Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Ở Nơi Chốn Thích Hợp

Vì mục đích này, Đức Phật (Buddha) nói lên câu kệ sau của bài kinh Maṅgala Sutta:

Patirūpadesavāso ca,

Pubbe ca katapuññatā,

Attasammāpaṇidhi ca,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Ở nơi chốn thích hợp,

Công đức trước đã làm,

Giữ mình được tốt đẹp:

Là phước lành cao thượng.

Chú giải giải thích ý nghĩa của câu kệ:

‘Patirūpadesavāso nāma yattha catasso parisā vicaranti, dānādīni puññakiriyavatthūni vattanti, navaṅgaṃ satthu sāsanaṃ dibbati, tattha nivāso sattānaṃ puññakiriyāya paccayattā maṅgalanti vuccati’. Ở đây ‘nơi chốn thích hợp’ có nghĩa là một nơi mà có thể tìm thấy bốn loại người – Tỳ-khưu (bhikkhu), Tỳ-khưu-ni (bhikkhuni), cư sĩ nam và cư sĩ nữ – nói cách khác, những người duy trì Phật Pháp (Buddhasāsana), lời dạy của Đức Phật (Buddha). Đó là một nơi mà chúng ta có thể cúng dường và làm mọi loại thiện nghiệp, và là nơi chín chi phần của Giáo Pháp Đức Phật (Buddha)36 đang tỏa sáng và hưng thịnh. Đây cũng là nơi mà những người tốt có cơ hội thực hiện nghiệp thiện như cúng dường, giữ gìn giới luật, hành thiền, và thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā) để chứng ngộ chín Pháp siêu thế. Đây là nơi mà chúng ta nên sống, được gọi là một nơi thích hợp, một trú xứ thích hợp.

Nếu chúng ta vẫn ở một nơi nào đó không có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ, chúng ta phải làm cho nơi đó trở thành nơi có những người như vậy. Đó phải là nơi mà có thể tìm thấy những người có niềm tin vào Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha) và những người đang hỗ trợ cho Giáo Pháp Buddasāsana, những lời dạy của Đức Phật (Buddha). Chỉ như vậy nơi đó mới là một trú xứ thích hợp. Nếu không, chúng ta sẽ không có cơ hội để được nghe Giáo Pháp (Dhamma), và như thể chúng ta đang sống ở một nơi hoang dã vậy.

Bốn loại người này là Tục Đế. Nếu quý vị sống ở nơi mà những người như vậy được tìm thấy, quý vị thật may mắn. Quý vị cũng may mắn được ở trú xứ thích hợp, nếu nơi quý vị ở có cơ hội cúng dường, thực hành giới hạnh, và nghe những lời dạy chân thực của Đức Phật (Buddha). Ở một nơi như vậy, người ta có cơ hội lắng nghe Giáo Pháp, được nghe cả hai sự thật Tục Đế và Chân Đế như được giảng dạy bởi chính Đức Phật (Buddha).

Chín Pháp siêu thế là bốn Đạo, bốn Quả và Níp-bàn (Nibbāna). Nếu không ai có thể giảng dạy con đường dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna), thì chín loại Pháp siêu thế này sẽ không được phổ biến. Cho dù trú xứ hiện thời là gì, nếu vị thầy không dạy theo cách Đức Phật (Buddha) đã dạy, thì không ai có thể chứng ngộ bốn Đạo và bốn Quả. Ngay cả ở những nơi mà Giáo Pháp của Đức Phật (Buddha) đang hưng thịnh, cũng có nhiều vị thầy đang giảng dạy theo nhiều cách khác nhau, vì vậy mọi người cần phải cẩn thận. Không phải tất cả những gì được gọi là giáo pháp đều đúng. Mỗi hành giả phải có trách nhiệm tìm hiểu và thẩm tra xem lời dạy nào đó có thực sự là Chánh Pháp (Dhamma) chân thật của Đức Phật (Buddha) hay không.

