Nữ Dạ-xoa Kāḷī

Câu chuyện xảy ra khi đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Trong kinh thành này, có hai vợ chồng phú hộ nọ sinh được một người con trai yêu quý. Người cha mất đi chỉ còn lại 2 mẹ con nương tựa lẫn nhau. Người con trai ngoài thay cha mẹ làm việc đồng áng ra còn hầu hạ phụng dưỡng mẹ hết mực. Trong khi người mẹ nghĩ con trai của ta quá vất vả, thì người con nghĩ ngược lại làm như vậy không vất vả. Hai mẹ con mỗi người nghĩ một cách khác nhau. Cách nghĩ của 2 mẹ con hoàn toàn không giống nhau như vậy, là vì người mẹ là người đã từng trải về cuộc đời hiều hơn. Giữa tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái và tình yêu thương con cái đối với cha mẹ, thì tình yêu thương của cha mẹ không gì sánh bằng được, điều này đức Phật cũng đã dạy trong bài kinh Mettā (Tâm từ): “Tình mẹ thương yêu che chở cho con trên cả tính mạng của mình…”.

 

Như câu nói “Manussattabhāvo dullabho: được sinh ra làm người là điều khó”, vì vậy không thể gọi là kiếp người nếu chỉ bằng lòng khi có đầy đủ của cải tài sản, hay có nghề nghiệp, học vấn không thôi. Trong đời người còn có những mục tiêu, những bổn phận, những trách nhiệm nữa. Chỉ khi nào hoàn thành đầy đủ những mục tiêu ấy, những bổn phận ấy, những trách nhiệm ấy mới đáng gọi là kiếp người. Điều chính yếu và thích hợp để xây dựng nên một cuộc đời xứng với kiếp người ấy, chỉ khi con người đã lập gia đình. Do đó, người mẹ với tình thương yêu con trai mình đã lên kế hoạch cưới vợ cho con. Kế hoạch này xuất phát với tâm từ thương yêu con thật sự của người mẹ, một khi muốn mang lại cho con trai mình có được cuộc đời đầy đủ mọi điều để xứng với kiếp người trong thế gian này. Tâm từ thương yêu con thật sự đó không bị giới hạn trong khái niệm ‘con ta là của ta’, vượt qua ranh giới ‘của ta’ ấy, để đưa con mình đến một khái niệm rộng lớn hơn đó là ‘con ta vì xã hội’, ‘vì thế gian’.

Tuy nhiên, người con trai không thấu hiểu được tâm từ thương yêu chân tình đó của mẹ mình. Đã tự ràng buộc giới hạn mình trong lĩnh vực của người mẹ với suy nghĩ ‘cuộc đời của ta chỉ dành cho mẹ ta mà thôi’, không đạt đến lĩnh vực của xã hội (thế gian). Tình thương yêu của cậu ta là tình thương yêu còn non trẻ, của những người khi chỉ theo cách biết non trẻ về cuộc đời của mình. Mặc dù tuy chưa đạt đến độ thâm sâu chính muồi từng trải, nhưng theo độ tuổi của cậu ta, thì như vậy cũng đã là cao quý lắm rồi. Vì vậy, cậu ta ngoài việc từ chối kế hoạch của mẹ, lại còn khẩn khoản xin phép mẹ cho cậu ta được sống cuộc đời độc thân như vậy, để phụng dưỡng mẹ và làm mọi việc đồng áng, cũng như thay mẹ làm những phận sự lớn nhỏ của gia đình. Với cách thấy biết thông thường thì đây quả đúng là đứa con ngoan hiền hiếu thảo.

Tuy nhiên cách nhìn của người mẹ là có mục tiêu rõ ràng trong cuộc đời. Mục tiêu của cuộc đời đó chính là: tự do (tự lập), tồn tại và nương tựa (dựa dẫm). Sở dĩ chia ra thành 3 điều như thế này, là dựa theo hình tướng hoạt động, nhưng thực chất cốt lõi chúng chỉ là một mà thôi, không tách biệt. Đời người chỉ là một thành phần của xã hội (thế gian). Mỗi một thành phần ấy, khi có thể thực hiện theo khả năng bổn phận và trách nhiệm của mình một cách tự do như những bánh răng cưa trong một cỗ máy, thì xã hội (thế gian) này sẽ chuyển động một cách yên bình an lạc. Còn nếu không phải vậy, mà cuộc đời này lại xung đột với một cuộc đời khác, hoặc xâm nhập chi phối những thành phần khác, thì những thành phần ấy sẽ làm cho cỗ máy của xã hội vận hành không trơn tru được.

Do đó, người mẹ rất mong muốn con mình là một thành phần tự do, làm những phận sự và trách nhiệm tốt, giúp cho cỗ máy của xã hội chuyển động yên bình an lạc, hơn là một thành phần phá hoại sự vận hành của cỗ máy xã hội ấy. Chính vì thế người mẹ mới lên kế hoạch dựng gia lập thất cho con trai mình. Thật ra, vì cuộc đời của người có gia đình, mới là thành phần tiếp xúc trực tiếp với những phận sự, trách nhiệm trong việc vận hành của cỗ máy xã hội nhất. Do đó, có thể nói nó là điều tạo nên tai họa nhất hoặc cũng tạo nên sự thành tựu nhất cho cỗ máy ấy. Một khi đã lập gia đình thì sẽ vừa là con trai duy nhất, nên là người chịu sự quản lý, lại vừa là người cha, vừa là người có uy quyền, vừa là người chồng; nên cũng vừa là người quản lý, vừa là người bao dung, vừa là người thọ hưởng, vừa là thầy của con cái, lại vừa là bạn bè. Ôi! Quả là một thành phần với biết bao nhiêu là bổn phận trách nhiệm có thể tự mình gánh vác, để đem lại cho cuộc đời, cho xã hội chuyển động một cách bình yên an lạc biết nhường nào!

