Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Thiền Tứ Đại
Các đặc tính (trạng thái) của tứ đại đã được nói đến ở trên, nhưng chúng sẽ được lặp lại ở đây. Địa đại có sáu đặc tính: cứng, nhám, nặng, mềm, mịn và nhẹ. Thủy đại có hai: chảy và kết dính. Hỏa đại cũng có hai: nóng và lạnh. Và cuối cùng, phong đại cũng có hai đặc tính: đẩy và nâng đỡ. Có tất cả mười hai đặc tính mà thiền sinh cần phải quán sát một cách có hệ thống. Khi chúng tôi dạy thiền tứ đại, chúng tôi dạy các thiền sinh bắt đầu với những đặc tính dễ nhận biết nhất và sau đó tiến tới những cái khó hơn. Sau đó, chúng tôi thay đổi theo thứ tự như Đức Phật (Buddha) dạy, đó là cách tôi vừa liệt kê chúng: đất, nước, lửa và gió. Đây là thứ tự được dạy bởi Đức Phật (Buddha). Tôi sẽ không giải thích ở đây nhiều chi tiết về cách thực hành thiền tứ đại; lời giải thích ấy sẽ hữu ích hơn khi một người thật sự thực hành.
Nếu một hành giả quán sát tứ đại một cách có hệ thống, vị ấy sẽ thấy sự tiến bộ với Định của mình. Khi Định được tăng trưởng thì sắc thân biến mất. Hành giả chỉ thấy một khối tứ đại; toàn bộ cơ thể trở thành một khối tứ đại. Hành giả không còn nhìn thấy khuôn mặt, tay hay chân nữa. Vào lúc này, tưởng về sự hiện hữu, hữu-tưởng (satta-saññā), biến mất. Điều này có nghĩa là thiền sinh đã đạt được chánh kiến ở một mức độ nhất định.
Nếu hành giả tiếp tục quán sát mười hai đặc tính này trong khối tứ đại ấy, Định sẽ tăng trưởng hơn và sắc thân sẽ phát ra ánh sáng – bắt đầu bằng ánh sáng xám, dần dần trở thành màu trắng, cho đến cuối cùng toàn thân trở thành một khối sáng chói. Khối sáng rực đó thực ra chỉ là một nhóm bọn sắc (rūpa kalāpa) . Nó chưa bị phá vỡ thành các hạt nhỏ, nên thiền sinh thấy chúng như một nhóm; và bởi vì có màu sắc trong mỗi kalāpa, nên chúng được nhận thấy như là một khối sáng rực.
Bấy giờ hành giả cần tiếp tục quán sát tứ đại trong khối sáng rực này để phá vỡ nó thành các hạt rất nhỏ li ti. Nếu tiếp tục quán sát tứ đại trong khối sáng rực đó, thì cuối cùng nó sẽ vỡ thành các hạt nhỏ li ti, có thể được gọi là các hạt hạ nguyên tử. Một số thiền sinh có thể gặp khó khăn khi họ cố gắng phá vỡ khối sáng rực ấy thành các hạt hạ nguyên tử rất nhỏ. Trong trường hợp này, họ được hướng dẫn để nhìn thấy hư không giới (ākāsadhātu) . Hư không giới có chức năng như một loại ranh giới; đó là khoảng không giữa các rūpa kalāpa. Khi nhìn vào hư không giới, khối ánh sáng sẽ phân rã ra và sau đó thiền sinh sẽ nhìn thấy các hạt rất nhỏ li ti.
Đức Phật (Buddha) nói rằng toàn bộ thế giới này được tạo thành từ các hạt hạ nguyên tử rất li ti. Nếu khối ánh sáng phân rã ra trong lúc một người đang thực hành cùng với nhiều hành giả khác, người đó có thể quán sát tứ đại trong những người ngồi gần hoặc ở xa, và sẽ thấy mọi người đều trở thành không gì khác ngoài những hạt li ti. Hành giả không thấy đàn ông hay đàn bà hay bất cứ thứ gì khác; mọi thứ đều trở nên như nhau – chỉ là những hạt rất nhỏ đang không ngừng sinh ra và diệt đi rất nhanh. Nếu một người quán sát tứ đại trong sàn nhà hoặc bồ đoàn mình đang ngồi hay tượng Phật hoặc bất kỳ vật nào khác, mọi thứ đều trở thành những hạt rất nhỏ. Vạn vật trở nên giống như nhau.
