VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

KINH TIỂU NGHIỆP PHÂN BIỆT

NGƯỜI HẠ LIỆT & KẺ ƯU THẮNG

Có một bài kinh trong Trung Bộ (Majjhima-Nikāya) gọi là ‘Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt’.609 Bây giờ chúng tôi sẽ giải thích những vận hành của nghiệp liên quan đến bài kinh ấy. Bài kinh bắt đầu bằng:

Một thời, Thế Tôn ở Savatthi (Xá -vệ) Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha Todeyyaputta bạch Thế Tôn:

  • Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người hạ liệt (hīna), có người ưu thắng (paṇīta)?

[1-2] người đoản thọ, người trường thọ,

 [3-4] người nhiều bệnh, người ít bệnh,

 [5-6] người xấu sắc, người đẹp sắc,

[7-8] người quyền thế nhỏ, người quyền thế lớn, [9-10] người nghèo, người gàu,

[11-12] người thuộc gia đình hạ liệt, người thuộc gia đình cao quý,

[13-14] người trí tuệ yếu kém, người có đầy đủ trí tuệ.

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, lại thấy có người hạ liệt, có người ưu thắng như vậy?

Tại sao thanh niên Subha lại hỏi những câu hỏi này? Theo chú giải, Bà-la-môn Todeyya, người cha quá cố của anh ta, từng là quan đại thần của Vua Kosala, và sống vô cùng keo kiết, bủn xỉn (macchariya(悭): khan, bủn xỉn, keo kiệt). Do tâm keo kiết này, vào lúc chết ông tái sanh vào bào thai của con chó cái sống ngay trong căn nhà của ông ta. Một hôm, khi Đức Phật đi khất thực ngang qua nhà Subha, con chó sủa ầm ĩ. Đức Phật mắng nó, và gọi nó là Todeyya. Subha vô cùng khó chịu về việc này, nhưng Đức Phật đã chứng minh cho anh ta thấy rằng con chó ấy chính là cha anh ta đã tái sanh: Đức Phật kêu con chó đào kho báu mà Todeyya đã chôn lên. Bằng chứng này đã thôi thúc đức tin của Subha nơi Đức Phật, và thúc đẩy anh ta đi đến Đức Phật để hỏi về những vận hành của nghiệp.

Đầu tiên, Đức Phật trả lời câu hỏi của Subha một cách vắn tắt:

Này Thanh niên, các chúng sanh là chủ nhân của nghiệp (kamma-ssakā), là kẻ thừa tự của nghiệp (kamma-dāyādā). Nghiệp là thai tạng (kamma-yonī), nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có hạ liệt, có ưu thắng.

Tất nhiên, Subha không hiểu được lời giải thích vắn tắt này của Đức Phật. Vì thế anh đã thỉnh Đức Phật vui lòng giải thích chi tiết hơn:

Tôi không hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi.

Tại sao Đức Phật lại giải thích theo cách này để cho người nghe không thể hiểu được? Bởi vì những người Bà-la-môn rất kiêu mạn: họ nghĩ họ là những người thông thái nhất thiên hạ. Và Đức Phật biết rằng nếu Ngài đưa ra những câu trả lời chi tiết trước, họ có thể nói rằng họ đã biết được câu trả lời. Để tránh tình trạng này, Đức Phật luôn luôn đưa ra cho họ một câu trả lời vắn tắt trước, để hạ thấp sự kiêu mạn của họ.

Khi Subha đã nhìn nhận việc không hiểu câu trả lời vắn tắt của mình, và thỉnh cầu Đức Phật cho một câu trả lời chi tiết hơn, kiêu mạn của anh ta đã được hạ thấp xuống, và chỉ lúc đó Đức Phật mới đưa ra một lời giải thích chi tiết. Ngài đã giải thích từng nguyên nhân cho mỗi trong mười bốn kết quả theo tuần tự. Ngài nói:

Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ:

Ta sẽ nói.

MƯỜI BỐN CÁCH LÀ NGƯỜI SÁT SANH

Đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng.

