VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

TÔN GỈA MAHĀKACCĀNA GIỐNG NHƯ VÀNG

Một ví dụ điển hình khác là Tôn-giả Mahākaccāna (Ca-chiên-diên). Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài sanh ở Ujjenī, trong gia đình của một vị giáo sĩ của vua Caṇdapajjota. Sở dĩ ngài được gọi Kaccāna là vì nước da giống như vàng của ngài, và cũng bởi vì Kaccāna là họ (gotta-姓: tính) của ngài. Ngài trở thành một trong những vị đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật, được tuyên bố là tối thắng trong việc diễn giải chi tiết những pháp Đức Phật thuyết tóm tắt. Tại sao nước da ngài lại giống như vàng? Và ngài đã thành tựu được danh hiệu ấy như thế nào? Tất nhiên, những nghiệp đã hoàn thành của ngài chịu trách nhiệm cho vấn đề ấy.

Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài sanh ra trong một gia đình rất giàu. Một hôm, ngài đi đến chùa, và đứng bên lề hội chúng đang nghe Đức Phật thuyết pháp. Ngài thấy Đức Phật ban cho một vị Tỳ kheo (cũng tên Kaccāna) địa vị xuất chúng trong số những vị Tỳ kheo diễn giải chi tiết và phân tích Pháp Đức Phật giải thích một cách tóm tắt. Ấn tượng sâu sắc về điều này, ngài quyết định sẽ đạt được địa vị xuất chúng ấy trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật tương lai. Với ý định này, ngài cung thỉnh Đức Phật và một trăm ngàn Chúng Tăng đến nhà và thực hiện một cuộc Đại Thí kéo dài bảy ngày. Vào ngày thứ bảy, ngài phủ phục dưới chân Đức Phật và nói: ‘Bạch Đức Thế Tôn, do kết quả của cuộc đại thí bảy ngày này, con không ước nguyện phước báu nào khác. Mà con chỉ nguyện được bảo đảm địa vị của vị Tỳ kheo mà bảy ngày trước đã được tuyên bố là tối thắng trong những vị giảng rộng cũng như phân tích được những pháp Đức Phật dạy một cách tóm tắt.’

Một nguồn giải thích khác về qúa khứ của Mahākaccāna giải thích rằng trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara, ngài cho xây dựng một bảo tháp hình hoa sen gọi là Tháp Paduma (Tháp hoa sen). Tháp được phủ vàng, và bên trong có một bảo toạ với mái che bằng vàng, nạm ngọc quý và lông đuôi ngựa camarī.

Trong Giáo Pháp hơn một trăm ngàn năm đó, Mahākaccāna cũng đã hoàn thành rất nhiều thiện nghiệp khác, chẳng hạn như:

  • Tinh thông Kinh Điển (pariyatti): học thuộc lòng những Lời Dạy của Đức Phật (Buddha-Vacanassa-pariyāpuṇanaṁ), tụng đọc tiếng Pāḷi (pāḷyā-sajjhāyo).
  • Nghe (savana): ở đây là học thấu đáo Pháp, với sự thận trọng và tôn kính.
  • Hỏi (paripucchā): bàn luận những đoạn gút mắc trong Kinh Điển, Chú Giải…
  • Thực hành trong quá khứ (pubba-yoga-tiền nỗ lực): hành thiền chỉ và thiền minh sát đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa, ngài là một gia chủ trong kinh thành Bārāṇasī. Sau khi Đức Phật Bát Niết Bàn (Parinibbāna), một bảo tháp tráng lệ đã được xây dựng bên trên xá lợi của Đức Phật, có dạng khối đá vàng ròng. Tôn-giả Mahākaccāna đã cúng dường số gạch bằng vàng giá trị một trăm ngàn?: và ngài phát nguyện rằng trong các kiếp sống tương lai ngài sẽ có một màu da giống như vàng.

Như chúng ta đã thấy, tất cả thiện nghiệp Tôn-giả Mahākaccāna làm trong các kiếp sống quá khứ này hoàn toàn trong sạch, không bị chi phối bởi sân hận hay bất kỳ phiền não nào khác. Một số nghiệp trong đó đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp, một số như trì nghiệp, và hầu như tất cả đều được cảm thọ quả trong một hậu kiếp nào đó. Một số trong đó đã chín mùi để làm nhiệm vụ như sanh nghiệp trong Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta.

Đây chúng ta có thể phân tích trường hợp của Tôn-giả Mahākaccāna theo những vận hành của nghiệp.

