DHAMMAPADA: PHÁP DẪN ĐẾN NIẾT BÀN | SAMGHARAKKHITA CHÁU – SƯ HỘ GIỚI DỊCH VIỆT

Saṃgharakkhita Cháu

Câu chuyện này cũng lại là một câu chuyện kể về sự kiện đã diễn ra tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh thành Sāvatthi. Vì vậy có thể nói rằng, đây là sự việc có thật đã xảy ra vào thời đại đó.

 

Trong kinh thành Sāvatthi có một chàng thanh niên thật thà chất phác, cậu ta có một người em gái. Hai anh em họ sống cùng nhau, làm ăn buôn bán nuôi sống lẫn nhau. Khi đến tuổi trưởng thành, hợp thời người em gái đã lập gia đình theo chồng, nhưng người anh không lập gia đình mà ở vậy. Bởi người anh và cô em gái có cái thấy về cuộc đời không giống nhau. Trong khi cô em gái thấy cuộc đời đầy hoan lạc, đáng yêu thích (assāda); thì người anh trai lại thấy cuộc đời đáng nhàm chán, có lỗi lầm (ādīnava). Người thấy cuộc đời đầy hoan lạc, thì lập gia đình; trong khi người thấy cuộc đời nhàm chán, thì xuất gia trong giáo pháp của đức Phật Gotama. Người anh với trách nhiệm của mình, đã chăm lo nuôi dưỡng cho đến khi cô em gái lập gia đình. Sau khi hoàn thành trách nhiệm và phận sự đối với cô em gái, người anh đã xuất gia trở thành vị Tỳ khưu trong Phật giáo.

Người anh trai xuất gia Tỳ khưu với pháp danh (tên gọi) là Saṃgharakkhita. Ngay khi nói rằng người anh thấy cuộc đời đáng nhàm chán, nghĩa là đã có năng lực thúc đẩy của pāramī, nên đã tìm kiếm sự giải thoát khỏi cuộc đời (nissaraṇa), để đạt đến Niết-bàn. Vì vậy, người anh Tỳ khưu Saṃgharakkhita chỉ cần tinh tấn thực hành pháp Tỳ khưu 2-3 ngày là chứng đạt thành bậc Thánh Á-rá-hán. Trưởng lão Saṃgharakkhita đã thật sự giải thoát khỏi cuộc đời, đã đạt đến Niết-bàn cao thượng.

Cô em gái tuy chính mình không thể giải thoát khỏi cuộc đời, nhưng lại mong muốn cho con trai của mình giải thoát khỏi cuộc đời. Cô ta không cần biết mong muốn của mình đặt lên trên con trai, có thật sự thích hợp với cuộc đời của nó hay không. Bởi thật ra, “mong muốn” (chanda) nằm trong ranh giới thuộc lĩnh vực của atta (ta, theo ý muốn của ta), trong khi “cuộc đời” (bhava) lại nằm trong ranh giới thuộc lĩnh vực của anatta (vô ngã, không theo ý muốn của một ai cả). Vì thuộc trong ranh giới của hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nên một khi căn cứ theo mong muốn của mình để xây đắp lên cuộc đời, nhưng nó có thành tựu được như mong muốn ấy hay không lại là một chuyện khác.

Do đó, cô em gái đã lấy chính tên của người anh để đặt tên cho con trai của cô ta là Saṃgharakkhita, rồi cho xuất gia Sa-di, xuất gia Tỳ khưu với vị Trưởng lão anh trai của mình. Và cũng kể từ đó trong lịch sử Phật giáo, con trai của cô ta được lưu truyền với tên vị gọi là Tỳ khưu “Saṃgharakkhita cháu”. Vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu sau khi theo học Pāḷi, giới luật xong, đã đến làm trụ trì tại một ngôi chùa quê và trở thành một vị Sư trụ trì (chủ chùa). 

