Buổi 11: Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật – Niệm Ân Đức Tam Bảo, Nguyện & Hồi Hướng – Sư Hộ Giới

Nhớ là mình không có cơ hội niệm lại Ân Đức Phật lần thứ 2 đâu, lần thứ 2 là cơ hội của lần thứ 2, còn lần này là cơ hội của lần này, nó qua rồi thì thôi. Cho nên khi mình niệm Ân Đức Phật thì cố gắng phát sinh được piti, sự hoan hỉ, phấn chấn, rung động trong tâm mình – đây là mục đích chính của việc niệm Ân Đức Phật.

 

Hôm nay là buổi 11 trong 10 hôm học phận sự hàng ngày, tức là plus thêm rồi. Nên nhớ là cuộc đời này cứ có thêm dấu (+), plus là tốt.

Mình làm phước trong Phật giáo mà để sinh cõi người, cõi chư thiên, phạm thiên là dấu (-) rồi, rất là uổng. Còn nếu mình làm phước để hướng đến Niết bàn thì là dấu (+), tức là ngày càng bớt tham sân si đi, bớt sinh tử đi. Còn nếu mình mà làm phước ngoài Phật giáo thì bố thí, giữ giới, hành thiền nhưng mà tăng trưởng tham sân si lên là (-), còn khi nào mình làm cho tham, sân, si bớt đi là (+).

Mọi người đã học xong bài Mettasutta, Sư nhắc lại là cố gắng thuộc, biết không thì chưa được, giống như những pháp của Phật, mình biết không thì chưa được, là những cái gì mình thực hành được, chứ biết không hiểu không thì không đem lại lợi ích gì nhiều. Bài kinh này cũng vậy, ngoài sự tụng đọc hàng ngày, mình có thể thực hành theo trong lời dạy mấy hôm nay mình học. Sư cũng chỉ thêm những cách hiểu, những cách mình áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Để giải nghĩa hết bài kinh thì mình giải đến khổ thứ 7 rồi, nay đến khổ thứ 8.

8- Mettañca sabbalokasmiṃ, mānasaṃ bhāvaye aparimāṇaṃ;

Uddhaṃ adho ca tiriyañca, asambādhaṃ avera masapattaṃ

Mettañca: tâm từ, metta = từ (từ của người bạn, thương yêu của người bạn); mettañca di với mānasaṃ (tâm) ở phía sau nên dịch là tâm từ. Từ không phải là chậm chạp đâu, không phải là từ từ, metta là tâm của người bạn tốt. Một người bạn mà khổ đau thì mình không quá giống như người yêu, cũng không giống như người thân, nhưng mà mình luôn luôn mong muốn điều tốt đẹp, hạnh phúc an lạc cho họ, nên gọi là metta. Metta từ trong chữ Mitta: bạn thân thiết, bạn quý. Tóm lại: metta = thương yêu không dính mắc, không quyến luyến, không bị đau khổ, không bị chi phối bởi đối tượng đó.

Sabbalokasmiṃ: sabba = tất cả; lokasmiṃ = thế gian. Bên trên sabbabhutā là tất cả chúng sinh, bên dưới sabbalokasmiṃ là tất cả thế gian. Một bên nói về chúng sinh thế giới, một bên nói về cảnh giới thế giới, dù chúng sinh ở cõi nào mình cũng rải đến hết.

Mānasaṃ: trong tâm

Bhāvaye: phát triển

Aparimāṇaṃ: không giới hạn

câu trên và câu dưới, 1 câu nói về không giới hạn chúng sinh, một câu nói về không giới hạn thế giới. Ý nói là tâm từ không giới hạn, vô lượng. Mình gọi là Tứ vô lượng tâm là vậy đó

  • Dịch: hãy phát triển tâm từ không có giới hạn đối với cõi giới chúng sinh trong tất cả thế gian.

Nhưng tất cả thế gian là như thế nào, Đức Phật chỉ rõ cho mình luôn.

