Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Phương Tiện để Truyền Đạt Giáo Pháp Uyên Thâm

Tất nhiên, Đức Phật (Buddha) cũng dạy nhiều điều khác nữa. Trên hết, Ngài dạy con đường đưa đến diệt khổ. Bên cạnh đó, Đức Phật (Buddha) đã dạy cách để hoàn thiện ba-la-mật (pāramī) (sự hoàn hảo) để trở thành Phật Chánh Đẳng Giác, Phật Độc Giác (Pacceka Buddha), Thượng Thủ Thanh Văn, Đại Thanh Văn và Thanh Văn thường. Lặp đi lặp lại nhiều lần, Đức Phật (Buddha) đã giải thích điều gì là thiện và điều gì là bất thiện. Trong khi giảng dạy tất cả những điều này, Đức Phật (Buddha) đã sử dụng các thuật ngữ chế định và Tục Đế, nên chúng ta thấy Tục Đế là cần thiết đến dường nào. Không có nó, chúng ta hoàn toàn không thể tiếp thu và thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật (Buddha) và chúng ta sẽ không có cơ hội để giải thoát.

Hơn nữa, Tục Đế rất cần thiết không chỉ để tiếp thu Giáo Pháp (Dhamma) mà còn cho khả năng diễn đạt Chân Đế. Điểm này rất rõ ràng trong trường hợp Đức Phật Độc Giác (Pacceka Buddha), Vị Phật đơn độc hay một mình, người xuất hiện trên thế gian trong những thời kỳ mà Vị Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha) chưa xuất hiện, và do đó việc giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma) là không có. Cũng giống như Chư Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), Chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) đều là những Vị Phật tự mình giác ngộ; Chư Vị đạt được sự giác ngộ bằng nỗ lực tự thân, không thầy chỉ dạy.

Tuy nhiên, khi Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsam-buddha) chứng đắc Tứ Thánh Đạo, thì Đạo Tuệ ấy tương ưng với Trí Toàn Giác (Nhất Thiết Chủng Trí: trí hiểu biết hết mọi pháp). Nhưng Tuệ Tứ Đạo của Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) thì không tương ưng với Trí Toàn Giác. Chính nhờ Trí Toàn Giác của Phật Chánh Đẳng Giác ( Sammāsambuddha) đã giúp cho Ngài giải thích thực tính của Pháp (Dhamma) bằng ngôn từ sử dụng Tục Đế. Sau khi nghe giảng giải của Đức Phật Chánh Đẳng Giác bằng ngôn từ Tục Đế, tự thân chúng ta có thể nương theo lời dạy ấy và thực hành để chứng đắc Níp-bàn (Nibbāna). Chúng ta cũng có thể truyền đạt lời dạy ấy cho người khác bằng những phương tiện y như vậy và đưa đến cùng một kết quả. Tuy nhiên, mặc dù Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) đã thấu suốt Pháp (Dhamma) uyên thâm, nhưng Ngài thiếu Trí Toàn Giác và do đó không thể sử dụng Tục Đế để giảng giải được thực tính của Pháp (Dhamma) thâm sâu bằng ngôn từ.

Các Chú giải giảng giải rằng Sự Giác Ngộ của Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) cũng giống như giấc mơ của một người câm7. Người câm không thể giải thích những gì người ấy đã mơ. Chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) là như thế. Vì lý do đó, khi một vị Phật Độc Giác ( Pacceka Buddha) xuất hiện trên thế gian, Ngài không thể diễn tả bằng ngôn từ về thực tính của Pháp Chân Đế (Paramattha Dhamma) mà Ngài đã thấu suốt, nên chúng ta cũng không thể nhận được lời dạy cần thiết để thực hành cho sự chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna) . Chúng ta không có cơ hội để được nghe lời giảng giải về thực tính Pháp bằng những thuật ngữ chế định. Con đường đến Níp-bàn (Nibbāna), do đó, không hiển lộ với sự xuất hiện của một vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha).

Như vậy, tầm quan trọng không thể thiếu của Tục Đế là quá rõ ràng. Đức Phật Chánh Đẳng Giác đã truyền đạt thực tính Pháp cho chúng ta bằng phương tiện Tục Đế. Trừ khi chúng ta được nghe những giảng giải bằng ngôn từ của Tục Đế, bằng không chúng ta sẽ không có cơ hội để nghe Giáo Pháp theo cách giúp cho chúng ta hiểu được và nương theo để thực hành. Sau khi trở thành Bậc Toàn Giác, Đức Phật ( Buddha) đã giảng dạy Giáo Pháp ( Dhamma) bằng cách sử dụng Tục Đế trong bốn mươi lăm năm. Tất cả các vị Phật Toàn Giác đã giảng giải Giáo Pháp uyên áo bằng việc sử dụng các thuật ngữ chế định để làm cho Giáo Pháp thâm sâu ấy có thể tiếp cận được với mọi người. Chính tự thân những ngôn từ này là Tục Đế mà qua đó Giáo Pháp (Dhamma) có thể được tiếp cận. Vì vậy, Tục Đế rất là quan trọng.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app