Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Thiền Danh Pháp (Nāma)

Tiếp theo, hành giả cần phải tiếp tục với thiền danh pháp (nāma) để biết và thấy danh chân đế. Sau khi hành giả đã quán sát được tất cả sắc chân đế, cả nội phần lẫn ngoại phần, hành giả quán sát danh chân đế bằng cách trước tiên nhập Định và sau đó quán sát cả căn (vật) và trần (cảnh) . Hành giả cần quán sát sắc nhãn-thanh- triệt và tâm hữu phần (bhavaṅga) để có thể quán sát được lộ nhãn-môn và lộ ý-môn. Sau đó, hành giả cần chú ý đến cảnh sắc. Khi làm như vậy là hành giả đang chú ý đến màu sắc của một nhóm các bọn sắc kalāpa. Khi màu sắc dội vào nhãn-thanh-triệt và tâm hữu phần (bhavaṅga), thì lộ nhãn-môn và lộ ý-môn sinh khởi. Lộ ý-môn sinh lên rất nhiều lần.

Các Danh Pháp trong Lộ Tâm Thiện và Bất Thiện

Như đã giải thích ở trên, lộ tâm hoặc là thiện hoặc là bất thiện. Trong cuộc sống của chúng ta, có nhiều lộ tâm bất thiện hơn là các lộ tâm thiện. Sự khác biệt giữa chúng nằm trong những sát-na tâm đổng lực (đổng tốc) javana. Các sát-na tâm đổng lực trong một lộ tâm thiện bao gồm các danh pháp thiện được tạo thành từ tâm và các sở- hữu-tâm (tâm-sở) phối hợp. Ngược lại, lộ tâm là bất thiện nếu các danh pháp bất thiện khởi sinh ở những sát-na tâm đổng lực (javana) trong lộ ấy. Trong một lộ tâm thiện, nếu bảy sát-na tâm đổng lực (javana) xảy ra với hỷ (pīti) và trí hay tuệ (ñāṇa), thì danh pháp tổng cộng có thể là ba mươi bốn pháp.81 Nếu đổng lực (javana) thiện xảy ra, không có hỷ (pīti) nhưng có trí (ñāṇa), hoặc không có trí (ñāṇa) nhưng có hỷ (pīti), sẽ có ba mươi ba danh pháp. Có ba mươi hai danh pháp nếu không có cả hỷ (pīti) và trí (ñāṇa). Những sát-na tâm đổng lực (javana) như thế này sinh khởi trong cuộc sống hằng ngày bất cứ khi nào tâm chúng ta là thiện.

Nếu một người lắng nghe Dhamma Pháp thoại, hoan hỷ khi làm như vậy và hiểu rõ những gì đang được thuyết, thì ba mươi bốn danh pháp đang sinh lên, bởi vì cả hỷ (pīti) và trí (ñāṇa) đều có mặt. Có thể người ấy rất hoan hỷ với Pháp thoại nhưng không hiểu rõ những gì được thuyết; trong trường hợp đó, có hỷ (pīti) nhưng không có trí (ñāṇa), nên danh pháp tổng cộng là ba mươi ba. Có thể người ấy hiểu rõ nhưng không có thọ hỷ ; thì cũng có ba mươi ba danh pháp. Có thể người ấy không hiểu rõ cũng không có thọ hỷ, nhưng vì chủ đề là Pháp (Dhamma), nên những trạng thái tâm thiện sinh khởi; do vậy chỉ có ba mươi hai danh pháp phát sinh, bởi vì cả hỷ (pīti) và trí (ñāṇa) đều vắng mặt.

Những điều như vậy xả y ra thường ngày; tâm một người vận hành như thế bất cứ khi nào người ấy trải nghiệm các trạng thái tâm thiện trong cuộc sống bình nhật của mình. Khi làm một việc nào đó một cách đặc biệt bởi vì nó là thiện, người ấy cảm thấy rất hoan hỷ và cũng thể hiện một sự hiểu biết về Định Luật của Nghiệp (kamma), nên việc làm này gắn liền với cả trí và hỷ, nên có ba mươi bốn danh pháp tất cả. Nếu người ấy làm việc thiện tương tự với sự bình thản (thọ xả), có trí (ñāṇa) nhưng không có hỷ (pīti ), thì số lượng danh pháp sẽ là ba mươi ba. Cũng sẽ là ba mươi ba danh pháp nếu người ấy làm việc thiện một cách hoan hỷ nhưng không có lòng tin vào Định Luật của Nghiệp (kamma) hay không hiểu đúng về nó, trong trường hợp này có hỷ (pīti) nhưng không có trí tuệ. Cuối cùng, nếu việc làm, mặc dù là thiện, nhưng chỉ được thực hiện với ý thức về nghĩa vụ mà không còn gì khác hơn, thì không có hỷ ( pīti) hay trí (ñāṇa), nên chỉ có ba mươi hai danh pháp sinh khởi.