Phân Biệt Lời Dạy Đúng, Lời Dạy Sai

Trước khi Đức Phật (Buddha) tịch diệt Níp- bàn Parinibbāna (Bát Níp-bàn), các đệ tử của Ngài đã hỏi Ngài làm thế nào họ có thể phân biệt giữa lời dạy đúng và lời dạy sai. Đức Phật (Buddha) giải thích như sau:37 ‘Giả sử một Vị Tỳ-khưu giảng giải Pháp (Dhamma) và nói rằng, “Những gì tôi đang dạy cho tất cả quý vị là những gì tôi trực tiếp nghe từ Đức Phật (Buddha).” Ngay cả khi vị ấy đã nói như thế, hãy khoan vội chấp nhận những gì vị ấy nói, và cũng khoan vội bác bỏ. Hãy so sánh những lời dạy của vị ấy v ới những gì Ta đã dạy trong Kinh (Suttanta), trong Luật (Vinaya) (giới luật tu viện), và trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) . Chỉ khi thấy rằng nó phù hợp với những gì Như Lai đã dạy thì các ông nên chấp nhận lời dạy của vị ấy. Nếu không phù hợp với những gì Như Lai đã dạy, thì hãy từ bỏ nó.’ Vì vậy, ta cần kiểm tra xem những gì vị thầy nói với mình có thực sự đúng hay không. Đây là trách nhiệm của riêng mỗi chúng ta.

Trong ví dụ của Đức Phật (Buddha), đó là một vị sư đã nói, ‘Những gì tôi đang dạy cho tất cả quý vị là những gì tôi nghe trực tiếp từ Đức Phật (Buddha).’ Nếu lời tuyên bố của vị ấy là đúng, thì vị sư đó đã thực sự gặp Đức Phật (Buddha). Tuy nhiên, Đức Phật (Buddha) nói đừng chấp nhận lời nói của vị ấy ngay lập tức dù cả trong tình huống như vậy. Ngày nay không có ai có thể tuyên bố đã gặp Đức Phật (Buddha), vì vậy nếu ai đó không tôn trọng Giáo Pháp (Dhamma), một vị thầy như vậy có thể hướng dẫn người khác một cách sai lầm. Chúng ta phải tôn trọng Giáo Pháp (Dhamma), phải tôn trọng Đức Phật (Buddha) và cũng phải tôn trọng chính mình. Nếu không tôn trọng bản thân, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì mình thích. Chúng ta cần phải hiểu góc nhìn của mình. Chúng ta không có Chánh Biến Tri, vì vậy không thể dạy theo bất cứ cách nào chúng ta thích, bởi vì những lời dạy trên con đường dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna) được hiển bày nhờ sự xuất hiện của Đức Phật Toàn Giác; nếu không dạy những lời dạy của Ngài, thì chúng ta không hành động vì lợi ích của chính mình hoặc vì lợi ích của người khác. Trái lại, chúng ta đang hủy hoại bản thân cũng như những người khác. Do đó, chúng ta phải luôn luôn ghi khắc lời khuyên này trong tâm.

Có nhiều vị thầy, không có ý định xấu, nhưng thất bại trong việc giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma) một cách trọn vẹn, hoặc lời dạy của họ không đúng theo cách này hay cách khác. Nói một cách khác, có nhiều vị thầy không dạy Phật pháp toàn hảo đã được Đức Phật (Buddha) truyền đạt cho chúng ta. Chúng ta nên suy xét rằng những vị thầy như vậy dạy theo khả năng của chính họ, bị giới hạn như họ có thể, và bản thân họ thậm chí có thể không nhận thức được rằng những gì mình đang dạy không phù hợp với những gì Đức Phật (Buddha) đã dạy.

Tuy nhiên, chúng ta có thể học được điều gì đó hay ho từ những vị thầy như vậy. Chúng ta nên học hỏi, nhưng cũng phải biết cách phân biệt có nên tiếp tục học và thực hành dưới sự hướng dẫn của họ hay không. Mặc dù họ không thể dạy theo những gì Đức Phật (Buddha) đã dạy, thay vì thế là dạy thiền bằng cách giảng dạy và giải thích những lời của Đức Phật (Buddha) theo sự hiểu biết hạn chế của mình, họ vẫn cung cấp cho chúng ta cơ hội để hành thiền. Nếu họ không có ý định xấu, họ sẽ không làm điều gì xấu. Cái chính cần cân nhắc là chúng ta không thể đạt được mục tiêu bằng cách làm theo họ; họ chỉ có thể đưa chúng ta đi quá xa Đạo lộ. Chúng ta có thể đã bị thu hút bởi những vị thầy này bởi vì họ nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ, có những người xuất gia trong số đó, và do vậy chúng ta mới học hỏi từ họ. Vì họ mà chúng ta trở nên ham thích thiền và bắt đầu thực hành. Nhờ có cơ hội ấy, chúng ta mới có cơ hội khác sau này, dựa vào đây chúng ta có thể so sánh với lần đầu. Khi đó chúng ta nhận ra rằng việc học và thực hành trước kia của mình là theo truyền thống của người thầy chứ không phải theo lời dạy của Đức Phật (Buddha). Tuy nhiên, chúng ta nên biết tri ân, nhớ lại rằng sự ham thích của mình đối với thiền nảy sanh nhờ các vị thầy trước đây của chúng ta.

