Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Liên Quan đến Sinh Kế
Có Phải Thị Trường Chứng Khoán là Một Hình Thức Đánh Bạc?
Hỏi: Việc giao dịch cổ phiếu và mua bán trên thị trường chứng khoán có được coi là một hình thức đánh bạc hay không? Đó có phải là Chánh Mạng không?
Trả lời: Nó rất giống với việc bán hàng. Mọi người có thể làm nghề Chánh Mạng bằng cách bán hàng. Trong bán hàng, cũng sẽ có mua. Mua bán là những gì chủ cửa hàng làm. Có nhiều loại cửa hàng khác nhau. Người mua và người bán muốn có lợi nhuận. Họ mong đợi lợi nhuận. Họ kiếm sống bằng cách bán hàng và mong đợi lợi nhuận từ những gì họ làm. Không có gì sai khi kiếm sống bằng cách buôn bán và kỳ vọng lợi nhuận. Chắc chắn không ai bán một cái gì đó mà không đặt giá cao hơn những gì họ trả lúc đầu.
Đức Phật (Buddha) không nói rằng họ không nên tăng giá bán. Nếu không làm như vậy, sẽ không có lợi nhuận trong việc bán hàng. Việc tăng giá không nên quá đáng; nếu không thì đó không phải là Chánh Mạng. Nó sẽ là visamalobha, tham lam quá độ. Giá cả phải công bằng. Khách hàng thực sự là một nhà hảo tâm của người bán. Họ làm lợi cho người bán. Người bán nên có tâm từ (mettā) đối với khách hàng và do đó phải đặt một mức giá hợp lý. Đây là Sammā Ājiva, Chánh Mạng. Nếu kiếm sống với lòng tham quá đáng, một mối nguy hiểm ẩn giấu trong đó.
Tuy vậy, giao dịch trên thị trường chứng khoán không hoàn toàn giống như mua và bán đồ đạc trong cửa hàng. Lợi nhuận từ thị trường chứng khoán phụ thuộc vào khả năng dự đoán của họ. Họ cần áp dụng sự hiểu biết, kỹ năng và lý luận của mình để có thể thông minh trong dự đoán. Nếu không thông minh, họ sẽ rất nghèo, tôi nghĩ vậy. Tôi không quen thuộc với thị trường chứng khoán. Tôi chỉ mới nghe về nó gần đây. Mọi người rất thích giao dịch như vậy. Tôi nghe một số người trở nên rất giàu có bằng cách tham gia nó. Tôi thực sự không biết họ làm điều đó như thế nào. Chỉ hôm nay tôi mới biết vài điều về nó.
Thật khó để nói rằng giao dịch trên thị trường chứng khoán là cờ bạc. Nó liên quan đến nhiều yếu tố. Chủ của họ phải được xem xét để quyết định xem đó có phải là cờ bạc hay không. Quan điểm của họ là điều quan trọng nhất để suy xét dù cho công việc kinh doanh họ sẽ làm là gì. Bản thân việc kinh doanh không thể được coi là đánh bạc hay không đánh bạc. Nó phụ thuộc vào quan điểm của họ – chủ ý của họ là gì, cách họ xem xét và suy nghĩ về công việc kinh doanh của mình. Nếu quá tham lam, họ sẽ bị tổn hại. Loại dự đoán này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, kinh nghiệm, trí thông minh và sự tài giỏi. Nó có liên quan đến kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ họ sẽ ổn nếu họ có tâm công bằng. Nếu có lòng tham cực độ, họ sẽ bị tổn hại. Ngay cả khi công việc của họ có vẻ là Chánh Mạng, nó sẽ kéo theo tác hại và nguy hiểm nếu họ không thể kiểm soát chủ ý của mình và nếu không thể tổ chức việc kinh doanh của mình. Do vậy, thật hơi khó để nói rằng đó có phải là cờ bạc hay không.
