Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Câu Hỏi Liên Quan Đến Cái Chết và Hấp Hối

Kinh Nghiệm Cận-tử, Hôn Mê và Trợ Giúp Người Hấp Hối

Hỏi: Mười năm trước, tôi đã trải qua một kinh nghiệm cận- tử, trong lúc đó tôi không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Tôi có thể thấy rõ những người khác đang cố gắng hồi sinh và làm cho tôi tỉnh lại. Tôi có thể vượt qua giới hạn của không gian và thời gian để thấy những gì đang xảy ra ở những thời điểm khác nhau. Sau đó, khi tỉnh dậy, tôi mất hết ký ức và khả năng nói chuyện, giống như một người câm. Điều gì gây ra kinh nghiệm cận- tử ấy? Hoạt động của tâm trí tôi lúc đó là gì? Điều gì gây ra sự thay đổi mạnh mẽ cho trạng thái của tôi sau khi tỉnh lại, và hoạt động của tâm trí tôi sau khi tỉnh lại là gì?

Trả lời: Bạn chưa thực sự chết, vì vậy bạn không thể nói liệu bạn thực sự có ở thời điểm cận-tử hay không. Điều duy nhất chúng tôi có thể chắc chắn là nghiệp (kamma) của bạn vẫn còn hoạt động vì thọ mạng của bạn vẫn tiếp tục. Do đó, bạn đã chưa chết.

Khi người ta nhìn thấy một người không di chuyển hoặc không phản ứng, đôi khi họ nghĩ rằng người đó có thể sắp chết. Người đó rất có thể chìm vào tâm hữu phần (bhavaṅga) – sát- na tâm hữu phần (bhavaṅga) khởi sinh nhiều lần, vì vậy một người nào đó chìm trong bhavaṅga không có nhận biết hay tiếp xúc với các cảnh hiện tại. Mọi người có thể thấy ai đó hôn mê và nghĩ rằng người hôn mê không nhận thức được gì vì họ không thể thấy được bất kỳ phản ứng nào.

Từ góc nhìn chân đế, miễn là một người không ở trong trạng thái tâm hữu phần (bhavaṅga) (trạng thái ngủ say), thì danh pháp dưới hình thức các lộ tâm đang sinh diệt trong mọi lúc và bắt lấy các cảnh (đối tượng) khác nhau. Một người hôn mê có thể không phải lúc nào cũng chìm trong tâm hữu phần ( bhavaṅga); Bất cứ khi nào người đó không chìm vào tâm hữu phần (bhavaṅga), thì các lộ tâm liên tục sinh diệt và bắt các cảnh khác nhau. Khi âm thanh dội vào nhĩ-thanh-triệt của một bệnh nhân hôn mê, lộ tâm nhĩ-môn có thể phát sinh cho nên bệnh nhân hôn mê ấy biết người khác đang nói gì nhưng chỉ không thể phản ứng đáp lại do một số suy yếu nào đó của cơ thể.

Những người tiếp xúc với một bệnh nhân hôn mê sẽ thấy kiến thức này rất hữu ích. Nếu một người hôn mê là Phật tử và có niềm tin vào Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha), chúng ta có thể cho anh ấy hoặc cô ấy nghe kinh tụng và Phật Pháp, ngay cả bằng máy ghi âm. Mặc dù đối với chúng ta bệnh nhân hôn mê bề ngoài trông có vẻ như không biết hoặc không thể nghe hay sắp chết, nhưng sự thật là họ còn sống, còn nhận thức được và có thể nghe được. Họ chỉ đơn giản là không thể phản ứng đáp lại. Đối với trải nghiệm mà bạn mô tả, tôi không thể nói bạn có bị hôn mê hay không. Có thể bạn đã nhận thức được môi trường xung quanh nhưng không thể nói gì. Đó không nhất thi ết là sát-na cận-tử; nó có thể là một trạng thái mà bạn không thể phản ứng đáp lại người khác.

