VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

NGŨ GIỚI

Học giới căn bản nhằm tránh tạo năm bất thiện nghiệp chính. 

1. Tránh xa sự sát sanh (pāuātipātā veramauī): người giữ giới này không sát hại bất kỳ chúng sanh nào: dù dó là người, hay vật, hoặc chim, cá, côn trùng…

2. Tránh xa sự trộm cắp hay lấy của không cho (a-dinn- ādāuā veramauī): người giữ giới này chỉ nhận những gì hợp pháp.

3. Tránh xa sự tà dâm (kāmesu-micchā-cārā veramauī): người giữ giới này biết bằng lòng với vợ hay chồng của mình.

4. Tránh xa sự nói dối (musā-vādā veramauī): người giữ giới này không vì bất cứ lý do gì mà nói dối. Hành giả chỉ nên nói sự thực hoặc giữ thái độ im lặng

5.  Tránh xa sự uống rượu, bia, và các chất say là nhân sanh ra sự cẩu thả, dễ duôi (surā-meraya-majja- pamāda-IIhānā varamauī): người giữ giới này không sử dụng bất kỳ loại chất gây say nào, vì bất cứ lý do gì. Đắm chìm trong chất say sẽ khiến cho việc tu tập giới trở nên khó khăn, dẫn đến sự tai hại [102] và cuối cùng là mất trí nhớ. 

Năm điều kiêng tránh (pađca veramauī) này là những gì kinh điển gọi là học giới (sikkhā-pada), hay ngũ giới (pađca-Sīla). Một người cận sự nam (upāsaka) hay cận sự nữ (upāsikā) hộ trì Tam Bảo (Phật,Pháp,Tăng) tối thiểu phải giữ năm giới này, đó là phẩm chất đạo đức (Sīla-sampāda- Hán dịch giới cụ túc: đầy đủ giới hạnh) của người cư sĩ.171 Tất nhiên, bao gồm trong những học giới này cũng có  Chánh Mạng (Sammā-Ājīva): để tránh cách sinh nhai không chân chánh hay tà mạng (micchā-ājīva). Theo đó, người giữ giới không nuôi mạng hay kiếm sống bằng cách phạm vào bất kỳ giới nào mình đã thọ. Ở đây, tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm và uống các chất say là Chánh Nghiệp (Sammā- Kammanta); tránh nói dối, nói lời chia rẽ, thô ác, và nói chuyện nhảm nhí vô ích, là Chánh Ngữ (Sammā-Vācā); và tránh tất cả các giới liên quan đến nuôi mạng là một phần của Chánh Mạng (Sammā Ājīva). Đối với người cận sự nam hoặc cận sự nữ, Đức Phật cũng bao gồm luôn việc kiêng tránh năm loại nghề buôn bán. 

  1. Buôn bán vũ khí (sattha-vauijjā)
  2. Buôn bán người (satta-vauijjā)
  3. Buôn bán thịt (mansa-vauijjā): nuôi heo, gà và các con vật khác để bán cho người khác giết thịt.
  4. Buôn bán rượu (majja-vauijjā): ở đây là bất kỳ loại chất gây say nào.
  5. Buôn bán chất độc (visa-vauijjā): thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, và bất kỳ loại thuốc độc khác.

Để là một người cận sự của Tam Bảo, việc làm ăn sinh sống của một người cần phải loại trừ năm loại nghề buôn bán này, nói khác hơn việc sinh sống của một người cần phải phù hợp với Pháp (Dhammena samena): đó là phẩm chất nuôi mạng chân chánh của người cận sự nam hay nữ (ājīva-sampadā, Hán dịch hoạt mạng cụ túc). Tất nhiên, nếu một người mắc vào một trong những loại tà mạng này, hoặc nếu một người phạm vào một trong ngũ giới, Tam Quy (Ti-Saraua) của họ kể như đứt, và họ không còn là một cận sự nam/nữ của Tam Bảo nữa: Lúc đó họ trở thành người như Đức Phật gọi là cư sĩ bị đào thải (upāsaka-caudāla), một người cư sĩ nhơ nhớp (upāsaka-mala), và một người cư sĩ đê mạt (upāsaka-patikuIIho)

Ngũ giới giúp người ta ngăn được những hành động nguy hiểm nhất của tham, sân và si. Khi một người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu bia,…tư (cetanā) hay chủ ý của họ là bất thiện, và do đó nghiệp sẽ là nghiệp bất thiện. Nếu nghiệp ấy cho quả vào lúc chết, họ sẽ bị tái sanh trong địa ngục, ngạ quỷ giới hay súc sanh giới.[105] Tính bất biến của nhân quả, quy luật tự nhiên của nghiệp174 này là lý do tại sao Đức Phật, các vị Tỳ kheo, và cận sự nam hay nữ thường dạy về ngũ giới:175 không thọ trì những giới này là một sự tổn tại, sự tai hại lâu dài đối với một người. Vì vậy, ngũ giới không phải chỉ có độc nhất trong Giáo Pháp của Đức Phật.176[106] Ngoài Giáo Pháp của Đức Phật , ngũ giới này cũng được các vị đạo sĩ, du sĩ ngoại đạo, các vị Bồ-Tát hướng đến Toàn Giác, và các vị Chuyển Luân Vương giảng dạy.

Đức Phật cũng đề cập đến các giới: nói lời chia rẽ (pisuua-vācā), nói lời thô ác (pharusa-vācā), và nói chuyện vô ích (samphappalāpa) như Nghiệp có thể cho quả tái sanh vào các ác đạo, tuy nhiên chúng trở nên khó giữ hơn khi người ta giữ ngũ giới trong đời sống hàng ngày. 

Theo cách này, nếu một người giữ ngũ giới trong cuộc sống hàng ngày, và làm ăn sinh sống theo đúng Chánh Mạng, họ có thể tránh được những cảnh tái sanh bất hạnh, và có được một sự tái sanh an vui trong cõi người hoặc thậm chí cõi trời sau khi chết. 

