VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
MỘT SỐ NGHIỆP LÀM MẤT TÁC DỤNG (CHƯỚNG NGHIỆP)- SỐ NGHIỆP KHÁC CỦNG CỐ (TRÌ NGHIỆP)
Chúng ta có thể đề cập đến Hoàng Hậu Mallikā như một ví dụ cho chướng nghiệp và trì nghiệp cùng làm việc trong một kiếp sống. Nguồn gốc ban đầu nàng là một cô gái chuyên bán vòng hoa nghèo nàn với dung sắc bình thường. Một hôm, nàng đi đến công viên, mang theo mấy món tráng miệng để ăn. Trên đường, nàng gặp Đức Phật đang đi khất thực. Đức tin mãnh liệt khởi lên, ngay lập tức nàng đặt hết tất cả những món tráng miệng ấy vào bát của Ngài, với tâm tràn đầy hoan hỷ. Rồi nàng cung kính đảnh lễ Đức Phật. Sau đó, Đức Phật mỉm cười. Và ngài nói với Ānanda rằng do quả của việc cúng dường này, ngay ngày hôm nay Mallikā sẽ trở thành chánh cung hoàng hậu của Vua Pasenadi.
Lúc bấy giờ Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) đang trên lưng ngựa trở về Sāvatthi sau trận đánh thất bại với Vua Ajātasattu (A-xà-thế), và không được vui. Trong khi đó, Mallikā ngồi trong công viên, hát vì hoan hỷ với việc cúng dường vừa làm của mình. Vua Pasenadi nghe tiếng hát của cô, và đi tới gần. Đức Vua trò chuyện với cô, và khám phá ra là cô ta chưa có chồng. Thế là vua ở lại với cô một lúc để được cô an ủi. Sau đó, Đức Vua, được sự cho phép của cha mẹ Mallikā, đã cưới cô về làm vợ, và ngay ngày hôm đó, Vua đã phong cho cô làm chánh cung hoàng hậu. Việc cúng dường với tâm hoan hỷ và việc cung kính đảnh lễ của Mallikā đối với Đức Phật đã làm nhiệm vụ như hiện báo nghiệp (nghiệp cho quả ngay trong hiện tại).
Một hôm, Hoàng Hậu Mallikā đi đến Đức Phật để hỏi Ngài bốn câu hỏi về những vận hành của nghiệp:
- Thứ nhất, Hoàng Hậu Mallikā hỏi tại sao có một số người nữ lại xấu xí, nghèo hèn, và không có thế lực. Đức Phật giải thích rằng nghiệp sân hận và cáu kỉnh trong quá khứ của một người đã khiến cho họ bị xấu xí; nghiệp quá khứ không bố thí, cúng dường, và keo kiệt, bỏn xẻn của một người đã khiến cho họ nghèo khó; và nghiệp quá khứ ganh tỵ với những lợi đắc và danh vọng của người khác đã khiến cho họ không có thế lực. Ở đây, tất cả những nghiệp bất thiện ấy đã làm mất hiệu lực thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người.
- Qua câu chuyện của Mallikā chúng ta có thể thấy rằng bất thiện nghiệp đã gây chướng ngại việc tái sanh làm người của cô ta, vì thế cô đã được sinh ra với dung sắc tầm thường, trong một gia đình của người thợ làm vòng hoa nghèo khó, và không có thế lực.
- Thứ hai, Hoàng Hậu Mallikā hỏi tại sao có một số người nữ tuy xấu xí, nhưng lại giàu sang và có thế lực lớn. Đức Phật giải thích rằng nghiệp sân hận và cáu kỉnh trong quá khứ của một người khiến cho họ xấu xí, trong khi nghiệp cúng dường và bố thí khiến họ được giàu sang, nghiệp không ganh tỵ với lợi đắc, danh vọng của người khác (hoan hỷ-muditā, với thành công của người khác) khiến cho họ là người có thế lực. Ở đây, bất thiện nghiệp sân hận và cáu kỉnh đã gây chướng ngại cho thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người, trong khi thiện nghiệp bố thí và không ganh tỵ thì củng cố cho sanh nghiệp.
