Sự Thật được Dạy bởi Tất Cả Chư Phật

Áp Dụng Giáo Pháp (Dhamma) trong Cuộc Sống Hằng ngày

Cách Cư Xử với Những Người Chỉ Trích Chúng Ta

Hỏi: Tôi nên làm gì khi bị hiểu lầm, bị chỉ trích và la mắng bởi những người xung quanh, và họ bắt lỗi những gì tôi làm?

Trả lời: Quý vị nghĩ gì? Quý vị có nên ở lại với một người luôn phàn nàn về quý vị, trách mắng quý vị, và bắt lỗi quý vị? Quý vị có nên kết giao với một người như vậy không? Chúng ta có đem lại lợi ích cho người khác bằng cách liên tục phàn nàn về họ, trách mắng họ, và vạch tội họ không? Không thể làm điều gì tốt cho họ theo cách này.

Đức Phật (Buddha) đã hành động vì lợi ích của nhiều người bằng cách giảng dạy Giáo Pháp (Dhamma), lời dạy của Đức Phật (Buddha) là toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn cuối. Ngay cả khi chia sẻ Pháp (Dhamma) toàn hảo như vậy với những người khác, Ngài cũng chưa bao giờ thất bại trong việc giảng dạy cho họ bằng sự tôn trọng. Khi Đức Phật (Buddha) khuyên nhủ một ai đó, Ngài thậm chí còn làm điều ấy một cách đầy trân trọng, không hề khinh thường.

Nếu quý vị muốn hành động vì lợi ích của người khác, mặc dù họ đang làm điều gì đó rất tệ, cũng đừng bao giờ vạch tội họ hoặc trách mắng họ. Quý vị nên chờ đợi thời điểm thích hợp để nói và chọn những lời thích hợp, những điều sẽ khiến họ vui vẻ lắng nghe. Bằng không, chúng ta sẽ làm tổn thương họ nếu họ thiếu trí tuệ và không khéo tác ý.

Tôi chưa bao giờ gặp bất cứ ai thích bị trách mắng. Mặc dù chúng ta muốn chỉ ra điểm yếu và lỗi của họ, chúng ta cũng không nên làm như vậy bằng cách trách mắng họ, mà bằng cách giải thích mọi thứ một cách hợp lý . Sau đó, họ có xu hướng thay đổi. Nếu ai đó cư xử rất tệ và hành vi gây hại, tôi sẽ đề nghị anh ta đừng hành động như thế nữa, để không làm tổn hại cho bản thân mình và người khác. Nếu chúng ta không đủ trí tuệ, chúng ta sẽ làm hại người khác và làm hại chính mình.

Tôi cần phải cân nhắc lời đề nghị này với đề nghị kia từ một góc nhìn khác, để cho bản thân quý vị có thể được trưởng thành hơn đôi chút. Chúng ta không thể mong chờ chỉ được gặp những người thiện trí, người mà biết cách đưa ra những gợi ý và làm thế nào để mang lại lợi ích cho người khác trong mọi lúc. Có người chiến thắng và có kẻ thua cuộc trên thế giới này.

Cách người thua cuộc hành động hoàn toàn khác với cách người chiến thắng hành động. Nhiều người cư xử như kẻ thua cuộc và không thích người chiến thắng. Do đó, chúng ta sẽ bắt gặp những người vô trí và không khéo léo trong hành động cho lợi ích của bản thân mình và người khác. Chúng ta sẽ phải trải nghiệm nhiều lời trách mắng hơn là lời khen ngợi trong cuộc sống. Vì vậy chúng ta nên cư xử với lời khen chê như thế nào?

Chúng ta phải biết cách học hỏi từ cả người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Người chiến thắng dạy cho chúng ta phải làm gì, và kẻ thua dạy cho chúng ta những điều không nên làm. Nếu không biết cách học hỏi, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi đối phó với kẻ thua cuộc. Người chiến thắng làm những gì họ cần nên làm, mà không phải những gì họ muốn làm; họ nói như họ cần nên nói, mà không phải như họ muốn nói. Phàn nàn và đổ lỗi là những điều chúng ta muốn làm trong cuộc sống của mình; đây là một khuynh hướng mà tâm chúng ta thường hay thiên về. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ là người thắng cuộc; chúng ta sẽ không bao giờ là người thành công trong cuộc sống. Chúng ta phải làm những gì mà người chiến thắng và người thành công làm. Chúng ta không nên nói và hành động theo mong muốn của riêng mình mà phải theo nguyên tắc của Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp. Thực hành theo cách này rất quan trọng để sống những cuộc đời hạnh phúc hơn.

