Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Quán Sát Sắc Pháp
Việc phân biệt giữa thật và không thật ở cấp độ này là tương đối thô so với khả năng quan sát vi tế khi thực hành vipassanā bằng Định, để quán sát danh và sắc chân đế. Trong thiền sắc pháp (rūpa), trước khi quán sát sắc chân đế, cảnh (đối tượng) ban đầu của sự quán sát là các bọn sắc (rūpa kalāpa), chúng là những hạt cực kỳ nhỏ li ti – nhỏ không thể tưởng tượng được. Chỉ có ai đã từng nhìn thấy với Minh Sát Tuệ mới biết chúng thực sự trông như thế nào. Tuy nhiên, một hoặc hai sự tương đồng có thể gợi cho đủ hiểu biết, để ít nhất có một khái niệm về các bọn sắc (rūpa kalāpa) mà một hành giả minh sát đang nhắm đến để quan sát trước khi nhận biết rõ sắc chân đế.
Một sự tương đồng là trường hợp của chiếc tivi đời cũ, loại tivi mà mọi người đã từ ng có, trước khi màn hình kỹ thuật số độ phân giải cao và những thứ tương tự trở nên phổ biến. Khi tivi được bật lên, sẽ mất một chút thời gian để tín hiệu đi vào và hình ảnh được hiển thị; cho đến lúc đó thì màn hình được lấp đầy bởi hàng trăm và hàng nghìn chấm nhấp nháy rất nhỏ li ti. Cuối cùng, tín hiệu đi vào và tivi sẽ hiển thị một hình ảnh thực tế. Song, các chấm xuất hiện ban đầu là vô số kể, rất nhỏ li ti và nhấp nháy. Mặc dù chúng quá nhỏ, nhưng chúng vẫn còn thấy được khá rõ.
Các rūpa kalāpa giống như những chấm này ở chỗ chúng vô số kể, rất nhỏ li ti, và liên tục sinh ra rồi diệt đi. Tuy nhiên, các kalāpa nhỏ hơn nhiều lần so với những chấm ấy. Quý vị không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Nếu quý vị có thể tưởng tượng ra nhiều chấm như vậy, với kích thước nhỏ hơn theo cấp số nhân và tưởng tượng hình dạng cơ thể con người bao gồm toàn bộ một số lượng khổng lồ các chấm cực kỳ nhỏ li ti như vậy, quý vị sẽ có một ý tưởng rất sơ bộ về những gì mà một thiền sinh có Định nhìn thấy trong khi quán sát sắc pháp.
Một sự tương tự khác là đầu bút bi. Thậm chí nó còn nhỏ hơn những chấm trên màn hình tivi cũ. Các rūpa kalāpa là các hạt hạ nguyên tử rất nhỏ li ti. Những ai có khả năng nhìn thấy chúng đều có thể quán sát tứ đại trong đầu bút bi nếu họ chọn làm như vậy. Mặc dù đầu bút bi đã rất nhỏ, nhưng họ còn thấ y trong đó cả một số lượng lớn các hạt nhỏ bé. Chúng không thể được nhìn thấy bằng mắt thường.
Quý vị có thể hình dung được hình dạng cơ thể mình bao gồm những hạt rất nhỏ như vậy, không ngừng sinh ra và diệt đi rất nhanh. Nếu quán sát tứ đại ở những người ngồi gần hoặc những người khác ngồi cách xa, hành giả sẽ thấy họ không phải là đàn ông hay đàn bà mà chỉ là một nhóm các hạt hạ nguyên tử li ti luôn luôn sinh rồi diệt nhanh chóng. Nếu nhìn vào con mắt, hành giả không thấy con mắt đâu mà ngược lại, không thấy gì khác ngoài những hạt liên tục sinh diệt với tốc độ rất lớn. Bất kể thân phần nào mà hành giả nhìn vào, thì mỗi thân phần ấy và ngay cả toàn bộ cơ thể đều xuất hiện y hệt nhau. Nội phần, ngoại phần, những chúng sinh hữu tình và những vật vô tri – mọi thứ đều giống y như nhau. Tất cả chỉ là những hạt li ti không ngừng sinh ra và diệt đi nhanh chóng. Nhưng chúng chưa phải là sắc chân đế; chúng chỉ là khái niệm (chế định) nhỏ nhất.
Khi thành công trong việc nhìn thấy các hạt này trong cơ thể mình, tiếp theo hành giả cần phải phân biệt giữa các kalāpa trong suốt và các kalāpa mờ đục. Hành giả cần phải làm điều này trước khi có thể quán sát Chân Đế trong mỗi kalāpa. Chẳng hạn, trong con mắt, kalāpa nhãn mười pháp và kalāpa thân mười pháp đều trong suốt; năm bọn sắc kalāpa còn lại trong con mắt– kalāpa giới tính mười pháp, kalāpa mạng quyền chín pháp, kalāpa sắc-tâm-sanh, kalāpa sắc-quý-tiết-sanh, và kalāpa sắc-vật-thực-sanh – đều là các bọn sắc kalāpa mờ đục.
