VẬN HÀNH CỦA NGHIỆP
CHƯỚNG NGHIỆP
Nhiệm vụ của chướng nghiệp (upapīḷaka-kamma) là để làm mất tác dụng và cản trở (sanh nghiệp). Nó làm cho kết quả của nghiệp khác mất tác dụng nhưng không tạo ra một quả nào của riêng nó. Chướng nghiệp cũng có thể là bất thiện hoặc thiện: bất thiện nghiệp làm mất tác dụng thiện nghiệp, và thiện nghiệp làm mất tác dụng bất thiện nghiệp.
Chẳng hạn, khi thiện nghiệp của một người làm nhiệm vụ như sanh nghiệp để tạo ra tái sanh làm người, chướng nghiệp bất thiện có thể làm phát sanh những chứng bệnh thích hợp để ngăn không cho người ấy hưởng những quả an vui mà sanh nghiệp thiện đúng lẽ sẽ tạo ra nếu không có nó. Như vậy, ngay cả những quả của sanh nghiệp mạnh mẽ cũng có thể bị mất tác dụng bởi nghiệp được xem là đối nghịch trực tiếp với nó.
Bất thiện nghiệp có thể làm mất tác dụng thiện nghiệp vốn tạo ra tái sanh trong một cảnh giới cao hơn vì thế một người phải bị tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, và thiện nghiệp có thể làm mất tác dụng bất thiện nghiệp tạo ra tái sanh trong địa ngục lớn vì thế một người chỉ còn tái sanh vào một địa ngục nhỏ hơn hay trong ngạ quỷ giới mà thôi. Bất thiện nghiệp cũng có thể làm mất tác dụng một thiện nghiệp tạo ra tái sanh trường thọ, vì thế, một người chỉ còn một cuộc sống ngăn ngủi. Bất thiện nghiệp có thể làm mất tác dụng thiện nghiệp tạo ra tái sanh đẹp đẽ vì thế một người phải có một diện mạo xấu xí hoặc bình thường. Cuối cùng, bất thiện nghiệp có thể làm mất tác dụng thiện nghiệp tạo ra tái sanh trong một gia đình thượng lưu vì thế một người phải bị tái sanh vào một gia đình hạ đẳng.
VUA TẦN-BÀ-SA-LA(BIMBISĀRA)
Một ví dụ về trường hợp bất thiện nghiệp làm mất tác dụng cảnh giới tái sanh là Đức Vua Tần-bà-sa-la, cha của Vua A-xà-thế. Vua Tần-bà-sa-la là một bậc Thánh Nhập Lưu và là một đại hộ pháp cho Đức Phật và Tăng Chúng: rất được thần dân của ông yêu quý. Với tất cả những thiện nghiệp đã tạo, lẽ ra vua có thể tái sanh làm một vị chư thiên cõi cao. Nhưng do bị dính mắc vào cuộc sống như một vị chư thiên, nên đức vua đã phải tái sanh làm một vị chư thiên cấp thấp, trong nhóm chư thiên tuỳ tùng của Tỳ-Sa-Môn Thiên Vương (Vessavaṇa), một trong Tứ Đại Thiên Vương (Cātu-Mahā-Rājikā).
CÁC VỊ TỲ-KHEO TÁI SANH LÀM NHẠC CÔNG TRÊN CÕI TRỜI
Một ví dụ về nghiệp bất thiện làm mất tác dụng cảnh giới tái sanh là câu chuyện về ba vị Tỳ-kheo giới đức đề cập trong Kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakka-Pañhā-Sutta). Kinh nói rằng, dựa trên giới trong sạch của mình, ba vị Tỳ kheo này đã hành thiền chỉ và thiền Minh sát thành công, nhưng các vị không đắc một tầng Thánh nào cả. Tuy nhiên giới của các vị trong sạch đến mức nếu muốn sanh về cõi chư thiên nào các vị chắc chắn sẽ được sanh về đó. Ngoài ra, vì các vị đã đắc các bậc thiền, nên các vị cũng có thể được tái sanh vào một trong những Phạm Thiên giới. Nhưng vào lúc chết, các vị đã không tái sanh về Phạm Thiên giới, mà lại tái sanh như những nhạc công và vũ công trong cõi chư thiên Càn-thát-bà (Gandhabba). Tại sao? Bởi vì trong nhiều kiếp quá khứ các vị đã từng nhìn thấy những vị chư thiên như vậy. Vì thế những thiện nghiệp cao thượng của các vị đã bị sự luyến ái đối với cuộc sống của các nhạc công và vũ công trong cõi Tứ Đại Thiên Vương (Cātu-Mahā-Rājikā) này làm cho mất tác dụng.