Khi nhìn thấy một người nữ rất xinh đẹp, hay một quý ông rất điển trai, quý vị nghĩ, ‘Ồ, rất, rất hấp dẫn!’ Danh pháp bất thiện đã nảy sanh, bởi vì nó có căn tham. Khi ăn thức ăn ngon, quý vị nghĩ, ‘Rất ngon, rất tuyệt!’ Danh pháp bất thiện, căn tham, đã nảy sanh. Khi quý vị lắng nghe nhạc và nghĩ, ‘Hay làm sao!’, danh pháp bất thiện, căn tham, đã nảy sanh. Ngược lại, khi nhìn thấy một người rất xấu xí, danh pháp bất thiện nảy sinh, căn sân (dosa). Điều tương tự cũng xảy ra nếu quý vị ăn vật thực và không thích; sự không ưa thích phát sanh. Nếu ai đó nghĩ rằng, ‘Con tôi rất điển trai,’ đó cũng là bất thiện. ‘Thiền viện của tôi rất đẹp’ – là bất thiện. ‘Tôi có rất nhiều đệ tử ’ – là bất thiện. ‘Những gì tôi đang cúng dường tốt hơn những gì họ đang cúng dường’ – là bất thiện. Những danh pháp này là bất thiện vì chúng có căn tham.

Theo cách này, các lộ tâm bất thiện vượt trội hơn so với lộ tâm thiện trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, khi biết và thấy danh sắc chân đế và cách chúng sinh diệt nhanh chóng không ngừng, thì hành giả sẽ suy ngẫm về sự vô thường của chúng. Vì chúng luôn luôn sinh diệt mọi lúc, nên vốn có bản chất khổ, và hành giả chiêm nghiệm sự vô thường của chúng. Sau khi sinh ra, chúng diệt đi. Không ai có thể bảo chúng đừng phát sanh, cũng không ai có thể bảo chúng đừng diệt đi. Chúng không chịu sự kiểm soát của bất cứ ai. Chúng là vô-ngã. Chỉ khi hành giả chiêm nghiệm theo những cách này thì danh pháp thiện mới sinh khởi.

Các danh pháp bất thiện có thể được nhóm thành ba loại: căn- si, căn -sân và căn-tham. Trong mỗi loại danh pháp bất thiện này, tâm khởi sinh cùng với một tập hợp các sở-hữu-tâm cụ thể, và các thành phần khác nhau này của danh pháp phối hợp với nhau để thực hiện các nghiệp (kamma) bất thiện khác nhau. Tất cả ba loại tâm bất thiện luôn hợp với bảy sở-hữu biến hành, cũng như với bốn sở-hữu bất thiện biến hành.

Bảy sở-hữu biến hành này sinh khởi cùng với tất cả các loại tâm, cho dù là thiện, hay bất thiện, tố hoặc duy tác (kiriya), hay quả (vipāka). Những sở-hữu biến hành này là xúc (phassa), thọ (vedanā ), tưởng (saññā), tư (cetanā), nhất hành hay định (ekaggatā), mạng quyền (jīvitindriya) và tác ý (manasikāra).

Bốn sở- hữu bất thiện biến hành sinh khởi với tất cả các tâm bất thiện, bao gồm si (moha), vô tàm (ahiri), vô uý (anottappa), và điệu cử hay phóng dật (uddhacca). Mười một sở-hữu-tâm này luôn luôn có mặt trong tất cả các tâm bất thiện.

Ngoài ra, có sáu sở-hữu biệt cảnh có thể hoặc không thể phối hợp với một tâm cụ thể nào. Chúng là tầm (vitakka), tứ (vicāra), cần (vīriya), hỷ (pīti), thắng giải (adhimokkha), và dục (chanda).