Liên quan đến vấn đề tồn tại, thì cuộc đời của người đã có gia đình mới có thể tiếp nối giữ gìn những tập tục, truyền thống, văn hóa và dòng giống của bao đời từ tổ tiên ông bà để lại không bị mai một hay biến mất trong thế gian này. Do đó phải cần có con cái để nối dõi tông đường. Lập gia đình không phải vì mục đích hưởng thụ dục lạc, mà phải là một thành phần giúp cho cỗ máy xã hội vận hành yên bình an lạc và phát triển bền vững, ngoài ra còn mục tiêu để sinh con đẻ cái nữa. Vì nếu không phải như vậy, thì sự duy trì nòi giống sẽ bị đứt đoạn và xã hội (thế gian) có thể sẽ trở nên biến động bất thường. Để bảo vệ xã hội tránh được tai họa như thế này, nên người mẹ mới khuyên bảo con trai mình lập gia đình vậy, cũng như để tạo dựng nên một cuộc sống tự lập hoàn toàn. Điều này theo cách thấy của phàm nhân qua kinh nghiệm và truyền thống, âu cũng là điều tốt đẹp. Bởi nếu không có sự tiếp nối, duy trì giống nòi thì một dân tộc, một xã hội hay nói rộng ra là cả thế gian sẽ trở nên trống vắng và sự vận hành của cỗ máy không còn trơn tru, bình yên và an lạc được; do bên trong nó mỗi thành phần đã không hoạt động đúng theo bổn phận và trách nhiệm của mình vậy.

Liên quan đến sự nương tựa (dựa dẫm), thì con người không thể sống đơn độc, sống một thân một mình, mà thường phải kết nối, tập trung lại sống với nhau thành một cộng đồng, một xã hội. Khi ấy, các thành viên như những thành phần của cuộc đời, của xã hội ấy, sẽ nương tựa, dựa dẫm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để làm những phận sự theo đúng năng lực cũng như hợp với bổn phận và trách nhiệm của mình. Một khi những phận sự và trách nhiệm bị bỏ quên thì cũng là lúc bộ máy của xã hội vận hành sẽ không được trơn tru nữa. Khi ấy, các thành phần trong bộ máy của xã hội ấy, là những thành viên trong một cộng đồng thì làm sao có thể hưởng hạnh phúc an lạc được? Vì vậy, để cho cuộc đời của mỗi thành viên được hạnh phúc an lạc, thì tất cả đều cần phải hỗ trợ, nương nhờ lẫn nhau để gánh vác những trách nhiệm theo bổn phận của mình, cùng làm cho cả xã hội, cả thế gian này yên bình an lạc. Người mẹ đã thấy biết ra được quy luật này. Cái thấy biết này là cái thấy biết với tâm từ thương yêu chân thành của một người mẹ.

Trong lịch sử bắt đầu của kiếp người, người mẹ theo kinh nghiệm trong cuộc đời của chính mình, để thực hiện 3 mục tiêu của cuộc đời là tự do, tồn tại và nương tựa, thì việc xây dựng gia đình rất quan trọng. Bởi vì, khi đã lập gia đình thì mới có cơ hội thực hiện các nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội nhiều nhất. Bởi vì gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, một thành phần hoàn chỉnh của xã hội. Nên cũng là cơ hội thể hiện tốt nhất khả năng và bản lĩnh để hoàn thành các mục tiêu của cuộc đời.

Đối với cha mẹ, ta là phận làm con, nên có cơ hội để làm phận sự của người con. Nhưng đối với con cái ta lại là cha mẹ, và vì thế có cơ hội thực hiện trách nhiệm và bổn phận của người làm cha mẹ. Khi dạy dỗ con cái, ta lại thực hiện bổn phận của người thầy. Không chỉ có làm thầy dạy dỗ con cái thôi, mà còn làm bạn, làm người láng giềng thân thiết để lắng nghe, thấu hiểu con cái, thì ta lại có cơ hội thực hiện những phận sự của người bạn, người láng giềng. Khi là người chủ gia đình chăm lo mọi công việc lớn nhỏ, ta lại có cơ hội gánh vác trách nhiệm của một ông chủ. Khi phục vụ cho gia đình mình, thì ta lại đang làm nhiệm vụ của một công nhân,…. Nói tóm lại, khi một người lập gia đình là có được cơ hội tự do thực hiện mọi bổn phận, trách nhiệm lớn nhỏ trong cuộc đời.

