VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP

THỨC AN TRÚ VÀ THỨC KHÔNG AN TRÚ

THỨC ANTRÚ

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc đọc lại phần mở đầu của hai bài kinh ‘Dây Trói Buộc’:

Vô thỉ, này các tỳ kheo, là khởi đầu của vòng tử sanh luân hồi (saṁsāra). Khởi điểm (của luân hồi) không thể biết được đối với những chúng sinh bị vô minh che đậy (avijjā-nīvaraṇānaṃ sattānaṁ), bị tham ái trói buộc (taṇhā-saṁyojanānaṁ), phải lưu chuyển (sandhāvataṁ) và luân hồi (saṁsārataṁ).

Như đã đề cập, ở đây Đức Phật đang nói về vòng tái sanh hay luân hồi (saṁsāra). Đó là sự luân chuyển từ cõi này đến cõi khác (lúc sanh làm người, lúc sanh chư thiên, lúc sanh làm thú, và rồi làm người trở lại…).

SANH

Sanh là gì? Đó là sự xuất hiện của các uẩn quả: chúng sanh khởi như kết quả của của nghiệp quá khứ. Đức Phật nói về sanh cũng như nhập thai (okkanti-入胎 nhập thai ở đây là sự đi vào (bào thai) của thức).[306] Và ngài nói về sanh như thức an trú (viññāṇa patiṭṭhita), một từ có cùng ý nghĩa: sự xuất hiện và an trú của thức tái sanh (paṭisandhi-citta). Thức tái sanh là một tâm quả (vipāka-citta), và nó lấy đối tượng là một nghiệp (kamma), nghiệp tướng, hay thú tướng do tiến trình cận tử của kiếp trước nhận thức.

Như trước đã giải thích, thức (tâm) không thể sanh một mình. Nó luôn luôn sanh cùng với ba danh uẩn khác, đó là thọ, tưởng, và các hành: chúng được gọi chung là các tâm sở (cetasika). Khi một người sanh trong cõi dục (cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh, cõi người, và chư thiên các cõi trời dục giới) hay trong cõi sắc giới (cõi Phạm Thiên), thức tái sanh nương vào sắc (rūpa): để làm thành năm uẩn (pañca-kkhandha).

NGŨ-,TỨ-VÀ NHẤT UẨN HỮU

Trong các Kinh Pali, sự tái sanh của một chúng sanh trong các cõi dục và sắc được gọi là ngũ uẩn hữu (pañca-vokāra-bhavo). Trong trường hợp như vậy, thức hay tâm tái sanh (paṭisandhi-citta) được an trú cùng với danh-sắc quả (vipāka-nāma-rūpa).

Tuy nhiên, khi một chúng sanh sanh trong cõi vô sắc, thức tái sanh chỉ an trú cùng với thọ, tưởng, và hành: không có sắc. Do đó, sự tái sanh như vậy được gọi là tứ uẩn hữu (catu-vokāra-bhavo).

Và khi một chúng sanh tái sanh trong cõi vô tưởng, thì chỉ sắc được an trú. Do đó sự tái sanh này được gọi là nhất uẩn hữu (eka-vokāra-bhavo). Nhưng vì chúng sanh vô tưởng (asaññā-satta) vẫn chưa bứng gốc được các phiền não tuỳ miên, nên sự hiện hữu của chúng sanh vô tưởng này vẫn được theo sau bởi sự tái an trú của thức. Như thế nào? Khi sắc mạng căn của chúng sanh vô tưởng bị cắt đứt, trong sát-na tâm kế sẽ có sự chín mùi của một hậu báo nghiệp bất định nào đó từ quá khứ của chúng sanh ấy: thường thì nó thiết lập một thức tái sanh trong cõi người vốn là cõi ngũ uẩn hữu. Đó là lý do vì sao có sự an trú của thức (tái sanh) trong ba cõi hữu: cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc.

Có sự tái sanh ở nơi đâu khác không? Không. Đức Phật nói rằng sự hiện hữu cao nhất là tái sanh trong cõi cao nhất của vô sắc giới: cõi phi tưởng phi phi tưởng.