Uddhaṃ: hướng trên

Adho: hướng dưới

Tiriyañca: hướng ngang, hướng giữa

Có thể là chia theo tam giới, trên là cõi trời vô sắc, giữa là sắc giới, dưới là cõi dục giới. Hoặc mình có thể chia kiểu bên trên mình, bên dưới mình, xung quanh mình. Hoặc mình chia lấy trái đất làm giữa, dưới trái đất là ngạ quỷ, atula, trên trái đất là cõi trời sắc giới, vô sắc giới. Các Ngài hay chia theo tam giới cho dễ nhớ.

Asambādhaṃ: không hẹp hòi, tức tâm từ mình không có phân chia

Avera: không có sân hận ở bên trong tâm, không có kẻ thù bên trong mình là sự sân hận, nóng nảy, sự nguy hại ở bên trong.

Masapattaṃ: không có kẻ thù bên ngoài, sự nguy hại từ bên ngoài. Tức không phân biệt người thù hay người ghét, không phân biệt tâm tốt hay tâm xấu, mình rải hết.

Ở đây thật ra, tâm từ phát lên thì tâm sân không có, nhưng khi mình đang thực hành rải tâm từ này hay đang tụng kinh này, thì mình thấy đấy khi mình đang tụng kinh thì tâm mình dính chặt vào bài kinh hay thỉnh thoảng vẫn có tâm này tâm kia sinh lên? Thì rõ ràng có những khi mình hài lòng, khi mình không hài lòng thì đó chính là vera, bây giờ mình thực hành để avera, để không có nó. Tức là mình đang hành thiền thì có thể nhớ lại những gì đó, người nào đó nói hoặc làm hại mình, hại bà con thân quyến mình, tâm mình muốn sinh lúc nào thì sinh, khi mình thực hành như vậy thì cố gắng đừng phân biệt gì cả, để diệt nó. Avara là đừng để tâm thù hận sinh ra trong mình. Masapattaṃ đừng để kẻ thù bên ngoài làm hại mình, thì cố gắng phát triển. Giai đoạn đầu là vậy. Asambādhaṃ là không hẹp hòi, bên ngoài tới thì tới, bên trong tới thì tới, mình vẫn phát triển tâm từ, chứ không phải thấy bên ngoài họ hại, bên trong họ hại thì bỏ việc tu hành đi. Nghĩa là nó nổi lên bao nhiêu thì mình phát triển tâm từ bấy nhiêu.

Sự thực hành đó như thế nào? Vì có những đối tượng Đức Phật quy định rõ ràng những oai nghi, tư thế để mình thực tập. Như người hành hơi thở thì phải ngồi kiết già, lưng thẳng, để niệm ở đầu lỗ mũi. Còn người hành tâm từ thì ở câu số 9 Ngài sẽ nói rõ.

9- Tiṭṭhaṃ caraṃ nisinno va, sayāno yāvatāssa vitamiddho;

Etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya, brahmametaṃ vihāramidha māhu.

Tiṭṭhaṃ: đứng

Caraṃ: đi

Nisinno: ngồi

Sayāno: nằm

Yāvatāssa: cho đến

Vitamiddho: khi ngủ ngon

Ý là khi nào còn thức thì dù đi hay đứng, hay ngồi, hay nằm đều có thể phát triển tâm từ vô lượng này ra. Nên phải học thuộc câu “Sukhino va khemino hontu, sabbasattā bhavantu sukhitattā”, được nữa thì thuộc thêm câu số 6. Nghĩa là 1 bên mong cho an lạc, 1 bên mong đừng rơi vào cảnh bị khổ. 

Hoặc là người hành thiền khi tới gian đoạn đi, đứng, nằm, ngồi tâm đều khắng khít nơi đối tượng rồi, thì người đó không còn thấy buồn ngủ nữa. Hoặc là người đó hành 1 phương pháp nào không còn buồn ngủ nữa, thì hướng đến tâm từ này, dù mình đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm thì hướng đến tâm từ. Ví dụ như mình hành thiền tinh tấn quá không buồn ngủ, bây giờ mình phát triển tâm từ lên, Đức Phật hướng dẫn tiếp ở câu dưới.

Etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya: như vậy người mà khi hành thiền tinh tấn, thiền định hay thiền tuệ gì không biết, hoặc là các bậc Thánh Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, Arahan thì dù đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm mà thấy mình tỉnh táo, không buồn ngủ thì mình etaṃ (đó) satiṃ (lấy sự ghi nhớ đó, tỉnh táo đó, sati đó) adhiṭṭheyya (phát nguyện lên, phát triển tâm từ lên). 

