Nội Dung Chính
Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật
Chia Phước
Lợi Ích của Việc Chia Phước
Hỏi: Theo lời dạy Nguyên Thủy (Theravāda) , khi con người chết đi, họ được tái sinh trong kiếp sau ngay khi tâm tái tục (paṭisandhi citta) sinh khởi. Khi chúng ta chia phước đến một người đã chết, nó có tác dụng hay lợi ích gì ngoài việc an ủi những người thân vẫn còn sống không?
Trả lời: Trước hết, để có lợi ích từ việc chia phước của người khác, chúng ta phải hiểu rằng một việc thiện đã được thực hiện và biết tùy hỷ với việc thiện đó.
Sau tâm tử, tâm tái tục khởi sinh ngay lập tức. Không có một khoảng cách nào giữa chúng. Đây là những gì Đức Phật (Buddha) dạy. Đây cũng là điều mà một ngày nào đó chúng ta có thể tự mình nhìn thấy bằng cách quán sát các kiếp quá khứ của chúng ta để biết và thấy Định Luật của Nghiệp (kamma), đó là lời dạy cốt lõi của Đức Phật (Buddha). Sau đó, chúng ta sẽ tự mình biết rằng tâm tái tục khởi sinh ngay sau tâm tử, không có một gián đoạn nào giữa chúng.
Đức Phật (Buddha) dạy rằng không có antarābhava, không có đời sống trung gian (thân trung ấm). Khi con người được sinh ra trong cõi nhân loại sau khi họ qua đời và chúng ta chia phước tới họ, họ không thể tùy hỷ vì họ đã ở trong bụng mẹ. Họ không thể tùy hỷ vì họ không biết chúng ta đang chia phước tới họ. Nếu họ đã được tái sinh trong thiên giới, nơi họ tận hưởng tất cả các loại dục lạc thiên giới theo nghiệp của mình và quên mất chúng ta, thì họ cũng không thể nào tùy hỷ trong việc chia phước của chúng ta. Việc tùy hỷ là không thể làm đối với những ai được sinh ra trong cõi bàng sanh (súc sanh) hoặc cõi địa ngục, nơi họ chịu đau khổ do nghiệp bất thiện của mình. Những ai được sinh ra trong cõi Phạm thiên (brahmā) do sự thuần thục của họ về an chỉ định (jhāna) thì cũng không thể tùy hỷ trong việc chia phước của chúng ta.
Do đó, những ai được tái sinh trong bất kỳ cảnh giới nào ở trên sẽ không nhận biết đượ c những nghiệp thiện mà người thân còn sống của họ đã thực hiện, họ sẽ hiếm có thể tùy hỷ trong những việc làm đó. Nếu không tùy hỷ, họ sẽ không thể nhận được bất kỳ lợi ích nào khi người thân của mình chia phước tới họ.
Ngay cả khi họ tình cờ nhận biết được những phước thiện đó và tùy hỷ với chúng, họ chỉ được hưởng lợi bằng cách tích lũy nghiệp thiện mà thôi, và không nhiều hơn thế. Đây không phải là những cảnh giới mà chúng sinh tùy hỷ trong việc chia phước do người khác làm có thể được trải nghiệm những cải thiện đáng kể trong kiếp sống của họ, ngay cả việc được tái sinh thành một loài hữu tình ở cõi an vui hơn.
Tuy nhiên, theo lời dạy của Đức Phật (Buddha), khi một số người thân và bà con chúng ta qua đời, nếu cảnh cận-tử sinh khởi là một điều bất thiện khiến họ tái sinh trong cõi ngạ quỷ như ngạ quỷ paradattūpajīvī peta, một loại ngạ quỷ sống dựa trên những gì được cho bởi người khác. Trong trường hợp đó, họ đang chờ đợi để tùy hỷ phước của chúng ta chia cho họ. Khi họ có thể tùy hỷ theo cách này, thì điều kiện ở kiếp sống ngạ quỷ ( peta) của họ có thể được cải thiện, và họ thậm chí có thể tiến lên một loại hữu tình ở cõi cao hơn. Vì các thành viên trong gia đình họ không thể chắc chắn nơi họ được tái sinh, nên đó là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình để chia phước đến họ.