Có hai loại danh pháp bất thiện căn si. Loại đầu tiên được đặc trưng bởi điệu cử (phóng dật). Nó phối hợp với bốn trong số các sở- hữu biệt cảnh – tầm, tứ, cần và thắng giải. Nó không phối hợp với các sở-hữu biệt cảnh hỷ hay dục. Loại thứ hai có đặc trưng bởi hoài nghi. Nó hợp với ba trong số các sở-hữu biệt cảnh – tầm, tứ và cần. Nó không hợp với các sở-hữu biệt cảnh hỷ, dục hoặc thắng giải. Thắng giải không thể có mặt khi hoài nghi có mặt. Do đó, bao gồm cả tâm, luôn luôn có mười sáu pháp trong bất kỳ danh bất thiện căn-si nào.

Hai loại danh pháp bất thiện khác có thể là hữu trợ hoặc vô trợ. Điều này đòi hỏi một chút giải thích. Một hành động được thực hiện hoàn toàn theo chủ ý riêng của một người và không có sự xúi giục hay khuyến khích của bất kỳ ai khác được gọi là ‘vô trợ’. Ngược lại, một hành động được thực hiện với sự thúc giục của người khác chứ không tự mình thực sự quan tâm đến việc đó được gọi là ‘hữu trợ’. Ví dụ, bạn bè quý vị nhất quyết bảo rằng bộ phim nào đó rất hay và rủ quý vị cùng đi xem và quý vị làm theo, mặc dù không có hứng thú khi xem nó. Một hành động như vậy không phải là vô trợ. Nó là hữu trợ và do đó không mạnh mẽ như vô trợ. Nó hợp với các sở-hữu thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên). Cả hai sở-hữu này đều có mặt trong mọi danh pháp bất thiện hữu trợ, và vắng mặt trong các danh pháp bất thiện vô trợ.

Các danh pháp bất thiện căn-sân có thể là hữu trợ hoặc vô trợ. Ngoài ra, có một nhóm gồm bốn sở-hữu sân phần, đó là sân (dosa), tật đố hay ganh tị (issā), lận sắt hay bỏn xẻn (macchariya) và hối hận (kukkucca); trong bốn pháp này, sân luôn luôn hiện hữu, một mình hoặc cùng với một trong ba sở-hữu sân phần còn lại. Chỉ có sân cho cảm xúc giận dữ thuần túy. Khi chúng ta buồn hoặc tức giận vì sự thành công hay thắng lợi của người khác, cả sân và tật đố (ganh tị) sinh lên cùng nhau. Nếu quý vị bực bội khi người khác có được những gì quý vị sở hữu – cho dù là chỗ ở, sự hỗ trợ từ gia đình, lợi ích vật chất, lời khen ngợi hay về Pháp ( Dhamma)82 – thì các sở-hữu sân và lận sắt (bỏn xẻn) cùng nhau sinh khởi. Nếu quý vị cảm thấy hối hận sau khi thực hiện một hành động sai trái, cả hai sở-hữu sân và hối hận nảy sinh cùng nhau. Do đó, hoặc là sân phát sanh một mình, hoặc sân phát sanh cùng với một trong ba sở-hữu khác. Hơn nữa, vì các danh pháp căn-sân chỉ phối hợp với thọ ưu, nên sở-hữu hỷ luôn luôn vắng mặt, và chỉ còn lại năm sở-hữu biệt cảnh phối hợp với các danh pháp căn-sân.

Do đó, số lượng danh pháp tối thiểu đồng sinh trong một sát-na tâm đổng lực bất thiện căn-sân sẽ là mười tám, bao gồm một tâm, bảy sở-hữu biến hành, năm sở-hữu biệt cảnh (không có hỷ), bốn sở-hữu biến hành bất thiện, sở-hữu sân khởi sinh một mình, không có hôn trầm và thùy miên (khi nó vô trợ). Hay tối đa là hai mươi mốt danh pháp, với mười tám danh pháp ở trên và thêm một trong các sở-hữu là tật đố (ganh tị), lận sắt (bỏn xẻn) hoặc hối hận sinh cùng với sân, cũng như hôn trầm và thùy miên sinh cùng nhau trong tình huống hữu trợ. Sự khác biệt trong phối hợp của nhóm sở- hữu bất thiện căn-sân, tùy thuộc vào việc nó hữu trợ hay vô trợ, làm tăng thêm số lượng danh pháp trong phạm vi có thể giữa mười tám và hai mươi mốt danh pháp căn-sân bất thiện.