BÁT GIỚI

Cũng có những cận sự nam hay cận sự nữ nguyện giữ bát giới (aIIha-sīSa). Bát giới gồm: 

  1. Tránh xa sự sát sanh (pāuātipātā veramauī: giới này giống giới thứ nhất của ngũ giới.
  2. Tránh xa sự trộm cắp hay lấy của không cho (a- dinn-ādāuā veramauī) : giới này giống giới thứ hai của ngũ giới.
  3. Tránh xa sự hành dâm (abrahma-cariyā- veramauī): giới này trong sạch hơn giới thứ ba của ngũ giới. Nếu như trong ngũ giới, người giữ giới không phạm vào tà dâm, thì ở đây người giữ giới không mắc vào bất kỳ loại hành vi dâm dục nào. Giới này chủ yếu giúp người ta không nuôi dưỡng dục vọng (kāma-cchanda).[110]
  4. Tránh xa sự nói dối (musā-vādā- veramauī): giới này giống giới thứ tư của ngũ giới.
  5. Tránh xa sự uống rượu & bia, là nhân sanh ra sự cẩu thả, dễ duôi (surā-meraya-majja-pamāda- IIhānā-veramauī): giới này giống giới thứ năm của ngũ giới.
  6. Tránh xa sự ăn sái giờ (vi-kāla-bhojanā- veramauī): người giữ giới này không được ăn từ lúc chính ngọ cho đến hừng đông ngày hôm sau. Giới này chủ yếu giúp người ta không nuôi dưỡng dục vọng (kāma-cchanda) và hôn trầm & thuỵmiên (thina-middha), và giúp nuôi dưỡng đức tri túc (santosa/santuIIhi) và tiết độ trong ăn uống (bhojane-mattađđutā).
  7. Tránh xa sự múa, hát, ca nhạc, và xem những trò giải trí khác (nacca-gīta-vādita-visūka-dassanā-), tránh xa việc đeo nữ trang, dùng dầu thơm hay mỹ phẩm để trang điểm (-mālā-gandha-vilepana- dhāraua-maudala-vibhūsan-aIIhānā-veramauī): người giữ giới này không đam mê ca nhạc và những trò giải trí khác, dù tích cực (tự làm) hay tiêu cực (xem hay nghe người khác làm). Điều này chủ yếu giúp người ta không nuôi dưỡng tham, sân và si. Và người giữ giới cũng không làm đẹp cho thân bằng cách này hay cách khác chủ yếu là để không nuôi dưỡng dục vọng và sự kiêu mạn. 
  8. Tránh nằm giường cao, lớn, sang trọng (uccā- sayana-mahā-sayanā veramanī): người giữ giới này không đam mê, thoả thích trong giường nằm cao to sang trọng, và ngủ một mình. Điều này giúp họ không nuôi dưỡng dục vọng và hôn trầm & thụy miên.

Tám giới này cũng vậy, không phải chỉ có độc nhất trong Giáo Pháp của Đức Phật. Chúng cũng được thực hành bởi những con người hiền thiện ngoài Phật Giáo. Một số người tu tập bát giới như một cách sống, và một số người tu tập chúng theo dịp, đặc biệt vào những ngày Trai Giới (Uposathas): chẳng hạn 30 và rằm mỗi tháng.Đức Phật gọi việc thực hành như vậy là AIIh-auga-samannāgata- Uposatha (Bát Phần Giới Tựu Bố Tát), [113] tức thực hành trai giới có đầy đủ tám chi (giới). Và ngài giải thích rằng với việc thực hành này, người ta đang noi theo gương các bậc A- la-hán [114]. Quả của việc hành Bát Quan Trai này, Đức Phật giải thích, được tái sanh an vui trong các cõi chư thiên, với thọ mạng từ chín triệu năm cõi người đến chín ngàn hai trăm mười sáu triệu năm cõi người. Và ngài cũng nói rằng việc thực hành này cũng sẽ là một trợ duyên cho Bất Lai Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Qủa, hoặc Nhập Lưu Thánh Quả.

THẬP GIỚI 

Ngoài ngũ giới và bát giới, còn có thập giới (dasa- sīSa). Trong thập giới, các giới hầu như giống hoàn toàn bát giới, với một vài thay đổi như: việc tránh làm đẹp cho thân trở thành giới thứ tám, và tránh nằm giường cao lớn sang trọng trở thành giới thứ chín. Và thêm vào giới thứ mười:

10. Tránh xa việc thọ nhận vàng, bạc (jātarūpa- rajata-paIiggahanā veramauī): giới này không chỉ nói tới vàng và bạc thôi, mà còn cả bất cứ những gì liên quan đến tiền như: tiền mặt, séc, ngân phiếu, thẻ tín dụng,…

Có tiền và sử dụng tiền không thể tách khỏi tham, sân và si.[117] Đó là lý do vì sao không giữ tiền sẽ không nuôi dưỡng tham, sân và si vậy.

Có một số người tại gia cư sĩ nguyện thọ trì thập giới, và các vị Sa-di (sāmauera) theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravāda) xuất gia bằng cách thọ mười giới này. Ở đây cũng vậy, mười giới không phải chỉ có độc nhất trong Giáo Pháp của Đức Phật.

TỲ KHEO GIỚI

Học giới cao nhất là Tỳ kheo giới (bhikkhu-Sīla). Trong tam học của vị Tỳ kheo thì Giới Học được xếp vào hàng thứ nhất.181 Đức Phật gọi nó là Tăng Thượng Giới học (adhi-sīSa-sikkhā). Tỳ kheo giới là nền móng của đời phạm hạnh và là giới bốn loại thanh tịnh (catu-pārisuddhi-sīSa: Tứ Thanh tịnh Giới):

  1. Giới chế ngự theo Giới Bổn (Pātimokkha- sanvara-sīSa)183đây là giới Tỳ kheo do Đức Phật ban hành. Nó bao gồm hai trăm hai mươi bảy giới chính và rất nhiều giới phối hợp.
  2. Giới chế ngự các căn (indriya-sanvara-sīSa): chế ngự nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn nhờ tác ý đến đề mục thiền chỉ hay thiền minh sát của mình. Theo đó phiền não sẽ không khởi qua sáu căn.
  3. Giới nuôi mạng thanh tịnh (ājīva-pārisuddhi- sīSa): Cũng như người tại gia cư sĩ phải tránh xa tà mạng thế nào, vị Tỳ kheo cũng phải như vậy[119]. Tà mạng đối với một vị Tỳ kheo là nuôi sống bằng cách phạm vào các giới trong Ba-la-đề- mộc-xoa
  4. Giới liên quan đến tứ vật dụng (paccaya- sannissita-sīSa): Vị Tỳ kheo thọ nhận bốn món vật dụng của mình từ đức tin:

          a. y phục (cīvara)

          b. thực phẩm (piuaapāta)

          c. chỗ nằm & ngồi (sen-āsana): đây là một từ PāSi chỉ trú xứ hay chỗ ở (như cốc, liêu…)

          d. thuốc trị bệnh (gilāna-paccaya-bhesajja- parikkhāra).

