VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
PUKKUSĀTI
Pukkusāti rất thiện xảo trong các thiền chứng. Các thiền chứng này là sở hành thành tựu (payoga sampatti), nó gồm có Chánh Tinh Tấn (Sammā-Vāyāma), Chánh Niệm (Sammā-Sati), và Chánh Định (Sammā Samādhi). Và trong khi lắng nghe Đức Phật giảng kinh ‘Giới Phân Biệt’ (‘Dhātu-Vibhaṇga Sutta’), ông đắc Bất Lai Thánh Đạo và Bất Lai Thánh Quả Trí, ở đây Bất lai Thánh Đạo Trí được xem là sở hành thành tựu cao thượng nhất.
Sau đó, ông đi kiếm y và bát để được thọ đại giới (Tỳ- kheo) với Đức Phật. Nhưng ông đã bị dạ xoa dưới lột một con bò húc chết. Vào lúc chết, Bất Lai Thánh Đạo Trí dựa trên tứ thiền của Pukkusāti, đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong cõi Phạm Thiên Vô Phiền (Avihā), cõi thấp nhất trong năm Cõi Tịnh Cư (Suddha-Āvāsa). Thánh Đạo Trí của ông đã ngăn vô số những bất thiện nghiệp không để cho chúng tạo ra quả, và cũng ngăn vô số những thiện nghiệp nào có thể tạo ra tái sanh trong cõi dục giới, bởi vì, là một bậc Thánh Bất lai, ông sẽ không bao giờ còn phải tái sanh trong bốn cõi khổ, cũng như trong cõi người và chư thiên dục giới nữa. Đó là tất cả những kết quả của sở hành thành tựu (payoga-sampatti) của ông.
ĐAO PHỦ TAM BADĀṬHIKA
Đây, Tambadāṭhika, người đao phủ577một lần nữa được xem là ví dụ điển hình. Ông đã hoàn thành bất thiện nghiệp chặt đầu phạm nhân theo thói quen trong suốt năm mươi lăm năm: đó là sở hành thất bại. Nếu nghiệp đó cho quả vào lúc chết, ông chắc chắn sẽ phải tái sanh vào một cõi thấp, như địa ngục chẳng hạn. Nhưng khi Tôn-giả Xá-lợi-phất đi ngang qua nhà ông, Tambadāṭhika đã mời ngài vào và dâng món cháo sữa, sau đó ông đã lắng nghe Pháp của Tôn-giả Xá-lợi-phất với lòng tôn kính, và đắc Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa): tất cả những việc làm đó là sở hành thành tựu. Và dựa vào sự chứng đắc Hành Xả Trí này, những bất thiện nghiệp của Tambadāṭhika bị chặn lại, vì nó (hành xả trí) làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong cõi chư thiên: sanh thú thành tựu (gati-sampatti).
TÔN GIẢ AṄGULIMĀLA
Ví dụ khác là Tôn giả Aṅgulimāla mà câu chuyện của ngài chúng ta cũng đã đề cập ở trước.578Ngài không chỉ hoàn thành vô số những bất thiện nghiệp trong những kiếp quá khứ, mà trong kiếp cuối cùng này, như một tướng cướp khét tiếng, Aṅgulimāla đã giết rất nhiều người. Sau đó ngài xuất gia làm Tỳ kheo dưới sự hướng dẫn của Đức Phật (Bậc Điều Ngự Vô Song Những Người Đáng Được Điều Ngự- Anuttaro Purisa-Damma-Sārathi). Dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, Aṅgulimāla đã giữ tăng thượng giới của một vị Tỳ kheo: đó là sở hành thành tựu (payoga-sampatti). Dựa trên giới đó, ngài đã hành thiền chỉ và minh sát: đó cũng là sở thành thành tựu. Và ngài hành thành công tới mức đắc được A-la-hán Thánh Đaọ Trí: đó là sở hành thành tựu tối thượng.
