VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

SỰ THẤT BẠI NGĂN NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến bốn loại thất bại này sẽ ngăn không cho những thiện nghiệp tạo ra quả của chúng như thế nào.

SANH THÚ THẤT BẠI NGĂN NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm bị sanh thú thất bại ngăn không cho chín mùi (hay không cho tạo ra quả).

Thiện nghiệp của một người có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong một thiện thú: cõi người hay cõi trời. Đó là sanh thú thành tựu (gati-sampatti). Dựa vào sự thành tựu ấy, một số thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng do một bất thiện nghiệp nào đó, cô ta hay anh ta có thể bị tái sanh vào một ác thú: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là sanh thú thất bại (gati-vipatti). Dựa vào sự thất bại ấy, những thiện nghiệp bị ngăn lại không cho tạo ra quả của chúng.

VUA A-XÀ-THẾ

Một ví dụ điển hình là Vua A-xà-thế (Ajātasattu): chúng ta đã đề cập đến ông trong phần liên quan đến minh (vijjā) và hạnh (caraṇa).591 Ông là con của Đức Vua Tần-bà- sa-la (Bimbisāra), một bậc Thánh Nhập Lưu, và là đại hộ pháp của Đức Phật và Tăng Chúng. Để có được vương vị, A-xà-thế đã giết chết cha của mình. Sau đó, một đêm nọ, ông đi đến gặp Đức Phật, và Đức Phật đã thuyết cho ông nghe bài Kinh Sa-Môn Quả.592Mặc dù đức Vua đã hoàn thành đủ thiện nghiệp (pāramī) để đắc Nhập Lưu giống như cha. Nhưng chỉ vì một nghiệp bất thiện (giết cha: sở hành thất bại) mà thiện nghiệp nghe Pháp đã bị ngăn không cho tạo ra quả của nó: vua đã không đắc Một Đạo Quả nào, và vẫn còn là một phàm nhân (puthu-jjana). Lại nữa, sau khi nghe xong bài pháp của Đức Phật, Vua A-xà-thế có được niềm tin mãnh liệt nơi Đức Phật, và trở trành một đại hộ pháp của Ngài và chư Tăng. Nhưng sau khi chết tất cả thiện nghiệp ông làm bị ngăn lại không cho tạo ra quả của nó, hiển nhiên là vì nghiệp giết cha của ông đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh trong địa ngục. Một khi ông đã tái sanh trong địa ngục (sanh thú thất bại), thì tất cả thiện nghiệp của ông cũng sẽ tiếp tục bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng.

SANH Y THẤT BẠI NGĂN NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những thiện nghiệp đã làm không thể chín mùi do bị sanh y thất bại ngăn chặn.

Một người có thể sanh ra với tay chân lành lặn, diện mạo đáng yêu, đẹp đẽ, và rạng rỡ như Phạm Thiên: đó là sanh y thành tựu (upadhi-sampatti). dựa vào sự thành tựu này, một số thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng do một chướng nghiệp bất thiện nào đó, người này có thể bị chân tay khiếm khuyết và một giện mạo xấu xí, không hấp dẫn: đó là sanh y thất bại. Dựa vào sự thất bại đó, những thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng.

Chẳng hạn, nếu người ấy được sanh ra trong một gia đình hoàng tộc, người ấy sẽ không được phong vương theo nghi lễ quán đảnh, bởi vì họ nghĩ: ‘Điều gì sẽ xảy ra với vương quốc của một ông vua bất hạnh đến thế?’Và nếu người ấy sanh trong một gia đình của tể tướng, người ấy cũng không đảm nhận được chức vụ của cha mình, và…

VUA TIỂU ĐẢO

Chú giải đưa ra một ví dụ từ Tích Lan (Sri-lanka) cổ xưa. Có lần đức vua xứ này đã ban một đặc ân cho hoàng hậu vào ngày bà sanh cho ông một hoàng tử. Bà đã giữ đặc ân ấy cho ngày sau. Rồi một lần, khi được bảy, tám tuổi , hoàng tử chơi đá gà trong sân triều: đó là một sở hành thất bại (payoga-vipatti). Một con gà chọi nhảy chồm lên và làm mù một mắt của hoàng tử. Sau đó, khi hoàng tử mười sáu tuổi, người mẹ muốn cai trị vương quốc thông qua con trai của mình. Vì thế bà đã yêu cầu đức vua ban đặc ân cho bà bằng cách trao vương quốc cho hoàng tử. Nhưng đức vua từ chối với lý do hoàng tử chỉ có một mắt. Hoàng hậu oán trách đức vua, và để làm vui lòng bà, vua đã cho hoàng tử cai trị tiểu đảo Nāgadīpa. Lẽ ra, nếu còn đủ hai mắt, hoàng tử đã trở thành vua của toàn cõi Tích Lan này rồi.