Sau khi thức tái sanh đã an trú, thì điều gì xảy ra?

DÒNG TÂM THỨC

Sau khi thức tái sanh đã an trú, tâm hữu phần (bhavaṅga-citta) sanh lên nối tiếp nhau: chúng bắt cùng một đối tượng quá khứ như kiết sanh thức, và chúng cũng là những tâm quả. Dòng tâm hữu phần chỉ dừng lại khi có một tiến trình tâm (citta-vīthi) phát sanh: hoặc một tiến trình ngũ môn (pañca-dvāra-vīthi), hoặc một tiến trình ý môn (mano-dvāra-vīthi). Một tiến trình tâm như vậy bao gồm những tâm quả (vipāka-citta), tâm duy tác (kiriya -citta), và tốc hành (javana). Như đã nói trước đây, tâm tốc hành của một người không phải A-la-hán sẽ tạo ra nghiệp, vì thế chúng cũng được gọi là tâm nghiệp hay thức nghiệp (kamma-viññāṇa).

Theo cách đó, từ lúc bắt đầu của một kiếp sống (tính từ thức tái sanh [paṭisandhi-citta] cho đến lúc chết của kiếp đó (khi tâm tử [cuti-citta] sanh lên), có sự an trú của một dòng tâm thức (viññāṇa-sota). Và cùng với mỗi tâm sanh lên còn có các tâm sở (thọ, tưởng, và các hành), cũng như sắc. Như vậy, chúng ta có tâm (thức), các tâm sở, và sắc sanh lên và diệt nối tiếp theo nhau giống như một dòng sông.

Thức hay tâm cuối cùng trong một đời người là tâm tử (cuti-citta): nó bắt cùng một đối tượng quá khứ như tâm tục sanh và hữu phần, và nó cũng là một tâm quả. Và, bao lâu một người vẫn là một trong những chúng sanh bị vô minh che đậy và tham ái trói buộc, tâm tử vẫn được theo sau bởi một tâm tục sanh khác: ngay trong sát-na kế tiếp. Dòng tâm thức không bị đứt quãng hay gián đoạn. Nó tự an trú trong một danh-sắc mới: đó là sự tái sanh của một ‘chúng sanh’ mới. Chẳng hạn, tâm tử của một người sanh lên và diệt, và liền theo đó một thức tái sanh mới được an trú trong thế gian khác, có thể trong cõi súc sanh, hay cõi chư thiên: đó là sự lưu chuyển từ thế gian này sang thế gian khác. Thức tái sanh cũng có thể được an trú trong bào thai của một người mẹ mới, trong trường hợp này nó được gọi là chạy vòng quanh trong một thế gian.

Theo cách này, khi nói một chúng sanh lưu chuyển và loanh quanh trong luân hồi thực sự đó chỉ là sự an trú của một dòng tâm thức mà thôi. Chẳng hạn, nó có thể được an trú trong dục giới, và trôi chảy ở đó có khi qua nhiều kiếp sống. Có khi nó an trú như danh-sắc của một con người, và rồi như danh-sắc của một vị chư thiên, v.v…Sau đó nó có thể dừng chảy trong dục giới, và tự an trú trong sắc giới, và cũng trôi chảy ở đó qua nhiều kiếp sống. Rồi, dừng chảy trong cõi đó, và tiếp tục trôi chảy trong cõi người trở lại, v.v…

Hai nhân chính khiến cho có sự an trú của thức là vô minh và tham ái. Không có vô minh và tham ái, nghiệp lực (kamma-satti) không thể an trú thức ở bất kỳ cõi nào. Điều này chúng ta đã bàn đến nhiều lần.

