Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Phân Loại Sắc Pháp theo Nguyên Nhân Sanh

Chúng ta cũng có thể chia tất cả các sắc pháp thành bốn loại theo cách chúng được sinh lên, cụ thể là sắc-nghiệp-sanh (sắc sinh do kamma nghiệp trợ), sắc- tâm-sanh (sắc sinh do tâm trợ), sắc-quý-tiết-sanh (sắc sinh do quý tiết trợ), và sắc-vật-thực-sanh (sắc sinh do vật thực trợ)45. Bốn loại sắc này góp phần tạo nên cơ thể con người. Vì vậy, cơ thể này được tạo thành từ bốn loại sắc: nghiệp-sanh, tâm-sanh, quý-tiết-sanh, và vật-thự c-sanh. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn về bốn loại sắc theo nhân sanh này sau. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét hai mươi tám loại sắc trước.

Tứ Đại Hiển

Trong mọi loài hữu tình và vật vô tình trên thế gian này đều có tứ đại hiển, hay mahābhūta – địa đại (đất), thủy đại (nước), hỏa đại (lửa) và phong đại (gió). Tứ đại này là các thành phần chủ yếu của mọi dạng vật chất có thể nhận biết, cho dù là con người, cây cối, công trình, núi non hay bất cứ thứ gì.

Chúng ta nhìn thấy cây là cây; nhưng nếu phân tích cây này, ta sẽ tìm thấy đất (địa đại). Chúng ta có thể xác nhận sự hiện diện của đất (địa đại) trong cái cây bằng cách cảm nhận có cảm giác cứng khi chạm vào nó. Đất hỗ trợ sự câu hữu của ba đại còn lại; không có đất (địa đại), các đại khác không thể cùng hiện hữu trong cây. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của đất, thì nước, gió và lửa có thể tồn tại. Đất cũng hỗ trợ cho các rūpa sắc khác cùng nhau tồn tại. Cho nên, cây có vẻ rắn chắc là do đất (địa đại).

Nếu cây bị đốn hạ và nghiền thành bột rất mịn, như ‘những hạt nhỏ của cây’, thì nước (thủy đại) là cần thiết để kết dính chúng lại thành một dạng rắn chắc. Nước có các trạng thái kết dính và chảy ra. Nó làm cho nhiều ‘hạt cây’ kết lại hoặc dính lại với nhau như một cái cây rắn chắc. Điều này giống như thêm nước vào bột, làm cho các hạt bột kết dính thành một khối.

Nếu chạm vào cây, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ấm hoặc lạnh. Điều này cho thấy có sự hiện diện của lửa (hỏa đại) trong cây. Hỏa đại cho biết nhiệt độ và do đó bao gồm nóng và lạnh. Lạnh làm cho mọi thứ cứng rắn, ngược lại nóng làm cho chúng mềm mại.

Mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, tôi uống bổ sung phấn hoa ong (bee pollen) chứa trong một viên nang làm từ gạo nếp. Căn cứ theo Luật (Vinaya), tôi không thể ăn (uống) viên nang bọc bên ngoài trước khi hừng đông, vì vậy tôi cần phải lấy bột phấn hoa ong ra khỏi viên nang. Có khi trời rất lạnh vào sáng sớm, và viên nang cứng đến mức không thể mở ra dễ dàng, nên tôi cần phải làm ấm nó trước lò sưởi. Sau đó, nó trở nên đủ mềm để tôi lấy phấn hoa ong ra khỏi viên nang. Theo cách này, nhiệt làm nóng mọi thứ, làm cho chúng được mềm mại, linh hoạt, và lửa (hỏa đại) dưới dạng nóng và lạnh làm thay đổi vạn vật.

Tương tự như vậy, ngay cả trong gỗ cây, người ta có thể cảm thấy một chút đàn hồi, một chút mềm nếu ấn vào nó, bởi vì hỏa đại làm cho mềm mại. Đôi khi gỗ có cảm giác cứng rắn vì không khí xung quanh rất lạnh. Cũng vậy, khi cây được làm thành các tấm ván thì các đại tương tự có trong hình dạng cái cây ấy cũng có thể được cảm nhận trong tấm ván là cứng, mềm, ấm và lạnh. Tấm ván vẫn giữ được hình dáng của nó là do nước (thủy đại) kết dính lại với nhau.

Đối với đại còn lại, thực tế cây đứng thẳng là do sự tồn tại của gió (phong đại), có trạng thái đẩy và nâng đỡ. Một người có thể ngồi thẳng lưng vì có phong đại (gió), đẩy và nâng đỡ cơ thể làm cho tư thế ngồi có thể được duy trì. Ngay cả khi nằm trên giường cũng do phong đại (gió). Tuy nhiên, một lần nữa, không chỉ có phong đại, mà tất cả tứ đại đều có mặt, hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Tất cả tứ đại cùng hiện hữu trong mỗi hình thức vật chất cho cả loài hữu tình và vật vô tình. Điều này đúng trong mọi thời điểm và ở mọi hình thức, ngay cả khi nó thay đổi từ dạng này sang dạng khác. Do đó, đây là Chân Đế.

Trẻ con thường hay chơi với một dạng cao su có thể được thổi phồng thành quả bóng. Không có sự hỗ trợ từ phong đại thì quả bóng sẽ không thể giữ được hình dạng của nó. Khi thổi không khí vào quả bóng, không khí sẽ đẩy thành của quả bóng ra ngoài. Nó thay đổi từ một vật không có hình dạng và mềm nhũn thành một vật có dạng tròn và có sự vững chắc nhất định. Đây là một ví dụ rõ ràng về cách mà phong đại đẩy và hỗ trợ như thế nào.