Người cháu Saṃgharakkhita rất yêu quý người cậu Trưởng lão Saṃgharakkhita. Vì Trưởng lão vừa là người anh ruột của mẹ, lại vừa là vị thầy Tế độ (Bổn sư) của mình. Cho nên, người cháu Saṃgharakkhita mới có sự yêu quý, quyến luyến nơi vị sư cậu Trưởng lão Saṃgharakkhita. Sự yêu quý, quyến luyến như vậy gọi là “tình thân yêu người nhà” (gehassitapema). Gehassitapema có nghĩa là tình yêu thương, quyến luyến được xây đắp tạo dựng lên dựa trên tham ái. Sự yêu thương và sự quyến luyến này tưởng rằng là tốt, nhưng hóa ra lại xấu. Bản chất tham dục (yêu quý, quyến luyến) chướng ngại (kāmacchanda-nīvaraṇa), nghĩa là khi trí tuệ và định tâm cần phát triển đến một mức nào đó, thì nó che đậy phủ mờ, làm cho không thể phát triển lên được. Chính vì yêu quý đức Phật theo cách này, mà người đã từng nắm đuôi ngựa đi cùng lúc Ngài mới xuất gia, là Trưởng lão Channa đã không chứng ngộ được pháp đặc biệt để trở thành bậc Thánh nhân khi đức Phật còn hiện tiền.

Khi đang trong thời gian an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa (từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 9 Âm lịch) vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu có được 2 tấm vải may y. Trong đó 1 tấm khoảng 14 gang tay, còn 1 tấm khoảng 16 gang tay. Tấm vải khoảng 14 gang tay là có ý định để dành cho chính mình, còn tấm vải 16 gang tay là có ý định dâng cúng đến vị vừa là cậu ruột vừa là Thầy tế độ, Trưởng lão Saṃgharakkhita. Sau khi ra hạ (hết rằm tháng 9 Âm lịch) vị ấy đã mang tấm vải 16 gang tay ấy đến dâng lên vị Trưởng lão sư cậu. Khi đến chùa, vị ấy đã không gặp được Trưởng lão sư cậu. Lý do là bởi vị ấy đến gặp lúc Trưởng lão sư cậu đang đi bát khất thực chưa về đến chùa. Để khi Trưởng lão sư cậu đi bát khất thực trở về được thuận tiện, vị Tỳ khưu cháu ấy đã làm những công việc phục vụ như: quét dọn, thêm nước vào lu, chậu để rửa chân, v.v…

Khi vị Trưởng lão sư cậu đi bát khất thực trở về đến chùa, vị Saṃgharakkhita cháu đã đón rước, mang bát, trải chỗ ngồi đến cho vị Trưởng lão sư cậu. Đến khi vị Trưởng lão sư cậu ngồi vào chỗ của mình, vị Tỳ khưu cháu đã cầm chiếc quạt bằng lá cọ để quạt cho vị Trưởng lão sư cậu.

Sau đó, vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu đã dâng cúng tấm vải may y lên vị Trưởng lão Saṃgharakkhita cậu. Tuy nhiên, vị Trưởng lão sư cậu đã không chịu nhận tấm vải ấy. Vị Trưởng lão sư cậu là một bậc Thánh Á-rá-hán, lại có cả 6 phép thần thông. Và cũng lại là Bậc đã tự chính mình thọ hưởng sự an lạc vắng lặng tịch tịnh (santisukha). Vì vậy, Trưởng lão sư cậu cũng muốn làm sao để khiến cho người cháu Saṃgharakkhita tự chính mình thọ hưởng được sự an lạc vắng lặng tịch tịnh ấy. Chính vị Trưởng lão sư cậu cũng tự nhận, mình phải có trách nhiệm làm sao cho vị Tỳ khưu cháu nỗ lực cố gắng thực hành pháp, để có thể thọ hưởng được sự an lạc đó. “Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu ngoài là người cháu ruột ra, lại còn là một đệ tử hầu cận nữa (saddhivihārika). Ta là vị Thầy tế độ (bổn sư) của Tỳ khưu cháu ấy, cho nên đối với đệ tử của mình, ta phải có bổn phận nghĩ ra một cách thức, phương pháp nào đó thích hợp nhất, để khiến cho người đệ tử ấy thực hành phát triển pháp thiền đưa đến chứng đạt thành bậc Thánh nhân mới phải đạo.” Do vậy nên vị Trưởng lão Saṃgharakkhita cậu đã không thọ nhận tấm vải để may y của Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu là vậy. Bởi thật ra, điều mà vị Trưởng lão sư cậu muốn cho vị Tỳ khưu cháu trải nghiệm, đó chính là càng muốn ít (appiccha) chừng nào, thì sự an lạc càng nhiều chừng ấy. Và vị Trưởng lão sư cậu cũng đoán biết nay đã đến lúc để thức tỉnh trực tiếp rồi.