Với A-la-hán Thánh Đạo Trí, có sự diệt không còn dư tàn của vô minh và tham ái. Điều này hàm ý vô minh và tham ái sẽ không bao giờ khởi lên trở lại: đây là phiền não Bát Niết Bàn (kilesa -Parinibbāna). Với sự diệt không còn dư tàn của vô minh và tham ái, nghiệp lực của tư (cetana) hiện tại cũng ngừng hiện hữu: chúng ta có thể nói đó là sự không vận hành hoàn toàn của nghiệp hiện tại. Tuy nhiên, nghiệp lực của nghiệp quá khứ vẫn vận hành, có nghĩa là dòng tâm thức của vị A-la-hán vẫn tiếp tục (trôi chảy), và thức vẫn được an trú. Và dĩ nhiên, thức chỉ không còn an trú trong việc tạo nghiệp mà thôi. Những tâm tốc hành khởi lên nhưng không còn tạo nghiệp: tư của vị A-la-hán là thuần duy tác.

THỨC KHÔNG AN TRÚ

Như vậy, tôi sẽ hỏi quý vị một câu hỏi. Nếu vô minh và tham ái là lý do khiến thức phải an trú vào một cõi giới nào đó trong tam giới không ngừng; nếu vô minh và tham ái là lý do khiến một chúng sanh cứ tái sanh đi tái sanh lại liên tục (lúc chỗ này, lúc chỗ kia), vậy thì điều gì xảy ra khi vô minh và tham ái bị đoạn trừ? Điều gì xảy ra khi nhân khiến cho có sự an trú của thức đã bị đoạn trừ?

Rất dễ, phải không? khi nhân cho sự an trú của thức đã bị đoạn trừ, thức không còn an trú nữa: khi thức không an trú, nó được gọi là vô an trú (appaṭṭhita, 無安住).

Vào lúc tâm tử của vị A-la-hán diệt (lúc viên tịch của vị A-la-hán), dòng tâm thức không an trú trong thế gian này hay thế gian khác. Đó là sự không vận hành hoàn toàn của nghiệp quá khứ, hiện tại, và vị lai.

Khi vị A-la-hán viên tịch, không có sự trôi chảy của dòng tâm thức thêm nữa: sự kiện này gọi là ngũ uẩn Bát-Niết-Bàn (khandha-parinibbāna).Như Đức Phật đã nói ở cuối bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ hai, vị Thánh Đệ Tử biết rõ: Sanh đã tận (khīṇā jāti).

KHÔNG CÓ SỰ AN TRÚ TRONG NIẾT-BÀN

Như vậy, chúng ta có thế nghĩ dòng tâm thức của vị Thánh A-la-hán đã được an trú trong Niết-Bàn. Nhưng đó là điều không thể xảy ra. Vì sao?

Bởi vì Theo Lời Dạy của Đức Phật, Niết Bàn rỗng không ngũ uẩn hữu, tứ uẩn hữu, và nhất uẩn hữu; Theo Lời Dạy của Đức Phật, Niết-Bàn không có đến, đi, và trụ, và không có sanh và diệt.

Theo Lời Dạy của Đức Phật, trong Niết Bàn tứ đại vô an trú (appaṭṭhita, 無安住), và danh cũng như sắc hoàn toàn dừng lại.[317] Đó là sự diệt của thế gian (loka-nirodha), là sự bất sanh của năm uẩn, bất sanh của sáu nội ngoại xứ,…

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ XẢY RA ĐỐI VỚI THỨC

Bây giờ, điều quan trọng là không để vướng vào tà kiến về sự kiện này: quý vị phải hiểu rằng thức vô an trú không có nghĩa là thức có mặt nhưng không an trú ở bất kỳ nơi đâu; nó không có nghĩa rằng Niết-Bàn là vô vi thức, là cái biết hay tâm; cũng không có nghĩa rằng Niết-Bàn là vô duyên thức (thức không do duyên khởi # vô vi thức) hay cái biết không do điều kiện tạo thành, là vô vi tâm, thuần tịnh tâm hay cái biết độc lập với một đối tượng. Vì theo Lời Dạy của Đức Phật, sự việc như vậy không hề có.

Tôi sẽ tóm tắt lại những sự kiện không thể xảy ra đối với tâm, theo Lời Dạy của Đức Phật:

Theo Lời Dạy của Đức Phật, việc thức (tâm) sanh không có một đối tượng, độc lập với một đối tượng, độc lập với các duyên là điều không thể xảy ra; thức sanh dựa vào một nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ,…hay ý xứ), và một ngoại xứ (sắc xứ, thanh xứ,…hay pháp xứ).

