Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Tầm Quan Trọng của Chú giải
Chúng tôi có thể dạy các thiền sinh cách quán sát danh pháp chân đế là vì những giải thích có trong Chú giải. Những giải thích này rất quan trọng. Ở các nước phương Tây, Chú giải không phải là một quy tắc được chấp nhận. Ở Thái Lan cũng có hai nhóm; một nhóm chấp nhận Chú giải, còn nhóm kia thì không. Các nhà Chú giải biết chủ ý của Đức Phật (Buddha), vì vậy họ có thể giải thích những lời dạy của Ngài rất tốt. Nhờ có những lời giải thích của họ mà chúng ta biết cách thực hành. Còn những người không chấp nhận các Chú giải truyền dạy cho các đệ tử của họ rằng những lời Chú giải không phải là lời dạy của Đức Phật (Buddha).
Nói một cách thẳng thắn, nếu quý vị đọc những lời dạy của Đức Phật ( Buddha) đã được dịch sang Anh ngữ (hay Việt ngữ), quý vị sẽ không tìm thấy hướng dẫn chi tiết về cách thực hành. Những chỉ dẫn ngắn gọn như vậy sẽ phù hợp với những người có thể thực sự đã gặp Đức Phật (Buddha), bởi vì Đức Phật (Buddha) là Bậc Toàn Giác, nên Ngài biết phải dạy những gì, dạy như thế nào và ở mức độ nào để giảng giải cho các hàng đệ tử của Ngài. Đức Phật ( Buddha) biết Ngài cần dạy họ đến mức độ nào là nhờ có Toàn Giác Trí.
Nhưng các nhà Chú giải biết rằng các thế hệ sau này, như thế hệ ở thời đại chúng ta, sẽ không hiểu đúng những gì Đức Phật (Buddha) đã nói, vì vậy họ đã viết Chú giải cho các thế hệ về sau chứ không phải cho thời đại của họ.
Vào thời Đức Phật (Buddha), một số người đã đến tiếp cận Đức Phật (Buddha) và lắng nghe Pháp (Dhamma) trực tiếp từ chính Đức Phật (Buddha) nhưng không hiểu được. Bởi vì số lượng người nghe rất đông, những ai không hiểu không thể hỏi Đức Phật (Buddha) những câu hỏi của mình, vì vậy họ sẽ đến gặp Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahākassapa và các mahāthera đại trưởng lão khác để hỏi về ý nghĩa của lời dạy ấy. Sau đó, các tôn giả sẽ giải thích một cách chi tiết hơn. Những lời giải thích của họ, cũng như một số lời giải thích của Đức Phật (Buddha) không được ghi lại trực tiếp trong Nikāya, nhưng đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Những hình thức ấy là cơ sở cho các Chú giải, ban đầu được lưu truyền như lời truyền khẩu.
Các Chú giải, cùng với Luật (Vinaya), Kinh (Suttanta) và Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), đã được trùng tụng trong Hội Đồng Tăng già (Saṅgha) lần Thứ Nhất đứng đầu là Tôn giả Mahākassapa, với các bài trùng tụng bởi Tôn giả Ānanda và Tôn giả Upāli, trong sự hiện diện của 497 Vị đại trưởng lão A-la-hán khác (Arahanta mahāthera). Tam tạng (Tipiṭaka) và các Chú giải một lần nữa được trùng tuyên tại Hội Đồng Tăng già (Saṅgha) lần Thứ Hai và Thứ Ba. Sau Hội Đồng Tăng già (Saṅgha) lần Thứ Ba, Tipiṭaka và các Chú giải đã được đưa đến Sri Lanka bởi Vị A-la-hán (Arahanta) Mahinda, vẫn còn là lời truyền khẩu. Các Chú giải truyền miệng sau đó đã được viết xuống ở Sri Lanka chỉ khi những Vị biết trước rằng các thế hệ sau này không có đủ khả năng để ghi nhớ. Các Chú giải đã được viết ra bằng tiếng Sinhala. Vào thế kỷ thứ năm sau Công Nguyên, Tôn giả Phật Âm ( Buddhaghosa) đã biên soạn và củng cố các Chú giải gốc, rồi dịch chúng sang ngôn ngữ Pāḷi là ngôn ngữ gốc của Magadha được sử dụng bởi Đức Phật (Buddha) . Phiên bản Chú giải này cũng như các tác phẩm của những nhà Chú giải và phụ Chú giải khác đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay, bằng cách ấy đã bảo tồn trọn vẹn kho tàng kiến thức Chánh Pháp của Đức Phật (Buddha).
