Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật 

Người Thiện Trí và Kẻ Ngu Si

Chúng ta có thể trích dẫn Kinh Phước Lành Maṅgala Sutta 24 làm ví dụ. Câu kệ đầu tiên của bài kinh này như sau:

Asevanā ca bālānaṃ,

Paṇḍitānañca sevanā,

Pūjā ca pūjanīyānaṃ,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Không kết giao kẻ ngu,

Thân cận người thiện trí,

Kính lễ bậc đáng lễ,

Là phước lành cao thượng.

Ở đây Đức Phật (Buddha) nói về người thiện trí và kẻ ngu si. Bản thân các từ này là thuật ngữ chế định, các định nghĩa ‘thiện trí’ và ‘ngu si’ là Tục Đế, và những gì mà các từ ngữ đề cập đến cũng là Tục Đế.

Khi nghe từ ‘đàn ông’, người ta ngay lập tức biết ý nghĩa của từ này. Nếu viết xuống, chúng ta có thể đọc và cũng có thể biết ngay ý nghĩa. Cả nghe và đọc đều là saddapaññatti , hay nāmapaññatti (danh-chế-định). Hiểu nghĩa là gì chính là atthapaññatti, hay nghĩa -chế-định. Có thể tham chiếu lời giải thích của Đức Phật (Buddha) để đảm bảo rằng chúng ta hiểu ý của Ngài về ‘thiện trí’ và ‘ngu si’. Đức Phật (Buddha) nói rằng có ba điều để giúp nhận dạng kẻ ngu si – thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; và có ba điều giúp nhận biết người thiện trí – thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện.25 Ở đây, tôi xin nhắc lại rằng không phải vì được sinh ra là con người mà chúng ta trở nên thiện trí hay là ngu muội; chính vì có thể kiểm soát được những phiền não của mình mà chúng ta trở nên thiện trí. Ngược lại, vì không thể kiểm soát được phiền não nên chúng ta trở thành ngu si. Do vậy, chúng ta có thể là thiện trí, hoặc cũng có thể ngu si.

Cho nên, chúng ta phải tập rèn luyện tâm để kiểm soát phiền não và giữ cho phiền não nằm trong tầm kiểm soát. Mặc dù những suy nghĩ của mình chưa thanh tịnh, nhưng chúng ta không nên hành động hay nói năng theo sự dẫn dắt của phiền não. Chúng ta phải giữ cho những dẫn dắt của phiền não trong khả năng kiểm soát. Điều này thật quan trọng. Tất cả chúng ta phải huân tập theo cách này, để đem lại lợi ích cho bản thân và tránh rơi vào bốn đọa xứ. Đây là điều mà chúng ta có thể thực hiện. Không phải là không thể nếu chúng ta có Niệm.

Đức Phật (Buddha) nói, ‘Mọi nguy hiểm và tác hại đều do kẻ ngu si, không phải do người thiện trí26.’ Bất cứ khi nào không kiểm soát được phiền não của mình, chúng ta sẽ gây ra tổn hại và nguy hiểm cho bản thân và cho cả người khác. Thế nên khi nghe thấy từ ‘ngu si’, chúng ta không cần nhìn đâu xa; thực tế nên nhìn rất gần thôi. Chúng ta không nên cho phép mình ngu muội. Vì sự tiến bộ thật sự dựa trên tính trung thực, điều cần thiết là phải biết bản thân mình. Nếu nhìn ra xa, nhìn vào người khác và chỉ vào người khác mà nói, ‘Người đó thật ngốc; Tôi mới là có trí,’ thì đây là vấn đề. Thay vào đó, chúng ta phải phát triển sự trung thực. Chúng ta phải biết mình là ai. Có nhiều lúc chúng ta có thể là thiện trí, nhưng đôi khi cũng có thể ngu si.

Theo lời dạy của Đức Phật (Buddha), chúng ta nên quan tâm sát sao đến việc giáo giới bản thân hơn là khiển trách người khác. Chúng ta có thể cho người khác những gợi ý, nhưng không cần phải ra lệnh cho bất cứ ai. Bản thân chúng ta đang được rèn luyện và cần được nhắc nhở liên tục. Nếu không như vậy, chúng ta không thể tiến bộ. Quan tâm bản thân có nghĩa là chú ý đến việc khuyên răn chính mình. Điều này cũng rất quan trọng. Duy trì sự quan tâm đến việc tự răn mình là cách để trưởng thành, trái ngược với cách trở nên già đi. Ngày nay nhiều người chỉ đơn thuần đang già đi. Người ngu si già đi; còn người trí thì trưởng thành.