Phần sau của câu hỏi: Nếu những người thân của chúng ta chưa tái sinh trong cõi ngạ quỷ đặc biệt đó, thì lợi ích của việc chia phước là gì? Chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật (Buddha) đã dạy khởi đầu của luân hồi (saṃsāra) là không xác định và không thể biết được.107 Ngay cả khi những người thân của chúng ta ở kiếp sống này không có ở đó, dù sao thì những người thân xưa kia của chúng ta ở những kiếp sống trước vẫn có thể chờ đợi chúng ta để chia phước đến họ.108 Chúng ta được lợi ích bởi sự chia phước ngay cả khi không có người thân nào ở đó, vì chúng ta có cơ hội để làm thiện nghiệp.109 Vì vậy, thật tốt khi chia phước tới những người đã mất.
Có mười loại hoặc mười nền móng của thiện nghiệp (thập thiện nghiệp dasapuññakiriyavatthu), một trong số đó là chia phước. Một thiện nghiệp khác nữa là tùy hỷ khi những người khác chia phước. Mặc dù bản thân chúng ta có thể cúng dường, nhưng vẫn còn nhiều người khác không thể. Nếu chúng ta chia phước, những người xung quanh khác hiểu được phước thiện của việc cúng dường cũng có thể dự phần vào nghiệp thiện của chúng ta bằng cách tùy hỷ và nói lên lời, ‘Lành thay! Lành thay! Lành thay’ ‘Sādhu! Sādhu! Sādhu!’ Mặc dù họ không thể tự mình cúng dường, nhưng họ có cơ hội thực hiện nghiệp thiện bằng cách tùy hỷ với nghiệp tốt lành của người khác khi nghe về nó. Chia phước là một loại thiện nghiệp, và tùy hỷ với thiện nghiệp của ai đó cũng là một thiện nghiệp khác nữa.
Nó giống như một số người mà tất cả đang cùng nhau cầm nến ở nơi tối tăm, nhưng chỉ có một trong số họ đang cầm ngọn nến được thắp sáng. Ngọn nến duy nhất đó soi sáng bóng tối, rất sáng và rực rỡ. Điều này giống như một người có phương tiện để cúng dường. Những người khác với nến chưa được thắp sáng giống như những người không có được phương tiện như vậy. Họ tiến đến ngọn nến được thắp sáng và nói: ‘Bạn ơi, hãy cho chúng tôi thắp nến của mình bằng ngọn lửa của nến bạn nhé.’ Họ giống như những người tùy hỷ trong thiện nghiệp của người khác. Khi họ đến và thắp nến của mình, ánh sáng ở nơi đó càng trở nên sáng hơn và rực rỡ hơn, tuy nhiên cây nến đầu tiên không mất đi chút nào ánh sáng của nó. Đây là cách chúng ta có thể tích lũy nghiệp thiện cùng với nhau. Thật tốt lành làm sao!
Ứớc Nguyện và Chia Phước
Chúng ta đã tích lũy rất nhiều thiện nghiệp – thông qua bố thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā). Không có kết quả nào sánh được với việc chứng ngộ Níp-bàn ( Nibbāna). Do đó, tất cả những việc thiện mà quý vị đã tích lũy trong khóa thiền này nên dành cho việc chứng ngộ Níp-bàn (Nibbāna). Những chứng đắc và thành tựu khác không quan trọng bằng. Quý vị chưa thể chấm dứt đau khổ khi quý vị đang trên đường tầm cầu Pháp ( Dhamma), bởi vì ba- la-mật (pāramī) tích lũy của quý vị chưa tròn đầy; tuy nhiên, quý vị sẽ được tái sinh trong một cõi lành nếu quý vị thực hiện ước nguyện đạt được Níp-bàn (Nibbāna). Rồi quý vị sẽ có chủ ý muốn chấm dứt đau khổ trong mọi kiếp sống, nhờ thế quý vị sẽ chuyên tâm nỗ lực tinh tấn hết kiếp sống này đến kiếp sống khác. Cho nên việc thực hiện ước nguyện chấm dứt đau khổ là một ước nguyện cao thượng trong cuộc đời của chúng ta. Vì thế bây giờ chúng ta sẽ thực hiện những ước nguyện và chia phước:
Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.
Idaṃ me puññaṃ Nibbānassa paccayo hotu.
Mama puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ bhājemi;
Te sabbe me samaṃ puññabhāgaṃ labhantu.
Nguyện cho phước thiện này của tôi là duyên chấm dứt mọi lậu hoặc trầm luân.
Nguyện cho phước thiện này của tôi là duyên thành tựu Níp-bàn.
Tôi chia sẻ phước thiện của tôi với tất cả chúng sanh.
Nguyện tất cả chúng sanh nhận được phước thiện này đồng đều nhau cả thảy.
Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Sādhu! Sādhu! Sādhu!