Vì Niết-bàn an lạc mang ý nghĩa là không còn có tham ái; cho nên, khi không có ít tham ái, thì có được ít Niết-bàn và được ít an lạc; hoặc một khi không có nhiều tham ái, thì sẽ có được nhiều Niết-bàn và có được nhiều an lạc; còn nếu một khi hoàn toàn không có tham ái, thì sẽ có được Niết-bàn cao thượng siêu tam giới (Niết-bàn hoàn toàn). Và khi ấy, sự an lạc tận cùng tuyệt đối an lạc vắng lặng, tịch tịnh (santisukha) sẽ phát sinh lên. Santisukha: an lạc vắng lặng, tịch tịnh chính là tên gọi của Niết-bàn. Đã là Niết-bàn, thì chỉ có trở thành bậc Thánh mới trực tiếp thọ hưởng được. Và để trở thành một bậc Thánh, thì cần phải đoạn diệt tham ái. Đã đến lúc thích hợp để khiến cho vị Tỳ khưu cháu đoạn diệt tham ái và trở thành một bậc Thánh rồi. Vị Trưởng lão sư cậu mong muốn, người cháu với địa vị là một Tỳ khưu, thì làm sao để không mất thời gian cho việc bố thí; mà chỉ dành nó cho việc nỗ lực tinh tấn thực hành pháp thiền (vipassanā).

Sau đó vị Tỳ khưu cháu vẫn đứng quạt cho vị Trưởng lão sư cậu. Vị Tỳ khưu cháu rất buồn khi vị Trưởng lão sư cậu đã không thọ nhận tấm vải may y của mình dâng cúng. “Trưởng lão Saṃgharakkhita vừa là cậu ruột lại vừa là vị Thầy tế độ của mình, thế nhưng lại không thọ nhận tấm vải may y của mình dâng cúng, như vậy chỉ có thể tại mình không xứng làm một thí chủ trong Phật giáo này. Ngay kiếp này chứng đắc được Thánh đạo, Thánh quả thì thật quá xa vời. Bởi vì, ngay cả bố thí cúng dường cho được phước thiện, Trưởng lão sư cậu đã không nâng đỡ, thì chỉ có thể do mình không xứng để nâng đỡ”. Vị Tỳ khưu cháu đã suy nghĩ như vậy, nên trong tâm rất buồn rầu, không vui.

Sau đó, vị ấy lại tiếp tục suy nghĩ: “Trưởng lão sư cậu đã không chịu thọ nhận tấm vải may y này thì biết làm gì nữa? Điều tốt nhất chính là hoàn tục trở về đời sống tại gia. Sau khi hoàn tục, mình sẽ bán tấm vải này, số tiền có do bán được sẽ đầu tư vào chăn nuôi, trong nghề chăn nuôi, thì chăn nuôi dê là tốt nhất, bởi vì, dê mau sinh sản, lại được giá, nên kinh tế phát triển. Đến khi kinh tế phát triển ổn định mình sẽ lập gia đình. Với cuộc đời người cư sĩ, mình sẽ làm phước thiện, sẽ bố thí cúng dường, sẽ thọ trì giữ gìn giới hạnh. Phước thiện bố thí và phước thiện giữ giới, tuy không chứng đắc được Thánh đạo, Thánh quả, nhưng chắc chắn cũng có thể khiến cho được tái sinh trong các cõi trời, cõi thiện”.

