Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Tương Tự như Máy Vi Tính Hiện Đại

Mọi người đều biết rằng máy vi tính bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Chúng không thể hoạt động khi chỉ có phần cứng; chúng cần có phần mềm để thao tác. Phần cứng giống như cơ thể, và phần mềm giống như tâm trí. Phần mềm hướng dẫn phần cứng biết phải làm gì. Nếu một người muốn phần cứng máy vi tính chạy tốt, người ấy cần có phần mềm tốt; tương tự, vì tâm trí bảo cơ thể biết phải làm gì, nên chúng ta cần phần mềm tinh thần tốt. Mọi người thường hay truy lùng phần mềm vi tính tốt, nhưng hiếm khi nào, nếu có, chịu khó truy tìm phần mềm tinh thần tốt. Để hiểu được tâm trí của mình, chúng ta cần phải hiểu Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma ). Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể lập trình một phần mềm tinh thần tốt. Càng rèn luyện tâm trí mình, phần mềm tinh thần của chúng ta sẽ càng tốt trong việc hướng dẫn cơ thể làm điều đúng và không làm sai.

Nhiều người biết rất nhiều về máy vi tính – bo mạch chủ, bộ xử lý, ổ cứng, vân vân. Những người học công nghệ máy tính cần học hỏi nhiều. Họ cũng phải học về phần mềm nữa. Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Đức Phật (Buddha) giải thích rất chi tiết về cấu tạo phần cứng là cơ thể của chúng ta và hoạt động của phần mềm, tức là tâm trí của chúng ta. Chúng ta nên quan tâm đến hệ thống con người hơn là hệ thống máy tính. Sau khi tu tiến Định, hành giả quán sát được sắc chân đế. Sau khi quán sát sắc chân đế, hành giả quán sát được danh chân đế, chúng sinh ra và diệt đi trong hình thức các lộ tâm – lộ nhãn-môn, lộ ý-môn, lộ nhĩ -môn, lộ ý-môn, vân vân. Tất cả những lộ tâm này có thể là thiện hoặc bất thiện. Hành giả cần phải quán sát danh pháp nội phần trước, và tiếp theo là ngoại phần. Khi ấy, hành giả cần mở rộng sự quán sát của mình từ gần đến xa, cho đến khi cuối cùng mở rộng ra toàn bộ thế giới. Ở mọi nơi hành giả nhìn đến, hành giả đều chỉ thấy sự sinh và diệt của cả các lộ tâm thiện và bất thiện. Theo cách này, hành giả sẽ thấy sự sinh và diệt của danh và sắc chân đế.

Bước tiếp theo, Đức Phật ( Buddha) hướng dẫn chúng ta đứng ở một chỗ nào đó, phát triển Định và sau đó bắt đầu bước đi với đôi mắt nhắm. Chúng ta bước đi đến đâu đều có âm thanh đến đó. Nó dội vào nhĩ- môn và ý-môn của chúng ta. Lộ nhĩ-môn và lộ ý -môn sinh khởi. Đôi mắt nhắm lại, nhưng chúng ta nhìn thấy toàn bộ cơ thể mình chỉ là những hạt hạ nguyên tử rất nhỏ sinh ra và diệt đi rất nhanh. Khi âm thanh dội vào nhĩ-môn và ý-môn, chúng ta sẽ thấy các lộ tâm sinh và diệt rất nhanh. Do đó, chúng ta không còn thấy cơ thể của mình nữa; chỉ thấy danh và sắc chân đế sinh diệt rất nhanh chóng không ngừng. Khi đi kinh hành trong một giờ, chúng ta cũng sẽ chỉ thấy như vậy. Khi chú ý đến những người bên ngoài, chúng ta cũng không thấy gì khác hơn ngoài điều này. Đức Phật (Buddha) hướng dẫn chúng ta vào lúc đó quán chiếu rằng không có đàn ông, không có đàn bà, không có chư thiên (deva), không có phạm thiên (brahmā), không có bản thể thường hằng, không có linh hồn thường hằng, chỉ có danh và sắc chân đế. Chúng ta hiểu chủ ý của Đức Phật (Buddha). Chúng ta đồng ý với Đức Phật ( Buddha) rằng không có những gì như vậy tồn tại. Mà chỉ có danh và sắc chân đế.