Thật ra đầu tiên mình ngồi hành thiền, muốn phát triển lên thì mình lấy niệm của tâm từ đó, cái niệm ở trong thiền định đó mình phát nguyện lên để tâm từ mình rải rộng ra. Hoặc có thể người đó hành thiền gì đó mà thấy mình rất sáng suốt, không buồn ngủ thì lấy niệm đó, sự ghi nhớ đó, để ý đó, chánh niệm đó mình phát nguyện lên: nguyện cho tất cả chúng sinh thân tâm được an lạc, không có bị lừa dối, lừa gạt người kia. Khi tâm trong sáng như vậy thì mình phát triển ra.

Để cho mọi người, dù người xuất gia hay tại gia, bậc Thánh hay phàm nhân thấy được lợi ích nên Đức Phật tán dương câu sau:

Brahmametaṃ vihāramidha māhu.

Thực ra các bậc Thánh đôi lúc có tâm xả muốn nghỉ ngơi, không muốn phiền hà gì. Nhưng Đức Phật dạy không được: māhu (Như Lai dạy rằng), idha (trong giáo pháp này), etaṃ vihāram (người đó sống), brahma (cao thượng). Tức người sống chánh niệm phát triển tâm từ thì người đó có đời sống cao thượng trong Phật giáo này. Trong Phật giáo là đã cao thượng rồi, mà người sống có tâm từ thì còn cao thượng hơn nữa.

Khi nghe Đức Phật tán dương như vậy, các bậc đệ tử dù là hàng tại gia hay xuất gia, bậc Thánh hay phàm nhân (ở đây ý nói những người đã phát triển được định tâm vững chắc rồi) họ sẽ phát triển tâm từ này để cao thượng.

Tại sao lại cao thượng? Vì đứng về mặt lợi ích, các đề mục thiền khác mình phát triển để có lợi cho mình, còn đề mục tâm từ này phát triển đặc biệt vì lợi ích cho chúng sinh. Nên gọi là cao thượng.

Trong Phật giáo, với người bình thường thì có 4 cách sống. 

  • Iriyāpatha vihāra: Sống theo cách thay đổi oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm: con người và súc sinh giống nhau, không thay đổi 1 trong 4 oai nghi này là không có được. Đây là cách sống bình thường nhất.
  • Dibba vihāra: Đời sống của các vị nhập định, hoặc sống bằng thần thông. Trên cõi trời sắc giới phạm thiên là họ cứ ngồi nhập định an lạc, hưởng an lạc trong đó suốt mấy trăm ngàn năm chứ không đi chơi như cõi dục giới mình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian thì các vị đó mới xuống nghe Pháp thôi.
  • Brahma vihāra: đây là cách sống cao thượng, mình có thể thực hành được. Đó là người này sống với tâm từ, hàng ngày sống với tâm từ, thân hành động hợp với tâm từ, ý cũng hợp với tâm từ, lời nói cũng hợp với tâm từ. Người nào thực hành như vậy Đức Phật gọi là Brahma vihāra – đời sống cao thượng
  • Phala samāpatti vihāra: tức những bậc Thánh Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, dù là tại gia hay xuất gia khi họ muốn hưởng an lạc Niết bàn, họ thường nhập vào Thánh Quả định để hưởng an lạc. Còn mình muốn an lạc thì cần đi chơi, đi du lịch, còn họ thì hưởng an lạc bằng cách nhập Thánh Quả định.

Ở đây, Đức Phật tán dương người có chánh niệm (satim) rồi phát nguyện lên tâm từ phát triển ra cho tất cả chúng sanh là người có lối sống cao thượng trong giáo pháp của Ngài.

Hành thiền này chỉ đến ngang thiền để hưởng cõi trời sắc giới thôi hay sao? Không phải mà tiếp nữa:

10- Diṭṭhiñca anupaggamma, sīlavā dassanena sampanno;

Kāmesu vineyya gedhaṃ, na hi jātuggabbhaseyya puna reti

Diṭṭhiñca: trí kiến sai lệch, tà kiến thấy sai hiểu lầm rằng ngoài thân và tâm ra còn có atta – cái linh hồn, cái thường hằng bất biến, cái bản ngã.

