VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP 

THỨ TỰ CỦA QUẢ

Nghiệp bốn loại thứ hai chúng ta sẽ bàn luận được phân theo thứ tự nghiệp nào sẽ cho quả trước.

1] Trọng nghiệp (garuka-kamma)

2] Thường nghiệp (āciuua-kamma)

3] Cận tử nghiệp (āsanna-kamma)

4] Tác thành nghiệp hay Tích Luỹ Nghiệp (katattā- kamma)

Sở dĩ gọi là trọng nghiệp là vì nó chín mùi trước tiên trong số bốn nghiệp ấy. Khi không có trọng nghiệp thì một thường nghiệp hay cận tử nghiệp sẽ chín mùi, tuỳ thuộc vào nghiệp nào mạnh hơn vào lúc chết. Khi hai nghiệp này không có, một tác thành nghiệp từ kiếp đó hay một kiếp trước nào đó sẽ chín mùi.

TRỌNG NGHIỆP 

Khi trọng nghiệp là bất thiện, nó là một nghiệp rất vụng và đáng khiển trách; khi trọng nghiệp là thiện, nó là một nghiệp rất thiện xảo và cao thượng. Khi chỉ có một trọng nghiệp, nó sẽ luôn luôn là sanh báo nghiệp có sức mạnh to lớn. Trọng nghiệp này chắc chắn sẽ tạo ra một quả có sức mạnh tương xứng trong hình thức của một sự tái sanh rất bất hạnh hoặc rất hạnh phúc trong kiếp kế. Quả của trọng nghiệp là không thể tránh được. Và khi có một vài trọng nghiệp thì trọng nghiệp (thiện hay bất thiện) mạnh nhất sẽ làm việc như sanh báo nghiệp, còn các trọng nghiệp khác sẽ trở thành hậu báo nghiệp.

TRỌNG NGHIỆP BẤT THIỆN

 Trọng nghiệp bất thiện có sáu:

  1. Đoạt mạng sống của mẹ (mātaran jīvitā voropeti)
  2. Đoạt mạng sống của cha (pitaran jīvitā voropeti)
  3. Đoạt mạng sống của một bậc Thánh A-la-hán (Arahantan jīvitā voropeti).
  4. Với ác ý làm chảy máu một Đức Như Lai (duIIhena cittena Tathāgatassa lohitan uppādeti)
  5. Phá hoà hợp Tăng (Saughan bhindati)
  6. Chấp giữ khăng khăng một tà kiến (niyata-micchā diIIhi): đó là, vào lúc chết vẫn chấp giữ tà kiến phủ nhận những vận hành của nghiệp.

Nếu trong kiếp sống, một người đã hoàn thành chỉ một trong sáu nghiệp này, nghiệp đó sẽ luôn luôn là sanh báo nghiệp (nghiệp cho quả trong kiếp kế). Và quả của nó chắc chắn sẽ là tái sanh trong địa ngục. Nó không thể bị bất cứ một nghiệp nào khác xen vào.412Đó là lý do vì sao những nghiệp này cũng được gọi là vô gián nghiệp (ān- antariya kamma). Năm loại đầu có hiệu lực như những trọng nghiệp ngay khi một người hoàn tất nghiệp với tư (cetanā) bất thiện. Nhưng loại thứ sáu (chấp giữ khăng khăng một tà kiến) có hiệu lực như trọng nghiệp chỉ khi một người chấp giữ tà kiến ấy cho đến lúc chết (maraua-kāla), có nghĩa là cho tới tiến trình tâm cuối cùng trước khi tử tâm sanh.

Tuy nhiên, không phải tất cả tà kiến đều đưa đến tái sanh trong địa ngục. Chẳng hạn, một người có thể chấp giữ quan niệm cho rằng bản ngã là thường hằng, và chấp rằng tuỳ theo cách ăn ở mà một người sẽ tái sanh trong cõi tốt hay xấu. Quan niệm cho rằng bản ngã thường hằng là một thường kiến (một loại tà kiến). Nhưng quan niệm cho rằng nghiệp bất thiện dẫn đến một sanh thú bất hạnh, và nghiệp thiện đưa đến một sanh thú an vui, là một tác nghiệp luận (kiriya-vādī: một luận thuyết tin có nghiệp): nó không phủ nhận những vận hành của nghiệp. Đây là lý do vì sao, nếu một người hoàn thành thiện nghiệp với quan niệm như vậy, họ có thể được tái sanh nhân giới, hoặc thiên giới, hoặc Phạm thiên giới.

Chỉ một loại tà kiến có thể đưa đến tái sanh địa ngục là khăng khăng chấp giữ tà kiến phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp bằng cách này hay cách khác: hoặc là đoạn kiến hoặc là thường kiến.