Một ‘Nghiệp cúng dường gạch’ đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh kiếp chót của ngài, như một con người. Nghiệp này tạo ra năm uẩn quả vào lúc tái sanh, và những nghiệp đồng nhất đã duy trì năm uẩn của ngài suốt kiếp sống. Những nghiệp đồng nhất cũng làm nhiệm vụ như trì nghiệp thiện, để tạo ra một kiếp sống trường thọ, giàu sang, hạnh phúc, và một màu da đẹp như vàng. Tuy nhiên những thiện nghiệp trách nhiệm cho tất cả quả báo ấy đều dựa vào vô minh, tham ái và chấp thủ của ngài trong quá khứ.

Khi ngài gặp Đức Phật Gotama của chúng ta, Đức Phật thuyết cho ngài một pháp thoại ngắn. Vào cuối thời pháp, Mahākaccāna đắc A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích (paṭisambhidā): 683 thiện nghiệp hay các ba-la-mật đã hoàn thành trong Giáo Pháp của Chư Phật trước cũng như trong Giáo Pháp của Đức Phật hiện tại của ngài đã chín mùi. 

Sau đó, khi Đức Phật ban tặng những danh hiệu xuất chúng cho các Tỳ kheo, Ngài tuyên bố:

Này các Tỳ kheo, tối thắng trong số các đệ tử Tỳ kheo của ta có thể diễn giải lời dạy tóm tắt, và phân tích ý nghĩa là Mahākaccāna.

Lời phát nguyện Mahākaccāna thực hiện trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Padumuttara giờ đây đã được hoàn thành.

Quý vị có muốn được đẹp người và tốt sắc như vậy không? Quý vị có muốn được màu da giống như vàng không? Nếu muốn, quý vị phải cố gắng làm một người nam hay nữ không bao giờ nổi sân hay khó chịu: ngay cả khi bị chỉ trích nhiều, quý vị phải không có lầm lỗi, không nóng giận, không oán thù,và không phẫn uất bực bội. Nếu quý vị muốn đẹp người và tốt sắc, quý vị phải không biểu lộ sự nóng giận, sân hận và gắt gỏng. Những biểu lộ ấy là những phiền não, chúng không bao giờ tạo ra sắc đẹp: chúng chỉ tạo ra sắc xấu.

Dựa trên giới, quý vị nên tu tập thiền chỉ và thiền minh sát, và đặc biệt trau dồi bốn phạm trú (cattāro-brahma-vihārā): từ, bi, hỷ và xả. Bốn phạm trú này sẽ đè nén sân hận và những phiền não khác. Đức Phật nói rằng đó là cách để quý vị đạt đến đẹp sắc. 

Tuy nhiên, quý vị cũng không nên quên rằng các hành là vô thường. Tất cả hành đều vô thường, khổ và vô ngã, như vậy chúng đẹp hay xấu, hấp dẫn hay không hấp dẫn? Do đó, quý vị không nên chỉ cố gắng để có được sắc đẹp và một màu da như vàng ròng thôi, mà quý vị cũng nên cố gắng để có được một cái tâm trong sạch, tốt đẹp nữa, đó là, quý vị phải cố gắng để đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Nếu quý vị làm được như Tôn-giả Subhūti, và Tôn-giả Maha-kaccāna, quý vị sẽ thành công. Vận hành của nghiệp là thế. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú:

Không dễ duôi là đường Bất Tử

Dễ duôi là đường Chết;

Không dễ duôi không chết;

Dễ duôi (dù còn sống) như đã chết.

Bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe lời giải thích thứ bảy của Đức Phật cho thanh niên Subha.

NGƯỜI ÔM LÒNG ĐỐ KỴ

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông là người hay đố kỵ. Đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, anh ta hay cô ta thường sanh tâm tật đố, ghen tị, ôm lòng đố kỵ. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu người ấy sanh làm người trở lại, thời chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy là người quyền thế nhỏ (ít có ảnh hưởng). 

Đây là con đường, này thanh niên, đưa đến quyền thế nhỏ (ít có ảnh hưởng), đó là, là người ôm ấp lòng đố kỵ. Đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, thường sanh tâm tật đố, ghen tị, ôm ấp lòng đố kỵ. 

Đố kỵ gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội. Người nam hay nữ nào không kiểm soát được tâm đố kỵ và ghen tị của mình thì không hành xử tốt đẹp được, không cư xử hợp theo pháp được. 

TRƯỞNG LÃO TISSA ĐỐ KỴ

Một ví dụ điển hình của đố kỵ dẫn đến tái sanh trong địa ngục, và nếu tái sanh làm người thì không có ảnh hưởng hay quyền thế, là Trưởng Lão Losaka Tissa: chúng ta đã đề cập sơ lược về ngài trong phần nói về sanh thú thất bại (gati-vipatti). Trong  thời  kỳ  Giáo  Pháp  của  Đức  Phật Kassapa, ngài làmột vị Tỳ- kheo. Và ngài sống trong một ngôi chùa do một người đàn ông giàu có xây dựng: người này cũng là thí chủ chính của ngài. Ngày nọ, một vị A-la-hán đi đến. Người nhà giàu này cảm mến phong thái của vị A-la-hán nên đã thỉnh ngài lưu lại trong chùa, và hứa sẽ chăm lo cho ngài: vị A-la-hán đồng ý ở lại.

