Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Giữ Mình Được Tốt Đẹp Đúng Hướng
Phước lành cao thượng sau cùng được liệt kê trong bài kệ được trích dẫn là ‘attasammāpaṇidhi ca’ – ‘giữ mình được tốt đẹp’ (đúng hướng). Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng. Chú giải nói rằng: ‘Attasammāpaṇidhi nāma idhekacco attānaṃ dussīlaṃ sīle patiṭṭhāpeti, assaddhaṃ saddhāsampadāya patiṭṭhāpeti, macchariṃ cāgasampadāya patiṭṭhāpeti. ayaṃ vuccati “attasammā-paṇidhī”ti, eso ca maṅgalaṃ’. Điều này nghĩa là những người trước đây không có đức hạnh, giờ đã cải thiện bản thân bằng cách dấn thân vào con đường đức hạnh. Nói cách khác, những người không thực hành giới hạnh trước đây thì nay bắt đầu thực hành giới hạnh. Những người không có niềm tin vào Phật, Pháp và Tăng, cũng như nghiệp và quả của nghiệp, giờ đây tìm cách phát triển đức tin như vậy. Những người keo kiết bắt đầu thực hành xả thí. Đây là cách chúng ta giữ mình cho được tốt đẹp đúng hướng.
Sự thay đổi hành vi này có liên quan đến phước thiện đã làm trong quá khứ pubbe ca katapuññatā ở chỗ, nếu chúng ta đặt mình vào đúng hướng, chúng ta có cơ hội thực hiện nhiều thiện pháp hơn. Nếu tích lũy ngày càng nhiều nghiệp thiện lành, là như thể chúng ta đang hẹn gặp những người bạn trung thành của chúng ta trong tương lai – không phải là bạn xấu ‘trung thành’, mà là những người bạn tốt trung thành. Nếu không giữ mình được tốt đẹp đúng hướng, người ta sẽ làm nhiều việc bất thiện và tích tụ chồng chất, nên trong tương lai sẽ gặp những người bạn xấu trung thành. Cầu chúc cho quý vị có thể tiếp tục cuộc hành trình tương lai của mình với những người bạn trung thành tốt đẹp và thiện lành!
Không Ngừng Chạy Theo Ái Dục
Trở lại chủ đề của Tục Đế, rất hữu ích để hiểu rằng Đức Phật (Buddha) đã dạy Tục Đế bởi vì có nhiều người không nhìn thấy lỗi lầm và sự nguy hiểm của ái dục, mà thay vào đó họ chỉ thấy hạnh phúc trong các dục lạc, cho nên họ lang thang vô tận trong vòng tái sanh, hết lần này đến lần khác. Đối với những người như vậy, cần phải sử dụng Tục Đế để giải thích cho họ về cách sống, làm thế nào để kiếm sống và cách hướng cho bản thân họ đi đúng đường.
Rất ít người nhận thức được lỗi lầm và nguy hại của dục lạc. Trái lại, mọi người trên thế gian đang chạy theo sự mưu cầu ái dục vì họ thấy hạnh phúc mà nó mang lại. Ngay cả chính Đức Phật (Buddha) cũng nhận định, ‘Ta không nói rằng không có hạnh phúc trong dục lạc. Có. Đó là lý do tại sao chúng sinh theo đuổi dục lạc.’38.
