VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

THỌ

Đức Phật nói về các thọ theo nhiều cách. Cách chính vẫn là ba loại thọ (vedanā):

  • Thọ lạc (sukha-vedanā)
  • Thọ khổ (dukkha-vedanā)
  • Thọ không khổ không lạc (a-dukkha-ma-sukha-vedanā): đó là thọ trung tính hay thọ xả.

THỌ QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI, HAY HIỆN TẠI

Phàm thọ quá khứ, tương lai, hay hiện tại (atīt-ānāgata-paccuppannā) nào: ở đây một lần nữa, Đức Phật đang nói đến tất cả thọ không ngoại trừ. Khi dùng quá khứ, tương lai, và hiện tại, ngài ngụ ý bốn cách giống như với sắc (đó là theo phạm vi, tương tục, giai đoạn và sát-na). 

  • Theo phạm vi (addhā), những thọ sanh trước sự sanh khởi của thức tái sanh trong kiếp này là những thọ quá khứ (tức những thọ thuộc các kiếp sống quá khứ). Những thọ sanh sau sự sanh khởi của tâm tử trong kiếp này là những thọ tương lai (những thọ thuộc các kiếp sống tương lai). Và những thọ khởi lên ở giữa là những thọ hiện tại (những thọ trong thời bình nhật của kiếp này).
  • Theo tương tục (santati), những thọ thuộc một tiến trình tâm hay tiến trình chứng đắc, hoặc với một đối tượng, là hiện tại; của một tiến trình tâm trước…, là quá khứ, của một tiến trình tâm tiếp theo là tương lai. Chẳng hạn, thọ sanh trong lúc nhìn hình tượng Đức Phật, trong khi tác sự cúng dường, trong khi nghe thuyết pháp,…là hiện tại. Những sự kiện trước (những sự kiện này) là quá khứ, và những sự kiện sau đó, là tương lai.
  • Theo giai đoạn (samaya), những thọ khởi lên trong một phút, suốt buổi, buổi chiều, cả ngày…, là hiện tại. Những thọ trước đó là quá khứ, và sau đó là tương lai.
  • Theo sát na (khaṇa), thọ thuộc một (giai đoạn) sanh, trụ, và diệt của tâm là hiện tại. Trước thọ đó là quá khứ, và sau thọ đó là tương lai.

THỌ BÊN TRONG HAY BÊN NGOÀI

Thọ bên trong hay bên ngoài (ajjhatā vā bahiddhā vā):

Đây, Đức Phật đang nói tới những thọ của cá nhân mình là bên trong, và thọ của người khác là bên ngoài.

THỌ THÔ HAY TẾ

Thọ thô hay tế (oḷārikā vā sukhumā vā): Ở đây, Đức Phật muốn nói tới những thọ được thấy theo bốn cách:

  • Theo sanh loại (jāti): chẳng hạn, những thọ bất thiện là thô, trong khi những thọ thiện là vi tế. Nhưng những thọ thiện là thô so với những thọ thuộc về quả, trong khi thọ của bậc A-la-hán (vốn là duy tác) lại vi tế hơn.
  • Theo tự tánh (sabhāva): thọ khổ là thô, trong khi thọ lạc và thọ trung tính là vi tế. Nhưng thọ khổ và thọ lạc là thô, trong thọ trung tính (bất khổ bất lạc thọ) là vi tế.
  • Theo người (puggala): những thọ của một người có thiền là vi tế bởi vì chỉ có một đối tượng, trong khi những thọ của một người không có thiền là thô vì có nhiều đối tượng.
  • Theo hiệp thế và siêu thế (lokiya-lokuttara): những thọ phôí hợp với phiền não là thô, trong khi những thọ không phối hợp với phiền não là vi tế.

Khi phân biệt các thọ theo cách này, người hành thiền phải không được lầm lẫn các loại: chẳng hạn, theo sanh loại, thọ khổ thuộc thân là một thọ vi tế vì nó bất định (không phải thiện cũng không phải bất thiện), nhưng theo tự tánh nó là thô vì nó là thọ khổ.

Có nhiều cách khác để người hành thiền có thể phân loại các thọ là thô hay tế. Chẳng hạn:

  • Những thọ phối hợp với sân là thô, trong khi những thọ phối hợp với tham là vi tế.
  • Những thọ phối hợp với sân kéo dài là thô, trong khi những thọ phối hợp với sân ngắn là tế.
  • Những thọ phối hợp với tham và tà kiến là thô, trong khi những thọ với tham không có tà kiến là tế.
  • Những thọ thuộc dục giới là thô, trong khi những thọ thuộc sắc giới là tế, mặc dù thọ này là thô so với những thọ thuộc vô sắc giới.
  • Những thọ phối hợp với bố thí là thô trong khi những thọ phối hợp với trì giới là tế, và tất nhiên thọ này là thô so với những thọ phối hợp với thiền.
  • Những thọ phối hợp với bố thí, trì giới, hay tu thiền hạ liệt là thô, trong khi những thọ phối hợp với bố thí, trì giới, tu thiền cao thượng là tế.

Những thọ thuần khổ trong địa ngục là thô, trong khi những thọ khổ trong cõi súc sanh là tế, nhưng những thọ này lại thô so với những thọ khổ trong cõi ngạ quỷ, và cứ như vậy cho đến các cõi chư thiên dục giới cao nhất ở đây những thọ khổ chỉ là thọ vi tế. Đối với những thọ lạc cũng vậy, tế dần từ cõi súc sanh cho đến cõi Phạm thiên sắc giới thứ tư, và những thọ thuần xả của cõi phạm thiên cao nhất, đó là cõi ngũ thiền sắc giới, và các cõi vô sắc.

THỌ HẠ LIỆT HAY CAO THƯỢNG

Thọ hạ liệt hay cao thượng (hinā vā paṇītā vā): ở đây, những thọ thô là hạ liệt, và những thọ vi tế là cao thượng.

THỌ XA HAY GẦN

Thọ xa hay gần (yā dūre santike vā): ở đây, những thọ thô và hạ liệt là xa với những thọ vi tế và cao thượng. Nhưng những thọ thô và hạ liệt lại gần với những thọ thô và hạ liệt khác; và những thọ vi tế và cao thượng thì gần những thọ vi tế và cao thượng khác.

Điều này đã kết luận sự giải thích của chúng tôi về mười một loại thọ tạo thành thọ uẩn. Người hành thiền cần quán tất cả mười một thọ ấy như vô thường, khổ, và vô ngã. 

Đối với mười một loại tưởng, mười một loại hành, và mười một loại thức cũng nên hiểu theo cách tương tự như mười một loại thọ trên.

Đức Phật dạy mỗi uẩn gồm mười một loại này là để chúng ta thấy (daṭṭhabbaṁ – đương kiến-當見) đúng theo thực tại (yathā-bhūtaṁ), với Chánh Trí Tuệ (Samma-Ppaññā) như: ‘Cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi.’ Đó là những hướng dẫn hành thiền minh sát của ngài.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app