Tứ đại gồm có địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại đều hiện hữu trong mỗi kalāpa. Thiền sinh cần phân tích các đại này và quán sát các đặc tính (trạng thái) của chúng. Địa đại có sáu đặc tính – cứng, nhám, nặng, mềm, mịn và nhẹ. Thủy đại có hai đặc tính: chảy và kết dính. Hỏa đại có các đặc tính nóng và lạnh, còn phong đại có các đặc tính đẩy và nâng đỡ. Do đó, toàn bộ có mười hai đặc tính phải được quán sát trong cả các bọn sắc kalāpa trong suốt và mờ đục.
Khi các hạt đang sinh ra và diệt đi nhanh chóng, hành giả sẽ gặp khó khăn trong việc quán sát chúng lần đầu tiên. Để vượt qua khó khăn này, hành giả cần phải phớt lờ sự diệt đi mà thay vào đó hãy chú tâm đến chính bản thân bọn sắc kalāpa. Chỉ khi đó, hành giả mới có thể quán sát được chúng. Sự quán sát phải được thực hiện lặp đi lặp lại vì các hạt này cực kỳ nhỏ.
Sau khi quán sát mười hai đặc tính trong cả các kalāpa trong suốt và mờ đục, hành giả cần phải tiến tới quán sát màu sắc, mùi (khí), vị, và dưỡng chất (vật thực). Hành giả sẽ thấy nhiều màu sắc khác nhau trong các kalāpa. Những thiền sinh đã thành công trong việc quán sát mùi và vị chưa từng trình pháp việc được trải nghiệm một mùi thơm hay một vị ngon nào cả. Dưỡng chất (vật thực) giống như lòng đỏ của trứng; hành giả sẽ thấy nó ở trung tâm của mỗi bọn sắc kalāpa.
Hành giả cũng cần phải quán sát các kalāpa nào là trong suốt, và sau đó phân biệt giữa kalāpa thân mười pháp65, hiện hữu trong mỗi giác quan và kalāpa thanh triệt mười pháp66 tương ứng với từng giác quan mà hành giả đang phân tích. Lấy con mắt làm ví dụ, hành giả cần xác định các kalāpa nào trong suốt, và sau đó phân biệt giữa hai kalāpa nhãn mười pháp67 và kalāpa thân mười pháp. Tập trung vào một kalāpa trong suốt cụ thể, hành giả quan sát để xem màu sắc của một nhóm các kalāpa gần đó có dội vào kalāpa cụ thể này hay không. Nếu màu sắc dội vào, hành giả có thể kết luận rằng đây là một kalāpa nhãn mười pháp. Quán sát loại này giúp làm sáng tỏ rằng chúng ta nhìn thấy là do cảnh sắc dội vào nhãn-thanh-triệt, khiến cho nhãn-thức sinh khởi. Không cần sự can thiệp của một vị thần hoặc một đấng sáng tạo nào cả; mà chỉ có nhân và quả.
Tiếp theo cũng tiến hành như vậy để xác định một kalāpa là bọn sắc kalāpa thân mười pháp, chỉ khác ở chỗ là hành giả quán sát đặc tính cứng của một kalāpa rất gần đó. Nếu nhận thấy đặc tính cứng này xúc chạm với bọn sắc kalāpa trong suốt mà hành giả đang quan sát, thì có thể kết luận rằng đó là một kalāpa thân mười pháp. Quá trình quán sát này cần phải được thực hiện nhiều lần lặp đi lặp lại.
Ngược lại, kalāpa ý vật mười pháp là một kalāpa mờ đục. Nó được phân biệt bằng cách quán sát sự hiện diện của tâm hữu phần (bhavaṅga), hay là ý-môn, bởi vì tâm hữu phần (bhavaṅga) sinh khởi dựa trên sắc-ý-vật. Kalāpa ý vật mười pháp khá giống như cái đèn pin. Giả sử thân đèn pin có màu xám nhạt. Nếu nó được bật lên, thì ánh sáng chói sẽ phát ra từ cuối đèn pin. Thân đèn pin giống như kalāpa ý vật mười pháp, còn ánh sáng phát ra từ nó là tâm hữu phần (bhavaṅga). Hành giả sẽ thấy điều gì đó tương tự khi quán sát kalāpa ý vật mười pháp này.
Khi nhìn một cảnh sắc, hình ảnh của nó sẽ dội vào nhãn-thanh-triệt. Đồng thời, cùng một hình ảnh ấy sẽ đối chiếu lên tâm hữu phần (bhavaṅga). Nó xuất hiện ở đó. Giống như vậy, khi nghe âm thanh (cảnh thinh), nó sẽ dội vào sắc nhĩ-thanh-triệt cũng như dội vào tâm hữu phần ( bhavaṅga). Theo cách này, nó đối chiếu hay dội vào hai môn cùng một lúc. Quá trình tương tự cũng xảy ra với các giác quan của các cảnh khí, vị, và xúc.