Cho dù người ấy nhìn núi, cây, hoa, hữu tình hay các vật vô tình, thì mọi thứ đều trở thành giống nhau – không gì khác hơn là những hạt nhỏ li ti liên tục sinh ra và diệt đi. Khi điều này xảy đến, người ấy sẽ tán thán Đức Phật (Buddha) và xoá bỏ sự bất đồng hoặc nghi ngờ Ngài. Đôi khi chúng ta có khuynh hướng bất đồng ý kiến với Đức Phật (Buddha). Ở đây chúng ta thấy đàn ông, ở đây chúng ta thấy đàn bà; vì sao Đức Phật (Buddha) lại nói không có đàn ông, không có đàn bà? Có mà! Vì sao Đức Phật (Buddha) nói rằng đàn ông và đàn bà không thực sự tồn tại, mà chỉ có Chân Đế? Đôi khi chúng ta có suy nghĩ theo cách như vậy. Tuy nhiên, với sự chứng đắc Định và minh sát, bản thân hành giả tự thấy rằng không có đàn ông, không có đàn bà, không có cây, không có núi, không có hình ảnh của Đức Phật (Buddha); thay vào đó, chỉ có những hạt rất nhỏ. Khi nhìn thấy điều này, người ấy sẽ đồng ý với Đức Phật (Buddha).
Đây không phải là những lời của tôi. Chính Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta.’60 Thế gian dám tranh luận với Đức Phật (Buddha) vì thế gian mù quáng. Chỉ khi người ta đạt đến sự hiểu biết thực sự, họ sẽ không còn dám tranh luận với Đức Phật (Buddha) nữa. Đức Phật (Buddha) là Người biết những gì nằm ngoài phạm vi của mắt thường. Nếu một người tu tiến Định và sau đó thực hành thiền tứ đại một cách hệ thống, người đó sẽ biết và sẽ thấy những gì Đức Phật (Buddha) đã dạy.
Tuy nhiên, những hạt nhỏ li ti này chưa phải là sắc chân đế. Chúng vẫn chỉ là những khái niệm hay chế định nhỏ nhất; chúng là các rūpa kalāpa, nhóm (bọn) sắc. Sắc chân đế là rūpa hay sắc bao gồm trong mỗi kalāpa bọn sắc riêng lẻ, tức là đất, nước, lửa, gió, sắc, khí, vị, dưỡng chất (vật thực), sắc mạng quyền, sắc thanh triệt, v.v. Để hiểu được sắc chân đế, hành giả cần phải phân tích các sắc (rūpa) này trong mỗi bọn sắc (rūpa kalāpa).
Ví dụ, quán sát sắc bên trong con mắt, theo cách mà tôi đã mô tả, một người sẽ thấy rằng các rūpa kalāpa bọn sắc- tâm-sanh, vật-thực-sanh, quý-tiết-sanh chỉ có tám sắc chân đế, từ địa đại cho đến dưỡng chất. Chúng là các bọn sắc-tám-pháp ‘aṭṭhaka kalāpa’61. Tuy nhiên, bọn nhãn mười pháp (cakkhu dasaka kalāpa) có mười sắc tố. Thiền sinh cần phải quán sát từng sắc một. Hành giả minh sát cũng cần phải quán sát mười loại sắc chân đế trong bọn thân mười pháp (kāya dasaka kalāpa) và bọn giới tính mười pháp (bhāva dasaka kalāpa), vì chúng là hai trong bảy loại bọn sắc (rūpa kalāpa) có trong con mắt.
Như Đức Phật ( Buddha) đã nói, ‘Này các Tỳ- khưu, hãy tu tập Định. Tỳ-khưu có Định, thấy và biết Pháp (Dhamma) đúng như thật.’ Sau khi tu tiến Định, hành giả sẽ có khả năng quán sát được các sắc này trong con mắt cũng như trong lỗ tai, mũi, lưỡi, thân và tim62.
