Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Câu Hỏi Liên Quan đến Nghiệp (Kamma)

Chuẩn Bị cho Cái Chết và Bốn Loại Nghiệp (Kamma)

Hỏi: Trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda), sự thực hành đúng đắn cho một người nào đó vào thời điểm cận-tử là gì? Làm thế nào mà một người đang chịu đựng nỗi đau dữ dội vào thời điểm cận-tử có thể hành thiền được?

Trả lời : Hãy để tôi chia sẻ chân thiện mỹ của những lời dạy của Đức Phật (Buddha), có thể tóm tắt trong một câu: ‘Dầu cho quý vị có đau đớn về thể xác, Tôi sẽ dạy cho quý vị không bị đau khổ tâm.’91 Đây là một cách diễn đạt bản chất lời dạy của Đức Phật ( Buddha). Tất cả chúng ta cần phải rèn luyện đến giai đoạn đó. Mặc dù chúng ta có nỗi đau thể xác, nhưng nó không nhất thiết phải ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta. Nếu nỗi đau thể xác ảnh hưởng đến tâm, thì chúng ta sẽ gặp phải khó khăn. Không có cách nào khác để đối phó với nỗi đau một cách hiệu quả; chỉ có cách Đức Phật (Buddha) đã dạy. Sau khi tu tiến Định, chúng ta cần quán sát danh và sắc chân đế. Mặt nạ của tà kiến sau đó có thể được gỡ bỏ. Tà kiến và tưởng về bản ngã có thể được loại bỏ dần dần, cho đến khi cuối cùng chúng được đoạn trừ hoàn toàn. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể tách rời giữa danh và sắc. Với khả năng này, mặc dù chúng ta cảm thấy đau đớn về thể xác, nhưng chúng ta không dự phần vào nó. Chúng ta có thể nhìn vào như thể từ bên ngoài, như thể nó đang xảy ra với người khác. Cơn đau không thể ảnh hưởng đến tâm chúng ta. Chúng ta cần phải rèn luyện đến giai đoạn này; nếu không thật là nguy hiểm.

Nếu chúng ta đã đạt được Tuệ Sơ Đạo và Sơ Quả , thì thân kiến ( sakkāya-diṭṭhi), hoài nghi và giới cấm thủ đã bị đoạn diệt hoàn toàn và không còn dư sót. Điều này có nghĩa là các tà kiến – chẳng hạn như thân này là ‘thân của tôi’, thọ là ‘thọ của tôi’, tưởng là ‘tưởng của tôi’, tư hay nghiệp hành là ‘tư hay nghiệp hành của tôi’, tâm là ‘tâm của tôi’, v.v. – đã bị sát trừ hoàn toàn. Do đó, không có bám chấp vào bất cứ điều gì xảy ra trong cơ thể, bất kể cảm giác nào phát sinh. Người đã đạt được Tuệ Sơ Đạo và Sơ Quả đã phát triển một trạng thái tâm không gây cho vị ấy bất kỳ nguy hại nghiêm trọng nào. Đã đoạn trừ thân kiến, vị ấy không còn phạm phải bất kỳ nghiệp bất thiện nặng nề nào, và do đó vị ấy không còn có thể rơi vào bất kỳ một trong bốn đọa xứ. Đây là một giai đoạn quan trọng và một chứng đắc quan trọng.

Những người chưa đạt được Đạo Tuệ và Quả Tuệ cần phải suy xét: Quý vị đang thực hành thiền và đang khỏe mạnh hoặc ít nhất là có đủ năng lượng thể chất để thực hành. Ít nhất quý vị có năng lượng tinh thần thời điểm hiện tại, và quý vị có Niệm. Mặc dù hiện tại quý vị có sức khỏe, sức mạnh thể chất, năng lượng tinh thần và có Niệm, vẫn thật khó tập trung vào đề mục của quý vị trong khi hành thiền. Quý vị không biết khi nào hay như thế nào quý vị sẽ chết hoặc loại bệnh gì sẽ mang đến cái chết cho quý vị; Tuy nhiên, quý vị biết chắc rằng một ngày nào đó quý vị sẽ rất có thể bị ốm nặng rồi trở nên rất yếu và thấy chính bản thân mình bên bờ vực cái chết. Quý vị có thể không còn năng lượng hay sức mạnh thể chất cũng như tinh thần, và thay vào đó có thể là nỗi đau thể xác và nỗi thống khổ về tinh thần. Niệm do đó sẽ rất khó duy trì – càng khó khăn hơn nhiều so với thời điểm hiện tại. Có lẽ không thể hướng sự chú ý của quý vị đến các cảnh thiện.