Như một phần của học giới, vị Tỳ kheo phải quán tưởng bốn món vật dụng của mình với như lý tác ý (yoniso manasikāra). Chẳng hạn Đức Phật khuyên vị Tỳ kheo phải quán tưởng về vật thực theo cách sau:

Với như lý quán tưởng, ta dùng vật thực này: ‘không phải để vui đùa, không đam mê vô độ, không tự làm đẹp mình, không phải để trang sức; mà chỉ để thân này được bảo trì mạnh khoẻ, để tránh sự tổn thương, để trợ duyên phạm hạnh . Nhờ vậy, cảm thọ cũ (đói bụng) được trừ; thọ mới (bội thực) không sanh khởi; và sự nuôi mạng của ta sẽ không bị khiển trách, ta sống được an lành.’ Khi vị Tỳ kheo quán tưởng tứ vật dụng của mình theo cách này, vị ấy phát triển được đức tri túc, không đòi hỏi nhiều từ nơi những thí chủ (dāyaka) và những người quản lý (kappiya, người giữ tịnh tài, tịnh vật và giúp đỡ cho một vị sư trong công việc hàng ngày). Điều đó có nghĩa rằng đời phạm hạnh (brahma-cariya) của vị ấy không mắc những lầm lỗi hay bị khiển trách.

Bốn sự tu tập thanh tịnh hay tứ thanh tịnh giới của vị Tỳ kheo này chủ yếu giúp vị ấy kiểm soát được tâm, nhằm ngăn ngừa những nghiệp có gốc ở tham, sân, và si. Theo cách đó, tăng thượng giới học giúp cho việc tu tập thiền chỉ của vị Tỳ kheo mà Đức Phật gọi là tăng thượng tâm học (adhi-citta-sikkhā)[121] . Tất nhiên nó cũng giúp cho vị Tỳ kheo trong việc tu tập minh sát mà Đức Phật gọi là tăng thượng tuệ học (adhi-pađđā-sikkhā). Thêm nữa, khi một vị Tỳ kheo giữ các học giới một cách cẩn mật,[122] Chánh pháp có thể được duy trì trong một thời gian dài.[123]

Tất cả những loại giới khác nhau này đều ngược lại với tham và sân; và có gốc trong vô tham (a-moha) và vô sân (a-dosa). Nếu chúng ta thực hành giới không có đức tin nơi Nghiệp Sở Hữu Trí (Kamma-Ssakata-Đāua), thì nghiệp đó là ly trí (đāua-vippayutta), và nhị nhân (dvi-hetuka). Nếu chúng ta thực hành giới với đức tin hay với sự hiểu biết về Nghiệp (Nghiệp Sở Hữu Trí), thì nghiệp đó hợp với trí (đāua-sampayutta) và tam nhân (ti-hetuka).

NHỮNG VẬN HÀNH CỦA GIỚI HỌC

LY TRÍ

Chẳng hạn, đối với trẻ em, việc tu tập giới hợp với trí hiểu biết về nghiệp là điều rất hiếm. Thường thường trẻ em thực hành giới vì chúng muốn bắt chước cha mẹ chúng, hay bởi vì cha mẹ chúng bảo chúng phải làm như vậy, hay vì chúng thích được khen ngợi khi giữ giới.

Người ta cũng có thể giữ giới không sát sanh không phải vì tu tập giới mà vì lòng từ ái, không muốn làm hại kẻ khác. Và một người có thể giữ giới có chọn lựa. Chẳng hạn họ có thể tránh giết những người của một chủng tộc, một tôn giáo, hay của một quốc gia nào đó, song họ vẫn giết những người của một chủng tộc, hay tôn giáo, hay quốc gia khác. Một người có thể tránh giết hại những người không làm điều gì phạm đến bản thân mình, đến gia đình, bạn bè hay thân quyến của mình,… song họ vẫn sẽ giết những ai đã làm điều gì phạm đến bản thân họ, gia đình họ…188 Họ cũng có thể tránh giết người, song vẫn giết các chúng sanh khác như cá, chim, chuột, và các loài côn trùng. Hoặc có thể, người ta mong muốn bảo vệ sự sống của một con vật mà họ xem là đẹp hay có lợi: chẳng hạn, một con chim ưng, hay đại bàng, một con cá heo hay cá voi, một con cọp hay sư tử, một con voi hoặc đười ươi, thậm chí chỉ là một con bướm. Song họ không muốn bảo vệ như vậy đối với những con vật mà họ xem là xấu xí: chẳng hạn, một con kên kên hay con quạ, một con cá mập, một con dã can hay cáo, một con chuột hay một con gà rừng, một con ong vò vẽ hay một con muỗi… Tương tự, có thể vì lòng bi mẫn người ta tránh ăn thịt heo, thịt bò, và thịt các loài gia cầm như gà, vịt…, song họ vẫn ăn cá vì những lý do sức khoẻ, thay vì bi mẫn.

Người ta cũng có thể tu tập giới vì một sự hiểu biết rất khôi hài, chẳng hạn như họ tránh sát sanh, trộm cắp, tà dâm và nói dối, nhưng vẫn uống rượu và bia,…Hoặc người ta cũng có thể tu tập giới vì coi đó là phong tục và truyền thống, hay vì tôn giáo của họ bảo phải làm như vậy. Người ta cũng có thể tu tập giới vì họ muốn được danh thơm, và kính trọng. Và thậm chí người ta có thể tu tập giới vì sợ bị khiển trách. Việc tu tập giới của một người có thể là ly trí (đāua-vippayutta) theo nhiều cách như vậy.