Vị Saṃgharakkhita cháu lại tiếp tục mơ tưởng: “Sau đó sẽ sinh một đứa con trai; nó cũng được đặt theo tên của Trưởng lão sư cậu, vẫn tên là Saṃgharakkhita. Sau nữa, mình dẫn theo vợ trẻ con thơ, cùng đi trên một chiếc xe bò đến đảnh lễ thăm viếng vị Trưởng lão sư cậu. Mình sẽ tự đánh lái xe bò, còn vợ sẽ bồng ẵm đứa con trai bé bỏng ấy. Tiếp theo, mình vừa đánh lái xe bò lại vừa muốn bồng con, nên bảo vợ trao đứa con trai yêu quý cho mình bồng. Khi ấy, người vợ của mình sẽ không trao đứa con cho mình, mà bảo mình hãy chuyên tâm tiếp tục đánh lái xe; nên mình sẽ tiếp tục đánh lái xe bò đi vậy. Trong lúc xe bò đang đi ấy, đứa con trai bé bỏng yêu quý đã bị rớt xuống đường, từ trên tay người vợ. Thật bất hạnh, khi không may đứa con trai bé bỏng đáng yêu ấy lại bị bánh xe bò chèn chết”.

Đó là những gì mà vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu đang mơ tưởng đến trong dòng suy nghĩ của mình. Nhưng tâm suy nghĩ mơ tưởng không dừng lại ngang đây, mà lại còn tiếp diễn nữa. Tâm suy nghĩ mơ tưởng của vị ấy không chỉ đi một mình nó, mà còn mang cả vị Tỳ khưu cháu theo trong đó nữa. Tâm suy nghĩ mơ tưởng và vị Tỳ khưu cháu trở thành một thực thể duy nhất rồi. Tâm suy nghĩ mơ tưởng cũng chính là vị Tỳ khưu cháu; vị Tỳ khưu cháu cũng chính là tâm suy nghĩ mơ tưởng. Đây chính là năng lực của suy nghĩ sai trái (micchāsaṅkappa). Micchāsaṅkappa có nghĩa là suy nghĩ sai trái, lệch lạc (tà tư duy). Chính ngay khi gọi là tâm suy nghĩ mơ tưởng sai lệch, thì đương nhiên nó sẽ khiến cho khẩu nghiệp nói năng cũng sai lệch và thân nghiệp hành động cũng sai lệch theo.

Vị Saṃgharakkhita cháu đến giờ phút này vẫn đang còn ở trong thế giới tâm suy nghĩ mơ tưởng ấy. Vì vậy, vị ấy đã rất tức giận vợ của mình, bởi vì, đến đứa con thơ bé nhỏ cũng không thể bồng ẵm nổi, để con trai yêu quý phải chết oan uổng. Do đó, vị ấy đã không làm chủ được cơn tức giận, không giữ được bình tĩnh nữa, nên cầm roi mây đánh bò để đánh người vợ. 

Tuy nhiên, roi mây ấy đã không trúng vợ của mình mà lại trúng vào trên đầu vị sư cậu Trưởng lão. Và ngay khi ấy, roi mây cũng không phải là roi mây nữa vậy; mà lại là cái quạt bằng lá cọ. Năng lực của suy nghĩ sai lệch (micchāsaṅkappa) quả thật sắc bén vô cùng! Cây roi mây từ thế giới suy nghĩ mơ tưởng, đến thế giới hiện thực lại là chiếc quạt bằng lá cọ; người vợ của mình từ thế giới suy nghĩ mơ tưởng, đến thế giới hiện thực lại là người cậu ruột của mình.