Một suy xét khác cũng khởi sinh trong tôi, mặc dù tôi không có bất kỳ kinh nghiệm thực tế nào về điều này. Các nhà giao dịch chứng khoán mua khi giá cổ phiếu thấp, và họ bán khi giá cao. Đây là cách họ kiếm lợi nhuận. Nếu nó là như vậy, nó có liên quan đến nghiệp của họ. Làm ăn như vậy phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp của họ. Họ sẽ giàu có nếu có sự hỗ trợ của nghiệp quá khứ; nếu có chướng nghiệp, họ sẽ nghèo khó. Trong trường hợp sau, mặc dù giá được dự đoán là cao, nhưng nó thực sự sẽ thấp. Mặc dù lợi nhuận từ việc kinh doanh như vậy phụ thuộc vào nghiệp của mình, nhưng họ không cố ý tăng hoặc giảm giá bán và giá trị. Họ chờ xem điều gì sẽ xảy ra theo thời gian và điều kiện. Nếu là như vậy, thì đó không phải là cờ bạc. Tuy nhiên, một lần nữa, chủ ý của họ cần phải được tính đến. Như Đức Phật ( Buddha) đã nói, ‘Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vādāmi’ –‘Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng chủ ý (tư) là nghiệp.’101
Đây là một điểm quan trọng. Chia sẻ Giáo Pháp (Dhamma) là hình thức bố thí cao nhất, và Pháp thí thắng mọi thí;102 nhưng nếu một Tỳ khưu giải nghĩa Pháp ( Dhamma) vì danh tiếng và lợi lộc, thì đó là Tà Mạng. Những gì có vẻ là tốt đều không tất yếu phải luôn luôn như vậy; nó có thể phụ thuộc vào chủ ý của chúng ta. Do đó, tôi không muốn đưa ra phán quyết cuối cùng cho câu hỏi này. Có quá nhiều phụ thuộc vào chủ ý (tư).
Thiện Nghiệp được Hỗ Trợ bởi Thu Nhập có từ Tà Mạng
Hỏi: Kiếm sống bằng cách chăn nuôi bị cấm bởi Đức Phật (Buddha). Nếu thu nhập từ Tà Mạng của bất kỳ loại nào được sử dụng để thực hiện một hành động thiện như bố thí (dāna), thì hành động thiện này có mang lại lợi ích cho người thực hiện nó hay không?
Trả lời: Nếu Đức Phật Toàn Giác không xuất hiện trên thế gian, chúng ta sẽ đưa ra những đánh giá khác nhau. Điều này sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta không thể tự mình thấy được ngoài những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường; chỉ có Đức Phật (Buddha ) nhìn thấy rất rõ ràng và sâu sắc, thấu suốt mọi sự vận hành. Không có gì mà Toàn Giác Trí của Ngài không thể thấu suốt. Bất cứ điều gì Ngài muốn biết, Ngài đều có thể biết.103 Đức Phật (Buddha) giảng về thu nhập và việc sử dụng của cải trong các bài Kinh của Ngài.104
Giả sử một người nào đó kiếm sống bằng tà mạng và sau đó không bao giờ thực hiện bất kỳ nghiệp thiện nào. Anh ta chỉ làm nghiệp bất thiện ngoài việc dấn thân vào sinh kế tà mạng. Anh ta sử dụng lợi nhuận và thu nhập của mình một cách sai lầm. Anh ấy theo đuổi các dục và tận hưởng dục lạc. Anh ta không biết làm thế nào tốt cho riêng mình. Bây giờ, một người khác cũng kiếm sống bằng cách tà mạng và có nhiều thu nhập, nhưng anh ta cũng làm nhiều việc cúng dường với thu nhập đó. Mặc dù tà mạng của anh ta là nghiệp bất thiện, nhưng dù sao anh ấy cũng tích lũy được nghiệp thiện do nhiều việc làm bố thí dāna của mình. Nghiệp bất thiện của anh ta sẽ cho quả bất thiện, nhưng nghiệp thiện của anh ta sẽ cho quả tốt đẹp.
