Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Hãy Nương tựa Giáo Pháp (Dhamma), mà Không Phải Ai Cả
Trong lời khuyên mà Đức Phật ( Buddha) đã đưa ra cho các hàng đệ tử của Ngài về vấn đề này, người tuyên bố truyền dạy sự thật là một vị sư mà vị ấy cũng tuyên bố rằng đã nghe và nhận được lời dạy đó từ chính miệng Đức Phật (Buddha). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa một người và bản thân Giáo Pháp (Dhamma), như là một hiện thân hay nguồn gốc của sự thật. Trong hai điều này, Đức Phật (Buddha) coi trọng ( Dhamma) Giáo Pháp hơn. Tuy vậy, trong thực tế mọi người nhìn chung lại coi trọng con người hơn. Nếu nghe nói có một vị thầy thế này hay thế kia rất nổi tiếng là họ sẽ đến tiếp cận vị thầy ấy; họ thấy sự hấp dẫn của danh vọng và tiếng tăm. Đây là những gì họ nhìn thấy được; và đây cũng là cách mà thế giới diễn ra trong hầu hết trường hợp của mọi người. Ngược lạ i, chúng ta phải hành động để cải thiện chính bản thân mình.
Lý do cho tình trạng này là vì mọi người ban đầu không biết và không thấy được Giáo Pháp (Dhamma); họ chỉ nhìn thấy con người trước tiên. Nếu một vị thầy nổi tiếng, có hội chúng và môn đồ đông đảo, người ta cũng muốn đi theo. Đây là cách mọi việc đang diễn ra. Có lẽ khá tốt và hợp lý nếu vị thầy mà chúng ta tiếp cận nổi tiếng và có rất nhiều đệ tử đi theo, nhưng chúng ta cũng cần phải quan sát một cách cẩn trọng và tìm hiểu xem những gì vị thầy ấy dạy có phù hợp với lời dạy của Đức Phật (Buddha) hay không. Nếu phù hợp với Giáo Pháp của Đức Phật (Buddha), thì vâng, chúng ta phải nương theo – nhưng ngay cả khi ấy, những gì nên nghe theo không phải là người thầy mà chính là Giáo Pháp (Dhamma). Nếu gặp phải những lời dạy mâu thuẫn với lời dạy của Đức Phật (Buddha), chúng ta phải thành thật thừa nhận thực tế của vấn đề. Chúng ta phải có can đảm để chấp nhận sự thật, và chúng ta phải can đảm từ bỏ những gì là không thật ấy. Đây là lời khuyên của Đức Phật (Buddha).
Dù sao chúng ta cũng cần phải có tư duy đúng đắn. Chúng ta có thể từng có nhiều vị thầy từ khi còn trẻ và họ đã dạy cho chúng ta nhiều điều thiện lành. Họ dạy chúng ta cách bố thí, giữ giới, và hành thiền. Họ đã dành cho chúng ta nhiều sự tốt đẹp. Tuy nhiên, giải thoát là con đường dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna), và đó không phải là điều mà ai cũng có thể giảng dạy. Một số vị thầy nhấn mạnh những lời dạy của Đức Phật (Buddha) dưới dạng pariyatti, pháp học, vì thế họ có rất nhiều kiến thức thông qua việc học hỏi nhưng không có nhiều hiểu biết về pháp hành thực tế. Nếu chúng ta học từ những vị thầy này, họ có thể giải thích mọi thứ trên cơ sở những gì họ hiểu; chẳng có gì là sai với điều đó. Không có lý do gì để chúng ta phê bình họ chỉ vì họ thiếu thiện xảo. Khi thấy cần thiết để ‘từ bỏ những gì là không thực’ trong tình huống như vậy, ta nên từ bỏ bằng sự suy xét có trí tuệ mà không nên khởi tâm sân. Điều này thật quan trọng. Ta nên tiếp cận họ vì tất cả những điều tốt đẹp mà họ có, nhưng cũng nên rút lui khỏi họ vì những gì họ không thể làm. Chỉ khi thực hiện như vậy chúng ta mới có suy nghĩ tích cực và tư duy đúng đắn. Lúc ấy ta sẽ không làm hại chính mình và cũng sẽ không làm hại đến người khác.