THỜI KỲ THẤT BẠI NGĂN NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có những nghiệp thiện đã làm không chín mùi được do bị ngăn chặn bởi thời kỳ thất bại (kāla vipatti).

Một người có thể được sanh ra trong thời kỳ của chính phủ anh minh, và con người hiền thiện, chẳng hạn như khi con người mới bắt đầu xuất hiện vào lúc khởi đầu của một kiếp, khi có một vị Chyển Luân Vương, hay một vị Phật ra đời: đó là thời kỳ thành tựu (kāla-sampatti). Dựa vào sự thành tựu này một số thiện nghiệp của cô ta hay anh ta được phép tạo ra quả cua chúng. Nhưng do một chướng nghiệp bất thiện nào đó, cô ta hay anh ta có thể phải sanh ra trong thời kỳ của chính phủ hôn ám, và con người thì xấu xa, hiểm ác, nhu nhược. Người ấy cũng có thể bị tái sanh trong thời kỳ mà thọ mạng của con người giảm xuóng chỉ còn mười tuổi, khi những thực phẩm chế biến từ sữa không còn nữa, và những loại hạt kudrūsaka? trở thành thực phẩm tốt nhất để dùng. Lúc đó, mặc dù người ta được tái sanh làm người, họ sống cũng giống như trâu bò, hoặc các loài dã thú vậy. Nói chung tái sanh vào một thời kỳ như vậy là thời kỳ thất bại. Dựa vào sự thất bại đó, những thiện nghiệp bị ngăn lại.

SỞ HÀNH THẤT BẠI NGĂN NHỮNG THIỆN NGHIỆP

Có một số nghiệp tốt sau khi đã làm không chín mùi (cho quả) do bị sở hành thất bại ngăn lại.

Hạnh của một người có thể là tốt. Cô ta hay anh ta biết tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm…: mười bất thiện nghiệp đạo. Đó là sở hành thành tựu (payoga-sampatti). Dựa vào sự thành tựu ấy, một số thiện nghiệp được phép tạo ra quả của chúng. Nhưng sau đó cô ta hay anh ta có thể tạo những hạnh xấu, nghĩa là cô ta hay anh ta có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm,…: mười bất thiện nghiệp đạo. Đó là sở hành thất bại. Dựa vào sự thất bại này, những thiện nghiệp bị ngăn không cho tạo ra quả của chúng.

Chú giải giải thích rằng một người như vậy những gia đình đồng đẳng không ai muốn gả con gái cho. Họ nghĩ: ‘Con người xấu xa này thực là quá độ với phụ nữ, quá độ với rượu chè, quá độ với cờ bạc,’ và họ tránh xa người ấy. 