Được tự do thực hiện mọi phận sự lớn nhỏ như vậy, đó cũng chính là mục đích hạnh phúc của cuộc đời, hạnh phúc của nhân loại, hạnh phúc của thế gian, mà ta hướng đến từ khi bắt đầu một kiếp sống. Chỉ cho đến khi nào chưa thấy biết rõ sự thật chân lý của bậc Thánh (Ariyasacca), thì những mục đích này là cao thượng, tốt đẹp theo như sự thật quy ước (sammutisacca: chế định), hay sự thật tự nhiên (sabhāvasacca). Những sự thật này, chính là những sự thật xuất phát từ nguyên nhân của cái tôi (atta) do tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi) nắm giữ lôi kéo tạo ra. Do đó, một khi đã thấy biết rõ như vậy, chúng ta sẽ phát triển mục đích hạnh phúc an lạc của cuộc đời trở nên cao thượng nhất, đạt đến tột đỉnh. Đó chính là điều mà ta thường khẳng định thuộc sự thật của bậc Thánh. Khi ấy sự tự do của cuộc đời gọi là “giải thoát” (mokkha), sự tồn tại của cuộc đời gọi là “bất tử” (amata), và sự nương tựa của cuộc đời gọi là “quay về” (saraṇa: quy y). Thật ra, 3 nhân tố: giải thoát, bất tử hay quay về, chỉ là những cách gọi khác theo sự diễn đạt trạng thái để chỉ một thực thể là Niết-Bàn mà thôi.

Khi sự hiểu biết chưa được thâm sâu thì nhân loại nương theo những sự thật đối đãi, sự thật quy ước, sự thật tự nhiên để chấp nhận hướng đến 3 mục tiêu: tự do, tồn tại, nương tựa của cuộc đời. Vì y cứ theo sự nhận định về 3 mục tiêu ấy, cho nên cũng chia ra ba thứ bậc khác nhau theo nhận định ấy. Tuy nhiên, con người luôn luôn thực hành để từ sự hiểu biết nông cạn ấy có thể đạt đến trí tuệ thâm sâu dần dần, khi ấy, từ sự thật đối đãi đến sự thật quy ước, từ sự thật quy ước đến sự thật tự nhiên (chấp thủ 5 khandha: danh và sắc), rồi tiến đến cao dần lên sự thật của bậc Thánh (ariyasacca). Do vậy, mục tiêu cuối cùng của đời người với đích đến vẫn là Niết-bàn. Niết-bàn tuy cốt lõi chỉ có một, nhưng dựa trên tính chất và trạng thái thì vẫn có sự tự do, có sự tồn tại, có sự nương tựa. Ba điều đó là để cuộc sống con người có được hạnh phúc an lạc, trong từng thời điểm mà mỗi một chúng ta thực hiện những bổn phận và trách nhiệm khác nhau, để hoàn thành mục tiêu tốt đẹp chính đáng của cuộc đời.

Tuy mục tiêu cuộc đời của người mẹ không đạt đến sự thật của bậc Thánh, nhưng theo niềm tin vào tôn giáo trong thời đại ấy, bà cũng tin chắc vào sự thật của thế gian (lokasacca). Cũng có thể hiểu bà là người có niềm tin vững chắc nơi tôn giáo dân gian của mình. Chỉ có như thế người mẹ mới không có ý định ích kỷ để khư khư giữ con trai cho riêng mình, mà bà vì mục đích làm cho dòng tộc được phát triển, xã hội được phát triển và thế gian được phát triển, nên mới lên kế hoạch lập gia đình cho người con. Có như vậy tình thương yêu của người mẹ đặt lên trên con mình mới đúng đắn tốt đẹp được. Vì nếu không như vậy, thì bà ta sẽ chỉ là người mẹ lầm tưởng tình thương yêu giả tạm cho là thật mà thôi.

Để hoàn thành tròn đủ những mục tiêu trong cuộc đời, thì phải làm những bổn phận và trách nhiệm một khi có cơ hội gánh vác. Đó cũng là điều mà trong mỗi một cộng đồng, mỗi một dân tộc, mỗi một xã hội, mỗi một tôn giáo đều quy ước, chế định để làm cho cuộc đời mỗi con người được hạnh phúc an lạc, xã hội bình yên phát triển. Điều đó chính là phẩm hạnh, đạo đức, giới luật. Và mỗi thành phần trong cộng đồng, trong xã hội, trong tôn giáo ấy khi thực hiện chúng đều dựa trên những đức tính cao thượng là yêu quý, thương xót, tôn trọng và bao dung. Nói một cách đầy đủ theo ngôn ngữ của Phật giáo là bố thí, giữ giới và hành thiền hoặc thực hành giới, định, tuệ; mà mỗi khi thực hành chúng phải hợp với tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả thì cuộc đời của mỗi thành phần trong xã hội sẽ nương tựa lẫn nhau để phát triển và cỗ máy xã hội sẽ được vận hành trơn tru. Đó chính là sự đoàn kết hòa hợp. Còn nếu không như vậy, thì sẽ dễ đưa đến sự xung đột một khi các thành phần của xã hội ấy cùng nhau thực hiện những bổn phận và trách nhiệm của mình, và khi ấy, sự chuyển động của cỗ máy xã hội sẽ bị chệch choạc, thì làm sao cuộc đời của các thành phần trong nó hạnh phúc an lạc được. Do đó, trong cuộc đời mỗi một gia đình thay vì chỉ bó buộc trong phẩm hạnh, hiểu biết cá nhân qua sự yêu quý, thương xót, tôn trọng, bao dung thuộc ranh giới hạn hẹp, thì nên cố gắng để phát triển những điều ấy trở thành phẩm giá (đạo đức) của một dân tộc, hiểu biết của một dân tộc qua 4 tính cách ưu việt trên.