Chú giải giải thích ý nghĩa của từ ‘ngu  si’ như sau:

‘Bālānanti balanti assasantīti bālā, assasitapassasita-mattena jīvanti, na paññājīvitenāti adhippāyo’ – ‘Những kẻ thở chỉ để sống là những kẻ ngu si. Không được dẫn dắt bởi trí tuệ, họ thở chỉ để sống.’27 Tiếp theo là: ‘Paṇḍitānanti paṇḍantīti paṇḍitā, sandiṭṭhikasamparā-yikesu atthesu ñāṇagatiyā gacchantīti adhippāyo’. Điều này có nghĩa là những người ‘được dẫn dắt bởi trí tuệ’, họ sống đời mình dưới ảnh hưởng của trí tuệ, là những người biết cách hành động vì lợi ích của riêng mình ngay trong hiện tại và làm sao lo liệu cho lợi ích tương lai; cũng như cách hành động vì lợi ích của người khác trong hiện tại và tương lai; đồng thời cho chính bản thân mình lẫn người khác trong cả hiện tại và tương lai. Như Chú giải nói, đây là những gì có nghĩa là thiện trí.

Một lần nữa, như Đức Phật (Buddha) đã nói, mọi nguy hiểm và tai hại đều do kẻ ngu si gây ra, không phải do người thiện trí. Nó giống như một túp lều đang bốc cháy: Ngay cả khi đó chỉ là một túp lều nhỏ đang cháy, nhưng cuối cùng nó có thể thiêu rụi cả thành phố. Theo cách như vậy, nếu một người ngốc nghếch xuất hiện ở nơi nào đó, người như thế có thể phá hủy hết mọi thứ. Tất cả tác hại và hiểm nguy gây ra là do kẻ ngu si, không phải do người thiện trí.

Cánh cửa đến bốn cõi khổ đang rộng mở cho kẻ ngu si. Do đó, chúng ta nên nhớ lời giải thích trong Chú giải của Dhammapada (Pháp Cú), những lời của Đức Phật (Buddha) được trích dẫn: ‘Pamattassa ca nāma cattāro apāyā sakagehasadisā’28  – ‘Bốn đọa xứ là ngôi nhà thường trực của dể duôi’. Chúng ta là dể duôi bất cứ khi nào chúng ta không kiểm soát được phiền não của mình. Thay vào đó, muốn được trở nên thiện trí chúng ta phải giữ phiền não trong tầm kiểm soát. Để làm được như vậy, chúng ta phải tỉnh giác và không được dể duôi.

Ước Nguyện của Bồ Tát Akitti

Hiểu được nguy hiểm của việc kết giao với những kẻ ngu si, Đức Bồ-Tát ( bodhisatta) đã thực hiện một ước nguyện ở một trong những kiếp quá khứ của mình. Trong kiếp sống đó, tên  Ngài là Akitti và Ngài rất giàu có. Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả gia đình và của cải để xuất ly thế gian. Rồi Ngài tu tập rất tinh tấn, đó không phải là điều dễ làm. Vào lúc ấy, Vua Trời Đế Thích muốn biết vì sao Ngài lại tu tập tinh tấn trên một hòn đảo như vậy, nên ông ấy đã tiếp cận Đức Bồ-tát bằng cách tự hoá thành một phàm nhân và chất vấn nhiều câu hỏi. Sau cuộc trao đổi dài, Vua Trời Đế Thích đã thỉnh mời Đức Bồ- tát thực hiện một ước nguyện, và Đức Bồ-tát đã thốt lên như sau:

Bālaṃ na passe na suṇe, na ca bālena saṃvase, bālenallāpa sallāpaṃ, na kare na ca rocaye.

(Ước chẳng nghe, nhìn người độn trí,

Kẻ kia chẳng sống với ta cùng,

Chẳng ham trò chuyện người vô trí,

Chẳng kết bạn cùng kẻ độn căn29!)