SỞ HÀNH THÀNH TỰU TỐI THƯỢNG
Vì sao A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa) được xem là sở hành thành tựu tối thượng? Bởi vì mặc dù, trong đời sống bình nhật của một vị A-la-hán, một số bất thiện nghiệp và thiện nghiệp vẫn làm nhiệm vụ như trì nghiệp, chướng nghiệp hoặc đoạn nghiệp, song không có bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp nào có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra một ngũ uẩn mới sau tâm tử của kiếp này. A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa) đã ngăn hoàn toàn mọi nghiệp không cho tạo ra tái sanh nữa: dù đó là những nghiệp tạo ra một sự tái sanh bất hạnh (sanh thú thất bại <gati-vipatti>), hay đó là những nghiệp tạo ra một sự tái sanh an vui (sanh thú thành tựu <gati-sampatti>). Và vào lúc Bát Niết-Bàn (Parinibbāna-sự diệt tối hậu) của một bậc A-la-hán, tất cả mọi nghiệp đều vô hiệu lực: tất cả mọi nghiệp đều bị ngăn không cho làm nhiệm vụ dưới bất cứ cách thức nào. Vị A-la-hán sẽ không bao giờ còn tái sanh lại nữa, dù trong bất kỳ cảnh giới nào, điều này có nghĩa rằng vị ấy đã vĩnh viễn thoát khỏi khổ. Đó là lý do tại sao A-la-hán Thánh Đạo Trí được xem là sở hành thành tựu tối thượng.
Nếu Thánh Đạo Trí của một người là một trong ba thánh đạo thấp hơn (từ Bất-lai Thánh Đạo đổ xuống), nguyên tắc này cũng áp dụng ở một mức độ thấp hơn. Mặc dù, trong suốt kiếp sống của một bậc Thánh (Ariya Puggala), một số bất thiện nghiệp và thiện nghiệp vẫn làm nhiệm vụ như trì nghiệp, chướng nghiệp và đoạn nghiệp, song lúc này không nghiệp bất thiện nào có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra ngũ uẩn mới sau tâm tử của kiếp sống này được nữa. Thánh Đạo Trí đã tuyệt đối ngăn không cho bất thiện nghiệp tạo ra tái sanh. Nói chung, đối với các bậc Thánh, vĩnh viễn sẽ không còn một sự tái sanh bất hạnh hay sanh thú thất bại nào nữa: các vị sẽ không bao giờ phải tái sanh trong ngạ quỷ giới, súc sanh giới và địa ngục trở lại. Các vị, sẽ chỉ còn một số kiếp tái sanh an vui (sanh thú thành tựu) giới hạn, và chỉ những thiện nghiệp là được phép tạo ra tái sanh, hoặc trong nhân giới hoặc trong thiên giới hay Phạm thiên giới mà thôi. Trong một số kiếp nhất định nữa các vị chắc chắn sẽ đắc A-la-hán Thánh Quả.
TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN
Một ví dụ của nguyên tắc này là Tôn giả Mục-kiền-liên (Mahāmoggallāna). Trong một kiếp quá khứ, ngài đã cố gắng giết chết cha mẹ của mình. Trong kiếp cuối cùng (là Tôn giả Mục-kiền-liên), nghiệp đó đã tạo ra quả của nó, khiến thân của ngài bị bọn cướp đập vỡ ra từng mảnh. Sau đó, ngài nhập Vô Dư Niết-Bàn (Bát-Niết-Bàn). Với việc Bát-Niết-Bàn này, nghiệp giết cha mẹ của ngài, cùng với những bất thiện nghiệp khác từ quá khứ vô tận, và những thiện nghiệp từ quá khứ vô tận, trở thành vô hiệu lực: A-la-hán Thánh Đạo Trí của ngài đã cắt đứt chúng hoàn toàn.