Người mẹ không phải là người mẹ chỉ vì “cái tôi”, mà là người mẹ của xã hội, của thế gian. Cũng không phải là người mẹ có tầm nhìn hạn hẹp, mà là người mẹ có tầm nhìn xa trông rộng. Vì vậy, để cuộc đời của con là một thành phần có thể gánh vác phận sự và trách nhiệm giúp ích cho xã hội, nên bà mới có kế hoạch dựng gia lập thất cho con mình. Người con trai tuy không muốn lập gia đình, nhưng cũng không thể từ chối mong muốn của người mẹ, nên hai mẹ con đã cùng nhau bàn bạc, rồi cưới cô gái mà cậu ta yêu thích. Tuy nhiên, đời sống gia đình của người con không giống như một gia đình mà người mẹ hằng mong đợi. Họ đã không sinh được con cái. Do đó, họ gặp khó khăn trong việc thực hành những bổn phận, những trách nhiệm, những mục tiêu trong cuộc đời mà họ đã từng mong muốn. Những khó khăn ấy chính là quả báo của nghiệp. Quả báo của nghiệp là loại năng lực tiềm ẩn mà không một ai có thể chống lại được. Dù quả tốt hay quả xấu thì năng lực của nghiệp ấy cũng được chấp nhận như “những nấc thang”. Điều này trong ngôn ngữ Phật học gọi là “santosa”, nghĩa của tiếng Việt là “sự bằng lòng” hoặc “sự chấp nhận”. Sự bằng lòng hoặc sự chấp nhận với ý nghĩa, đã là “nấc thang” thì nó chỉ mang tính tạm thời là có thể để dừng nghỉ, không phải lâu dài để trú ngụ, nó có thể bước lên hoặc bước xuống. Tuy nhiên, không thể đứng mãi trên đó được, phải có trách nhiệm bước tiếp cho khi nào đến đích mới thôi.

Trong thế gian có rất nhiều quả báo của nghiệp. Nó được gọi là lokadhamma: pháp thế gian (điều luôn xảy đến). Đã là pháp thế gian thì tốt cũng có mà xấu cũng có. Điều ai cũng hiểu là dù tốt hay xấu thì nó vẫn luôn diễn ra hằng ngày, và chấp nhận nó như là những nấc thang. Người mẹ đã cố gắng để thấy đúng như sự thật diễn biến và tồn tại của nó. Bà hiểu rằng, nếu con cái của mình không sinh được con cháu thì dòng tộc sẽ không có người nối dõi tông đường, sẽ đưa đến tuyệt tự tuyệt tôn. Sự thật này người mẹ khó mà chấp nhận được. Bằng lòng và chấp nhận những gì xảy đến không có nghĩa là luôn luôn phải đứng yên, cúi đầu chịu đựng. Như mỗi khi gặp quả xấu, những điều khó khăn, những vấn đề nan giải trong cuộc đời, không chỉ biết khóc than oán trách và chịu đựng; hoặc như mỗi khi gặp quả tốt, những điều thuận lợi, những thành tựu lớn lao, cũng không nên ngạo nghễ vui say. Người mẹ là người thấy biết cuộc đời theo hướng như vậy. Những pháp thế gian, những thành tựu hay khó khăn trong cuộc sống, chúng không phải là mục đích của cuộc đời, chúng chỉ là những nấc thang để bước lên, vượt qua theo từng bước, từng bước một mà thôi. Ôi! Nấc thang của luân hồi sinh tử quả thật là dài vô tận!

Người mẹ rất yêu thương con trai và con dâu của mình. Tình yêu thương con trai và con dâu của người mẹ ấy, không hạn hẹp trong sự hạnh phúc, sự lợi ích chỉ cho riêng bản thân mình, mà đó là một tình yêu thương rộng lớn hơn vì sự hạnh phúc, sự phát triển của xã hội, của thế gian. Theo như quy luật của thế gian, nếu vì hạnh phúc hoặc vì lợi ích cho một gia đình, thì cần phải đánh đỗi, hy sinh hạnh phúc, lợi ích của một người. Và rộng lớn hơn cũng như vậy, nếu vì một thôn xóm thì cần phải đánh đổi, hy sinh một gia đình. Nếu vì một tỉnh thành, thì cần phải đánh đỗi, hy sinh một thôn xóm. Nếu vì một quốc gia, một dân tộc, thì cần phải đánh đỗi, hy sinh một tỉnh thành. Sự đánh đổi, hy sinh ở đây không phải vì sự giận dữ hay tự cao tự đại, mà là với tâm cao thượng như yêu quý, thương xót, tôn trọng và bao dung độ lượng không phân biệt đối xử, được nuôi dưỡng một cách căn bản qua phẩm chất đạo đức, giới hạnh (giới-định-tuệ), nên một khi đánh đỗi dù hy sinh tính mạng hay lợi ích của mình cũng không sợ hãi, không thoái chí. Sự hy sinh từ bỏ này cũng chỉ nhắm đến những mục tiêu của cuộc đời gồm tự do, tồn tại và nương tựa mà thôi. Điều đó trong Phật giáo gọi là “Nibbānassa paccayo hotu: không vì tham muốn của cải vật chất”, hoặc “hy sinh dứt bỏ mà không tham muốn gì cả”, đó là cách diễn nghĩa theo cái nhìn của người học Phật. Không tham muốn gì với ý nghĩa giải thoát khỏi rừng (vāna) tham ái (lobha). Giải thoát khỏi tham ái đó chính là Niết-bàn. Niết-bàn không phải là lâu đài, cung điện hay cõi giới, Niết-bàn chính là diệt trừ tham ái. Nói theo cách nôm na trong cuộc đời là: diệt trừ tham ái chút ít thì sẽ hưởng được Niết-bàn chút ít, diệt trừ tham ái nhiều thì sẽ hưởng được Niết-bàn nhiều, diệt trừ tham ái hoàn toàn sẽ hưởng được Niết-bàn hoàn toàn. Mọi người ai cũng đã từng có nghe đến sự an lạc vắng lặng mát mẻ của Niết-bàn. Tuy ai cũng có thể đã từng trải qua cảm giác an lạc khi xa lìa tham ái, nhưng lại không từng để ý đến sự an lạc mang cảm giác yên lặng mát mẻ (santa: thanh tịnh) ấy của Niết-bàn.