Người thứ nhất hoàn toàn không xứng đáng được khen ngợi hay ca tụng; anh ta đáng trách vì tà mạng của mình và không làm bất kỳ việc làm đáng khen nào. Trong khi người thứ hai đáng trách vì tà mạng của anh ta, nhưng anh ta đáng khen vì khoản cúng dường dāna của mình. Nếu tâm trí của người thứ hai có khuynh hướng muốn chấm dứt đau khổ trong khi thực hiện cúng dường, thì thiện nghiệp cúng dường sẽ là một nhân lành hỗ trợ cho sự giải thoát của anh ta.
Bố thí là nguyên nhân của thịnh vượng. Cho dù những người kiếm sống bằng tà mạng và như thế sẽ tích lũy nghiệp xấu, nhưng họ vẫn trở nên giàu có là nhờ vào thiện nghiệp trong quá khứ. Kết quả tốt đẹp mà họ có được là do nghiệp thiện quá khứ của họ đã chín muồi. Tuy nhiên, thành công trong những gì chúng ta làm, có thể là tà mạng hay chánh mạng, cũng phụ thuộc vào nghiệp, năng lực và nỗ lực hiện tại của chúng ta. Không có sự hỗ trợ của ba điều này, thành công sẽ không xảy ra.
Kinh Tālapuṭa Sutta
Hỏi: Có được phép kiếm sống bằng cách trở thành một vũ công, ca sĩ hay diễn viên không?
Trả lời: Có một câu trả lời trong lời dạy của Đức Phật (Buddha), bài Kinh Tālapuṭa Sutta:105
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá Rājagaha, tại Trúc Lâm, nơi nuôi dưỡng các con sóc.
Rồi Tālapuṭa, nhà vũ kịch sư, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, và bạch với Thế Tôn:
- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: “Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm cho quần chúng vui cười, thích thú: người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười”. Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?
- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.
Vũ kịch sư Tālapuṭa lập lại câu hỏi của ông ấy lần thứ hai, lần thứ ba. Bài kinh tiếp tục với câu trả lời của Đức Phật (Buddha):
- Thực sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: “Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này”. Tuy vậy, ta sẽ trả lời cho ông.
- Này thôn trưởng, đối với những loài hữu tình, thuở trước chưa đoạn trừ lòng tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trên kịch trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ tăng thịnh.
- Này thôn trưởng, đối với những loài hữu tình, thuở trước chưa đoạn trừ lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trên kịch trường, tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của họ càng tăng thịnh.
- Này thôn trưởng, đối với những loài hữu tình, thuở trước chưa đoạn trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường, tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ càng tăng thịnh.
- Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm cho người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ tái sanh trong địa ngục Hỷ tiếu. Nếu người ấy có suy nghĩ như sau: “Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười.” Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.
Khi được nói vậy, vũ kịch sư Tālapuṭa phát khóc và rơi nước mắt.
- Chính vì vậy, này thôn trưởng, ta đã không chấp nhận và nói: “Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này”.
- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Đạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: “Người vũ kịch nào trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm cho quần chúng vui cười, thích thú: người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười”.
- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy hình sắc. Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, nay con xin quy y Phật, Pháp, và chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!
Vũ kịch sư Tālapuṭa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
Chẳng bao lâu, sau khi xuất gia tu lên bậc cao, sống độc cư, viễn ly, chuyên cần, nhiệt tâm, cương quyết, Tôn giả Tālapuṭa, bằng sự chứng ngộ cho chính mình với tuệ tri, trong chính đời sống này đã vào an trú trong đời sống phạm hạnh làm cho các người vũ kịch cũng xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ngài biết rõ, “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa”. Và Tôn giả Tālapuṭa đã trở thành một trong những vị A-la-hán (Arahanta).
Chúng ta nên từ bỏ ảo tưởng của những người biểu diễn và giải trí, mà thay vào đó hãy làm theo ví dụ của Ngài Tālapuṭa bằng cách phấn đấu để chính chúng ta trở thành các vị A-la-hán (Arahanta).