TRƯỞNG GIẢ MAHĀDHANA

Một ví dụ điển hình là Trưởng Giả Mahādhana, con trai của một trưởng khố: chúng ta đã đề cập đến ông ta ở phần nói về minh và hạnh (vijjā-caraṇa). Ông ta được sanh ra trong một gia đình rất giàu ở Bārāṇasī, và kết hôn với một người con gái cũng thuộc gia đình cự phú. Nhưng ông ta đã phung phí hết toàn bộ gia sản của mình vào việc rượu chè, hương, hoa (vật trang điểm), ca nhạc, nhảy múa,…: đó là sở hành thất bại. Nó cho phép một số bất thiện nghiệp tạo ra quả của chúng, và ông ta khánh tận trong cảnh cực kỳ nghèo đói, phải đi xin ăn. Đức Phật nói với Tôn-giả Ānanda rằng nếu Mahādhana khi còn thanh niên biết chí thú làm ăn, ông sẽ trở thành một trưởng khố ở Bārāṇasī. Và nếu khi còn thanh niên, Mahādhana xuất gia, ông sẽ trở thành một bậc A-la-hán, và vợ ông một bậc Bất-lai. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy đó đều là sở hành thành tựu, và nó sẽ cho phép một số thiện nghiệp tạo ra quả của chúng. Tương tự, nếu khi tuổi trung niên, Mahādhana biết chí thú làm ăn, ông có thể đã trở thành đệ nhị trưởng khố trong kinh thành Bārāṇasī này, và nếu là một vị sư ông sẽ trở thành một bậc Bất-lai, và vợ ông sẽ là một bậc Nhất-lai: một lần nữa đây cũng là sở hành thành tựu, cho phép những thiện nghiệp tạo ra quả của chúng. Và nếu ông ta làm được những điều này khi đã lão niên, ông sẽ trở thành đệ tam trưởng khố trong kinh thành, hoặc nếu là người xuất gia ông sẽ trở thành một bậc Nhất-lai, và vợ ông là bậc Nhập-lưu: đây cũng là sở hành thành tựu, cho phép những thiện nghiệp tạo ra quả của chúng. Nhưng do sở hành thất bại, những thiện nghiệp đó bị ngăn lại không cho tạo ra quả của chúng, và ông hoàn toàn chẳng được gì: không có tài sản của một người tại gia cũng không có thánh sản của một người xuất gia. Và vào lúc chết, số phận của ông ta là phải tái sanh vào địa ngục, đó là sanh thú thất bại (gati-vipatti), ngăn những thiện nghiệp không cho tạo ra quả của chúng, và cho phép những bất thiện nghiệp, nối tiếp theo nhau hết nghiệp này đến nghiệp khác, tạo ra quả của chúng. 

Cả hai vợ chồng đã hoàn thành đủ thiện nghiệp để trở thành một người giàu hơn họ đã từng, và thậm chí còn trở thành những bậc Thánh. Nhưng, chỉ khi có sở hành thành tựu, chứ không phải sở hành thất bại, những thiện nghiệp ấy mới tạo ra quả của chúng được vậy.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH THẤT BẠI

Bây giờ tôi sẽ giải thích bốn loại thất bại ngăn một số thiện nghiệp không cho tạo ra quả như thế nào. Hãy ghi nhớ những điều này trong tâm, quý vị sẽ hiểu được bốn loại thất bại này nguy hiểm như thế nào. Làm thế nào để tránh chúng? Muốn tránh chúng chỉ có cách là tránh những bất thiện nghiệp. Bởi vì những bất thiện nghiệp sẽ chỉ giúp quý vị gặp bốn loại thất bại trong những kiếp sống tương lai của quý vị mà thôi. Chúng luôn luôn sẵn sàng để cho quý vị một sự chào đón nồng nhiệt nhất, và cung cấp một mảnh đất phì nhiêu để những bất thiện nghiệp của quý vị có cơ hội tạo ra quả của chúng: những quả không mong muốn, không khả lạc và không khả ý. Vậy thì, làm thế nào để quý vị tránh được những bất thiện nghiệp? Chỉ bằng cách làm những thiện nghiệp. Vì những thiện nghiệp sẽ giúp quý vị gặp bốn loại thành tựu trong những kiếp sống tương lai. Bốn loại thành tựu này cũng cung cấp mảnh đất phì nhiêu cho những thiện nghiệp của quý vị tạo ra quả của chúng: những quả đáng mong ước, khả lạc và khả ý.