Thấy Biết Rõ Thánh Đế Thứ Hai

Vào thời điểm này, sự hiểu biết thấu suốt Thánh Đế Thứ Nhất đã đủ điều kiện để hành giả quán sát Thánh Đế Thứ Hai. Hành giả đã sẵn sàng để quán sát kiếp quá khứ của mình.

Để làm điều này, hành giả bắt đầu bằng cách nhập Định, nhắm mắt lại, rồi quán sát danh và sắc chân đế. Tiếp theo, hành giả quán sát danh sắc (nāma rūpa) của mình một phút trước, rồi mười phút trước, rồi nāma rūpa của tối nay, nāma rūpa của chiều nay, nāma rūpa đã sinh trong suốt bữa trưa, trong khi đi khất thực, nāma rūpa của sáng nay, nāma rūpa của ngày hôm qua, nāma rūpa của ngày hôm kia, một tuần trước, một tháng trước, năm tháng trước, một năm trước, hai năm trước, ba nă m trước, năm năm trước, mười năm trước. Nếu hành giả ba mươi tuổi, thì quán sát ngược về quá khứ theo cách này đến ba mươi năm trước. Tại thời điểm này, hành giả rất gần với thời gian nằm trong bụng mẹ.

Quán sát ngược về quá khứ theo cách này, hành giả thấy hình ảnh của chính mình ngày càng trẻ lại. Hành giả không nên ở lại trên hình ảnh này mà thay vào đó phải quán sát tứ đại trong hình ảnh ấy; sau đó hành giả chỉ thấy các hạt nhỏ li ti và tâm hữu phần (bhavaṅga). Hành giả chỉ thấy danh (nāma) và sắc (rūpa) cùng nhau sinh diệt nhanh chóng, và thấy chủ yếu là danh bất thiện. Tuy nhiên, hành giả hiểu rõ điều gì là thiện và bất thiện từ góc nhìn chân đế, và rằng danh pháp đó là bất thiện trong hầu hết mọi lúc. Lúc đó hành giả thấy một cảm giác kinh cảm phát sanh.

Hành giả vẫn cần phải lui dần, quán ngược về trước xa hơn nữa, ngay cả trước giai đoạn của một đứa trẻ sơ sinh, đến thời điểm trong bụng mẹ. Sử dụng phương pháp quán danh sắc (nāma rūpa), hành giả tiếp tục dần dần lui ngược lại, cuối cùng đến giai đoạn khởi đầu, giai đoạn kalala, nơi chỉ có ba loại bọn sắc (rūpa kalāpa), cụ thể là kalāpa thân mười pháp, kalāpa ý vật mười pháp, và kalāpa giới tính mười pháp (là sắc tính nam đối với người nam và sắc tính nữ đối với người nữ). Theo cách này, hành giả sẽ thấy ba loại bọn sắc (rūpa kalāpa) ấy khởi sinh đầu tiên trong bụng mẹ mình; hành giả sẽ thấy sát-na tái-tục của chính mình.

Hãy nhớ lại rằng giai đoạn kalala là kích thước của một giọt dầu đặt trên đầu của một sợi chỉ được làm từ ba sợi len. Nó sẽ không thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nó với trí tuệ, hành giả sẽ thấy rất nhiều, rất nhiều hạt nhỏ li ti. Nó chỉ bao gồm ba loại bọn sắc (rūpa kalāpa), nhưng với một số lượng lớn.

Vào thời điểm paṭisandhi hoặc sát-na tái -tục, ở giai đoạn kalala, danh pháp sinh khởi cùng với ba loại bọn sắc. Danh pháp này được gọi là paṭisandhi citta, tâm tái tục. Đây thực sự là một chúng sanh hữu tình. Do đó, kiếp sống của hành giả bắt đầu ở sát-na tái-tục. 

