VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

BỨC TRANH CỦA ĐỨC PHẬT ĐỘC GIÁC MAHĀPADUMA

Kế tiếp, chúng ta có bức tranh do Mahāpaduma, Đức Phật Độc Giác tương lai, vẽ.

Trong Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa,780ngài là một vị Tỳ-kheo. Lúc đó ngài đã phát triển được các ba-la-mật để trở thành một Đức Phật Độc Giác hơn hai a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trước. Và khi là một Tỳ-kheo trong Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa, ngài còn phát triển những ba-la-mật ấy trong hơn hai mươi ngàn năm nữa.

Một trong những thiện nghiệp của ngài đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, để tạo ra tái sanh làm con trai của một viên trưởng khố trong kinh thành Bārāṇasi. Lớn lên ngài cũng nối nghiệp cha làm trưởng khố, và trong kiếp đó ngài phạm vào tội tà dâm. Vào lúc chết, một ‘nghiệp tà dâm’ đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, để tạo ra tái sanh trong địa ngục. Và cuối cùng khi thoát khỏi địa ngục, một hậu báo nghiệp thiện đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, để tạo ra tái sanh, và lúc này như con gái của một viên trưởng khố. Trong khi cô còn nằm trong bào thai của người mẹ, một nghiệp tà dâm đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp bất thiện, vì thế cô và mẹ cô phải chịu những cảm thọ nóng bức như thiêu như đốt. Cô luôn luôn nhớ đến những thống khổ này. Lại nữa, cho dù thiện nghiệp tạo cho cô một dáng vẻ xinh đẹp, song nó lại bị nghiệp tà dâm làm cho vô hiệu vì thế mà cô gặp phải rất nhiều sự căm ghét, ngay cả từ chính cha mẹ cô. Rồi sau đó, khi cô đi lấy chồng, nghiệp tà dâm lại làm nhiệm vụ như chướng nghiệp, vì thế mặc dù cô xinh đẹp, thông minh, và kiên nhẫn, chồng cô cũng ghét bỏ và không quan tâm chăm sóc gì đến cô.

Quý vị hãy luôn luôn ghi nhớ câu chuyện này, vì những khổ đau mà cô gặp phản ánh chính xác nỗi khổ của những người từng là nạn nhân của tội tà dâm.

Do sự căm ghét của người chồng đối với cô, một hôm người chồng đi dự hội chợ với một người phụ nữ khác. Thấy vậy, cô khóc lóc và nói với anh ta: ‘cho dù một người phụ nữ có là con gái của vua chuyển luân vương, cô ta vẫn phải sống vì hạnh phúc của chồng. Thế tại sao chàng lại làm tan nát cõi lòng thiếp. Nếu chàng không muốn chăm sóc thiếp, hãy cho thiếp trở về với cha mẹ của thiếp. Còn nếu chàng thực lòng thương yêu thiếp, hãy quan tâm săn sóc thiếp. Chàng không nên cư xử như vậy.’ Và cô đã van xin người chồng đưa cô đi hội chợ, và lần này người chồng bảo cô hãy sửa soạn. Cô nghe lời chồng sửa soạn, nhưng đúng vào ngày lễ hội, cô nghe người ta nói rằng chồng cô đã đi trước rồi. Vì thế cô cùng với các tỳ nữ vội đuổi theo anh ta, mang theo những món ăn mà cô đã sửa soạn. Trên đường đi, cô gặp một vị Phật Độc Giác vừa xuất khỏi diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti).

Cô xuống xe, xin lấy bát của ngài, bỏ đầy thức ăn vào đó và dâng cúng nó đến cho ngài. Khi cúng dường của cô đã được Đức Phật Độc Giác thọ nhận, cô cầm lấy một bó hoa sen, và vẽ ra một bức tranh bằng cách nguyện năm điều:

‘Bạch Ngài,

  • mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, nguyện cho con được tái sanh trong một đoá hoa sen!
  • mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, nguyện cho con có màu da như hoa sen!
  • mỗi kiếp con sanh ra trong tương lai, nguyện cho con được trở thành một nam nhân!
  • Nguyện cho mọi người ai thấy con đều yêu mến con như yêu mến đoá sen này!
  • Nguyện cho con tuệ tri được Pháp mà ngài đã tuệ tri!’