Anupaggamma: không còn dính mắc, bám víu nữa. 

Khi mà thiền định đã vững chắc, tâm trong sáng rồi, người đó vì nghe Pháp của Đức Phật nên họ hướng tâm về sự sinh diệt, hoặc họ phân biệt được những thành phần nhân sinh ra thiền Jhānaṇga (chi thiền), như vitāka, vicāra… đang sinh diệt trong người mình. Thứ 2 để những cái đó sinh phải có nơi nương nhờ là sắc, họ phân biệt được rõ như vậy, càng thấy rõ hơn họ không thấy có cái atta ở trong nên họ không còn dính mắc ở atta, ditthi nên gọi là Diṭṭhiñca anupaggamma. Giống như có người kia thấy cây chuối nó thẳng vậy đó, nhưng khi bóc nó ra thì lại không có thân chuối. Người mình cũng vậy, người hành thiền tâm trong sáng rõ ràng sẽ thấy chỉ còn có 2 cái, đó là thành phần nhân sinh thiền và sắc nơi nương nhờ vào, chỉ có 2 cái này sinh diệt liên tục, nên họ phải thiền liên tục mới chứng được, nên luôn phải tác ý, luôn phải hướng tâm sinh diệt. Rồi họ nghe pháp Phật có yoniso manasikara nữa người đó sẽ diệt được attha ditthi là đương nhiên, họ không còn thấy 1 cái lõi gì trong này hết, dính vào sukha thì nó cũng sinh diệt vì cái tâm trong sáng quá, dính vào ekaggatā thì nó cũng sinh diệt theo trên đối tượng đó, metta đó, mà bám vào sắc nơi sukha, ekaggatā nương nhờ là trái tim và não… bám vào cũng không được vì nó diệt nữa, thì gọi là Diṭṭhiñca anupaggamma. Và ngay từ đầu, để thiền định chứng đắc là phải có sīlavā (người có giới) và dassanena sampanno – người này diệt được hoài nghi. Hoài nghi là gì? Vì hồi trước nghĩ rằng nếu nó có atta thì đương nhiên phải chịu chi phối bởi 1 đấng nào đó, khi mình tin rằng bị chi phối bởi 1 đấng nào đó thì mình sẽ nghi ngờ không biết khi nào ông đó cứu, khi nào ông đó cho cái này cho cái kia, muốn diệt nghi ngờ (thoát ly hoài nghi thanh tịnh) thì mình phải diệt được đấng tạo hóa, thoát được đấng tạo hóa. Cho nên dassanena là có chánh kiến, sampanno là đầy đủ cả 7 pháp thanh tịnh: giới thanh tịnh sīlavā, định thanh tịnh Etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya, còn dassanena sampanno là còn lại từ chánh kiến thanh tịnh, thoát ly hoài nghi thanh tịnh, pháp đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, pháp hành tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh, là 5 pháp này cùng thành tựu 1 lần với Nhập Lưu Thánh Đạo thì gọi là dassanena sampanno. Diệt được hoài nghi và thành tựu Thánh Đạo quả do nương nhờ thiền và diệt được atta ditthi nên chứng Thánh. Hơn nữa, nếu tiếp tục trải qua thanh tịnh lần thứ 2 thì:

Kāmesu (trong dục giới) vineyya (diệt được), gedhaṃ (không còn) ???? tức là bậc Nhất Lai và Bất Lai sẽ diệt luôn được sự dính mắc trong ngũ dục.

Gedhaṃ là tham ái trong đối tượng, là chủ thể, còn kāmesu là nói về đối tượng (sắc thinh hương vị xúc).

Còn hơn nữa:  na hi jātuggabbhaseyya puna reti: không còn tái sinh luân hồi nữa. na (không), jātu (chắc chắn rằng), gabbhaseyya (đầu thai), puna (quay trở lại), reti (đạt đến). Tức là người này chứng Arahan.

Kết thúc bài kinh tâm từ.