Về vấn đề này, chúng ta nên bắt chước Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahāmoggallāna, không ai trong các Ngài đã được học từ Đức Phật (Buddha) ngay từ ban sơ. Lúc đầu, các Ngài thực hành với một vị thầy nổi tiếng nào đó, nhưng khi nghe những lời dạy của Đức Phật (Buddha), các Ngài chứng ngộ trở thành các bậc Thánh. Các Ngài giữ đúng quan điểm như sau: ‘Chúng ta rất biết ơn vị thầy của mình. Chúng ta phải cư xử theo cách một người bạn tốt sẽ làm.’ Tất cả chúng ta phải là bạn tốt đối với cha mẹ, anh chị em, những người đi theo chúng ta và vị thầy của chúng ta.
Khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahāmoggallāna quyết tâm thực hành theo Đức Phật (Buddha), các Ngài nhớ đến vị thầy cũ của mình, Sañjaya Belatthiputta, và các Ngài tự nhủ, ‘Thầy của chúng ta rất trí tuệ. Chúng ta nên giới thiệu những lời dạy thực sự của Đức Phật ( Buddha) cho thầy.’ Sau đó, các Ngài đến trước vị thầy cũ của mình và nói với ông, ‘Bạch thầy, Đức Phật Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian. Ngài dạy (Dhamma) Giáo Pháp chân thật. Nhiều người đã trở nên chứng ngộ dưới sự hướng dẫn của Ngài. Bạch thầy, thầy cũng nên đến gặp Ngài và thực hành dưới sự hướng dẫn của Ngài.’ Tuy nhiên, Sañjaya Belatthiputta đã trả lời, ‘Tất cả những người trí tuệ sẽ đến với Đức Phật ( Buddha). Những kẻ ngốc sẽ đến với ta. Đừng lo lắng.’ Bằng cách này, các Vị đã hoàn thành nhiệm vụ của mình như là những người học trò. Chúng ta phải làm những gì cần nên làm; quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi các vị thầy, các bậc trưởng thượng và cả chính cha mẹ của ta nữa, và đó không phải là mối bận tâm của chúng ta. Tất cả những gì cần làm là trở thành thiện bạn hữu cho tất cả họ, và đối với tất cả những người mà chúng ta gặp.
Trong thế giới này, kẻ ngu si đông hơn người thiện trí; do đó Sañjaya Belatthiputta đã nói, ‘Các ông không cần phải lo lắng. Có rất nhiều kẻ ngốc trên thế gian. Họ sẽ đến với ta.’ Ở đây rõ ràng đôi khi rất khó để từ bỏ một sự dính mắc ngay cả với một thứ không có giá trị; do phiền não mà chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những điều yêu thích và không yêu thích gây ra bởi chính phiền não của mình.
Thật may mắn, từ khi còn nhỏ, tôi đã là một người quan sát rất tốt. Khi gặp những người bằng tuổi và những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều, tôi nhận ra không phải tất cả người già đều khôn ngoan, trí tuệ hoặc đều có lý. Tôi cũng đã nhận ra ngay cả những người trẻ tuổi, đôi khi có thể khôn ngoan và hiểu biết lẽ phải mặc dù tuổi còn nhỏ. Tôi nhận ra là sự khôn ngoan không phụ thuộc vào tuổi tác. Do đó, tôi có thể không bao giờ cảm thấy tin tưởng chỉ đơn giản vì một người có thâm niên về tuổi tác hay danh tiếng; thay vào đó tôi sẽ cần phải dành thời gian để đánh giá người ấy. Vì thế, tôi thật là người may mắn. Nếu thích, quý vị cũng có thể làm như vậy.