SỞ HÀNH THÀNH TỰU CHỈ TẠO RA QUẢ AN VUI
Từ những gì chúng tôi giải thích, có lẽ bây giờ quý vị đã hiểu được rằng sở hành thành tựu chỉ tạo ra quả an vui như thế nào.
Khi giải thích về Như Lai Lực Thứ Nhất, chúng tôi cũng đã giải thích điều này rồi.
- Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có trường hợp ở đây thân hành thiện có thể tạo ra quả không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là thân làm thiện có thể tạo ra quả khả lạc, khả hỷ, khả ý: sự kiện này có xảy ra.
- Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có trường hợp ở đây miệng nói thiện có thể tạo ra quả không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là miệng nói thiện có thể tạo ra quả khả lạc, khả hỷ, khả ý: sự kiện này có xảy ra.
- Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có trường hợp ở đây ý nghĩ thiện có thể tạo ra quả không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, là ý nghĩ thiện có thể tạo ra quả khả lạc, khả hỷ, khả ý: sự kiện này có xảy ra.
Những trích dẫn trên đây đã kết thúc phần giải thích của chúng tôi về việc những bất thiện nghiệp bị ngăn không cho quả do bốn loại thành tựu: sanh thú thành tựu, sanh y thành tựu, thời kỳ thành tưụ và sở hành thành tựu như thế nào.
SỰ THẤT BẠI CHO PHÉP NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP
Đến đây chúng ta sẽ bàn đến việc những bất thiện nghiệp được phép (cho quả) như thế nào do sự đối nghịch của bốn pháp thất bại.
SANH THÚ THẤT BẠI CHO PHÉP NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP
Có nghiệp xấu đã làm chín mùi sau khi đi đến sanh thú thất bại (gati-vipatti). Thiện nghiệp của một người có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong một thiện thú: cõi người, hay một cõi trời. Đó là sanh thú thành tựu (gati sampatti). Dựa vào sự thành tựu ấy, một số bất thiện nghiệp của cô ta hay anh ta bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng do một bất thiện nghiệp nào đó, cô ta hay anh ta phải tái sanh vào một ác thú: địa ngục, súc sanh, hay ngạ quỷ giới. Đó là sanh thú thất bại (gati-vipatti). Dựa vào sanh thú thất bại này, những bất thiện nghiệp được phép, hết nghiệp này đến nghiệp khác, tạo ra quả của chúng.
Một thời chúng tạo ra tái sanh trong địa ngục; vào một thời khác chúng tạo ra tái sanh trong thế giới ngạ quỷ; vào một thời khác nữa chúng tạo ra tái sanh trong thế giới của A-tu-la (Asura). Trong một thời gian dài những bất thiện nghiệp này không cho phép một người như vậy cất đầu lên khỏi những ác thú. Một ví dụ điển hình là Tôn-giả Losaka Tissa. Do ganh tỵ quá mức, ông đã quăng bỏ thức ăn của một vị A-la-hán. Nghiệp quăng bỏ thức ăn của một vị A-la-hán này, được hỗ trợ bởi sự hối hận sau đó trong nhiều năm, đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra sự tái sanh lâu dài trong địa ngục, rồi nhiều lần tái sanh làm A-tu-la, và nhiều lần tái sanh làm chó.
SANH Y THẤT BẠI CHO PHÉP BẤT THIỆN NGHIỆP (Tạo Quả)
Có những nghiệp xấu đã làm chín mùi sau khi đi đến sanh y thất bại (upadhi-vipatti).
Một người có thể sinh ra với chân tay lành lặn, diện mạo đáng yêu, xinh đẹp và rạng rỡ như Phạm Thiên: đó là sanh y thành tựu (upadhi-sampatti). Dựa vào sự thành tựu đó, một số bất thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng nếu do một chướng nghiệp bất thiện nào đó, cô ta hay anh ta có thể bị khiếm khuyết chân tay, diện mạo không hấp dẫn, xấu xí và khó coi giống như chằng tinh: đó là sanh y thất bại (upadhi-vipatti). Dựa trên sự thất bại ấy, những bất thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.