 

Mong cho tôi không gặp kẻ ngu si.

Mong cho tôi chẳng nghe người độn trí.

Mong cho tôi không kết bạn với người vô trí.

Nếu tôi cần phải trò chuyện với kẻ ngu si,

Mong cho tôi không hoan hỷ trong lời nói của kẻ ấy,

Và mong cho tôi không nghe theo và hành động như lời kẻ ấy.

Chúng ta có thể nói rằng gặp phải một kẻ ngu si không phải là một điều mong muốn, nhưng sớm hay muộn tất cả chúng ta đều gặp phải kẻ ngu si hoặc nói chuyện với kẻ ấy. Có khi chúng ta thậm chí rất hoan hỷ khi nói chuyện với kẻ ngu si hoặc thậm chí làm theo những gì kẻ ấy nói với chúng ta. Điều này thật đáng tiếc, và việc này xảy ra bởi vì chúng ta đã không thực hiện những ước nguyện như vậy trước đây trong các kiếp sống của mình. Thế thì, từ hôm nay trở đi, chúng ta phải ước nguyện không gặp kẻ ngu, không nói chuyện với kẻ ngu, không hoan hỷ với lời nói của kẻ ngu, và không làm theo những gì kẻ ngu si bảo chúng ta làm.

Vua Trời Đế Thích trả lời bằng cách hỏi,  ‘Kinnu te akaraṃ bālo, vada kassapa kāraṇaṃ, kena kassapa bālassa, dassanaṃ nābhikaṅkhasi’ – ‘Kẻ vô trí ấy đã làm gì Ngài? Tại sao Ngài chẳng thiết tha gặp người vô trí?’ Đức Bồ-tát trả lời:

Anayaṃ nayati dummedho, adhurāyaṃ niyuñjati.

Dunnayo seyyaso hoti, sammā vutto pakuppati.

Vinayaṃ so na jānāti, sādhu tassa adassanan’ti.

(Kẻ ngu khuyên ta điều sai quấy,

Buộc ràng gánh nặng chẳng ai mang,

Thực hành ác nghiệp nó vui thích,

Nổi giận khi nghe nói thật chân,

Nó chẳng biết gì là chánh hạnh,

Nên ta không muốn kẻ ngu gần.)

 

Kẻ ngu hướng dẫn chúng ta theo những điều không đúng đắn;

Kẻ ngu đắm chìm vào những điều không thích hợp để làm;

Kẻ ngu cực kỳ vui thích trong những việc xấu ác;

Khi chúng ta nói điều tốt, kẻ ngu cảm thấy rất tức giận;

Kẻ ngu không tuân thủ các giới luật.

Do đó, thật tốt khi không gặp gỡ kẻ ngu.

Kẻ ngu không thực hành theo các luật lệ của xã hội lẫn các giới hạnh của người xuất gia vì kẻ đó không biết đến các điều ấy.

Cụm từ ‘anayaṃ nayati dummedho’ – ‘kẻ ngu si hướng dẫn chúng ta những điều không đúng đắn’ – cần thiết để chúng ta xem xét thêm. Điều này có nghĩa là đừng trở thành kẻ ngu si trong kiếp sống hiện tại này. Đừng là người mang đến cho người khác sự hướng dẫn sai lầm. Ví dụ, một số người trên thế giới này vẫn cho rằng Thượng Đế của họ đã nói với họ, ‘Nếu chúng không tin ta, chúng là ác quỷ; ngươi phải giết chúng cho ta. Nếu ngươi làm như vậy, ngươi sẽ được lên thiên đàng.’ Đây là cách mà kẻ vô trí hướng dẫn mọi người làm theo điều sai quấy. Như Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Mọi sự tổn hại và nguy hiểm đều do kẻ ngu si, chứ không phải do người thiện trí.’ Nhiều người cũng dạy rằng Thượng Đế của họ đã nói, ‘Ta đã tạo ra tất cả những sinh vật này để ngươi ăn. Ăn thịt chúng không phải là xấu ác.’ Một số người thậm chí còn tin rằng giết động vật để làm thức ăn là thiện lành, bởi vì làm như vậy sẽ giải phóng chúng khỏi kiếp làm thú của mình. Bằng cách này kẻ vô trí hướng dẫn người khác làm theo những gì không đúng đắn.