Tâm trí và cơ thể vật lý phụ thuộc lẫn nhau, do đó chức năng của cái này bị ảnh hưởng và bị tác động bởi mức độ mạnh khoẻ của các chức năng khác đến đâu. Khi ai đó bị đột quỵ , cơ thể của anh ấy hay cô ấy không thể hoạt động bình thường, thậm chí chỉ vì một phần cơ thể bị suy yếu do đột quỵ. Vì danh pháp sinh khởi dựa trên sắc pháp, nên sự vận hành của tâm trí sẽ bị ảnh hưởng bởi sự trục trặc về sắc pháp của anh ấy hay cô ấy. Tâm trí sẽ bị suy giảm do cơ thể suy yếu. Nếu phần cơ thể bị suy yếu đó được phục hồi, thì tâm trí cũng sẽ phục hồi và người đó sẽ có thể hoạt động bình thường trở lại, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vài năm trước, khi tôi bị suy yếu thể chất, tôi cảm thấy khó thở và lời nói cũng bị ảnh hưởng. Vấn đề thể chất đó cũng ảnh hưởng đến tâm trí tôi. Đôi khi tôi muốn nói nhưng không thể nói theo cách tôi muốn hoặc theo cách tôi đã có thể trước đây. Những suy yếu này là do sự trục trặc của cơ thể vật lý. Tâm trí của chúng ta không thể hoạt động bình thường khi chúng ta bị bệnh. Sau đó, khi tất cả các thân phần hoạt động tốt, thì các chức năng tinh thần của chúng ta cũng sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Hỏi : Thật ra kinh nghiệm của tôi lúc đó là tôi nhận biết được chuyện gì đang xảy ra. Tôi biết rằng mọi người đang quyết định rút đi ống dẫn giúp duy trì sự sống của tôi và ra quyết định có nên sử dụng máy bay để đưa tôi về nhà hay không.

Trả lời: Những người xung quanh bệnh nhân sẽ không nhận ra đầy đủ những gì bệnh nhân đang trải qua trừ khi họ hiểu được hoạt động thực sự của tâm trí từ góc nhìn chân đế. Kể từ khi sinh ra, chúng ta đã có nhãn-thanh-triệt, nhĩ-thanh-triệt, tỷ-thanh-triệt, thiệt-thanh-triệt, thân -thanh- triệt và sắc- ý-vật. Ngay cả khi chúng ta không bắt bất kỳ cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị hoặc cảnh xúc nào, thì tâm của chúng ta vẫn luôn luôn hoạt động. Mặc dù người hôn mê không thể phản ứng đáp lại, nhưng âm thanh vẫn có thể dội vào nhĩ-thanh-triệt, đó là nhĩ-môn, dẫn đến sự phát sanh của lộ nhĩ-môn và lộ ý -môn. Vì thế, bệnh nhân vẫn có thể nghe được những gì mọi người đang nói nhưng chỉ không thể phản ứng đáp lại do tình trạng của cơ thể.

Cho nên, đừng định hướng sai sự quan tâm của quý vị đối với những người đang trong tình trạng bị như vậy. Nếu họ là Phật tử, hãy sắp xếp mọi thứ nếu có thể, để họ có thể được lắng nghe Pháp ( Dhamma); nếu họ lấy Pháp ( Dhamma) làm cảnh (đối tượng) khi họ qua đời, điều đó thật tốt cho họ. Đừng nghĩ theo góc nhìn chế định rằng, vì họ không trả lời và không thể làm gì, nên cũng không thể nghe được gì. Đừng lầm tưởng như vậy. Nếu nghĩ như thế, quý vị sẽ không có cơ hội để giúp đỡ họ.

Vì lợi ích của bệnh nhân, hãy để tâm đến sự an lạc của họ và đừng làm bất cứ điều gì gây khó chịu. Sẽ không phù hợp khi nói những lời không nên vì bệnh nhân có thể nghe, và nghe những lời sai trái có thể khởi sinh trạng thái tâm bất thiện ở bệnh nhân. Sẽ rất đáng tiếc nếu bệnh nhân chết trong trạng thái tâm này. Chúng ta nên cẩn thận vào thời điểm như vậy. Điều đặc biệt quan trọng là giữ im lặng trước mặt những người sắp chết. Chúng ta không nên làm phiền họ. Thay vào đó, chúng ta nên tìm cách giúp họ, cách nào phù hợp với họ mà chúng ta biết. Nhắc nhở bệnh nhân về nghiệp thiện mà anh ta hay cô ta đã tích lũy trong đời sống của mình. Dù là Phật tử hay không theo đạo Phật, thì mọi người đều có tích lũy nghiệp thiện. Chúng ta nên nhắc nhở họ về điều đó. Nếu họ là Phật tử, chúng ta nên làm cho họ chú tâm đến Phật Pháp ( Dhamma) và để họ được lắng nghe Pháp (Dhamma). Đây là cách chúng ta nên giúp đỡ cho họ trong những giây phút cuối cùng. Nếu chúng ta khóc lóc và đau khổ, đó thật là một trở ngại lớn.