Người mẹ rất ủng hộ cũng như tôn trọng chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nhưng để dòng dõi của mình không bị tuyệt tự tuyệt tôn, phải tuân theo truyền thống của thế gian nên phải đánh đỗi, hy sinh chế độ một vợ một chồng ấy. Vì vậy, người mẹ đã khuyên bảo con trai mình cưới thêm người vợ khác. Người con cũng thuận theo ý mẹ, nên đã bàn bạc chuyện đó với người vợ đầu của mình. Người vợ đầu cũng đồng thuận chấp nhận chuyện đó. Ta có thể chia sẽ với người khác bất cứ vật gì với tâm trong sáng không vướng bận, nhưng chia sẽ chồng cho một ai thì làm sao giữ được tâm trong sáng ấy. Do phải thuận theo phong tục tập quán của thế gian nên phận làm dâu, người vợ không thể không tuân theo kế hoạch của mẹ chồng. Vì vậy, người vợ đã rất đau lòng khi phải chấp nhận đồng thuận theo kế hoạch của mẹ chồng và chồng như vậy. Tuy nhiên, cô ta phải suy nghĩ cách làm sao để tốt nhất cho mình. Cô ta suy nghĩ: “Nếu chồng ta đi cưới một người phụ nữ mà ta không thân thiết, thì khi người phụ nữ ấy có con, ta sẽ tự nhiên trở thành người hầu trong gia đình này. (Truyền thống India ngày xưa, khi một người vợ không có con, hoặc chỉ sinh con gái, thì không được thừa hưởng hay phân chia gia tài, họ chỉ như người làm công, hoặc người hầu, không có địa vị trong gia đình ấy mà thôi). Chính tự ta đi tìm một người phụ nữ thân thiết với ta, cưới về làm vợ cho chồng thì mới mong cùng phận làm vợ, cùng ‘chung chồng’ được.” Sau đó, cô ta đã làm theo những suy nghĩ ấy của mình. Cô ta tìm đến cô gái thân thiết với mình, rồi trình bày kế hoạch của gia đình chồng cho cha mẹ cô gái biết, và nói thêm rằng: “Khi con gái của các vị sinh được con cái, thì các vị và thân quyến của các vị cũng sẽ được thừa hưởng của cải tài sản mà gia đình bên chồng chia cho.” Vậy là cô ta cưới cô gái thân thiết ấy về cho chồng làm vợ. Tuy nhiên, cô ta quyết định sẽ bằng mọi cách để khiến làm sao cho người vợ thứ hai này không sinh được con cái cho chồng mình.

Sau khi làm lễ cưới xong, người vợ vô sinh liền dặn dò: “Này em gái! Khi có thai thì hãy nói cho chị biết trước tiên, chị sẽ chăm sóc cho em.” Người vợ thứ khi mang thai đầu lòng, liền làm đúng theo lời dặn ấy. Cô vợ vô sinh đã quan tâm như người chị ruột, rồi dùng thuốc phá thai trộn lẫn vào thức ăn để cho cô vợ thứ ăn. Do đó, cô vợ thứ đã bị hư thai, sẩy thai, nhưng vẫn nghĩ là do nguyên nhân tự nhiên. Lần thứ hai báo tin mang thai cũng vậy, người vợ vô sinh lại càng tỏ ra quan tâm chăm sóc hơn. Tuy vậy, lần thứ hai vẫn bị hư thai, sẩy thai, và người vợ thứ vẫn nghĩ là do nguyên nhân tự nhiên, bình thường. Sự quan tâm chăm sóc của người chị qua hành động và cử chỉ quả thật là tận tình chu đáo hết mình, không có một chút nghi ngờ nào.

Mặc dù vậy, hàng xóm láng giềng lại phát sinh nghi ngờ. Đo đó, họ đã dặn dò cô vợ thứ lần sau mang thai thì đừng nói cho một ai biết. Vì thế lần thứ ba khi mang thai, cô vợ thứ đã không nói gì, cứ sống và làm việc bình thường như mọi khi. Đến khi thai nhi lớn lên cô vợ vô sinh mới biết được. Khi ấy cô ta mới hỏi: 

  • Này em gái! Tại sao em không nói cho chị biết sớm.

Người vợ thứ cũng thật thà trả lời:

  • Hai lần trước em mang thai là do chị đã làm cho thai bị hư, bị sẩy không phải do tự nhiên. Vì vậy, khi lần thứ ba mang thai, những người hàng xóm đã dặn dò em không nói cho chị biết nữa, nên em đã không nói.