Tôi đã có kinh nghiệm với những vấn đề này trong cuộc đời mình. Khi còn là một cư sĩ, tôi đã hành thiền. Vào lúc đó, tôi nghĩ rằng tất cả các Tỳ-khưu (bhikkhu) dạy những gì chính Đức Phật (Buddha) đã dạy. Tôi đã tin vào họ. Là cư sĩ tại gia, chúng ta đều muốn thành công, giàu có và nổi bật. Mục tiêu của chúng ta là mục tiêu thuộc dục lạc. Tìm kiếm Giáo Pháp (Dhamma) do đó chỉ là một sự theo đuổi tạm thời; nó không phải là ưu tiên chính của chúng ta. Thiếu những phương tiện để phân biệt giữa điều gì là đúng và điều gì là sai; nên chúng ta chỉ có được hoàn cảnh tối thiểu để học những gì vị thầy đang dạy. Do đó, tôi đã không biết những gì mình đang thực hành là đúng hay sai. Chỉ khi cảm giác kinh cảm trỗi dậy trong tâm, tôi mới quyết định chọn đời sống xuất gia. Vào thời điểm đó, mục đích của tôi trong việc xuất gia là chấm dứt khổ đau. Cho nên mục tiêu của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi đã không còn tìm cách để thành đạt và nổi tiếng; thay vào đó, mục tiêu của tôi trở thành đi tìm con đường giải thoát. Cho nên tôi cần phải tìm hiểu những gì Đức Phật ( Buddha) thực sự đã dạy. Chỉ khi đó tôi mới có cơ hội nghiên cứu Giáo Pháp (Dhamma) của Đức Phật (Buddha), để tôi có thể so sánh với những gì tôi đã thực hành trước đây. Điều gì đúng và điều gì sai đã được tôi nhận ra vào thời điểm đó. Tôi đã rất may mắn.

Nếu chúng ta ở ngoài Tăng Đoàn (Saṅgha), thật không dễ hiểu được sự khác biệt tinh tế giữa việc dạy đúng và sai, và cả giữa thực hành đúng và sai. Chỉ khi gia nhập vào Tăng Đoàn (Saṅgha), chúng ta mới có thể hiểu biết Giáo Pháp (Dhamma) sâu sắc hơn. Do đó, lời khuyên của tôi là đào sâu nghiên cứu về những lời dạy của Đức Phật (Buddha) và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Quý vị phải chịu trách nhiệm cho phẩm chất tốt đẹp của riêng mình.

Chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường mà mình được sinh ra. Nếu được sanh ra ở nước Mỹ, tôi có thể là một tín đồ Thiên Chúa Giáo (Christian). Nếu được sanh ra ở Iraq, tôi có thể là người Hồi giáo (Muslim). Nếu được sanh ra ở Đài Loan, tôi hầu như chắc chắn sẽ là một Tu Sĩ Đại thừa (Mahāyāna). Vì lẽ được sanh ra ở Myanmar, nên tôi đã trở thành một Tỳ-khưu Nguyên Thủy (Theravāda bhikkhu). Đây là điều chúng ta phải hiểu và không cần phải phàn nàn về các yếu tố môi trường xung quanh sự tái tục của mình. Sau khi trưởng thành, chúng ta đủ thông minh dựa vào nỗ lực của bản thân để biết điều gì là đúng đắn. Đây là trách nhiệm của chúng ta.

Tôi có nhiều học trò đến từ nhiều quốc gia khác nhau – từ Mỹ, từ Đức, từ Canada và từ Nhật Bản. Vài người trong số họ được nuôi dưỡng như Giáo dân (Christian) vì họ được sanh ra trong môi trường Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, sau khi lớn lên, họ có quyền tự do suy nghĩ; và trở nên thông minh, họ đã nghiên cứu cái này cái kia. Cuối cùng họ đã tìm thấy những gì họ mong muốn trong lời dạy của Đức Phật (Buddha), và sau đó họ chọn con đường phù hợp với mình. Do vậy, điều quan trọng không phải là theo truyền thống mà theo lời dạy chân chính của Đức Phật (Buddha). Đây là sự thật.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app