Hỏi: Một vài kinh nghiệm của tôi khi hôn mê có thể tốt khi nêu lên ở đây. Trước kia tôi nghĩ mình là một Phật tử tốt, nhưng trải qua những giai đoạn đó khiến tôi nhận ra mình không hẳn là một Phật tử tốt, vì tôi không có Niệm thực sự mạnh mẽ. Tôi không thể tập trung vào những gì tôi nghe khi những người xung quanh đang tụng kinh hoặc nói chuyện với tôi. Phải mất một thời gian dài, rất lâu tôi mới có thể hiểu họ đang nói gì. Tôi nghe thấy tiếng ồn và âm thanh, nhưng những gì tôi nghe không có ý nghĩa gì cả.

Vài năm sau biến cố đó, tôi đã thực hành rất thành tâm và tinh tấn, với hy vọng chuẩn bị cho bất kỳ trải nghiệm nào kiểu như vậy trong tương lai. Thật không may, một lần nữa tôi đã nếm trải cùng một kinh nghiệm như thế trong vài năm sau đó. Bởi vì trước đây tôi thực hành siêng năng, nên lần này Niệm được mạnh mẽ hơn. Tôi có thể nghe từng điều một mà bất cứ ai nói với tôi.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều là khi những người xung quanh tôi trở nên hoảng loạn hoặc buồn bã, tôi có thể biết những gì họ cảm nhận qua giọng nói khi tôi đang nằm đó. Tôi không thể nhìn thấy nhưng tôi có thể nghe được. Nếu họ hoảng loạn, giọng nói của họ sẽ không ổn định. Nếu họ buồn, giọng của họ sẽ bị tắt tiếng. Tôi có thể cảm nhận và hiểu tất cả những điều này nhưng không thể phản ứng lại. Điều này chỉ xảy ra khi tôi đã có một mức độ Niệm nhất định.

Một điều nữa là: Tụng Kinh và đọc Pháp (Dhamma) hoặc mở băng ghi âm các bài Pháp thoại và những điều tương tự là tốt, nhưng nếu người đó không quen thuộc với những gì họ nghe được, họ sẽ mất một thời gian để hiểu nó. Ngược lại, tiếng nói của gia đình và bạn bè đã quen thuộc với chúng ta, họ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong trái tim chúng ta. Khi chúng ta nghe thấy những giọng nói quen thuộc này, ngay cả một từ cũng thu hút sự chú ý của chúng ta rất nhanh. Họ khác biệt so với những người khác.

Tôi đã có trải nghiệm này khi tôi được vây quanh bởi nhiều người. Một số rất quen thuộc với tôi; những người khác chỉ là bạn bình thường. Khi nhiều người nói cùng một lúc, tôi chú ý đến những giọng nói thân quen với tôi, chẳng hạn như những người trong gia đình và những người bạn thân của tôi.

Trả lời:  Đúng như lời Đức Phật (Buddha) đã nói:

‘Pamattassa ca nāma cattāro apāyā sakagehasadisā’

‘Những người dể duôi, bốn đọa xứ giống như căn nhà thực sự nơi họ thường trú.’86 Bất cứ hỗ trợ nào chúng ta cố gắng giúp đỡ, đó chỉ là hỗ trợ bên ngoài. Nếu chúng ta thất niệm và không rèn luyện tâm mình trước đó, đôi khi chúng ta sẽ không thể tự giúp bản thân mình. Chúng ta nên hành động để tự giúp chính mình. Trợ giúp bên ngoài là không chắc chắn.

Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác. Nếu những bệnh nhân không phản ứng này biết rằng họ đang được nghe đó là Pháp (Dhamma), mặc dù họ có thể không hiểu những gì họ nghe, nhưng những trạng thái tâm thiện sẽ khởi sinh trong họ. Nếu lộ cận-tử của họ là thiện, sẽ trổ quả hết sức lợi lạc trong lộ tái tục liền ngay sau đó. Vì thế, chúng ta nên cố gắng. Chúng ta cũng nên chuẩn bị trước. Nếu không, thật là nguy hiểm.

Hỏi: Tôi đã có một trải nghiệm tương tự với cha tôi khi ông bị ung thư. Khi ông ấy tiêm thuốc morphine để giảm đau, tôi đã cố gắng trấn tĩnh ông ấy bằng kinh tụng Paṭṭhāna, mà ông ấy đã quen thuộc. Tôi có thể thấy bằng mắt và cảm nhận bằng trái tim rằng nó sẽ giúp cho ông được an tĩnh.

Trả lời: Như cô ấy đã chia sẻ về cha mình, tôi cũng muốn chia sẻ về cha tôi. Tôi từng nghĩ rằng tôi sẽ không kể về điều này. Nhưng giờ đây tôi sẽ kể câu chuyện đó.

Khi tôi được ba hạ lạp vassa trong cuộc đời Tỳ-khưu, cha tôi qua đời. Vì tôi đã chọn sống đời xuất gia, nên cha tôi sẽ đến thăm tôi thường xuyên tại thiền viện Pa-Auk. Ông là một người cha rất tốt bụng. Tôi khuyến khích ông đến và hành thiền. Ông hứa với tôi ông sẽ đến vào tháng 12 năm đó. Thay vì đến hành thiền, thì thi hài của ông được chôn cất tại trung tâm chính Pa-Auk vào ngày 19 tháng 12 năm đó. Ông có biết rằng ông sẽ chết trong tháng ông ấy hứa sẽ đến không? Ông đã không biết. Như Đức Phật (Buddha) đã nói:

‘Mùa mưa ta ở đây;

Ðông, hạ cũng ở đây,

Người ngu tâm tưởng vậy,

Không tự giác hiểm nguy.’

(của cái chết đến gần).87

Chúng ta lên kế hoạch nơi chúng ta sẽ đi, những gì chúng ta sẽ làm, làm thế nào chúng ta có thể hạnh phúc, làm thế nào chúng ta có thể tận hưởng mọi thứ. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến khi nào chúng ta sẽ chết, chúng ta sẽ chết như thế nào, chúng ta sẽ chết ở đâu, hoặc vì căn bệnh nào chúng ta sẽ chết. Vì cha tôi sợ thời tiết nắng nóng, ông hứa với tôi rằng ông sẽ đến vào tháng 12, khi trời trở lạnh ở Pa-Auk. Hóa ra, ông đến Pa-Auk để chúng tôi có thể chôn cất thi hài ông trong nghĩa trang ở đó. Tôi sẽ cho quý vị biết tôi đã giúp cha tôi như thế nào trước khi ông qua đời.

Cha tôi bị đột quỵ bên trái. Ông được đưa đến bệnh viện. Các thành viên gia đình tôi đã thông báo cho tôi. Sau đó, họ đến và đưa tôi đến bệnh viện để gặp cha. Tôi có hai chị gái và sáu anh em trai, chín người chúng tôi, tất cả đều trưởng thành. Họ có gia đình và làm việc ở các thành phố khác nhau trong các tỉnh khác nhau. Khi họ nghe tin, tất cả đều đến gặp cha tôi.

Bất cứ khi nào anh chị em tôi đến và bước vào phòng, họ đều thấy anh cả chăm sóc cha tôi. Anh chăm sóc cha rất tốt. Bất cứ ai bước vào, anh cả sẽ thông báo cho cha tôi, ‘Thưa cha, bây giờ con gái này (kia) của cha đã đến rồi.’ Cha tôi sẽ mở mắt nhìn và sau đó nhắm lạ i. Rồi một người anh em khác sẽ đến. ‘Thưa cha, bây giờ con trai này (kia) của cha đã đến gặp cha.’ Cha tôi sẽ mở mắt ra nhìn anh ấy và rồi nhắm lại. Đây là cách ông ấy cư xử. Khi tôi bước vào phòng, anh cả đã thông báo cho cha tôi, ‘Thư cha, Bhante đang ở đây.’ Ngay lập tức, ông giơ tay phải lên; ông không thể giơ tay trái được, mặc dù ông đã cố hết sức để làm điều đó. Anh cả tôi đã giúp ông chấp hai lòng bàn tay vào nhau trong tư thế cung kính añjali88 để tôn kính tôi. Tôi thấy sự mong đợi trong mắt ông. Cách người xuất gia có thể giúp đỡ khác với cách người tại gia có thể giúp đỡ. Rồi tôi ngồi cạnh ông và tụng kinh.