Chú giải giải thích rằng nếu một người như vậy sanh ra làm nô lệ, họ sẽ bị bắt làm những công việc dơ bẩn, ngay cả việc hốt rác. Bởi vì anh ta xấu xí, nên người chủ sẽ nghĩ: ‘Người như thế này chỉ có thể làm công việc dơ bẩn.’Nếu đó là một người nữ, họ sẽ bắt cô ta làm công việc lo liệu thức ăn (cắt cỏ) cho voi…Và thậm chí nếu cô ta có sanh trong một gia đình hiền lương, người thu thế của vua cũng có thể nghĩ rằng cô ta là một nô lệ của nhà này, và bắt trói cô ta đem đi.. Chú giải nêu ra một trường hợp như vậy ở Tích Lan (Sri Lanka), chuyện xảy ra với người vợ xấu xí của một lãnh chúa.
THỜI KỲTHẤT BẠI CHO PHÉP CÁC BẤT THIỆN NGHIỆP (Tạo Quả)
Có những nghiệp xấu đã làm sẽ chín mùi do gặp thời kỳ thất bại (kāla-vipatti).
Một người có thể được sanh ra trong thời kỳ có sự cai trị anh minh, con người hiền lương, chẳng hạn như khi loài người mới bắt đầu xuất hiện vào lúc khởi đầu của một kiếp, khi có một vị Chuyển Luân Vương, hay một vị Phật: đó là thời kỳ thành tựu (kāla-sampatti). Dựa vào sự thành tựu ấy, một số bất thiện nghiệp của cô ta hay anh ta bị ngăn không cho tạo ra quả của nó. Nhưng do một chướng nghiệp bất thiện nào đó, người ấy có thể sanh ra trong thời kỳ của một chính phủ hôn ám, và con người thì xấu xa, hiểm ác, nhu nhược. Người ấy cũng có thể sanh vào thời kỳ mà tuổi thọ của con người giảm chỉ còn mười tuổi, khi những thực phẩm chế biến từ sữa không còn nữa, và những loại hạt kudrūsaka? trở thành thực phẩm tốt nhất để dùng. Lúc đó, mặc dù người ta được tái sanh làm người, họ cũng sống giống như trâu bò, hoặc các loài dã thú. Nói chung, tái sanh vào một thời kỳ như vậy là thời kỳ thất bại. Dựa vào sự thất bại đó, những bất thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng.
SỞ HÀNH THẤT BẠI CHO PHÉP NHỮNG BẤT THIỆN NGHIỆP
Có những nghiệp xấu đã làm chín mùi sau khi có sở hành thất bại (payoga-vipatti).
Hạnh của một người có thể là tốt. Người này biết tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm,…nói chung, thực hành mười thiện nghiệp đạo đã đề cập nhiều lần ở trước. Đó là sở hành thành tựu (payoga-sampatti). Dựa vào sự thành tựu đó, một số bất thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng. Nhưng sau đó người này có thể làm một hạnh xấu, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm…: mười bất thiện nghiệp đạo. Đó là sở hành thất bại. Dựa vào sự thất bại này, những bất thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng. Chú giải giải thích rằng một người với sở hành như vậy sẽ bị bắt, bị đem đến trước mặt vua, bị hành hạ và bị xử trảm. Tôn giả Đề-bà-đạt-đa, người chúng ta đã đề cập ở trước, là một ví dụ điển hình.
SỦNG THẦN CỦA VUA
Đến đây đã kết thúc phần giải thích của chúng tôi về bốn loại thành tựu (sanh thú-, sanh y-,thời kỳ- và sở hành thành tựu) ngăn một số bất thiện nghiệp không cho tạo ra quả của chúng, trong khi bốn loại thất bại lại cho phép những bất thiện nghiệp ấy.