- Chúng ta có thể thấy điều này trong trường hợp của Mallikā, thiện nghiệp cúng dường Đức Phật tất cả phần thức ăn của cô đã củng cố cho thiện nghiệp vốn đã cho cô được tái sanh làm người, nhờ vậy cô trở thành chánh cung hoàng hậu của đức Vua Pasenadi, với thế lực rất lớn.
- Thứ ba, Hoàng Hậu Mallikā hỏi tại sao một số người nữ xinh đẹp, nhưng lại nghèo khó và không có thế lực. Đức Phật giải thích rằng nghiệp quá khứ không sân hận và cáu kỉnh của một người đã khiến cho họ được xinh đẹp, trong khi sự keo kiết, bủn xỉn đã làm cho họ nghèo khó, và sự ganh tỵ làm cho họ không có thế lực. Ở đây, thiện nghiệp không sân hận và cáu kỉnh đã củng cố thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người (xinh đẹp), trong khi những bất thiện nghiệp bủn xỉn và ganh tỵ đã làm chướng ngại thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người.
- Thứ tư, Hoàng Hậu Mallikā hỏi tại sao một số người nữ được xinh đẹp, giàu sang, và có thế lực lớn. Đức Phật giải thích rằng nghiệp quá khứ không sân hận và cáu kỉnh của một người làm cho họ được xinh đẹp, bố thí làm cho họ giàu sang, và không ganh tỵ làm cho họ có quyền thế. Ở đây, tất cả những thiện nghiệp đã củng cố thiện nghiệp cho quả tái sanh làm người của họ.
Sau khi nghe xong lời dạy của Đức Phật, Hoàng Hậu Mallikā đã nguyện sẽ không bao giờ sân hận và cáu kỉnh, đồng thời sẽ luôn luôn bố thí, và không bao giờ ganh tỵ đối với những người khác về lợi đắc và danh vọng của họ. Và bà xin quy y nơi Đức Phật.
ĐOẠN NGHIỆP
Đoạn nghiệp (upaghātaka-kamma) làm nhiệm vụ theo ba cách:
- Nó chặn đứng nghiệp yếu hơn, không tạo ra quả, và không cho phép nghiệp khác tạo ra quả của nó.
- Nó chặn đứng nghiệp yếu hơn, không tạo ra quả, và cho phép nghiệp khác tạo ra quả của nó.
- Nó chặn đứng nghiệp yếu hơn, và tạo ra quả của chính nó.
Đoạn nghiệp cũng có bất thiện và thiện. Có thể nói đoạn nghiệp giống như một lực làm dừng lại một mũi tên đang bay, và làm cho mũi tên ấy phải rơi xuống. Chẳng hạn, sanh nghiệp thiện có thể tạo ra tái sanh làm một vị chư thiên, nhưng một đoạn nghiệp bất thiện nào đó thình lình có thể chín mùi khiến cho vị chư thiên ấy phải chết, và tái sanh làm một con thú, hay tái sanh như ngạ quỷ, hoặc tái sanh trong địa ngục.
Đôi khi, đoạn nghiệp làm việc y như cách chướng nghiệp làm việc, nghĩa là nó chặn đứng quả của một nghiệp yếu hơn chỉ trong một kiếp sống. Điều đó có nghĩa rằng nghiệp yếu hơn này vẫn có thể tạo ra quả trong một kiếp sau nào đó.
CÁC CHƯ THIÊN THỐI ĐOẠ
Chẳng hạn, những chư thiên đoạ lạc từ thiên giới là những chư thiên mà tâm của họ đã bị hư hỏng do hưởng thụ quá mức hoặc ganh tỵ quá mức.[212] Những chư thiên thối đoạ do chơi (khiḍḍa-padosika), nghĩa là do tham dự vào những cuộc chơi và hưởng thụ thái quá. Do chơi thái quá như vậy, họ trở thành như những kẻ say sưa, không còn kiểm soát được mình. Vì lý do đó, một nghiệp bất thiện sẽ chặn đứng thiện nghiệp tạo ra sự tái sanh chư thiên của họ, vì vậy họ phải chết và chịu một sự tái sanh bất hạnh. Và những chư thiên thối đoạ do tâm (mano-padosika) trở nên rất ganh tỵ khi nhìn thấy chư thiên khác xinh đẹp hơn, hay thấy những toà thiên cung khác lộng lẫy hơn,…Và trong trường hợp này cũng vậy, một nghiệp bất thiện sẽ chặn đứng thiện nghiệp vốn tạo ra tái sanh chư thiên của họ, vì vậy họ chết và chịu một sự tái sanh bất hạnh.
