Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Nghiệp (Kamma) và Quả của Nghiệp

Hãy để qua một bên Chân Đế, thì theo chế định đúng là có đàn ông, có đàn bà, có chư thiên, có Phạm Thiên, có cõi người, có các cõi chư thiên, và có các cõi Phạm Thiên. Nếu không chấp nhận Tục Đế, chúng ta cũng sẽ không chấp nhận sự tồn tại của kiếp sống con người và cõi người hay chư thiên và các cõi chư thiên. Tương tự với trường hợp các chúng sanh Phạm Thiên và các cõi Phạm Thiên. Cũng vậy, có bốn cõi khổ18 nơi mà chúng sanh bị đọa do nghiệp bất thiện họ đã tích lũy.

Có các kiếp quá khứ , có kiếp hiện tại, và có cả những kiếp sống tương lai. Có nghiệp (kamma) và quả của nghiệp. Có sự vận hành của nghiệp. Cũng như có người tái tục thấp kém và có người tái tục cao quý. Có người xinh đẹp và có người xấu xí. Có người thiện trí và người ngu si. Nếu quý vị đồng ý với tất cả những điều này, thì quý vị sẽ chấp nhận Tục Đế. Khi ấy, nếu có con người thì có nguyên nhân tái sinh làm người. Nếu có các chư thiên thì phải có nghiệp (kamma) làm cho tái sanh vào cõi chư thiên.

Chỉ có Đức Phật (Buddha) mới giác ngộ được nguyên nhân tái sanh vào cõi người, các cõi chư thiên và Phạm Thiên. Không có Đức Phật  (Buddha), chúng ta sẽ không biết chính xác nguyên nhân tái sanh vào các cõi lành này. Đức Phật (Buddha) đã tự mình biết rằng nguyên nhân của sự tái sanh tốt lành như vậy là do ba điều: dāna (bố thí), sīla (giữ giới) và bhāvanā (hành thiền).

Thiện nghiệp như bố thí và giữ giới có thể là nguyên nhân tái sanh vào cõi người và các cõi chư thiên. Nghiệp l ực và quả của thiện nghiệp đó có thể thay đổi tùy theo cách chúng ta thực hiện việc làm ấy kamma với tư, trí, hỷ và các sở-hữu-tâm khác có được mạnh mẽ hay không. Chúng ta cũng có thể bị dính mắc với kiếp sống ở cõi người hoặc các cõi chư thiên. Tùy thuộc vào loại thiện nghiệp và mãnh lực tham ái của mình với một cõi tái tục nào đó, mà chúng ta sẽ tái sanh vào cõi người hoặc các cõi chư thiên, nếu thiện nghiệp ấy sinh khởi ngay sát-na cận-tử. Như ng loại thiện nghiệp đó không thể làm cho chúng ta tái tục vào các cõi Phạm Thiên. Nếu Đức Phật (Buddha) không xuất hiện trong hiện kiếp này, chúng ta sẽ không thể nào biết được nguyên nhân tái sanh vào các cõi Phạm Thiên ấy.

Những cõi này bao gồm các cõi Phạm Thiên sơ thiền, các cõi Phạm Thiên nhị thiền, các cõi Phạm Thiên tam thiền và các cõi Phạm Thiên tứ thiền. Trong các cõi Phạm Thiên sơ thiền, những chúng sinh Phạm Thiên dành phần lớn cuộc đời để nhập thiền và thực hành sơ thiền. Nếu họ có khả năng, đôi khi họ có thể tu tiến các bậc thiền Định cao hơn. Chư Phạm Thiên ở các cõi Phạm Thiên nhị thiền cũng dành hầu hết cuộc đời mình nhập thiền và thực hành nhị thiền; nếu họ có khả năng, họ cũng có thể nhập và tu tiến các bậc thiền Định cao hơn. Tương tự như vậy đối với các cõi Phạm Thiên tam và tứ thiền.

Những người muốn tái sanh vào một trong những cõi Phạm Thiên phải đắc bậc thiền định (jhāna) tương ứng và phải thực hành pháp thuần thục. Nếu sau đó họ có thể nhập và duy trì thiền (jhāna) này cho đến sát-na cận -tử, thì họ sẽ tái sanh vào cõi Phạm Thiên tương ứng sau khi chết và sẽ xuất hiện ở cõi đó với một cơ thể được hình thành hoàn chỉnh. Sẽ không có thụ thai trong bụng mẹ. Điều này là khả thi nếu một người huân tập tâm mình để hành thiền đề mục niệm hơi thở (ānāpāna), thiền biến xứ ( kasiṇa), thiền tâm từ (mettā) hay bất kỳ đề mục thiền định nào khác đắc an chỉ định, thuần thục bất cứ bậc thiền nào trong bốn bậc thiền sắc giới, và duy trì thiền định (jhāna) cho đến sát-na cận-tử.

Nếu chúng ta không thừa nhận Tục Đế, chúng ta sẽ không thừa nhận sự tồn tại của con người và cõi người. Chúng ta cũng không thể thừa nhận sự tồn tại của chư thiên và các cõi chư thiên. Không thừa nhận sự hiện hữu của cõi người và các cõi chư thiên, chúng ta cũng không thể chấp nhận nguyên nhân tái sanh vào các cõi ấy. Nếu không chấp nhận các nguyên nhân tái sanh vào các cõi cao hơn, chúng ta sẽ không thấy được cơ hội để tích lũy thiện nghiệp bằng cách bố thí, giữ giới và hành thiền.