Theo Lời Dạy của Đức Phật, việc thức sanh lên một mình là điều không thể xảy ra; thức luôn luôn sanh phối hợp với các tâm sở.

Theo Lời Dạy của Đức Phật, việc thức (tâm) thường hằng là điều không thể xảy ra; thức là hữu vi (saṅkhata), và do đó có một giai đoạn sanh, một giai đoạn trụ, và một giai đoạn diệt.

Theo Lời Dạy của Đức Phật, việc thức hay tâm là Niết-Bàn là điều không thể xảy ra, vì thức có ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. Trong khi Niết-Bàn cũng vô ngã, nhưng nó lại không vô thường và khổ.Thức là một trong năm uẩn, là Khổ Thánh Đế.

Như vậy, Niết-Bàn không thể là thức, vì Niết-Bàn là Diệt Thánh Đế. Nếu chúng ta nhớ được những sự kiện đơn giản này về thức, chúng ta sẽ không cảm thấy khó hiểu khi Đức Phật nói vị A-la-hán nhập diệt với thức vô an trú, nghĩa là thức của vị ấy không còn sanh khởi nữa.

Quý vị cũng nên nhớ lại những gì Đức Phật đã nói về vị A-la-hán Tỳ-kheo trong bài kinh ‘Dây Trói Buộc’ thứ nhất:

  • Vị ấy được giải thoát khỏi sắc (parimuccati rūpamhā);
  • Vị ấy được giải thoát khỏi thọ (parimuccati vedanāya);
  • Vị ấy được giải thoát khỏi tưởng (parimuccati (saññāya);
  • Vị ấy được giải thoát khỏi hành (parimuccati saṅkhārehi)
  • Vị ấy được giải thoát khỏi thức (parimuccati viññāṇamhā)
  • Vị ấy được giải thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, khỏi bi, khỏi ưu, và khỏi não.
  • ‘Vị ấy được giaỉ thoát khỏi khổ’, Ta tuyên bố như vậy.

VỊ A-LA-HÁN ĐI VỀ ĐÂU?

Liên quan đến điều này, có một câu hỏi khá phổ biến: ‘Sau khi Bát Niết Bàn, vị A-la-hán đi về đâu?’ ‘Sanh thú (nơi thọ sanh) của vị ấy là gì?’ Để trả lời, Tôi sẽ hỏi quý vị một câu hỏi khác: nếu quý vị thắp đèn lên thì sẽ có một ngọn lửa phải không? Khi cây đèn (cầy) đã cháy hết, ngọn lửa ấy đi về đâu? Câu trả lời của quý vị là thế nào? Ngọn lửa chẳng đi về đâu cả: sáp và bấc đã cháy hết và ngọn lửa tắt. Chẳng đi về đâu cả: vị A-la-hán cũng vậy không đi về đâu cả.

Khi chúng ta nói Đức Phật hay các vị A-la-hán khác ‘nhập vào Bát-Niết-Bàn (Parinibbāna)’, điều đó không có nghĩa rằng các vị đi vào một nơi nào mà đó chỉ là một hình thái tu từ mà thôi. Cũng như khi chúng ta nói, ‘Tôi đi ngủ’, thì không có nghĩa là chúng ta đi đâu (để ngủ). Bát Niết-Bàn của vị A-la-hán ngụ ý rằng không có sự sanh khởi của thức sau khi tâm tử diệt: thức được xem là vô an trú. Đó là lý do vì sao Đức Phật nói về bậc A-la-hán:

Ayaṁ, bhikkhave, bhikkhu na katthaci upapajjati

(Vị Tỳ-kheo ấy, nay các Tỳ-kheo, không tái sanh ở bất cứ nơi đâu).

Māra (Ma-vương) không biết được sự đến đi của vị A-la-hán, bởi vì Ma vương không tìm thấy thức tái sanh an trú ở nơi đâu.[325] Chẳng hạn, chúng ta tìm một chữ nào đó trên một trang giấy. Nhưng nếu chữ ấy không được viết trên trang giấy đó, thử hỏi chúng ta có thể thấy nó không?