BA QUAN KIẾN PHỦ NHẬN NHỮNG VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

Có ba loại quan niệm phủ nhận những vận hành của nghiệp và quả của nghiệp:

  1. Phi tác nghiệp kiến (akiriya-diIIhi còn dịch Vô Hành Kiến): quan kiến phủ nhận những vận hành của thiện nghiệp và bất thiện nghiệp.
  2. Vô nhân kiến (ahetuka-diIIhi): quan kiến phủ nhận nhân của quả.
  3. Phi hữu kiến (n-atthika-diIIhi): quan kiến phủ nhận quả của nhân.

PHI TÁC NGHIỆP KIẾN

 Phi tác nghiệp kiến là quan kiến phủ nhận những vận hành của những hành động thiện và bất thiện, điều này cũng có nghĩa là phủ nhận những thiện nghiệp (kusala kamma) và bất thiện nghiệp (akusala kamma). Trong thời Đức Phật, kiến chấp này được Pūrana Kassapa dạy. [199] Đức Phật đã giải thích thân kiến làm phát sinh ra tà kiến này như thế nào:

Này các Tỳ-kheo, khi có [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, và do chấp thủ [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, do bám chặt vào [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, quan kiến này [phi tác nghiệp kiến] khởi lên:

“Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. ‘Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, mà gây ra tội ác.

‘Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy mà có tội ác.

‘Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy mà có phước báo. Bố thí, điều phục, cấm giới, tự chế, tôn trọng sự thật, không có phước đức, không đưa đến phước đức” Tà kiến này phủ nhận hiệu quả của những hành động

thiện và bất thiện, cũng là phủ nhận hiệu quả của nghiệp (kamma): Đức Phật gọi nó là akiriya-diIIhi hay phi tác nghiệp kiến. Kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến vô nhân kiến. 

VÔ NHÂN KIẾN

 Vô nhân kiến (ahetuka-diIIhi) chủ trương rằng mọi việc đều do số phận, hay do hoàn cảnh, do tự nhiên, quyết định, như vậy nó phủ nhận mọi sự kiện đều có nhân hay có duyên.Thời Đức Phật, thuyết này do Makkhali Gosāla dạy.[199]

Ở đây cũng vậy, Đức Phật giải thích thân kiến làm nảy sanh tà kiến (vô nhân kiến) này như thế nào:

Này các Tỳ-kheo, khi có [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, và do chấp thủ [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, do bám chặt vào [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, quan kiến này [vô nhân kiến] phát sanh:

Không có nhân, không có duyên cho sự ô nhiễm của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô.

Không có nhân, không có duyên, cho sự thanh tịnh của các loài hữu tình; không có nhân, không có duyên các loài hữu tình được thanh tịnh.[200]

Không có lực, không có tinh tấn, không có sức mạnh của con người, không có sự cố gắng của con người. Tất cả chúng sanh, tất cả các loài có hơi thở, tất cả sinh vật, tất cả hữu tình đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Họ bị uốn nắn, chi phối bởi định mệnh, bởi hoàn cảnh, bởi tự nhiên. Họ hưởng thọ khổ, lạc, theo sáu loại” 

Sáu loại lạc và khổ Makkhali Gosāla dạy ở đây là một hệ thống sáu loại thanh tịnh mà ông ta nói rằng cũng không có nhân có duyên gì cả.

Tà kiến này phủ nhận các sự kiện do nhân và duyên (sanh), điều này cũng được xem là phủ nhận có các nhân như nghiệp, chẳng hạn.419 Đức Phật gọi nó là Vô Nhân Kiến (ahetuka-diIIhi). Kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến phi hữu kiến.

PHI HỮU KIẾN

Phi hữu kiến (natthika-diIIhi) chủ trương rằng chỉ sắc là có sự hiện hữu thực sự, và phủ nhận mọi hành động (nghiệp) chẳng có quả nào cả. Vì lý do đó nó cũng phủ nhận rằng có tái sanh, rằng có những cõi sống khác, và phủ nhận rằng không có những bậc đạo sư như Đức Phật là bậc biết và thấy những pháp này. Thời Đức Phật, quan kiến này được Ajita Kesakambali giảng dạy.

Ở đây cũng vậy, Đức Phật giải thích thân kiến đã làm phát sinh tà kiến này như thế nào:

Này các Tỳ-kheo, khi có [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, và do chấp thủ [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, do bám chặt vào [sắc…thọ…tưởng…hành], thức, quan kiến này [phi hữu kiến] phát sanh:

“Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có các loài hóa sanh. Ở đời, không có những vị Sa-môn chánh hạnh, chánh hướng, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này và đời khác, và truyền dạy lại.

Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về hợp lại với địa giới; thủy đại trở về hợp lại với thủy giới; hỏa đại trở về hợp lại với hỏa giới; phong đại trở về hợp lại với phong giới; các căn nhập vào hư không. Với quan tài là thứ năm người ta gánh người chết mang đi. Thân này được biết là thân cho đến nghĩa địa (là cùng), các mảnh xương được làm cho trắng và những vật cúng dường trở thành tro bụi. Chỉ có người ngu mới tán dương bố thí.