Tại sao cô lại nguyện năm điều này? Sở dĩ, cô muốn được tái sanh trong hoa sen bởi vì cô đã nếm trải quá nhiều đau khổ trong bào thai của mẹ mình. Cô muốn có màu da như hoa sen, bởi vì cô rất thích màu của hoa sen. Cuộc sống làm người nữ đã khiến cho cô bị nhiều sầu khổ, vì thế cô muốn trở thành một người nam. Không người nào thương yêu cô, kể cả cha mẹ, vì thế cô muốn được mọi người yêu mến khi nhìn thấy cô. Cuối cùng, cô đã tu tập ba-la-mật đủ để trở thành một vị Phật Độc Giác, vì thế cô có một ước muốn mãnh liệt trở thành Phật Độc Giác. Theo cách này, cô đã vẽ ra bức tranh của một người đàn ông hoàn hảo trong mọi đường nét của nó trên khung vải của vòng luân hồi (saṁsāra).

Thiện nghiệp cúng dường của cô đã làm nhiệm vụ như sanh báo nghiệp (diṭṭhadhamma vedanīya kamma) cắt đứt chướng nghiệp tà dâm, và tạo ra quả riêng của nó. Chồng cô, thình lình nhớ đến cô, cho người đi đón cô về, và từ đó trở đi, không chỉ anh ta mà mọi người khác đều tỏ ra yêu mến cô nhiều hơn.

Thiện nghiệp cúng dường của cô còn làm nhiệm vụ như sanh báo nghiệp (upapajja-vedanīya-kamma) để cho cô được tái sanh làm một thiên nam trong đoá hoa sen trên thiên giới. Lúc này ngài được gọi là Mahāpaduma. Mahāpaduma tái sanh đi tái sanh lại trong thế giới chư thiên nhiều lần, có khi như một vị chư thiên thọ sanh cao quý, có khi như một vị chư thiên thọ sanh thấp hèn. Trong lần thọ sanh cuối cùng, theo đề nghị của vua trời Đế Thích (Sakka), ngài sanh trong một đoá sen ở một hồ nước trong hoa viên của đức vua Bārāṇasī. Hoàng hậu của vua không có con. Một hôm nhìn thấy đoá sen trong hồ bà liền ngắt lấy và phát hiện đứa bé nằm trong đó như thể đang nằm trong một chiếc hộp đựng đồ nữ trang. Bà nhận đứa bé làm con, và nuôi dưỡng nó trong cuộc sống cực kỳ xa hoa. Mọi người nhìn thấy ngài đều hết lòng yêu mến. Đức vua truyền lệnh rằng bất kỳ cung nữ nào có thể làm cho Hoàng tử Mahāpaduma ăn sẽ được lãnh một ngàn đồng tiền vàng. Vì lý do đó, có rất nhiều buổi tiệc chiêu đãi trong cung điện, hai mươi ngàn cung nữ luôn túc trực tiếp đãi hoàng tử. Sự thọ sanh của Hoàng tử Mahāpaduma trong gia đình hoàng tộc cũng là một trong những thiện nghiệp ‘cúng dường đến Đức Phật Độc Giác’ của ngài, nghiệp này làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, còn tất cả những hạnh phúc mà ngài thọ hưởng là những nghiệp có tính đồng nhất đã làm nhiệm vụ như trì nghiệp.

Khi hoàng tử sắp tròn mười ba tuổi, ngài trở nên nhàm chán tất cả những cuộc chiêu đãi, do những ba-la-mật quá khứ mong muốn chứng đắc Phật Quả Độc Giác của ngài giờ đây đã chín mùi, sẵn sàng tạo ra quả của chúng.