Đây là con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Tái sanh làm người luôn luôn phải là kết quả của sanh nghiệp thiện, và tái sanh trong một trạng thái khổ luôn luôn phải là kết quả của sanh nghiệp bất thiện. Vì vậy, nếu tư quyết định (cetanā) của (hành động) sát sanh làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh, nó sẽ tạo ra tái sanh trong một trạng thái khổ. Nhưng nếu, bất chấp nghiệp sát sanh, một sanh nghiệp thiện làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người, thời những tư tiền và tư hậu (tư đi trước và tư đi sau việc sát sanh) sẽ làm nhiệm vụ như chướng nghiệp trong quá trình của kiếp sống làm người ấy. Chúng sẽ làm mất tác dụng sanh nghiệp vốn tạo ra tái sanh làm người bằng sự đối nghịch trực tiếp, và cuối cùng một nghiệp sẽ chặn đứng nó: sanh nghiệp thiện sẽ không duy trì kiếp sống làm người nữa, và anh ta hay cô ta sẽ phải đoản mạng. Người ấy sẽ gặp những nghịch cảnh y như cách đối nghịch trực tiếp với trường thọ, và nghịch cảnh ấy bằng cách này hay cách khác đưa đến một cái chết yểu.

Nguyên tắc đối nghịch trực tiếp này cũng có giá trị với tất cả những trường hợp ở đây nghiệp bất thiện chín mùi ngay trong đời sống bình nhật (pavatti) của kiếp đó. 

NGHIỆP GIẾT CHA MẸ TRONG QUÁ KHỨ CỦA TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN

Một ví dụ điển hình về nghiệp sát đưa đến tái sanh trong địa ngục, và chịu một thọ mạng ngắn ngủi khi làm người là trường hợp của Tôn giả Mục-Kiền-Liên.[242] Trong một kiếp quá khứ, ngài sống với vợ và cha mẹ mù của ngài. Người vợ không muốn săn sóc cha mẹ mù, nên đã bịa ra nhiều chuyện hiểm độc để nói về họ cho ngài nghe, và phàn nàn việc họ đã gây rắc rối như thế nào. Cuối cùng, cô vợ yêu cầu ngài giết chết cha mẹ mù của mình đi, và ngài đã đồng ý.614 Nói dối rằng mình sẽ đưa cha mẹ đến một ngôi làng khác, ngài dùng xe bò đưa họ đến một khu rừng. Tại đó ngài giả bộ làm một băng cướp, và đánh đập cha mẹ với ý định giết chết họ.

Tuy nhiên, khi ngài thả họ ra, cha mẹ ngài đã la lên rằng họ đang bị băng cướp tấn công, và rằng ngài (con trai của họ) không nên cứu họ mà hãy cố chạy thoát thân đi. Chính lòng yêu thương, bi mẫn không vị kỷ của họ đối với ngài này đã gợi lên mối thương tâm quá lớn nơi ngài đến độ ngài phải ngừng đánh. Sau đó ngài bị tâm hối day dứt không nguôi.

Với hành động này ngài đã hoàn thành bao nhiêu bất thiện nghiệp? Nếu ngài đánh đập cha mẹ chỉ năm phút thôi, hàng tỷ tỷ tiến trình tâm đã sanh, với hàng tỷ, tỷ tốc hành tâm, mỗi tốc hành tâm ấy đi kèm với tư (cetana) ác độc, và đáng khiển trách nhất: mong muốn giết chết cha mẹ mình, điều này có nghĩa rằng hàng tỷ, tỷ bất thiện nghiệp đã được hoàn thành. Và sau khi đánh xong, bất cứ khi nào ngài nhớ lại hành động ác của mình, và bị tràn ngập bởi sự hối hận và buồn khổ, ngài lại hoàn thành hàng tỷ, tỷ bất thiện nghiệp nữa. Sự chín mùi của mỗi tư trong hàng tỷ tốc hành bất thiện ấy sẽ tạo ra những quả nặng nề nhất trong các kiếp sống tương lai. 