Tất nhiên có ba loại thành tựu hoặc thất bại mà trong bất cứ kiếp nào cũng nằm ngoài quyền hạn của quý vị, đó là, sanh thú thành tựu hay thấy bại, sanh y thành tựu hay thất bại, và thời kỳ thành tựu hay thất bại. Trong một kiếp sống, chỉ sở hành thành tựu là nằm trong quyền hạn của quý vị. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, ba pháp nằm ngoài quyền hạn đều là những sự thành tựu. Trong kiếp này, quý vị đã có được sự tái sanh làm người: đó là sự thành tựu thứ nhất, sanh thú thành tựu. Kế tiếp, mặc dù quý vị có thể không xinh đẹp hay rạng rỡ như các vị Phạm Thiên, song quý vị có chân tay lành lặn, các căn đầy đủ: quý vị có thể thấy, nghe, …Đó là sự thành tựu thứ hai, sanh y thành tựu. Cuối cùng, hiện tại Giáo Pháp của Đức Phật vẫn tồn tại trên thế gian; đó là sự thành tựu thứ ba, thời kỳ thành tựu. Quý vị có được ba sự thành tựu này là nhờ sở hành thành tựu trong quá khứ và hiện tại. Và sau khi đã có được ba phương tiện ấy quý vị kể như đã có được rất nhiều cơ hội để tiếp tục với sở hành thành tựu. Như vậy chúng tôi có thể nói quý vị đang sống với bốn sự thành tựu, và chúng sẽ đón chào tất cả thiện nghiệp mà quý vị đã hoàn thành trong vô lượng kiếp quá khứ cũng như trong kiếp hiện tại này với lòng mến khách nồng nhiệt nhất. Quả của những thiện nghiệp ấy sẽ chỉ là những quả đáng mong ước, khả lạc, và khả ý. Vì thế, hãy cố tránh sở hành thất bại, và chỉ sống với sở hành thành tựu. Làm thế nào để quý vị sống được như vậy?

Quý vị hãy nhớ những gì Đức Phật nói trong bài ‘Kinh Dây Trói Buộc Thứ Hai’(‘Gaddula-Bhadda Sutta’):

Do vậy, này các Tỳ kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: ‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị ô nhiễm bởi tham, bởi sân, và bởi si.’ Do những phiền não của tâm, này các Tỳ kheo, các chúng sanh bị ô nhiễm; do sự thanh tịnh của tâm, các chúng sanh được thanh tịnh.

Tham, sân, và si làm ô nhiễm tâm, trong khi vô-tham, vô-sân, và vô-si làm cho nó thanh tịnh. Khi có vô-tham, vô-sân, và vô-si, tư (cetanā) của hành động sẽ là tư thiện và tất nhiên đó là một thiện nghiệp. Vì thế quý vị cần phải tịnh hoá những hành động của mình bằng cách chỉ hoàn thành mười thiện nghiệp đạo (dasa kusala-kamma-patha), đã đề cập ở trên.

Ba thân nghiệp thiện (kāya kamma): Không sát sanh, có lòng từ ái và bi mẫn. Không trộm cắp. Không tà dâm

Bốn khẩu nghiệp thiện (vacī kamma): Không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời thô ác, mà nói một cách lễ độ, không nói chuyện phù phiếm

Ba ý nghiệp thiện (mano kamma): Ý không tham, không ôm ấp oán thù, sân hận, không chấp giữ tà kiến, mà luôn giữ vững chánh kiến (Sammā Diṭṭhi)

Để có được niềm tin trọn vẹn nơi những vận hành của nghiệp, ý nghiệp cuối cùng này được xem là quan trọng nhất.

Mười nghiệp đạo này là thiện nghiệp hiệp thế. Bằng một số cách, chúng tôi đã giải thích việc làm thế nào để hoàn thành những thiện nghiệp ấy. Chẳng hạn, như những gì Đức Phật gọi là phước nghiệp sự (puñña-kiriya-vatthu):

  • Bố thí (dāna)
  • Trì giới (sīla): đối với các vị sư là các giới theo Luật Tạng (Vinaya), đối với các tu nữ là tám hay mười giới, và đối với người tại gia là năm, tám hay mười giới.
  • Tu Thiền (bhāvanā): thiền chỉ nhằm đắc cận định hoặc bậc thiền, và thiền minh sát, là để thấy tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của danh chơn đế (paramattha-nāma) và sắc chơn đế (paramattha-rūpa) thuộc quá khứ, vị lai, và hiện tại, bên trong và bên ngoài, thô và tế, cao thượng và hạ liệt, xa và gần.