Một hôm, trong khi đang chơi đùa ngoài cổng thành, cậu nhìn thấy Đức Phật Độc Giác. Cậu cảnh báo ngài không nên đi vào cung điện vì bất kỳ ai vào đó đều bị ép phải ăn uống. Đức Phật Độc Giác liền quay lui. Sau đó, cậu cảm thấy hối hận, vì đã phạm tội (nói dối) với Đức Phật. Vì thế cậu cưỡi voi đến chỗ của Đức Phật Độc Giác để xin sám hối. Khi gần tới nơi, cậu xuống voi và đi bộ vào. Gần đến cốc của Đức Phật Độc Giác, cậu giải tán đám tuỳ tùng và đi vào một mình. Thấy cốc của Đức Phật Độc Giác trống không. Cậu liền ngồi xuống, phát triển minh sát, và trở thành một vị Phật Độc Giác. Các lậu hoặc đã đoạn tận. Tâm giải thoát bất động đã được thành tựu. Những vận hành của nghiệp là thế. Và đó là lý do tại sao Đức Phật lập lại trong bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai:

Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông cần phải luôn luôn quán xét tâm của mình như sau:

‘Trong một thời gian dài tâm này đã bị tham, sân, si làm cho ô nhiễm.’

Do phiền não của tâm, này các Tỳ-kheo, các chúng sanh bị ô nhiễm; do sự thanh tịnh của tâm, các chúng sanh được thanh tịnh.’

BỨC TRANH CỦA CÔNG CHÚA SUMANĀ

Kế tiếp chúng ta có bức tranh do Công chúa Sumanā vẽ. Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Vipassī, nàng có lần sanh vào một gia đình rất giàu có. Và, sau khi người cha qua đời, dân chúng được phép của đức vua tiếp đãi Đức Phật và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo của ngài. Người đầu tiên được vinh dự (tiếp đãi Đức Phật) này là viên tướng (senāpati), và cũng vì lý do đó mà mẹ của Sumanā không vui. Vì thế, Sumanā đã hứa với mẹ rằng gia đình nàng vẫn sẽ là những người đầu tiên được tiếp đãi Đức Phật và Chúng Tăng.

Sumanā bỏ đầy món cơm sữa thơm ngon vào một cái tô bằng vàng, và đậy lại bằng một cái tô bằng vàng khác. Sau đó cô khéo léo cột những xâu hoa lài quanh cả hai tô, và đi đến nhà viên tướng cùng với nhóm tỳ nữ.

Trên đường đi, cô bị những người của viên tướng này chặn lại, nhưng cô đã thuyết phục được họ để cho cô đi qua. Khi Đức Phật đến gần, cô nói với ngài rằng cô muốn cúng dường cho ngài một vòng hoa nhài, và tiện tay bỏ luôn cả hai cái tô vào trong bình bát Đức Phật. Đức Phật nhận bát, và đưa nó cho một người thiện nam để mang đến nhà viên tướng. Sumanā lúc đó đã vẽ ra hình ảnh của một người phụ nữ đức hạnh, hoàn hảo trong mọi đường nét của nó trên khung vải của nhân giới và thiên giới. Cô nguyện ba điều:

  • ‘Cầu mong cho mỗi kiếp con sanh ra con không phải lo lắng về sanh kế!’
  • ‘Cầu mong mọi người ai cũng yêu mến con như họ yêu những bông hoa nhài vậy!’
  • ‘Cầu cho tên của con được là Sumanā!’