Y học cho chúng ta biết rằng hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành và trái tim bắt đầu đập vào tuần thứ ba, nhưng từ góc nhìn chân đế, danh pháp đã bắt đầu vào thời điểm thụ thai. Được sinh ra làm người, tâm tái tục của chúng ta chắc chắn phải là thiện.

Tâm tái tục của một số người còn hợp với cả hỷ (pīti) và trí (ñāṇa) nữa. Những người như vậy tái tục với ba nhân: vô-tham (alobha), vô-sân (adosa), và vô-si (amoha); vô- si còn được gọi là tuệ quyền (paññindriya). Họ được gọi là người tam nhân, và có khả năng chứng đắc an chỉ định (jhāna), cũng như Đạo Tuệ và Quả Tuệ, nếu họ cố gắng và dành đủ thời gian cho việc hành thiền. Nếu một người được sinh ra mà không có trí tuệ, người ấy là người nhị nhân và không thể đắc an chỉ định (jhāna), hay người ấy cũng không thể đạt được Đạo Tuệ và Quả Tuệ ngay trong kiếp sống này. Trong trường hợp đó, nỗ lực của người ấy trong kiếp sống này sẽ dành cho sự chứng đắc Đạo Tuệ và Quả Tuệ trong một kiếp sống tương lai. Do đó, không có nỗ lực nào là lãng phí; mọi sự tinh tấn trong hành thiền đều mang lại kết quả.

Nếu một người được sinh ra với cả hỷ ( pīti ) và trí (ñāṇa), thì có ba mươi bốn danh pháp tất cả. Chỉ có ba mươi ba khi không có hỷ (pīti) nhưng có trí (ñāṇa), cũng là ba mươi ba khi không có trí ( ñāṇa) nhưng có hỷ (pīti), và ba mươi hai khi không có cả trí (ñāṇa) và hỷ (pīti).

Không có khoảng cách nào giữa tâm tử của kiếp sống trước và giai đoạn kalala, mặc dù đó là kiếp quá khứ và kiếp sống hiện tại. Nếu hành giả quán sát ngược lại đủ xa để tiếp cận giai đoạn khởi đầu này, thì hành giả đã rất gần với kiếp trước của mình. Sau đó, để biết các nguyên nhân sanh của danh (nāma) và sắc (rūpa) của kiếp hiện tại, hành giả cần phải quán sát lui dần, ngược về trước một chút nữa. Hành giả sẽ lui ngược lại trước sát-na tâm tử và tiếp chạm sát- na cận-tử . Đôi khi hành giả có thể đi ngược hơi xa một chút; dù thế nào đi nữa hành giả cũng cần phải tiếp tục rà tới rà lui. Đa phần, hành giả sẽ thấy xác chết của mình.

Các thiền sinh đã nhìn thấy xác chết của chính họ sẽ được hướng dẫn để quán sát nó. Xác chết sẽ biến đổi thành các hạt rất nhỏ, chúng đang sinh diệt nhanh chóng không ngừng. Kế tiếp, hành giả được hướng dẫn để quán sát sắc chân đế trong tất cả năm giác quan và trái tim, nhưng chủ yếu là ý-vật vì tâm hữu phần (bhavaṅga) sinh khởi dựa trên đó. Khi có thể nhìn thấy rõ ý-vật và ý -môn tâm hữu phần (bhavaṅga), hành giả được hướng dẫn kiểm tra xem cảnh nào xuất hiện vào sát-na cận-tử, đó là cảnh của lộ tâm cuối cùng. Đây cũng là cảnh mà với nó hành giả được sinh ra. Trong trường hợp của tất cả chúng ta, những ai được sinh ra là con người, thì cảnh cận-tử của chúng ta chắc chắn là thiện. Ngay cả khi hành giả chưa thể quán sát nghiệp của sát-na cận-tử ở kiếp sống trước, thì hành giả vẫn có thể chắc chắn rằng đó là thiện.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app