Đức Phật cũng có khi giải thích ba phước nghiệp sự này như minh và hạnh (vijjā-caraṇa), và điều này chúng ta cũng đã bàn đến ở trên:

  • Hạnh (caraṇa) có mười lăm pháp: đầy đủ giới hạnh, chế ngự các căn, tiết độ trong ăn uống, luôn luôn tỉnh thức, tín (bao gồm cả việc thực hành thường xuyên pháp bố thí), niệm, tàm, quý, đa văn, tinh tấn, trí tuệ, và bốn bậc thiền (jhānas).
  • Minh (vijjā) là minh sát trí (Vipassanā Ñāṇa), lên đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Như đã nói trước đây, thiền minh sát tạo ra tái sanh được gồm trong yếu tố tuệ của hạnh (caraṇa), và thiền minh sát không tạo ra tái sanh thì được gồm trong nhóm minh (vijjā).

Minh và hạnh cũng là tam học giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā). Giới học được tu tập trên ba pháp: 

  • Chánh Ngữ (Sammā-Vācā)
  • Chánh Nghiệp (Sammā-Kammanta)
  • Chánh Mạng (Sammā-Ājīva)

Khi chúng ta tu tập trong giới, chúng ta thành tựu được giới thanh tịnh (sīla-visuddhi).

Kế tiếp, dựa trên giới thanh tịnh này, quý vị có thể tiếp tục tu tập định (samādhi). Đó là thiền chỉ, được tu tập trên ba pháp:

  • Chánh Tinh Tấn (Sammā-Vāyāma)
  • Chánh Niệm (Sammā-Sati)
  • Chánh Định (Sammā-Samādhi)

Khi tu tập định, nếu quý vị đắc cận định và tám thiền chứng, kể như quý vị đã thành tựu tâm thanh tịnh (citta-visuddhi).

Kế tiếp, dựa trên giới thanh tịnh và tâm thanh tịnh, quý vị có thể tiếp tục việc tu tập tuệ (paññā). Đó là thiền minh sát và được tu tập trên hai pháp:

  • Chánh Kiến (Sammā-Diṭṭhi)
  • Chánh Tư Duy (Sammā-Saṅkappa)

Khi quý vị tu tập tuệ, (tuỳ theo Ba-la-mật của quý vị) quý vị có thể thành tựu kiến thanh tịnh (diṭṭhi-visuddhi): sự chứng đạt Chánh Kiến.

Thế nào là Chánh Kiến? Đức Phật giải thích điều này trong Kinh Đại Niệm Xứ như sau:

Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh Kiến? Bất cứ trí nào, này các Tỳ kheo, là:

  • trí (biết) về khổ (Dukkhe-Ñāṇaṁ),
  • trí (biết) về nhân sanh của khổ (Dukkha-Samudaye-Ñāṇaṁ),
  • trí (biết) về sự diệt của khổ (Dukkha-Norodhe Ñāṇaṁ),
  • trí (biết) về con đường dẫn đến sự diệt của khổ

(Dukkha-Nirodha-Gāminiyā Paṭipadāya Ñāṇaṁ)

Trí (biết) đó, này các Tỳ kheo, gọi là Chánh Kiến. Điều đó có nghĩa là, nếu quý vị biết Tứ Thánh Đế một cách toàn diện, tâm của quý vị cũng được tịnh hoá một cách toàn diện, và quý vị đã đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Đó là vì Thánh Đạo Trí, vốn tuệ tri Tứ Thánh Đế, của quý vị đã đoạn trừ các phiền não theo từng giai đoạn. Khi tâm của quý vị được thanh tịnh hoàn toàn như vậy, thì chúng tôi có thể nói rằng quý vị đang sống trọn vẹn trong bốn loại thành tựu. Sau khi Bát-Niết-Bàn, sẽ không còn bất kỳ mảnh đất nào cho những bất thiện nghiệp và thiện nghiệp của quý vị tạo ra quả của chúng được nữa.

Tất nhiên, có thể quý vị không đạt đến sự thanh tịnh tâm như vậy trong kiếp này. Dẫu sao, hễ quý vị còn thực hành tam học với sự chuyên cần và kiên trì đến mức có thể, chúng tôi vẫn có thể nói được rằng quý vị đang sống trọn vẹn trong bốn loại thành tựu. Và nếu được như vậy, các thiện nghiệp của quý vị sẽ được phép tạo ra quả của chúng, và dĩ nhiên những quả ấy sẽ chỉ là những quả lợi ích mà thôi.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app