Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Thiền Sinh có Vết Sẹo

Một minh họa khác về Định Luật của Nghiệp (kamma) là câu chuyện của một thiền sinh có thể quán sát được các kiếp quá khứ của mình. Thiền sinh này được sanh ra với một vết sẹo trên đầu; không phải do anh ấy bị trầy xước trong quá trình sanh nở hay sau khi được sanh ra. Vết sẹo không phải là kết quả của bất kỳ vết thương nào và không thể giải thích được. Nếu không có cơ hội thực hành theo đạo lộ mà Đức Phật (Buddha) đã dạy, anh ấy sẽ không thể nhận ra và hiểu rõ nguyên nhân gây ra vết sẹo của mình.

Thiền sinh này có thể thực hành tốt và tu tiến an chỉ định lên đến tứ thiền (jhāna). Khi đó, anh ấy có thể quán sát danh và sắc siêu lý, đây là Thánh Đế Đầu Tiên, Khổ Thánh Đế. Rồi anh ấy được hướng dẫn để biết và thấy Thánh Đế Thứ Hai, Khổ Tập Thánh Đế (Sự thật về nguồn gốc của khổ); thế là anh ấy quán sát kiếp trước của mình. Anh ấy có thể quán sát nāma (danh) và rūpa (sắc) của ngày hôm qua, của ngày hôm trước, của năm ngày trước, mười ngày trước, một tháng trước, một năm trước, năm năm trước, vân vân, cho đến khi ở trong bụng mẹ.

Thành tựu này dường như có vẻ là không thể, đặc biệt là vì hầu hết mọi người không có khả năng quán sát được danh (nāma) và sắc (rūpa) ngay chỉ một phút trước đây. Những ai không có Định không thể nào thấy được Thánh Đế Thứ Nhất, danh và sắc siêu lý. Nếu họ không có khả năng như vậy, họ không thể quán sát được danh (nāma) và sắc (rūpa) của quá khứ, bất kể gần đây hay đã lâu rồi. Tuy nhiên, những người đã đắc Định có thể quán sát danh (nāma) và sắc (rūpa) xa ngược về quá khứ, thậm chí cho đến nhiều năm về trước. Các thiền sinh phải quán sát lui ngược lại giai đoạn khi họ còn trong bụng mẹ, bởi vì đó là khi danh (nāma) và sắc (rūpa) của họ bắt đầu sinh khởi. Đây là điểm khởi đầu của Thánh Đế về Khổ ngay trong kiếp sống này.

Thiền sinh có vết sẹo trên đầu đã làm được điều đó; anh ấy thấy danh và sắc siêu lý ở sát- na tái-tục trong bụng mẹ của mình. Cuộc truy tầm của anh ấy đã chạm đến thời điểm mà ba giai đoạn rất quan trọng nối tiếp nhau. Ba giai đoạn này là sát-na cận -tử của kiếp trước, tâm tử của kiếp trước và giai đoạn khởi đầu của kiếp hiện tại trong bụng mẹ (tâm tái tục) . Tâm tái tục ngay lập tức theo sau tâm tử, hoàn toàn không có khoảng cách nào giữa chúng. Mặc dù chúng trải qua hai kiếp sống nối tiếp nhau, kiếp này và kiếp trước, nhưng chúng ở ngay sát cạnh nhau. Vậy thì, tại đây, thiền sinh được hướng dẫn để quán sát nguyên nhân của giai đoạn khởi đầu của danh (nāma) và sắc (rūpa) trong kiếp sống này, cụ thể là những nguyên nhân xuất hiện vào sát-na cận -tử ở kiếp trước. Đây là cách mà Đức Phật (Buddha) đã dạy chúng ta quán sát.

Khi cố gắng quán sát kiếp trước để thấy cảnh xuất hiện ở sát-na cận-tử, anh ấy cảm thấy khó thở và luôn cảm thấy như vậy bất cứ khi nào cố gắng quán sát lui ngược về giai đoạn này. Ban đầu, anh ấy không hiểu lý do của sự khó thở mà mình gặp phải. Nên anh ấy được hướng dẫn rà tới rà lui lặp lại nhiều lần trong khoảng giai đoạn này để tìm kiếm nguyên nhân. Cuối cùng, anh ấy hiểu rằng mình đã bị chết đuối vào sát-na cận-tử. Khi nhận ra mình bị chết đuối, anh ta được hướng dẫn quán ngược về trước để truy tầm lý do, và anh ấy thấy rằng mọi người đã bỏ mình vào trong một cái túi rồi thả xuống nước. Sau đó, anh ấy được hướng dẫn để lùi xa hơn nữa. Thực hành như vậy, anh thấy mình bị bắt và tra tấn bởi nhiều người. Anh bị một vết chém trên đầu dẫn đến vết sẹo ở kiếp sau. Tất cả điều này xảy ra bởi vì anh ta là một tên trộm trong kiếp sống trước.