Buổi chiều, người nhà giàu mang hương, hoa, …đến cho vị Tỳ-kheo mới và lắng nghe vị ấy dạy pháp. Rất hoan hỷ, ông thỉnh hai vị Tỳ-kheo đến nhà ông để thọ trai ngày hôm sau. Khi Trưởng lão Losaka Tissa thấy vị A-la-hán nhận được qúa nhiều sự quan tâm như vậy, ngài trở nên đố kỵ.

Hôm sau, Trưởng lão Tissa không muốn vị A-la-hán đến dự bữa trai phan. Vì thế ngài chỉ lấy đầu móng tay gõ nhẹ vào chuông, và rồi đi đến nhà thí chủ một mình. Nhưng vị A-la-hán đọc được tâm địa của Trưởng lão, nên đã đi khỏi tu viện vào lúc rạng đông. Khi người nhà giàu hỏi vị Tỳ-kheo kia đâu, Trưởng lão Losaka nói vị ấy là một vị Tỳ-kheo lười biếng, vô tích sự. Sau khi Trưởng lão đã dùng xong, người nhà giàu rửa bát cho ngài, rồi lại bỏ đầy thức ăn vào đó, và thỉnh cầu Trưởng lão Tissa hoan hỷ đem phần đó về cho vị Tỳ-kheo khách. Nhưng trên đường về chùa, Trưởng lão Tissa đã quăng bỏ phần ăn ấy vào trong một cái hố và lấy than hồng ở thửa ruộng mới cháy gần đó phủ lên: hành động đố kỵ này là một bất thiện nghiệp.

Khi Trưởng lão Tissa về đến chùa, ngài khám phá ra rằng vị A-la-hán đã bỏ đi. Ngài cảm thấy vô cùng hối hận, và không lâu sau đó, ngài chết. Vào lúc chết, ‘nghiệp đố kỵ’ của ngài đã làm nhiệm vụ như cận tử nghiệp để tạo ra tái sanh trong địa ngục. Điều này có nghĩa rằng tất cả thiện nghiệp khi là một vị Tỳ-kheo, hơn hai ngàn năm, ngài đã hoàn thành, đã bị cắt đứt bởi nghiệp đố kỵ này, và không thể tạo ra quả của chúng. Một khi ngài đã ở trong địa ngục, nhiều ‘nghiệp đố kỵ’ có cùng tính đồng nhất đã làm nhiệm vụ như trì nghiệp, để gia tăng cường độ và kéo dài những khổ đau của ngài trong địa ngục.

Cuối cùng, khi ngài thoát khỏi địa ngục, những ‘nghiệp đố kỵ’ khác lại chín mùi, để làm nhiệm vụ như sanh nghiệp bất thiện được cảm thọ quả trong kiếp sau. Do sanh thú thất bại (gati -vipatti), ngài trở thành một dạ-xoa (yakkha) trong năm trăm kiếp liên tục: mỗi kiếp như vậy, ngài không bao giờ được đủ ăn. Rồi năm trăm kiếp kế khác, ngài phải làm chó, và cũng lại không có đủ thức ăn để ăn. Mỗi kiếp sinh ra, chẳng những ngài không có đủ ăn, mà còn phải chịu đựng nhiều gian khổ khác. Quý vị cứ thử nhìn những vận hành của nghiệp xem!

Tuy nhiên, trong kiếp chót của mình, những thiện nghiệp mà ngài đã hoàn thành trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa gặp được những điều kiện thoả đáng để chín mùi: chúng làm nhiệm vụ như những sanh nghiệp để tạo ra tái sanh như một con người. Nhưng chúng vẫn bị cắt đứt bởi nghiệp đố kỵ của ngài. Như thế nào?

Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật chúng ta, ngài sanh làm con của một người đánh cá trong ngôi làng Kodala. 