Tâm suy nghĩ mơ tưởng không phải là không có năng lực, mà nó có năng lực có thể biến hóa, tạo dựng nên một thế giới riêng của chính nó. Nếu một khi tâm suy nghĩ mơ tưởng, có thể đem từ thế giới riêng biệt của mình đến với thế giới hiện thực này, thì theo như ngôn ngữ của các thi sĩ gọi đó là “hương vị ngọt ngào”, bởi nó là điều đặc biệt do làm được điều ngược lại với cuộc đời hiện thực. Mặc dù vậy, tâm suy nghĩ mơ tưởng của vị Tỳ khưu cháu không được như vậy, không đưa được đến thế giới hiện hữu mà lại rơi xuống vực thẳm. Sự việc xảy ra như vậy, vì nó không có gì đặc biệt, không làm được điều ngược lại với cuộc đời hiện thực, nên theo như trong ngôn ngữ của các thi sĩ gọi nó là “phạm quy”, do “làm cho kết quả thấp kém đi”; có nghĩa là không có gì đặc biệt hơn so với thế giới hiện thực đang xảy ra.

Khi người cháu dùng quạt đánh vào đầu của mình, vị Trưởng lão sư cậu liền quở trách dạy bảo:

  • Này ông Tỳ khưu nhỏ! Ông không thể đánh trúng được đầu vợ của ông, mà chỉ đánh trúng vào đầu của ta.

Kể từ giây phút ấy, thế giới tâm suy nghĩ mơ tưởng của vị Tỳ khưu cháu mới hoàn toàn sụp đổ. Cho nên đã sợ hãi, kinh khiếp và đã rất hổ thẹn. Nhưng cũng lại rất hoan hỷ, kính trọng người cậu là bậc Trưởng lão Á-rá-hán có năng lực thấy biết được tâm của người khác; trong khi nghĩ cuộc đời của mình vẫn còn phàm nhân, nên đã rất buồn tủi vậy. “Quả thật là vi diệu! Vị Thầy tế độ của ta đã thấy biết rõ tất cả những gì ta đang suy nghĩ. Ta đã tự hủy hoại bản thân mình đến bước đường cùng rồi. Cuộc đời xuất gia Tỳ khưu đối với ta cũng chẳng còn có ích lợi gì nữa”. Vị Tỳ khưu cháu khi nghĩ đến điều này, liền bỏ chiếc quạt xuống định tìm cách chạy trốn khỏi chùa. Cũng khi ấy, các vị Tỳ khưu khác đã vây quanh vị Tỳ khưu cháu, rồi dẫn vị ấy đến trình diện đức Phật.

Khi tất cả đến trình diện trước đức Phật, Ngài hỏi về sự việc xảy ra của vị Tỳ khưu nhỏ ấy, các vị Tỳ khưu khác đã trình bạch lên đức Phật đầu đuôi câu chuyện. Khi ấy, đức Phật đã thuyết dạy bài kệ pháp bảo sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Tâm đương nhiên nó có thể đi đến nơi rất xa; nó có thể sinh khởi hết tâm này rồi lại đến tâm khác (đi một mình). Nó không có hình dạng. Nó nương nhờ nơi hang động gọi là hadayavatthu (sắc tâm nương nhờ, (tim, não…). Người có thể giữ gìn tâm một cách an toàn thì sẽ thoát khỏi trói buộc của Ma vương.”

Đã là tâm thì theo bản chất tự nhiên của nó, trong một kha-ṇa (khaṇa: tích tắc) là có thể đi đến một thời gian rất xa xăm; trong một tích tắc là có thể đi đến một nơi chốn xa xôi. Đây chính là bản chất tự nhiên, là năng lực của tâm vậy.