Khi Đức Phật đến nhà viên tướng, Ngài là người đầu tiên được phục vụ món súp. Nhưng Ngài đậy bát lại, và nói ngài đã nhận món cơm sữa rồi. Khi ấy người thiện nam đem hai cái tô bằng vàng đựng cơm sữa mà Sumanā dâng đến cho Đức Phật và các vị Tỳ-kheo. Món cơm sữa đủ để phục vụ cho Đức Phật và một trăm ngàn vị Tỳ-kheo. Phép lạ này xảy ra do tư thiện mạnh mẽ của Sumanā. Sau khi Đức Phật và Tăng Chúng đã dùng xong món cơm sữa, lúc đó các vị mới ăn bữa chính, do viên tướng cúng dường. Cuối bữa ăn viên tướng hỏi ai là người đã cúng dường cơm sữa. Sau khi nghe mọi người kể lại sự việc, ông mời Sumanā tới nhà và phong cho cô làm chánh thiếp.

Trong mỗi kiếp sống sau đó, cô được đặt tên là Sumanā, và vào ngày sanh của cô, một trận mưa hoa nhài đổ xuống ngập đến đầu gối, tất cả đều do thiện nghiệp quá khứ của cô làm nhiệm vụ như sanh nghiệp và trì nghiệp được cảm thọ quả trong những kiếp sống tiếp theo (hậu báo nghiệp).

Lần sanh cuối cùng của cô, trong Giáo Pháp của Đức Phật Gotama, cô sanh làm công chúa Sumanā, em gái của Vua Pasenadi nước Kosala. Khi trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika) dâng cúng ngôi chùa Kỳ Viên đến Đức Phật và Tăng Chúng, Sumanā lúc đó mới bảy tuổi. Cô tham dự buổi lễ cùng với năm trăm người bạn: họ mang theo bình hoa, hoa và các vật dụng khác để cúng dường cho Đức Phật. Sau bài Pháp thoại của Đức Phật, Sumanā trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sot-Āpanna).

Một dịp nọ, cùng với năm trăm thiếu nữ trong hoàng tộc, trên những cỗ vương xa, cô đi đến gặp Đức Phật, và hỏi ngài về những vận hành của bố thí (dāna).Tôi sẽ giải thích vắn tắt những câu trả lời của Đức Phật này.

Cô hỏi Đức Phật là có sự khác nhau nào giữa hai người đệ tử cùng có đức tin, giữ giới và trí tuệ như nhau, nhưng một người có bố thí và người kia không. Đức Phật giải thích rằng khi tái sanh thiên giới và nhân giới, người có bố thí sẽ thù thắng hơn về thọ mạng, sắc đẹp, sự an vui, vinh dự và sức mạnh. Và nếu họ trở thành Tỳ-kheo, người có bố thí được mời nhận tứ vật dụng nhiều hơn. Nhưng nếu cả hai đều đạt đến A-la-hán Thánh Quả, sẽ không có sự khác nhau nào giữa sự chứng đắc này của họ.

Sumanā muốn trở thành Tỳ-kheo ni, nhưng phải trì hoãn nhiều lần để chăm sóc bà nội. Về sau, khi Sumanā lớn tuổi, bà nội cũng đã qua đời. Sumanā cùng đi với đức Vua Pasenadi đến chùa Kỳ Viên, để xuất gia. Cô mang theo nào thảm, nào mền, để làm quà cho Chư Tăng. Dịp này, Đức Phật dạy Pháp cho cô và Vua Pasenadi, sau thời Pháp cô trở thành một bậc Thánh Bất Lai (An-Āgāmi), và xin được xuất gia. Thấy rằng trí của cô đã chín mùi, Đức Phật đọc lên một bài kệ. Và vào cuối bài kệ đó, Sumanā đắc A-la-hán Thánh Quả.