Có sự đa dạng muôn màu muôn vẻ trong số hàng tỷ người sống trên hành tinh này; thật sự, không có hai người nào giống y hệt nhau. Một số người hấp dẫn nhưng số khác thì không. Một số người thiện trí trong khi những người khác thì ngu muội. Một số người cao quý ; còn số khác thì thấp kém. Tất cả những khác biệt này là kết quả của những nguyên nhân khác nhau. Có sự khác biệt trong các nguyên nhân; cho nên có sự khác biệt trong những kết quả. Nếu chính Đức Chúa Trời gây ra những khác biệt này, thì tôi nói rằng một Thiên Chúa như vậy không có lòng từ (mettā). Mọi người đều muốn trở nên hấp dẫn, khôn ngoan và cao quý , nhưng không phải ai cũng được như vậy; do đó, nếu có một Thiên Chúa, Đấng tạo ra sự không hấp dẫn, ngu si và thấp kém, thì Thiên Chúa đó không có lòng từ (mettā). Chính Thiên Chúa này được cho là đã tạo ra động vật – sinh vật trên cạn, sinh vật dưới nước và sinh vật trên không – để cho con người làm thức ăn. Một Thiên Chúa như vậy là không có tâm từ (mettā), ủng hộ việc giết hại động vật để làm thức ăn là một giáo lý rất nguy hiểm và tư tưởng hết sức sai lầm. Tuy nhiên, thật ra không phải Đấng Thiên Chúa nào đó tạo ra tất cả chúng ta, mà chính là do nghiệp (kamma) của riêng chúng ta.

Trọng tâm lời dạy của Đức Phật (Buddha) là Định Luật của Nghiệp (kamma). Một Phật tử là người tin vào Định Luật của Nghiệp (kamma). Nếu quý vị muốn biết nguyên nhân tái sanh trong bốn cõi khổ, cõi người hay các cõi chư thiên hoặc Phạm Thiên, quý vị có thể tự mình thực chứng biết và thấy những nguyên nhân đó bằng cách thực hành thiền. Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Ta đã dạy Pháp mà chính Ta đã trực tiếp quán sát. Tất cả Giáo Pháp Ta đã dạy kể từ ngày giác ngộ cho đến ngày Ta nhập diệt Níp-bàn (Nibbāna) – tất cả Giáo Pháp Ta đã dạy đều là sự thật. Không có gì Ta đã dạy mà không đúng sự thật’19. Ở nơi khác, Đức Phật (Buddha) cũng đã nói, ‘Ta chưa dạy một Pháp nào mà không thể tu tập. Ta chỉ dạy Pháp có thể tu tập’20. Đức Phật (Buddha) đã dạy các hàng đệ tử của Ngài thực hành để thấu suốt Định Luật của Nghiệp (kamma), nên chúng ta biết rằng có khả năng làm được như vậy. Vì thế, chúng tôi đang dạy cho các hành giả biết và thấy Định Luật của Nghiệp (kamma).

Quý vị cúng dường, giữ giới và hành thiền để mong có một đời sống tương lai tốt hơn bởi vì quý vị tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Định Luật của Nghiệp (kamma) là thật. Một ngày nào đó, nếu quý vị đã phát triển Định, quý vị sẽ biết và thấy nghiệp (kamma) và quả của nghiệp một cách trực tiếp. Như Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Một người có Định biết và thấy Pháp đúng như thật.’ Nguyên nhân của đời sống này phải được quán sát trực tiếp. Chỉ có khi đó, Tín – đức tin của quý vị vào Đức Phật (Buddha), Đức Pháp (Dhamma), Đức Tăng (Saṅgha) và Định Luật của Nghiệp (kamma) mới được phát triển sâu sắc thông qua trí tuệ thực chứng, chứ không phải bằng kiến thức pháp học. Đây là những gì chúng ta phải hướng đến. Đây là một bước khác chúng ta phải thực nghiệm và tiến về phía trước. Đừng hài lòng với quan điểm hiện tại của mình.

Hãy xem quan điểm của quý vị hiện nay là gì. Quý vị tin vào Định Luật của Nghiệp (kamma), như ng niềm tin đó của quý vị không phải là không thể lay chuyển, nó có thể bị lung lay. Điều này là do quý vị biết Định Luật của Nghiệp (kamma) chỉ thông qua những lời dạy mà quý vị đã nhận được từ các vị thầy của mình; quý vị không tự thân nhận biết thông qua thực chứng. Do đó, tất cả chúng ta có trách nhiệm phát triển một đức tin vững chắc. Phát triển đức tin vững chắc không thể lay chuyển là trách nhiệm của riêng quý vị, chứ không phải của một ai khác – chẳng phải của thầy quý vị, ngay cả cũng không phải của Đức Phật (Buddha). Tuy nhiên, vị thầy có trách nhiệm hướng dẫn trong nỗ lực của quý vị để biết và thấy những sự thật ấy, khi quý vị đã sẵn sàng để được dẫn dắt theo đạo lộ này.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app