Nếu để cho năng lực của tâm theo như tự nhiên của nó là “muốn đi đâu cứ đi”, không có sự theo dõi, giữ gìn, mà buông thả nó, thì sẽ rơi vào sự thực hành theo phương pháp “kāma-sukhallikā-nuyoga: cố gắng thuận theo sự hưởng thụ an lạc trong các đối tượng tham muốn”, nên không thích hợp, không đúng đắn. Còn nếu ra sức ngăn cấm, đè nén một cách cực đoan phi pháp rằng “không được đi”, thì đó cũng là rơi vào trong sự thực hành theo phương pháp atta-kilamathā-nuyoga: cố gắng hành hạ thân thể khandha làm cho mệt mỏi, khổ đau”, nên cũng không thích hợp, không đúng đắn. Bởi thật ra, đã là tâm thì nó luôn sinh khởi theo như bản chất của chính nó. Trong khi nó thực hiện phận sự tự nhiên của chính nó (anatta), thì chính mình với danh nghĩa là một chúng sinh, một nhân vật (atta) rồi xen vào can thiệp; sự can thiệp vào này gọi là thực hành theo phương pháp “anta-paṭipadā: thực hành cực đoan”.

Còn như sự thực hành theo phương pháp trung dung, hài hòa “majjhima-paṭipadā” (Hán dịch: pháp hành trung đạo), đó là sự thực hành không phải với danh nghĩa chúng sinh, nhân vật; mà chỉ với danh nghĩa “dhamma: pháp, nhân duyên, sự diễn tiến”. Vì vậy, chính người thực hành ấy phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm của mình; phải quán xét, biết rõ phận sự của tâm.

Mỗi khi tâm nhận biết đối tượng đều phải được ghi nhận bởi “sati: niệm, sự chú ý, để ý” (sammāsati: chánh niệm). Và để sự ghi nhận không bị gián đoạn, cắt đứt, thì phải sử dụng “vīriya: tinh tấn” (sammāvāyama: chánh tinh tấn), luôn nỗ lực cố gắng không thoái chuyển, không lười biếng. Để tâm không bị buông thả, thì phải rào chắn, cắm chặt bởi “samādhi: an định, nhất tâm” (sammāsamādhi: chánh định). Với “vitakka: sự hướng tâm tư duy” (sammā-saṅkappa: chánh tư duy) phải tìm hiểu, nghiên cứu hiểu biết mọi mặt của đối tượng. Và với “paññā: trí tuệ” (sammādiṭṭhi: chánh kiến) phải đưa ra những quyết định đúng đắn chân thật rằng đối tượng này không phải nhân vật, không phải chúng sinh, không phải một vật thể nào, nó chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra). Trong khi làm những phận sự này, thì phải có “sati”, “vīriya”, “samādhi” với vai trò là nhân thiền định Thánh đạo (samādhi-maggaṅga) tham gia vào trong các phận sự ấy. Và còn phải có “saṅkappa” (vitakka: hướng tâm, tư duy)“paññā” với vai trò là nhân thiền tuệ Thánh đạo (paññā-maggaṅga) cũng tham gia vào trong các phận sự ấy. 5 nhân Thánh đạo (sati: niệm, vīriya: tinh tấn, samādhi: định, saṅkappa: tư duy, paññā: trí tuệ) này gọi là nhân thiền quan sát, quán xét Thánh đạo (vipassanā-maggaṅga). Bất cứ khi nào tâm hướng đến tiếp nhận đối tượng, thì những nhân tố như thế này phải luôn luôn hoạt động theo trong tâm ấy.

Trong phận sự hoạt động như vậy, không phải làm với tính chất nhân vật (puggala), mà chỉ làm với tính chất dòng sinh diệt thuần túy tự nhiên (dhamma). Bởi thật ra, trong thế gian này thật sự không có cái gọi là nhân vật (na puggala), chúng sinh (na sattā) hay sự vật (na koci); tất cả chỉ là điều kiện tự nhiên, sinh-diệt không ngừng (dhamma); tất cả chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra).

