Buổi 3: Tìm Hiểu Ý Nghĩa & Cách Thọ Quy Y Tam Bảo, Thọ Trì Ngũ Giới – Sư Hộ Giới Giảng Dạy

Niệm Lễ Phật

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Câu này tuy ngắn nhưng bao trùm được Ân Đức Phật rất là nhiều, mình thấy có 3 Ân Đức Phật: Bhagavato, Arahato, Sammāsambuddhassa. Ai mà học về Ân Đức Phật thì biết rằng có 9 Ân Đức Phật, bắt đầu là Arahaṃ, Sammāsambuddho… cho đến Bhagavā. Ý nói rằng khi mình đảnh lễ như vậy là đảnh lễ luôn cả 9 Ân Đức Phật (ân đức = năng lực của 1 vị Phật). Làm sao để biết 1 người là vị Phật? Thì dựa vào 9 năng lực này để xác định, 9 năng lực này là năng lực bên trong, còn bên ngoài là dựa vào 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

 

Namo = con xin đảnh lễ

Tassa = đó, vị đó, nào, vị nào mà có những ân đức sau… Mục đích của tassa là để chỉ rõ con đang đảnh lễ vị Phật nào, để loại trừ các vị khác ra. Vì thời đó có 6 vị Phật ngoại đạo nữa (họ tự xưng họ là Buddha, cũng có nhiều đệ tử, nhưng các vị này không đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp nên các vị Bà La Môn không chịu). Vị đầu tiên mà đảnh lễ Đức Phật là Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa, đó là vị Phạm thiên Sahampati sau khi ở trên trời xuống đảnh lễ Đức Phật 3 lần như vậy, thì thỉnh Đức Phật thuyết pháp. Thứ 2 nữa, nguời mà hay niệm câu này là vua trời Sakka, mỗi khi nghe tin về Đức Phật, ông ở trên cõi trời thì ngay khi đó ông chắp tay hướng về phía Đức Phật đảnh lễ Ngài. Ở cõi người, có vị vua Bimbisāra khi nghe pháp chứng đắc bậc Nhập Lưu, khi đó cũng thốt lên lời này. Vị vua Pasenadi Kosala trị vì kinh thành Savatthi, nơi mà Đức Phật sống lâu nhất, nhưng ông Pasenadi không chứng đắc gì, mặc dù ông sống với Đức Phật 20 năm, nghe cả trăm bài pháp, nguyên nhân là vì lúc đầu ông không có tin, về sau lúc già mới tin, bài kinh cuối cùng ông nghe là bài “Đảnh lễ đôi bàn chân của Phật” ca ngợi về ân đức Phật, ông cũng niệm “Namo tassa…”. Ngoài ra, thời đó có 3 vị Bà La Môn lớn tuổi, nổi tiếng, có nhiều đệ tử, mỗi khi nghe tin 1 vị Phật, họ sẽ phái đệ tử đến để xem đó có phải vị Phật có đủ 32 tướng tốt, 80 tướng đẹp hay không. Sau khi đệ tử họ đã xem xong về trình lại cho 3 vị này, thì 3 vị này ở ngay chỗ đó chắp tay hướng về chỗ Đức Phật và đảnh lễ “Namo tassa…”

Cho nên, ngày nay bất cứ công việc nào trong Phật giáo người ta dùng câu này để lễ Phật. Câu lễ Phật này có 2 tác dụng: thứ nhất là ngăn ngừa những điều tai nạn xảy ra trước khi mình làm một công việc, tránh những lỗi lầm; rồi cũng giống như mình xin phép Ngài trước khi mình học pháp, thuyết pháp… cho hợp pháp. Ý nghĩa thứ 2, nhờ oai lực này mà những chư thiên ngăn ngừa sự tai nạn, nguy hiểm mà từ bên ngoài vào. Khi mình niệm, bên trong thì đức tin phát sinh, nghe kinh nghe pháp hợp pháp, bên ngoài thì ngăn ngừa những tai nạn nguy hiểm.

Bhagavato: thường dịch là Đức Thế Tôn, thực ra có rất nhiều nghĩa, Sư sẽ giảng sau

Arahato: trước đây dịch từ bên tiếng Hán thường dịch là A La Hán, nguyên nhân là do bên đấy họ không đọc được chữ “r” nên họ đọc là “l”, nên đọc đúng phải là A Ra Hán. Ý nghĩa là người đã diệt phiền não.

Sammasāmbuddho: sau khi diệt hết phiền não nên Ngài có trí tuệ đầy đủ, đúng đắn, tự Ngài được thế gian tôn trọng nên gọi là Bhagavato.

Cố gắng khi niệm sao phát sinh được tâm hoan hỉ, thì lúc đấy hành thiền mới thu được nhiều lợi lạc.

Dịch cả câu: Đức Thế Tôn nào có đủ ân đức Araham diệt phiền não, bậc tự mình giác ngộ chân lý Tứ Thánh Đế mà không thầy chỉ dạy, con xin đảnh lễ Đức Thế Tôn đó.