VUAA-XÀ-THẾ
Một lần nữa chúng ta có thể đề cập đến Vua Ajātaāttu (A-xà-thế) như một ví dụ. Vua là người đã được Đức Phật dạy cho một bài kinh quan trọng, đó là Kinh Sa-Môn Quả (Sāmañña-Phala-Sutta). Và đức Vua có đủ Ba-la-mật để đắc Nhập Lưu ngay lúc đó. Nhưng trọng nghiệp bất thiện giết cha đã chặn đứng các ba-la-mật của vua, vì thế ông vẫn còn là một phàm nhân (puthujjana). Tuy nhiên, trong tương lai xa, những ba-la-mật ấy sẽ giúp vua trở thành một vị Phật Độc Giác gọi là Vijitāvī.
TÔN GIẢ ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA
Trường hợp của Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có thể được đề cập lại ở đây. Chúng ta biết Đề-bà-đạt-đa rất thiện xảo trong tám thiền chứng: bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc. Ông cũng rất thiện xảo trong năm thần thông hiệp thế. Mặc dù vậy, ông vẫn chưa đắc một Đạo Quả nào, và còn là một phàm nhân. Và khi ông khởi lên ý định muốn thay thế địa vị của Đức Phật như người lãnh đạo Tăng Chúng, nghiệp bất thiện đó đã chặn đứng thiện nghiệp thiền của ông, vì thế ông mất hết thiền và các năng lực thần thông. Tuy nhiên, trong tương lai xa thiện nghiệp thiền này của ông sẽ tạo ra hay củng cố cho sự tạo ra các bậc thiền của ông trở lại, và nhất là nó còn giúp ông trở thành một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha).
BĀHIYADĀRUCĪRIYA
Lại nữa, đoạn nghiệp còn có thể cắt đứt hoàn toàn một nghiệp khác, khiến nghiệp này không còn tạo ra quả của nó được nữa. Ở đây, trường hợp của Bāhiya Dārucīriya có thể xem là một ví dụ. Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa, ông và sáu vị Tỳ-kheo khác đã trèo lên chóp một ngọn núi để hành thiền. Họ đã xô bỏ cái thang mà họ đã dùng để trèo lên để không ai còn có thể trèo xuống. Ngày đầu tiên, một người trong họ đắc A-la-hán, ngày thứ hai một người khác trở thành bậc Thánh Bất lai, trong khi năm người còn lại (gồm luôn Bāhiya) chết mà không đắc một Đạo Quả nào. Họ được tái sanh thiên giới, và đến thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca chúng ta, cả năm đều tái sanh làm người.
Bāhiya trở thành một thương buôn, và trong một chuyến đi buôn ông bị đắm tàu, nhưng tắp được vào bờ nhờ một miếng ván. Sau khi đã mất hết cả quần áo, ông che thân bằng một tấm vỏ cây, và đi đây đó xin ăn. Người ta nghĩ ông chắc phải là một bậc Thánh A-la-hán (vì cách ăn mặc này), và cuối cùng ông cũng đinh ninh mình là bậc A-la-hán. Cứ thế, ông nghiễm nhiên trở thành một nhà tu khổ hạnh được nhiều người tôn kính. Tuy nhiên, một vị Thánh A-na-hàm là bạn của ông trong tiền kiếp thời Đức Phật Kassapa (người đã được tái sanh Phạm Thiên Giới) đã nói ông không phải là bậc A-la-hán, cũng không phải đang thực hành trên con đường trở thành A-la-hán. Lúc đó Bāhiya Dārucīriya mới hỏi vị Phạm Thiên xem trên thế gian này có ai là bậc A-la-hán, và đang dạy con đường để đạt đến A-la-hán không. Vị Phạm Thiên đã bảo ông nên đi đến gặp Đức Phật.