Một khi “dhamma” hoặc “saṅkhāra” được ghi nhớ, nhận định là nhân vật, hoặc chúng sinh, hoặc sự vật, thì đồng thời ngay khi ấy “cái ta” sẽ xen vào. Chính “cái ta” này gọi là “atta: linh hồn”. Và khi ấy, liên quan đến sự tiếp nhận đối tượng của tâm, nó có thể sẽ phát sinh sự vui thích, hài lòng; hoặc có thể sẽ phát sinh sự chán ghét, không hài lòng. Dù là khi sự vui thích, hài lòng sinh khởi; hay khi sự chán ghét, không hài lòng sinh khởi, thì chúng cũng là phiền não ô nhiễm cả thôi. Chính ngay lúc này gọi là tâm đã bị phiền não kết giao, trói buộc.

Do đó, dù tâm có tiếp nhận đối tượng nào đi nữa, thì đối tượng ấy không phải là nhân vật, không phải là chúng sinh, không phải là sự vật; và chính tâm chủ thể biết tiếp nhận đối tượng cũng vậy, không phải nhân vật, không phải chúng sinh, không phải sự vật. Tất cả chỉ là dòng diễn tiến nhân quả thuần túy tự nhiên (dhamma). Tất cả chỉ là sự kết hợp thôi thúc tạo tác (saṅkhāra). Tất cả chúng chỉ là sinh-diệt, là vô thường, khổ, vô ngã, phải thấy biết rõ như vậy bằng cách tiến hành phát triển đầy đủ 5 nhân thiền quan sát, quán xét Thánh đạo gồm 3 nhân thiền định Thánh đạo là “sammāsati: chánh niệm”, “sammāvāyāma: chánh tinh tấn”, “sammāsamādhi: chánh định”; và 2 nhân thiền tuệ Thánh đạo là “sammāsaṅkappa: chánh tư duy”, “sammādiṭṭhi: chánh kiến”.

Khi cố gắng thực hành như vậy, nên thấy biết rõ rằng đã là tâm thì không phải chỉ có một cái (tâm) đang sinh khởi liên tục; mà là sự sinh khởi hết cái (tâm) này rồi đến cái (tâm) khác. Nghĩa là một cái tâm này diệt đi và tiếp theo một cái tâm khác phát sinh lên theo sau. Vì vậy, tâm luôn trong trạng thái phát sinh lên với sự sinh-diệt liên tục. Trong sự sinh-diệt liên tục như vậy, cũng không phải duy nhất chỉ có một cái tâm đang sinh khởi. Tâm thứ hai sinh khởi (là một tâm khác) không phải tâm thứ nhất. Như vậy, các tâm mỗi khi sinh khởi thường chỉ có từng tâm, từng tâm một. Nếu một khi có sự nhận thức rằng tâm thứ hai sinh khởi cũng chính là tâm thứ nhất, thì đó là do bởi nhận thức sai lệch, tri kiến sai lệch về thường hằng (sassatadiṭṭhi). Còn nếu nhận thức rằng không có sự liên hệ, kết nối nào, thì đó cũng là do bởi nhận thức sai lệch, tri kiến sai lệch về chấm dứt, đứt đoạn (ucchedadiṭṭhi). Đã là tâm, tuy không phải chỉ duy nhất một tâm, nhưng theo như nhân-quả, thì chúng có liên hệ, kết nỗi lẫn nhau. Với 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ phải nhìn, quan sát, quán xét cho thấy biết rõ ra điều đó.

Tâm nghĩa là không có thân thể, không có dung mạo, cũng không hình dạng. Bởi nếu một khi nhận thức rằng tâm có thân thể, hoặc có dung mạo, hoặc có hình dạng, thì “atta: cái ta, linh hồn” sẽ xen vào. Một khi “atta: cái ta, linh hồn” xen vào, thì trong 2 loại tính chất thích hay không thích, thế nào cũng có một loại tính chất sinh khởi lên, không thể nào sai chạy được. Ngay khi ấy, chính tâm đã bị phiền não kết giao, trói buộc. Tại sao vậy? Bởi vì, cả 2 loại tính chất thích hay không thích, đều chính là những phiền não.