Người vợ vô sinh cũng chẳng thể làm gì được, khi thai nhi đã quá lớn, cô vợ thứ cũng không còn cho cô ta chăm sóc mình và thai nhi nữa. Tuy vậy, cô vợ vô sinh kia vẫn không nản lòng từ bỏ dã tâm của mình, luôn âm thầm nghĩ cách và chờ đợi cơ hội. Rồi đến một ngày cô vợ thứ sơ hở, cô ta đã bỏ thuốc phá thai vào trong thức ăn, do không để ý nên khi ăn thức ăn ấy vào, thai nhi đã bị chết lưu. Vì thai nhi đã lớn mới bị chết lưu nên mạng sống của người mẹ cũng không cứu được. Người vợ thứ vì vậy quá ư đau xót, càng nghĩ lại càng xót xa hơn. “Cha mẹ mình và cha mẹ cô ấy đều thân thiết, mình đã thương yêu quyến luyến cô ta như người chị, luôn nghe lời, luôn tin tưởng cô ấy. Ta là một cô gái trong trắng, lấy chồng của cô ta cũng không phải vì yêu anh ấy, mà vì thương yêu và nghĩ tốt cho cô ta. Bởi vì, nếu không như vậy, một người vợ vô sinh như cô ta, khi gặp một cô gái khác về làm vợ chồng mình, cô ta đã trở thành một người hầu từ lâu rồi. Đằng này, ta đã giúp đỡ cho thân phận của cô ta và đối xử bình đẳng để cô ta không bị thiệt hay xấu hổ trớc mọi người. Nay thì sao, cô ta đã làm ra những việc thật quá nhẫn tâm đối với ta”. Nghĩ vậy xong, trước khi chết, với tâm oán hận, thù nghịch đã phát lời nguyền: “Xin kiếp sau sẽ làm được loài có thể tiêu diệt con cái của nó”. “Kodho atthaṃ na jānāti: Khi tâm sân hận đã phát sinh lên thì không thể suy xét được nhân quả trong đời”.

Người vợ thứ chết đi, đúng như lời nguyền của cô ta là sinh lại làm con Mèo cái trong gia đình ấy. Khi người chồng biết rõ nguyên nhân cái chết của vợ con mình, đã nỗi giận nên đánh đập cô vợ vô sinh ấy. Vì bị đánh đập quá sức nên cô vợ vô sinh kia chết. Do những nghiệp ác đó, nên cô ta tái sinh làm con Gà mái cũng ngay trong gia đình ấy.

Theo trong giáo pháp của đức Phật thì sự luân hồi đã xoay chuyển. Khi Gà mái đẻ trứng thì Mèo cái lại tìm đến ăn hết. Trải qua nhiều lần đẻ trứng đều bị Mèo cái ăn, nên Gà mái đã có tâm oán hận thề nguyền: “Xin cho kiếp sau ta sẽ tái sinh làm loài ăn thịt được cả ngươi lẫn con của ngươi.” Do theo nghiệp báo, khi Gà mái chết đi đã sinh làm một con Báo cái, còn khi Mèo cái chết đi lại tái sinh làm một con Nai cái.

Luân hồi thật dài và rộng lớn bao la vô cùng tận. Tuy rộng lớn bao la nhưng theo như câu ngạn ngữ: “Nếu không thể gặp được trong lúc chẻ củi thì cũng có thể gặp trong lúc gánh nước”, Báo và Nai lại gặp nhau trong một khu rừng. Và rồi theo như lời thề nguyền trước khi chết, khi Nai mẹ sinh con liền bị Báo ăn. Nai mẹ sinh đến lần thứ ba thì bị Báo ăn cả mẹ lẫn con. Nai mẹ trước khi chết với tâm oán hận lại tiếp tục thề nguyền để báo thù. Theo sự thề nguyền đó Nai mẹ sau khi chết tái sinh làm nữ Dạ-xoa ở gần kinh thành Sāvatthi, còn Báo cái tái sinh làm cô gái của một gia đình trong kinh thành Sāvatthi ấy.

Nữ Dạ-xoa đã hóa thân thành người rồi tìm cách tiếp cận kết bạn thân thiết với cô gái ấy. Một bên là người thật, một bên là người do Dạ-xoa hóa hiện ra. Hai người họ là một đôi bạn rất đỗi gần gũi thân thiết nhau. Khi cô gái là người thật đến tuổi trưởng thành đã lập gia đình, chồng của cô ta là một thanh niên sống trong một ngôi làng bên ngoài kinh thành, vì vậy cô ta cũng đã theo chồng về sống ở đó. Một thời gian sau cô ta sinh được người con trai đầu lòng. Biết được tin cô bạn gái sinh con trai đầu lòng, nữ Dạ-xoa đã hóa thành người bạn thân đến thăm, khi vào phòng hậu sinh giả làm như đang nhìn em bé sơ sinh rồi ăn thịt nó, sau đó dùng thần lực của Dạ-xoa biến mất không cho mọi người thấy. Mặc dù sự việc xảy ra như vậy nhưng người mẹ không biết nguyên nhân do Dạ-xoa ăn thịt. Những người khác cũng không hề hay biết gì. Không những không biết mà còn chẳng có chút nghi ngờ gì cô bạn gái Dạ-xoa kia cả. Lần thứ hai sinh được người con trai cũng như vậy, cô bạn gái Dạ-xoa đến thăm rồi ăn thịt đứa bé sơ sinh ấy như lần trước. Tuy nữ Dạ-xoa tìm đến ăn thịt trẻ sơ sinh 2 lần như vậy nhưng không một ai hay biết, theo cách hiểu thông thường thì rất khó mà tin nỗi điều đó. Tuy vậy, như các bậc Thiện trí thường dạy: “Một khi ác nghiệp có cơ hội để cho quả báo thì con người thường thấy sai thành đúng. Điều phi pháp xảy đến với hình tướng hợp pháp.” (Vajirabuddhi Ṭīkā). Theo như lời dạy này, thì vì mọi người luôn nghĩ rằng nữ Dạ-xoa là người bạn gái thân thiết do đó không một mảy may nghi ngờ nữ Dạ-xoa ấy.