Trong kinh tạng, có trích dẫn: một cô Bà la môn chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu rồi lấy chồng ngoại đạo, bà này đụng chuyện gì cũng niệm “Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa”, đứt tay hay vấp té bà cũng vậy, chắp tay niệm 3 lần. Người chồng tin theo ngoại đạo, nói ngày mai tôi mời 500 vị thầy của tôi về ăn cơm, bà không cần phụ gì miễn sao đừng có niệm ông Sa môn đầu trọc Gotama của bà là được rồi. Bà nói ông làm gì thì làm, tôi không niệm là không chịu được. Ông nói bà mà mở mồm ra niệm là tôi chém bà từ đầu xuống chân. Ngày mai, 500 vị ngoại đạo kia đến ăn cơm. Lúc đấy cần lấy cái gì đấy, bà ra ngoài bà lấy, đúng lúc vấp té, bà đứng lại bà niệm Phật 3 lần, mấy người kia đang nhai nhai không nổi, bỏ về. Ông chồng giận quá mới tìm đến Phật Gotama để chất vấn. Đến gặp Đức Phật, ông hỏi làm thế nào để được an tịnh, làm thế nào để được an lạc. Thì Đức Phật nói người không sân thì được an lạc, chính Như Lai diệt sân rồi nên Như Lai được an lạc. Ông nghe xong ông xuất gia, chứng đắc Arahan, không về nhà luôn.

THỌ PHÉP QUY Y TAM BẢO

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi

Trong Phật giáo, tam quy là mình tự hiểu biết rồi quy y, giai đoạn này không còn đức tin nữa, mà với trí tuệ hiểu biết rồi. Vì để thành tựu tam quy, ngày xưa Đức Phật dạy rằng người quy y Phật không phải vì nghĩ đây là bà con mình, vì đây là người thầy từng dạy dỗ mình, hay vì người này có ơn với mình, vì người này là bạn mình nên mình đến quy y, thì sự quy y này sẽ không thành tựu.

Người nào khi đọc “Buddhaṃ” mà trong tâm hiện lên đầy đủ 9 ân đức Phật, là người này đang hướng đến Đức Phật, chứ không phải hướng đến tượng Phật, hay là hình ảnh 1 vị Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mà là hướng đến vị Phật đã diệt phiền não, tự mình giác ngộ chân lý Tứ Thánh Đế mà không thầy chỉ dạy, muốn giác ngộ như vậy thì bậc đó phải có thực hành và có được trí tuệ Minh Hạnh Túc, có sự thực hành, có sự thấy biết rõ ràng… Vị ấy gọi là Buddha

Saraṇaṃ: quy y, nương nhờ để thoát ra khỏi

Gacchāmi: thường dịch là “con đi đến”, nhưng thực ra ý nghĩa là “sau khi hiểu biết, có trí tuệ rồi (tức là đã có sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo), con xin nhận vị Đức Phật có Araham, Sammasambuddho làm nơi quy y, nương nhờ của con”. Hay ngắn gọn hơn dịch là “với sự hiểu biết rồi, con xin nhận Ân Đức Phật làm nơi quy y, nương nhờ của con

Người nào khi quy y như vậy, có 9 Ân Đức Phật, 6 Ân Đức Pháp, 9 Ân Đức Tăng thì lúc đấy sự quy y mới thành tựu, vì nó hợp trí. Đức tin trong Phật giáo là phụ, trí tuệ là chính. Đức tin này hợp trí thì khi đó sự quy y hợp đủ tam nhân: vô tham – vô sân – trí tuệ. Thì ngay 3 câu này thôi, người nào đọc và thực hành xong, thoát khổ sinh tử luân hồi trong Phật giáo cũng rất là nhiều. Ngoài tam quy ra họ chả đọc cái gì khác, đây cũng là 1 pháp môn đưa đến giải thoát khổ, chứ không phải đơn giản đâu. Người nào học đọc hiểu và tu tập theo tam quy này cũng đưa đến Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai, Arahan. Có những tích truyện trong udāna sẽ thấy có những vị chỉ thọ tam quy, ngũ giới không thôi là thoát khỏi sinh tử luân hồi rồi. Nên nghĩa của tam quy, ngũ giới rất là đầy đủ. Cho nên trước khi quy y tam bảo nên tìm hiểu cho kỹ, cho rõ. Còn ai đã quy y, thọ ngũ giới mà chưa hiểu thì giờ tìm hiểu rồi quy y lại. Mình không phải chỉ quy y 1 lần trong đời đâu, vì đời mình có những nguyên nhân làm cho quy y mình bị mất, quy y mình bị bẩn, nên phải tam quy lại, cho nên ngày nào cũng phải tam quy. Trong cuốn Tam Bảo, Ngài Hộ Pháp có đưa ra lý do tam quy bị mất, tam quy bị dơ, ô nhiễm. Nên giờ hàng ngày, nhất là trước lúc đi ngủ mình cứ thọ tam quy lại cho nó trong sạch là tốt nhất, biết đâu trong khi ngủ mình không có thức dậy, mà nó ô nhiễm thì sao. Mình là Phật tử nên mình phải chuẩn bị trước đi, vì đi lúc nào mình không biết đâu. Nên mình quy y trước khi ngủ, hoặc niệm sự chết trước khi ngủ, hoặc rải tâm từ rồi ngủ, đó là sự chuẩn bị của người ngủ.