Cho nên, lời khuyên của tôi là hãy nương vào Giáo Pháp (Dhamma), chứ đừng nương vào ai cả. Cho dù vị thầy ấy là ai, cũng đừ ng phụ thuộc vào vị thầy, thay vào đó hãy nương tựa Giáo Pháp (Dhamma). Giáo Pháp (Dhamma) là đáng tin cậy, trong khi con người có thể thay đổi. Còn Giáo Pháp (Dhamma) thì không bao giờ thay đổi. Một người có thể đầu độc người khác, nhưng Giáo Pháp (Dhamma) không bao giờ đầu độc bất cứ ai. Do đó hãy nương tựa vào Giáo Pháp (Dhamma), đừng dựa vào ai cả . Tốt hơn hết, người truyền bá Giáo Pháp (Dhamma) là người mà quý vị có thể dựa vào lúc này. Tuy nhiên, nếu thấy người đó thay đổi, quý vị cần nên cẩn trọng; quý vị nên là người quan sát tốt. Cần phải phân biệt giữa Giáo Pháp (Dhamma) và con người.
Đã Làm Phước Thiện trong Quá Khứ
Chú giải giải thích ‘Pubbe ca katapuññatā’ – ‘Đã làm các phước thiện trong quá khứ’ – trong câu kệ được trích dẫn ở trên như sau: ‘Pubbe katapuññatā nāma atītajātiyaṃ buddhapaccekabuddhakhīṇāsave ārabbha upacitakusalatā, sāpi maṅgalaṃ’ – “Đã làm các phước thiện trong quá khứ” nghĩa là đã có tích lũy những hành động thiện lành trong những kiếp trước đối với chư Phật (Buddha), chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) hoặc những người đã diệt tận mọi phiền não. Đây cũng là một phước lành.’
Đức tin của chúng ta đối với Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha) là do chúng ta đã có tích lũy thiện nghiệp liên quan đến chư Phật (Buddha), chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) và chư Thánh Thanh Văn. Vì lý do đó, chúng ta mới có niềm tin vào Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha) ngay trong kiếp sống này. Đức tin của chúng ta liên quan đến nghiệp đã được tích lũy trong quá khứ của mình; và nếu không có sự hỗ trợ của nghiệp quá khứ đó, thì không thể nào có đức tin như thế. Bởi vì chúng ta đã tích lũy những hành động phước thiện trong quá khứ , nên chúng ta mới có cơ hội thụ thai trong bụng của một người mẹ tin vào Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha). Cũng vì lý do này, mà chúng ta mới có cơ hội được tái sanh ở nơi Giáo Pháp của Đức Phật (Buddha) được phổ biến. Theo cách này, chúng ta trở thành những người có đức tin vào Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha). Đức tin của chúng ta vào Tam Bảo có liên quan đến pubbe ca katapuññatā, những hành động phước thiện mà chúng ta đã làm trong quá khứ.
Mỗi người trong chúng ta chắc chắn thích gặp một người trung thực, một người bạn chân thật, và có một người như vậy trong những kiếp sống của mình. Một người tin cậy rất khó tìm. Khi tìm kiếm một người trung thực thuộc dạng này, chúng ta đang tìm kiếm một ai đó ở bên ngoài. Mặc dù chúng ta đi tìm một người nào khác bên ngoài mình, nhưng trong khi đó thật khó có thể nói rằng chúng ta trung thực với chính bản thân mình. Nếu chúng ta không trung thực ngay cả với chính mình, thì thật vô lý khi mong đợi người khác chân thật với chúng ta.
Tuy nhiên vẫn có điều này – dù không phải là con người thực tế, nhưng một điều gì đó giống như con người – mà thật sự trung thành với chúng ta trong mọi lúc. Đó là nghiệp của chúng ta. Nghiệp của chúng ta là chân thật. Nếu quý vị đã tích lũy nghiệp tốt lành, nó luôn luôn trung thành. Nếu quý vị đã tích lũy nghiệp xấu ác, nó cũng luôn trung thành. Chúng không bao giờ đưa ra kết quả không nhất quán hoặc không đáng tin cậy. Nghiệp tốt luôn luôn cho quả tốt, và nghiệp xấu luôn luôn cho quả xấu. Chúng luôn trung thực trong việc đưa ra kết quả tương ứng. Hãy cân nhắc cẩn thận xem quý vị muốn tiếp tục cuộc hành trình của đời mình với nghiệp trung thành tốt hay với nghiệp trung thành xấu. Sự lựa chọn là ở quý vị.