Để giải thích điều này, chú giải đưa ra một ví dụ. Giả sử người kia làm hài lòng đức vua bằng một hành động nào đó, và vua thưởng cho người ấy một chức vụ và một lãnh địa để cai trị. Sau đó người đàn ông này đối xử tàn nhẫn với nhân viên của mình, phá huỷ lãnh địa ông cai trị. Bằng vũ lực, ông tịch thu tài sản của người khác: xe cộ, trâu, bò, nô lệ nữ, ruộng đất…Nhưng do là sủng thần của nhà vua, không ai dám ta thán việc đó.
Rồi một ngày kia, ông xúc phạm vị tể tướng của vua. Vị tể tướng này đang là một đại sủng thần trong triều, nên đã ra lệnh bắt người đàn ông ấy và cho quân lính đánh đập. Chưa hết, vị tể tướng còn đi đến vua và kể lại chuyện người đàn ông này đã làm cho lãnh địa của mình tan hoang như thế nào cho vua biết. Thế là người đàn ông bị bắt và bị cùm trong tù. Sau đó nhà vua cho đánh trống trong kinh thành và công bố: ‘Ai có tài sản bị tịch thu bởi người như vậy như vậy?’ Và mọi người đi đến đồng thanh kêu lên: ‘Tài sản như thế này của tôi đã bị tịch thu!’ ‘Tài sản như thế nọ của tôi đã bị tịch thu!’ Và vị vua, lúc bâý giờ vô cùng giận dữ, đã cho tra tấn người đàn ông này bằng nhiều cách, và sau đó đem xử trảm, vua nói: ‘Hãy ném xác người này vào nghĩa địa, thu hồi lại sợi xích.’
Trong câu chuyện này, mới đầu người đàn ông làm được một hành động nào đó khiến vua hài lòng, và nhận được một chức vụ và lãnh địa cai quản đáp lại: điều này giống như khi một thiện nghiệp nào đó cho một kẻ phàm phu được tái sanh lên thiên giới. Dân chúng không dám ta thán về sở hành bất chính của người đàn ông này vì lúc đó ông đang là sủng thần của đức vua: điều này giống như khi những bất thiện nghiệp không thể tạo ra quả của chúng do kẻ phàm phu này đang ở trên thiên giới. Rồi người này xúc phạm một người đang có ân sủng lớn đối với vua, và bị thất sủng rồi bị cùm trong tù: điều này giống như khi kẻ phàm phu hết phước ở cõi trời, và tái sanh vào địa ngục. Từ khi người đàn ông này bị thất sủng với đức vua, bị bỏ tù, rồi dân chúng la ó: ‘Tài sản như thế này của tôi đã bị tịch thu!’ ‘Tài sản như thế nọ của tôi đã bị tịch thu!’ Điều này cũng giống như từ khi kẻ phàm phu hết phước ở cõi trời, bị tái sanh vào địa ngục, lúc đó tất cả những bất thiện nghiệp của người này gôm lại, và tạo ra quả của chúng. Xác của người đàn ông này bị quăng vào nghĩa địa, chỉ sợi xích được thu hồi lại: điều này giống như nỗi thống khổ của kẻ phàm phu suốt kiếp trong địa ngục, không thể cất đầu lên khỏi địa ngục, vì mỗi lần một quả nghiệp (bất thiện) hết tác dụng, thì nghiệp bất thiện khác lại tạo ra quả của nó.[236]
Chú giải kết luận bằng cách giải thích rằng không chỉ một, hoặc hai, hoặc một trăm, hoặc một ngàn chúng sanh đã hoàn thành những bất thiện nghiệp có thể liên tục tạo ra quả trong suốt một đại kiếp ở địa ngục như thế mà những chúng sanh chịu khổ trong một thời gian dài như vậy cũng nhiều không thể tính kể. Đó là lý do vì sao nếu gặp bốn pháp thất bại này sẽ nguy hiểm như thế nào vậy.