Hành giả cần quán sát trong từng giác quan dựa theo số lượng các bọn sắc ( rūpa kalāpa) được tìm thấy ở đó, và để quán sát các sắc chân đế hiện hữu trong mỗi bọn sắc (rūpa kalāpa). Trí tuệ Chân Đế đạt được theo cách này hoàn toàn vượt xa kiến thức thế gian. Mặc dù các nhà khoa học phân tích vật chất theo nhiều cách và kết luận rằng, ví dụ, công thức của nước là H2O, và có nhiều loại khoáng chất khác nhau, tuy nhiên, nước và khoáng chất mà họ nghiên cứu, từ quan điểm Chân Đế, không có gì khác hơn chỉ là các bọn tám sắc chân đế. Đây là một trí tuệ siêu việt hơn nhiều.
Chúng ta thấy có nhiều loài hữu tình và vật vô tình. Có những điều chúng ta thích và những điều chúng ta không thích. Có những thứ rất đẹp và những thứ không đẹp, những thứ sạch sẽ và những thứ không sạch sẽ. Nhìn thấy những loại hữu tình và vô tình khác nhau này, chúng ta trải nghiệm sự ưa thích và không ưa thích, yêu và ghét, muốn và không muốn ở những thời điểm khác nhau. Đôi khi chúng ta chấp nhận mọi thứ, và nhiều lúc khác chúng ta từ chối và phản bác chúng. Tất cả những cảm giác khác biệt này làm cho chúng ta đau khổ, và chúng khởi sinh bởi vì chúng ta nhìn những gì mình thấy là những thứ khác nhau. Thấy chân sự thật có nghĩa là nhìn tất cả những hữu tình và vô tình, tất cả vạn vật hiện hữu đều giống y như nhau. Bất cứ những gì hành giả thấy, hành giả đều biết rằng không có ngoại lệ nào, chỉ có thế này – nó không ngừng sinh ra và diệt đi nhanh chóng dưới dạng các hạt hạ nguyên tử. Do đó, hành giả không còn nhầm lẫn nữa, vì mọi thứ đều trở nên như nhau, bất kể có thích hay không thích nó, hay bất kể là yêu hay ghét nó. Tri kiến của hành giả trở nên rõ ràng. Điều này có khả năng đạt được.
Nói cách khác, hành giả nhận ra rằng bản chất thực sự của cơ thể vật lý là sắc chân đế trong các hạt nhỏ li ti đang sinh ra và diệt đi không ngừng. Vì chúng liên tục sinh ra và diệt đi nhanh chóng, nên chúng là vô thường, vì vậy thật vô nghĩa và không thể nào dính mắc với chúng được. Bằng cách này, hành giả có thể loại bỏ sự dính mắc. Bất cứ điều gì sinh ra và diệt đi không ngừng đều phải chịu khổ. Tùy theo nguyên nhân mà nó sinh ra, và sau khi sinh ra nó sẽ diệt đi. Trước khi sinh ra, không có nơi nào đang chờ sẵn để nó sinh ra. Sau khi diệt đi, cũng không có nơi nào nó được tích tụ lại. Nó sinh ra theo nguyên nhân của nó và rồi diệt đi do bản chất của nó. Không một ai có thể bảo nó sinh ra hay là không sinh ra, và cũng không ai có thể bảo nó diệt đi hay không diệt đi. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi người. Theo cách này đây là vô-ngã, anatta. Với sự hiểu biết như vậy, hành giả sẽ đi trên con đường chấm dứt khổ đau, bởi vì hành giả hiểu biết chân sự thật.
Thật là uyên áo. Điều này vượt quá những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đây là tầm nhìn mới, tầm nhìn thật sâu sắc. Đây là những gì một người có thể đạt được bằng cách hành thiền có hệ thống. Nó dành cho những ai muốn đạt được giải thoát. Nó dành cho những ai muốn loại bỏ hoài nghi và nhầm lẫn. Đây là cách để bảo vệ bản thân không rơi vào bốn đọa xứ. Cầu mong cho quý vị có thể tham gia vào việc thực hành con đường uyên áo này cho đến hết cuộc đời mình!
Ngày nay có nhiều thiền sư dạy thiền minh sát với nhiều ‘phương pháp’ khác nhau. Nhiều người trong chúng ta đã thực hành vipassanā trong quá khứ, bao gồm cả bản thân tôi. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta được dạy để bắt đầu thực hành vipassanā với thiền tứ đại.
