Sự Thật Được Dạy Bởi Tất Cả Chư Phật – Thấy Biết Rõ Danh Pháp Bằng Cách Quán Sát Căn (vật) Và Trần (cảnh)

Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Thấy Biết Rõ Danh Pháp bằng cách Quán Sát Căn (Vật) và Trần (Cảnh)

Trong tăng đoàn của Đức Phật (Buddha), ngoài Đức Phật (Buddha) ra, Tôn giả Sāriputta (Xá-Lợi-Phất) là người sở hữu trí tuệ cao nhất. Đức Phật (Buddha) liệt kê những phẩm chất của Tôn giả Sāriputta trong Kinh Bất Đoạ n Anupada Sutta.72 Trong đó, Tôn giả Sāriputta được mô tả là có thể quán sát danh pháp từng cái một. Tuy nhiên, khả năng này của Tôn giả không phải do trí tuệ siêu việt của ngài. Chú giải giải thích lý do thực sự cho khả năng của ngài là:

‘vatthārammaṇānaṃ pariggahitatāya…. therena hi vatthu ceva ārammaṇañca pariggahitaṃ, tenassa tesaṃ dhammānaṃ uppādaṃ āvajjantassa uppādo pākaṭo hoti’.73 Tôn giả Sāriputta có khả năng quán sát danh pháp từng cái một không phải vì ngài sở hữu trí tuệ siêu việt, mà bởi vì ngài có thể quán sát trần (cảnh) và căn (vật) cùng với nhau. Mỗi hành giả minh sát cũng cần phải làm như vậy. Khi hành giả chú ý đến một cảnh sắc, nó dội vào nhãn-thanh-triệt và tâm hữu phần (bhavaṅga) . Nhãn-thanh-triệt là căn (vật), trong khi cảnh sắc tất nhiên là trần (cảnh); tâm hữu phần (bhavaṅga) hay là ý-môn sinh khởi dựa trên ý -căn (ý-căn là sắc-ý- vật). Nếu có thể quán sát cả căn (vật) và trần (cảnh), vatthuārammaṇa, thì hành giả có thể quán sát được danh pháp.

Hành giả không thể quán sát cả căn (vật) và trần (cảnh) nếu chưa quán sát được sắc chân đế. Mọi người sẽ đồng ý rằng chúng ta nhìn thấy màu sắc khi nhận thấy màu xanh của bầu trời hoặc màu xanh của cỏ cây, nhưng màu sắc cũng chính là màu của một nhóm các kalāpa. Mọi người cũng sẽ đồng ý rằng chúng ta nghe âm thanh khi một tiếng chuông vang lên, nhưng âm thanh đó cũng là sắc thinh được tạo ra bởi độ cứng của các rūpa kalāpa khi chúng va chạm nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy màu sắc bên ngoài và nghe thấy âm thanh bên ngoài, nhưng chỉ bằng cách đó, chúng ta sẽ không thấu suốt được Chân Đế; thay vào đó thì tâm của chúng ta vẫn ở mức độ nhận thức Tục Đế. Chúng ta có thể biết nguyên nhân của màu sắc và âm thanh chỉ sau khi phân tích sắc chân đế. Trừ khi chúng ta nhìn thấy sắc chân đế, bằng không, sẽ không thể quán sát được căn (vật) và trần (cảnh).

Ngày nay, ngay cả ở các nước quốc giáo, có nhiều học giả Phật giáo chủ trương rằng không thể quán sát các rūpa kalāpa và các lộ tâm, căn (vật) và trần (cảnh). Nói như vậy là họ không nói dối, theo nghĩa những gì họ khẳng định là đúng từ góc nhìn của họ. Theo quan điểm của họ thì việc quán sát như thế là không thể. Quan điểm này của họ phát sinh vì họ bám chặt vào các vị thầy và tông phái nổi tiếng mà vào một lúc nào đó đã đề xướng ra ý tưởng rằng: Định là không cần thiết để giác ngộ Tứ Thánh Đế. Các vị thầy như vậy không khuyến khích các môn đồ tu tiến Định. Đây là một sự sai lầm. Họ tiếp tục thay thế các Thánh Đế Thứ Nhất và Thứ Hai bằng cách hiểu của riêng mình và vì vậy không giảng dạy cho hàng đệ tử như Đức Phật (Buddha) đã giảng dạy. Trong hoàn cảnh như thế, thực sự không thể nhận ra Chân Đế.