VUA A-XÀ-THẾ
Kế tiếp, chúng ta có thể đề cập đến Vua A-xà-thế (Ajātasatu) như một ví dụ về thiện nghiệp làm mất tác dụng cảnh giới tái sanh (xấu). A-xà-thế đã giết chết cha của mình: Đức vua Tần-bà-sa-la, người mà chúng ta vừa đề cập ở trên. Như đã nói, giết cha là một trong sáu trọng nghiệp bất thiện (akusala-garuka kamma). Những trọng nghiệp này sẽ tạo ra tái sanh trong A-tỳ Địa Ngục. Tuy nhiên, sau đó Vua A-xà-thế đã kiến tạo được đức tin rất lớn nơi Đức Phật và Giáo Pháp của ngài. Đức tin này có sức mạnh thiện đến độ nó đã làm cho trọng nghiệp bất thiện mất tác dụng, và thay vì phải bị tái sanh trong A-tỳ Địa Ngục, vua đã tái sanh trong một địa ngục nhỏ hơn (ussada), và trong một thời gian cũng ngắn hơn. Trong tương lai, vua sẽ trở thành một vị Phật Độc
Giác với tên Vijitāvī. Vào lúc Bát-Niết-Bàn, vua sẽ thoát khỏi mọi khổ đau.
NỮ TỲ KHUJJUTTARĀ
Đối với trường hợp nghiệp bất thiện làm mất tác dụng địa vị của con người, chúng ta có thể kể đến nữ tỳ Khujjuttarā, như một ví dụ: cô là nữ tỳ của Hoàng Hậu Sāmāvati.
Có lần, trong một kiếp quá khứ, cô đã nhại một Vị Phật Độc Giác vì vị này hơi bị gù lưng. Nghiệp bất thiện đó đã làm chướng ngại việc tái sanh làm người của cô, vì thế mà cô bị gù lưng.
Trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Ca-diếp, cô là con gái của một viên trưởng khố, cô có một người bạn gái là Tỳ-kheo ni đã đắc A-la-hán. Ngày nọ, trong khi Khujjuttarā đang ngồi trang điểm, vị Tỳ-kheo ni bạn tới thăm. Do người hầu gái của Khujjuttarā không có ở đó, nên Khujjuttarā đã nhờ vị Tỳ kheo Ni này này lấy giùm cho mình chiếc giỏ đựng đồ trang sức. Vị Thánh Ni này biết rằng nếu cô từ chối, Khujjuttarā sẽ mang lòng oán hận, mà điều này sẽ đưa cô ta xuống địa ngục khi tái sanh. Ngược lại, nếu cô nghe lời, Khujjuttarā sẽ phải tái sanh làm nữ tỳ. Trong hai sự chọn lựa, cách sau vẫn tốt hơn, vì thế Thánh Ni này đã trao cái giỏ trang sức cho Khujjuttarā. Nghiệp bất thiện nhờ một vị Thánh A-la-hán phục vụ mình này đã làm chướng ngại việc tái sanh làm người của cô ta, và cô ta phải sanh làm một nữ tỳ.
CHƯỚNG NGHIỆP TRONG CUỘC SỐNG
Cũng vậy, trong đời sống hàng ngày, có vô số những trường hợp chướng nghiệp can thiệp vào cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, nghiệp bất thiện trong cõi người sẽ làm chướng ngại thiện nghiệp tạo ra năm uẩn, nghĩa là nó sẽ giúp cho nghiệp bất thiện chín mùi sớm hơn để tạo ra khổ đau và thất bại trong các lãnh vực sức khoẻ, tài sản, gia đình và bè bạn… Ngược lại, trong cõi ngạ quỷ và súc sanh, chướng nghiệp thiện có thể làm mất tác dụng sanh nghiệp bất thiện vốn đã tạo ra sự tái sanh bất hạnh của chúng sanh này, và góp phần tạo ra cho họ những cơ hội thanh thản và an vui hơn.