Cho dù những tâm qua đó một người tránh làm các điều ác có thể là ly trí, hay không có sự hiểu biết về những vận hành của nghiệp, thì cũng không vì lý do đó mà những tâm ấy phối hợp với vô minh và tà kiến. Như đã giải thích ở trên, một tâm thiện không thể nào phối hợp với vô minh. Nhưng vào những lúc khác một người có thể chấp giữ tà kiến. Chẳng hạn người ta có thể tin rằng không có quả của việc làm ác và thiện, hoặc tin rằng vào lúc chết, con người hoàn toàn huỷ diệt (chết là hết), hoặc người ta có thể tin rằng các cõi chư thiên và địa ngục chẳng qua chỉ là huyền thoại hoặc phép ẩn dụ cho những tâm bất thiện. Hoặc họ có thể tin rằng ngũ giới, bát giới, thập giới, Tỳ kheo giới chỉ là những nét văn hoá của Ấn Độ cổ xưa. Khi đã không có niềm tin và trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp, tất nhiên sẽ không có sự sợ hãi về một tái sanh xấu, và cũng không có sự sợ hãi về vòng luân hồi. Và như vậy việc tu tập giới một cách đúng đắn sẽ là điều rất khó.

Khi một người tu tập giới không có niềm tin hay trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp như vậy, việc giữ giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu gặp những chuyện phiền phức, họ rất dễ đầu hàng. Chẳng hạn, khi phát hiện sâu bọ hay côn trùng trong nhà mình, có thể họ chọn giải pháp dễ nhất: giết chúng, hoặc bảo người khác giết chúng. Cũng có khi họ uống rượu, bia trong các dịp chiêu đãi bạn đồng nghiệp, hoặc vui thú cùng bạn bè,…, vì đó là điều mọi người mong đợi. Khi công bố những thu nhập có thể bị đóng thuế, và khi làm ăn mua bán, nói dối là chuyện rất dễ, với cớ rằng họ phải kiếm sống, hoặc với cớ rằng mọi người ai cũng làm thế cả.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tránh những điều ác vẫn là thiện nghiệp, và nếu nó được xen kẽ bởi những tâm thiện, thậm chí nó vẫn có thể là thiện nghiệp cao thượng (ukkaIIha). Nhưng khi nó không kết hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp (ly trí), nó sẽ kém cao thượng hơn, vì khi ấy nó chỉ là thiện nghiệp nhị nhân, tức chỉ phối hợp với vô tham và vô sân. Khi nghiệp ít sức mạnh như vậy thì quả cũng sẽ ít sức mạnh.

HỢP TRÍ

Khi sự tu tập giới của một người được kết hợp với trí (đāua-sampayutta), nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với trí đó, người ta thấy sợ làm điều ác, bởi vì họ không muốn gánh chịu những hậu quả của bất thiện nghiệp. Với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp, người ta biết rằng tà hạnh không chỉ đưa đến một tái sanh xấu trong đời sau, mà ngay trong kiếp hiện tại, nó còn đem lại sự bất an, bất hạnh, và thiếu tự tin.[124] Với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp người ta biết rằng thọ trì việc tu tập càng cao, họ càng có được nhiều an vui, hạnh phúc và tự tin hơn. Họ biết điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Người ta cảm nhận được những thiện pháp đi kèm theo tâm thiện như: tàm (hiri-hổ thẹn tội lỗi), quý (ottappa-ghê sợ tội lỗi), tịnh thân (kāya-passāddhi), tịnh tâm (citta-passaddhi), niệm (sati), tín (saddhā): tóm lại, một trạng thái hoàn toàn an lạc (sukha). Lạc này rất quan trọng nếu một người muốn thành công trong phước nghiệp sự thứ ba, đó là trong việc tu thiền (bhāvanā) [125]. Những lợi ích từ việc tu tập giới chắc chắn sẽ xảy ra trong kiếp hiện tại và trong tương lai này, là lý do tại sao Đức Phật giải thích rằng chúng ta nên quán tưởng trên Nghiệp Sở Hữu Trí mỗi ngày: 

“Ta là chủ nhân của nghiệp (kamma-ssakomhi), là kẻ thừa tự của nghiệp (kamma-dāyāko), nghiệp là thai tạng (kamma-yoni, do nghiệp sanh), nghiệp là quyến thuộc (kamma-bandhu), nghiệp là điểm tựa (kamma-paIisarauo). Phàm nghiệp nào ta làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”

Giới với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp như vậy sẽ mạnh hơn.Tại sao? Bởi vì sự hiện diện của trí tuệ có nghĩa rằng tâm đó là tâm tam nhân (ti-hetuka), có gốc trong vô tham, vô sân và vô si. Tâm đó luôn luôn làm cho một thiện nghiệp mạnh hơn.

Dĩ nhiên, mạnh nhất vẫn là giới hợp trí của một người đã đạt đến Thánh Đạo Trí (Ariya-Magga-Đāua) và Thánh Quả Trí (Ariya-Phala-Đāua), tức một vị Thánh Đệ Tử. Sự sanh khởi của Đạo Trí là sự sanh khởi của Bát Thánh Đạo (Ariya AIIh-Augika Magga):

  1. Chánh Kiến
  2. Chánh Tư Duy
  3. Chánh Ngữ
  4. Chánh Nghiệp
  5. Chánh Mạng
  6. Chánh Tinh Tấn
  7. Chánh Niệm
  8. Chánh Định