Có nhiều người tự xưng là Giáo thọ sư và muốn giúp ích cho người khác bằng lời dạy của mình nhưng thực tế lại khiến người khác tổn hại bằng cách hướng dẫn cho họ đường lối thực hành sai lầm. Chẳng hạn, Bát Thánh Đạo là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ. Bất cứ ai muốn chấm dứt đau khổ cần phải thực hành trọn vẹn Bát Thánh Đạo. Đây là con đường độc nhất. Để trở thành Thanh Văn thường, hoặc Đại Thanh Văn, hay Thượng Thủ Thanh Văn, vị ấy cần phải thực hành Bát Thánh Đạo. Ngay cả để trở thành một Vị Phật cũng cần phải hoàn thiện ba-la-mật (pāramī) trong ít nhất bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, và sau đó Vị ấy cũng cần phải thực hành Bát Thánh Đạo. Không có con đường nào khác. Chúng ta nên lưu ý cẩn thận rằng thực hành Bát Thánh Đạo có nghĩa là thực hành tất cả tám chi phần của Thánh Đạo

– Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định (Sammā-Diṭṭhi, Sammā-Saṅkappa, Sammā-Vācā, Sammā-Kammanta, Sammā-Ājīva, Sammā-Vāyāma,          Sammā-Sati,    và        Sammā-Samādhi). Tuy nhiên, ngày nay có một số người dạy rằng không cần thiết phải tu tiến chi phần Định. Họ chủ trương rằng có thể chấm dứt đau khổ và chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna) mà không cần tu tiến Định. Có những vị thầy hướng dẫn Phật tử chúng ta theo cách này. Nhưng Đức Phật (Buddha) nói, ‘Samādhiṃ, bhikkhave, bhāvetha. Samāhito, bhikkhave, bhikkhu yathābhūtaṃ pajānāti’ – ‘Này các Tỳ-khưu, hãy tu tiến Định. Với Định, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu biết và thấy Tứ Thánh Đế đúng như thật.’

Thật là trái ngược với lời dạy của Đức Phật (Buddha) khi nói rằng Định là không cần thiết, và những ‘vị thầy’ như vậy đang hướng dẫn người khác hướng tới những gì không đúng đắn. Nếu không có Đị nh, con đường dẫn đến Nibbāna sẽ trở thành ‘Thất Thánh Đạo’. Dạy người khác thực hành ‘Thất Thánh Đạo’ là một trường hợp kẻ vô trí hướng dẫn người khác đi sai đường.

Nếu một người không tu tiến Định, Chánh Kiến sẽ không được thành tựu. Không có Chánh Kiến, thì chỉ còn lại ‘Lục Thánh Đạo’.

Nếu một người nghĩ rằng tu tiến Định là không cần thiết, vị ấy sẽ không thực hành Chánh Niệm; do đó, bỏ đi một chỉ còn lại ‘Ngũ Thánh Đạo’.

Chánh Tư Duy, như một thực hành thiện nghiệp để tích lũy phước thiện, là ba loại tư duy đúng đắn của sự ly dục, vô sân, và bất hại;30 nhưng để phát triển nó ở mức độ siêu thế – mức độ cần thiết để chứng ngộ Đạo và Quả, thì việc tu tiến Định là cần thiết. Định chính nó lại được hỗ trợ bởi Chánh Tư Duy, là sở hữu tầm31(vitakka). Tầm (vitakka) chỉ đơn giản là sự áp tâm vào cảnh, nhưng khi vitakka được huân tập cùng với tu tiến Định, nó trở thành một chi thiền (jhāna). Do đó, nếu một người không tu tiến Định, người ấy không thể phát triển xa hơn chi Đạo Chánh Tư Duy. Trong trường hợp này, vị ấy chỉ còn lại ‘Tứ Thánh Đạo’. Cũng vậy, nếu một người không tu tiến Định, Chánh Tinh Tấn cũng không thể được phát triển thêm nữa, và vị ấy chỉ đang thực hành ‘Tam Thánh Đạo’

Không có Định, cuối cùng chỉ còn lại ba chi Đạo – Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Đây chỉ là sīla, Giới Học. Một người không thể chứng đắc được Níp-bàn (Nibbāna) mà không có gì ngoài Giới sīla.