Khi một người chủ trương hữu luận (giáo lý về sự hiện hữu – đó là tin có bố thí, cúng dường, tin có quả của hành động tốt và xấu,…) lời nói của họ trống không, giả dối. Kẻ ngu cũng như người hiền, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chết.

Tà kiến này Đức Phật gọi là phi hữu kiến (n-atthika- diIIhi). Thực chất đó là một loại đoạn kiến (uccheda-diIIhi), và cũng đồng như duy vật kiến.421Nó còn được gọi là Hư vô Luận (n-atthi vāda), và là đối nghịch của hữu-luận (atthi-vāda), Chánh Kiến (Sammā-diIIhi) căn bản. 

CỰC TRỌNG NGHIỆP BẤT THIỆN

Chấp giữ những tà kiến như vậy vào lúc chết được xem là cực trọng trong số sáu trọng nghiệp bất thiện, và nó đưa đến khổ đau trong địa ngục rất nhiều địa kiếp. Bao lâu tiềm lực của nghiệp đó vẫn còn vận hành, người ta sẽ không thể thoát khỏi địa ngục ấy ngay cả vào lúc thế gian huỷ hoại (kiếp hoại của quả đất). Lúc bấy giờ, (như đã đề cập trong ‘Kinh Dây Trói Buộc’) tất cả những chúng sanh trong địa ngục sẽ được tái sanh trong cõi nhân loại hoặc cõi chư thiên, và ở đó họ tu tập thiền định để được tái sanh trong cõi Phạm Thiên. Nhưng, các chúng sanh trong địa ngục do chấp giữ những tà kiến này thì lại tái sanh vào một trong các cõi khổ nằm ở những khe hở giữa các hệ thống thế gian khác không bị huỷ diệt.

Tuy nhiên, nếu trước khi chết họ từ bỏ tà kiến đó, nó sẽ không trở thành một cực trọng nghiệp bất thiện nữa.[206] Một ví dụ của trường hợp này là Dīghanakha (Trường Trảo), cháu của Tôn-giả Xá-lợi-phất. Ông là một du sĩ ngoại đạo (paribbājaka), chấp giữ đoạn kiến, nhưng sau khi nói chuyện với Đức Phật, ông đã từ bỏ nó. Đây là một trong những lý do tại sao ông lại có thể trở thành bậc Thánh Nhập Lưu sau khi nghe bài Kinh Trường Trảo (‘Dīghanakha Sutta’)

Tuy nhiên, việc đắc Nhập Lưu là bất khả nếu một người đã tạo tác (hoàn thành) một trong năm trọng nghiệp đầu (giết mẹ, giết cha, giết một bậc Thánh A-la-hán, với ác ý làm cho Đức Phật chảy máu, phá hoà hợp Tăng). Những nghiệp này tạo ra một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc đắc các loại thiền và bất kỳ chứng đắc siêu thế nào. Một ví dụ về trường hợp này là đức Vua A-xà-thế,

câu chuyện của ông chúng ta đã đề cập ở trước. Cha ông là đức Vua Tần-bà-sa-la, một bậc Thánh Nhập-lưu, và đại hộ pháp của Đức Phật và chư Tăng. Để chiếm đoạt vương quyền, vua A-xà-thế đã giết chết cha của mình. Một quả báo hiện tại là hằng đêm ông không thể nào ngủ được. Rồi một đêm kia, ông đến gặp Đức Phật, và Đức Phật đã thuyết cho ông nghe một bài pháp lớn, đó là ‘Kinh Sa-Môn Quả’ (‘Sāmađđa-Phala Sutta’). Mặc dù đức Vua có đủ những điều kiện thoả đáng (Ba-la-mật) để đắc Nhập Lưu giống như cha của mình, nhưng do ông đã giết cha, nên (việc chứng đắc) đã bị cản trở, và ông vẫn là một kẻ phàm phu (puthu- jjana). Đức Phật đã giải thích sự việc này cho các vị Tỳ kheo như sau:

Này các Tỷ-kheo, đã bứng gốc, là vị vua ấy, này các Tỷ-kheo, đã phá huỷ, là vị vua ấy. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha (một con người chánh trực, một vị vua rất chân chánh), thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được Pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế.

Do thiện nghiệp lắng nghe những lời dạy của Đức Phật một cách trân trọng, vua vẫn có được lợi ích rất lớn, đó là có được đức tin tối thượng nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Chúng Tăng mà một phàm nhân có thể đạt được. Đức tin ấy mãnh liệt đến nỗi về sau vua có thể ngủ ngon giấc, chứ không còn mất ngủ như trước. Và Đức Phật thấy được rằng thời gian ấn định trong địa ngục của vua đã giảm từ nhiều trăm ngàn năm xuống chỉ còn sáu mươi ngàn năm.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app