Với sự sanh khởi của tám Thánh Đạo này, ba chi phần của giới: (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng) sẽ đoạn trừ hoàn toàn tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng. Người đã đoạn trừ tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng sẽ không thể còn cố ý sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu bia nữa…Và trên hết, Chánh Kiến sẽ đoạn trừ tà kiến.[129] Đắc được Đạo Trí này cũng có nghĩa là người ấy đã đạt đến Nhân Duyên Phân Biệt Trí (Paccaya-Pariggaha-Đāua). Với trí đó, người ấy sẽ phân biệt (quán) được các kiếp sống quá khứ và tương lai, và cũng sẽ biết và thấy được những vận hành của nghiệp, nghĩa là thấy được một nghiệp nào đó chín mùi sau khi chết, tạo ra thức tái sanh và các uẩn mới như thế nào. Sau khi đã biết và thấy những vận hành của nghiệp theo cách này người ấy không thể còn chấp giữ vào bất cứ tà kiến nào được nữa.[130] Và với sự sanh khởi của Nhập Lưu Thánh Đạo Trí, giới của người ấy không những có đủ tam nhân, mà người ấy chắc chắn không bao giờ còn tái sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, hay súc sanh giới nữa. Với sự sanh khởi của Bất Lai Thánh Đạo Trí, người ấy chắc chắn không bao giờ còn tái sanh trong cõi dục trở lại. Và với sự sanh khởi của A-la- hán Thánh Đạo Trí, người ấy chắc chắn không còn phải tái sanh trở lại bằng bất cứ cách nào và ở bất cứ nơi đâu.

Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra, một yếu tố quan trọng thêm nữa trong giới của một người là tình trạng hạ liệt (omaka) hay cao thượng (ukkaIIha)khi người ấy giữ giới.

GIỚI HẠ LIỆT

Cái gì làm cho giới của một người thành hạ liệt? Nếu, trước hoặc sau tâm tiết chế, tâm người ấy phối hợp với các pháp bất thiện, đó là giới hạ liệt. Như đã giải thích ở trên, khi giới của một người không kết hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp, có thể sự tiết chế (tránh không làm điều ác) của họ luôn luôn mang tính chọn lựa hoặc tuỳ hứng. Tại sao? Bởi vì liền trước hoặc sau sự tiết chế, thường sẽ là những tâm căn tham. Đi xa hơn nữa, đó có thể là sự không tiết chế, vì tâm ấy là tâm căn tham, hoặc tâm căn sân. Chẳng hạn, người ta có thể tránh giết một con bướm, vì họ nghĩ nó đẹp: nghĩ con bướm đẹp là tâm căn tham. Trái lại, người ta có thể cố gắng giết những con muỗi hay gián vì nghĩ chúng có hại, đó là những tâm căn sân. Như vậy, sự tiết chế của họ bị xen lẫn bởi tham, sân và si. Một người có thể tránh ăn cắp của người trong gia đình mình, người cư ngụ trong làng của mình, hay người trong xứ của mình: tâm tránh ăn cắp đó là tâm lừa đảo, thuộc căn tham. Nhưng một người có thể vui vẻ ăn cắp của người trong gia đình khác, làng khác, hay xứ sở khác: đó là tham, sân và si. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả những ví dụ chúng tôi đưa ra để làm rõ việc giữ giới mang tính chọn lựa hay tuỳ hứng. Thường thường, những tâm đó là những tâm không phối hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp. Nhưng đôi khi nó cũng có thể phối hợp với trí ấy. Chẳng hạn, một người có thể nghĩ: ‘Để sau, để sau đi! Hiện giờ tôi còn phải chăm lo cho gia đình, chăm lo cho tài sản của tôi. Khi lớn tuổi hơn, tôi có thể tu tập giới tốt hơn.’ Hay: ‘Khi tôi đi dự khoá thiền, hay sống trong một ngôi chùa, tôi có thể tu tập giới đúng đắn hơn.’ Giới tùy tiện như vậy bị đan xen bởi những tâm căn tham và căn sân, khiến cho nó trở thành hạ liệt.

Cũng có sự thọ giới mang tính hạ liệt. Chẳng hạn, một người có thể thọ giới một cách miễn cưỡng. Do một quan niệm nào đó, người ta có thể nghĩ thọ giới là chuyện lỗi thời, cổ hủ và do đó không thọ; do kiêu mạn, một người có thể không thích đọc nghi thức xin giới nơi một vị Tỳ kheo; hay do một quan niệm nào đó người ta có thể không thích phải học những nghi thức bằng tiếng PāSi. Nhưng một người có thể do bạn bè hay gia đình thúc giục đi thọ giới, và người ấy cảm thấy xấu hổ không muốn để cho mọi người biết rằng mình không muốn giữ giới. Vì thế, miễn cưỡng người ấy đi đến một vị Tỳ kheo, miễn cưỡng người ấy học nghi thức thọ giới bằng PāSi, và miễn cưỡng người ấy thọ giới. Như vậy, việc thọ giới của người ấy bị đan xen bởi những tâm bất thiện phối hợp với tà kiến (căn tham),và với sự chán ngán, bất mãn (căn sân). Sau đó, người ấy nhớ lại và tự nhắc nhở mình rằng mình là một người đã thọ giới, dù bất mãn nhưng người này vẫn tiếp tục giữ giới.

Cũng vậy, trong một ngày người ta sẽ gặp rất nhiều cơ hội để phạm giới. Chẳng hạn, một con muỗi bay đến, và đậu trên cánh tay bạn. Khi bạn tránh giết nó một cách có ý thức, các tâm thiện phát sanh, nhưng bạn cũng có thể làm điều đó một cách miễn cưỡng, vì thực lòng bạn vẫn muốn giết con muỗi. Ví dụ khác là một người miễn cưỡng thọ trì bát quan trai giới trong một ngày: cả ngày hôm đó anh ta hay cô ta chán nản và không vui, mong muốn cho mau hết ngày. Như vậy, anh ta hay cô ta đã tu tập giới một cách miễn cưỡng, nôn nóng, và không hoan hỷ.