Tuy nhiên, đã là sự thật thì không thể giấu diếm lâu được, chắc chắn một ngày nào đó sự thật sẽ bị phơi bày. Điều phi pháp cũng vậy không thể mãi núp bóng chánh pháp lâu dài được, một ngày nào đó sự thật của phi pháp sẽ phơi bày ra mà thôi. Vì vậy, đến khi lần thứ ba mang thai, cô gái đã bảo với chồng mình:

  • Người mà chúng ta lâu nay nghĩ là bạn thân, thật sự không phải là người thật, mà đó là một nữ Dạ-xoa. Hai người con trai trước của chúng ta mất đi không phải là điều bình thường hay ngẫu nhiên, chỉ có thể do nữ Dạ-xoa ấy ăn thịt chúng mà thôi. Lần thứ ba này thai nhi đã lớn, không thể tiếp tục ở đây để sinh nở nữa. Bởi vì nếu sinh nở ở đây, thì nữ Dạ-xoa ấy lại đến bắt ăn thịt tiếp mà thôi. Vì vậy, lần này nên trở về nhà cha mẹ của thiếp để sinh nở. Dù sao thì nhà cha mẹ của thiếp ở trong kinh thành Sāvatthi vẫn an toàn hơn.

Người chồng đã đồng ý theo nên cả hai vợ chồng họ trở về nhà cha mẹ vợ trong kinh thành Sāvatthi sinh nở người con trai thứ ba. Trong thời gian này, nữ Dạ-xoa lại đến phiên phải trở về chầu Thiên vương Vessavaṇṇa, thời gian nếu tính theo năm tháng ở cõi người là khoảng 5 tháng. Khi vừa hết nhiệm vụ, ngay tức khác nữ Dạ-xoa ấy lại quay trở về trú xứ của mình.

Trong thời gian ấy, hai vợ chồng kia sau khi đã làm các lễ mừng con trai ra đời như lễ gội đầu, lễ đặt tên,…. Khi thấy con trai đã cứng cáp, vì nghĩ rằng có lẽ không còn nguy hiểm nữa, nên họ quyết định đem con về quê chồng. Trên đường trở về quê chồng, khi ngang qua hồ nước gần chùa Jetavana, hai vợ chồng thay nhau giữ đứa trẻ rồi xuống hồ tắm. Người vợ xuống tắm trước, người chồng xuống tắm sau. 

Nữ Dạ-xoa cũng vậy, khi vừa về đến làng liền hỏi thăm về cô gái bạn thân của mình. Những người hàng xóm láng giềng đã giải thích vì trước đây sinh ra 2 người con trai đều bị nữ Dạ-xoa ăn thịt, nên lần thứ 3 này đã không sinh nở ở đây nữa, mà cô ta đã trở về gia đình ở trong kinh thành Sāvatthi để sinh nở, cho nên hiện giờ cô ta không có ở trong làng. Nghe xong, nữ Dạ-xoa liền vội vàng đi vào kinh thành Sāvatthi với ý định ăn thịt người con của cô gái kia. Khi đến gần chùa Jetavana họ đã nhìn thấy nhau. Người mẹ đang chơi cùng đứa con khi nhìn thấy người phụ nữ đang đến nhận ra là nữ Dạ-xoa, nên kêu la thật to cho người chồng đang tắm biết:

  • Phu quân! Hãy mau lại đây. Người đang đi đến đây chính là nữ Dạ-xoa đã ăn thịt hai đứa con trước đây của chúng ta, lần này gì cũng sẽ ăn thịt luôn đứa thứ ba.

Nhưng sau đó cô ta không thể đợi cho đến khi người chồng kịp đến, mà bồng vội đứa con nhỏ chạy thẳng vào trong chùa Jetavana, lúc ấy đức Phật đang thuyết pháp đến hội chúng. Người mẹ vì quá sợ hãi nên bồng đứa con trai của mình đặt lên trên bàn chân của đức Phật và tác bạch:

  • Con xin dâng cúng dường lên Ngài đứa con trai bé nhỏ yêu quý của con. Xin Ngài hãy cứu vớt mạng sống của nó. Kính bạch Ngài.

Nữ Dạ-xoa khi đuổi theo đến cỗng chùa Jetavana, vì bị Thiên vương Sumana ngăn cản, nên không thể vào bên trong chùa được. Do đó, đức Phật đã bảo Trưởng lão Ānanda ra gọi cô ta vào. Khi nữ Dạ xoa và người mẹ kia đến trước đức Phật, Ngài đã thuyết bài kệ:

(Nghĩa của bài kệ)

“Trong thế gian này, sự hận thù không bao giờ có thể được dập tắt bởi một sự hận thù khác. Chỉ có không hận thù mới dập tắt được hận thù. Đó là quy luật hiển nhiên từ xưa của thế gian.”