KẾT LUẬN

Đó là ví dụ cuối cùng của chúng tôi về việc tại sao hoàn thành những thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp cũng giống như một người hoạ sĩ vẽ ra hình ảnh của một người nam hay người nữ trên khung vải. Người hoạ sĩ vụng sẽ tạo ra một hình ảnh xấu xí và không hoàn chỉnh của một người đàn bà hay đàn ông, trong khi người hoạ sĩ khéo tay sẽ tạo ra hình ảnh đẹp đẽ và hoàn hảo của một người đàn bà hay người đàn ông. Tương tự, kẻ vô văn phàm phu tạo tác những nghiệp bất thiện, còn bậc Đa Văn Thánh Đệ Tử (sutavā Ariya Sāvaka) thì tạo tác các thiện nghiệp. Cả hai đều tạo ra hình ảnh của họ trên khung vải của vòng luân hồi, song một người thì vẽ trên khung vải thô của sự tái sanh gian khó trong cõi người, và tái sanh bất hạnh trong cõi súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục…, trong khi người kia vẽ trên khung vải mượt mà của sự tái sanh may mắn trong cõi người, và tái sanh an vui trong các cõi chư thiên. Tất nhiên đó chỉ là nói theo sự thực chế định hay tục đế (sammuti-sacca).

Còn theo sự thực tối hậu hay chân đế (paramattha-sacca), hoặc theo thực tại (yathā-bhūta), thì tất cả cái được tạo ra chỉ là khổ (dukkha), là năm thủ uẩn (pañc-upādāna-kkhandha):

  1. sắc………………(rūpa)
  2. thọ……………(vedanā)
  3. tưởng…………..(saññā)
  4. hành……….(saṇkhāra)
  5. thức…………(viññāṇa)

Đó là những gì Đức Phật giải thích trng kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai:

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, [1] có tạo ra [bất cứ thứ gì], y chỉ tạo ra sắc, có tạo ra [bất cứ thứ gì], y chỉ tạo ra thọ, có tạo ra [bất cứ thứ gì], y chỉ tạo ra tưởng, có tạo ra [bất cứ thứ gì], y chỉ tạo ra các hành, có tạo ra [bất cứ thứ gì], y chỉ tạo ra thức.

Theo sự thực chế định, trong cõi người, năm thủ uẩn này là một người đàn bà, hay một người đàn ông. Và theo sự thực chế định, một người đàn bà hay đàn ông có thể là đẹp hoặc xấu: những bất thiện nghiệp tạo ra một người đàn bà hay đàn ông xấu, trong khi những thiện nghiệp tạo ta một người đàn bà hay đàn ông đẹp. Nhưng dù cho chúng có đẹp hay xấu, có cao thượng hay hạ liệt, trong mọi trường hợp, chúng đều là vô thường, khổ và vô ngã.

Bao lâu tư (cetana) của một người còn tạo ra nghiệp, bao lâu họ vẫn còn tiếp tục chạy quanh vòng luân hồi, chừng đó những bất thiện nghiệp vẫn đưa đến tái sanh và hoạch đắc các uẩn, đó là, khổ; các thiện nghiệp cũng vẫn đưa đến tái sanh, và hoạch đắc các uẩn, cũng chỉ là khổ. Nhưng Đức Phật ở đây đang nói về những nghiệp hiệp thế (lokiya-kamma). Nghiệp này khác với nghiệp siêu thế (lokuttara-kamma). Tại sao? Bởi vì những nghiệp siêu thế dẫn đến sự diệt không còn dư tàn của nghiệp: đó là sự không vận hành của nghiệp. Vì thế bây giờ chúng ta sẽ bàn luận về đề tài ấy. Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta sẽ trở lại bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai. 

SỰ KHÔNG VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

Sau khi bàn xong việc kẻ vô văn phàm phu chỉ có thể tạo ra các uẩn như thế nào, kế tiếp Đức Phật bàn đến những đặc tính của năm uẩn.

SẮC LÀ THƯỜNG HAY VÔ THƯỜNG?

Bây giờ chúng ta hãy nghe Đức Phật nói về sắc (rūpa):

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường (nicca) hay vô thường (anicca)?