Nếu quý vị suy xét những vấn đề này một cách cẩn thận, quý vị sẽ hiểu rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để chuẩn bị cho bản thân. Nếu không chuẩn bị trước, quý vị sẽ phải dựa vào may rủi của mình. Nếu quý vị đủ may mắn và nghiệp tốt xuất hiện vào thời điểm cận- tử của quý vị, thật là tốt cho quý vị. Nếu không may mà nghiệp xấu xuất hiện, tất nhiên sẽ thật xấu cho quý vị. Quý vị sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến với mình tại thời điểm đó.

Một người sắp chết giống như một người đang chết đuối – cả hai đều tuyệt vọng tìm kiếm ai đó để cứu họ. Nếu một người giải cứu xuất hiện, họ sẽ hạnh phúc biết bao! Bị hoảng loạn, người chết đuối chỉ nghĩ đến việc tự cứu mình và sẽ hăm hở vồ lấy không chỉ là một mảnh gỗ trôi sông mà ngay cả xác một người chết hay con chó chết trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu mạng mình. Họ sẽ không có bất kỳ sự phân biệt nào. Cũng tương tự, những người sắp chết và trong thời khắc cận tử không còn sức để từ chối những gì xấu hay theo đuổi những gì tốt đẹp; họ chụp lấy bất cứ thứ gì xuất hiện trong tâm. Do đó quý vị cần phải chuẩn bị trước. Quý vị cần suy xét số phận của mình sẽ ra sao nếu quý vị không chuẩn bị trước từ sớm.

Có bốn loại nghiệp có thể xuất hiện vào lúc cận-tử: garuka kamma (trọng nghiệp), āciṇṇa kamma (thường nghiệp), āsanna kamma (cận-tử nghiệp) và katattā kamma (bất định nghiệp).

Trọng nghiệp bất thiện bao gồm năm điều – giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán ( Arahanta), làm chảy máu một vị Phật (Buddha) với ác ý, và gây chia rẽ Tăng Đoàn (Saṅgha). Năm trọng nghiệp này chắc chắn sẽ cho quả vào lúc cận-tử. Ngay cả Đức Phật (Buddha) cũng không thể cứu hay bảo vệ ai đó đã phạm phải một trong năm trọng nghiệp ấy khỏi rơi vào Đại Địa Ngục. Đó là một số phận không thể tránh khỏi. Nếu quý vị không muốn bị tái sinh trong Đại Địa Ngục, quý vị không nên phạm bất kỳ cái nào trong số các trọng nghiệp này.

Ngoài trọng nghiệp bất thiện, còn có trọng nghiệp thiện. Quý vị nên tích lũy trọng nghiệp thiện hết mức có thể, bởi vì nó chắc chắn sẽ cho quả của nó khi quý vị chết. Chẳng hạn, nếu quý vị có thể thực hành đề mục hơi thở vào-ra (ānāpāna) cho đến khi đắc bậc thiền (jhāna) thứ nhất, bậc thiền (jhāna) thứ hai, bậc thiền ( jhāna) thứ ba và bậc thiền ( jhāna) thứ tư, và nếu quý vị thực hành thuần thục bất kỳ một trong số các bậc thiền này cho đến sát-na cận-tử, quý vị sẽ được tái sinh trong cõi Phạm thiên (brahmā) sau khi chết. Đây là trọng nghiệp thiện. Quý vị phải dựa vào tinh tấn, niệm, định và trí tuệ của bản thân.