Ở đây, một lần nữa chúng tôi dẫn lại ví dụ về đức Bồ Tát196, khi ngài còn là một vị đạo sĩ tên Kauhadīpayana, mà trước đây chúng tôi đã đề cập việc ngài công bố sự thực để cứu mạng đứa bé bị rắn độc cắn. Lời công bố sự thực của ngài cho thấy rằng chỉ tuần lễ đầu làm đạo sĩ ngài sống đời phạm hạnh một cách vui vẻ, với ước nguyện tạo phước (puđđ-atthiko). Sau đó, ngài sống đời phạm hạnh, và thực hành jhāna (thiền định) một cách miễn cưỡng, không có niềm tin. Điều đó có nghĩa rằng ngài đã thực hành thiện giới và định với sự bất mãn: vì vậy cả hai căn bản cho việc tác phước này trở thành hạ liệt, hơn năm mươi năm.

Thiện giới là hạ liệt khi một người giữ giới vì mong muốn được nổi tiếng, vì mong muốn được lợi lạc vật chất, hay vì muốn được tái sanh an vui trong tương lai. Và cũng là hạ liệt nếu một người trở nên kiêu căng tự phụ với thiện giới của mình, và khinh thường những người không giữ được giới như mình.

Trên đây là những ví dụ cho thấy giới và nghiệp tiết chế của một người có thể bị đan xen bởi vô số những tâm bất thiện có gốc ở tham, sân và si như thế nào. Và điều đó làm cho giới của họ trở thành hạ liệt ra sao. Nếu một người không hiểu những vận hành của nghiệp, thì giới của họ không phối hợp với vô si, và trở thành hạ liệt, nhị nhân (dvi- hetuka): điều đó có nghĩa rằng tâm quả sẽ là vô nhân (ahetuka). Nếu một người hiểu những vận hành của nghiệp, giới của họ cũng được phối hợp với vô si, song ngay cả như vậy sự xen lẫn của vô vàn tâm bất thiện vẫn khiến nó trở thành giới hạ liệt, tam nhân (ti-hetuka): điều đó có nghĩa rằng tâm quả sẽ chỉ là nhị nhân (dvi-hetuka) mà thôi.

GIỚI CAO THƯỢNG

Vậy, cái gì làm cho giới của một người trở thành cao thượng (ukkaIIha)? Nếu, trước hoặc sau những tâm tiết chế, tâm một người phối hợp với các pháp thiện, thì đó là giới cao thượng.

Chẳng hạn, một người có thể tránh giết một con muỗi hay một con gián với niềm vui giống như khi họ tránh giết một con bướm. Tại sao? Bởi vì giới thứ nhất bao hàm tất cả chúng sinh chứ không chỉ những con vật mà chúng ta nghĩ là đẹp thôi. Cũng vậy, một người tránh trộm cắp tài sản của những người thuộc gia đình khác, hay của những người thuộc làng khác, hay của những người thuộc xứ sở khác, với niềm hoan hỷ như khi họ tránh lấy tài sản của những người trong gia đình mình, làng xóm mình, hay xứ sở mình. Theo cách này, giới của một người trở thành cao thượng, bởi vì nó không mang tính chọn lựa hay tuỳ hứng. Thông thường điều này là do giới được phối hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp.

Kế tiếp là thọ giới cao thượng. Một người có thể hoan hỷ đi đến một vị Tỳ kheo và kính cẩn thỉnh cầu được thọ giới theo đúng nghi thức. Với tâm hoan hỷ người ấy nghiêm trang quỳ trước vị Tỳ kheo, chắp tay, và đọc Tam Quy một cách thành kính và hoan hỷ. Sau đó, cũng với tâm hoan hỷ, thành kính và kiên quyết người ấy tuyên bố sự thọ trì từng học giới một của mình. Chẳng hạn, giới thứ nhất:

Pāuātipātā veramaui sikkhā-padan samādiyāmi.

Con xin thọ trì học giới tránh xa sự sát sanh.

Sau khi đã thọ trì các học giới theo cách này, người ấy có được một nội tâm hoan hỷ. Sau đó, nhờ ghi nhớ và luôn tự nhắc nhở mình là người đã thọ giới, người ấy có thể củng cố cho sự thọ giới của mình với niềm hân hoan và kiên định. Trong cuộc sống hàng ngày, người ấy chắc chắn sẽ gặp những cơ hội để phạm giới. Chẳng hạn, một con muỗi bay đến, và đậu trên cánh tay người ấy. Với tâm hoan hỷ, người ấy không giết nó, mà vẫy nhẹ đuổi nó đi một cách có ý thức. Người ấy cũng có thể khởi lên ước muốn nói dối, nhưng với tâm hoan hỷ người ấy không để nó thể hiện ra bằng lời. Như vậy, ghi nhớ và tự nhắc nhở mình những điều nên tránh, nếu được làm thường xuyên có thể phát sanh tâm hoan hỷ. Và việc duy trì thiện giới được xem là cao thượng nhất nếu một người xuất phát từ ước nguyện muốn đạt đến A-la-hán thánh quả mà thực hiện nó với ý nghĩ: ‘Điều này cần phải được làm.’

Trên đây là những ví dụ cho thấy giới của một người có thể được đan xen với vô vàn tâm thiện kết hợp với vô tham, vô sân, và hỷ (pīti) như thế nào. Nếu một người không hiểu những vận hành của nghiệp, đó là ly trí, nó làm cho giới của họ trở thành cao thượng nhưng nhị nhân (dvi-hetuka): và điều này cũng có nghĩa rằng tâm quả sẽ là tâm quả nhị nhân. Nếu một người hiểu biết những vận hành của nghiệp, đó là hợp trí hay vô si, nó làm cho giới của họ trở thành cao thượng, tam nhân (ti-hetuka): và điều này cũng có nghĩa rằng tâm quả sẽ là tâm quả tam nhân.198

Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng bao lâu người ta chưa đạt đến một Thánh Đạo và Thánh Quả nào, Chánh Kiến về Ngiệp Sở Hữu của họ vẫn không chắc chắn. Vì do tham, sân và si, họ có thể không còn giữ Chánh Kiến; thậm chí còn chấp theo tà kiến nữa là khác. Chỉ có Nhập Lưu Thánh Đạo Trí (Sot-Āpatti-Magga-Đāua) mới làm cho Chánh Kiến của một người trở thành chắc chắn, vì lúc đó người ấy đã thấy được những vận hành của nghiệp một cách trực tiếp. Đó là lý do vì sao bậc Thánh Nhập Lưu không thể nào phạm ngũ giới. Như vậy, giới cao thượng nhất ít nhất cũng phải phối hợp với Nhập Lưu Thánh Đaọ Trí.