Vì vậy, vào lúc chết, tư của một tốc hành bất thiện thứ bảy (thuộc một trong hàng tỷ tiến trình tâm bất thiện ấy) đã làm nhiệm vụ như sanh báo nghiệp để tạo ra tái sanh trong địa ngục. Tư của năm tốc hành bất thiện giữa trong hàng tỷ tiến trình tâm bất thiện ấy đã làm nhiệm vụ như hậu báo nghiệp để tạo ra tái sanh đi tái sanh lại nhiều lần trong địa ngục, và ngài phỉa trải qua những thống khổ khủng khiếp nhất trong địa ngục cả hàng triệu năm. Chưa hết, những nghiệp có tính đồng nhất còn tạo ra nhiều nghịch cảnh cho ngài trong những kiếp sống tiếp theo sau. Khi một thiện nghiệp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người, nghiệp cố tình giết cha mẹ của ngài đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp bất thiện đối nghịch trực tiếp, khiến cho ngài phải gặp những nghịch cảnh dẫn đến cái chết yểu. Đôi khi nghiệp bất thiện còn làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp, và ngài đã bị đánh đập đến chết: trong hơn hai trăm kiếp, ngài đã bị giết chết bằng cách bị nghiền nát sọ ra từng mảnh.

Tuy nhiên, từ thời Đức Phật Anumodassī cho đến thời Đức Phật của chúng ta (một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp), ngài đã tích tạo được các ba-la-mật để trở thành một bậc thượng thủ thanh văn thứ hai cho Đức Phật của chúng ta. Những Ba-la-mật ấy là những thiện nghiệp, và khi các Ba-la- mật của ngài chín mùi, ngài trở thành một bậc Thánh A-la-hán và thượng thủ thanh văn thứ nhì của Đức Phật, tối thắng về thần thông.

Ngay cả như vậy, dù là một bậc A-la-hán tối thắng về thần thông, thọ mạng của ngài cũng bị cắt ngắn, và ngài đã nhập Niết Bàn Tối Hậu (Parinibbāna) cũng với đầu và xương bị nghiền nát thành từng mảnh nhỏ. Như thế nào?

Khi Giáo Pháp của Đức Phật mỗi ngày mỗi tăng trưởng, Đức Phật và những đệ tử của ngài nhận được sự kính trọng và mến mộ càng lúc càng nhiều hơn từ dân chúng. Kết quả là, những vị đạo sư khác và đệ tử của họ ngày càng nhận được ít đi. Họ nuôi dưỡng một sự hận thù đối với Tôn giả Mục-Kiền-Liên, bởi vì họ nghĩ chính năng lực thần thông siêu phàm của ngài là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vì thế họ mướn những băng cướp để đi đến giết ngài. Như vậy, lòng thù hận của họ là một trợ duyên cho nghiệp giết chết cha mẹ của ngài để tạo ra quả báo của nó.

Suốt bảy ngày, các băng cướp tìm đến chỗ ở của ngài để giết. Nhưng Tôn giả Mục-Kiền-Liên, bằng năng lực thần thông của mình, biết được ý định của chúng, và với năng lực thần thông này, ngài biến mất khỏi nơi trú ngụ: ngài thoát ra ngoài qua lỗ khoá. Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy ngài không thể biến mất được nữa: nghiệp giết cha mẹ đã làm nhiệm vụ như chướng nghiệp để ngăn việc nhập thiền của ngài, và ngài không thể vận dụng những năng lực thần thông của mình được nữa. Rồi một nghiệp có tính đồng nhất đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp để bọn cướp đánh chết ngài, cho tới khi xương của ngài bị nghiền nát hoàn toàn. Và rồi chúng bỏ đi. Nhưng ngài không chết. Ngài có thể nhập thiền trở lại, và sử dụng thần thông của mình như trước. Lúc đó, dùng thần thông, ngài đi đến nơi Đức Phật ngự và thỉnh cầu Đức Phật cho phép được nhập Vô Dư Niết Bàn. Ngài quay trở về nơi trú ngụ và nhập Niết-Bàn ở đó.

Khi trở thành một bậc A-la-hán, tâm của Tôn giả Mục-Kiền-Liên đã được tịnh hoá nhờ đoạn trừ mọi phiền não, đó là những phiền não có gốc ở tham, sân và si.