Qua đây, Sư nhắn nhủ rằng những người nào ngày trước quy y mà thiếu trí tuệ, thì bây giờ tìm hiểu rồi hàng ngày tự mình đọc quy y. Hoặc có thể tìm 1 vị Sư mình kính trọng, hoặc nơi nào đó làm mình tăng trưởng đức tin, làm gương cho mình, thì mình xin vị đó hướng dẫn cho mình. Hoặc không tự mình quy y cũng được, vì gachmi là con tự hiểu biết rồi con nhận mà, chứ đâu cần ai cho.

Niệm quy y 3 lần cho chắc, tại có thể lần 1, lần 2 xúc động quá mà chưa có ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng ở trong nên cần đủ 3 lần. Trong 3 lần này chỉ cần có 1 lần có đủ ân đức Phật Pháp Tăng là thành tựu rồi, chứ không nhất thiết phải cả 3 lần. Cần đọc 3 lần, vì mình đâu có làm chủ tâm mình được, đang niệm quy y mà nghĩ về vợ con, công việc thì sao gọi là quy y. Nên cố gắng trong 3 lần có 1 lần chánh niệm, tỉnh giác niệm có đủ ân đức Phật, Pháp, Tăng.

Sau khi đọc quy y xong, nếu có vị Sư thì vị Sư sẽ đọc: 

Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ

Ngài Hộ Tông dịch là phép quy y tam bảo tròn đủ chỉ có bấy nhiêu. Nhưng Sư sẽ dịch lại cho sát nghĩa hơn, là “các con đã có tam quy đầy đủ rồi phải không?”, thì mình mới trả lời “āma Bhante”. Vì mình là người xin, nên thành tựu hay không là mình tự biết, các Ngài đâu phải ai cũng có thần thông đâu mà biết, nên các Ngài hỏi lại cho chắc.

THỌ TRÌ NGŨ GIỚI

Mình có tam quy rồi là ngũ giới tự động thành tựu theo, không cần phải đọc, nhưng mà các Ngài để cho mình quen nên các Ngài cho đọc để nhắc nhở thôi. Nếu như Tam Bảo được ví như đồ trang sức (vàng, bạc, kim cương) thì giới ví như trang phục. Thời Đức Phật người ta xin quy y Phật là xong, ngũ giới tự động thành tựu theo. Cái đó cũng đúng thôi, một người đeo kim cương, vàng, bạc thì chả lẽ không có bộ đồ cho đẹp đẹp mặc, người nào đeo kim cương, vàng bạc mà mặc bộ đồ rách rưới là biết đồ dỏm rồi đó.

Ở đời, người ta có thể có ngũ giới, có bộ đồ đẹp nhưng chưa hẳn có tam quy, tức chưa hẳn có kim cương, vàng để đeo. Nhưng mình nhìn người nào có tam bảo, có kim cương, vàng bạc thì khó thấy, nhưng người nào mặc đồ đẹp, hợp mode, tốt hay không thì mình dễ thấy. Thì người nào có giới hay không mình nhìn cũng dễ thấy hơn, cho nên tam bảo là cái sâu bên trong, quý hơn.

Và người nào có tam bảo, có kim cương vàng ngọc, thì không lý do gì họ không có được bộ đồ tươm tất để mặc cả.

Nên giờ mình nhìn người nào quy y giả là mình biết liền. Người này quy y mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và chất say thì biết là quy y nào rồi.

Cho nên, theo truyền thống các Ngài cho mình đọc thọ trì ngũ giới để mình quen với pali, quen với tác ý nên các Ngài soạn ra.

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
3- Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
5- Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ
samādiyāmi.

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Samādiyāmi: đây là động từ chính, nghĩa là: con xin phát nguyện

Veramaṇi: có tác ý, có cố ý rõ ràng (cái này là cetasa, tạo thành nghiệp)

Sikkhā: hiểu biết, thực hành cố gắng ???? học hiểu và hành 1 cách cố gắng

Pada: giới làm căn bản cho thực hành định và tuệ. Người nào mà không gặp thì không sát sanh, gặp thì sát sanh thì không làm căn bản cho thiền định, thiền tuệ được, cũng là giữ giới nhưng cái sikkhā đó nó không pada, cái sikkhā để đạt được pada là phải có sự học, hiểu biết và thực hành theo.

Pāna: chúng sinh có sinh mạng, mình gọi là chúng sinh hữu tình, chúng sinh có hiểu biết, có buồn vui để phân biệt với bên ngoại đạo, vì họ nói lửa hay đất cũng có linh hồn, nên khi mình cuốc đất, đốt lửa là mình phạm giới sát sinh.

Atipātā: không giết hại, làm đứt mạng sống

Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi: Con xin nguyện là có tác ý tránh xa điều giới làm căn bản cho định và tuệ là không sát sinh.

….

Bài Pháp được Sư Hộ Giới thuyết trong lớp Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật, bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký và tóm lược.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app