ Cuốn Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết-bànHộ Giới Tỳ Khưu dịch Việt

  • Link cuốn Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết-bàn
  • Link tải sách ebook Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết-bàn
  • Link video cuốn Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết-bàn
  • Link audio cuốn Dhammapada – Pháp Dẫn Đến Niết-bàn   
  • Link thư mục Hộ Giới Tỳ Khưu    
  • Link thư mục Sách ebook Hộ Giới Tỳ Khưu   
  • Link giới thiệu Hộ Giới Tỳ Khưu   
  • Link tải ứng dụng Phật Giáo Theravāda 
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app