Tất cả những ái dục khác nhau của thế gian đều hấp dẫn tâm trí chúng ta; chúng ta hưởng thụ dục lạc rất nhiều. Nếu Đức Phật (Buddha) không xuất hiện trên thế gian, chúng ta sẽ không làm gì ngoài việc chạy theo ái dục, không có ý niệm nào dù nhỏ nhoi nhất về điều gì là đúng đắn. Chúng ta muốn theo đuổi dục lạc vô cùng tận và không kiềm chế. Tuy nhiên, khi Đức Phật (Buddha) xuất hiện trên thế gian, Ngài đã giải nghĩa những gì là thiện và quả của thiện, cũng như những gì là bất thiện và quả của bất thiện. Nhờ có Đức Phật (Buddha) xuất hiện trên thế gian, nên chúng ta mới biết rằng có các chúng sinh nhân loại, chúng sinh Chư thiên (deva) và chúng sinh Phạm thiên (brahmā), và có cõi nơi mà loài người cư ngụ, những cõi nơi Chư Thiên cư ngụ, và những cõi nơi Chư Phạm Thiên cư ngụ. Ngoài ra còn có cõi địa ngục nơi chúng sanh địa ngục nương náu. Do nhờ Đức Phật (Buddha) xuất hiện trên thế gian mà chúng ta mới có cơ hội để biết rằng có bốn đọa xứ.
Một trong bốn đọa xứ là cõi bàng sanh (súc sanh) . Tất nhiên, ngay cả khi Đức Phật ( Buddha) không xuất hiện trên thế gian, thì mọi người chắc chắn cũng nhận biết được những con vật, do nhìn thấy chúng rất nhiều xung quanh mình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không biết rằng có một mối liên hệ giữa chúng và chúng ta. Ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn giữ quan điểm sai lầm rằng động vật đã được tạo ra cho chúng ta ăn. Nhờ sự xuất hiện của Đức Phật (Buddha), nên chúng ta mới có thể có quan điểm đúng đắn về vấn đề này. Động vật là một phần của cuộc sống chúng ta. Nếu quý vị quán sát được kiếp trước, quý vị mới biết rằng thật không may, quý vị đã tái sanh là con vật trong một số tiền kiếp của mình, bởi vì quý vị đã tái tục ở nhiều dạng hiện hữu khác nhau trong vòng luân hồi39. Ngoại trừ cõi Ngũ Tịnh Cư (Suddhāvāsa) trong Phạm Thiên Giới40 thì không có sự tồn tại nào mà chúng ta chưa từng tái sanh trong quá khứ. Chỉ có Đức Phật (Buddha), nhờ sự xuất hiện của Ngài trên thế gian mới có thể khai sáng cho chúng ta về sự thật trong những vấn đề này. Nếu Ngài không xuất hiện trên thế gian, chúng ta vẫn sẽ cực kỳ và hoàn toàn mù quáng, vì ‘đời này thật mù quáng’, như Đức Phật (Buddha) đã nói41.
Một trong những học trò của tôi có thể quán sát những kiếp quá khứ của mình rất sâu sắc; anh ấy đã tiến đến việc biết được quá khứ của mình và rất hối hận. Anh ta đã có hành vi tà dâm với một người nữ có đức hạnh. Khi nghiệp bất thiện đó chín muồi vào sát-na cận-tử, một ngọn lửa rất mạnh mẽ xuất hiện trong tâm mình. Anh ấy rơi thẳng xuống địa ngục. Theo cách này, có địa ngục và nguyên nhân rơi xuống địa ngục, chẳng hạn như hành vi tà dâm. Tuy nhiên, chỉ khi Đức Phật (Buddha) xuất hiện trên thế gian, chúng ta mới biết được nghiệp và quả của nghiệp.
Nghệ Thuật Sống
Một số người có quan điểm cho rằng đời sống của chúng ta kéo dài không quá thời gian giữa cái nôi và nấm mồ. Họ nói rằng mọi thứ kết thúc bằng cái chết, và do đó, người ta nên tận hưởng hết bất cứ thứ gì mà người ta muốn thọ hưởng ngay khi còn sống. Nhiều người vẫn giữ quan điểm nguy hiểm này. Nhưng thực ra, sống thật sự là nghệ thuật.