Nghiệp là một người trung thực. Nếu quý vị được nhiều người khen ngợi, hãy hạnh phúc với điều đó. Nghiệp, yếu tố trung thực của quý vị, đang cho kết quả của nó. Cũng hãy hạnh phúc nếu quý vị bị chỉ trích hay bị khiển trách bởi nhiều người, vì đây cũng là yếu tố trung thực của quý vị cho quả của nó. Không ai khác làm điều đó. Nghiệp của quý vị luôn luôn trung thực.
Theo cách này, nhữ ng gì chúng ta đã tích lũy trong quá khứ sẽ dẫn dắt chúng ta quyết định con đường nào để đi. Suy xét lại nhiều học trò của tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau: nghiệp khiến họ tái sanh ở nơi không có những lời giảng dạy của Đứ c Phật (Buddha), nhưng trong quá khứ họ đã tích lũy nghiệp thiện liên quan đến Pháp của Đức Phật (Buddha). Do đó, khi họ lớn lên, họ khao khát Giáo Pháp (Dhamma) và mong mỏi điều đó. Đây là yếu tố nghiệp của họ, yếu tố trung thực của họ. Đây cũng là lý do tại sao họ không thể ở lại nơi mình đã sinh ra; nghiệp thúc đẩy họ đi đến nơi mà có thể tìm thấy những lời dạy của Đức Phật (Buddha). Cho nên, nghiệp là thực sự trung thực.
Nếu ai đó thích nghe Pháp (Dhamma), là do những phước thiện đã từng làm trong quá khứ pubbe ca katapuññatā; người như vậy là có sự hỗ trợ này. Đức Phật (Buddha) nói rằng nếu chúng ta thấy một kết quả nào đó, thì nguyên nhân chính là do quá khứ, trong khi nguyên nhân hiện tại chỉ là hỗ trợ. Hãy xem xét thực tế rất nhiều người trên thế giới muốn được giàu có. Phần đông trong số họ đặt rất nhiều nỗ lực vào khát vọng giàu có của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả họ đều trở nên phồn thịnh. Giả sử hai người có hoàn cảnh rất giống nhau, cả hai đều muốn trở nên giàu có. Người đầu tiên đặt rất nhiều nỗ lực cho mục tiêu ấy, và người thứ hai còn nỗ lực nhiều hơn nữa; Thế nhưng, người thứ nhất trở nên thịnh vượng, trong khi người thứ hai lại không được như vậy. Lời giải thích là nếu nguyên nhân chính: nghiệp quá khứ như bố thí bị thiếu hay không đầy đủ, thì không thể trở nên giàu có được, dù cho có nhiều nỗ lực ở hiện tại đã được bỏ ra. Phải có nguyên nhân chính trong quá khứ. Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ nguyên nhân chính trong quá khứ, nhưng cũng sẽ không có được sự hỗ trợ hiện tại nếu chúng ta không nỗ lực ở hiện tại, và mục tiêu sẽ không được hiện thực hoá. Phải có nguyên nhân chính trong quá khứ cũng như nguyên nhân hỗ trợ ở hiện tại.
Các nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng vào việc hành thiền. Một số người có thể tu tiến Định trong một thời gian ngắn trong khi những người khác thì không thể, mặc dù họ đã nỗ lực rất nhiều. Tất cả đều cố gắng. Tuy nhiên, vì có nghiệp quá khứ liên quan đến thiền định yếu kém, nên một số người có thể không thấy kết quả nhanh chóng, hoặc họ có thể chẳng thấy kết quả nào cả. Theo cách này, việc thành tựu an chỉ định (jhāna) liên quan rất nhiều đến nghiệp đã tích lũy trong quá khứ của mình, mặc dù chúng ta cũng cần sự hỗ trợ ở hiện tại. Tuy vậy, ngay cả khi đã có nghiệp tích lũy ở quá khứ, và ngay cả khi đã từng thực hành an chỉ định (jhāna) trong quá khứ, thì cũng không thể nào đạt được an chỉ định (jhāna) nếu chúng ta không thực hành ở hiện tại. Cho nên, nguyên nhân chính trong quá khứ và nguyên nhân hỗ trợ ở hiện tại phải được hội đủ và chỉ sau đó mới có thể thấy kết quả mà chúng ta mong đợi. Do đó, Đức Phật (Buddha) cho biết nguyên nhân chính là nghiệp quá khứ, trong khi nỗ lực hiện tại là nguyên nhân hỗ trợ.