Ở đây người nào khi thực hành tâm từ phát triển. Ở đây nói về Etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya là người đó có chánh niệm, đắc thiền rồi đó mới nguyện, nhưng mà người đọc tụng chưa chứng thiền đi nữa thì đọc tụng với sự ghi nhớ, ghi nhận từ âm thanh đến ý nghĩa, sự sinh diệt đang diễn ra trong mình thì người đó phát nguyện cũng được, cũng thấy được sự sinh diệt qua đó cũng được. Chứ không phải đắc vào trong thiền an định. Người tụng đọc có sati theo dõi từng âm thanh, từng sự sinh diệt của âm thanh, sinh diệt của tâm, của ý nghĩa trong bài kinh này thì người đó cũng có thể phát triển lên để diệt Diṭṭhiñca anupaggamma qua bài này.

Khi 1 người tụng đọc bài kinh này mà có phát nguyện lấy cái sati, cái chú tâm đấy mà theo dõi để diệt được sự bám víu vào bên trong này, làm sao cho chỉ thấy được tâm và âm thanh, sắc đó thì 2 cái đó cứ sinh diệt, thì người đó sẽ đạt được – cái chính là phải phát nguyện (1 trong 10 parami). Sati không có trong parami nhưng là thành phần quan trọng trong pháp hành. 2 cái này kết hợp nhau: parami và pháp hành. Nếu có parami mà không hành thì sao ra. Đó là câu chuyện của 2 vợ chồng phú hộ ham ăn chơi rồi cuối đời ra đường ở đó, họ có parami nhưng thiếu pháp hành, thiếu sati. Nên bây giờ mình chưa biết parami đủ hay chưa nhưng mình có nguyện lực, có nỗ lực, có sati thực hành thì đây là 1 pháp môn để diệt phiền não, có thể đến Arahan Thánh Quả. 

Nên chỉ cần 1 bài này cũng đủ rồi. Nhưng ai chưa hài lòng bài này thì mình không dính bài này thì dính bài khác, không hành được tâm từ thì hành cái khác, nhưng cố gắng thuộc và thực hành. Biết mà không thuộc thì mình sao có trong tâm để tiến hành. Như mình xem ti vi, đọc tiểu thuyết, nghe bolero rồi hành vipassana thì sao mà ra, chính là nhân duyên xung quanh đó. Nên cố gắng học hiểu biết cái rasa vị ở trong đó, nhưng không phải khi nào hành mình cũng vui mà lúc đứng lại để nó chờ đợi 1 cái gì đó, thì thay vì mình kiếm pháp Phật để nó tăng trưởng lên mình lại đi xem cái khác, vấn đề khác nó đi ngang rồi, hoặc đi xuống rồi, không còn đi lên nữa, cho nên mình làm nhiều mà không được bao nhiêu vì nó không nhất quán. Phật pháp không biết làm sao mà đọc, đọc kinh sách đâu phải đọc như tiểu thuyết, bây giờ lại không phải đọc nguyên văn gốc mà đọc văn dịch mới chết nữa. Nên học ít cũng được, nhưng học cho sâu, cho thấu, nghe cho rõ. Thì pháp Phật giống nhau, mình học sâu thì có thể đối chiếu qua lại, quan trọng khi mình học mình phải có hoan hỉ ở trong đó, mình thấy nó giúp ích cho pháp hành của mình. Chứ mình đọc những cái vui mà ngược với sự tu hành của mình thì rất khó cho bản thân mình, đức tin Phật giáo của mình sẽ bị bào mòn dần.

Nên hãy làm những phận sự hàng ngày này đều đặn, đức tin sẽ tăng trưởng. Ngoài đức tin ra, 7 pháp có sự có niệm, có hiểu biết, có piti, có định, sammadi ở trong Bojjhanga thôi chứ chưa cần trong Thánh Đạo đâu, chỉ cần nhân để giúp được Thánh Đạo là đã hộ trì cho mình trên con đường thực hành rồi. 