Thường nghiệp là những gì quý vị tích lũy bằng cách có thói quen làm một việc gì đó thường xuyên và thậm chí đều đặn. Nếu thường niệm Ân Đức Phật (Buddhānussati), quý vị sẽ tích lũy thường nghiệp rất tốt và rất mạnh mẽ. Trong trường hợp không có trọng nghiệp, thì thường nghiệp có thể cho quả bởi vì nó đã được tích lũy theo thói quen một cách kiên định. Quý vị phải cố gắng tích lũy thường nghiệp thiện như vậy trong cuộc đời mình.

Cúng dường là một nghiệp thiện khác mà quý vị nên cố gắng thực hiện thành thói quen. Quý vị có thể không nghĩ rằng có khả năng cúng dường mỗi ngày, nhưng nếu hiểu biết các điều kiện cần thiết, quý vị cũng có thể thực hiện điều này thành thói quen hằng ngày. Bốn điều cần thiết để thực hiện một sự cúng dường: vật cúng dường, người thọ nhận, ý định cúng dường và người cúng dường. Nếu bốn điều kiện này được đáp ứng, việc thực hành cúng dường có thể trở thành thường nghiệp của quý vị. Đức Phật ( Buddha), Bậc Toàn Giác, đã giải thích những lợi ích của việc cúng dường cho Tăng Đoàn (Saṅgha), cho Đức Phật (Buddha), cho các vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha), cho các vị Thánh Nhân, cho những người có giới hạnh, cho những người không có giới hạnh và cho những con vật.92 Quý vị thậm chí có thể bố thí cho những sinh vật nhỏ bé đang mong chờ những thức ăn thừa hay mẩu vụn rơi ra từ đĩa của mình lúc rửa chén bát sau khi ăn. Nếu quý vị ăn ba lần một ngày, quý vị có cơ hội bố thí ba lần một ngày. Hãy nhận ra điều này. Bất cứ khi nào quý vị rửa bát đĩa, hãy khởi sinh ý định bố thí thức ăn cho những sinh vật nhỏ li ti đang chờ đợi bên dưới; sau đó rửa sạch và cho nước chảy xuống mang theo các mẩu vụn và đồ ăn thừa cho chúng. Quý vị phải có tác ý, và quán chiếu rằng Đức Phật (Buddha) đã nói, ‘Ngay cả trong hành động như vậy, Ta nói, cũng có lợi ích’93 và Đức Phật (Buddha) cũng nói, ‘Nếu mọi người biết như Ta biết lợi ích của việc cúng dường, thì không ai ăn mà không cúng dường trước.’94

Trong số những người theo đạo Phật thuần thành ở các quốc gia như Myanmar, có một tập tục truyền thống cúng dường thức ăn đến Đức Phật ( Buddha) mỗi ngày, theo những lời dạy nhận được từ chư Tỳ-khưu (bhikkhu) trong Tăng Đoàn (Saṅgha) và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Ở những nơi như vậy, chúng ta nghe những lời dạy này ngay từ nhỏ. Bất cứ khi nào các bà nội trợ thuần thành nấu một bữa ăn, họ chuẩn bị một số thức ăn và dâng lên Đức Phật (Buddha). Họ cũng cúng dường nước, nến và hoa. Họ làm những việc này mỗi ngày. Những người đàn ông, tuy nhiên, không quan tâm nhiều đến những việc này; điều đó có thể giải thích tại sao số lượng chư Thiên Nữ trong các cõi trời dục giới vượt xa chư Thiên Nam.

