Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Kết Luận về Hai Mươi Tám Loại Sắc

Như vậy, có mười loại sắc phi thành tựu, hoặc sắc không có thật. Cùng với mười tám loại sắc thành tựu, hoặc sắc có thật, tổng cộng những loại này là hai mươi tám loại sắc pháp (rūpa). Mặc dù các sắc phi thành tựu không phải là cảnh hay đề mục của thiền minh sát (vipassanā), nhưng Đức Phật (Buddha) đã dạy chúng ta quán sát tất cả hai mươi tám loại sắc để đạt được Tuệ Minh Sát đầu tiên. Tuệ về hai mươi tám loại sắc (rūpa) là thiết yếu cho bất kỳ ai khao khát thực hành những gì Đức Phật (Buddha) đã dạy. Sự giải thoát đạt được thông qua minh sát, và tuệ đầu tiên trong số mười sáu Tuệ Minh Sát là Nāmarūpa-pariccheda-ñāṇa, Tuệ Quán Sát Danh và Sắc Chân Đế hay Chỉ Định Danh Sắc Tuệ. Nếu một người thành công trong việc quán sát hai mươi tám loại sắc (rūpa), thì người đó đã đạt được một nửa Tuệ Minh Sát đầu tiên này; người đó đã đạt được Tuệ Quán Sát Sắc Chân Đế.

Đức Phật ( Buddha) đã truyền đạt lời dạy này trong Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp Abhidhamma; vì vậy bất cứ ai không chấp nhận Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) đều không thể chứng đắc ngay cả Tuệ Minh Sát đầu tiên. Những người phản đối Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là đang xúc phạm đến Trí Toàn Giác của Đức Phật (Buddha). Chỉ duy nhất Ngài mới có thể dạy Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), bởi vì chỉ duy nhất Ngài mới sở hữu Trí Toàn Giác.

Trong Tạng Kinh, Đức Phật (Buddha) giảng giải nhiều Pháp (Dhamma) khác nhau từ nhiều khía cạnh khác nhau tùy theo khuynh hướng hội chúng của Ngài. Ngài chọn những lời phù hợp cho vừa với khả năng người nghe. Tuy nhiên, trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Đức Phật (Buddha) không phân biệt theo cách này. Những lời dạy trong Abhidhamma áp dụng phổ quát cho vạn vật, dù là loài người hay bàng sanh (súc sanh), loài hữu tình hay vật vô tình. Đức Phật (Buddha) truyền đạt Chân Đế trong Abhidhamma. Không giống như Tạng Kinh (Suttanta), Tạng Vi Diệu Pháp ( Abhidhamma) không nhấn mạnh đến người; mà nhấn mạnh đến những gì luôn là sự thật trên thế gian trong mọi thời điểm.

Bốn Nhóm Sắc theo Nguyên Nhân Sanh

Như đã đề cập trước đó, sắc có thể được phân thành bốn nhóm theo nguồn gốc của nó. Các bọn sắc (nhóm sắc) rūpa kalāpa có thể được hình thành từ nghiệp, từ thức hoặc tâm, từ quý tiết hay hỏa đại, và từ dưỡng chất hay sắc vật thực. Chúng được gọi tương ứng là sắc-nghiệp-sanh, sắc-tâm-sanh, sắc-quý-tiết-sanh và sắc-vật-thực-sanh. Bốn nhóm sắc này bao gồm trong cơ thể con người.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app