Và ngài được đặt tên Losaka Tissa. Từ lúc mang thai ngài, mọi người dân trong làng phải gánh chịu đủ mọi gian khổ. Khi dân làng khám phá ra lý do tại sao, họ đã đuổi gia đình Losaka ra khỏi làng. Khi ngài vừa biết đi, người mẹ đã đặt vào tay ngài chiếc chén bể, và để cho ngài tự đi xin ăn. Là một đứa bé con, ngài đã phải lang thang đây đó không người chăm sóc, nhặt từng hột cơm rơi giống như một con quạ. Ngày nọ, khi ngài mới vừa bảy tuổi, Tôn giả Xá -lợi -phất nhìn thấy ngài. Cảm thấy thương xót cho thân phận của ngài, Tôn giả Xá-lợi -phất cho ngài xuất gia làm một Sa-di. Nhưng Lossaka Tissa luôn luôn không may mắn: bất cứ chỗ nào ngài đi khất thực, ngài chỉ nhận được một chút ít. Cũng như trong kiếp đó, ngài chẳng bao giờ có được một bữa ăn thích đáng. Mặc dù vậy, ngài vẫn thực hành ba loại tăng thượng học (giới, định và tuệ), và cuối cùng trở thành một bậc A-la-hán. Tại sao? Trong Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa, hơn hai ngàn năm, ngài đã hoàn thành đủ Ba-la-mật để đạt đến A-la -hán Thánh Quả. Nhưng, ngay cả khi là một bậc A-la-hán, ngài cũng chẳng có được một bữa ăn no lòng. Khi người ta đặt thức ăn vào bát ngài, thức ăn ấy biến mất: ba-la-mật của ngài cho ngài nhận được thức ăn, nhưng nghiệp đố kỵ lại ngăn chúng lại, và thức ăn biến mất. Nguyên nhân là vì ngài đã quăng bỏ thức ăn cúng dường cho một bậc A-la-hán, do ganh tỵ: ngài đã ôm lòng đố kỵ đối với một bậc A-la-hán được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, từ nhà giàu.

Một hôm,Tôn giả Xá-lợi-phất thấy rằng Trưởng lão Lossaka Tissa đêm đó sẽ nhập Bát-Niết-Bàn (Parinibbāna). Vì thế ngài quyết định phải làm sao để Trưởng lão Lossaka Tissa có được một bữa ăn thoả đáng trong cái ngày cuối cùng ấy. Tôn giả đã đi cùng với Trưởng lão đến Sāvatthi để khất thực, nhưng không ai chú ý đến họ. Do đó Tôn giả đành phải bảo Trưởng lão Lossaka quay lại chùa và chờ ở đó. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất đi khất thực một mình, nhận được thức ăn, ngài liền nhờ người gởi nó về chùa cho Trưởng lão Lossaka Tissa. Nhưng người này đã ăn hết phần ăn ấy, thế là Trưởng lão Lossaka Tissa trưa hôm đó vẫn không có vật thực để ăn. Và khi Tôn giả Xá-lợi-phất biết chuyện, thì đã quá ngọ. Vì thế Tôn giả đi đến cung điện của đức Vua, và nhận được một tô Catu-madhura (tứ vị: mật, dầu, bơ và đường).691Ngài quay về chùa, và yêu cầu Trưởng lão Lossaka Tissa dùng hết tô tứ vị đó trong khi một tay ngài phải giữ nó: nếu không những món ăn ấy sẽ biến mất. Do lòng bi mẫn và sự nỗ lực của Tôn giả Xá-lợi-phất mà ngày hôm đó, lần đầu tiên trong đời, Trưởng lão Lossaka Tissa được no lòng. Và đêm hôm ấy ngài nhập Bát-Niết-Bàn (sự diệt tối hậu).

Trong mỗi kiếp sống Losaka đều không có ảnh hưởng hay quyền thế, do sức mạnh của nghiệp đố kỵ của ngài. Nghiệp này làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra những tái sanh bất hạnh (sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…), và trong mỗi lần tái sanh bất hạnh như vậy, nghiệp đố kỵ còn làm nhiệm vụ như trì nghiệp để tước đi thức ăn của ngài. Cuối cùng khi một thiện nghiệp đã làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người, và thiện nghiệp ấy chín mùi để cho ngài cơ hội có được thức ăn, nhưng nghiệp đố kỵ của ngài liền làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp khiến cho thức ăn ấy bằng cách nào đó biến mất đi. Tuy nhiên, các ba-la-mật quá khứ và hiện tại của ngài đã chín mùi: đó là, những nghiệp hành thiền chỉ và thiền minh sát của ngài chín mùi, và ngài đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Không lâu sau khi ngài đắc đạo quả A-la-hán, ngài nhập Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna), và nghiệp đó đã cắt đứt tất cả những nghiệp có khả năng làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh. Như vậy mọi khổ thân và khổ tâm của ngài đều diệt không còn dư tàn, và ngài sẽ không còn tái sanh lại nữa. Một điện thờ đã được dựng trên tro cốt của ngài.

Vận hành của nghiệp là thế. Có thể nói, những vận hành như vậy của nghiệp là lý do tại sao Đức Phật dạy trong kinh “Dây Trói Buộc’:

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm cho ô nhiễm. Do tâm ô nhiễm, này các Tỷ -kheo, chúng sanh bị ô nhiễm. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Bây giờ chúng ta sẽ nghe tiếp lời giải thích thứ tám của Đức Phật cho thanh niên Subha.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app