Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Chú Trọng Vào Thực Hành
Pháp Học và Pháp Hành
Hỏi : Dường như sẽ mất vài năm để học Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) và đưa vào thực hành. Tôi muốn xin một vài lời khuyên về việc pháp học liên quan thế nào đến pháp hành và chúng hỗ trợ nhau thế nào.
Trả lời: Tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và đã dạy người nước ngoài gần mười bốn năm nay. Họ thường có rất ít kiến thức về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), nhưng họ thường có thể tu tiến Định nhờ ba-la-mật (pāramī) của mình. Như Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Một người có Định biết và thấy Pháp (Dhamma) đúng như thật.’ Học và hành đi cùng nhau. Đó là cách tốt nhất.
Nếu có thời gian để học trước, chúng ta nên làm như vậy; nhưng khi các học trò của tôi đang tu tiến Định, tôi cũng sẽ dạy họ những gì cần biết. Họ đến trình pháp hằng ngày, bao gồm việc giải thích và học cách để chú tâm, làm thế nào để duy trì tâm và vân vân. Đây là pháp học. Sau đó, các học trò áp dụng những gì họ được học vào thực hành khi đi về hành thiền. Một khi họ đã phát triển Định, tôi dạy họ cách để quán sát sắc chân đế. Trước tiên tôi phải giải thích cách thực hành như thế nào. Đây cũng là pháp học. Sau đó, hành giả phải đi và thực hành trên nền tảng Định của mình để đạt được sự hiểu biết trực tiếp. Quán sát danh chân đế là bước tiếp theo.
Tất cả các đệ tử của tôi tu tập theo cách này và đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn cả một học giả bởi vì một vị học giả không có trí tuệ thực chứng. Hành giả mới có sự hiểu biết trực tiếp. Sau đó, khi nghiên cứu, trí tuệ của hành giả sẽ càng sâu sắc hơn nữa. Các học giả hoài nghi về việc thực sự có thể biết và thấy danh sắc chân đế hay không. Liên quan tương sinh là biết và thấy Thánh Đế Thứ Hai, được giải thích vô cùng sâu sắc trong những lời dạy của Đức Phật (Buddha), nhưng các học giả vẫn cảm thấy hoài nghi ngay cả với Liên quan tương sinh. Còn các hành giả đã đoạn trừ những hoài nghi này. Chúng tôi dạy các học trò trên thực tế, giải thích làm sao để thâm nhập lời giảng dạy một cách trực tiếp. Vì vậy, tốt nhất là khi cả giảng dạy và thực hành đi song song cùng nhau. Tuy nhiên, cũng thật tốt nếu hành giả có thời gian để học, trước khi đi đến một nơi nào đó để thực hành.
Cầu Xin Gì Đó từ Đức Phật (Buddha)
Hỏi: Khi Đức Phật (Buddha) đã nhập diệt Bát-Níp-bàn (Parinibbāna), nếu chúng ta nguyện cầu điều gì đó từ Đức Phật (Buddha) hoặc xin Ngài giúp đỡ, điều đó có nghĩa là những yêu cầu của chúng ta sẽ không được đáp ứng?
Trả lời: Đừng cầu xin bất cứ điều gì từ Đức Phật (Buddha). Ngài sẽ không ban nó cho bạn. Đức Phật (Buddha) không phải là một vị cứu tinh. Đức Phật (Buddha) nói:
Tumhehi kiccaṃ ātappaṃ, akkhātāro Tathāgatā. Paṭipannā pamokkhanti, jhāyino mārabandhanā.100
Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma.
Đừng bao giờ cầu xin bất cứ điều gì từ Đức Phật (Buddha). Từ những điều cơ bản đến những thành tựu cao thượng, Ngài đã hướng dẫn cho chúng ta về cách sống, cách chết và cách chấm dứt đau khổ.
Chúng ta quy y Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Saṅgha): ‘Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi’ – ‘Con xin quy y Phật (Buddha); Con xin quy y Pháp (Dhamma); Con xin quy y Tăng (Saṅgha).’