Giữ giới là một việc khác quý vị có thể làm mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, quý vị có thể thức dậy và tắm rửa, sau đó vào phòng thờ và thọ năm giới dành cho người tại gia. Thật tuyệt vời nếu quý vị làm điều này mỗi ngày. Kiên định thực hành thiền hằng ngày cũng là thường nghiệp. Hành thiền và giữ năm giới là ưu việt hơn so với cúng dường, và quý vị không cần tiền bạc để thực hiện chúng, cũng không cần người thọ nhận. Tất cả những gì quý vị cần là tác ý thiện để mang lại lợi ích cho chính mình. Đây là một loại nghiệp tốt hơn, và quý vị có thể thực hiện thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Tụng kinh buổi sáng và buổi tối là những nét đặc trưng của đời sống hằng ngày trong các tu viện và trung tâm thiền. Quý vị cũng có thể thực hiện ở nhà. Tụng đọc kinh là sự trợ giúp cho việc chứng ngộ Pháp (Dhamma) của quý vị, bởi vì chúng là phương tiện để gợi nhớ đến những lời dạy của Đức Phật (Buddha), ví dụ về kiếp sống như một cuộc lang thang bất tận trong vòng sinh tử luân hồi, về nhân-quả và sự vận hành của nghiệp, chủ đề của Kệ Khải Hoàn (Thành Đạo) của Đức Phật (Buddha) sau khi Ngài giác ngộ hoàn toàn. Các kinh văn chúng ta tụng đọc thuật lại cách làm thế nào để chúng ta có thể kết thúc nhiều kiếp luân hồi của mình, và do đó đạt được sự chấm dứt đau khổ. Chúng giải thích con đường đến Níp-bàn (Nibbāna). Nếu quý vị có thể thực hành áp dụng những gì tụng đọc mỗi ngày, thì quý vị có thể chứng ngộ Pháp (Dhamma). Đây là một cách để tích lũy ba-la -mật (pāramī) . Hãy tập thói quen đọc thuộc lòng. Nếu tụng đọc mỗi ngày và ghi khắc các câu chữ vào trí nhớ, thì quý vị sẽ không cần phải nhìn vào cuốn kinh tụng; quý vị sẽ hiểu biết những lời dạy uyên áo này bằng con tim. Hãy làm cho việc tụng kinh thành một phần thường nghiệp của quý vị.

Quý vị cần đảm bảo cho hạnh phúc của riêng mình; không thể nhìn vào người khác để làm cho mình hạnh phúc được. Cách đáng tin cậy nhất để khiến bản thân hạnh phúc là giúp đỡ người khác. Điều này có nghĩa là làm những gì quý vị có thể, với một trái tim thuần khiết và với mục đích giúp đỡ những chúng sinh khác, ngay cả các con vật. Nếu quý vị cố gắng giúp đỡ người khác mỗi ngày, nó sẽ trở thành thường nghiệp của mình. Đó là một điều gì đó quý vị có thể dựa vào một cách tự tin. Nếu quý vị tích lũy thường nghiệp như vậy mỗi ngày trong suốt phần đời còn lại của mình và không tích lũy bất kỳ trọng nghiệp nào, thì thường nghiệp thiện của quý vị có thể sẽ đủ mạnh để cho quả vào sát-na cận-tử. Do đó, quý vị trở thành một người tốt bằng cách tích lũy thường nghiệp thiện.

Cận-tử nghiệp là loại thứ ba. Ở các quốc gia Phật giáo, khi một người sắp chết, chư Tỳ -khưu (bhikkhu) trong Tăng Đoàn (Saṅgha) được mời đến tụng kinh để giúp đỡ người sắp chết. Người sắp chết nằm trên giường bệnh do đó không nghe thấy âm thanh nào khác ngoài Pháp (Dhamma). Nếu những người sắp chết có thể chú tâm đến Pháp (Dhamma) vào thời điểm cận -tử, họ sẽ được tái sinh trong cõi lành. Do đó, điều rất quan trọng là duy trì bầu không khí an tĩnh và yên lặng trong suốt quá trình ai đó chết. Gia đình và bạn bè nên cẩn thận không khóc lóc và than van trước cái chết, và thay vào đó nên nén đau thương để sắp xếp điều gì đó thật tốt cho người thân yêu của mình. Ngay cả khi cha mẹ của quý vị không phải là Phật tử, họ chắc chắn cũng đã tích lũy một số nghiệp thiện trong đời mình, đặc biệt nếu đi theo một tôn giáo cụ thể, vì không có người sùng đạo của bất kỳ tôn giáo nào mà chưa từng cúng dường bố thí trong đời. Vì vậy, nếu họ sắp chết, quý vị nên nhắc nhở họ về những điều tốt lành họ đã từng làm, về nghiệp thiện của họ. Đây là một cách khác để giúp những người sắp chết.