Trong trường hợp danh pháp bất thiện căn-tham, hỷ có thể có mặt hoặc không. Ví dụ, khi quý vị rất yêu thích điều gì đó và cảm thấy rất vui, đó là danh bất thiện căn-tham sinh cùng với hỷ. Do đó, niềm vui bất thiện là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu quý vị khao khát điều gì đó nhưng không có cảm giác dễ chịu, thì không có hỷ. Vì thế, trong một danh bất thiện căn-tham, tất cả sáu sở-hữu biệt cảnh sinh khởi khi có hỷ, nhưng chỉ có năm khởi sinh nếu không có hỷ.

Trong tất cả các danh căn-tham, sở-hữu tham (lobha) sẽ luôn luôn có mặt. Nó khởi sinh một mình hoặc phối hợp với tà kiến (diṭṭhi) hoặc ngã mạn (māna). Một người có thể khao khát điều gì đó với lòng tham thuần túy, hoặc dưới ảnh hưởng của những tà kiến như tư kiến (trong trường hợp đó, cả hai sở-hữu tham và tà kiến đồng sanh), hoặc với cảm giác tự hào hay ngã mạn (trong trường hợp đó là cả sở-hữu tham và ngã mạn cùng có mặt).

Ngoài ra, một hành động bất thiện căn-tham có thể là hữu trợ hoặc vô trợ. Do đó, một lộ tâm căn -tham vô trợ luôn có ít nhất mười tám danh pháp (một tâm, bảy sở-hữu biến hành, bốn sở-hữu bất thiện biến hành, năm sở-hữu biệt cảnh không có hỷ, và sở-hữu tham);

Có mười chín nếu một trong các sở-hữu hỷ, tà kiến hoặc ngã mạn có mặt; và có hai mươi nếu hỷ cùng hiện diện với tà kiến hoặc ngã mạn. Cộng với hôn trầm và thùy miên, một lộ tâm căn-tham hữu trợ luôn luôn có ít nhất hai mươi danh pháp, hai mươi mốt nếu có hỷ hoặc tà kiến hoặc ngã mạn, và hai mươi hai nếu hỷ cùng hiện diện với tà kiến hoặc ngã mạn.

Lưu ý rằng hỷ chỉ xảy ra trong lộ tâm bất thiện căn-tham, tuy nhiên nó không phải lúc nào cũng có mặt. Lộ tâm căn-sân không thể có hỷ trong số các sở-hữu của nó. Không thể tức giận một cách vui vẻ, hay hạnh phúc một cách giận dữ, cũng không bao giờ có hạnh phúc khi cảm thấy tật đố (ganh tỵ) hay lận sắt (bỏn xẻn) . Tương tự, lộ tâm căn-si xảy ra mà không có sở-hữu hỷ. Nói cách khác, hỷ có thể cùng tồn tại với tham, nhưng nó không thể cùng tồn tại với sân, tật, lận, hối hoặc hoài nghi.

Đức Phật (Buddha) thật vĩ đại biết bao! Đức Phật (Buddha) chỉ ra cho chúng ta rằng không bao giờ có bất kỳ niềm vui nào trong sự tức giận, và chúng ta cảm thấy không có hạnh phúc khi bị trói buộc với hoài nghi. Đây là những loại sự thật được giải thích trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

Do đó, có thể thấy rõ rằng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) không giải thích những điều ít liên quan hoặc không liên quan gì đến chúng ta. Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) giải thích những gì đang xảy ra bên trong chúng ta. Vì lý do này nên đây là điều quan trọng nhất cần phải thấu hiểu. Loài người mong muốn hiểu biết nhiều thứ ở thế giới bên ngoài. Từ khi còn trẻ, chúng ta đã nghiên cứu nhiều thứ bên ngoài, nhưng chúng ta lại không hiểu biết chính bản thân mình. Nếu quý vị muốn hiểu biết chính mình, quý vị cần nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Nó cho chúng ta biết chúng ta là ai và chúng ta là gì. Đôi khi chúng ta không biết điều gì là bất thiện và điều gì là thiện. Chúng ta không biết gì về điểm này vì chúng ta thiếu kiến thức Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app