Do đó, nếu ai đó đề nghị hướng dẫn chúng ta và nói rằng, ‘Ta không cần phải tu tiến Định. Không tu tiến Định, ta sẽ biết và thấy Pháp (Dhamma) đúng như thật’, rõ ràng ‘vị thầy’ như vậy không hướng dẫn chúng ta đi đúng đường. Đây là lý do vì sao Đức Bồ-tát Akitti thực hiện một ước nguyện như vậy.

Chính bản thân chúng ta đã từng gặp phải người vô trí, đã nghe từ người vô trí, đã hoan hỷ với lời nói của người ấy, và làm theo người ấy. Thì vả chăng, chúng ta, với cương vị như những người thầy càng phải rất chắc chắn là không hướng dẫn các học trò của mình đi sai đường.

Tiếp theo ước nguyện của mình liên quan đến những kẻ ngu, Đức Bồ-tát tiếp tục với điều ngược lại:

Dhīraṃ passe suṇe dhīraṃ,

Dhīrena saha saṃvase,

Dhīrenallāpasallāpaṃ,

Taṃ kare tañca rocaye.

 

(Ta ước nghe nhìn người có trí,

Ước mong vị ấy ở cùng mình.

Ta mong đàm luận cùng người trí,

Ðược kết giao cùng bậc trí minh.)

Mong cho tôi gặp gỡ người trí.

Mong cho tôi nghe từ người trí.

Mong cho tôi kết giao với người trí.

Mong cho tôi đàm luận với người trí và hoan hỷ lời nói của người ấy,

Và mong cho tôi nghe theo và làm theo sự hướng dẫn của người trí.

Một người thiện trí không thật sự dễ tìm, cũng không dễ có cơ hội được nghe lời của người trí ấy. Thậm chí, chỉ có Đức Phật (Buddha) mới là bậc thiện trí thực sự. Ngoài Đức Phật (Buddha) ra, không có ai khác thật sự trí tuệ. Những vị thầy thiện trí không gì khác hơn là đại diện của Đức Phật (Buddha). Nếu Đức Phật (Buddha) không thiết lập Tăng Đoàn (Saṅgha), thì bây giờ chúng ta sẽ không thể nghe được những lời của Bậc hiền trí. Các Vị thầy thực sự không phải là người trí, dù rằng họ dường như có vẻ trí tuệ là nhờ có Đức Phật ( Buddha). Trừ khi các vị thầy bảo tồn những lời dạy của Đức Phật (Buddha) và giảng dạy như Đức Phật ( Buddha) đã dạy, nếu không họ chỉ là những kẻ vô trí hơn là người thiện trí. Vị thầy mong muốn là người thiện trí mà không vô trí ấy phải duy trì bảo tồn những lời dạy của Đức Phật ( Buddha); họ cần phải bám sát ngôn từ của Đức Phật (Buddha) và truyền đạt cho các hàng đệ tử những gì mà Đức Phật (Buddha) đã giảng dạy.

Sau khi Đức Bồ-tát Akitti nói lên ước nguyện của mình liên quan đến người thiện trí, Vua Trời Đế Thích đã hỏi, ‘Bậc trí đã làm gì cho Ngài? Tại sao Ngài muốn gặp người trí?’ Đức Bồ-tát trả lời:

Nayaṃ nayati medhāvī, adhurāyaṃ na yuñjati, sunayo seyyaso hoti, sammā vutto na kuppati, vinayaṃ so pajānāti, sādhu tena samāgamo’ti.

(Chẳng ràng buộc gánh khổ vào thân, Chuyên tâm, bậc trí làm ân phước,

Chẳng giận khi nghe nói thật chân,

Thông hiểu chánh hành, và bởi vậy,

Lành thay bậc trí sống chung cùng.)

Bậc trí hướng dẫn chúng ta con đường đúng là gì.

Bậc trí chuyên tâm làm những điều thích đáng.

Người trí vô cùng hoan hỷ với những gì thiện lành.

Khi điều thiện lành được nói, người trí rất hạnh phúc.

Người trí biết luật của xã hội và giới luật người xuất gia.

Vì những lí do này, kết giao với người trí thật tốt lành.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app