Để thấy được Tứ Thánh Đế đúng như thật, một người phải lưu ý đến lời khuyên của Đức Phật ( Buddha): ‘Này các Tỳ -khưu, hãy tu tập Định. Tỳ-khưu có Định, thấy và biết Tứ Thánh Đế đúng như thật’. Thánh Đế Thứ Nhất là danh và sắc chân đế. Sắc chân đế có hai mươi tám loại, mười tám loại trong số đó là sắc thành tựu và là cảnh (đối tượng) của vipassanā. Danh pháp hình thành các lộ tâm, trong đó nhiều sát-na tâm sinh ra và diệt đi nhanh chóng.

Tôn giả Sāriputta có thể quán sát danh pháp từng cái một vì ngài có thể quán sát căn (vật) và trần (cảnh) cùng với nhau. Những người do bản thân họ không có Định, và vì vậy không khuyến khích người khác tu tiến Định, nên không có khả năng quán sát được sắc chân đế cấu tạo nên các hạt rất nhỏ gọi là các rūpa kalāpa; họ cũng không thể quán sát vật và cảnh. Vì thế, không thể nào đối với họ biết được lộ tâm. Cho nên những gì họ nói là đúng theo quan điểm của mình, mặc dù nó không thực sự đúng. Chúng ta cần suy xét sự thật và không thật từ quan điểm của họ, và đừng để ý đến các kết luận và bằng cấp thế tục của họ.

Các học giả có sự học hỏi và hiểu biết rộng, nhưng họ cũng có rất nhiều hoài nghi. Không phải lỗi của họ. Đức Phật (Buddha) nói rằng Pháp (Dhamma) không thể được hiểu chỉ bằng lý luận.74 Dhamma Pháp chỉ có thể được nắm bắt bởi những ai đã phát triển sự hiểu biết trực tiếp. Cho dù một người học hỏi và nghiên cứu, suy tư và lý luận nhiều như thế nào, người ấy cũng không thể đạt đến Chân Đế theo những cách này. Chân Đế nằm ngoài tầm nhìn của mắt thường. Chúng ta không thể tưởng tượng điều gì đó mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy, chỉ bằng cách suy nghĩ và lý luận về nó. Những điều như vậy là vượt quá khả năng lập luận của con người. Thay vào đó, giác ngộ đòi hỏi sự hiểu biết trực tiếp, và sự hiểu biết trực tiếp đòi hỏi phải có Định. Định tâm tạo ra một ánh sáng rất mạnh, ánh sáng của trí tuệ, soi sáng những sự thật để chúng ta có thể nhìn thấy chúng.

Do đó, chúng ta cần phải hiểu quan điểm của một cá nhân và chúng ta cần phải cẩn thận với những người mình nghe theo. Chúng ta cần phải cẩn trọng làm theo những lời của Đức Phật (Buddha) và làm theo cách Đức Phật (Buddha) đã giảng dạy. Đó là con đường duy nhất để chúng ta đạt được mục tiêu.

Khi liệt kê những phẩm chất của Tôn giả Sāriputta, Đức Phật (Buddha) nói:

‘Paṇḍito, bhikkhave, sāriputto; mahāpañño, bhikkhave, sāriputto; puthupañño, bhikkhave, sāriputto; hāsapañño, bhikkhave, sāriputto; javanapañño, bhikkhave, sāriputto; tikkhapañño, bhikkhave, sāriputto; nibbedhikapañño, bhikkhave, sāriputto.’

‘Này các Tỳ-khưu, Sāriputta là bậc Hiền trí (paṇḍito); Sāriputta có trí tuệ vĩ đại (mahāpañño); Sāriputta có trí tuệ rộng lớn (puthupañño) ; Sāriputta có trí tuệ hỷ lạc (hāsapañño); Sāriputta có trí tuệ nhanh nhạy (javanapañño); Sāriputta có trí tuệ sắc bén (tikkhapañño); Sāriputta có trí tuệ sắc sảo (nibbedhikapañño).’75

Tôn giả Sāriputta đã có thể quán sát danh pháp chân đế từng cái một không phải vì ngài có trí tuệ vĩ đại mahāpañño, không phải vì có trí tuệ rộng lớn puthupañño, v.v. mà đó là bởi vì ngài có thể quán sát căn (vật) và trần (cảnh). Điều này được giải thích trong Chú giải rằng chúng ta không nên chỉ nói đến trí tuệ vĩ đại của Tôn giả Sāriputta, ngài có thể quán sát danh pháp chân đế là do khả năng ngài quán sát được cả vật và cảnh, mà không phải chỉ do trí tuệ của ngài.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app