Tình trạng của ông ngày càng tồi tệ. Cuối cùng, tôi nhận thấy ông không thể phản ứng. Ông không thể mở mắt hay nói được. Tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ đưa cha trở về nhà, nơi chúng tôi sẽ được tự do sắp xếp mọi thứ cần thiết để giúp ông ấy trong những giây phút cuối cùng. Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Tôi bảo chị tôi sắp xếp một căn phòng yên tĩnh, trống trải ở nhà cho cha tôi.

Tôi nói với tất cả gia đình, tất cả các anh chị em của tôi, đi ra ngoài và không ở lại bên trong. Chỉ có một y tá và hai Tỳ-khưu – một Tỳ-khưu khác và tôi – vẫn ở trong phòng. Tỳ-khưu đi cùng tôi là vị cao hạ hơn tôi. Tại bệnh viện, ngài cùng tôi tụng kinh; Nhưng khi cha tôi sắp chết, trong phòng với y tá, ngài không hề tụng kinh gì cả. May mắn thay tôi có thể tự mình tụng kinh. Thật to và ngọt ngào, tôi đã tụng kinh Đại Thi Lễ Kệ (Mahānamakkāra), Kinh Tâm Từ ( Mettā Sutta), Kinh Phước Lành (Maṅgala Sutta) và Kinh Châu Báu (Ratana Sutta). Không có phản hồi từ cha tôi, nhưng tôi tin rằng ông có thể nghe tiếng tôi. Không có âm thanh nào khác ngoài của tôi. Khi tôi đang tụng kinh Ratana Sutta, ông đã qua đời. Trước khi tâm tử của ông khởi sinh, một lần nữa ông giơ tay với lòng bàn tay chắp vào nhau trong tư thế cung kính añjali, giống như ông đã làm tại bệnh viện. Rồi ông qua đời.

Tôi đã thông báo cho tất cả các anh chị em của tôi. Chị cả của tôi có hai con trai. Chị ấy đã rất hoan hỷ khi nghe về cái chết của cha chúng tôi. Chị ấy nói rằng chị ấy mong muốn hai đứa con trai của mình trở thành Tỳ-khưu. Vì sao? Bởi vì chị ấy muốn chúng có thể giúp chị ấy khi chị ấy chết!

Vào ngày cha tôi bị đột quỵ, ông được đưa đến bệnh viện. Bảy ngày sau, ông qua đời. Tôi đến bệnh viện để tụng kinh cho ông mỗi ngày. Khoảnh khắc cuối cùng rất quan trọng. Chúng ta cần biết làm thế nào để giúp ích tại thời điểm đó.

Bạn bè, bà con và những người thân yêu của chúng ta, là những người giúp đỡ cần phải biết cách giúp đỡ. Vào thời điểm đó, chúng ta nên giữ cho căn phòng yên tĩnh. Chúng ta không nên để người sắp chết nghe những điều không mong muốn mà thay vào đó hãy sắp xếp để họ chỉ nghe những điều mong muốn liên quan đến nghiệp lành. Điều này thật quan trọng.

Bất cứ ai có ý định giúp đỡ không nên nói với một giọng buồn. Thật khó để không cảm thấy buồn và nói mà không buồn, nhưng người sắp chết có thể cảm nhận được nỗi buồn một cách dễ dàng và sẽ phải chịu đựng nó. Chúng ta cần sắp xếp mọi thứ. Đừng để các thành viên trong gia đình có mặt. Chỉ những người có thể giúp đỡ mới nên có mặt. Điều này là quan trọng.

Trong chính kiếp sống này, cầu mong quí vị biết cách giúp đỡ những người sắp chết!

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app