Chính nhờ những lời dạy của Đức Phật (Buddha) mà chúng ta mới biết cách sống, và thậm chí sau đó chúng ta chỉ biết được một phần hoặc đến một mức độ nào đó để sống. Nếu Đức Phật (Buddha) không xuất hiện trên thế gian thì chúng ta cũng sẽ không thực sự biết cách sống đúng đắn, và như vậy sẽ là trường hợp người mù dẫn dắt người mù. Nếu Đức Phật (Buddha) không xuất hiện trên thế gian, chúng ta cũng sẽ bị rối mù trước sự vận hành của nghiệp. Chính chúng ta sẽ là nguyên nhân cho sự đau khổ của mình, bởi vì chúng ta mù quáng – mù quáng trước sự thật. Sống, do đó, là nghệ thuật, nhưng nó chỉ là như vậy sau khi chúng ta có được kiến thức lợi lạc cho mình thông qua những lời dạy của Đức Phật (Buddha); sau đó chúng ta dần điều chỉnh cách sống của mình và hoàn thiện nó. Chúng ta hãy thử nghiệm nghệ thuật sống, và cố gắng tạo tác một nghệ thuật sống.
Chúng ta có được kiến thức như vậy thông qua việc lắng nghe những lời dạy của Đức Phật ( Buddha), đã được truyền lại theo cách chúng ta có thể hiểu, cụ thể bằng những thuật ngữ của Tục Đế. Tục Đế dạy chúng ta cách sống. Tục Đế dạy chúng ta cách hoàn thiện.
Tục Đế dạy chúng ta cách chuẩn bị cho cái chết. Tục Đế dạy chúng ta làm thế nào để hướng tới những hiện hữu tốt đẹp trong tương lai và làm thế nào để tránh tạo ra những điều sẽ khiến chúng ta đau khổ trong bốn đọa xứ. Tục Đế dạy chúng ta cách sống hòa hợp. Tục Đế dạy chúng ta cách phát triển đất nước và cách tôn trọng lẫn nhau. Tục Đế dạy cho chúng ta biết trách nhiệm của mỗi cá nhân là gì. Tục Đế quan trọng là thế!
Các tôn giáo trên thế giới chỉ sử dụng một sự thật duy nhất – tục đế. Điều này không có nghĩa là họ biết được chân sự thật. Họ truyền đạt thông điệp và lời dạy cho những tín đồ bằng các thuật ngữ chế định. Đây chỉ là tục đế. Ngay cả khi đó, tục đế mà họ dạy vẫn còn thiếu sót so với Tục Đế được dạy bởi Đức Phật (Buddha). Họ sử dụng các thuật ngữ chế định trong giáo lý của họ, trong sự trộn lẫn tốt và xấu. Do đó, giáo lý của họ là không hoàn hảo, vì họ không thể nhìn xa hơn những gì họ thấy bằng mắt thường, cho nên những lời dạy của họ bị giới hạn trong những gì họ chỉ có thể nhìn thấy và tưởng tượng. Không thể vượt qua những ranh giới này và thiếu hẳn trí tuệ thực chứng về Chân Đế, các vị thầy của các tôn giáo thế gian bị mù quáng, và đến lượt họ hướng dẫn sai đường cho các tín đồ. Điều này rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, Giáo Pháp (Dhamma) của Đức Phật (Buddha) toàn hảo chính xác bởi vì Đức Phật (Buddha) có tri kiến về Chân Đế – một tri kiến vượt ra ngoài những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ngoài tầm nhìn của người thường, và một trí tuệ siêu việt. Chính tri kiến về Chân Đế làm cho Giáo Pháp của Ngài trở nên toàn hảo. Không có lỗ hổng trong giáo huấn của Ngài; không ai có thể tìm thấy điều gì sai lầm. Lời dạy của Ngài toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn cuối. Do đó, chúng ta rất may mắn và nên cố gắng hết sức để duy trì Giáo Pháp (Dhamma) của Đức Phật (Buddha). Chúng ta nên truyền lại Giáo Pháp này cho người khác giống như nó đã được truyền lại cho chúng ta. Đây là phận sự của tất cả chúng ta phải làm. Chúng ta phải chung tay hoàn thành phận sự này của mình.