Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Hai Loại Hành Giả Minh Sát
Một người sẽ có khả năng biết và thấy sắc chân đế như Đức Phật (Buddha) đã dạy nếu thực hành theo lời dạy của Ngài. Nói ngắn gọn, để có sự hiểu biết và tầm nhìn đúng về Chân Đế, cần thực hành thiền quán hay minh sát ( vipassanā) như Đức Phật (Buddha) đã dạy. Kể từ thời Đức Phật (Buddha), đã có hai loại hành giả, tức là, quán-thừa (thuần-quán) hành giả một loại và chỉ- thừa (chỉ-và-quán) hành giả là loại kia. Cả hai loại đều có thể mở cánh cửa đến Níp- bàn (Nibbāna). Một số người muốn mở cánh cửa đến Nibbāna như những thuần-quán hành giả, và nhiều người khác muốn mở cánh cửa đến Nibbāna như những chỉ-và-quán hành giả. Cả hai cách đều có thể.
Cần phải hiểu những điểm tương đồng và khác biệt giữa những loại hành giả này. Con đường dẫn đến Nibbāna là giống nhau cho cả hai; bao gồm tam học – Giới học, Định học, và Tuệ học. Điều này là giống nhau cho cả hai loại hành giả. Những người muốn là chỉ- và-quán hành giả cần tu tiến an chỉ định trước. Nó liên quan đến phần tu học thứ hai – Định học. Khi Đức Phật (Buddha) dạy về Định, Ngài dạy bốn mươi đề mục thiền định (samatha) khác nhau. Ba mươi trong số bốn mươi đề mục này đưa đến an chỉ định, trong khi mười đề mục còn lại chỉ đưa đến cận định. Vì chỉ-và- quán hành giả trước tiên phải tu tiến an chỉ định, nên họ cần phải thực hành một trong ba mươi đề mục đưa đến an chỉ định. Niệm hơi thở (ānāpānasati) là một trong những đề mục này. Nếu thực hành ānāpānasati, hành giả có thể đạt được an chỉ định sơ thiền (paṭhamajjhāna), an chỉ định nhị thiền (dutiyajjhāna), an chỉ định tam thiền (tatiyajjhāna), và an chỉ định tứ thiền (catutthajjhāna). Sau khi đạt được tứ thiền, hành giả sẵn sàng tiến tới phần tu học thứ ba, Tuệ học.
Khi Đức Phật (Buddha) dạy tu tập thiền minh sát, Ngài chỉ giảng dạy hai đề mục thiền duy nhất – thiền sắc pháp (rūpa) và thiền danh pháp (nāma) . Khi Đức Phật (Buddha) dạy thiền sắc pháp (rūpa), Ngài dạy hành thiền tứ đại. Chú giải nói rằng, ‘Duvidhañhi kammaṭṭhānaṃ rūpakammaṭṭhānañca arūpa-kammaṭṭhānañca’ – ‘Khi Đức Phật (Buddha) dạy vipassanā, Ngài dạy thiền sắc pháp (sắc nghiệp xứ rūpakammaṭṭhāna) và thiền danh pháp (danh nghiệp xứ arūpakammaṭṭhāna).’ Chú giải cũng nói rằng ‘Tattha bhagavā rūpakammaṭṭhānaṃ kathento saṅkhepamanasikāravasena vā vitthāramanasikāra-vasena vā catudhātuvavatthānaṃ kathesi’ – ‘Khi Đức Phật (Buddha) dạy thiền sắc pháp (rūpa), Ngài dạy thiền tứ đại bằng phương pháp đại cương và chi tiết.’59
Thiền tứ đại được sử dụng cho thiền quán (minh sát) vipassanā và cũng là một trong bốn mươi đề mục thiền định (chỉ tịnh) samatha. Đức Phật (Buddha) đã dạy thiền tứ đại như là thiền sắc pháp (rūpa), đó là điểm khởi đầu của thực hành vipassanā. Như một đề mục thiền chỉ tịnh (định) samatha thì thiền tứ đại là một trong mười đề mục mà chỉ đưa đến cận định.
Khi các chỉ-và-quán hành giả muốn tiến tới thiền minh sát, trước tiên họ thực hành niệm hơi thở ānāpāna cho đến tứ thiền. Sau đó, nếu muốn bắt đầu thực hành minh sát với thiền sắc pháp (rūpa), tiếp theo họ phải thực hành thiền tứ đại có hệ thống theo cách Đức Phật (Buddha) đã dạy. Đây là cách mà các chỉ-và-quán hành giả thực hành; sau khi tu tiến an chỉ định, họ bắt đầu thiền quán bằng thiền tứ đại, đó là thấy biết rõ sắc pháp (rūpa).
Ngược lại, thuần-quán hành giả không tu tiến an chỉ định, nên họ thực hành trực tiếp thiền minh sát. Họ phải bắt đầu thực hành thiền minh sát của mình bằng thiền sắc pháp (rūpa), vì mục đích đó họ cần phải thực hành thiền tứ đại.
Khi đến thời điểm bắt đầu thiền minh sát, thì sự thực hành là như nhau đối với cả hành giả có an chỉ định và hành giả không có an chỉ định. Cả hai bắt đầu hành vipassanā với thiền tứ đại. Sự khác biệt giữa họ là một người có an chỉ định và người kia thì không. Điểm giống nhau là, khi họ bắt đầu hành thiền minh sát, cả hai sẽ bắt đầu bằng thực hành thiền tứ đại như là thiền sắc pháp (rūpa).
Định càng mạnh thì càng thâm nhập tốt. Do đó, càng nhiều càng tốt, chúng tôi khuyến khích các hành giả tu tiến an chỉ định đề mục hơi thở ānāpāna. Sự thâm nhập sau này của họ sẽ sâu sắc hơn nếu tiếp tục từ đây. Đây không phải là vấn đề dính mắc với an chỉ định; mà đúng hơn chúng ta thấy rằng thật là hữu ích biết bao. Tuy nhiên, nếu các thiền sinh gặp khó khăn trong việc tu tiến an chỉ định, thì chúng tôi xem xét chọn cách dạy họ thực hành trực tiếp thiền tứ đại và bắt đầu vipassanā như những hành giả thuần-quán.