Bài kinh Mettasutta Sư đã giảng nghĩa nhiều rồi, tuy không hết được nhưng ít nhất rõ ràng hơn khi mình tụng đọc, mình không vào thiền định đi nữa thì sự tụng đọc của mình cũng đem lại nhiều lợi ích là mình biết theo dõi, biết nó nằm ở đâu. Khi tụng đọc đừng có suy nghĩ gì nữa, chỉ nhớ là mình đang đọc cái gì vậy thôi. Chứ không phải Sư khi nào tụng đọc Sư cũng biết nghĩa hết đâu, Sư dạy Sư mới nói nghĩa vậy đó, chỉ cần biết mình đang nói cái gì, nó mang tới cái gì vậy thôi, rồi theo dõi. Theo dõi cái chính là gì? Là làm sao để tham tâm hài lòng và sân tâm không hài lòng ngay chỗ mình tụng đọc đây, chứ mình biết nghĩa mà mình không biết tâm mình đang ở đâu thì cũng như không. Cái chính là diệt tham tâm hài lòng và sân tâm không hài lòng ở nơi đối tượng mình đang làm phận sự, dù là Phật đi nữa, mình tham cũng không được, sân cũng không xong. Vì mình biết nghĩa, biết rõ mình đang làm gì nên không sợ si, vì con người không tham không sân thì rơi vào si. Nhưng rõ ràng mình đang biết mình đang làm gì đây, với satim với adhiṭṭheyya đó thì khỏi sợ rơi vào si, cái chính là diệt tâm tham và tâm sân. Hôm nay tụng kinh nghe thấy hay nghe vui nên thấy vui, là tham tâm. Hôm nay tụng sao mà thấy ngắc ngứ không ra gì, nên không vui là tâm sân. Mình phải diệt cái đó là chính, chứ không phải nhìn xem nghĩa đó là gì để mình tụng đọc.

Nên đây là điều nhắn nhủ mọi người, sau khi làm phận sự hàng ngày đừng như cái máy. Và hãy học thuộc chứ đừng mở máy ra nghe. Tuy  hành động cùng ngồi đọc tụng như nhau, nhưng yoniso manasikara, sự tác ý hướng tâm trí tuệ ở trong đó, không cần phải ai biết cả, không cần nói ai biết cả, vì Pháp của Phật là Sanditthiko, oppaneyyiko, làm sao cho nó dính vào trong mình.

NIỆM ÂN ĐỨC TAM BẢO

Trước đó là mình đảnh lễ, còn đọc kinh xong rồi giờ là mình phát triển thiền về Niệm Ân Đức Phật, nên gọi là niệm Ân Đức Tam Bảo. Nên mình hướng tâm để cho tâm mình khắng khít ở trong đó. Còn bên kia là mình hướng đến Đức Phật để cung kính đảnh lễ. Còn đây sau khi tụng kinh, tâm mình đã hiển hiện, đã dịu lắng bớt phiền não, công việc hàng ngày thì mình hướng tâm đến Ân Đức Phật để nó pīti hoan hỉ, phấn chấn, rung động phát sinh để mình hành thiền có kết quả.

Evaṃ Buddhaṃ sarantānaṃ, dhammaṃ Saṃghañca bhikkhavo;

Bhayaṃ vā chambhitattaṃ vā, lomahaṃso na hessati.

Đây là đoạn trong bài kinh Nhìn lên ngọn cờ.

Evaṃ (như vậy) Buddhaṃ (Đức Phật, ân Đức Phật) sarantānaṃ (người luôn luôn tụng niệm, niệm trong tâm), dhammaṃ (ân Đức Pháp) Saṃghañca (ân Đức Tăng) bhikkhavo (này các con yêu quý);

Bhayaṃ (sợ hãi) vā chambhitattaṃ (sự rởn gai ốc) vā, lomahaṃso (dựng tóc gáy) na hessati (sẽ tiêu tan).

Tức là: người nào bắt đầu thấy 3 trạng thái sợ hãi này khi ở 1 mình ở trong rừng, hay căn nhà vắng, nơi thanh vắng quá thì người đó hoặc niệm ân Đức, hoặc niệm ân Đức Pháp, hoặc niệm ân Đức Tăng thì những sự sợ hãi đó sẽ tiêu tan. Người nào có tâm sợ hãi, niệm xong mình vào hành thiền thì cũng tốt, đây là sự hộ trì thôi.

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app