  • Vô thường, bạch Thế Tôn. Cái gì vô thường là khổ (dukkha) hay lạc (sukha)?
  • Khổ, bạch Thế Tôn. Vậy cái gì vô thường, khổ, một pháp biến hoại (vipariṇāma-dhamma), có thích hợp chăng để xem cái đó như: ‘Cái này là của tôi (etaṁ mama), cái này là tôi (es-oham-asmi), cái này là tự ngã của tôi (eso me attā)’. 
  • Chắc chắn không, bạch Thế Tôn. 

Đối với bốn uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, và thức) Đức Phật cũng hỏi theo cách tương tự. Và tất nhiên, trong mọi trường hợp, các vị Tỳ-kheo đều xác nhận rằng sẽ là không thích hợp để xem một uẩn nào trong các uẩn ấy như: ‘Cái này là của tôi; cái này là tôi; cái này là tự ngã của tôi.’ Đó gọi là cách kẻ vô văn phàm phu xem năm uẩn.

Thế thì, năm uẩn vô thường, khổ và vô ngã như thế nào?

VÔ THƯỜNG

Đặc tính vô thường (anicca) là sự sanh, diệt và thay đổi của các hành: có rồi không. Như trước chúng ta đã bàn đến, sắc uẩn bao gồm các hạt hạ nguyên tử mà Pāḷi gọi là các tổng hợp sắc (rūpa-kalapas). Nếu chúng ta phát triển được bậc thiền hay cận định, ánh sáng của trí tuệ sẽ phát sanh. Với ánh sáng của trí tuệ ấy, người hành thiền có thể phân biệt các yếu tố của tổng hợp sắc, và thấy rằng ngay khi sanh, chúng liền diệt. Thọ, tưởng, và các hành bao gồm các tâm sở (cetasika): chúng sanh và diệt cùng với thức, thức uẩn (viññāṇa khanddha). Và như đã được đề cập nhiều lần, trong một cái búng tay, rất nhiều ngàn tỷ tâm sanh lên và diệt. Với thiền minh sát đúng đắn, dựa trên bậc thiền hay cận định, người hành thiền có thể thấy sự kiện này một cách trực tiếp với minh sát trí của mình. Đó là họ sẽ trực tiếp thấy năm uẩn thực sự không là gì ngoài trạng thái vô thường như thế nào. Không thể tìm thấy lạc trong cái được xem là vô thường như vậy. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói năm uẩn là khổ (dukkha).

KHỔ

Đặc tính của khổ (dukkha) là sự bức bách liên tục bởi sanh và diệt.792 Những cảm thọ đau đớn của thân là khổ và những cảm thọ đau đớn của tâm là khổ. Nhưng những cảm thọ lạc cũng là khổ, bởi vì chúng là vô thường, nghĩa là chúng sẽ thay đổi: khi chúng thay đổi, sẽ có khổ. Đối với các thọ xả cũng thế. Thọ xả cũng vô thường, và điều này hàm ý rằng chúng sẽ thay đổi. Và theo sự thực chế định, nếu năm uẩn xuất hiện vào lúc tái sanh, thì vô thường xuất hiện như tuổi già, bệnh, [259] và chết. Và ở lần tái sanh kế, nó lại già, bệnh, và chết, v.v…Như vậy, năm uẩn là vô thường, và lúc nào cũng thay đổi: điều này có nghĩa rằng chúng là khổ. Cuối cùng thì, chúng không bao giờ có thể bao gồm lạc. Đó là lý do vì sao Đức Phật nói năm uẩn là gánh nặng (bhāra): Thậm chí ngài còn nói chúng là Ma (Māra).