Mặc dù đã từng là một tên trộm và có một cái chết khủng khiếp, anh ta được tái sanh làm người, đó là một tái tục thật may mắn. Điều này dường như có vẻ đáng ngạc nhiên; người ta có thể cho rằng sự tái sanh vào các cõi khổ là xứng đáng dành sẵn cho một tên trộm khét tiếng đến nỗi bị truy đuổi, bắt giữ, tra tấn và cuối cùng bị dìm cho đến chết để trả thù. Một người có thần thông nhưng không có sự hiểu biết chính xác có thể kết luận từ ví dụ này là những kẻ bất lương đi đến những nơi nhàn cảnh. Tuy nhiên, thiền sinh này đã có thể quán sát rằng, vào sát- na cận-tử, cảnh xuất hiện trong tâm anh ấy là hình ảnh đang cúng dường vật thực cho một vị Tỳ-khưu (bhikkhu). Không phải do một trong những việc làm bất thiện của anh ta đã cho quả dưới hình thức tái sanh vào cõi an vui; mà chính là một việc thiện anh ấy đã từng làm trong kiếp sống đó chín muồi và cho quả vào ngay sát-na cận-tử . Không thể phủ nhận rằng, ở kiếp trước, anh ta đã làm điều xấu ác là ăn cắp do không thể kiểm soát được phiền não của mình; nhưng ít nhất một lần trong đời, anh ấy đã làm việc thiện bằng cách cúng dường một vị Tỳ- khưu (bhikkhu) . Thiện nghiệp đó đã trổ quả vào sát-na cận-tử, và do vậy anh ấy có thể được tái sanh thành nam nhân trong kiếp sống này. Anh ấy có thể hành thiền rất tốt trong đời này vì đã từng hành thiền trong những kiếp quá khứ khác. Rõ ràng nếu không thể kiểm soát được phiền não của mình, chúng ta có thể trở nên ngu si; do đó, tất cả chúng ta cần phải giữ cho phiền não nằm trong tầm kiểm soát.

Thật may mắn khi một cảnh tốt xuất hiện vào sát- na cận-tử của một người đang bị đau khổ tàn khốc vì bị tra tấn đến chết đuối. Nói chung, rất khó để một cảnh tốt xuất hiện ngay sát-na cận-tử của một người như vậy. Không ai có thể nói tâm của chúng ta sẽ nghiêng về đâu vào sát- na cận -tử hay cảnh gì sẽ đủ mạnh để xuất hiện. Nếu chúng ta không may, trải nghiệm của chúng ta có thể giống như của hoàng hậu Mallikā.

Do đó, cần phải chắc chắn về cách làm thế nào để chúng ta có thể chú ý đến một cảnh thiện lành ngay sát-na cận- tử. Chúng ta cần phải chuẩn bị trước. Không nên để mặc cho sự ngẫu nhiên hoặc vận may quyết định cảnh tốt hay cả nh xấu sẽ xuất hiện vào sát-na cận-tử của mình. Thay vì thế, chúng ta nên tin cậy vào niệm, sự tinh tấn, chanda (mong muốn thiện lành) và những phẩm chất tốt đẹp của bản thân. Tất cả chúng ta cần phải chuẩn bị trước cho những điều này.

Tục Đế là sự thật mà tất cả chúng ta đều sử dụng và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đức Phật (Buddha) cũng sử dụng cùng một Tục Đế và những thuật ngữ chế định này để giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma). Có khi Đức Phật (Buddha) dùng các thuật ngữ chế định để hướng dẫn cho chúng ta cách sống trong thế giới thông thường; vào những lúc khác, Đức Phật (Buddha) dùng những thuật ngữ chế định để giới thiệu Chân Đế và giảng dạy cho chúng ta.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app