Chúng ta nên nhận biết rằng đôi khi những gì người thiện trí muốn làm và những gì nên làm là như nhau. Những gì họ muốn làm cũng chính là những gì họ nên làm. Trong trường hợp như vậy, họ có thể làm cả những gì mình muốn và những gì cần nên làm. Cả hai đều thích hợp. Khi những gì họ muốn không phù hợp, thì họ chỉ làm những gì nên làm. Điều này thật quan trọng. Đây là cách duy nhất để rèn luyện bản thân và giúp đỡ người khác. Rồi những gì chúng ta muốn làm sẽ trở thành giống như những gì cần nên làm. Càng nhiều càng tốt, chúng ta nên nhấn mạnh vào những gì mình cần nên làm; do đó bản thân chúng ta ít nhất sẽ không có lỗi lầm.

Trước khi trở thành một vị Phật (Buddha), suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Đức Bồ-Tát (bodhisatta) đã hoàn thành ba-la-mật (pāramī) bằng cách làm những gì thích đáng để làm, chứ không phải những gì mà ngài muốn làm. Sau khi trở thành một vị Phật Toàn Giác, Ngài có thể làm những gì Ngài muốn, vì lợi ích của nhiều người, bởi vì những gì Ngài muốn làm và những gì thích đáng để làm đã trở thành một. Ví dụ về Đức Phật (Buddha) dạy cho chúng ta biết rằng những gì chúng ta muốn làm được xem xét là kém quan trọng nhất; thay vào đó, chúng ta cần phải làm những gì mình nên làm.

Chúng ta thích khen ngợi; mà không thích trách mắng. Đây là bản chất của chúng ta, cho dù là già hay trẻ. Không ai hứng thú khi bị trách mắng, nhưng tất cả mọi người đều thích thú khi được khen ngợi. Chúng ta phải xem xét phương pháp nào mình sẽ áp dụng nếu ai đó phàn nàn chống lại chúng ta hoặc nếu ai đó trách mắng chúng ta. Nếu không, chúng ta không thể vượt qua nhiều vấn đề mình gặp phải, khi đối phó với những kẻ vô trí mà chúng ta gặp trong cuộc sống.

Đúng là có khi chính chúng ta cũng thật dại dột. Mặc dù chúng ta tự nhiên thấy vui mừng khi ai đó khen ngợi, được ca tụng không thể giúp chúng ta lớn khôn và trưởng thành. Chúng ta khôn lớn và trưởng thành bằng cách buông bỏ sự giận hờn khi ai đó trách mắng và chỉ trích chúng ta. Chúng ta thậm chí nên hoan nghênh những lời chỉ trích và trách mắng. Đây là một vài điều chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Bằng cách này, chúng ta cảm thấy biết ơn đối với cả những người khen ngợi và những người trách mắng chúng ta. Khi đang tiến tới mục tiêu của mình, đó là Níp-bàn (Nibbāna), chúng ta cần phải hoàn thiện ba-la-m ật (pāramī) trên đường đi. Một ba-la-mật (pāramī) như thế là khanti, kham nhẫn. Nếu không ai phàn nàn chống lại chúng ta, nếu không ai trách mắng chúng ta và nếu không ai chỉ lỗi thì chúng ta không có cơ hội thực hành kham nhẫn. Chính những người chỉ trích và gièm pha đã cho chúng ta cơ hội để thực hành hạnh kham nhẫn.

Khi bị trách mắng và chỉ trích, chúng ta cần suy xét xem liệu mình có thể xứng đáng với những lời chỉ trích của người khác hay không, liệu mình đang làm điều gì xấu, và liệu mình đúng hay sai. Khi bị trách mắng, chúng ta có thể tận dụng cơ hội để xem xét lại chính mình. Nếu chúng ta sai, chúng ta phải trở nên cẩn thận hơn. Nếu thấy rằng chúng ta không làm gì sai, chúng ta không cần phải đắn đo nhiều đến những phàn nàn của ai đó. Nếu những người chỉ trích chúng ta là người có tư tưởng đúng đắn, chúng ta không cần lo lắng rằng họ sẽ luôn đối xử với chúng ta một cách gay gắt mọi lúc, bởi vì những người có tư tưởng đúng đắn sẽ cẩn trọng với những lời chỉ trích của họ và từ tốn chỉ lỗi người khác.