VÔ NGÃ

Đặc tính của vô ngã (an-natta) là năm uẩn nằm ngoài quyền kiểm soát.[260] Một người không thể quả quyết, chẳng hạn: ‘Tôi muốn năm uẩn như thế này, không như thế nọ!’ Hay, ‘Trong cuộc sống này, Tôi muốn chỉ thấy, nghe, ngửi, nếm, và xúc chạm những vật vừa ý! Vui lòng đừng có đau, đừng có thay đổi, và đừng có già, bệnh và chết!’ Chúng ta không thể kiểm soát được năm uẩn theo cách đó. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nói rằng có một cái ngã? Đó là lý do tại sao Đức Phật hỏi các vị Tỳ-kheo là có thích hợp chăng để xem năm uẩn như: ‘Cái này là của tôi (etaṁ mama); cái này là tôi (es-oham-asmi); cái này là tự ngã của tôi (eso me attā).’ Và các vị Tỳ-kheo đếu nói rằng chắc chắn sẽ là không thích hợp để xem năm uẩn theo cách đó.

CHẤP THỦ NĂM UẨN

Đây chúng ta cần hiểu rằng khi một người hoan hỷ trong năm uẩn, điều đó có nghĩa rằng họ thực sự hoan hỷ trong khổ.[261] Khi một người xem năm uẩn như kết hợp với tự ngã, điều đó có nghĩa rằng họ thực sự xem khổ là tự ngã: họ lấy khổ làm nơi nương tựa. Do lấy khổ làm nơi nương tựa, họ không thể nào hiểu được Khổ Thánh Đế. Nếu một người không hiểu Khổ Thánh Đế, họ không thể nào hiểu được Tập Thánh Đế, hay Diệt Thánh Đế: điều đó có nghĩa rằng họ sẽ không bao giờ thoát khỏi khổ đau. Giống như con chó bị buộc vào cây cột, họ sẽ luôn luôn bị buộc vào năm uẩn. Họ sẽ tiếp tục bị tái sanh đi tái sanh lại nhiều lần để làm mới lại sanh, làm mới lại già, làm mới lại bệnh, làm mới lại chết…Vì thế không khó để hiểu rằng việc xem năm uẩn như phối hợp với một tự ngã là điều không thích hợp.

DO ĐÓ, NÀY CÁC TỲ-KHEO, PHÀM CÓ SẮC GÌ…

Sau khi đã xác định năm uẩn không nên được xem như thế nào, kế tiếp Đức Phật giải thích năm uẩn phải được chân chánh quán sát đúng theo thực tại (yathā-bhūta), với Chánh Trí Tuệ (Sammā-Paññā), đó là, với minh sát trí ra sao.

Do đó, này các Tỳ-kheo, phàm có sắc nào, [1-3] quá khứ, tương lai, hay hiện tại (atit-ānāgata-paccupannaṁ),[4-5] bên trong hay bên ngoài (ajjhattaṁ vā bahiddhā vā), [6-7] thô hay tế (oḷārikaṁ vā sukhumaṁ vā) [8-9] hạ liệt hay cao thượng (hīnaṁ vā paṇitaṁ vā) [10-11] xa hay gần (yaṁ dūre santike vā), tất cả sắc ấy (sabbaṁ rūpaṁ), phải được xem đúng theo thực tại và với Chánh Trí Tuệ như: ‘Cái này không phải là của tôi (n-etaṁ mama), cái này không phải là tôi (n-eso-ham-asmi), cái này không phải tự ngã của tôi (na meso attā).’

Theo cách tương tự, Đức Phật giải thích các uẩn còn lại phải được xem với minh sát trí: mười một loại của thọ uẩn, mười một loại của tưởng uẩn, mười một loại của hành uẩn, mười một loại của thức uẩn. Tất nhiên, để có thể phân biệt được chúng, người ta cần phải phát triển ánh sáng của trí tuệ,và ánh sáng này phát sanh cùng với bậc thiền hay cận định. Nếu không thì họ không thể nào phân biệt được năm uẩn, vì năm uẩn chỉ có thể phân biệt bằng tuệ nhãn (paññā Cakkhupāla).

Mười một loại này có ý nghĩa gì? Chúng ta sẽ bàn luận chúng theo từng loại một, trước tiên liên quan đến mười một loại sắc uẩn (rūpa).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app