Điều đó đã kết luận phần giải thích của chúng tôi về phước nghiệp sự thứ hai, đó là giới (sīZa).

TU THIỀN 

Phước nghiệp sự thứ ba là tu thiền (bhāvanā). Có hai loại thiền [131]: thiền chỉ hay thiền định (samatha bhāvanā) và thiền minh sát (vipassanā bhāvanā).

THIỀN ĐỊNH 

Thiền định nhằm mục đích phát triển một sự tập trung mạnh mẽ và đầy năng lực (còn gọi sự nhất tâm [132]) trên một đối tượng: hoặc bằng cận định (upacāra-samādhi) hoặc bằng an chỉ định (appanā-samādhi). An chỉ định cũng còn gọi là bậc thiền (jhāna). Có tám bậc thiền; bốn bậc thiền sắc giới (rūpa-jjhāna), và bốn bậc thiền vô sắc (arupa- jjhāna). Chúng cũng còn được gọi là tám thiền chứng (aIIha-samāpatti). Tám thiền chứng không phải chỉ có độc nhất trong Giáo Pháp của Đức Phật. Ngoài Giáo Pháp của Đức Phật, các vị đạo sĩ và du sĩ ngoại đạo, các vị Bồ Tát hướng đến sự Toàn Giác, và các vị Chuyển Luân Vương, cũng dạy những thiền này. Chẳng hạn, đức Bồ Tát của chúng ta đã học bốn thiền sắc giới và ba bậc thiền vô sắc đầu từ đạo sĩ ĀSāra Kālāma, và sau đó ngài cũng học thiền vô sắc thứ tư từ nơi đạo sĩ Uddaka Rāmaputta. Thiền này được gọi là thiền y cứ luân hồi (vaIIa-pādikā-jhāna), tức thiền để đạt đến một sự tái sanh cao hơn, để được tiếp tục trong vòng tái sanh luân hồi.  Ngoài Giáo Pháp của Đức Phật, cũng có những người dùng thiền của họ để phát triển các năng lực thần thông (abhiđđā): bay trên hư không, đi trên mặt nước, …Hay để phát triển thiền làm căn bản cho sát (vipassanā-pādaka-jjhāna), tức phát triển thiền để thể nhập vào sự thực cùng tột (chân đế) cho việc thực hành minh sát, đây là nét đặc thù trong Giáo Pháp của một Đức Phật.Tại sao? Bởi vì thiền minh chỉ có duy nhất trong Giáo Pháp của Đức Phật mà thôi. 

Đức Phật đưa ra bốn mươi đề mục cho thiền chỉ:

  • Mười đề mục kasinas: đất, nước, lửa, gió, kasinas xanh, vàng, đỏ, trắng, kasina ánh sáng, và kasina hư không.
  • Mười đề mục bất tịnh (asubha): đó là mười loại tử thi, như tử thi trương phồng, tử thi xanh đen, tử thi chỉ còn là bộ xương.
  • Mười tuỳ niệm (anussati): chẳng hạn, tuỳ niệm Phật, tuỳ niệm Pháp, tuỳ niệm Tăng, tuỳ niệm sự chết, niệm ba mươi hai thể trược, và niệm hơi thở (ān-āpāna-ssati).
  • Bốn phạm trú (Brahma vihāra): từ (mettā), bi (karuuā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā).
  • Bốn vô sắc (ārūpa): không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ.
  • Một tưởng: tưởng vật thực (bất tịnh).
  • Một xác định: thiền tứ đại.

Với một số trong những đề mục thiền này, người ta chỉ có thể phát triển được cận định. Còn đa số trong đó, chẳng hạn, mười kasiuas và niệm hơi thở,…người ta có thể phát triển được cả cận định lẫn an chỉ định. Cận định rất gần với jhāna (bậc thiền), và an chỉ định chính là jhān.

TỨ THIỀN VÀ NGŨ THIỀN

Đức Phật xếp loại các jhānas (bậc thiền) theo hai cách: thiền bốn bậc hay tứ thiền (catuka-jjhānas), và thiền năm bậc hay ngũ thiền (pađcaka-jjhānas).

Trong các bài kinh (suttas), Đức Phật thường nói về thiền bốn bậc. Chẳng hạn, trong Kinh Đại Niệm Xứ, ngài mô tả Chánh Định (Sammā-Samādhi) như tứ thiền:

  • Sơ thiền (paIIhama jhāna)
  • Nhị thiền (dutiya jhāna)
  • Tam thiền (tatiya jhāna)
  • Tứ thiền (catuttha jhāna)

Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Đức Phật chỉ đề cập đến thiền năm bậc.

Thế nào là sự khác nhau giữa tứ thiền và ngũ thiền? Sự khác nhau nằm ở chỗ các thiền chi (jhān-auga). Sơ thiền có năm thiền chi là:

1) tầm (vitakka), 2) tứ (vicāra), 3) hỷ (pīti), 4) lạc (sukha) và 5) nhất tâm (ek-aggatā).

Để đạt đến nhị thiền, người ta cần phải vượt qua hai thiền chi đầu: tầm và tứ. Theo đó, nhị thiền chỉ có ba thiền chi: hỷ, lạc và nhất tâm. Nhưng một số hành giả không thể một lúc vượt qua cả tầm lẫn tứ. Vì thế, trước tiên họ vượt qua tầm, và lúc đó chỉ có bốn thiền chi: tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Kế tiếp họ vượt qua tứ, và lúc đó chỉ có ba thiền chi: hỷ, lạc và nhất tâm còn lại. Đó là tam thiền của thiền năm bậc: như vậy tam thiền của thiền năm bậc giống như nhị thiền của thiền bốn bậc. Đối với các bậc thiền còn lại thì tuỳ theo. 

Hãy lưu ý rằng trong sơ đồ chúng tôi chỉ đề cập các danh pháp và các pháp quả, và sử dụng cách phân loại thiền năm bậc như trong Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma).