Chúng ta không quy y vì muốn Đức Phật (Buddha) cứu vớt chúng ta. Đức Phật (Buddha) không phải là một vị cứu tinh. Quy y Phật (Buddha) nghĩa là chúng ta sẽ nghe theo và thực hành con đường Đức Phật (Buddha) đã dạy. Quy y Pháp (Dhamma) nghĩa là chúng ta sẽ nghe theo và thực hành Giáo Pháp (Dhamma) được dạy bởi Đức Phật (Buddha) . Quy y Tăng (Saṅgha) nghĩa là chúng ta sẽ nghe theo và thực hành những gì Chư Tăng (Saṅgha) dạy cho chúng ta.
Rất khó để có được sự hướng dẫn tốt. Sau khi nhận được sự hướng dẫn tốt, chúng ta phải nương tựa vào chính mình. Nếu không làm theo những gì chúng ta đã được dạy mà lại thực hành theo những gì chúng ta biết, thì không một ai khác có thể giúp đỡ. Chúng ta thực hiện một ước nguyện, có nghĩa là thiết lập một đích đến, một mục tiêu. Bồ-tát (bodhisatta) đã thực hiện một ước nguyện trở thành một vị Phật (Buddha). Tuy nhiên, mặc dù Ngài đã thực hiện một ước nguyện, nhưng Ngài không thể trở thành một vị Phật khi chưa hoàn thành tất cả các yêu cầu cần thiết. Thực hiện một ước nguyện là điều cần thiết và quan trọng, nhưng ước nguyện ấy phải được theo sau bằng hành động. Không hành động thì không có gì có thể xảy ra. Khi chúng ta đã được nghe Pháp (Dhamma), chúng ta có thể rất hoan hỷ và muốn chứng ngộ Pháp; nhưng nếu chỉ ngồi không thì chúng ta sẽ không thể nào chứng ngộ được.
Trì Hoãn Sự Tu Tập Cho Đến Khi được Tái Sinh trong Cõi Chư Thiên
Hỏi: Có người nói với tôi rằng anh ấy không muốn tu tập ngay bây giờ. Anh ta muốn đợi cho đến khi được tái sinh trong thiên giới rồi hành thiền ở đó sau.
Trả lời: Một điều như vậy là không thể đối với những người đi lên thiên giới nhờ phước thiện của việc cúng dường hay giữ giới. Bố thí và giữ giới là những lý do họ sinh ra trong thiên giới, chứ không phải hành thiền. Họ đã không thực hành thiền trong kiếp này, vì vậy họ cũng không thể thực hành thiền ở đó. Tâm của những thiên chúng như vậy không nghiêng về hành thiền; thay vào đó, họ không may nghiêng về phía hưởng thụ dục lạc thiên giới. Họ trở nên rất lơ là. Sau khi chết, họ có thể rơi vào bốn đọa xứ một lần nữa. Hãy cẩn thận!
Tuy nhiên, giả sử có một số người thực hành thiền Định trong cõi người, và sau khi thấy sự sinh diệt của danh sắc chân đế, rồi quán sát nhân quả của chúng, họ đã suy ngẫm về vô thường, khổ và vô-ngã, và đã có sự sinh diệt của pháp chân đế là cảnh cận-tử; thì những người được sinh ra trong thiên giới với sự hỗ trợ của nghiệp như vậy chắc chắn sẽ được chú ý và sẽ gặp được những thiện bạn hữu trong thiên giới, và những người thiện bạn hữu của họ sẽ nhắc nhở họ, ‘Này hiền giả, đừng quên rằng hiền giả đã từng thực hành thiền.’ Họ sẽ lại tiếp tục việc hành thiền của mình ở đó. Sau khi hành thiền chỉ và thiền quán ở cõi người, nếu chúng ta có ý định tái sinh ở thiên giới hoặc cõi Phạm Thiên đều tốt. Tôi khuyến khích tất cả các bạn làm như vậy. Tuy nhiên, nếu một người được tái sinh trong thiên giới sau khi chỉ cúng dường và giữ giới, sẽ không dễ gì thực hành thiền ở đó bởi vì dục lạc trên thiên giới vượt trội quá cho đến nỗi chúng ta sẽ quên mất việc hành thiền và trở nên hoàn toàn lơ đễnh.