Tuy nói rằng tâm có thể đi đến xa xôi diệu vợi dù là không gian (vị trí), hay thời gian. Nhưng thật sự không phải tâm đi đến nơi xa; mà nó chỉ nương nhờ vào nơi sắc có khả năng phát sinh tâm gọi là “hadayavatthu: sắc tâm nương nhờ” (tim, não…), rồi các đối tượng từ nơi xa xăm đến hiện rõ lên ở trong tâm ấy. Tính chất này sẽ được thấy biết một cách rõ ràng chi tiết, một khi 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ có năng lực tốt. Điều quan trọng là chỉ cần làm sao cho năng lực của 5 nhân Thánh đạo thiền tuệ tốt lên mà thôi. Chắc chắn khi ấy tâm sẽ thấy biết đúng sự thật hiển nhiên rằng nó cùng với đối tượng luôn luôn sinh-diệt không ngừng nghỉ.

Để thấy biết rõ như vậy cần phải có giới hạnh (sīla). Bởi có giới hạnh mới có định tâm (samādhi). Khi có thiền định, rồi mới có được trí tuệ (paññā). Một khi có giới, định, tuệ đầy đủ cũng là lúc thấy biết rõ tướng trạng sinh-diệt của tâm cùng đối tượng của nó. Khi đã thấy biết rõ sinh-diệt của tâm, thì cũng thấy biết rõ được sinh-diệt của sắc (pháp); cũng như thấy biết rõ sinh-diệt của tất cả. Đến cuối cùng sẽ thấy biết rõ Niết-bàn nơi sạch bóng tất cả mọi tâm tính-sắc thân (nāma-rūpa), pháp – các yếu tố mang tính chất kết hợp thôi thúc tạo tác (dhamma-saṅkhāra). Chính sự nỗ lực cố gắng thực hành phát triển theo tuần tự như vậy gọi là giữ gìn, điều phục tâm; cũng gọi là sự đặt để, điều hướng tâm giải thoát khỏi những phiền não ô nhiễm; và cũng gọi là giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương.

Khi nghe được bài pháp bảo này, vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu, theo như pāramī của mình, ngay trong khi đang nghe bài pháp bảo, phiền não ô nhiễm đã không xen vào trong tâm của vị ấy được; và đã có thể cố gắng thực hành để giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương. Tuy nhiên, tâm của vị ấy chưa hoàn toàn giải thoát khỏi phiền não ô nhiễm, và cũng chưa hoàn toàn giải thoát khỏi sự kết giao, trói buộc của Ma vương; nhưng cũng đã giải thoát được một phần nào đó, tương xứng với cố gắng và pāramī. Đã thoát khỏi diṭṭhi: tri kiến sai lệch (tà kiến)vicikicchā: hoài nghi; đã giải thoát khỏi 4 cõi khổ. Vì vậy, vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu đã chứng đắc Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu. Điều này được lưu truyền ghi chép lại trong lịch sử Phật giáo. Những người khác trong hội chúng nghe pháp hôm ấy cũng vậy, tùy theo năng lực pāramī của mình, khi nghe xong bài pháp bảo này cũng có được sự lợi ích thiết thực.

Chúng ta là những kẻ đã trôi lăn từ trong vô thủy sinh tử luân hồi, không thể biết được nơi bắt đầu, ngay chính mình cũng có thể là người có pāramī như vị Tỳ khưu Saṃgharakkhita cháu. Vì vậy, theo như đức Phật đã thuyết giảng, chúng ta phải luôn nỗ lực cố gắng để không thấy biết rằng tất cả tâm tính-sắc thân, các yếu tố mang tính chất kết hợp thôi thúc tạo tác là nhân vật, là chúng sinh, là tướng mạo, hình dáng…; mà quan sát, quán xét để thấy biết rõ tất cả chỉ là dòng nhân duyên sinh-diệt; để từ đó phát triển lên đến sự thấy biết nơi tận cùng của sinh-diệt là Niết-bàn.

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app