Cuối cùng là katattā kamma, hay bất định nghiệp – nghiệp đã làm trước đây, trong kiếp này hay một kiếp quá khứ. Khi ba loại nghiệp khác (trọng nghiệp, thường nghiệp và cận- tử nghiệp) vắng mặt hoặc không phát sanh vào sát-na cận-tử, thì bất định nghiệp sẽ xuất hiện và mang đến sự tái sinh. Đôi khi điều đó diễn ra mà không cần chuẩn bị hay mong đợi bất cứ điều gì, chúng ta gặp một ai đó cần sự giúp đỡ, và chúng ta giúp họ hết sức có thể. Chúng ta có thể thu được giá trị lớn hơn với hành động tình cờ như vậy so với một hành động có chủ ý hơn, bởi vì chúng ta luôn luôn không trân trọng ngay cả với một cử chỉ rất ý nghĩa mà mình đã làm, mặc dù một hành động tử tế được làm do sự thôi thúc của tình thế được thực hiện một cách đầy hăng hái, chân thành và hoan hỷ. Hơn nữa, do tâm phàm nhân của mình mà chúng ta thường làm những điều tốt đẹp để khiến mọi người biết về mình và những việc làm tốt đẹp của mình, và vì vậy chúng ta không hành động với một trái tim thuần khiết; nhưng không ai biết về nghiệp mà chúng ta đã làm khi chỉ làm ngẫu hứng, cho nên nó được thực hiện với sự chân thành đơn giản và một trái tim rất thuần khiết, mặc dù chúng ta có thể chỉ làm hết sức mình. Nghiệp như vậy cũng có thể cho quả của nó. Ít nhất, chúng ta cần tích lũy mỗi cái trong bốn loại nghiệp thiện này, vì lợi ích của riêng bản thân chúng ta và lợi ích của người khác.

Nghiệp Lực được Lưu Giữ Ở Đâu?

Hỏi: Có những thiền sinh có thể quán sát danh-sắc (nāmarūpa) ở quá khứ gần và xa của mình, quay ngược lại lúc tái tục cũng như trở lui về các kiếp trước. Nơi nào trong vũ trụ là nơi lưu trữ các thông tin như nghiệp (kamma) và nghiệp lực quá khứ? Trong lĩnh vực khoa học máy tính, tất cả dữ liệu được chuyển đổi thành mã nhị phân và được lưu trữ trên đĩa cứng. Tất cả thông tin về nghiệp và danh-sắc (nāmarūpa) của chúng ta được lưu trữ ở đâu, và nó được lưu trữ như thế nào?

Trả lời: Một hạt xoài có khả năng nảy mầm và phát triển. Trong một hạt xoài có tiềm năng cho một cây xoài có rễ, thân, cành và trái xoài. Không ai có thể nhìn thấy những thứ này trong hạt xoài, nhưng mọi người đều biết rằng những thứ đó tồn tại như tiềm năng bên trong nó. Khi có các điều kiện phù hợp – đất, nước, hơi ấm, ánh sáng mặt trời – hạt xoài nảy mầm và phát triển thành cây và ra trái. Nếu không có các điều kiện thích hợp, không có điều nào trong số này xuất hiện, thì hạt xoài vẫn không có gì khác hơn là một hạt xoài.

Cũng như vậy, nghiệp lực nằm ẩn mình, không thể tìm thấy ở nơi đâu. Nó tồn tại như một tiềm năng. Không có các điều kiện phù hợp, nó vẫn trơ ì không có biểu hiện gì cả, và không trổ quả từ đó. Nó không tồn tại trong giai đoạn sinh, giai đoạn trụ hay giai đoạn diệt. Nó nằm ẩn và vẫn tiềm ẩn cho đến khi các điều kiện phù hợp hỗ trợ cho biểu hiện của nó. Chúng ta không thể chỉ ra bất kỳ nơi nào nó tồn tại, giống như chúng ta không thể chỉ ra cây và trái bên trong hạt xoài. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng có một tiềm năng. Điều đó cũng tương tự với chúng ta; thậm chí một nghiệp nào đó mà chúng ta đã thực hiện cách đây một trăm ngàn đại kiếp vẫn đeo đẳng theo sau bằng cách nằm ẩn trong tiềm thức của chúng ta. Nếu có điều kiện phù hợp, nghiệp đó sẽ cho quả ngay trong kiếp sống này, thậm chí là vào thời điểm cận-tử.