Phong đại cũng có phận sự là chuyển động. Ví dụ, khi chúng ta hít vào, lồng ngực chúng ta mở rộng, đẩy ra ngoài, và sau đó co lại. Bất kỳ sự rung động, xoay hay sức ép nào mà chúng ta cảm nhận được cũng là do gió (phong đại). Khi có một cảm giác đầy năng lượng chiếm lĩnh cơ thể, thì đây cũng là do phong đại. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta luyện khí công qigong quá nhiều; và nếu năng lượng trở nên quá mạnh, nó có thể gây trở ngại cho việc hành thiền của chúng ta, cho nên cần có sự điều độ trong trường hợp này. Như vậy, năng lượng là do sự hiện diện của gió (phong đại).

Tứ đại hiển là các sắc cơ bản; chúng hiện hữu cùng nhau và không thể tách rời. Mọi vật chất, từ hạt nhỏ nhất đến vật thể lớn nhất, được tạo thành từ tứ đại hiển này. Chúng bao trùm vạn vật, bất kể hình thức ra sao. Theo cách này, tứ đại hiển tạo nên cây cối, gỗ, bàn ghế, than củi và tro trấu. Tất cả tứ đại cùng hiện hữu mọi lúc trong mọi đối tượng vật chất, dù cho hình thức có thay đổi từ dạng này sang dạng khác.

Tám Sắc Bất Ly

Ngoài tứ đại hiển, còn có bốn loại sắc khác có trong tất cả vạn vật. Chúng là cảnh sắc (màu), cảnh khí (mùi), cảnh vị (vị), và sắc vật thực (dưỡng chất). Ba sắc đầu tiên đều quen thuộc và dễ hiểu. Mỗi một sắc trong số này có liên quan đến tứ đại cùng hiện hữu trong tất cả vật chất; màu sắc chúng ta nhìn thấy là màu của tứ đại, mùi (cảnh khí) chúng ta ngửi được là khí mùi của tứ đại, vị là của tứ đại. Dưỡng chất là chất liệu làm cho điều gì đó diễn tiến. Nói một cách đơn giản, dưỡng chất là các chất dinh dưỡng cung cấp sự nuôi dưỡng cần thiết cho việc duy trì sự sống và cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, trong khi bản chất của dưỡng chất là làm cho điều gì đó diễn tiến, tác dụng của nó có thể không phải lúc nào cũng tốt. Ví dụ, đối với chất độc, trái ngược với bản chất dinh dưỡng nó có thể đem lại tác hại.

Cây và thực vật được nuôi dưỡng bằng nước (nước chế định) hút lên qua rễ của chúng. Nói một cách chính xác hơn, chúng được nuôi dưỡng bởi các dưỡng chất có trong nước (nước chế định) và trong các khoáng chất hòa tan. Để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho việc duy trì sức khỏe, sự sống và cho sự phát triển, chúng ta nên ăn thực phẩm giàu dưỡng chất. Trong khi tất cả các thực phẩm tự nhiên đều giàu chất dinh dưỡng, thì ngược lại thực phẩm tinh chế lại nghèo dinh dưỡng. Chúng ta tránh không nên ăn bất kỳ loại thực phẩm tinh chế nào để được khỏe mạnh. Khi cả thực phẩm tự nhiên bổ dưỡng và thực phẩm tinh chế được phân tích, chúng ta có thể thấy rằng cả hai đều chứa dưỡng chất. Sự khác biệt trong việc góp phần và tác dụng của chúng đối với sức khỏe nằm ở những chất lượng khác nhau của dưỡng chất trong từng loại thực phẩm tương ứng.

Giống như tứ đại: đất, nước, lửa và gió cùng hiện hữu trong vạn vật, thì bốn sắc pháp: sắc, khí, vị và vật thực (dưỡng chất) này cũng có mặt trong mọi dạng vật chất, cho dù đó là cây cối, bàn ghế, công trình, hay quả cà chua, đu đủ, chất độc, hay là nước (nước chế định). Mỗi một vật trong những thứ này đều có sắc, khí, vị, và vật thực, cùng với tứ đại. Nếu nước (chế định) được phân tích tột cùng bằng ánh sáng của Định, thì sắc, khí, vị và vật thực có thể được nhận thấy rõ cùng với tứ đại hiển. Tương tự, các sắc này có thể được quán sát trong cà chua, đu đủ, và bất kỳ loại rau hoặc trái cây nào, và thậm chí trong cả chất độc. Do đó, tất cả tám sắc này cùng với nhau được gọi là ‘sắc bất ly’ (tiếng Pāḷi, avinibbhoga rūpa). Chúng có mặt ở mọi dạng vật chất, cho dù hình dạng có thể thay đổi từ cái cây thành tấm ván rồi thành công trình chẳng hạn. Tất cả tám sắc bất ly luôn có mặt trong mọi dạng vật chất. Chúng cùng hiện hữu, cùng sanh và cùng diệt với nhau, trong cùng một nhóm, tiếng Pāḷi gọi là rūpa kalāpa, có nghĩa là ‘nhóm sắc’ hay ‘bọn sắc’. Có nhiều loại bọn sắc (nhóm sắc), hay rūpa kalāpa như vậy. Mỗi rūpa kalāpa có thể được xem là một hạt hạ nguyên tử . Chúng rất nhỏ – rất, rất li ti. Chúng không ngừng sinh ra và diệt đi rất, rất nhanh. Những người muốn thấy cảnh Níp-bàn (Nibbāna), chấm dứt đau khổ và đạt được giải thoát phải thấy được những rūpa kalāpa này không ngừng sanh lên và diệt đi rất nhanh chóng, và phải thấy những sắc chân đế hiện diện bên trong chúng. Chúng ta sẽ thảo luận sau, làm thế nào mà sự quán sát như vậy là có thể đối với những người đắc Định.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app