Vui lòng nhớ lại vần kệ cuối cùng của kinh ‘Châu Báu’ (Ratana) mà chúng tôi đã trích dẫn ở trước. Khi Đức Phật đang tụng bài Kinh Châu Báu này, một ngọn đèn gần bên ngài tắt. Và trong vần kệ cuối của bài kệ, ngài so sanh các vị A-la-hán với ngọn đèn tắt (padīpo) ấy. Ngài nói:

Nibbanti dhīrā yath-āyaṁ padīpo.

(vị ấy chứng Niết-Bàn) giống như ngọn đèn tắt (này).

KẾT LUẬN

Qua sự giải thích này chúng tôi hy vọng quý vị sẽ không có gì phải hoài nghi về thức vô an trú nữa. Nếu còn bất kỳ hoài nghi nào, cho phép chúng tôi đề nghị rằng quý vị nên thấy vấn đề với trực giác trí của mình. Trước hết, hãy giữ giới (sīla). Kế tiếp tu tập định (samādhi), cho đến khi tâm của quý vị bừng sáng, và toả chiếu với ánh sáng của trí tuệ. Rồi dùng ánh sáng ấy để hành thiền quán sắc (rūpa-kamāṭṭhāna) và quán danh (nāma-kammaṭṭhāna) một cách hệ thống. 

Khi hoàn tất công việc đó, quý vị sẽ đạt đến Danh Sắc Xác Định Trí (Nāma-Rūpa-Pariccheda-Ñāṇa). Kế tiếp phân biệt duyên sanh, và đắc Nhân Duyên Phân Biệt Trí (Paccaya-Pariggaha-Ñāṇa). Với trí đó quý vị sẽ vượt qua tất cả hoài nghi liên quan đến sự an trú của thức trong tam giới: đó là lý do vì sao trí ấy được gọi là Đoạn Nghi Thanh Tịnh (Kaṅkhā-Vitaraṇa-visuddhi).

Sau đó, nếu quý vị hành minh sát trên năm uẩn quá khứ, tương lai, và hiện tại, bên trong và bên ngoài, thô và tế, hạ liệt và cao thượng, xa và gần, ba-la-mật của quý vị có thể chín mùi, và quý vị sẽ đạt đến một Đạo & Quả. Rồi tiếp tục thực hành cho đến khi quý vị đạt đến A-la-hán Thánh Quả: những phiền não sẽ Bát Niết-Bàn (Parinibbāna).

Vào cuối kiếp sống đó, quý vị sẽ đạt đến ngũ uẩn Bát-Niết-Bàn. Lúc đó quý vị sẽ tự biết ý nghĩa đích thực của ‘Thức Vô An Trú’ cho chính mình.

VÍ NHƯ, NÀY CÁC TỲ-KHEO, MỘT HOA SEN XANH, ĐỎ, HAY TRẮNG

Bao lâu thức A-la-hán của quý vị vẫn còn an trú, quý vị có thể trú trong thế gian giống như một đoá sen. Quý vị có biết trú trong thế gian giống như một đoá sen có nghĩa là gì không? Nếu không biết quý vị hãy lắng nghe Đức Phật giải thích việc an trú của Phật hoặc các vị A-la-hán khác trong thế gian:

Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm. 

Quý vị có muốn được giống như một đoá sen không? Nếu muốn, quý vị nên biết cần phải làm gì. 

Việc đầu tiên phải làm là phát triển một đức tin mạnh mẽ, và đầy năng lực nơi những vận hành của nghiệp như đã được Đức Phật giải thích. Với đức tin và sự hiểu biết ấy, lúc đó quý vị có thể hoàn thành những thiện nghiệp cao thượng. Với sự vận hành của những thiện nghiệp cao thượng, cuối cùng quý vị có thể đạt đến sự không vận hành của nghiệp.

Cầu mong quý vị sớm thành tựu sự không vận hành của nghiệp.

Cầu mong quý vị sớm đạt đến thức vô an trú.

Cầu mong quý vị sớm trở thành giống như một đoá sen.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app