Chúng tôi biết làm thế nào để giảng dạy là nhờ vào những lời giải thích trong các Chú giải. Để thấy danh pháp chân đế, chúng ta phải biết và thấy lộ tâm sinh khởi trong một loạt các sát-na, cùng với tâm và tất cả sở- hữu- tâm (tâm-sở) phối hợp có mặt trong mỗi sát-na tâm. Bài kinh Anupada Sutta từ Trung Bộ Kinh của Đức Phật (Buddha)76 đề cập rằng các tâm hành trong sơ thiền (jhāna) – tầm, tứ, hỷ, lạc, định (nhất tâm); xúc, thọ, tưởng, tư, tâm; và dục, quyết định, cần (tinh tấn), niệm, trung bình, tác ý – những tâm hành này đã được quán sát bởi Tôn giả Sāriputta từng pháp một khi chúng diễn ra. Tại sao Tôn giả Sāriputta có thể phân tích từng pháp một trong số chúng? Điều này không được giải thích trong kinh điển Pāḷi; nó chỉ được giải thích trong phần Chú giải của bài kinh này. Không phải vì Tôn giả Sāriputta có đại trí tuệ mà ngài có thể quán sát từng loại trong những danh pháp này, mà bởi vì ngài thấy biết rõ căn (vật) và trần (cảnh) cùng với nhau, nên ngài có thể quán sát danh pháp từng cái một khi chúng xảy ra.
Theo phần giải thích trong Chú giải, chúng tôi cũng đang dạy các thiền sinh trước tiên quán sát căn (vật) và trần (cảnh) cùng với nhau. Khi làm như thế, họ có thể thấy lộ tâm khởi sinh trong một loạt các sát-na tâm, và họ cũng có thể phân tích tâm và tất cả các sở-hữu-tâm phối hợp hiện hữu trong mỗi sát-na tâm.
Do đó, các nhà Chú giải đã lo ngại rằng các thế hệ tương lai sẽ lầm tưởng rằng Tôn giả Sāriputta có thể nhận biết rõ danh pháp chân đế từng cái một bởi vì ngài có trí tuệ rất vĩ đại, sắc bén, nhanh nhạy, uyên bác, và sâu sắc. Bản thân chúng tôi cũng sẽ đi đến kết luận như vậy nếu để cho chúng tôi tự quyết định.
Sự chứng đạt của Tôn giả Sāriputta quả thực là một điều cao quý – cao quý đến nỗi chúng ta có thể cảm thấy vượt quá tầm với của mình. Quán sát các kalāpa cùng với vật và cảnh, và những điều tương tự có vẻ khó khăn và làm nản lòng, nếu không nói là không thể. Sự thật là, chỉ có giai đoạn đầu của việc tu tiến Định mới cần có thời gian. Sau khi đã tu tiến Định, hành giả có thể đi từng bước một để nhận biết rõ sắc chân đế và danh chân đế. Đây là điều mà Đức Phật (Buddha) bảo đảm: ‘Một người với Định, biết và thấy Pháp (Dhamma) đúng như thật.’ Với Định, một người có khả năng biết và thấy các Pháp (Dhamma) đúng như thật. Định này rất là đặc biệt.