Một người liên tục tìm thấy lỗi nơi người khác và chỉ trích người khác có lẽ là người chúng ta nên tránh. Ngược lại, những người chờ đợi thời điểm thích hợp để nói và chỉ ra lỗi lầm của chúng ta một cách tôn trọng là những người mà chúng ta nên kết giao. Chỉ ra lỗi lầm của người khác một cách tôn trọng là rất tốt. Chúng ta nên kết giao với những người như vậy, chứ không phải với những người trách mắng, phàn nàn và bắt lỗi vô cớ. Những người như vậy chỉ phóng túng trong những gì họ muốn làm. Thật là điều nguy hiểm để làm như vậy. Cầu mong cho quý vị biết cách học hỏi từ cả mặt tốt và mặt xấu! Cầu mong quý vị biết cách làm thế nào để thành tựu lợi ích cho chính mình và cho người khác kể từ hôm nay!

Cách Làm Việc theo Hướng Đúng Đắn

Hỏi : Khi chúng ta thực hiện các công việc hằng ngày của mình, tâm có thể trở nên bị phân tán. Làm thế nào chúng ta có thể duy trì Niệm và phát triển Định trong lúc làm việc và trong khi thực hiện các phận sự của mình? Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn phiền não nổi lên trong tâm và duy trì việc hành thiền của mình trong những trường hợp này?

Trả lời : Nếu chúng ta không có Niệm trong việc làm và hoạt động hằng ngày của mình, thì những trạng thái tâm bất thiện sẽ phát sinh. Điều này cũng có thể xảy ra ngay cả khi phục vụ cho những người khác đang tham dự khóa thiền. Trong trường hợp sau, hãy hành động với Niệm và đảm đương công việc với chủ ý là để hoàn thiện ba-la-mật (pāramī), và hãy nhớ rằng phục vụ người khác trong khi họ tu tập là một cơ hội hiếm có.

Dù đang làm gì, nếu chúng ta có những hoàn cảnh thích hợp để có thể chú tâm vào hơi thở, thì chúng ta nên niệm hơi thở. Tâm không thể biết hai sự việc cùng một lúc hay bắt hai cảnh cùng một lúc, vì vậy chúng ta có thể huấn luyện tâm để đặt Niệm trên một cảnh nhất định nào đó. Chúng ta nên huân tập nó chú tâm vào các cảnh thiện lành. Tương tự như vậy, chúng ta chỉ có thể làm một việc duy nhất tại bất kỳ một thời điểm nào đó và luôn luôn là sự lựa chọn, chỉ giữa hai điều – điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Tất cả chúng ta chỉ có hai lựa chọn này. Tất cả chúng ta cần phải rèn luyện bản thân chỉ làm những gì mà mình nên làm.

Một thực hành có thể giúp chúng ta làm được như thế là nhớ đến chín Ân Đức Phật (Buddhānussati). Ngay cả chỉ cần nhớ đến một Ân Đức đầu tiên là đủ. Đức Phật (Buddha) là A -la- hán (Arahaṃ) , Người không còn phiền não. Hãy suy xét Đức Phật (Buddha) đáng ngưỡng mộ như thế nào vì không còn phiền não dư sót. Chúng ta làm những gì không nên làm do phiền não của mình gây ra, thì chúng sẽ khiến cho chúng ta phải chịu đau khổ. Những phiền não của chúng ta là lý do đằng sau của m ọi suy nghĩ, lời nói và hành động bất thiện của mình. Không ngừng niệm ‘A-la-hán’‘arahaṃ’. Nếu quý vị đang nấu ăn – hãy niệm ‘arahaṃ’. Nếu quý vị đang quét dọn – hãy niệm ‘arahaṃ’. Điều này là rất tốt. Nếu bạn bè của quý vị hỏi, ‘Này, bạn đang làm gì vậy?’ Quý vị chỉ cần trả lời, ‘Tôi đang nấu ăn’ và sau đó tiếp tục niệm arahaṃ. Tất cả chúng ta nên rèn luyện theo cách này.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app