Sau khi nghe bài kệ xong, nữ Dạ-xoa là người có pāramī nên đã chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu, còn cô gái là người mẹ có được phước thiện do nghe pháp bảo của đức Phật.

 Những gì đang diễn ra tuần tự trên thế gian này, không phải chuyển động trên biểu đồ của một đường thẳng, mà nó chỉ luôn luôn chuyển động theo biểu đồ của một hình tròn. Vì luôn trong sự chuyển động và diễn tiến theo biểu đồ của hình tròn ấy, cho nên có khi đi xuống thấp dần, thấp dần, và cũng có khi đi lên cao dần, cao dần. Sự chuyển động diễn tiến theo chiều đi xuống thấp dần, thấp dần ấy trong Phật giáo gọi là chiều thuận (chiều sinh) của “nhân duyên”. Do đó, nó mang tính chất thế gian. Và ngược lại sự chuyển động diễn tiến theo chiều đi lên cao dần, cao dần ấy trong Phật giáo gọi là chiều nghịch (chiều diệt) của “nhân duyên”. Do đó, nó mang tính chất của xuất thế gian.

Cuộc đời của loài hữu tình vì là một phần của nhân duyên, nên cũng có khi diễn tiến theo chiều thuận của nhân duyên mang tính chất thế gian, và cũng có khi diễn tiến theo chiều nghịch của nhân duyên mang tính chất xuất thế gian. Khi diễn tiến theo chiều thuận mang tính chất thế gian, cuộc đời mỗi loài hữu tình là một phần của thế gian, nếu vượt qua ranh giới của mình, xâm phạm vào ranh giới cuộc đời của một loài hữu tình khác, thì khi ấy cuộc đời của mỗi loài hữu tình sẽ đối nghịch lẫn nhau, và từ sự đối nghịch ấy sẽ sinh ra sự oán hận, thù nghịch. Sự oán hận, thù nghịch này sẽ diễn tiến từ nhân cho đến quả, rồi từ quả lại gieo nhân. Nhân quả ấy luôn diễn tiến theo một vòng luân hồi không ngừng nghỉ, như tính chất của những bánh răng cưa trong một cỗ máy, vì vậy thế giới của sự oán thù, báo ứng của sự oán thù luôn luôn chuyển động, luôn luôn tiếp diễn; và do đó bản tính của oán thù không khi nào dập tắt được, chỉ có sự báo ứng sẽ luôn tiếp diễn mà thôi.

Còn nếu khi diễn tiến theo chiều nghịch mang tính chất xuất thế gian, cuộc đời của mỗi loài hữu tình sẽ ở trong ranh giới của mình, không xâm phạm vào ranh giới của loài khác, như thế thì cuộc đời của mỗi loài hữu tình không những sẽ không đối nghịch lẫn nhau, mà còn đoàn kết hòa hợp thực hiện những bổn phận và trách nhiệm để giúp đỡ lẫn nhau, và làm cho sự diễn tiến ấy ngày càng cao dần, cao dần cho đến cuối cùng hết nhân đến quả, hết quả đến nhân, sự nối kết nhân quả sẽ bị cắt đứt, và như vậy thì thế giới của sự oán thù, báo ứng của sự oán thù làm sao còn có thể hiện hữu được, cũng giống như bánh răng cưa của cỗ máy bị gãy răng thì cỗ máy không thể hoạt động được nữa vậy.

Hoặc giả khi chưa thấy biết rõ sự thật của bậc Thánh, chưa cắt đứt được vòng quay của cuộc đời, thì dù cho còn sống trong vòng quay của nó đi nữa cuộc đời của người có gia đình, giống như tư duy của người mẹ trong câu chuyện, chính là thành phần có thể thực hiện các bổn phận và trách nhiệm nhất để làm cho thế giới này tăng trưởng và phát triển. Do đó, giữa các thành phần ấy, các cuộc đời ấy không có tính chất đối nghịch để kiềm chế và ngăn cản lẫn nhau, mà phải mang tính chất hòa hợp, đoàn kết thành một khối, cùng nhau thực hiện những mục tiêu của cuộc đời, những nhiệm vụ của cuộc đời, những điều nên thực hành như trong giáo pháp đức Phật đã dạy đó là giới-định-tuệ. Do đó, thay vì hạn hẹp trong phẩm hạnh đạo đức và tri thức của mỗi một cá nhân, thì chúng ta thực hành để nâng tầm chúng lên thành phẩm hạnh đạo đức và trí tuệ của một dân tộc, một quốc gia. Và khi ấy trong thế gian này oán thù sẽ bị dập tắt và thế giới sẽ hòa bình an lạc. Những điều phi pháp cũng không thể khoác lên mình chánh pháp được nữa. Một khi phi pháp không còn, chánh pháp được hiển lộ thì con người cũng không còn thấy biết sai cho là đúng nữa. Do đó, khi chúng ta muốn trả thù, rửa hận do thấy biết điều phi pháp thành chánh pháp, sai thành đúng thì nên nhớ nghĩ, quán xét đến câu chuyện của nữ Dạ-xoa Kāḷī này, để thực hành dập tắt sự oán ghét thù hận ấy, cho nên đức Phật đã thuyết bài kệ này vậy. 

 

Trích từ Dhammapada Những Pháp Dẫn Đến Niết Bàn – Sư Hộ Giới (Rakkhitasīla Bhikkhu) dịch Việt theo Dhammapada nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app