Tương Tự như Đào Giếng
Theo kinh nghiệm giảng dạy của tôi, thực hành thiền để tu tiến Định giống như đào giếng. Nếu quý vị đào một cái giếng rất xa sông hoặc xa biển, quý vị cần phải đào rất sâu; nhưng nếu quý vị đào một cái giếng gần sông, nước sẽ dâng lên rất nhanh. Việc thực hành của những hành giả đã thành công với thiền chỉ (samatha) trong quá khứ gần, giống như đào giếng gần sông, và kết quả đến rất nhanh. Nếu sự thành công trong thiền chỉ (samatha) xảy ra ở quá khứ xa hơn, có thể ở kiếp thứ tư hoặc kiếp thứ năm trong quá khứ, dù họ đã từng thực hành tốt nhưng không phải mới đây, cho nên họ cần thêm một chút thời gian.
Do đó, những người chưa nhìn thấy kết quả mong muốn không nên đưa ra phán đoán sai lầm và kết luận rằng họ không có đủ ba-la-mật (pāramī). Nếu quý vị cảm thấy thiền của mình không được như mong đợi, có lẽ bản thân quý vị đã thực hành trong quá khứ khá xa mà thôi, vì vậy quý vị chỉ cần đào sâu hơn một chút. Đây là một đánh giá rất thực tế. Tôi có một số học trò đã thành công trong thực hành chỉ với mộ t thời gian ngắn. Một số thực hành thành công trong vòng một vài ngày, những người khác trong vòng một tháng, còn những người khác trong vòng hai tháng. Cũng có một số người mất một năm, và những người khác thậm chí có thể mất bốn năm. Họ rất quyết tâm, và tôi đều tôn trọng họ. Tôi không bao giờ chê trách các học trò của mình. Họ cố gắng đến đâu, tôi giúp họ đến đó, vì chúng ta cần kiên nhẫn cho đến thời điểm chín muồi. Cho nên, hãy chú tâm và kiên quyết tiếp tục cuộc hành trình – hành trình này là hành trình quan trọng nhất của chính mình, cuộc hành trình Pháp (Dhamma) của chúng ta.
Nếu nhìn vào kiếp trước từ quan điểm của kiếp hiện tại, thì đó là quá khứ của chúng ta. Nếu coi sự hiện hữu hiện tại từ quan điểm tương lai, thì kiếp sống hiện tại này sẽ trở thành quá khứ. Vì thế, ngay chính kiếp sống này, chúng ta phải tham gia làm các thiện pháp ngày càng nhiều hơn. Đây là phước thiện đã tích lũy trong quá khứ ‘pubbe ca katapuññatā’ dành cho ngày tương lai. Kiếp sống hiện tại là sự hiện hữu mà trong đó chúng ta có thể thực sự làm được điều gì đó. Nếu quý vị chưa quán sát được quá khứ thông qua việc thực hành thiền Định, thì quý vị không biết được quá khứ của mình. Tuy nhiên, quý vị chắc chắn có thể hành động trong kiếp sống hiện tại này, cho nên hãy cố gắng hết sức ngay từ bây giờ.
Tổ chức khóa thiền không phải là việc dễ dàng, vì vậy ban tổ chức có cơ hội tích lũy rất nhiều thiện nghiệp. Những người phục vụ Giáo Pháp (Dhamma) có cơ hội tuyệt vời để tích lũy nghiệp thiện lành. Vì lợi ích của những người muốn hành thiền, họ tổ chức, giúp đỡ và làm nhiều việc cần thiết để hỗ trợ. Nếu xem xét hiện tại từ góc nhìn của tương lai, chúng ta thấy rằng, trong tất cả việc đang làm, chúng ta đang tích lũy nghiệp tốt lành, đó là phước thiện đã làm trong quá khứ ‘pubbe ca katapuññatā’. Hãy hoan hỷ về điều đó.