Nghe lời, Bāhiya đi đến chùa Kỳ Viên (Jetavana) ở Sāvatthi (Xá-vệ), nơi đây Đức Phật đang trú ngụ. Nhưng Đức Phật đã đi khất thực. Vì thế Bāhiya lại phải đi vào thành Xá-vệ để tìm Đức Phật. Khi tìm được Đức Phật, ông đã thỉnh cầu Ngài dạy Pháp cho ông. Nhưng Đức Phật thấy rằng Bāhiya lúc ấy đang quá phấn khích không thể hiểu Pháp được. Vì thế Ngài nói rằng đó không phải lúc (để giảng Pháp), và từ chối. Bāhiya lại thỉnh cầu trở lại, và nói rằng Đức Phật có thể chết trước khi Bāhiya có được lời dạy (của ngài), hoặc Bāhiya này có thể chết (trước khi nghe được Pháp). Đức Phật thấy rằng quả thực Bāhiya sẽ chết trong ngày hôm ấy, nhưng ngài lại từ chối. Và lần thứ ba Bāhiya thỉnh cầu Đức Phật. Lúc đó, biết rằng tâm của Bāhiya đã lắng yên, và Đức Phật dạy cho ông bài pháp ngắn gọn và nổi tiếng này:
“Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri “. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập.
Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Thời, này Bàhiva, ông không là cái (thấy, nghe,…) ấy. Vì rằng, này Bàhiya, ông không phải là cái ấy, do đó khôngcó Bāhiya ở đó; vì rằng Bāhiya không có ở đó, nên Bāhiya cũng chẳng là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy, đây là sự đoạn tận khổ đau.
Quý vị có hiểu lời dạy này không? Bāhiya Dārucīriya không những hiểu được lời dạy ngắn gọn này, mà thậm chí ngay lúc đó, ông còn đắc A-la-hán Thánh Quả nữa: điều đó cho thấy các ba-la-mật của ông mạnh mẽ như thế nào. Nhưng không lâu sau đó (như Đức Phật đã biết trước) Bāhiya bị một con bò húc chết. Mặc dù có đủ ba-la-mật như vậy, nghiệp tạo ra tái sanh làm người của ông cũng vẫn bị cắt đứt bởi bất thiện nghiệp giết chết một cô gái điếm trong quá khứ, do đó mà thọ mạng của ông bị ngắn lại.
Tuy nhiên nhờ đắc A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa), tất cả phiền não đã bị tiêu diệt và ông nhập vào Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna)
TÔN GIẢ AṄGULIMLA
Một ví dụ khác cho thấy đoạn nghiệp có thể cắt đứt hoàn toàn nghiệp khác như thế nào là trường hợp của Tôn giả Aṅgulimāla. Trước khi xuất gia làm Tỳ kheo, ông đã giết rất nhiều người, như vậy ông đã hoàn thành vô số nghiệp bất thiện. Nhưng sau khi xuất gia làm Tỳ kheo, ông thọ trì tăng thượng giới học của vị Tỳ kheo (227 giới của Tỳ kheo). Kế đó, theo sự chỉ dạy của Đức Phật, ông thực hành tăng thượng tâm học (hành thiền định), và tăng thượng tuệ học (hành thiền minh sát), và đắc A-la-hán Thánh Đạo Trí (Arahatta-Magga-Ñāṇa) cũng như A-la-hán Thánh Quả Trí (Arahatta-Phala-Ñāṇa). A-la-hán Thánh Đạo Trí đã làm nhiệm vụ như đoạn nghiệp thiện cho quả ngay trong hiện tại, để cắt đứt tất cả những bất thiện nghiệp và thiện nghiệp có khả năng tạo ra quả tái sanh mà ngài đã hoàn thành trong kiếp đó cũng như trong vô lượng kiếp trước: tất cả những nghiệp này đều trở thành vô hiệu lực. Điều đó có nghĩa rằng ngài sẽ không bao giờ phải tái sanh trở lại nữa.