Từ những gì đã nói ở trên, rõ ràng rằng, nếu một người là chỉ- và-quán hành giả, người đó phải tu tiến Định và sau đó tiếp tục đến vipassanā bằng cách bắt đầu với thiền tứ đại, là thiền sắc pháp (rūpa). Nếu một người không có an chỉ định và muốn là một hành giả thuần-quán, thì người đó cần thực hành trực tiếp vipassanā. Đối với một hành giả như vậy, Đức Phật (Buddha) dạy rằng thực hành vipassanā nên bắt đầu với thiền tứ đại như là thiền sắc pháp (rūpa).
Nếu một người muốn mở cánh cửa đến Nibbāna, và để cắt đứt phiền não, là nguyên nhân của khổ đau, nhằm đạt đến giải thoát, thì phải nương theo Đức Phật (Buddha) chứ không phải bất kỳ vị thầy nào khác. Không nên nghe theo một thiền sư mà không dạy những gì Đức Phật (Buddha) đã dạy; thay vào đó, người ấy phải thực hành Pháp (Dhamma). Phải nương tựa Giáo Pháp (Dhamma) chứ không phải dựa vào một cá nhân nào, bởi vì một cá nhân có thể thay đổi và không đáng tin cậy.
Như chính Đức Phật (Buddha) đã khuyên bảo trong ví dụ của Ngài về một vị sư tự xưng là đang giảng dạy những gì mình đã nghe trực tiếp từ Đức Phật (Buddha): Không nên vội vàng tán thán hay phản bác lời dạy cụ thể nào cả. Thay vào đó, hãy đem so sánh đối chiếu với lời dạy của Đức Phật (Buddha) như được tìm thấy trong Tạng Luật (Vinaya), trong Tạng Kinh (Suttanta) và trong Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Nếu thấy phù hợp với những gì Đức Phật (Buddha) giảng dạy, thì ta nên chấp nhận. Nếu mâu thuẫn với những gì Đức Phật (Buddha) giảng dạy, thì ta nên từ bỏ. Chúng ta phải đủ can đảm để làm theo lời dạy chân thật của Đức Phật (Buddha).
Khi một người gặp những thiền sư dạy cách thực hành vipassanā mà khác với cách Đức Phật (Buddha) giảng dạy, thì không nên phê bình cá nhân họ; thay vào đó, ta nên đổ lỗi cho bản chất con người. Những thiền sư như vậy nghe theo những bậc thầy nổi -tiếng hơn là những lời của Đức Phật ( Buddha). Vì hầu hết mọi người trên thế gian đều làm như vậy, họ nghe theo các thiền sư nổi tiếng mà không đối chiếu lời dạy của các vị ấy với Giáo Pháp của Đức Phật (Buddha). Những thiền sư như vậy hướng dẫn các học trò của họ cũng theo cách tương tự.
Khi đã biết Đức Phật (Buddha) giảng dạy những gì, một người phải hành động vì lợi ích của riêng mình và không cần chỉ trích bất cứ ai khác. Phê phán và phàn nàn là bất thiện; chọn con đường đúng là thiện. Tranh luận là bất thiện; lặng lẽ làm theo những lời của Đức Phật (Buddha) là thiện.
Nếu không ai sẵn sàng lắng nghe, không có lý do gì để cố gắng giải thích mọi thứ với họ. Sự cho đi là hướng về những người sẵn sàng nhận, không dành cho những người không muốn nhận; người ta chỉ có thể tặng cho những người tiếp nhận món quà của mình. Chính Đức Phật (Buddha) đã dạy Giáo Pháp (Dhamma) chỉ dành cho những người sẵn sàng lắng nghe. Chúng ta nên noi theo Đức Phật ( Buddha). Khăng khăng cho đi và tập trung vào mong muốn của riêng mình để cho đi không phải là cách bậc trí hành xử. Thay vào đó, người ấy nên quan sát xem ai đó có sẵn sàng lắng nghe Dhamma Giáo Pháp hay không. Nếu ai đó sẵn sàng lắng nghe, ta nên giảng dạy cho họ. Nên tránh tranh luận và phàn nàn càng nhiều càng tốt. Đây là cách chúng ta nên hành động trong mọi khía cạnh của cuộc sống, để nuôi dưỡng những việc thiện lành và tránh xa những gì bất thiện.