Khi có cận định hay jhāna (bậc thiền), tâm sẽ tràn đầy ánh sáng rực rỡ và chói lọi: đó là những gì Đức Phật gọi là ánh sáng trí tuệ (pađđ-ālola). Ánh sáng chói lọi nhất, rực rỡ nhất, và toả chiếu nhất được thành tựu với tứ thiền (bậc thiền thứ tư).

NHỮNG VẬN HÀNH CỦA THIỀN ĐỊNH

Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng đối với bố thí và giữ giới, tâm một người có thể ly trí hoặc hợp trí (không phối hợp với trí hiểu biết về những vận hành của nghiệp hoặc có phối hợp). Nhưng với thiền định (jhāna), tâm một người luôn luôn phải là hợp trí, nghĩa là luôn luôn phối hợp với trí thể nhập định-tướng (samādhi-nimitta). Trí này được gọi là trí tuệ thiền chỉ (jhāna-pađđā) hay Chánh Kiến Thiền Định (jhāna-Sammā-diIIhi). Tuy nhiên, thiền định của họ vẫn có thể là hạ liệt (omaka) hoặc cao thượng (ukkaIIha) tuỳ theo.

THIỀN ĐỊNH HẠ LIỆT

Cái gì làm cho thiền định của một người trở thành hạ liệt (omaka)? Nếu, trước hoặc sau tâm thiền (jhāna), tâm của một người phối hợp với các pháp bất thiện, thì đó là hạ liệt.

Chẳng hạn, một người có thể tu tập thiền định vì coi đó là phong tục hay truyền thống, hay bởi vì tôn giáo của họ bảo phải làm như vậy. Và một người cũng có thể tu tập thiền định bởi vì họ muốn nổi danh, muốn được mọi người kính trọng, hoặc có thể thiền đã trở thành một thứ thời trang. Thậm chí một người cũng có thể tu tập thiền bởi vì họ sợ bị khiển trách.

Lại nữa, một người có thể tu tập thiền định vì họ muốn đạt đến Bất Tử. Nhưng do họ không có một vị thầy, hoặc có nhưng không phải là một vị thầy có khả năng thích hợp.

Trong trường hợp đó, việc tu tập của họ có thể sai. Chẳng hạn, họ có thể đắc thiền, và nghĩ ánh sáng rực rỡ, chói lọi (ánh sáng của trí tuệ) đã phát sanh đó là Bất Tử. Hoặc họ có thể nghĩ rằng thành tựu được sự tái sanh trong một thế giới cao hơn bằng thiền định là thành tựu Bất Tử. Họ cũng có thể nghĩ rằng nhờ thiền định người ta có thể tìm thấy cái chân ngã bên trong, hay một cái ngã bất tử bên trong.

Lại nữa, một người có thể tu tập thền định bởi vì họ mong muốn có được nền tảng định để thực hành minh sát; bởi vì họ có niềm tin nơi Tam Học mà Đức Phật đã đưa ra, và bởi vì họ muốn chấm dứt khổ: thiền định trong trường hợp này được gọi là thiền định làm căn bản cho minh sát (vipassanā-pādaka-jjhāna). [134] Nhưng họ lại không có thầy, hoặc có nhưng là một vị thầy không có khả năng thích hợp. Vì thế, họ có thể nhận được những hướng dẫn sai lạc. Chẳng hạn, họ có thể nghĩ đã hành thiền thì không cần thiết phải tu giới. Hay nghĩ một người có thể đắc thiền bằng cách quan sát hơi thở đi khắp toàn thân. [135] Hoặc một người có thể tin rằng, cho dù không có tợ tướng (paIibhāga-nimitta) người ta vẫn đắc thiền (jhāna). Hoặc một người có thể có sự hiểu biết đúng về pháp hành thền định, nhưng họ lại tu tập không có hệ thống, không kiên nhẫn và không có tâm kính trọng đối với đề mục thiền của mình (Khi chúng ta hành thiền, chúng ta phải có tâm kính trọng đối với đề mục thiền như đối với vị thiền sư vậy.) Hoài nghi luôn luôn có thể phát sanh: ‘Thiền này có thực sự cần thiết không?’ hay ‘Chắc ta không thể nào thành công đâu! Vì ta không có đủ Ba-la- mật!’ Người ta thường rất dễ bị nhàm chán và xao lãng việc hành thiền, dễ tìm được những lời bào chữa cho việc không hành thiền của mình, có thể là do thân cận những bạn bè xấu, những người không có tín, tấn, niệm, định, và tuệ. Vì thế nếu họ có ngồi xuống hành thiền, họ cũng ngồi một cách miễn cưỡng. Cuối cùng, họ có thể đầu hàng.

Lại nữa, một người có thể chuyên cần thực hành, nhưng đôi khi họ không thấy và biết đề mục thiền của mình một cách đúng đắn, do một trong những triền cái đã phát sanh: trong trường hợp đó các tâm hợp trí bị xen lẫn với các tâm ly trí. Và thậm chí nếu một người có thành công trong việc đắc thiền, các tâm bất thiện vẫn có thể khởi lên, chẳng hạn như ngã mạn. Và họ khinh thường những người chưa đắc thiền. Họ có thể đi đây đi đó khoe khoang về sở đắc của mình, nói về những gì mình thành tựu để gây ấn tượng với người khác.

Trên đây là những ví dụ cho thấy thiền định của một người có thể bị xen lẫn bởi vô số những tâm bất thiện có gốc ở tham, sân, và si (ly tà hay hợp với tà kiến) như thế nào. Chính nó làm cho thiền định của họ trở thành hạ liệt, nhị nhân: và điều này cũng có nghĩa rằng tâm quả sẽ là vô nhân (ahetuka). Tuy nhiên, nếu một người hiểu rõ đề mục thiền của mình, thì đó là tâm hợp trí, nhưng ngay cả như vậy sự xen lẫn của vô số tâm bất thiện vẫn làm cho thiền định của họ hạ liệt, tam nhân (ti-hetuka): điều này hàm ý rằng tâm quả sẽ chỉ là tâm quả nhị nhân (dvi-hetuka).

 

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app