Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Sắc-Tâm-Sanh

Các bọn sắc do tâm sanh (bọn sắc-tâm) có ít nhất tám sắc bất ly54. Hành động đi bộ có thể dùng để minh họa cho các bọn sắc-tâm-sanh là một phần cấu tạo của cơ thể con người. Khi ý muốn đi bộ khởi sinh trong tâm, ý muốn ấy sinh ra các bọn sắc-tâm-sanh rūpa kalāpa, trong đó phong đại chiếm ưu thế. Chúng lan tỏa khắp cơ thể. Do phong đại có trạng thái đẩy và hỗ trợ, nên nó đẩy đôi chân di chuyển cơ thể về phía trước. Khi ý định muốn viết khởi sinh trong tâm, thì các bọn sắc-tâm-sanh sinh ra có phong đại chiếm ưu thế; chúng sẽ lan tỏa khắp cơ thể và lan đến bàn tay. Vì phong đại có trạng thái đẩy và hỗ trợ, nên các bọn sắc-tâm-sanh ấy di chuyển bàn tay và ngón tay để viết. Tương tự, các bọn sắc-tâm-sanh có phong đại chiếm ưu thế được sinh ra khi ý muốn ngồi thẳng lưng phát sinh trong tâm; các bọn sắc-tâm-sanh này lan ra khắp cơ thể, và phong đại trong đó giúp giữ cho cơ thể ở tư thế ngồi thẳng lưng. Các bọn sắc-tâm-sanh rất quan trọng bởi vì không có chúng thì không thể đi hay viết hay ngồi thẳng lưng được, và còn nhiều điều khác nữa.

Như tôi thường nói, chúng tôi đang dạy các thiền sinh biết những điều này một cách thực tế, bằng chính trải nghiệm của họ. Sau khi họ đã tu tiến Định, chúng tôi dạy họ cách biết và thấy chân đế. Để được như thế, họ cần phải thực hành thiền tứ đại. Điều đó sẽ giúp cho họ có khả năng thấy các bọn sắc (rūpa kalāpa) này, là những hạt rất nhỏ trên khắp cơ thể.

Nếu trong trạng thái Định, khi chúng ta cử động ngón tay của mình và đồng thời quán sát tâm hữu phần (bhavaṅga), chính là ý-môn, chúng ta sẽ thấy có ý muốn cử động ngón tay, và cũng thấy có nhiều hạt nhỏ được tạo ra do ý muốn này. Chúng ta sẽ thấy rất rõ nhiều hạt nhỏ lan tỏa khắp cơ thể, đến cả ngón tay mà mình đang cử động. Vào lúc ấy, chúng ta hiểu rằng cử động này xảy ra là do ý muốn, và ý muốn đó sinh ra các bọn sắc-tâm-sanh rūpa kalāpa. Phân tích sâu hơn sẽ cho phép chúng ta thấy rằng phong đại chiếm ưu thế trong các bọn sắc-tâm-sanh này; và cũng như cuốn theo chiều gió, phong đại chiếm ưu thế ấy cũng sẽ mang theo tất cả các bọn sắc trong ngón tay và khiến cho ngón tay cử động55. Do đó, sự chuyển động của ngón tay xảy ra.

Khi chúng ta còn sống, không có một thời điểm hay tình huống nào mà không có danh pháp sinh khởi. Ngoại trừ trong suốt lộ nhập thiền diệt nirodha-samāpatti, trong đó tâm và các tiến trình tâm chấm dứt trong một khoảng thời gian được xác định trước; nhưng điều này chỉ có thể đạt được bởi các vị Thánh Bất Lai (Anāgāmī ) và các vị A- la-hán (Arahanta). Ngoài ra, tâm luôn luôn hoạt động trong suốt thời gian chúng ta còn sống, và do đó những ham muốn (chanda: dục) không ngừng sinh khởi. Trong suốt thời gian tỉnh thức của chúng ta, không có một sát-na hay khoảnh khắc nào mà không có một ham muốn nào đó hay gì khác phát sinh.

Hoạt động của tâm cũng xảy ra ngay cả trong khi ngủ, dưới dạng những giấc mơ. Tuy nhiên, không có giấc mơ nào diễn ra khi chúng ta chìm rất sâu vào giấc ngủ, bởi vì chúng ta hoàn toàn rơi vào trạng thái tâm hữu phần (bhavaṅga), trong đó tâm không biết bất kỳ cảnh hiện tại nào, và cũng không mộng mị. Tâm hữu phần (bhavaṅga) bắt cảnh của nó là cảnh cận-tử của kiếp sống trước; ở kiếp sống trước ấy, đó là cảnh của lộ tâm cận- tử xảy ra bên bờ vực cái chết ngay trước sát-na tâm tử. Do đó, lộ tâm cận-tử ở kiếp sống trước của chúng ta, tâm tái tục (paṭisandhi citta) khi bắt đầu kiếp sống này, các tâm hữu phần (bhavaṅga) và tâm tử sẽ khởi sinh ở cuối kiếp sống này, tất cả các tâm ấy đều bắt cùng một cảnh.

Trong suốt một đời người, không có một khoảnh khắc hay sát- na nào mà không có tâm. Mỗi một tâm đều bắt một cảnh. Năm thức giới chỉ có thể bắt các cảnh hiện tại. Trong khi, tâm trong một lộ ý-môn có thể bắt cả các cảnh quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc các cảnh ngoại thời.

Giờ đây chúng ta có thể biết về tâm hữu phần (bhavaṅga) và cảnh của nó chỉ vì Đức Phật Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian và dạy cho chúng ta về những điều này. Những người vẫn giữ quan điểm rằng tâm hữu phần (bhavaṅga) không bắt bất kỳ cảnh nào, nghĩ như vậy là do sự mù quáng của họ – như Đức Phật (Buddha) nói, ‘ Đời này thật mù quáng.’56 Do đó, ngay cả khi chúng ta đang ngáy ngủ, sắc-tâm-sanh vẫn sinh khởi. Trong thời bình nhật của chúng ta, bất kỳ loại danh pháp nào cũng tạo ra sắc-tâm-sanh, ngoại trừ năm thức giới của năm môn (nhãn- thức, nhĩ- thức, tỷ-thức, thiệt-thức, và thân-thức). Tất cả những danh pháp khác đều sinh ra sắc-tâm-sanh.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app