Một hình thức quen thuộc của hiện tượng này là một trải nghiệm thường gặp về việc nhớ lại điều gì đó đã vắng bóng khỏi ý thức và ký ức trong một thời gian rất dài. Dưới các điều kiện thích hợp, ký ức bị lãng quên từ lâu ấy có thể xuất hiện. Để tôi cho một ví dụ.

Khi tôi còn là một tu sĩ trẻ, một cư sĩ đến thăm tôi khi tôi đang dùng bữa trưa. Sau khi dùng xong, tôi rót cho mình một cốc nước. Người cư sĩ ấy, ngồi gần đó và đang đợi tôi, quan sát khi tôi rót đầy cốc và uống. Sau đó tôi bắt đầu trò chuyện với anh ấy về những trải nghiệm trong cuộc sống của anh ấy. Anh ấy nói với tôi, trong số những điều khác, rằng khi tôi rót cốc nước và uống, nó khơi lại cho anh ấy, từ lâu anh ấy đã từng uống rượu từ cùng một loại cốc đó.

Theo cách này, khi có các điều kiện thích hợp, chúng ta nhớ lại. Bộ nhớ không được lưu trữ ở bất cứ đâu; nó chỉ đơn giản là được gợi lại trong các điều kiện phù hợp, điều gì đó mà chúng ta không bao giờ nhớ tới sẽ xuất hiện ngay lập tức. Cũng vậy, nếu có những điều kiện liên quan đến một nghiệp nào đó, dù là tốt hay xấu, nó cũng có thể xuất hiện vào sát- na cận-tử của mình; vì thế, chúng ta càng có nhiều tư tưởng xấu, thì chúng ta càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Những Hành Động Bất Thiện Không Bao Giờ có Lợi Ích

Hỏi : Tôi biết một người thích nuôi thú cưng và có một con kỳ đà lớn. Mỗi ngày con kỳ đà cần được cho ăn những con dế sống. Người này nghĩ rằng đây là trật tự tự nhiên, chuỗi thức ăn, theo đó, con lớn ăn con nhỏ. Làm thế nào tôi có thể dạy anh ta không giết hại chúng sinh? Anh ta phạm vào loại nghiệp nào?

Trả lời: Trong Dhammapada, Đức Phật (Buddha) nói, ‘Đừng bao giờ làm những gì bất thiện ngay cả với ý định mang lại lợi ích cho ai đó.’95 Khi nuôi thú cưng bằng những côn trùng nhỏ, người ta sẽ hủy hoại cuộc sống của những sinh vật khác vì lợi ích của con thú cưng của chính mình. Điều này là bất thiện. Đây là sát sinh. Theo những gì Đức Phật (Buddha) nói, chúng ta đừng bao giờ nên làm những điều bất thiện vì lợi ích của con trai hay con gái hoặc vợ hoặc chồng hoặc bất kỳ người thân nào khác của chúng ta. Nghiệp bất thiện không bao giờ cho kết quả tốt.

Nghiệp là chân thật; kết quả của nó là hoàn toàn đáng tin cậy. Nếu chúng ta muốn có được quả tốt lành trong tương lai, chúng ta cần tích lũy nghiệp tốt. Chúng ta càng tích lũy nhiều nghiệp lành, thì càng tốt cho chúng ta. Chúng ta càng làm những điều bất thiện, chúng ta sẽ càng đau khổ. Tôi muốn nói rằng đau khổ phát sanh từ mong muốn không đau khổ. Quý vị có thể quán chiếu rằng trong cuộc sống của mình có rất nhiều điều bất thiện mà quý vị đã làm xuất phát từ mong muốn không đau khổ, và những điều bất thiện này không chỉ thất bại trong việc loại bỏ đau khổ của mình mà còn thực sự khiến quý vị phải chịu khổ đau nhiều hơn. Cầu mong cho quý vị đừng bao giờ làm điều gì gây ra đau khổ từ mong muốn không khổ đau của mình!

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app