Do đó, hành giả được khuyên hãy dành thời gian để tu tiến Định một cách kiên nhẫn và cần mẫn. Sau khi đã tu tiến Định, hành giả có khả năng quán sát sâu sắc, và có thể đi từng bước một dưới sự hướng dẫn của một vị thầy. Không có vị thầy, hành giả không thể thấy biết rõ; không có vị thầy, thì điều đó là không thể. Vì đây là một sự thật rất thâm sâu. Vị thầy cần phải hướng dẫn thiền sinh hết bước này đến bước khác.
Một ví dụ liên quan đến bọn sắc mạng quyền chín pháp (jīvita navaka kalāpa) minh họa cho thấy Chú giải là cần thiết đến dường nào để hiểu rõ và giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma). Bọn sắc mạng quyền chín pháp là một trong bảy loại rūpa kalāpa có trong con mắt. Nhiều năm trước, khi Ngài Pa-Auk Sayadaw lần đầu tiên bắt đầu giảng dạy sắc chân đế, ngài chỉ giảng dạy sáu loại rūpa kalāpa có trong mắt là do không bao gồm bọn sắc mạng quyền chín pháp này trong số đó. Ngài làm như vậy bởi vì ngài không thể xác định được trích dẫn cụ thể mà ngài đã từng đọc có nói rằng jīvita navaka kalāpa (bọn sắc mạng quyền chín pháp) tồn tại trên toàn bộ cơ thể. Ngài vẫn chưa tìm ra được tài liệu tham khảo trong nhiều năm, suốt thời gian đó ngài hoãn lại không dạy bảy loại rūpa kalāpa có trong mắt mà thay vào đó chỉ dạy có sáu.
Gần đây, chỉ vài năm trước, cuối cùng, ngài đã tình cờ thấy sự trích dẫn với sự giúp đỡ của các vị Tỳ- khưu đệ tử của ngài, những người có kỹ nă ng vi tính, giờ đây đã giúp cho việc tìm kiếm các tập văn đồ sộ của các văn bản Pāḷi, bao gồm các Chú giải và phụ Chú giải, tương đối dễ dàng. Cách đây không lâu, việc tìm thấy một tài liệu tham khảo cụ thể có lẽ cần tốn khá nhiều thời gian để rà soát hết rất nhiều sách; nhưng bây giờ có thể tải xuống toàn bộ Tam tạng (Tipiṭaka) và Chú giải về máy tính, và việc tìm kiếm bản kinh để trích dẫn chỉ là vấn đề đánh máy. Đã tìm ra được tài liệu tham khảo tìm kiếm bấy lâu, Sayadaw từ đó đã có thể dạy một cách tự tin rằng bọn sắc mạng quyền chín pháp hiện diện trong mọi giác quan vì nó lan tỏa khắp cơ thể. Ví dụ này minh họa mức độ quý giá của Chú giải, và cần thiết để tham khảo nó đến dường nào.
Bên cạnh đó, đoạn văn ngắn mà Sayadaw cần đọc như sau: ‘Sakala sarīre eva, daṭṭhabban’ti’ .77 ‘Sakala’ nghĩa là ‘toàn bộ’ và ‘sarīre’ nghĩa là ‘trong cơ thể’. Như vậy, bọn sắc mạng quyền chín pháp nằm trong toàn bộ cơ thể và có thể giúp hấp thu bất cứ thứ gì chúng ta đưa vào bất kỳ thân phần nào của mình.78 Bọn sắc mạng quyền chín pháp là sắc hấp thu và tiêu hóa mọi thứ. Thực tế là nó hiện diện khắp cơ thể, cũng được nói đến trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).79 Ngoài ra, một thiền sinh trên thực tế có thể quán sát rằng dưỡng chất (ojā) của các kalāpa nghiệp- sanh (như kalāpa nhãn mười pháp và vân vân), với sự hỗ trợ của ojā từ các kalāpa vật-thực-sanh và sự hỗ trợ của hỏa đại từ bọn sắc mạng quyền chín pháp, sẽ sản sinh ra sắc vật-thực-sanh mới. Điều này thực tế có thể được quán sát trong tất cả sáu giác quan. Do đó, bọn sắc mạng quyền chín pháp tồn tại trong tất cả sáu giác quan.