Những phiền não này chịu trách nghiệm cho mọi bất thiện nghiệp mà ngài đã hoàn thành. Và do những bất thiện nghiệp này ngài đã trải qua không biết bao nhiêu đau khổ. Những vận hành của nghiệp là thế.

Những vận hành như vậy của nghiệp là lý do khiến Đức Phật phải nói trong kinh “Dây Trói Buộc Thứ Hai’:

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm cho ô nhiễm. Do tâm ô nhiễm, này các Tỷ -kheo, chúng sanh bị ô nhiễm. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Chúng tôi sẽ đưa ra thêm nhiều ví dụ khác về cách thọ mạng của một người bị cắt ngắn do nghiệp quá khứ như thế nào, chẳng hạn như chuyện đao phủ Tambadāṭhika (người đã được đề cập ở một phần trước), chuyện Da -xoa Nanda, chuyện Tôn-giả Pūtigattatissa,…sẽ được chúng tôi bàn đến ở sau.

Bậy giờ, quý vị hãy lắng nghe lời giải thích thứ hai của Đức Phật cho thanh niên Subha.

LÀ NGƯỜI KHÔNG SÁT SANH

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời.

Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. 

Đây là con đường đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Trong trường hợp này, tránh xa sự sát sanh là một thiện nghiệp có thể trực tiếp làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh cõi trời hay một kiếp sống làm người trường thọ.

Thiện nghiệp đề cập ở đây là thiện nghiệp thế gian hay thiện nghiệp hiệp thế, đó là việc thực hành ba phước nghiệp sự (puñña-kiriya-vatthu), mà chúng ta đã bàn đến ở một phần trước:

  • Bố thí (dāna).
  • Trì giới (sīla): đối với người tại gia là ngũ giới, bát giới hoặc thập giới. Giới đầu tiên luôn luôn là ‘tránh xa sự sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī)’. Đối với các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni, giới là giới luật (Vinaya), bao gồm một giới không giết người, và một giới không giết bất kỳ chúng sanh nào khác.
  • Tu thiền (bhāvanā): đó là tu tập thiền chỉ cho đến cận định hoặc một bậc thiền (jhāna), và tu tập thiền minh sát để biết và thấy tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh chân đế (paramattha-nāma) và sắc chân đế (paramattha-rūpa) thuộc quá khứ, tương lai và hiện tại, bên trong và bên ngoài, thô và tế, cao thượng và hạ liệt, xa và gần.

Việc thực hành thiện nghiệp hiệp thế cao hơn nữa là thực hành minh và hạnh. Chúng ta đã bàn đến việc thực hành này ở trước:

  • Hạnh (caraṇa) có mười lăm pháp: đầy đủ giới hạnh, chế ngự các căn, tiết độ trong ăn uống, tỉnh giác luôn khi, đức tin (bao gồm luôn việc thực hành thường xuyên pháp bố thí), niệm, tàm, quý, đa văn, tinh tấn, trí tuệ, và bốn thiền sắc giới.
  • Minh (vijjā) là minh sát trí (vipassanā-ñāṇa), cho đến Hành Xả Trí (Saṅkhār-Upekkhā-Ñāṇa).

Như chúng ta đã bàn ở trước, nếu minh sát trí còn tạo ra tái sanh thì được kể trong nhóm hạnh, và minh sát trí không còn tạo ra tái sanh được kể trong nhóm minh.

Những thiện nghiệp như vậy có thể làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra một kiếp sống chư thiên. Nếu tư quyết định của hành động tránh sát sanh tạo ra một kiếp sống con người, nó sẽ là một kiếp người trường thọ và không lo lắng. Những tư tiền và tư hậu (tư trước và sau sự tránh sát sanh) cũng có thể làm nhiệm vụ như trì nghiệp để hỗ trợ (sanh nghiệp) theo cách tương tự.

Nguyên tắc này cũng có giá trị đối với tất cả những trường hợp ở đây Đức Phật giải thích thiện nghiệp chín mùi trong đời sống bình nhật (pavatti) của kiếp đó.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app